Bóng người xưa, chương 05 cont.
Chương 05 cont.
Bà Lợi cười nói:
- Chưa chi đã dặn lần.
Khi bà Lợi và Thúy Ái loay hoay dưới nhà bếp, thì Anh Kiệt nói chuyện với ông Võ ở nhà trên. Hai cô cháu tha hồ tâm sự.
Bà Lợi hỏi:
- Chồng cháu có cha mẹ gì không và là người ở đâu?
Thúy Ái kể rõ cho cô nghe về Anh Kiệt. Bà Lợi vui mừng:
- Cô hết sức vui mừng khi thấy cháu được sung sướng. Cô mong cháu hưởng hạnh phúc mãi mãi. Cháu định ở đây chơi với cô mấy hôm?
- Chiều nay thì hai cháu xin về, vì ngày cưới sắp đến. Cưới xong chúng cháu lại về tận ngoài Huế, xa lắm.
Thật là một ngày vui nhất trong đời bà Lợi. Bà thấy công bà nuôi nấng Thúy Ái đã có kết quả lớn lao ngoài sức tưởng tượng. Thúy Ái cao lớn và đẹp hơn trước nhiều.
Trước khi ra về, Anh Kiệt đưa bà Lợi năm ngàn đồng và nói:
- Đây là món tiền nhỏ, hai cháu kính tặng cô để cô thêm vốn làm ăn.
Bà Lợi mừng đến rơi lệ. Rồi Thúy Ái ra về để lại bao nhiêu xúc động trong lòng người đàn bà cằn cỗi ấy.
Trên đường về, Anh Kiệt nói:
- Mình giúp cô có là bao, mà thấy cô sung sướng, mình cũng sung sướng lây. Như vậy ở đời chỉ có sự làm phải là đem lại cho người ta sự yên vui.
Thấy Thúy Ái tỏ vẻ cảm ơn mình đã giúp nàng đền đáp phần nào cái ơn của người cô, Anh Kiệt tươi cười tiếp:
- Đó là bổn phận của anh nữa chớ, đâu phải là bổn phận riêng của em.
Anh Kiệt không muốn nói đến chuyện ơn nghĩa liền nói sang chuyện khác:
- Em có còn đi thăm ai nữa không? Chúng ta sẽ đi cho rồi vì sau khi làm lễ cưới thì chúng ta phải về Huế ngay, và có lẽ phải ở đó lâu.
Thúy Ái suy nghĩ một lát rồi nói:
- Em chả có quen với ai mà phải đến thăm. Nếu có dịp vào Sài Gòn thì ghé thăm ông bà bác sĩ , chủ cũ của em. Nhưng ngày giờ cận quá rồi, để khi khác chớ biết sao. Anh định về Huế liền sau khi làm lễ cưới à?
- Chớ anh có nhà cửa gì ở đây mà ở? Aø, hiện giờ ở Huế anh có đến hai cái biệt thự để về đấy em lựa, thích ở cái nào thì ở.
- Tùy anh hơn, em biết gì mà lựa kia chứ.
- Em không nên nói như thế. Hồi nào đến giờ em tỏ ra là người cương quyết, sao lại nói như thế? Còn nhà của anh, anh cũng phải nói trước cho em nghe qua và hiểu. Hiện anh có ba người giúp việc hết sức trung thành, người thứ nhất là bà Chín, vú già của anh. Anh xem vú già như một thân thích, bao nhiêu công việc trong nhà, anh giao cả cho vú già. Chính trong những năm anh đi vắng, vú già đã thay thế anh mà thâu lúa, thâu tiền. Vú già yêu anh lắm, đã chịu sống những ngày lẻ loi vì anh, vì muốn lo cho anh. Vú già cũng rất yêu Lệ Hằng, và đối với vú già, kỷ niệm của Lệ Hằng thật không sao lu mờ. Vì vậy đối với vú già, em nên cẩn thận để gây tình cảm với vú. Trong gia đình có được một người lớn tuổi, giúp đỡ chúng ta là một điều may mắn lắm, em ạ.
Thúy Ái hỏi:
- Vú già năm nay được bao nhiêu tuổi?
- Ngoài năm chục tuổi. Người thứ hai là chị Lý, một chị bếp có nhiều tài. Cũng đã giúp anh hơn mười năm, và trước kia là Lệ Hằng khen chị Lý lắm. Người thứ ba là chú Ba làm vườn. Chú này đã quen việc…
Thúy Ái suy nghĩ một lát rồi hỏi:
- Tại sao anh không thay những người giúp việc khác?
Anh Kiệt ngạc nhiên:
- Em muốn anh thay hết các người giúp việc à? Sao vậy? Những người này rất quen việc, tìm người khác công việc sẽ chậm trễ. Nhưng là anh nói về hai người bếp và làm vườn, chớ còn vú già thì không bao giờ anh có ý nghĩ tìm người khác thay vú.
- Không, em không dám bảo là thay vú Chín. Gọi vú Chín thì hay hơn gọi vú già.
- Ưø, thì chúng ta gọi vú Chín. Anh xem vú Chín như người mẹ thứ hai… Vả lại, vú Chín trước kia ở giúp cho thầy mẹ anh, mẹ anh xem vú Chín như một người bạn.
Tự nhiên Thúy Ái có vẻ lo nghĩ. Nàng hỏi:
- Vú Chín yêu chị Lệ Hằng lắm phải không?
Anh Kiệt nói:
- Yêu nhiều lắm. Nên bây giờ, khi thấy anh thay đổi tất cả trong nhà, vú Chín buồn lắm.
- Thay đổi trong nhà mà vú Chín buồn, thì chuyện anh cưới em chắc vú Chín không tán thành rồi. Phải thế không anh? Mà vú Chín không tán thành thì những người giúp việc trong nhà anh, có ai tán thành việc hôn nhân này đâu.
Thúy Ái nói bằng một giọng buồn rầu khiến Anh Kiệt hiểu Thúy Ái đang lo nghĩ nhiều về việc nàng là người đến sau. Có lẽ vì thế mà Thúy Ái có ý nghĩ thay đổi người giúp việc trong nhà chăng?
Anh Kiệt nói:
- Tại họ mới biết Lệ Hằng, chưa biết em. Nay mai họ biết em thì rồi họ sẽ yêu quí em như đã yêu quí Lệ Hằng. Người em dễ gây cảm tình lắm. Anh thấy em còn đáng quí hơn Lệ Hằng nhiều. Con người ta có biết nhau mới quí nhau. Vú Chín chưa biết em làm sao quí em được?
Thúy Ái có vẻ suy nghĩ, hình như không cần nghe lời giảng giải của Anh Kiệt.
Điều mà Thúy Ái lo ngại là phải chạm trán các người giúp việc cũ của Anh Kiệt, nhất là với vú già. Một áng mây mờ đang bao phủ quanh nàng.
Anh Kiệt vỗ nhẹ vai Thúy Ái và nói:
- Kìa, đừng có suy nghĩ vơ vẫn mà mất vui. Để về ngoài ấy rồi anh sẽ tìm cách làm vừa ý em.
Thúy Ái đổi buồn làm vui:
- Không, em tin hoàn toàn nơi anh, em có lo ngại gì đâu. Chỉ ngại là em quá nhỏ tuổi, chưa biết cư xử với đời ra sao…
- Thôi, đừng nói đến việc ấy nữa, mất vui. Em mà đến Huế là em vừa lòng ngaỵ Và miễn em yêu anh là đủ. Em không nghe người ta nói: Khi yêu nhau, hai linh hồn trẻ ấy có thể sống trong túp lều tranh và uống nước lã cũng vẫn vui sướng.
Thúy Ái là con người thực tế, nghe Anh Kiệt nói thế liền cười và nói:
- Em không tin như thế.
Xe chạy vùn vụt… Chẳng bao lâu đã về đến Nha Trang. Các đứa bé con bà Nghĩa đón mừng Anh Kiệt và Thúy Ái hết sức vui vẻ. Thúy Ái hỏi:
- Các em có nhớ chị không?
Nghe Thúy Ái hỏi thế, Ánh Hoa òa lên khóc, làm như nó đã dồn dập chất chứa cái buồn trong hai hôm nay.
Thúy Ái ôm Ánh Hoa vào lòng, nâng niu:
- Kìa, chị về thì em mừng, sao em lại khóc?
Tức tưởi, Ánh Hoa nói:
- Chị về rồi chị lại đi. Mẹ bảo là Anh Kiệt sẽ dẫn chị đi Huế và lâu lắm chị mới trở vào với chúng em!
- Mẹ nói với em như thế à? Chị sẽ giảng giải em nghe sau.
- Em không nghe gì cả! Anh Kiệt xấu lắm, cướp mất chị Thúy Ái của em.
Trọng Lang và Trọng Minh cũng nói:
- Chị đi với anh Kiệt, bỏ chúng em!
Cả ba đứa trẻ, đứa nào cũng vẻ mặt buồn hiu, khiến Thúy Ái cảm động quá…
Rời bỏ chuỗi ngày ấm êm này để bước chân vào một cuộc đời mới, Thúy Ái đã bỏ mất ba mối tình đẹp đẽ, thơ ngây. Nhưng làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ, đời người là một dây dài biệt ly và đoàn tụ… Hôm nay biệt ly để ngày mai đoàn tụ. Con người ta nay đây mai đó, gieo rắc ở chỗ này một vài chút cảm tình, gặt hái ở chỗ khác vài mối thiện cảm, để rồi giũ áo ra đi nơi khác và gây lại bao nhiêu cảm tình khác. Để đây vài chút nhớ thương, tìm lại chỗ khác vài tình bạn chân thật, cái kiếp sống của con người là thế.
Thúy Ái nói:
- Các em làm chị buồn quá.
Bà Nghĩa ra kịp, rầy ba con. Anh Kiệt lại mỉm cười:
- Các em lại oán cháu rồi thím ạ.
Thúy Ái dắt Ánh Hoa về phòng, dỗ dành:
- Em đừng buồn, chị sẽ vào ở đây với em.
Ánh Hoa lắc đầu:
- Chị xí gạt em, em không tin.
Nhưng rồi ngày cưới của Anh Kiệt và Thúy Ái cũng đã đến.
Oâng bà Nghĩa quen biết nhiều nên khách khứa rất đông và ai cũng mừng cho Thúy Ái có phước được ông bà Nghĩa đứng làm chủ hôn.
Tiệc kéo dài suốt ngày, trong tiếng cười giọng nói. Thúy Ái đã sống những phát tưng bừng náo nhiệt nhất trong đời nàng.
Sáng hôm sau, Anh Kiệt và Thúy Ái lên đường thật sớm để tránh sự bịn rịn của Ánh Hoa.
Ánh Hoa biết Thúy Ái sắp xa nó, nên suốt ngày cưới nó cứ lẩn quẩn một bên Thúy Ái, nó phụng phịu với Anh Kiệt, bảo Anh Kiệt xấu, ăn cướp chị Thúy Ái của nó.
Lái chiếc xe mới của ông bà Nghĩa cho, Anh Kiệt khoan khoái nói:
- Chà, chiếc xe này chạy êm quá, thật là đáng tiền.
Thúy Ái chỉ chiếc đồng hồ tay và nói:
- Thím Nghĩa tặng em chiếc đồng hồ này, có lẽ cũng đắt tiền lắm.
Anh Kiệt cười:
- Đồ của thím Nghĩa tặng thì chắc là đắt tiền. Nhưng sao thím Nghĩa lại yêu mến em đến như vậy? Nhiều người bảo thím ít thích đàn bà lắm, thím bảo đàn bà nhiều chuyện. Với em, thím lại tử tế, cũng là một chuyện lạ. Như thế thì em làm gì không được vú Chín yêu quí.
Anh Kiệt lại gợi đến chuyện vú Chín, khiến Thúy Ái nói:
- Vâng, thì em cũng phải làm sao gây cảm tình với vú Chín chớ.
Phong cảnh hai bên đường hết sức đẹp. Thúy Ái nhìn không chán. Thỉnh thoảng nàng lại nhìn Anh Kiệt một cách yêu mến.
Anh Kiệt cho xe nghỉ ở các tỉnh và hai người lại xuống đi dạo phố, hoặc mua thêm vài thứ thổ sản để đem về dùng.
Vừa đi vừa nghỉ, đến ba ngày họ mới về đến Huế.
Khi chiếc xe qua cầu Trường Tiền, lòng Thúy Ái hồi hộp lạ. Nàng sắp đụng đầu với vú Chín, người yêu Lệ Hằng và nhất định giữ mãi hình ảnh của Lệ Hằng trong đời.
Anh Kiệt choàng một tay qua vai Thúy Ái và nói:
- Sắp đến nhà rồi em ạ. Em thấy chưa. Chúng ta đi ra khỏi châu thành, đi về vùng ngoại ô, em thấy phong cảnh ở đây có đẹp không?
Thúy Ái nghe Anh Kiệt hỏi liền đáp:
- Đẹp lắm. Gần đến chưa anh?
- Sắp đến rồi. Biệt thự Trường Kha này trước kia của một ông hoàng. Oâng chết, bà hoàng thua cờ bạc mới bán cho anh. Rộng lớn lắm, cả năm sáu chục gia đình ở không hết và cái vườn thì mênh mông, bát ngát.
- Thế à. Thế mà chỉ có hai chúng ta thì ở sao cho hết? Mà anh thì lại hay đi. Em làm gì cho hết thì giờ trong cái biệt thự to rộng ấy?
Anh Kiệt muốn nói: “Thế mà Lệ Hằng vẫn sống vui vẻ và đầy đủ trong ba năm tròn thì sao…”
Nhưng Anh Kiệt không dám nói câu ấy cho Thúy Ái nghe, sợ vô ý lại nhắc đến kỷ niệm cũ. Sự thật thì Anh Kiệt không còn yêu Lệ Hằng tha thiết như trước. Trong đầu óc Anh Kiệt giờ đây, hình bóng Lệ Hằng chỉ còn lờ mờ.
Anh Kiệt hết sức yêu quí Thúy Ái. Chàng cố đem đến cho đời nàng tất cả hạnh phúc.
- Em sẽ tìm cách dùng thì giờ và rồi em sẽ thích ở đấy mãi mãi, phong cảnh ở đây đẹp lắm. Chúng ta sắp tới rồi.
Chiếc xe chạy ngang qua một cái quán cất ở bên đường. Cái quán tuy nhỏ nhưng trông rất sạch sẽ. Nó nổi bật hẳn lên giữa những mái lều tranh lụp xụp. Anh Kiệt chỉ vào cái quán và nói:
- Đây là quán Vĩnh Phát, ông chủ quán quen với anh nhiều lắm, ở đây có tiếng nấu ăn ngon. Cứ mỗi buổi chiều, các vương tôn công tử ở Huế ra đây. Chúng ta ghé vào đây uống nước em nhé.
Thúy Ái nói:
- Sắp về nhà rồi thì còn ghé đây làm gì?
Nhưng Anh Kiệt muốn giới thiệu với ông Vĩnh Phát người vợ mới của mình. Trước kia, Lệ Hằng thường đến đây ăn uống với Anh Kiệt và mọi người trong quán ai cũng yêu mến và ca tụng sắc đẹp và tánh tình của Lệ Hằng.
- Chúng ta xuống đây nghỉ một lát. Anh giới thiệu em với ông bà Vĩnh Phát. Để sau này khi anh bận việc, em ra đây chơi cho vui.
Anh Kiệt cho xe ngừng. Thấy chiếc xe lạ, kiểu tối tân, ông bà Vĩnh Phát chạy ra đón. Khi nhận ra là kỹ sư Anh Kiệt, ông bà Vĩnh Phát mừng rỡ hỏi:
- Hôm nay ông kỹ sư rước bà về đây. Chúng tôi có nghe nói, định mang đồ lại mừng, nhưng chưa biết hôm nào ông về đến.
Oâng bà Vĩnh Phát nhìn Thúy Ái bằng cặp mắt tò mò khiến Thúy Ái hơi khó chịu.
Các người giúp việc trong quán đều đổ ra nhìn mặt Thúy Ái.
Thúy Ái thấy họ hình như không hài lòng trước vẻ đẹp không được lộng lẫy của nàng, nên nàng ngượng nghịu, vụng về.
Bà Vĩnh Phát nói:
- Xin rước ông bà vào nhà dùng vài ly nước.
Thúy Ái kéo tay Anh Kiệt và nói nho nhỏ:
- Chúng ta về vậy.
Bà Vĩnh Phát có lẽ đã đoán được ý Thúy Ái, nói mát:
- Bà kỹ sư gấp về nhà?
Anh Kiệt đỡ lời:
- Oâng bà tử tế quá. Nhưng ai cho ông bà hay tôi đi cưới vợ để đòi đi mừng đó?
Với nụ cười xã giao, bà Vĩnh Phát đáp:
- Thì tôi đoán, chớ khó gì. Chẳng lẽ ông kỹ sư ở vậy mãi?
Nói đến đây, bà Vĩnh Phát ra vẻ thương tiếc, nói:
- Kể ra thì bà kỹ sư trước đáng tiếc lắm.
Rồi cặp mắt bà Vĩnh Phát lại dán vào Thúy Ái, như để nói khéo rằng Thúy Ái kém Lệ Hằng xa.
Anh Kiệt sợ đứng đây lâu thì bà Vĩnh Phát sẽ nói nữa, nói nhiều về Lệ Hằng, cái điều mà chàng không muốn bao giờ.
- Thôi, gọi là ghé lại chào hai ông bà, để khi khác chúng lại đến đây, cho vợ tôi nhắm qua các món ăn đặc biệt ở Huế.
Nói xong, Anh Kiệt choàng tay qua lưng Thúy Ái. Cái cử chỉ êm đẹp ấy làm cho Thúy Ái cảm động. Nàng biết Anh Kiệt cố ý tỏ cho mọi người thấy rằng tuy Thúy Ái không đẹp bằng Lệ Hằng, nhưng chàng vẫn yêu quí nàng.
Hai người lên xe, xe lại chạy và chẳng bao lâu đã đến biệt thự Trường Kha.
Lòng Thúy Ái hồi hộp theo những tiếng còi xe báo hiệu của Anh Kiệt.
- Anh bóp còi để báo hiệu với vú Chín.
Quả thật khi xe đến trước cổng nhà thì chú Ba đã đứng chực sẵn, mở rộng hai cánh cửa sắt. Xe từ từ chạy vào con đường trải sỏi, hai bên là hai hàng cam xanh mướt.
Xe đỗ trước thềm và vú Chín mặc áo dài đứng đón sẵn tại đó.
Anh Kiệt bảo nhỏ với Thúy Ái:
- Vú Chín đó!
Thúy Ái không ngờ vú Chín còn xinh đẹp trong tuổi già như thế. Mới trông, người ta có thể tưởng vú Chín mới ngoài ba mươi tuổi. Trên mặt vú Chín chưa có một nếp nhăn nào. Người vú tha thướt và có vẻ quí phái lắm, da trắng hồng hào, cặp mắt trong sáng.
Anh Kiệt mở cửa xe, đẩy Thúy Ái ra và gọi lớn:
- Vú Chín ới Thúy Ái đã về tới đây nè!
Vú Chín vẻ mặt dửng dưng, nhìn Thúy Ái, cúi đầu chào, không nói một tiếng.
Thúy Ái cúi đầu chào lại và nàng khó chịu trước cái nhìn quá khắt khe của vú Chín.
Vú Chín nhìn Thúy Ái từ đầu đến cuối, vẻ mặt lạnh lùng.
Anh Kiệt là đàn ông, Anh Kiệt làm sao hiểu được cái nhìn ấy. Chỉ có đàn bà với đàn bà là hiểu nhau.
Qua cái nhìn ấy, Thúy Ái thấy nàng khó mà gây được cảm tình với vú Chín.
Anh Kiệt nhảy lại ôm hai vai vú Chín và nói bằng một giọng thân mật:
- Sao? Có phải Thúy Ái dễ thương không vú?
Vú già không trả lời câu hỏi của Anh Kiệt mà lại nói:
- Cháu đi có mệt lắm không? Cháu cứ lên lầu nghỉ, vú sẽ bảo chúng nó khuân đồ vào cho.
Anh Kiệt cầm tay Thúy Ái dắt lên tam cấp.
Thúy Ái nói:
- Để em dọn đồ đạc với vú Chín.
Vú Chín nhìn Thúy Ái có nửa mắt và nói:
- Được, bà kỹ sư cứ lên nhà, đã có già này lo tất cả cho, không mất mát đâu mà sợ!
Thúy Ái nói:
- Nào phải cháu sợ mất. Cháu sợ nhọc vú vì anh Kiệt mua nhiều đồ quá, vú ạ.
- Không sao, cứ lên mà nghỉ.
Thúy Ái đi theo Anh Kiệt, trong lòng kém vui.
Cái phút đầu tiên nàng đặt chân về nhà Anh Kiệt, đáng lẽ là phút vui mừng lắm, thế mà Thúy Ái cảm thấy lạnh lùng. Một cái màn lạnh lùng đang bao phủ bên nàng, mặc dù nàng đang sống trong tình yêu tràn ngập của Anh Kiệt.
Thúy Ái đi thật chậm, mắt nhìn khắp nơi. Thật là một nơi yên tĩnh và nên thơ, nhưng người như Anh Kiệt mà lại ở một nơi tĩnh mịch vắng vẻ như thế này thì thật là kỳ lạ. Còn Lệ Hằng, Lệ Hằng là người thế nào mà lại chịu ở một mình nơi đây, suốt mấy năm trời không chán nản, không buồn rầu?
Đặt chân vào phòng khách, Thúy Ái không khỏi kính phục tài sắp đặt trong nhà. Ai đã sắp đặt giỏi như thế. Từ tấm màn cửa cho đến bàn ghế trong nhà, món đồ nào nào cũng có vẻ mỹ thuật cả.
Anh Kiệt đưa Thúy Ái xem các phòng, nào phòng ăn, phòng ngủ, phòng đọc sách… và sau cùng là bao lơn đứng ngắm xuống vườn.
Thúy Ái nói:
- Anh thuê ai trang hoàng nhà cửa mà đẹp đẽ và mỹ thuật như thế này?
Anh Kiệt mỉm cười:
- Đố em biết?
Thúy Ái lại hỏi:
- Anh phải không?
Anh Kiệt lắc đầu:
- Anh làm gì mà tài như thế. Vú Chín đấy em ạ.
Thúy Ái không tin:
- Vú Chín có phải họa sĩ đâu. Thôi, em biết rồi, có lẽ là chị Lệ Hằng, người vợ trước của anh, vì em nghe Trọng Lang bảo Lệ Hằng là một họa sĩ kia mà. Tại sao anh lại giấu em và bảo là vú Chín?
Anh Kiệt nói:
- Không, chính vú Chín đã giúp Lệ Hằng trang hoàng các phòng trước kia. Nhưng từ ngày Lệ Hằng chết cách đây bảy năm, bao nhiêu công việc trong nhà này là co vú Chín cả, thế thì không phải vú Chín thì còn ai nữa?
Thúy Ái nói:
- Ừ nhỉ. Đã bảy năm rồi.
Nhìn xuống vườn hoa hồng, Thúy Ái lại hỏi:
- Ai trồng vườn hoa đẹp quá? Anh đi mãi như thế thì ai trông nom?
- Chú Ba làm vườn chứ ai.
- Một người như chú Ba mà cũng yêu thích hoa đến thế à? Lạ nhỉ!
Đưa mắt nhìn khắp vườn, Thúy Ái lại khen:
- Ngôi vườn rộng như thế này mà ai khéo sắp đặt ngăn nắp quá… Đứng nhìn, chúng ta có cảm giác rằng cây cối đều giữ thứ tự chung cho ngôi vườn.
- Em thật có con mắt quan sát. Để anh đưa em đi xem khắp vườn.
Thúy Ái và Anh Kiệt đi xem hết mấy phòng ở nhà dưới rồi đi ra vườn. Đến đâu, Thúy Ái cũng khen ngợi và rất hài lòng. Nhưng Thúy Ái nói:
- Thỉnh thoảng về đây ở để di dưỡng tinh thần thì được, chớ ở mãi đây, nhất là ở một mình, chỉ có dạng người chán đời mà thôi. Còn không thì là người trốn đời, để định một việc gì bí mật.
Anh Kiệt nghe thế, lấy làm lạ nhìn Thúy Ái:
- Em nói thế nghĩa là em không thích ở mãi đây?
- Ở mãi đây làm gì? Em phải giúp đỡ anh trong việc làm ăn chớ. Em còn trẻ tuổi, đầy sinh lực như thế này mà không giúp anh trong việc làm ăn, hoặc tham gia vào công việc chung cho xã hội, thì cuộc sống của em có nghĩa lý gì nữa? Sao anh lại muốn có một người vợ trẻ để nhốt vào cái lồng xinh đẹp này?
- Em nói nghe cũng phải, để rồi chúng ta sẽ tính sau, bây giờ chúng ta cứ tạm ở đây, cũng như là đi hưởng tuần trăng mật.
Đi xong khắp vườn, Anh Kiệt lại đưa Thúy Ái về phòng ăn. Vú Chín đã dọn sẵn cơm chờ Anh Kiệt và Thúy Ái vào.
Thúy Ái nói:
- Đi quanh vườn một lượt mà mất cả giờ, để trừ lại lúc ngồi trên xe suốt ngày.
Anh Kiệt cố nói cho vú Chín nghe:
- May là anh chỉ đưa em đi xem chưa giáp ngôi vườn.
Vú Chín nói:
- Không nên đi ra phía sau.
Sự thật thù vú Chín không muốn Thúy Ái ra ngồi chỗ cái ghế đá mà trước kia Lệ Hằng đã ngồi. Với vú Chín thì chỉ có Lệ Hằng mới xứng đáng ngồi dưới hàng lệ liễu, ngắm cảnh sông nước mà thôi.
Với đôi mắt của vú Chín, vú nhận thấy Thúy Ái không phải con người như Lệ Hằng. Về sắc đẹp, nhất định là Thúy Ái thua Lệ Hằng xa lắm rồi, nhưng còn về tài đức thì chắc gì đã hơn được Lệ Hằng.
Vú già thật không hiểu tại sao Anh Kiệt có thể yêu Thúy Ái được, khi đã sống bên Lệ Hằng, một nàng tiên tài giỏi đủ điều.
Vú già mà ở địa vị Anh Kiệt thì vú già không đời nào để mắt đến Thúy Ái, chớ đừng nói là cưới làm vợ. Người của Thúy Ái tầm thường quá, không có một cái gì lôi cuốn ai cả.
Anh Kiệt và Thúy Ái sau khi đi thay đồ mát liền ngồi vào bàn ăn. Vú Chín bỏ đi nơi khác. Anh Kiệt nói:
- Mời vú ngồi vào đây ăn luôn thể.
Thúy Ái cũng mời:
- Xin mời vú.
Vú Chín từ chối:
- Để khi khác. Hôm nay là bữa tiệc động phòng hoa chúc, xin để cho ông bà…
Anh Kiệt nói:
- Vú lại đặt chuyện. Vú cứ ngồi vào đây với chúng cháu cho vui.
Nhưng vú Chín đã bỏ ra, cặp mắt liếc xéo Thúy Ái. Vừa ăn vừa nhìn khắp phòng, Thúy Ái lấy làm lạ không thấy tấm ảnh nào của Lệ Hằng. Thúy Ái toan hỏi nhưng lại thôi.
Aên xong, Thúy Ái một mình đi khắp các phòng khác, nhưng ở đâu nàng cũng không thấy có ảnh Lệ Hằng. Nàng hiểu Anh Kiệt đã cố xóa bỏ tất cả những gì về người vợ cũ.
Chiều hôm ấy, đứng trên đấy lầu nhìn xuống, Thúy Ái thấy người làm vườn hái một bó hoa hồng. Lúc ấy vú Chín đang dọn dẹp ở phòng khách. Thúy Ái muốn tìm cách nói chuyện với vú Chín nhưng vú Chín cứ tránh nàng. Thúy Ái định hỏi thử người làm vườn hái hoa làm gì.
Theo Thúy Ái, để các cành hoa trên cây sẽ đẹp và giữ lâu rụng hơn là cắt mà cắm vào lọ, nên Thúy Ái gọi lớn chú Ba:
- Chú Ba ơi! Sao chú hái hoa làm gì thế?
Chú Ba ngẩng lên nhìn thấy Thúy Ái, nhưng rồi lại cắm cúi lựa các cành hoa đẹp.
Thúy Ái liền chạy vào phòng khách hỏi lớn:
- Vú Chín ơi! Cho cháu hỏi cái này…
Vú Chín nghe Thúy Ái gọi, lấy làm bực tức liền đáp một cách mỉa mai:
- Thưa bà kỹ sư, bà gọi tôi?
Thúy Ái cũng khó chịu, đáp:
- Tôi định nhờ vú một việc.
- Thì bà kỹ sư cứ sai.
Thúy Ái thật khó chịu về cách xưng hô ấy, nhưng nàng liền dịu giọng:
- Cháu định hỏi thử vú, có phải chú Ba lãng tai hay điếc không?
Vú Chín mỉm cười gay gắt:
- Ở đây ông kỹ sư có dùng người điếc bao giờ? Chú Ba không tàn tật đâu, bà ạ.
- Gọi cháu bằng cháu có phải là thân mật hơn không, thưa vú.
- Bà bảo thế, chớ tôi không dám. Lúc nãy bà gọi quá lớn làm tôi giật mình và tưởng bà sắp truyền một lệnh gì.
Thúy Ái là người Nam, cho nên cách ăn nói thành thật và giản dị, lối cư xử cũng không kiểu cách… Trái lại, người ở đất đế đô trước kia quen sống kiểu cách của vua chúa, ăn nói bóng bẩy, văn hoa, tánh tình khó khăn, lễ phép.
Sự thật thì không phải thế, vú già đã hiểu lầm Thúy Ái và nhất định Thúy Ái đau khổ để vừa lòng vú.
Thúy Ái nói:
- Khi nãy cháu thấy chú Ba hái hoa hồng, cháu liền gọi chú. Chú ngước mặt lên nhìn cháu, nhưng lại không thèm trả lời!
Vú già nghiêm giọng:
- Tại bà kỹ sư la lớn quá nên chú Ba sợ, không dám trả lời.
- Cháu có la lớn đâu.
- Bà kỹ sư la đến nỗi tôi ở bên phòng bên kia mà phải giật mình. thưa bà kỹ sư, ở trong Nam thì sao không biết, chớ ở ngoài này, người đàn bà ăn nói dịu lắm.
Thúy Ái biết vú Chín dạy khéo nàng, trong lòng hết sức bực tức, nhưng Thúy Ái lại nhớ đến lời dặn của Anh Kiệt: “Em ráng ở cho vừa lòng vú Chín”.
Thậm chí Anh Kiệt dám bảo rằng Anh Kiệt xem vú Chín như người mẹ thứ hai, thì Thúy Ái còn giận làm sao được.
Thúy Ái nói:
- Tại giọng nói của cháu như vậy, chớ không phải là tại cháu… Tuy ăn nói không được dịu mềm như người Huế, nhưng cháu lại hết sức thành thật, vú ạ!
Vú Chín cũng biết là mình đã quá lời với Thúy Ái. Bà cũng tưởng Thúy Ái tức giận gây lớn chuyện, ai ngờ Thúy Ái vẫn tử tế.
Vú Chín nói:
- Theo ý muốn của bà kỹ sư trước thì mỗi ngày phải thay hoa hai lần, sáng và chiều. Vườn hoa này là do tay bà kỹ sư trước trồng tỉa và săn sóc. Từ ngày bà kỹ sư chết đi, chú Ba vẫn luôn tôn kính ý muốn ấy, và suốt trong bảy tám năm trờ nay, ngày nào chú Ba cũng thay hoa hai lần… cho đến ngày nay bà về cũng vậy.
- Nhưng đó là ý muốn của chị Lệ Hằng, còn cháu thì cháu không thích như thế. Hoa đẹp cứ để ngoài vườn, trông tươi tốt lâu dài hơn, hái đem cắm vào lọ, thì sẽ mau tàn tạ.
- Như thế từ nay mỗi ngày khỏi hái hoa? Oà, bà kỹ sư giản dị quá. Chú Ba sẽ đỡ tốn công. Chú đem hoa lên và cắm vào chiếc lọ Nhật rồi kia.