Bốn năm phấn hồng - Chương 17 - 18
17. Thôi đừng có lẳng lơ
nữa đi!
"Đừng có lẳng lơ nữa!" là câu La Nghệ
Lâm dùng để khuyên ngăn Tô Tiêu nghe điện thoại lúc nửa đêm canh ba.
Tôi sẽ luôn luôn nhớ câu nói này cho đến khi tốt
nghiệp. Bởi vì sau này, trong nhiều trường hợp tôi đều muốn trích dẫn câu nói
này đối với Tô Tiêu. Nhưng rốt cuộc tôi cũng không phải là La Nghệ Lâm, không
có cái ngang ngược dám nói thẳng, dám dối trên lừa dưới như cô ấy. Cho nên ý
nghĩ nói câu này trước mặt Tô Tiêu không bao giờ thành hiện thực mà đã thành
nguyện vọng âm thầm bấy lâu nay của tôi. Và tôi đọc thầm trong lòng đến cả ngàn
lần câu nói đó.
Tô Tiêu vốn đã rất xinh đẹp dễ thương, vóc dáng
thướt tha, đôi mắt lá liễu, chiếc cằm nhỏ gầy. Điều nguy hiểm nhất là lúc nào
cũng diễn cho chúng tôi xem cái gọi là "nháy mắt đưa tình", cái gọi
là "mặt mày sinh động", cái gọi là: "Một cười khêu gợi trăm mê
luyến. Xoá mất hồng nhan ở sáu cung"(1).
Điều nguy hiểm nhất là không thể chịu nổi giọng
điệu khi cô ấy nói chuyện. Nếu người đàn ông nào không có khả năng kháng cự thì
e rằng sẽ bủn rủn ngã gục tức thì trước ánh mắt của cô ấy. Những lời này là
không hề khoác lác, trên thế giới này có một kiểu đàn bà như vậy, trời sinh ra
đã là khắc tinh của đàn ông, vô số đàn ông đặc biệt tôn sùng một cách ngoan
ngoãn dưới gấu váy loại đàn bà này.
Nếu một người con gái thật xinh tươi, trông vô
cùng dễ thương, lại có sở trường làm nũng thì đối với đàn ông hay đàn bà cô ấy
đều rất có khả năng "sát thương". Đàn ông không chịu nổi, đàn bà lại
càng không chịu nổi. Tất nhiên hàm ý của hai kiểu "không chịu nổi"
này không giống nhau. Cho nên, xinh đẹp dễ thương tốt nhất là thứ bản lĩnh có
thể thu nạp cũng có thể bỏ qua nhưng không cần khiến nó trở thành một phẩm chất
đặc biệt của bạn.
Người đẹp chia làm hai loại. Một loại khiến đàn ông
thích, phụ nữ cũng yêu mến. Một loại khiến đàn ông yêu mến nhưng phụ nữ lại
không thích.
Những cô gái đẹp mà cả đàn ông mà phụ nữ đều
thích không nhiều. Những cô gái như thế hoặc là tính cách thật thà, thuần
khiết, lương thiện, hoặc là loại cực kỳ thủ đoạn, không đắc tội với bất kỳ một
ai.
Những cô gái đẹp mà đàn ông yêu mến còn phụ nữ lại
không thích thì có rất nhiều. Bởi vì đối với một người đẹp chinh phục một người
phụ nữ còn khó hơn chinh phục một người đàn ông gấp nhiều lần.
Từ xưa, hồng nhan thì bạc mệnh, đa số những hồng
nhan đó đều thuộc loại người đẹp thứ hai, dẫn đến vận mệnh có nhiều điều đen
đủi.
Khi đó, vì điện thoại trong phòng lúc nào cũng ở vào
trạng thái đường dây nóng nên điện thoại tìm Tô Tiêu đa số là lúc nửa đêm, sau
mười hai giờ. Trong giấc ngủ mơ màng, chúng tôi không ngừng nghe thấy Tô Tiêu
ỏn ẻn đường mật với rất nhiều đàn ông, rất nhiều đêm tôi ngủ mà toàn thân nổi
da gà. Mới đầu còn tưởng mình mắc phải bệnh gì đó, tại sao khi ngủ không lạnh
mà lại cứ rét run. Sau này, có một lần Tô Tiêu không nghe điện vào ban đêm, tôi
mới phát hiện ra rằng, đêm ấy mình bình yên đi vào giấc ngủ mà không hề run lẩy
bẩy cũng không nổi da gà nữa. Lúc đó, tôi mới hiểu đôi tai mình đã phải chống
chọi với giọng nói của Tô Tiêu đến mức độ nào, mới hiểu tất cả các cơ quan trên
cơ thể đã bắt đầu đồng tâm hiệp lực kháng cự lại tiếng cười nói lả lơi phóng
túng của Tô Tiêu mỗi đêm. Tôi dùng cụm từ "tiếng cười nói lả lơi phóng
túng" để miêu tả cái cảnh Tô Tiêu gọi điện thoại, mặc dù có hơi quá một
chút nhưng tôi nghĩ, một người con gái nếu nghe một người con gái đêm nào cũng
nũng na nũng nịu với những người con trai khác nhau, với một giọng thì như khác
hẳn lúc bình thường, không ngừng nói "mà, ái chà, trời ơi, đâu mà, được
mà, thật đó, được rồi mà, đừng vậy mà" thì có lẽ sẽ dùng một cụm từ khó
nghe hơn cả cụm từ "tiếng cười nói lả lơi phóng túng" để hình dung.
Lại một đêm không trăng gió lặng, cũng là lúc
đêm sâu tĩnh mịch, Tô Tiêu lại một lần nữa nũng nịu qua điện thoại với một anh
chàng mà cô ấy không hề thích, khi cô ấy phát ra những âm thanh khác thường,
trong khi tôi đang trằn trọc không ngủ được, bỗng nghe thấy tiếng La Nghệ Lâm
vang lên như tiếng chuông lớn: "Đừng có lẳng lơ nữa! Nếu muốn thì cuốn gói
ra ngoài mà lẳng lơ!". Câu nói đầy phẫn nộ mà chính đáng đó đã nói hộ cho
tiếng lòng của tất cả mọi người bị hại trong phòng. Chương Hàm Yên cũng lên
tiếng với vẻ rất mất bình tĩnh: "Được rồi, được rồi, cậu hãy ngừng hai ngày
cho chúng tôi ngủ một giấc yên ổn đi". Những người khác đều biểu lộ sự ủng
hộ đối với lí lẽ xác đáng "đừng có lẳng lơ nữa" của La Nghệ Lâm. Tôi
vẫn giữ im lặng.
"Đại cục đã định", cho dù tôi có nói hay
không thì cũng không thể thay đổi được việc Tô Tiêu bị tập thể khiển trách. Nếu
tôi cũng nói Tô Tiêu vài câu thì chính là tự mình đã chuốc lấy phiền phức rồi,
không cần thiết phải gây thù chuốc oán đắc tội với Tô Tiêu. Hơn nữa tôi cũng đã
không ít lần nghe điện thoại lúc nửa đêm. Cho nên tôi vẫn giữ im lặng. Tuy
nhiên, từ tận đáy lòng, tôi phải công nhận rằng câu nói đó của La Nghệ Lâm rất
hay, rất tuyệt, nghe thật chát chúa.
Tô Tiêu im lặng được hai phút, nói "tạm
biệt" với ngữ điệu bình thường rồi gác điện thoại xuống. Cũng không cãi
nhau với La Nghệ Lâm.
Vì lúc đó cũng đã tắt đèn nên tôi không nhìn
thấy thái độ của Tô Tiêu, nhưng cũng có thể tưởng tượng ra sự phẫn nộ mà bất
lực của cô ta.
____________
1. Câu thơ trong bài Trường hận ca của Bạch Cư
Dị.
Sau này chỉ cần thấy Tô Tiêu nũng nịu, tôi lại
nhớ đến câu nói kinh điển của La Nghệ Lâm. Dần dần chỉ cần thấy Tô Tiêu thay
bạn trai là tôi lại muốn nói với cô ấy rằng: "Lại lẳng lơ hả?" Nhưng
nghĩ là một chuyện còn làm lại là chuyện khác. Về khoản mắng mỏ bạn cùng phòng,
từ trước đến nay tôi vẫn là một "người khổng lồ" trong tư tưởng nhưng
lại là một "kẻ lùn" trong hành động.
Hồi còn học năm thứ nhất Tô Tiêu vẫn khá ngoan.
Khi đó tôi đã cho rằng, rất có thể trong phòng còn có một người đẹp La Nghệ Lâm
nữa có thể trấn áp cô ấy. Sau này tôi mới biết, không chỉ vì nguyên nhân này mà
còn vì một nguyên nhân nữa là khi học trung học năm thứ hai, bố mẹ cô ấy ly
hôn, chẳng ai trong họ quan tâm đến cô, hai năm đó cô phải sống cùng bà nội đã
cao tuổi. Có lẽ người bà ấy đối xử với cô không tốt lắm cho nên cô đã từng rất
buồn khổ. Cho đến khi bước vào đại học cô ấy vẫn còn giữ cái vẻ khép nép như cô
con dâu mới về nhà chồng.
Nhưng khi có bạn trai và được họ chăm sóc thì
mọi chuyện đã khác. Kể từ khi vào đại học Tô Tiêu đã được rất nhiều nam sinh để
ý, số nam sinh theo đuổi cô ngày càng nhiều và việc thay bạn trai cũng ngày một
tăng, tính cách thì cô ta ngày càng kiêu ngạo buông thả. Bốn năm cùng ở một
phòng với cô ấy, tôi đã tận mắt chứng kiến hàng loạt những thay đổi của cô ấy
khiến người khác phải kinh ngạc.
Những cô gái đẹp được đàn ông cưng chiều lắm đâm
hư.
Nhưng những cô gái đẹp lại đặc biệt dễ dàng có
được sự ưu ái, cưng chiều của đàn ông.
Đàn ông theo đuổi ngày càng nhiều, sự cưng chiều
cũng ngày càng nhiều lên sẽ khiến người đep ngày càng kiêu ngạo, ngày càng hư
hỏng. Tính xấu cứ lặp đi lặp lại. Rất nhiều nơi trên thế giới này đã bị một số
người đẹp làm rối loạn hết cả lên.
18. Kỉ niệm làm gia sư
Khi về nhà vào kì nghỉ đông năm thứ nhất, tôi mới biết
rằng ở nhà mẹ tôi đã thôi việc, hơn nữa bệnh bướu cổ của mẹ vẫn chưa trị khỏi.
Cả nhà sợ tôi lo lắng nên không nói cho tôi biết, tiền đưa cho tôi cũng không
ít hơn một đồng. Tôi biết cha mẹ đã phải góp nhặt từng xu từng hào nuôi tôi ăn
học. Cứ nghĩ đến việc cha mẹ đã gần hết đời người rồi mà vẫn chưa được hưởng
một ngày an nhàn thoải mái, lúc nào cũng lao tâm khổ tứ vì tôi, tôi áy náy mãi
không yên. Cứ nghĩ mình đã lớn thế này rồi mà suốt ngày chỉ biết đến mình thôi,
còn bản thân mình ngay đến một hào cũng chưa kiếm được, tôi cảm thấy mình thật
vô sỉ, thật đáng xấu hổ, nhục nhã. Học kì hai của năm nhất, tôi hạ quyết tâm tự
mình kiếm tiền. Có lẽ, mỗi một sinh viên đại học có hoàn cảnh không khá lắm đều
từng có kinh nghiệm làm gia sư. Trước đây, khi chưa biết rằng việc văn có thể
bán lấy tiền, tôi cũng từng làm gia sư trong một thời gian tương đối dài. Nội
tình bên trong, một lời khó có thể nói hết.
Tôi thích làm cô giáo, vì tôi thực sự thích nghề giáo
viên, mê mẩn với việc truyền đạt tri thức và cực kì yêu thích những đứa trẻ
đang trưởng thành. Sự trưởng thành lành mạnh của một đứa trẻ có quan hệ mật
thiết với người thầy. Tôi đã từng thấy rất nhiều những đứa trẻ bị giáo viên huỷ
hoại lòng tự tôn, sự tự tin, thậm chí là cả tương lai cuộc đời. Mọi người có
thể cho là tôi đã nói quá, cũng không sao. Đó là nghề nghiệp lí tưởng của tôi,
một kiểu tín ngưỡng.
Khi mới bắt đầu tìm việc gia sư thật là cực khổ.
Không quen biết ai nên đành bỏ 50 tệ cho trung tâm giới thiệu việc làm, rồi mỏi
mắt ngón trông, mong bọn họ có thể mang đến cho mình một công việc. Những ai đã
từng đến trung tâm giới thiệu tìm việc đều biết bọn họ rất đen tối, những thủ
đoạn được sử dụng là lôi kéo, lừa bịp. Ví dụ, chỉ có một thông tin nhưng họ bán
cho đến mấy sinh viên, sau đó để cho các bạn tự cạnh tranh với nhau.
Đã có một buổi tối, tôi đáp xe từ Vũ Xương đến
Hàn m dạy thử hai tiếng đồng hồ, vậy mà đến một ngụm nước cũng không được uống.
Cuối cùng người ta nói buổi chiều cũng có một sinh viên đến dạy thử rồi và họ
còn phải suy nghĩ đã. Một mình đi khắp nơi trong đêm tìm bến xe, nhìn những
chiếc xe chạy qua chạy lại trên con phố vắng vé, tôi cảm thấy mình giống như
một ngọn cỏ trong cánh đồng bát ngát giữa đêm khuya, đơn độc lẻ loi. Vào cái
đêm xa lạ ấy, trên góc phố xa lạ, trong cái gió mùa đông lạnh thấu xương, tôi
giống như một con vật bị bỏ rơi, muốn khóc mà không ra nước mắt.
Cũng có lần tôi gặp được người tốt, đó là một
gia đình ở khu bệnh viện Hiệp Hoà, học trò là một cậu bé rất lanh lợi, mẹ cậu
nói rằng cậu không nghe lời nhưng tôi cảm thấy tôi và cậu bé rất hợp hau, cậu
bé đó và cha của cậu rất mến tôi, tôi nghĩ lần này công việc của mình nhất định
là có bến đậu rồi. Nhưng cuối cùng, mẹ cậu bé tỏ ra kiên quyết không cần tôi.
Ngay lúc đó tim tôi như rơi xuống đáy vực, bỗng nhiên nước mắt vòng quanh nơi
khoé mắt. Tôi không rõ tại sao mình lại kém cỏi như thế nhưng cũng hiểu rằng
đồng tiền thật khó kiếm biết bao. Tôi cố giấu nước mắt và ngẩng đầu lên, trong
mắt mẹ cậu bé tôi hoàn toàn không đáng tín nhiệm. Tôi lặng lẽ đứng dậy, xỏ đôi
giày thể thao nhem nhuốc của mình vào rồi ra mở cẳ. Lúc đó cha cậu bé đột nhiên
đứng dậy mở cửa cho tôi và kiên quyết muốn tiễn tôi. Mẹ cậu bé ngay lập tức
nói: "Ơ kìa, thật ngại quá, nào lại đây, lại đây, Quả Quả, hãy cùng bố
tiễn chị đi con".
Tôi biết tại sao cô ấy không cần tôi. Cô ấy
không yên tâm. Nhận thức được điều này tôi bỗng nhiên muốn cười. Khi tiễn tôi
ra xe cha của Quả Quả nhất thiết dúi cho tôi 30 tệ và nói: "Đây là tiền
dạy thử, hơn nữa, xa như vậy, cháu đi cũng không dễ dàng, rất xin lỗi
cháu!". Tôi nhất định không lấy tiền. Tôi không nghèo khổ đến mức như vậy.
Khi xe bắt đầu chuyển bánh, Quả Quả hét to lên
với tôi rằng: "Chị, em rất thích chị".
Tôi cười, thực sự rất thích thú và yên lòng. Tôi biết
tôi có thể làm rất tốt.
Tôi không muốn kể tường tận những kinh nghiệm
như thế. Tôi thấy dửng dưng. Khi đó, có lẽ tôi cảm thấy xót xa trong lòng,
tuyệt vọng, đau khổ. Sau chuyện đó tôi mới hiểu, tất cả chẳng qua là sự từng
trải, trải qua càng nhiều thì sẽ có nhiều "của cải" hơn những người
bằng tuổi, chỉ cần mình giỏi tổng kết và suy xét, giỏi lựa chọn và sàng lọc.
Không có gì là đáng oán trách cũng không có gì là đáng thương cả. Những điều đó
chỉ có thể càng khiến tôi thêm tự tin, thêm dày dạn, kiên cường và giỏi giang.
Tôi thừa nhận ông trời đã cho tôi tất cả. Vì có
niềm tin nên cuối cùng ông trời cũng không xử tệ với tôi.
Sau vài lần tìm việc làm gia sư không thành,
trung tâm giới thiệu việc làm lại giới thiệu cho tôi mấy gia đình. Nhưng khi
tôi gọi điện thoại đến hỏi thì được biết người ta vốn không cần gia sư hoặc bảo
rằng họ sớm đã tìm được gia sư rồi.
Tôi hiểu rằng mình bị lừa. Bọn họ chủ yếu là lấy
tiền của bạn nhưng không làm việc vì bạn.
Tôi nhớ đến Chu Dữ, người đã đánh cắp thành quả
lao động của tôi. Ai mà không trưởng thành trong sự tổn thương? Ai mà không học
được cách tính toán sau khi bị lừa dối? Lợi hại, lợi hại.
Tôi cố lấy dũng khí đến trung tâm giới thiệu
việc làm. Khi đó tôi vẫn là một đứa rất nhát gan. Tôi nói: "Lúc đầu các
anh đã hứa sẽ tìm cho tôi một công việc gia sư, nhưng cuối cùng tại sao lại
thành thế này?".
Cô gái tiếp đón tôi miệng lưỡi khéo léo, linh
hoạt vô cùng, cô ấy nói một hồi, cuối cùng lại khơi mào trò chơi đẩy bóng da,
cô nói: "Thế này nhé, ở đây chị có vài thông tin làm thêm, công việc là
bán hàng, hay là em thử làm nhân viên bán hàng đi."
Tôi vốn đã không có sự lựa chọn. Vì tôi biết
thông tin việc làm gia sư của cô ta về cơ bản đều là lừa bịp, để mời chào khách
hàng, bởi lẽ đa số những sinh viên tới đây tfm việc đều muốn làm gia sư.
Thế là tôi miễn cưỡng đồng ý.
Tôi bán hàng trong một siêu thị ở Đường Gia
Thôn, bây giờ ở gần Quốc Mỹ. Vì ở nơi Hàn Khẩu xa xôi như vậy nên tôi đã phải
chuyển xe mấy lần. Tôi đã từng vô cùng sợ hãi đối với những chiếc xe buýt chạy
nhanh như bay ở Vũ Hán, nhưng buổi chiều hôm đó tôi đã phải đổi từng chuyến xe,
đi qua từng con đường như thế, nhìn những chiếc xe chạy nhanh như bay cứ đi đi
về về như con thoi, tôi không ngừng cảm thấy kinh hoàng và vô cùng nguy hiểm,
giống như ngọn cỏ trong đêm vậy.
Ngày đầu tiên đi bán hàng là một ngày thứ Sáu,
thời tiết tháng Năm ở Vũ Hán đã rất nóng nực. Tôi đứng trước cửa siêu thị bán
một loại đồ uống mới, lại còn lúc nào cũng phải réo lên: "Sản phẩm mới
tung ra thị trường, mua một tặng một đây!".
Người đi qua đi lại, tiến đến gần rồi lại bỏ đi, cầm chai
đồ uống lên rồi lại đặt xuống. Có người nhìn mặt chúng tôi, có người thì chỉ
cúi xuống nhìn đồ uống. Tôi cảm thấy cực kì, cực kì ức chế. Tôi là một đứa
không thích nói chuyện, tôi không biết mình làm thế nào để đối diện với nhiều
ánh mắt như thế. Trong mắt họ, tôi cũng giống như bất kì một nhân viên bán hàng
nào khác trên thương trường chứ không là một sinh viên đại học, cũng không phải
là một cô bé 18 tuổi.
Đến trưa, mặt trời đã chiếu thẳng trên đỉnh đầu.
Tôi luôn sợ phơi nắng, bởi vì cứ phơi nắng là tôi sẽ rất dễ bị dị ứng và còn
chóng mặt nữa.
Thế nên tôi đã nói với một cô gái bán hàng khác
xem chúng tôi có thể đổi vị trí không: "Tôi thực sự thấy rất chóng mặt,
bên chỗ cậu hình như mặt trời cũng đỡ gắt hơn một chút, tôi đứng bên đó một lát
rồi sẽ đổi lại ngay". Cô ấy lạnh lùng nói: "Cậu là lá ngọc cành vàng
chắc, không làm nổi thì đừng có làm nữa".
Tôi cúi đầu xuống và thu lại ánh mắt mong ngóng.
Đến chiều cổ họng cũng bắt đầu nóng lên. Bao
nhiêu là đồ uống xếp đầy trước mặt, vậy mà cổ họng tôi thì đang phát khóc lên.
Đột nhiên tôi nhớ tới cha mẹ phải làm việc vất vả.
Đột nhiên tôi hiểu ra rằng xưa nay đồng tiền
thật không dễ kiếm.
Tôi cảm thấy thật chua xót.
Hôm đó, mãi đến bảy giờ tối, chúng tôi nhận tiền
công, tôi cầm lấy 30 tệ, trừ đi tiền đi xe mất 4,8 tệ và phí giới thiệu 50 tệ,
tôi vẫn lỗ 24,8 tệ.
Về sau tôi không bao giờ làm những công việc như
thế nữa. Bởi vì tôi phát hiện ra rằng tâm hồn tôi kiên cường hơn thân thể của
tôi rất nhiều. Tôi không thể chịu đựng được, môi trường tồi tệ đã huỷ hoại thân
thể tôi như cái buổi đứng dưới ánh mặt trời với cái cổ họng bỏng rát, một buổi
chiều mà đã khiến một làn da trắng trẻo bị phơi nắng tới mức vừa đen vừa đỏ.
Tôi cũng không thể chịu đựng được sự áp bức,
lăng nhục và ánh mắt coi thường của người khác. Tôi là một đứa yếu đuối, lại
quá đa cảm, cho nên đã trở thành một đứa kiêu ngạo, tự mãn mà lại mềm yếu,
không tự lo liệu được mà lại chưa sẵn sàng.
Tối hôm đó, chân của tôi đau một trận thấu tim, cứ
nghĩ đến việc đôi chân cả ngày phải chịu đựng trọng lượng cơ thể là tôi lại
không thể chịu được, tôi thực sự cảm thấy trong lòng tôi phải kiên cường hơn
rất nhiều. Phải chịu đựng bao nhiêu ức chế như vậy mà vẫn có thể mỉm cười và
nói tôi chấp nhận những gì vận mệnh đã sắp đặt cho tôi.
Tất cả, không có cái gì là không lớn lên được.