Phần III. Trung Đông - Chương 65-66

65. Ai Cập sau bạo động

Khi tôi bảo với bạn bè tôi là tôi sắp sang Ai
Cập mọi người ai cũng bảo tôi khùng. Lúc bấy giờ, Ai Cập mới trải qua cuộc biểu
tình lịch sử dẫn đến cuộc cách mạng lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni
Mubarak. Hình ảnh đất nước này trên báo chí quốc tế vẫn là hình ảnh những vụ
bạo động, những cuộc biểu tình, những vụ tranh chấp hỗn loạn và đẫm máu.

Đến Ai Cập, tuy cảnh đẫm máu đấy không còn,
dấu ấn của cuộc cách mạng vẫn còn in rõ. Dễ nhận thấy nhất là những tấm biển
với dòng chữ 25 January (25 tháng Giêng) ở khắp nơi: phía sau xe ô tô, ngoài
đường, trên cửa nhà. 25 tháng Giêng là ngày đầu tiên trong chuỗi 18 ngày biểu
tình. Rồi đâu đó là quán ăn 11 February (ngày mà Mubarak từ chức), cửa hàng sửa
chữa điện thoại 25 January. Ở ngóc ngách nào cũng có graffiti cổ động cách
mạng. Nhiều tòa nhà Chính phủ bị đốt trong cuộc biểu tình vẫn chưa được tu sửa.
Bạn bè của Amr nói chuyện hết sức nhiệt tình về cuộc cách mạng vừa diễn ra. Cậu
khoe rằng cậu trụ ở quảng trường Tahrir từ những ngày bắt đầu cho đến ngày kết
thúc. Cậu có rất nhiều chuyện hay ho để kể. Ban đầu cậu tham gia biểu tình cũng
chỉ như tham gia một cuộc biểu tình bình thường chứ không hề nghĩ rằng nó sẽ
phát triển lên như vậy. Rồi mọi người bắt đầu bị tấn công và đoàn kết lại để
chống trả; rồi những tin đồn thất thiệt xuất hiện khiến nhiều người nản lòng;
rồi có những kẻ được trả tiền để trà trộn trong đám người biểu tình nhằm chia
rẽ quần chúng; rồi nó biến thành cuộc đổ máu thực sự khi cảnh sát tấn công
người biểu tình người biểu tình đốt xe cảnh sát. Cả thế giới hướng về quảng
trường Tahrir. Tôi đang lông bông nay đây mai đó vẫn ngày ngày tìm cách đọc tin
xem chuyện gì đang diễn ra tại đây. Vậy nên lẽ tự nhiên, tôi muốn đến thăm
quảng trường này.

Tình cờ tôi đến đây đúng ngày thứ sáu và phát hiện
ra rằng nơi đây cũng đang có biểu tình. Nói chuyện với người dân nơi đây, tôi
phát hiện ra rằng biểu tình dường như đang trở thành thói quen của nhiều người
dân đất nước này từ sau bạo động. Thứ sáu hàng tuần - vốn là ngày những người
theo đạo Hồi tập trung lại để cầu nguyện - trở thành ngày biểu tình không chính
thức. Những cuộc biểu tình này thường diễn ra ở quy mô nhỏ với nhiều mục đích
khác nhau. Hôm tôi đến, ở đó có khoảng ba trăm người theo Thiên Chúa giáo với
băng rôn, khẩu hiệu tập trung ở đây để ra yêu sách như đòi trả tự do cho tín đồ
bị bắt giữ trong cuộc đụng độ giữa những người Hồi giáo với Thiên Chúa giáo hồi
tháng ba. Nhưng tôi không biết bao nhiêu phần trăm người đến đây là thực sự
biểu tình. Tôi đi qua một nhóm người đang hò hét, chưa hiểu chuyện gì diễn ra
đã bị kéo lại, rồi một thanh niên sơn cờ Ai Cập khắp mặt tôi, sau đó tranh nhau
xin chụp ảnh cùng. Không khí cuộc biểu tình thật khác những gì tôi hình dung.
Phần lớn trong số những người ở đó dường như chỉ coi biểu tình như một dịp tụ
tập cho vui. Tôi gặp không ít khách du lịch len lỏi trong đám người biểu tình,
tham gia cho biết như tôi. Những người bán dạo áo phông, cờ Ai Cập, đồ ăn, nước
uống phục vụ người biểu tình phủ kín quảng trường.

Lúc đấy trong bài tôi viết cho báo Tiền Phong,
tôi đã sợ rằng mọi người ăn mừng là quá sớm và thực tế bây giờ chứng minh nỗi
sợ đó đã trở thành sự thật. Là đất nước du lịch, Ai Cập nhanh chóng lấy lại vẻ
hiền hòa thân thiện đó, ta có thể nhìn thấy rất nhiều vấn đề.

Khi ngồi trên xe của Hussein ở Alexandria, tôi
phát hiện ra gương chiếu hậu cả hai bên xe của Hussein đều bị hỏng. Tôi hỏi như
thế không phạm luật à, cậu cười bảo: “Vừa sau bạo động, mọi thứ còn rối ren
lắm, làm gì có luật”. Theo một người bạn của Amr, sự thành công của bạo động
khiến nhiều người dân ở đây có cảm giác đất nước thực sự là của họ và có thể
làm bất kỳ điều gì mình muốn. Sự tự do này bị nhiều người lạm dụng một cách
thái quá. Tăng tốc, vượt đèn đỏ, trộm cắp vặt… diễn ra thường xuyên và ít bị
trấn áp. “Khi Chính phủ còn chưa ổn định, lực lượng cảnh sát cũng chưa thể hoạt
động hiệu quả được”, Hussein than thở.

Báo chí địa phương cho biết trong thời gian
diễn ra bạo động, hàng ngàn tội phạm thoát ra ngoài và hiện còn sống ngoài vòng
pháp luật. Người dân ở Cairo lý giải cảnh sát còn thiếu, trong khi tội phạm ở
khắp nơi khiến mối lo về an ninh luôn thường trực với bất kỳ ai, đặc biệt là
người nước ngoài. Một số vụ chặn xe bus liên tỉnh để cướp bóc khiến nhiều người
không dám đi xe bus. Tôi suýt nữa bị kẹt ở thành phố Aswan vì xung đột hậu bạo
động. Những xung đột ở Qena, nút giao thông quan trọng nằm giữa Aswan và Cairo,
khiến việc đi lại qua thị trấn này đều bị đứt đoạn, tàu hay xe bus không thể đi
qua. Khi vừa mua được vé xe bus, tôi lập tức nghe tin về một xe khác bị cướp
cũng ở Qena. Đi xe bus thâu đêm khiến tôi càng thấp thỏm lo sợ không dám ngủ.
Những người dân địa phương ngồi quanh tôi trong xe thể hiện sự lo âu và luôn
nhìn tôi dò xét.

Bạo động rõ ràng ảnh hưởng mạnh tới đất nước
mà 12% lực lượng lao động làm trong ngành du lịch. Các diễn đàn du lịch tràn
ngập chủ đề tranh luận rằng liệu Ai Cập có an toàn cho khách du lịch hay không.
Dù những người ở Ai Cập đều khẳng định tình hình nay đã ổn định, hầu hết khách
nước ngoài vẫn lo ngại, không dám đến. Các điểm du lịch nổi tiếng ở Ai Cập vắng
heo hắt. Siwa vốn là một ốc đảo xinh đẹp giữa sa mạc Sahara, nhưng khi tôi đến
chỉ thấy lác đác vài nhóm khách nhỏ lẻ. Tôi là một trong ba vị khách ở nhà nghỉ
ở Luxor. Chủ nhà nghỉ cho hay mọi năm vào giờ này nhà nghỉ luôn kín khách,
nhưng năm nay khách đến rất ít. Qua CouchSurfing, tôi gặp khá nhiều người nước
ngoài đang sinh sống và làm việc tại Ai Cập. Phần nhiều trong số họ đã và đang
lên kế hoạch rời khỏi nước này. Tình hình rối ren khiến việc trả lương, tăng
lương bị trì trệ. David Grant, huấn luyện thể lực cho một hạt giống tennis của
Ai Cập, than phiền rằng tiền trợ cấp tiền nhà sáu tháng qua anh chưa được nhận.
Đáng lẽ anh được tăng lương từ mấy tháng trước, nhưng nay không ai ra quyết
định chi tiền. Tình hình cũng chẳng khá hơn với dân địa phương. Ahmad El Gamal,
anh bạn Ai Cập tôi quen qua CouchSurfing, đang tận hưởng những ngày tháng ăn
chơi dài dài. Anh tốt nghiệp đại học từ năm 2010, nhưng chẳng buồn tìm việc
làm, bởi biết chắc rằng tình hình bất ổn thế này làm gì có việc mà tìm.

66. Ngôi nhà Bob Marley ở Luxor

Luxor là một thành phố du lịch nằm ở Upper
Egyp (Ai Cập chia thành Upper & Lower như miền xuôi miền ngược của mình)
bên bờ sông Nile. Được xây trên nền của thành phố Thebes cổ đại, Luxor có vô
vàn công trình kiến trúc lăng mộ, đền đài từ thời Pharaoh, nhiều đến mức thành
phố này đã được mệnh danh là bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới. Thành phố
này cũng rất đẹp với nhiều cây và hoa, không gian thoáng đãng, dòng sông thơ
mộng. Tuy nhiên, đẹp quá nên thành phố này đã bị du lịch hóa quá mức. Tôi không
thích một nơi mà cứ ra ngoài là bị bám theo chào hàng, bị lôi kéo, bị ép giá
chỉ vì mình là người nước ngoài. Tuy nhiên, thành phố này vẫn để lại cho tôi
những ấn tượng khó quên bởi một con người vô cùng thú vị mà tôi gặp.

Chuyến xe tôi đi đến Luxor lúc sáng sớm. Chưa
biết sẽ xuống đâu, tôi cứ ngồi lì trên xe bus. Khi chỉ còn tôi trên xe, anh
chàng soát vé mới hỏi:

“Giờ em xuống đâu?”.

“Em chưa biết. Anh biết khách sạn nào rẻ rẻ
không giới thiệu cho em?”.

“Biết. 10LE/đêm. Nhà nghỉ của ông anh anh”.

Bình thường tôi không hay nghe theo lời giới
thiệu từ phụ xe, bởi họ hay giới thiệu cho mình giá cao cắt cổ để ăn phần trăm.
Nhưng 10LE thì chưa đến 2USD, tôi không nghĩ bạn này mất công lừa mình làm gì.
Thế là tôi đi theo.

Tôi thích Bob Marley House ngay từ cái nhìn
đầu tiên. Nhà nghỉ đậm chất rasta với những mảnh vải đủ màu sắc sặc sỡ chăng
chằng chịt; những chiếc bàn uống nước vuông và thấp; cạnh đó là những chiếc gối
to vuông vức để mình ngồi hay quỳ tùy thích; cờ ba màu xanh lá cây, vàng, đỏ
của phong trào rasta. Một góc sân được căng đủ các loại vải để che mưa nắng,
trải gối ngồi, căng võng để khách nằm hóng gió. Trên sân thượng lại là những
chiếc ghế xích đu, trải nệm dài để mình có thể nằm phơi nắng. Tôi hơi buồn vì ở
Việt Nam, ít người biết đến Bob Marley hay phong trào rastafari (gọi tắt là
rasta). Có lần đi nói chuyện với các bạn trẻ, các bạn hỏi tôi thích ca sĩ nào,
tôi nói tôi thích Bob Marley. Các bạn mới ngơ ngác hỏi:

“Bob Marley là ai?”.

“Là ông vua nhạc raggae”.

“Nhạc raggae là gì?”.

Tôi liền cao hứng hát mấy câu: “Don’t worry,
be happy”, các bạn mới à lên hiểu hiểu.

Anh chủ nhà nghỉ khoảng hai lăm tuổi, vừa chui
từ trong bếp ra vừa cười toe toét. Anh mặc trên người chiếc quần pijama rộng
thùng thình với ba màu rasta và mặt Bob Marley to đùng ở trên mông.

“Em muốn ở phòng dorm hay phòng riêng?”.

“Phòng dorm ạ. Bao tiền một đêm anh?”.

“20LE em ạ”.

“Ủa, bạn phụ xe vừa nãy bảo em 10LE”.

“Ừ, thì lấy em 10LE”.

Anh dẫn tôi lên xem phòng dorm. Rồi như tự
nhiên nhớ ra gì đấy, anh bảo:

“Đằng nào bên anh cũng còn phòng riêng trống
đấy. Em vào đấy mà ở. Giá bằng luôn”.

Vậy là tôi có được một căn phòng rất xinh và
sạch sẽ với giá chỉ 10LE/đêm. Trong phòng có khăn tắm thơm nức, có xà bông để
tắm, có nước để uống. Khách ở khách sạn được ăn sáng miễn phí, tối tối anh còn
rủ tôi ăn cùng anh và nhân viên khách sạn luôn. Riêng mấy cái đấy cũng phải tốn
gấp năm lần cái giá anh cho tôi thuê phòng. Thắc mắc, tôi hỏi thì anh cười:

“Anh chạy nhà nghỉ cho vui thôi chứ anh không
kiếm tiền từ cái này”.

“Thế anh kiếm tiền từ cái gì?”.

“Ha ha, từ từ em sẽ biết”.

Tôi tò mò muốn chết, bắt đầu theo dõi anh. Anh
cao ráo, hơi gầy, da ngăm đen, nhìn kỹ cũng đẹp trai. Anh lúc nào cũng cười,
cười hiền ơi là hiền với mà lúm đồng tiền duyên tưởng chết. Ở anh có vẻ vô tư
vô lo rất đúng tinh thần “Don’t worry, be happy”, nhưng anh không tết tóc rasta
mà để tóc ngắn. Anh ở nhà hầu như cả ngày, bạn bè đến chơi suốt. Một buổi
chiều, một người bạn đến đón anh đi đâu đó. Anh gọi tôi:

“Chip muốn biết anh kiếm tiền thế nào đúng không?
Đi cùng anh cho xem”.

Tôi gật đầu cái rụp.

Xe đi chầm chậm dọc bờ sông Nile, gió thổi vào
mặt mát lạnh. Anh cố tình lái xe một vòng quanh thành phố chỉ cho tôi đủ các
điểm thú vị. Xe dừng lại trong một con hẻm nhỏ. Anh dặn tôi ở lại trong xe,
chạy ra nói chuyện với ai đó chỉ năm phút rồi đi vào. Anh thảy một gói nhỏ nhỏ
bọc giấy báo sang phía tôi.

“Em biết cái này là gì không?”.

Không cần mở ra, chỉ cần ngửi mùi tôi cũng
biết là cần sa.

“Anh kiếm tiền từ cái này”.

“Ừ”.

“Gói này anh để bán cho ai?”.

“Không, anh không trực tiếp bán. Cái này để
cho người nhà hút thôi”.

Về đến nhà nghỉ, anh rủ tôi lên phòng anh hút
thuốc uống trà.

“Biết anh là đứa buôn thuốc, em có sợ không?”.

“Không”.

“Anh có súng này”. Anh lôi dưới hộc tủ ra hai
khẩu súng: một khẩu súng lục và một khẩu súng trường nhìn hơi ngắn so với các
loại súng trường tôi hay nhìn thấy.

“Em có sợ không?”.

“Có”. Tôi trả lời mà băn khoăn không biết cuộc
hội thoại này sẽ đi về đâu.

“Ha ha, em thông minh lắm, biết cái gì nên sợ
cái gì không. Em yên tâm, anh không làm hại em đâu”. Anh đưa tay lên vuốt ve
khẩu súng trường, nheo nheo mắt như thể sắp bắn. “Đây là khẩu Egyptian Rasheed,
một trong những loại súng trường hiếm nhất thế giới. Nhỏ nhưng bắn khá tốt.
Nhưng nó hiếm quá nên bắn tiếc lắm. Để giữ làm cảnh thôi”.

“Dân thường được phép sở hữu súng ở Ai Cập
ạ?”.

“Ừ. Có giấy phép thì được sở hữu. Mà cứ trả
tiền thì giấy phép gì cũng lấy được hết”.

“Sao anh lại kể cho em về công việc của anh?”.

“Vì em muốn biết”.

“Ý em là sao anh lại tin em mà kể cho em?”.

“Vì anh quý em. Em là một cô bé rất dũng cảm,
rất thông minh. Hai mươi tuổi, thân gái một mình, từ tận Việt Nam sang đây.
Thật kinh khủng. Hồi bằng tuổi em, anh cũng bươn chải ghê lắm, nhưng chỉ ở Ai
Cập này thôi, làm gì dám bôn ba như em. Em bây giờ như miếng bọt biển vậy, em
hấp thụ tất cả những gì xung quanh mình. Cứ đi nhiều đi, cứ trải nghiệm nhiều
đi, cứ hấp thụ thật nhiều đi”.

“Anh quê gốc ở đâu?”.

“Ở Aswan. Anh người Nubian: đen, khỏe, đẹp”.
Anh cười lớn “Em thấy bức tranh treo ở đây không? Cảnh Aswan đấy. Đẹp lắm”.

Bức tranh vẽ cảnh mấy hàng dừa soi bóng bên bờ
sông, những cánh buồm trắng thong dong trên mặt nước, những ngôi nhà đất mái
vòm cong cong, đám trẻ con da đen bóng hồn nhiên nô nghịch. Phong cảnh bình yên
đến lạ.

“Em cũng đang trên đường đi Aswan”.

“Em ở đến cuối tuần đi. Bạn anh cuối tuần lái
xe về Aswan sẽ cho em đi nhờ”.

Thế là tôi ở lại thêm mấy ngày. Tôi tranh thủ
đi thăm thú hết những điểm du lịch ở đó: Thung lũng vua, thung lũng hoàng hậu,
đền đài, chợ búa. Buổi sáng tôi dậy sớm ra ngoài không kịp ăn sáng, anh cẩn
thận gói bánh mỳ, sữa, trái cây vào túi cho tôi mang theo. Lúc chia tay, tôi
hỏi thanh toán nhưng anh nhất định không chịu lấy tiền.

“Để dành tiền mà đi em ạ. Tuổi trẻ cứ phải
xông pha như em. Sau này trưởng thành rồi, quay lại đây nhớ tìm anh nhé”.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3