Nếu Tôi Biết Được Khi Còn 20 - Chương 07-02
Thật ra mọi thứ chẳng phải màu hồng. Tôi không có phòng kí túc xá,
vì vậy tôi ngủ ở sàn nhà trong phòng bạn bè; tôi đem trả những vỏ chai Coca lấy
5 cent tiền đặt cọc để mua thức ăn, và đi bộ bảy dặm xuyên qua thành phố mỗi
đêm Chủ nhật để có được một bữa ăn ngon mỗi tuần ở đền Hare Krishna. Tôi thích
những điều này. Và về sau, hóa ra phần lớn những gì tôi bị trượt ngã vào bởi
dám làm theo sự tò mò và trực giác lại trở thành tài sản vô giá. Để tôi kể bạn
nghe một ví dụ:
Trường đại học Reed tại thời điểm đó có lẽ là nơi dạy thư pháp tốt
nhất trong nước. Trong toàn bộ khuôn viên trường, mỗi tấm áp phích hay mỗi nhãn
ghi trên ngăn kéo đều được viết tay bằng chữ thư pháp rất đẹp. Tôi đã bỏ học và
đâu cần phải học những lớp bình thường, do đó tôi quyết định chọn lớp học về
thư pháp để tìm hiểu cách làm những điều này. Tôi đã học về chân chữ và kiểu
chữ serif, về sự thay đổi khoảng cách giữa các mẫu chữ khác nhau, và về những
gì làm cho hình thức của bản in trở nên tuyệt vời. Đây là môn học vừa đẹp, vừa
mang tính lịch sử, và tinh tế một cách đầy nghệ thuật đến nỗi khoa học cũng
không thể nắm bắt được, và tôi thấy nó thật sự hấp dẫn.
Tuy nhiên chẳng thứ nào trong số đó cho thấy dù chỉ một niềm hy
vọng mỏng manh có thể ứng dụng vào thực tế cuộc sống của tôi. Nhưng mười năm
sau, khi chúng tôi đang thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, tất cả đã
trở lại với tôi. Chúng tôi đã thiết kế để đưa tất cả chúng vào chiếc Mac. Nó là
chiếc máy tính đầu tiên có kiểu chữ rất đẹp. Nếu tôi không học lớp đó thì Mac
sẽ không bao giờ có nhiều kiểu chữ hay phông chữ cân xứng nhau đến vậy. Và vì
Windows chỉ sao chép từ Mac, cho nên cũng chẳng máy tính cá nhân nào có được
chúng. Nếu tôi không bỏ học, tôi sẽ không bao giờ bước vào lớp thư pháp này, và
máy tính cá nhân có thể sẽ không sở hữu được những mẫu chữ tuyệt vời mà chúng
ta đang có. Tất cả khi còn ở đại học, tôi không thể kết nối với những điểm
thuộc về tương lai phía trước. Nhưng nếu nhìn lại sau mười năm thì nó thực sự
trở nên rất rõ ràng.
Câu chuyện này nhấn mạnh rằng bạn không bao giờ biết được khi nào
trải nghiệm của bạn sẽ chứng minh được giá trị. Steve Jobs đã năng động và hiếu
kỳ về thế giới xung quanh, thu thập những kinh nghiệm đa dạng bất kể những lợi
ích ngắn hạn của chúng, và đã có thể vận dụng kiến thức của mình trong các
trường hợp khó đoán trước được. Đây là một lời nhắc nhở sâu sắc rằng bạn càng
có nhiều kinh nghiệm và nền tảng kiến thức của bạn càng rộng thì bạn càng có
nhiều nguồn lực để vận dụng trong cuộc sống.
Trong khóa học về sự sáng tạo, tôi tập trung rất nhiều vào giá trị
của việc kết hợp các ý tưởng theo những cách khác thường. Bạn thực hành kỹ năng
này càng nhiều thì nó càng trở nên tự nhiên hơn. Ví dụ việc sử dụng phép so
sánh hoặc ẩn dụ để mô tả những khái niệm mà nhìn bên ngoài có vẻ hoàn toàn
không liên quan gì hết, nhằm cung cấp những công cụ để đưa ra các giải pháp cho
những vấn đề quen thuộc. Chúng tôi làm một bài tập đơn giản để minh họa điểm
này. Các đội được yêu cầu tìm ra càng nhiều câu trả lời càng tốt cho câu sau đây:
Ý tưởng giống như
Bởi vì Do đó
Dưới đây là danh sách một số trong hàng trăm câu trả lời sáng tạo
tôi đã xem được. Trong mỗi trường hợp phép so sánh mở ra một cách nhìn mới về ý
tưởng:
• Ý tưởng giống như trẻ sơ sinh vì tất cả mọi người đều nghĩ rằng
con của mình thật dễ thương, do đó cần khách quan khi đánh giá các ý tưởng của
riêng bạn.
• Ý tưởng giống như đôi giày vì bạn cần phải thích nghi với chúng,
do đó hãy dành thời gian để đánh giá các ý tưởng mới.
• Ý tưởng giống như những chiếc gương vì chúng phản ánh môi trường
cục bộ, do đó hãy xem xét việc thay đổi bối cảnh để thu thập được nhiều ý tưởng
đa dạng hơn.
• Ý tưởng giống như sự nấc cục bởi vì một khi đã bắt đầu thì chúng
sẽ không dừng lại, do đó hãy tận dụng lợi thế của luồng ý tưởng.
• Ý tưởng giống như các bong bóng bởi vì chúng rất dễ vỡ, do đó
hãy dịu dàng với chúng.
• Ý tưởng giống như xe hơi vì chúng đưa bạn đến nhiều nơi, do đó
hãy cứ đi theo chuyến xe.
• Ý tưởng giống như socola bởi vì tất cả mọi người đều thích
chúng, do đó hãy phục vụ mọi người món socola thường xuyên.
• Ý tưởng giống như bệnh sởi vì chúng truyền nhiễm, do đó hãy đi
chơi với những người có nhiều ý tưởng nếu bạn cũng muốn có được ý tưởng của
mình.
• Ý tưởng giống như bánh quế vì chúng ngon nhất khi còn mới, do đó
hãy khiến cho những ý tưởng mới liên tục đến với bạn.
• Ý tưởng giống như mạng nhện vì chúng mạnh mẽ hơn so với bề
ngoài, do đó đừng đánh giá thấp chúng.
Bài tập này khuyến khích bạn mở rộng trí tưởng tượng của mình bằng
cách khai thác nguồn cảm hứng từ thế giới xung quanh bạn. Một số người tạo được
các kết nối này một cách tự nhiên và tìm những cách khác thường để chắt ra các
giá trị từ chúng. Những người như Steve Jobs luôn tìm kiếm những cách lý thú để
kết nối các ý tưởng với nhau và sau đó thực hiện các nỗ lực để mang những ý
tưởng của mình vào cuộc sống.
Một ví dụ tuyệt vời là Perry Klebahn. Anh bị vỡ mắt cá chân vào
năm 1991. Chấn thương này khiến Perry đặc biệt thất vọng vì anh yêu thích trượt
tuyết đến mức không bao giờ muốn bỏ lỡ một mùa trượt tuyết nào. Tuy nhiên, anh
đã tìm ra một cách để biến sự xui xẻo của mình thành điều may mắn. Trong khi
đang phục hồi thương tích, anh phát hiện ra một đôi giày đi tuyết cũ bằng gỗ và
thử lấy chúng ra đi dạo chơi, với hy vọng đó sẽ là một sự thay thế cho trượt
tuyết. Có điều chúng chẳng tiện lợi chút nào và tiếp tục khiến anh thất vọng.
Nhưng thay vì ném chúng trở lại vào tủ quần áo và chờ đợi cho mắt cá chân của
mình lành lại, Perry đã quyết định thiết kế một loại giày đi tuyết mới. Lúc đó,
anh đang là một sinh viên thiết kế sản phẩm, và đã nhận ra rằng mình có thể sử
dụng các kỹ năng mới này để giải quyết vấn đề của riêng mình. Trong suốt mười
tuần, anh thiết kế và làm ra tám phiên bản giày đi tuyết khác nhau. Vào các
ngày đầu tuần anh tạo mô hình, còn vào các ngày cuối tuần anh leo lên các ngọn
núi để thử chúng. Đến cuối tuần thứ mười thì anh nộp đơn xin cấp bằng sáng chế
cho các phiên bản mới của mình.
Sau khi thiết kế được hoàn thiện, Perry tự tay làm một số giày đi
tuyết và đem ra bán cho các cửa hàng dụng cụ thể thao. Những người qua lại nhìn
chúng và hỏi: “Đây là gì vậy?” Chúng không giống bất cứ thứ gì họ đã thấy trước
đây và lúc đó không có thị trường nào cho giày đi
tuyết. Nhưng Perry rất kiên trì, bởi anh tin rằng phải có rất
nhiều người không thể trượt tuyết
được vì một lý do nào đó nhưng vẫn muốn có một cách để tận hưởng
thời gian trên các ngọn núi vào mùa đông. Cuối cùng, anh quyết định tự xây dựng
thị trường.
Perry tự mình dẫn các nhân viên bán đồ thể thao đến các ngọn núi
phủ tuyết mỗi cuối tuần để cho họ thử nghiệm phát minh của mình. Anh nói với họ
rằng họ không cần phải quảng bá giày đi tuyết, anh chỉ muốn họ có được một trải
nghiệm về môn thể thao mới này. Các nhân viên bán hàng sau khi thử đã rất thích
và truyền đạt thông tin này cho người mua tại các cửa hàng của họ. Kết quả là
các cửa hàng dụng cụ thể thao bắt đầu mua rất nhiều sản phẩm mới của Perry.
Tuy nhiên thách thức không dừng lại ở đó. Sau khi khách hàng mua
những đôi giày đi tuyết mới của Perry, họ không biết sử dụng chúng ở đâu. Vì
vậy, Perry đã phải thuyết phục các khu du lịch trượt tuyết trên toàn nước Mỹ
thúc đẩy môn thể thao đi tuyết (snowshoeing). Anh khuyến khích họ tạo ra các
đường đi đặc biệt cho môn này, làm các bản đồ cho khách hàng, cung cấp vé ưu
đãi, và giám sát các con đường để chúng luôn an toàn. Một khi những điều này
hoàn thành thì xem như những mảnh ghép đã được xếp vào đúng chỗ cho thị trường
giày đi tuyết bùng phát, và nó đã phát triển từ con số 0 để đạt được 50 triệu
đôla. Công ty của Perry, Atlas Snowshoe, sau đó đã được bán cho K2, và giày đi
tuyết cùng những con đường dành riêng cho môn thể thao nào hiện nay đã phổ biến
rộng rãi.
Perry đã biến một loạt những đổ vỡ - cả về nghĩa đen và nghĩa bóng
– thành một tia chiến thắng bằng cách nhìn thấy các cơ hội. Anh biết kết nối
giữa mắt cá chân bị vỡ của mình với mong muốn được dành nhiều thời gian ngoài
trời tuyết, với những kỹ năng mới về việc thiết kế sản phẩm, và với sự quan sát
sắc sảo rằng những người khác sẽ hưởng lợi từ một loại giày đi tuyết tốt hơn.
Cuối cùng anh đã làm được mọi thứ rất tốt, nhưng đó là điều chỉ xảy ra sau khi
anh đầu tư lớn về thời gian, năng lượng, và sự kiên trì. Nhiều người chắc hẳn
sẽ bỏ cuộc trên đường đi, chùn bước hoặc thậm chí dừng bước trước mỗi trở ngại
mới. Nhưng Perry đã nhìn thấy cơ hội trong mỗi thách thức; và khi mỗi trở ngại
được khắc phục, khi tất cả các mảnh ghép đã được đặt vào đúng chỗ, cơ hội để
anh nhìn thấy một kết quả tích cực cuối cùng đã tăng lên. Điều này chỉ xảy ra
bởi vì Perry đã sử dụng mọi kỹ năng mà Richard Wiseman từng liệt kê. Anh là
người quan sát tốt, đi nhiều, thích phiêu lưu, lạc quan, và làm việc rất chăm
chỉ. Mỗi đặc điểm này đều rất quan trọng trong việc đóng góp vào sự thành công
của anh.
Nếu trường hợp của Perry là làm việc cực kỳ chăm chỉ để vượt qua
các trở ngại nhằm tạo ra may mắn của riêng mình, cũng có rất nhiều ví dụ về
những người khác tạo ra may mắn nhờ không ngại ngần tìm kiếm các cơ hội thú vị.
Một ví dụ hấp dẫn là câu chuyện của Dana Calderwood. Dana yêu nhà hát và đã
dành nhiều giờ tham gia vào các vở kịch của trường từ khi anh còn ở trường phổ
thông. Chúng tôi là bạn học ở Trường trung học Summit tại New Jersey, và cả hai
đứa đều rất mê kịch. Diễn xuất dù sao cũng chỉ là một sở thích của tôi; nhưng
Dana thậm chí còn mơ trở thành một đạo diễn, và từ rất lâu trước khi rời trường
trung học anh ấy đã bắt đầu tự tạo ra may mắn cho chính mình để tối ưu hóa các
cơ hội.
Như đã nêu ở trên, Dana không sợ hãi gì cả. Anh có tinh thần dám
nghĩ dám làm, và anh đã xin người đứng đầu bộ phận kịch cho anh đạo diễn vở
kịch lớp sắp diễn ra tại trường. Trước đây chưa từng có học sinh nào xin vào vị
trí đó, và giáo viên đã đồng ý. Dana không hề chờ đợinn người có quyền hạn bổ
nhiệm mình; anh chỉ việc yêu cầu được làm những gì anh mong muốn. Thời điểm đó
đã khởi đầu cho sự nghiệp đạo diễn của Dana. Anh tiến tới chỉ đạo các vở kịch
tại nhà hát địa phương. Metropolitan Musical Theatre. Ở đó Dana đã gặp một đạo
diễn khách mời, một người rất thành công ở Hollywood, và đạo diễn này đã cho
Dana những lời
khuyên khôn ngoan. Ông nói với Dana rằng những kỹ năng anh đang sử
dụng tại nhà hát cũng là
các kỹ năng cần thiết trong các tập đoàn lớn. Lời khuyên này cho
Dana sự tự tin để hướng tầm mắt của mình lên cao hơn nữa.
Dana đã vào học tại trường điện ảnh ở đại học New York, và trong
thời gian ở đó anh tận dụng tối đa mọi cơ hội. Dana luôn luôn ở lại sau khi các
lớp học kết thúc để gặp những diễn giả khách mời, hỏi họ về các cuộc gặp tiếp
theo và tên của những người khác anh nên liên hệ. Anh cũng luôn tìm hiểu để rút
tỉa những điều tốt nhất từ mọi bài tập làm phim. Đầu tiên, giống như các bạn
cùng lớp, Dana sử dụng bạn bè của mình để làm các diễn viên trong những phim
của anh (đây là lý do tôi đã lần đầu tiên được làm diễn viên trong phiên bản
của Dana, diễn lại cảnh tắm nổi tiếng trong phim Psycho). Tuy nhiên, Dana sớm
nhận ra rằng vẫn có cơ hội mời các ngôi sao nổi tiếng làm diễn viên chính trong
các tác phẩm của anh. Trong một bài tập về sản xuất chương trình, anh phải tạo
ra một chương trình ngắn cho truyền hình. Hầu hết các bạn cùng lớp của Dana
tiến hành các cuộc phỏng vấn đơn giản với nhau để đáp ứng yêu cầu, nhưng Dana
đã mời nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar Estelle Parsons tham gia và cô đã đồng
ý. Một lần nữa, anh đã mang đến may mắn cho mình bằng cách quan tâm đến những
giải pháp thay thế tuy không hiện hữu rõ ràng nhưng rất thú vị. Anh đã tự mình
ra ngoài tìm kiếm những gì anh muốn.
Thời gian trôi đi, Dana làm việc với những thách thức ngày càng
lớn hơn và lớn hơn nữa, và cuối cùng anh được mời làm đạo diễn cho chương trình
Late Night with Conan O’Brien. Dana phụ trách chương trình này trong nhiều năm,
trước khi chỉ đạo cho nhiều chương trình lớn hơn, bao gồm cả Rachel Ray và The
Iron Chef. Giả sử ở tuổi hai mươi mà Dana có cơ hội thấy trước được cuộc sống
trưởng thành của mình như thế nào, chắc hẳn anh đã phải há hốc mồm kinh ngạc
trước những may mắn của mình. Cơ nghiệp của Dana đến từ việc đưa tất cả mọi thứ
anh biết vào mọi thứ anh làm. Anh không sợ hãi khi yêu cầu được giao cho những
cơ hội để làm những điều anh chưa bao giờ làm trước đó, và mỗi bước nhảy thành
công đã mở rộng tầm nhìn và kiến thức giúp anh tiến tới thách thức lớn hơn.
Đã từ lâu Dana nằm lòng tư tưởng rằng công việc chỉ đạo trên một
sân khấu nhỏ cũng tương tự như chỉ đạo trên một sân khấu lớn, và điều này cho
anh sự tự tin để nhảy lên những bậc thang ngày càng to hơn khi anh làm cho các
cơ hội tự xuất hiện ra với mình. Nhiều người không cảm thấy thoải mái với những
bước nhảy như thế, thay vào đó họ thích ở lại những địa điểm nhỏ hơn. Một người
có thể tranh luận rằng có rất nhiều lợi thế khi làm việc với các nhóm thân quen
trong các dự án nhỏ. Những người khác thì ước mơ được ở một vị thế lớn hơn,
nhưng thấy nản lòng bởi khoảng cách (trong nhận thức của họ) giữa nơi họ đang ở
và nơi họ muốn đến. Câu chuyện của Dana cho thấy bằng cách chớp lấy tất cả các
cơ hội quanh mình, chúng ta vẫn có thể tiến từng bước chậm rãi mà chắc chắn để
đưa mình lên hết nấc thang này đến nấc thang khác, và cứ mỗi lần như vậy lại
kéo mình tới gần hơn với mục tiêu cuối cùng của cuộc đời.
Như đã thấy, chúng ta có thể tạo ra may mắn của riêng mình bằng
cách làm việc cực kỳ chăm chỉ và tập trung vào các mục tiêu của bản thân. Nhưng
chúng ta cũng sở hữu nhiều công cụ sẵn có khác của chính mình, bao gồm việc cởi
mở đón nhận các cơ hội đến với chúng ta, tận dụng đầy đủ nhất các cơ hội ấy,
cẩn thận để tâm đến thế giới xung quanh mình, tương tác với càng nhiều người
càng tốt, và khiến những tương tác đó trở nên tích cực nhất có thể. Tạo ra may
mắn cho chính mình có nghĩa là xoay chuyển những tình hình xấu và làm cho tình
hình tốt trở nên tốt hơn nữa. Chúng ta sẽ tăng đáng kể các cơ hội có được may
mắn nhờ việc mở rộng bản thân mình để có được càng nhiều kinh nghiệm đa dạng
càng tốt, mạnh dạn kết hợp những kinh
nghiệm này theo những cách khác thường, và không ngại phải phấn
đấu để đến được những
vai trò mà chúng ta mong muốn trong cuộc đời mình.