24. Một Câu Đối Chung Thân Đi Đám
MỘT CÂU ĐỐI CHUNG THÂN ĐI ĐÁM
Nhất đức tại thiên tùy phú nhận
Thất tình ư ngã khởi vô tâm.
一德在天隨賦分
七情於我豈無心
Hai câu đối chữ Nho này có nghĩa « Tất cả số phận đều do trời định đoạt. Đối với việc ấy, lẽ nào lòng ta không nghĩ đến ».
Các bạn hãy nghĩ kỹ mà xem để mỗi khi việc đến, nếu cần, cứ đem vải hay giấy ra viết, khỏi phải đem trầu cau rượu bánh đến các ông Cử, ông Tú, ông Đồ, ông Khóa còn sót lại hay phải đi vào cạy cục với các ông Hoa-kiều ở Chợ-lớn.
Câu đối này không phải của những hạn tầm thường đâu mà chính của cụ phó bảng Đỗ-Huy-Uyển thân sinh ông Hoàng-giáp Đỗ-Huy-Liêu, người làng La-ngạn, Phủ Nghĩa-hưng, tỉnh Nam-định.
Sỡ dĩ có câu đối này, không phải do nơi sáng kiến của cụ phó bảng mà nguồn gốc chính là một sự chơi khăm của một viên cai tổng.
Nguyên cụ phó bảng khi về trí sĩ ở làng, vì hoàn cảnh nhà nghèo, nên hễ ai có việc gì đến xin đối trướng văn thơ của cụ thì ít nhiều cũng phải có vật gì làm lễ mà nhất phải là tiền.
Vô vật bất linh, vô tiền bất liễu. Người ta bảo cụ là một tay đại khoa mà cũng thích tiền thì hèn chi là những kẻ giá áo túi cơm, những hạng người phàm phu tục tử.
Bởi tánh hễ việc gì cũng phải nói đến tiền mới xong, nên một viên cai tổng ở trong làng mới nghĩ cách để chơi khăm lại cụ. Một bữa nọ, lão ta đem 15 quan tiền đến kính cẩn thưa : Bẩm cụ lớn con thì công việc nhiều mà đến làm phiền cụ lớn mãi như vậy thất lễ quá, nên hôm nay lễ bạc tâm thành (…) cụ lớn cho con một câu đối để bất cứ đám nào hiếu hỷ hay thân sơ cũng đều dùng được hết.
Cụ phó bảng tuy học lực uẩn súc, nhưng thi đình không đỗ được tấn sĩ, bởi thế cụ bất đắc dĩ, nghĩ mình học giỏi tài hơn mà trái lại công danh khoa hoạn không được bằng các cụ Tam-Đăng, Bích-Sơn, và Yên-Đổ, nhất là với cụ Yên-Đổ thì cụ không phục một chút nào.
Thế rồi sau khi nghe viên cai tổng nói, cụ liền bảo ngồi, đoạn cụ lấy ra 15 quan tiền : Tôi cho thầy thêm 15 quan, với số của thầy là ba chục. Thầy đem lên Phủ-lý mà xin ông Yên-Đổ, hễ ông ấy từ chối, về đây tôi sẽ làm cho thầy.
Viên cai tổng cáo từ lui ra. Lão ta lên Phủ-lý tìm vào làng Yên-đổ ra mắt cụ Tam-nguyên, và cũng trình bày như đã trình bày với cụ phó bảng La-ngạn.
Cụ Yên-Đổ nghe xong, tức cười bảo : Bộ anh điên rồi sao, thuở đời ai làm câu đối để chung thân đi đám bao giờ, bất cứ đám nào hiếu hỷ cũng đi được.
Viên cai tổng lui về, thưa với cụ La-Ngạn, cụ liền viết cho câu đối trên và xúi lão ta lên nói với cụ Yên-Đổ là của chính lão làm. Cụ Yên-Đổ không tin và cho biết phi ông phó bảng La-Ngạn, không có ai làm được.
Trong tập giai thoại văn chương Việt-Nam này, chúng tôi xin hiến quý bạn câu đối trên và sự tích của nó. Các bạn hãy thử dùng xem sao. Và có bạn nào dịch được thành câu đối Nôm, thì xin gởi cho nhà xuất bản, hoặc đăng lên báo để phổ biến, vì đó cũng là một việc làm văn nghệ, giúp ích cho đồng-bào để mỗi khi cần đến, khỏi phải gánh vàng đi đổ sông Ngô nữa.