23. Thưa Ông, Tôi Phạm Đình Chi
THƯA ÔNG, TÔI PHẠM-ĐÌNH-CHI ?
Ngày xưa nghe tiếng bà Đoàn-thị-Điểm hay chữ. Cha con ông Công-Hoàn và Bá-Lân đến thử xem tài bộ thế nào. Nhưng mới bước tới sân đã bị bà Điểm dồn ra cho một câu :
Đình tiền thiếu-nữ động tân-lang 12
庭前少女動檳榔
Đối lại không được, thế là cha con đành cứng họng ra về.
Chuyện xảy ra đã có mấy trăm năm, nay nghe kể lại, ai ai cũng khen và cũng phục bà Điểm là một nữ-sĩ phi thường.
Nhưng trong giới nữ lưu nước nhà không phải chỉ có một bà Điểm, và một chuyện như thế.
Bà Sương-Nguyệt-Anh tức Nguyễn-thị-Khuê con gái thứ năm cụ Nguyễn-Đình-Chiểu ở Ba-tri mới mất năm 1921. Sinh thời bà cũng là một bực tài sắc văn chương nổi tiếng một thời ở miền Nam. Nhưng chỉ tiếc bà không được sống ở thời thiên hạ âu ca như bà Điểm, mà phải ở cái hoàn cảnh như thân phụ bà, cụ Đồ Ba-tri đã nói :
Dân sa nước lửa chày nhày,
Giặc ép mỡ dầu hết sức
Các bực sĩ nông công cổ, liền mang tai với súng song tâm 13
Khắp nơi tổng lý xã thôn, thấy mắc họa cùng cờ tam sắc. 14
Tương truyền bà cũng có một chuyện na ná như chuyện bà Điểm với hai ông Công-Hoàn, Bá-Lân.
Sau khi chồng bà, ông phó tổng Nguyễn-Công-Tính tạ thế, bà đã quyết trọn đời thủ tiết. Ấy thế mà không biết tại sao ông Cử-nhân Phạm-Đình-Chi ở Mỹ-tho lại muốn phá ý định của bà bằng cách đến thăm để giở món văn chương ra lòe bà, yêu cầu bà ra cho câu đối để kết duyên văn tự.
Bà từ chối không được, phải ra cho ông cử một câu : Đình làng tôi không dám phạm, thưa ông tôi phạm đình chi ?
Nói theo văn xuôi là tôi đã không dám phạm tới đình của làng, vậy thì thưa ông, tôi phạm vào cái đình gì đây ? Mới nghe cũng thường thôi, nhưng cả tên họ ông cử Phạm-Đình-Chi đều nhét vào trong đó. Như thế, ông cử biết lấy cảnh gì để ứng khẩu đáp lại cho chỉnh, cho hay hơn được bà.
Vậy là ông rút lui một mạch, rút lui cả người và lẫn cả tà tâm.
Cha con ông Công-Hoàn, Bá-Lân trước kia đã bị bà Điểm cho một vố, sau này ông Phạm-Đình-Chi lại bị bà Sương-Nguyệt-Anh cho một đòn.
Cái dở của các ông này là chủ quan, tự cao tự đại, không hiểu ta hiểu người, cho nên mới hóa ra như vậy.
Kẻ viết chuyện này, nghĩ lại xiết bao ghê tởm cho những người ở đời nay còn khoe chức kia bằng nọ để hợm mình ở trước một cô gái, cũng như một ông tấn sĩ Tây học nọ đi xem mặt vợ nói toàn bằng tiếng Lang-sa để tỏ ra mình là rành văn mẫu quốc, nhưng bị nàng khước từ vì lẽ cho chàng như thế là mất gốc.
Các bạn râu mày ơi !
Ai có bệnh ấy, xem những gương này nên sửa chữa ngay đi, không thì đi đêm vô, phúc gặp ma đấy. Phụ-nữ Việt-Nam bây giờ văn minh tiến bộ rồi, chớ không còn khờ dại cả đâu.