Những đứa con của nửa đêm - Phần III - Chương 30 - Phần 1

Chương
30: Abracadabra[1]

[1] Câu
thần chú mà các ảo thuật gia Ấn Độ thường sử dụng khi diễn trò,
tương tự như Úm ba la xì bùa.

Sự
thật là, tôi đã nói dối về cái chết của Shiva. Sự dối trá thẳng
thừng đầu tiên của tôi -mặc dù phần tường thuật của
tôi về thời kỳ Khẩn cấp dưới dạng một nửa đêm kéo dài sáu trăm
ba mươi lăm ngày có lẽ là lãng mạn quá mức, và chắc chắn sẽ mâu thuẫn với
hồ sơ dữ liệu về khí tượng. Mặc dầu vậy, và cho dù người khác nghĩ gì
đi nữa, dối trá không hề là việc dễ dàng với Saleem, và tôi đang cúi gằm
mặt xấu hổ khi thú nhận chuyện này... Vậy thì, vì sao, lời nói dối trắng
trợn duy nhất này? (Bởi vì, trên thực tế, tôi không hề biết địch thủ
của/đứa trẻ bị đánh tráo với tôi đi về đâu sau tai biến tại Khách sạn
Góa phụ; hắn ở hỏa ngục hay nhà thổ cuối đường thì tôi cũng chẳng phân biệt
được.) Padma, gắng hiểu cho tôi: tôi vẫn khiếp sợ hắn. Nợ nần giữa tôi và hắn
chưa thanh toán hết, và mỗi ngày trôi qua tôi vẫn run rẩy trước ý nghĩ
rằng biết đâu người hùng thời chiến sẽ khám phá ra bí mật lúc chào đời của
hắn - có bao giờ hắn được cho xem một cặp hồ sơ có ba chữ cái đầu
bật-mí-bí-mật? - và rằng, bị sự mất mát không thể vãn hồi của quá khứ thổi
bùng lên cơn thịnh nộ, biết đâu hắn sẽ đến tìm tôi để
giáng xuống một đòn báo thù ngạt thở... lẽ nào tất cả sẽ
kết thúc như thế, sinh mệnh bị bóp nghẹt khỏi tôi bởi một cặp đầu gối siêu
nhân, tàn ác?

Thế
nên tôi mới bịa đặt; lần đầu tiên, tôi trở thành nạn nhân của sự cám dỗ mà mọi
người viết tự truyện đều gặp phải, của ảo tưởng rằng bởi vì quá khứ
chỉ tồn tại trrong những ký úc của con người và những từ ngữ
cố gắng một cách vô ích để biểu đạt chúng nên có thể tạo ra
những sự kiện trong quá khứ đơn giản bằng cách viết rằng chúng đã xảy ra.
Nỗi sợ hiện tại của tôi đã đặt khẩu súng vào tay Roshanara Shetty;
với hồn ma của Trung tá Sabarmati đứng sau nhòm qua vai tôi, tôi cho
cô hối lộ ve vãn luồn lọt để vào được xà lim của hắn... tóm lại, ký ức
về một trong những tội ác đầu tiên đã tạo nên tình huống (giả tưởng)
cho tội ác cuối cùng của tôi.

Kết
thúc màn thú tội: bây giờ tôi đang đến gần một cách nguy hiểm cái kết cho những
hồi tưởng của tôi. Đêm đã về; Padma đã vào vị trí;ở bức tường trên đầu
tôi, một con thằn lằn vừa nhai rau ráu một con ruồi; cái nóng nung nấu của
tháng Tám, dư sức ngâm cả não người, hân hoan sủi bọt giữa hai tai tôi; và
mới năm phút trước chuyến tàu nội hạt cuối cùng đã vạch một đường
vàng-và-nâu về phía Nam đến Ga Churchgate, thành thử tôi
không nghe thấy điều Padma vừa nói, với vẻ thẹn thùng che giấu một quyết
tâm mãnh liệt như dầu hỏa. Tôi đành bảo cô nhắc lại, và
những cơ thịt của sự ngỡ ngàng bắt đầu co giật ở bắp chân
cô. Tôi phải lập tức ghi lại rằng đóa sen-phân của chúng ta đã nói
lời cầu hôn, “để em có thể săn sóc ông mà không phải hổ hẹn với bàn
dân chiên hạ.”

Đúng
như tôi sợ! Nhưng giờ lời đã nói ra, và Padma (tôi có thể đoán được) sẽ không
chấp nhận câu trả lời “không”, tôi phản đối, như một trinh nữ
mặt đỏ bừng: “Như vậy thì đường đột quá - rồi còn vụ phẫu thuật,
rồi thứ bị vứt cho chó ăn: em không ngại ư? - và Padma, Padma,
còn cả thứ-ăn-mòn-xương, nó sẽ biến em thành quả phụ! - và em mà nghĩ
xem, còn lời nguyền chết thảm nữa, hãy nghĩ cái
Parvati - em có chắc không, có chắc không có chắc không hả...?”
Nhưng Padma, hàm răng siết chặt thành khối bê tông của một quyết tâm
hùng hồn không gì lay chuyển nổi, trả lời: “Ông nghe em đây - với em
không có nhưng nhị gì sất! Không bàn đến mấy chuyện hoang đường ấy nữa. Còn có
tương lai để nghĩ tới.” Tuần trăng mật sẽ diễn ra ở Kashmir.

Dưới
cái nóng hừng hực từ quyết tâm của Padma, lòng tôi nhói lên một ý nghĩ
điên cuồngrằng biết đâu, sau tất cả, em là người có
thể thay đổi kết cục câu chuyện của tôi, bằng sức mạnh ý chí phi
thường của em, rằng những vết nứt -và bản thân cái
chết - có thể sẽ phải lùi bước trước quyền năng của niềm quan
thiết khôn nguôi em dành cho tôi... “Còn có tương lai đểnghĩ
tới,” em nhắc tôi - và biết đâu (tôi cho phép mình nghĩ lần
đầu tiên từ khi bắt đầu câu chuyện này) - biết đâu còn có thật! Hằng hà
sa số những cái kết mới chen chúc quanh đầu tôi, vo ve như bầy côn
trùng của cái nóng... “Mình cưới nhau đi, ông.” em cầu hôn, và đàn
bướm đêm của niềm phấn khích loạn động trong ruột tôi, như
thể em vừa đọc một chú ngữ thần bí, một câu abracadabra siêu
phàm, giải phóng tôi khỏi định mệnh - nhưng hiện thực đang đeo đuổi tôi. Tình
yêu không chinh phục tất cả, trừ trong phim chớp
bóng Bombay; rách nứt rạn sẽ không bị đánh bại chỉ bởi một
nghi lễ; và lạc quan là một căn bệnh.

“Vào
sinh nhật ông, có được không?” em gợi ý. “Tam thập nhi lập, đàn ông ba
mốt lấy vợ là phải rồi.”

Tôi biết
nói thế nào với em? Làm sao tôi nói được, rằng còn có những
kế hoạch khác cho ngày hôm đó, tồi luôn bị bóp nghẹt trong một định mệnh
điên-cuồng-với-hình-thái, vốn thích gieo rắc tai ương vào những ngày linh
thiêng... tóm lại, làm sao tôi nói được với em về cái chết? Tôi không
thể; thay vào đó, với vẻ nhu mì và muôn phần cảm kích, tôi nhận lời
cầu hôn của em. Tôi, đêm hôm nay, là một tân lang; hãy đừng ai nghĩ khắt
khe về tôi vì đã tự cho phép mình - và bông sen kết tóc se
tơ của tôi – niềm hoan lạc cuối cùng, tầm thường, vô nghĩa này.

Padma,
qua việc cầu hôn, đã cho tháy, em sẵn lòng xem mọi thứ tôi kể cho em
chỉ là những “chuyện hoang đường” không hơn không kém; khi tôi trở
lại Delhi và thấy Picture Singh cười ngoác miệng dưới
bóng chiếc cầu đường sắt, tôi mau chóng hiểu
ra rằng cả các nhà ảo thuật cũng đang mất dần ký ức.
Đâu đó trong những lần di chuyển của khu ổ chuột lưu động, họ đã làm thất
lạc năng lực ghi nhớ của mình, thành thử giờ đây họ đã mất khả
năng phán đoán, vì họ đã quên mọi thứ có thể sử dụng để tham
chiếu với những việc đã xảy ra. Ngay cả thời kỳ Khẩn cấp cũng đang nhanh
chóng rơi vào sự mai một của quá khứ, và các nhà ảo thuật chú tâm vào hiện tại
với sự chuyên nhất của loài sên. Họ cũng không nhận ra rằng mình
đã thay đổi; họ quên rằng mình đã từng khác bây giờ, chủ nghĩa Cộng sản
đã rỉ ra khỏi họ và bị mặt đất khát nước, nhanh như thằn lằn, nuốt
sạch; họ bắt đầu quên những kỹ năng nghề nghiệp trong cơn hỗn loạn
của đói khát, bệnh tật và sự bạo hành của cảnh sát - những yếu tố cấu
thành (như thường lệ) hiện tại. Tuy nhiên, với tôi, sự thay đổi ở những bằng
hữu cũ này không khác gì một cú sốc. Saleem đã biết thế nào là
mất trí nhớ, và đã được thấy mức độ phi đạo đức của nó; trong đầu gã, quá khứ
mỗi ngày trở nên một rực rỡ hơn trong khi hiện tại (đã bị những lưỡi
dao cắt đứt khỏi gã mãi mãi) có vẻ không màu, rối rắm, một thứ
chẳng có gì quan trọng; tôi, kẻ nhớ rõ từng sợi tóc trên đầu bọn
cai ngục và bác sĩ phẫu thuật, choáng váng sâu xa trước thái độ ngần ngại nhìn
lại sau lưng của các nhà ảo thuật. “Người chả khác gì mèo, tôi bảo con trai,
“chẳng dạy được cái gì hết.” Mặt thằng bé có vẻ nghiêm nghị rất hợp cảnh,
nhưng nó nín thinh.

Con
trai tôi Aadam Sinai đã, khi tôi tái phát hiện khu trại bóng ma của các nhà ảo
thuật, mất hẳn mọi dấu tích của chứng lao phổi từng hành hạ nó hồi mới sinh.
Tôi, lẽ dĩ nhiên, tin chắc chắn rằng căn bệnh đã tiêu tan cùng với sự sụp đổ
của mụ Góa phụ; Picture Singh, mặc dù vậy, bảo tôi rằng công lao chữa
bệnh phải được quy cho một mụ thợ giặt nào đó, tên gọi Durga, người đã nuôi vú
thằng bé suốt thời gian nó ốm, cho nó ngày ngày hưởng dụng hai bầu sữa
đồ sộ và bất tận của mụ. “Cái mụ Durga ấy, đội trưởng,” người dụ rắn già
nói, giọng anh tố cáo sự thật rằng, khi về già, anh đã trúng
bùa xà ngải rắn của mụ dhoban nọ, “Thật là một người đàn bà!”

Mụ
là người đàn bà có bắp tay cuồn cuộn; có cặp vú siêu nhiên đổ ra dòng sữa có
khả năng nuôi dưỡng hàng trung đoàn; và, người ta đồn kín với nhau rằng
(mặc dù tôi ngờ rằng tin đồn này do chính mụ tung ra),
có hai tử cung. Vú mụ nhiều sữa bao nhiêu thì đầu mụ cũng nhiều
chuyện tấm phào với ngồi lê đôi mách bấy nhiêu: mỗi ngày
cả tá chuyện mới tuôn ra từ mồm mụ. Mụ sở hữu một nguồn năng lượng vô
tận phổ biến trong tất cả đám chị em bạn nghề; khi mụ quật những sơ mi và sari
lên phiến đá giặt đến phọt hết sinh khí ra ngoài, mụ dường như gia tăng
sức mạnh, như thể mụ hút cạn sinh lực của quần áo, những món đồ có
chung một kết cục là phẳng lì, đứt hết khuy và bị nện nhừ tử. Mụ là một con
quái vật sống hết ngày nào quên ngay ngày ấy. Tôi phải hết sức miễn cưỡng bản
thân khi đồng ý làm quen với mụ; và cũng hết sức miễn cưỡng tôi mới để mụ bước
vào những trang viết này. Tên mụ, từ trước khi tôi gặp mụ, đã có mùi của
cái mới; mụ đại diện cho tân kỳ, những khởi đầu, sự xuất hiện của những câu
chuyện sự kiện điều phức tạp mới, mà tôi thì không còn hứng thú với bất cứ
thứ gì mới nữa. Tuy nhiên, một khi Pictureji đã cho tôi biết anh định
lấy mụ, tôi chẳng còn lựa chọn nào khác; mặc dù vậy, tôi sẽ đề cập đến mụ
vắn tắt nhất mà vẫn bảo đảm tính xác thực.

Nào thì vắn
tắt: mụ Durga thợ giặt là một con hồ ly tinh! Một con thằn
lằn hút máu đội lốt người! Và ảnh hưởng của mụ lên Picture
Singhchỉ có thể so với uy lực của mụ đối với những chiếc áo
bị quật vào đá: nói tóm lại, mụ đè bẹp anh. Gặp mụ một lần, tôi hiểu tại
sao nhìn Picture Singh lại già và sầu thảm như thế; nay bị tước đi chiếc ô
hòa hợp mà nam phụ lão ấu từng tụ tập ở dưới để được nhận lời khuyên
và bóng mát, anh như ngày một héo hon đi; khả năng anh trở thành con Chim ngân
nga thứ hai đang tan biến ngay trước mắt tôi. Durga, trong khi đó, ngày một
vượng hơn: những chuyện ngồi lê đôi mách của mụ ngày càng tục tĩu,
giọng mụ ngày một to và khàn, đến khi rốt cuộc mụ làm tôi nhớ đến Mẹ Bề trên
những năm cuối đời, khi bà phình ra còn ông tôi co lại. Sự tái hiện đầy
hoài niệm hình ảnh ông bà tôi là điều duy nhất làm tôi hứng
thú ở tính cách của mụ thợ giặt mồm loa mép giải này.

Nhưng
không thể nào phủ nhận sự hào phóng của tuyến sữa của mụ:
Aadam, ở tháng thứ hai mươi mốt, vẫn đầy thỏa mãn bú vú mụ. Đầu tiên
tôi nghĩ đến việc cho thằng bé cai sữa, nhưng rồi nhớ ra con trai
tôi chỉ làm duy nhất điều nó muốn, nên tôi thôi không ép nó nữa. (Và,
hóa ra, tôi đã đúng khi không làm thế.) Vì cái tử cung
nghe-đồn-là-kép của mụ, tôi không có khao khát biết chuyện đấy thật hay giả,
nên không đi sâu tìm hiểu.

Tôi đề cập
đến Durga mụ dhoban, chủ yếu vì chính mụ là người đầu tiên, một buổi tối khi
chúng tôi đang dùng bữa với hai mươi bảy hạt cơm mỗi suất, tiên đoán
về cái chết của tôi. Tôi, phát bực với dòng tin tức và tán nhảm bất
tận của mụ, phàn nàn, “Durga Bibi, chả ai quan tâm đến mấy chuyện chị
kể đâu!” Nghe vậy mụ, bình thản, “Saleem Baba, tôi tử tế với cậu vì
Pictureji bảo rằng sau khi bị bắt chắc cậu tan vỡ ghê gớm lắm; nhưng,
nói thật, tôi thấy độ này cậu chả quan tâm đến cái gì ngoài việc vật vờ đi
lại. Cậu nên biết rằng khi một người mất hứng thú với cái mới, anh ta
đang mở cánh cửa đón Hắc thần.”


mặc dù Picture Singh mềm mỏng, “Coi nào, đội trưởng gái, đừng khắt khe
với cậu bé,” mũi tên của Durga mụ dhoban đã trúng đích.

Trong tình
trạng kiệt quệ của ngày trở về sau khi bị hút kiệt,
tôi tìm thấy ngày tháng trống rỗng bao bọc lấy tôi như một lớp
thạch dày: và mặc dù Durga đề nghị, vào sáng hôm sau, và cólẽ do
chật lòng áy náy về những lời lẽ cay nghiệt của mình, giúp tôi hồi phục
sức khỏe bằng cách cho tôi bú vú trái trong khi con trai tôi bú bên phải, “và
sau đó biết đâu cậu sẽ suy nghĩ bình thường trở lại,” những điềm báo
của tử vong bắt đầu chiếm lĩnh phần lớn tâm trí tôi; thế rồi tôi khám phá
ra tấm gương của sự hèn mọn ở bến xe Shadipur, và bắt đầu tin rằng tử kỳ của
tôi đang đến.

Đó
là tấm gương treo nghiêng phía trên lối vào ga ra xe buýt; tôi, lang thang
vô định trong sân trước của bến xe, bị thu hút bởi ánh mặt trời nhấp nháy
mà nó phản chiếu ra. Tôi nhận ra đã nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, tôi chưa
nhìn thấy mình trong gương, và đi qua đứng bên dưới nó. Nhìn lên tấm
gương, tôi thấy mình biến dạng thành một người lùn đầu to, thân trên nặng nề;
trong hình ảnh bị thu ngắn lại một cách hèn mọn ấy của bản thân, tôi thấy tóc
mình nay đã xám xịt như mây trời; thằng lùn trong gương, với khuôn mặt
nhăn nheo và đôi mắt mỏi mệt, gợi nhớ sâu sắc cho tôi về ông tôi
Aadam Aziz vào cái ngày ông nói chuyện nhìn thấy Chúa với chúng tôi.
Khi ấy những khổ não được Parvati-phù-thủy chữa khỏi đều (hệ quả của việc bị
hút kiệt) trở lại hành hạ tôi; tay chín ngón, sừng thái dương, đầu sư cọ,
mặt nhọ, chân vòng kiềng, mũi dưa chuột, bị thiến, và nay lại già trước tuổi,
tôi đã thấy trong tấm gương của sự hèn mọn ấy một con người mà lịch sử không
còn gì để làm nữa, một sinh vật dị hợm vừa được phóng thích khỏi cái
số kiếp tiền định đã đánh đập gã tơi bời cho đến khi gã chỉ còn nửa
điên nửa tỉnh; với một tai lành và một tai điếc tôi nghe thấy tiếng chân vị Hắc
thần của cái chết.

Khuôn
mặt trẻ-già của thằng lùn trong gương biểu lộ sự nhẹ nhõm sâu sắc.

Tồi
đang trở nên rầu rĩ; ta hãy đổi đề tài... Đúng hai mươi bốn tiếng trước
khi lời chế nhạo của một anh hàng trầu khiêu khích Picture Singh đến chỗ
lên đường đi Bombay, Aadam Sinai con tôi đi đến một quyết định cho
phép chúng tôi đồng hành với người dụ rắn: sau một đêm, chẳng hề báo
trước, và trước sự bần thần của người vú nuôi thợ giặt, người buộc phải vắt sữa
thừa vào những thùng vanaspati năm lít, thằng bé Aadam tai quạt cự cai sữa,
lẳng lặng từ chối bầu vú và yêu cầu (không lời) được ăn dặm: cơm nhão đậu
nhừ bích quy. Như thể nó đã quyết định cho phép tôi tiến đến cái đích
riêng tư và nay-đã-rất-gần của mình.

Tính
tự chủ câm lặng của một đứa trẻ chưa đầy hai tuổi: Aadam không hề nói khi
nào nó đói hay buồn ngủ hay nóng lòng thực hiện các nhu cầu tự nhiên. Nó đòi
hỏi chúng tôi phải tự biết. Sự quan tâm liên tục mà nó yêu cầu có lẽ là
một trong số những nguyên nhân khiến tôi tiếp tục, bất chấp mọi chỉ dấu
về điều ngược lại, sống được… chẳng làm được gì khác trong những ngày
mới thoát kiếp giam cầm, tôi tập trung vào trông nom con trai tôi. “Anh nói
thực, đội trưởng, may mà cậu quay về,” Picture Singh đùa, “không thì thằng
bé này đã biến mọi người thành Ayah hết.” Tôi một lần nữa hiểu
rằng Aadam là thành viên của một thế hệ thứ hai của những đứa trẻ thần
kỳ sẽ lớn lên kiên cường hơn nhiều thế hệ trước, không tìm kiếm
vận mệnh của mình trong những lời tiên tri hay chiêm tinh, mà tôi luyện ra nó trong
lò lửa bất khuất của ý chí của chúng. Nhìn vào đôi mắt
đứa trẻ vừa không phải con tôi, đồng thời là hậu duệ của tôi hơn bất
kỳ đứa con máu thịt nào, tôi thấy trong đôi đồng tử trống rỗng, trong veo ấy
một tấm gương thứ hai của sự hèn mọn, cho tôi thấy rằng, từ giờ trở đi,
tôi chỉ còn đóng vai trò ngoại vi như bất cứ ông già vô dụng nào: chức
năng truyền thống, có thể, của một người hồi tưởng, người
kể chuyện... Tôi cứ băn khoăn không biết trên cả nước đàn
con trai hoang của Shiva có đang, áp đặt ách bạo quyền tương tự lên những bậc
cha mẹ bất hạnh, và lần thứ hai mường tượng ra bầy nhóc con có sức mạnh
đáng sợ này, đang lớn lên đợi chờ nghe ngóng, tập dượt cho thời khắc cả thế
giới sẽ biến thành đồ chơi của chúng. (Làm thế nào để, trong tương
lai, nhận diện những đứa trẻ này: rốn chúng lồi ra thay vì thụt vào).

Nhưng
đã đến lúc kể tiếp câu chuyện: một lời chế nhạo, một đoàn tàu sau
chót chạy vềphương Nam Nam Nam, một trận chiến tối hậu... ngay sau cái ngày
Aadam cai sữa, Saleem theo Picture Singh đến Connaught
Place để phụ anh trong màn xiếc rắn. Durga mụ dhoban bằng lòng dắt
con trai tôi theo đến dhobi-ghat: Aadam dành cả ngày quan sát sức mạnh bị nện
phọt ra khỏi quần áo của người giàu và được mụ hồ ly ấy hấp nạp ra sao.
Vào cái ngày định mệnh ấy, khi tiết trời ấm áp đang trở lại thành phố như
một đàn ong, tôi bị gặm nhấm trong niềm hoài nhớ chiếc ống nhổ
bị xe ủi đè bẹp. Picture Singhđã cho tôi một
vật-thay-thế-ống-nhổ, một can dầu Dalda Vanaspati rỗng, nhưng mặc dù tôi vẫn
dùng nó mua vui cho con tôi bằng sự thành thạo trong môn nghệ thuật đầy tinh
tế phụt-ống-nhổ, phun những tia nước trầu dài trong không khí
bụi bặm ở khu trại của giới ảo thuật, tôi vẫn không nguôi nỗi nhớ. Câu hỏi:
việc gì phải đau khổ chỉ vì một cái hứng bã trầu? Câu trả lời
của tôi là quý vị đừng bao giờ đánh giá thấp một cái ổng nhổ. Tao nhã
trong salon của Quận chúa xứ Cooch Naheen, nó cho phép giới trí
thức rèn luyện một hình thức nghệ thuật đại chúng; lấp lánh dưới hầm, nó
biến thế giới ngầm của NadirKhan trở thành một Taj Mahal thứ
hai; nằm phủ bụi trong cái rương tôn cũ, nhưng nó luôn hiện diện trong
suốt lịch sử của tôi, ngấm ngầm hấp thụ những tai biến trong tủ giặt,
hồn ma, đóng băng – tan băng, hút kiệt, lưu đày; từ trên trời rơi
xuống như một mảnh trăng, nó đã kích phát một sự biến đổi. Ôi chiếc ống
nhổ bùa thiêng! Ôi vật thu nhận ký ức cũng như bã trầu mỹ lệ nay đã thất
lạc! Có con người nhạy cảm nào lại không thông cảm với nỗi xót xa hoài niệm của
tôi trước sự thất lạc của nó?

...
Bên cạnh tôi ở cuối cỗ xe buýt căng phồng nhân loại, Picture
Singh ngồi với những sọt rắn cuộn tròn ngây thơ trên lòng anh. Suốt
dọc đường xóc lên nảy xuống chạy xuyên cái thành phố đầy rẫy cả những hồn ma
sống dậy của những thành Delhi xa xưa và thần thoại, Người Đàn Ông Dụ
Hoặc Nhất Thế Gian toát ra một vẻ ngã lòng uể oải, như thể một trận
chiến trong một căn buồng tối xa xăm đã kết thúc... cho đến khi tôi quay về,
không ai hiểu được nỗi sợ đích thực và không nói ra của Pictureji là
anh thấy mình đang già đi, sức mạnh của anh đang lịm dần, anh sẽ sớm trôi
dạt và bất lực trong một thế giới mà anh không hiểu: như tôi, Picture
Singh bấu víu vào sự hiện diện của Bé Aadam như thể thằng bé là ánh đuốc trong
một đường hầm dài tăm tối. “Một thằng bé ngoan, đội trưởng,” anh bảo tôi,
“một chằng bé đầy tự trọng: ta hầu như không để ý đến tai nó.”

Tuy
nhiên, ngày hôm đó con trai tôi không đi cùng chúng tôi.

Mùi
của New Delhi xộc vào mũi tôi trên Connaught Place - hương bích
quy từ quảng cáo của J.B. Mangharam, mùi phấn bảng sầu thảm của thạch
cao bong tróc; và hơi bi kịch của cáctài xế xe lam, do xăng tăng giá
mà đói đến nỗi buông xuôi tất cả; và hương-cỏ-xanh của vòng tròn tiểu cảnh nằm
giữa bùng binh giao thông, trộn lẫn với mùi những tên lừa đảo đang thuyết
phục khách nước ngoài đổi ngoại tệ chợ đen dưới những mái vòm rợp
bóng. Từ Quán cà phêẤn Độ, nơi dưới mái lều bạt không ngớt rộn
lên tiếng lao xao tán gẫu tỏa ra mùi hương kém dễ chịu của những câu
chuyện mới đang bắt đầu: tình ái hôn nhân cãi cọ, tất cả đều bị trộn lẫn với
mùi trà và pakora cay. Thứ tôi ngửi thấy ở Connaught Place: sự có mặt
ăn xin quanh đó của một cô gái mặt sẹo năm xưa từng là
Sundari-mỹ-nhân-tuyệt-sắc; và ký-ức-thất-lạc, và hướng-tới-tương-lai, và
chẳng-có-gì-thật-sự-thay-đổi… quay lưng lại những dự cảm khứu giác ấy, tôi
tập trung vào những mùi nồng nặc và đơn thuần hơn của nước đái (người) và phân
động vật.

Dưới
hàng cột của Nhà F tại Connaught Place, cạnh mẹt sách vỉa hè, là chỗ
ăn nên làm ra của một anh hàng trầu. Anh ngồi khoanh chân phía sau cái quầy
kính xanh như một tiểu thần của chốn này: tôi đưa anh vào những trang cuối
cùng này bởi vì, mặc dù bốc ra mùi nghèo đói, kỳ thực, anh là người
có của, chủ nhân của một chiếc Lincoln Continental, mà anh đậu
khuất tầm mắt ngoài Bùng binh Connaught, được anh mua bằng gia tài kiếm
được từ bán thuốc lá nhập lậu và đài bán dẫn; mỗi năm anh vào tù nghỉ mát
hai tuần, và thời gian còn lại trả cho vài viên cảnh sát một mức lương hậu
hĩnh. Trong tù anh được biệt đãi như một ông hoàng, nhưng đứng đằng
sau cái quầy kính xanh, anh trông rất bình thường, vô hại, thành thử không
dễ (nếu không có một cái mũi nhạy bén cỡ Saleem) nhìn ra đây là một người
biết tất cả mọi thứ về tất cả mọi thứ, người có mạng lưới quan
hệ bất tận cho phép anh nắm được những thông tin bí mật... với tôi
anh là sự gợi nhớ bổ sung và không phải là không dễ chịu về một
nhân vật tương tự mà tôi biết ở Karachi trong những ngày rong
ruổi trên chiếc Lambretta; tôi mải hít thở mùi hương quen thuộc của hoài niệm
đến nỗi, khi anh lên tiếng, anh làm tôi giật mình.

Chúng
tôi dựng rạp biểu diễn ngay cạnh quầy của anh; trong
khi Pictureji mải đánh bóng sáo và đội lên đầu cái khăn xếp khổng
lồ màu nghệ, tôi thực hiện vai trò hoạt náo viên. “Lại đây lại đây - cơ
hội cả đời có một đây - ladees ladah, lại xem lại xem lại xem đi! Đây là ai?
Không phải hạng bhangi tầm thường; chẳng phải loại bịp bợm đầu đường; đây, hỡi
các công dân, các ông các bà, là Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian!
Phải, lại xem đi lại xem đi: ảnh của anh do chính Công ty
Eastman-Kodak chụp! Lại đây mau đừng sợ - PICTURE SINGH ở đây!”... Và
đủ thứ ba hoa rác rưởi khác; nhưng rồi anh hàng trầu lên tiếng:

“Tôi
biết một màn oách hơn. Anh chàng này đâu phải là số một; Ồ không,
chắc chắn là không. Ở Bombay có người còn oách hơn.”

Đấy
là cách Picture Singh biết đến sự tồn tại của kình địch cũng là lý do
vì sao anh, vứt bỏ mọi kế hoạch trình diễn, thẳng tiến đến anh hàng trầu đang
cười hờ, và sục xuống sâu trong anh để tìm lại giọng nói quyền uy khi xưa,
rồi nói, “Cậu sẽ cho tôi biết sự thật về tên bịp bợm này, đội trưởng, nếu
không tôi sẽ tống răng cậu chui vào họng cho đến khi chúng cắn vào dạ dày cậu.”
Và anh hàng trầu, tỉnh khô, thừa biết ba viên cảnh sát lảng vảng gần đó sẽ mau
mắn can thiệp để bảo vệ đồng lương của họ nếu cần thiết, thì thầm với chúng tôi
bí mật về tài vạn sự thông của anh, cho chúng tôi biết ai bao giờ ở đâu,
tới khi Picture Singh nói bằng một giọng mà vẻ quả quyết đã che lấp
đi nỗi sợ của anh: “Tôi sẽ đi tìm và cho gã Bombay này biết
ai là số một. Trên đời này, các đội trưởng, không có chỗ cho hai Người Dụ Hoặc
Nhất.”

Người
bán các thức trầu trân phẩm, nhún vai một cách tế nhị, phún xuất dưới chân
chúng tôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3