Những đứa con của nửa đêm - Phần III - Chương 29 - Phần 2
Nadir, người trốn dưới thảm ở nhà ông tôi, đến khuyên tôi làm điều tương tự; nhưng đã quá muộn, quá muộn rồi, bởi giờ tôi đã tỉnh hẳn, và ngửi thấy mùi hiểm nguy như kèn trumpet om sòm trong mũi... sợ mà không biết vì sao, tôi nhổm dậy; và do tôi tưởng tượng ra hay quả thật Aadam Sinai đã mở to đôi mắt xanh mà nhìn vào mắt tôi đầy nghiêm trọng? Phải chăng mắt con tôi cũng ngập tràn lo lắng? Phải chăng đôi tai phấp phới cũng nghe thấy thứ cái mũi đã đánh hơi ra? Phải chăng cha và con đã có một sự giao tiếp không lời, vào thời điểm trước khi tất cả bắt đầu? Tôi đành phải để những câu hỏi ấy lơ lửng, không lời đáp; nhưng điều chắc chắn là vợ tôi Parvati, tức Laylah Sinai, cũng thức giấc mà hỏi, “Gì thế, mình? Anh bồn chồn gì thế?” - Và tôi, dù không thật sự hiểu vì sao: “Trốn đi; ở đây và đừng ra ngoài.”
Rồi tôi bước ra ngoài.
Lúc ấy có lẽ là buổi sáng, cho dù cái u ám của nửa đêm bất tận như sương mù bao trùm khắp ghetto... trong ánh sáng âm u của thời kỳ Khẩn cấp, tôi thấy lũ nhóc đang chơi ném tháp, và Picture Singh, ô xếp lại cặp dưới nách trái, đang đi tiểu vào tường Thánh đường Thứ Sáu; một nhà ảo thuật hói đầu đang tập cắm dao xuyên cổ thằng bé học việc lên mười, và một ảo thuật gia khác đã tìm thấy khán giả, và đang phù phép cho những trái bóng len to rơi ra từ nách người xem; trong khi ở một góc khác của ghetto, Chand Sahib người nhạc công đang luyện trumpet, đặt búp kèn cũ kỹ của chiếc trumpet móp méo vào cổ và chơi bằng cách vận động các cơ cổ họng... còn kia, kia là ba chị em uốn dẻo, đầu đội surahi đựng nước, đang trở về lều từ vòi nước độc nhất của khu trại... tóm lại, tất cả đều có vẻ bình thường. Tôi mắng thầm mình vì những giấc mơ và báo động của khứu giác; nhưng rồi nó bắt đầu.
Xe hòm và xe ủi tiến trước, rầm rập trên trục đường chính; chúng dừng lại đối diện ghetto của giới ảo thuật. Tiếng loa oang oang: “Chương trình làm đẹp đô thị... chiến dịch đã được chuẩn y của Trung ương đoàn Thanh niên Sanjay...chuẩn bị sơ tán ngay lập tức đến địa điểm mới... khu ổ chuột này là vết nhơ trên bộ mặt thành phố, không thể được dung dưỡng lâu hơn nữa... tất cả phải tuyệt đối phục tùng.” Và trong khi loa gọi om sòm, nhiều người từ xe hòm bước xuống: một mái lều sáng màu vội vã được dựng lên, có giường dã chiến và dụng cụ phẫu thuật... và lúc này từ trên xe trào xuống một dòng những nữ tú xuất thân quyền quý và du học nước ngoài ăn mặc sang trọng, và rồi một dòng sông thứ hai các nam thanh ăn mặc cũng bảnh chọe không kém: các tình nguyện viên, tình nguyện viên của Đoàn thanh niên Sanjay, đóng góp chút sức mọn cho xã hội... nhưng tôi chợt nhận ra: không, không phải tình nguyện viên, bởi vì tất cả đám thanh niên đều có mái tóc lượn sóng và đôi môi âm-thần-đàn-bà, còn phụ nữ cũng giống hệt nhau, đường nét trên mặt họ hoàn toàn trùng khớp với Menaka vợ củaSanjay, người được những mẩu báo miêu tả là một “mỹ nhân mảnh mai”, và từng làm người mẫu váy ngủ cho một công ty đệm... trong cảnh hỗn loạn của chương trình giải tỏa khu ổ chuột, một lần nữa tôi lại được chứng kiến vương triều đang cai trị Ấn Độ đã học được cách tự sao chép bản thân; nhưng khi ấy làm gì có thời gian để nghĩ, đội quân vô số môi-âm-thần và mỹ-nhân-mảnh-mai đang tóm lấy các ảo thuật gia và ăn mày già, mọi người bị lôi xềnh xệch đến chỗ xe hòm, và giờ một tin đồn lan khắp khu trại của giới ảo thuật: “Bọn chúng đang thực hiện nasbandi - đang tiến hành triệt sản!” - Một tiếng kêu thứ hai: “Hãy cứu lấy đàn bà và trẻ con!” - Và một cuộc bạo động nổ ra, lũ trẻ vừa chơi ném tháp chuyển sang ném đá vào những kẻ xâm lăng thanh lịch, và đây là Picture Singhtập hợp các nhà ảo thuật về phía mình, múa tít cây dù thịnh nộ, từng là vật tạo lập hòa bình nhưng nay đã biến thành vũ khí, một ngọn thương đông ki sốt xập xòe, và các ảo thuật gia đã thành một phòng tuyến, bom xăng được hô biến hiện ra và ném đi, gạch được rút ra từ túi các thuật sĩ, không khí đặc quánh lại với tiếng gào thét và phi đạn và đội quân môi-âm-thần và mỹ-nhân-mảnh-mai buộc phải rút lui trước cơn thịnh nộ khốc liệt của các huyễn giả; còn kia là Picture Singh, dẫn đầu đợt xung phong về túp lều cắt ống dẫn tinh... Parvati tức Laylah, không nghe lời tôi, lúc này đang bên cạnh tôi nói, “Lạy Chúa, họ làm cái gì...”; và đúng lúc này một đợt công kích mới, dữ dội hơn được phát động về phía khu ổ chuột: quân đội được điều động đến đàn áp ảo thuật gia, đàn bà và trẻ con.
Một lần, ảo thuật gia nghệ nhân múa rối thần bài và thuật sĩ thôi miên đã kiêu hãnh diễu hành cùng đoàn quân chinh phục; nhưng giờ đây tất cả đã bị lãng quên, và những khẩu súng Nga được chĩa vào cư dân của ghetto. Cơ hội nào cho các phù thủy Cộng sản trước họng súng xã hội chủ nghĩa? Bọn họ, chúng tôi, đang bỏ chạy, tứ tung, Parvati và tôi lạc nhau khi bọn lính xung phong, tôi mất dấu Picture Singh, báng súng giáng xuống liên hồi, tôi thấy một trong ba chị em uốn dẻo ngã gục dưới cơn cuồng bạo của súng, mọi người bị túm tóc lôi về những cỗ xe hòm đang ngoác miệng chờ đợi; và tôi cũng bỏ chạy, nhưng quá muộn, vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn, vấp vào chai Dalda thùng rỗng và bao tải bị các ảo thuật gia kinh hoàng vứt lại, và khi ngoái đầu lại giữa đêm tối Khẩn cấp mịt mù tôi bỗng thấy tất cả những thứ này chỉ là một màn khói hỏa mù, một chuyện bên lề, bởi vì đang vùn vụt lao đến, xuyên qua cảnh hỗn loạn của cuộc bạo động, là một nhân vật thần thoại, hóa thân của vận mệnh và hủy diệt: Thiếu tá Shiva gia nhập vòng chiến, và hắn chỉ lùng tìm tôi. Sau lưng, khi tôi bỏ chạy, đôi đầu gối báo hiệu diệt vong của tôi đang đuổi đến.
... Trong óc tôi lóe lên hình ảnh về một túp lều: con trai tôi! Và, không chỉ con trai tôi: một cái ống nhổ bạc, khảm thanh kim thạch! Đâu đó trong cơn hỗn loạn của ghetto, một đứa bẻ đã bị bỏ lại một mình... đâu đó một tấm bùa hộ mệnh, được giữ gìn cẩn thận bấy lâu đã bị bỏ quên. Thánh đường Thứ sáu bàng quan nhìn tôi chạy hụp rẽ ngoặt giữa những căn lều nghiêng ngả, đôi chân tôi đưa tôi đến chỗ đứa con tai phấp phới và chiếc ống nhổ... nhưng tôi có cơ hội nào trước cặp đầu gối ấy? Cặp đầu gối của người hùng thời chiến đã đuổi tới gần rất gần, đôi khớp gối của vị thần báo ứng đang sầm sập về phía tôi, và hắn nhảy vọt đến, đôi chân người hùng thời chiến bay vút qua không trung, như hàm răng nghiến quanh cổ tôi, vắt hơi thở khỏi họng tôi, tôi đổ xuống quằn quại nhưng đôi đầu gối vẫn siết chặt, và giờ một giọng nói - giọng nói của sự bội bạc phản phúc thù hận! - vang lên, khi đầu gối đè lên ngực tôi và ghim chặt tôi xuống nền đất của khu ổ chuột: “Chà, công tử bột: ta lại gặp nhau rồi. Salaam.” Tôi khò khè; Shiva mỉm cười.
Ôi hàng khuy bóng nhoáng trên quân phục kẻ phản bội! Lấp lánh nhấp nhánh như bạc... tại sao hắn làm vậy? Tại sao hắn, kẻ từng cầm đầu đám du côn vô chính phủ ở khu ổ chuột Bombay, lại biến thành chiến tướng của bạo quyền? Tại sao đứa trẻ của nửa đêm lại phản bội những đứa trẻ nửa đêm khác, và ném tôi vào tay định mệnh? Vì thích bạo lực, vì ánh lấp lánh chính danh của hàng khuy trên quân phục? Vì nỗi ác cảm xa xưa đối với tôi? Hay - tôi thấy điều này hợp lý hơn cả - để đổi lấy việc được miễn xá mọi hình phạt mà tất cả chúng tôi phải chịu... phải, hẳn thế rồi; Ôi người hùng thời chiến bị tước đoạt mọi quyền vị lúc chào đời! Ôi địch thủ bị tha hóa vì một bát cháo đậu[2]... Nhưng không, tôi không được dông dài nữa, và phải kể câu chuyện càng đơn giản càng tốt: khi quân lính lùng sục bắt bớ lôi kéo các nhà ảo thuật ra khỏi ghetto, Thiếu tá Shiva chỉ tập trung vào tôi. Tôi cũng bị thô bạo lôi về phía một chiếc xe hòm; trong khi xe ủi đất tiến vào khu ổ chuột, một cánh cửa đóng sập lại... trong bóng tối tôi gào lên, “Còn con tôi! - Còn Parvati, em đâu rồi, Laylah của tôi? – Picture Singh! Cứu em, Pictureji!” - Nhưng xe ủi đã lăn bánh, và chẳng ai nghe thấy tôi gào thét.
[2] Theo Thánh kinh của người Do Thái, Esau và Jacob là con của Isaac. Một lần vì quá đói, Esau đã bán quyền trưởng nam cho Jacob để đổi lấy một bát cháo đậu.
Parvati-phù-thủy, sau khi cưới tôi, đã trở thành nạn nhân của lời nguyền chết thảm hằng đeo đuổi tất cả người thân của tôi... Tôi không rõ Shiva, sau khi nhốt tôi lên chiếc xe hòm tối tăm bít bùng, có đi tìm em không, hay hắn bỏ mặc em cho xe ủi đất... bởi lúc này những cỗ máy hủy diệt như cá gặp nước, và những túp lều tồi tàn bé nhỏ của khu dân cư xập xệ đang điên cuồng chui tọt trôi tuột vào dưới bước tiến vũ bão của những sinh vật bất khả kháng cự ấy, chòi lán gãy rắc như cành khô, hộp các tông của nghệ nhân múa rối và giỏ thần kỳ của ảo thuật gia bị nghiền nát thành một mớ hổ lốn; thành phố đang được làm đẹp, và nếu dăm người chết, nếu một cô gái với cặp mắt to tròn và đôi môi bĩu ra vì đau khổ có ngã dưới bánh xe của những cỗ cự xa, hà, thì đã sao, một vết nhơ đang được xóa bỏ khỏi bộ mặt của thủ đô ngàn năm văn hiến... và có tin đồn rằng, trong cơn giẫy chết của ghetto của giới ảo thuật, một người khổng lồ râu rậm, người quấn đầy rắn (nhưng điểm này có thể là phóng đại) lao - HẾT TỐC LỰC - giữa đống đổ nát, chạy điên cuồng trước mũi những cỗ xe ủi đất, tay nắm chặt cán một cái ô đã tơi tả đến nỗi không thể sửa chữa, tìm kiếm và tìm kiếm, như thể tính mạng mình phụ thuộc vào điều đó.
Tới cuối ngày hôm đó, cả khu ổ chuột chen chúc dưới bóng Thánh đường Thứ Sáu đã biến mất khỏi mặt đất; nhưng không phải tất cả các nhà ảo thuật đều bị bắt; không phải ai cũng bị lùa lên xe chở đến khu trại rào thép gai tên là Khichripur, trại thập cẩm, ở bờ bên kia Sông Jamuna; chúng không bao giờ tóm được Picture Singh, và người ta kể rằng một ngày sau khi ghetto của giới ảo thuật bị san bằng, một khu ổ chuột mới nghe nói đã mọc lên ở trung tâm thành phố, ngay sát nhà ga xe lửa của Delhi Mới. Xe ủi được điều động đến hiện trường; nhưng chẳng thấy gì. Từ đấy trở đi, sự tồn tại của khu ổ chuột di động của các nhà ảo thuật lưu vong trở thành một sự thật người dân thủ đô ai cũng biết, nhưng đội quân phá nhà không bao giờ tìm thấy nó. Có tin báo nó ở Mehrauli; nhưng khi đội cắt ống dẫn tinh và quân lính kéo đến, họ thấy Qutb Minar chẳng hề bị lều lán của sự bần cùng xâm hại. Lũ chỉ điểm báo rằng nó đã xuất hiện trong khuôn viên của JantarMantar, đài chiêm tinh do Jai Singh xây dựng theo lệnh đại đế Mughal; nhưng những cỗ máy hủy diệt, khi đổ xô đến hiện trường, chỉ thấy vẹt và đồng hồ mặt trời. Mãi đến khi Tình trạng Khẩn cấp kết thúc khu ổ chuột di động mới thôi di chuyển; nhưng chuyện đó phải để sau, bởi vì sau rất nhiều trì hoãn, đã tới lúc phải kể, và không được mất tự chủ, về thời gian tôi bị cắm tù tại Khách sạn Góa phụ ở Benares.
Resham Bibi từng rú lên, “Ai-o-ai-o!” - và bà đã đúng: tôi đã gieo họa hủy diệt cho ghetto của các ân nhân của tôi; Thiếu tá Shiva, nhất định là hành động theo chỉ thị trực tiếp của mụ Góa phụ, đã đến khu trại để bắt tôi; trong khi con trai mụ Góa phụ bố trí chương trình làm đẹp đô thị và cắt ống dẫn tinh như một chiêu đánh lạc hướng đối phương. Phải, dĩ nhiên tất cả đã được mưu đồ như thế; và (nếu tôi được phép nhận xét) hết sức hiệu quả. Điều chúng đạt được trong cuộc bạo loạn của giới ảo thuật: một kỳ tích đích thực khi âm thầm bắt được người duy nhất trên đời nắm giữ chìa khóa xác định vị trí của từng đứa trẻ của nửa đêm - bởi chẳng phải tôi đã, đêm này sang đêm khác, bắt sóng với từng người trong số chúng? Chẳng phải tôi đã, suốt bấy lâu, lưu giữ tên họ địa chỉ diện mạo của chúng trong đầu? Tôi sẽ trả lởi câu hỏi ấy: đúng vậy. Và tôi đã bị bắt.
Phải, dĩ nhiên tất cả đã được mưu đồ như thế. Parvati-phù-thủy đã kể hết cho tôi về kình địch của tôi; có thể nào em lại không đề cập đến tôi với hắn? Tôi cũng sẽ trả lời câu hỏi này: không thể nào. Nghĩa là người hùng của chúng ta biết nơi nào, ở thủ đô, kẻ mà chủ nhân của hắn thèm muốn nhất đang ẩn nấp (kể cả cậu Mustapha tôi cũng không biết tôi đi đâu sau khi rời nhà ông; nhưng Shiva biết!) - và, một khi hắn đã phản bội, và, tôi đoán chắc, được hối lộ mọi thứ từ hứa hẹn được thăng cấp đến đảm bảo an toàn cá nhân, thật quá dễ dàng để hắn giao nộp tôi vào tay nữ chủ nhân của mình, tức Madam, mụ Góa phụ với mái tóc hai màu.
Shiva và Saleem, người chiến thắng và nạn nhân; hiểu được mối thù địch giữa chúng tôi thì quý vị sẽ hiểu được thời đại mà mình đang sống. (Nếu đảo ngược lại, tuyên bố này vẫn đúng.)
Ngày hôm ấy, ngoài tự do, tôi còn mất đi một thứ khác: xe ủi đã nuốt mất một cái ống nhổ bạc. Bị tước mất đồ vật cuối cùng gắn bó tôi với một quá khứ hữu hình hơn, dễ xác minh hơn về mặt lịch sử, tôi bị đem đến Benares để đối diện với kết cục của phần đời nội tâm, được nửa đêm ban tặng của mình.
Phải, đó là nơi điều ấy xảy ra, ở cung điện của các góa phụ trên bờ sông Hằng, tại thành phố cổ xưa nhất thế giới còn tồn tại, thành phố đã già khi Buddha còn trẻ, Kasi Benares Varanasi, Thành phố của Ánh sáng Thiêng, quê hương của Cuốn sách Tiên tri, tử vi của mọi tử vi, trong đó mọi cuộc đời, quá khứ hiện tại tương lai, đều đã được ghi lại. Nữ thần Ganga chảy xuống Trái đất trong mái tóc Shiva... Benares, đền thờ của Shiva-vị-thần, là nơi tôi được Shiva-người-hùng mang đến để đối diện định mệnh của mình. Tại xứ sở của tử vi, tôi tiến đến thời điểm từng được Ramram Seth tiên đoán trên gác thượng: “Lính tráng kết án nó... bạo chúa sẽ rán nó!”, người thầy bói đã phán vậy; thực tế thì không có bản án chính thức nào cả - đầu gối Shiva kẹp quanh cổ tôi, vậy thôi - nhưng tôi có ngửi thấy, vào một ngày đông, mùi thứ gì đó bị rán trên chảo sắt...
Xuôi theo dòng sông, qua Scindia-ghat nơi các vận động viên thể dục quấn vải trắng quanh hông tập chống đẩy bằng một tay, qua Manikarnika-ghat, nơi cử hành lễ tang, nơi ta có thể mua lửa thiêng từ những người giữ đuốc, qua xác chết trôi của chó và bò - những sinh linh bất hạnh không có ai mua lửa cho, qua những tu sĩ Bà la môn ngôi dưới ô rơm ở Dasashwamedh-ghat, vận đồ màu nghệ, đang phân phát những lời ban phước... và giờ nó trở nên rõ ràng: một âm thanh kỳ quái, như tiếng chó tru từ xa vọng lại.. đi theo đi theo đi theo âm thanh ấy, và nó thành hình, và ta hiểu ra đó là một tiếng rên thảm thiết bất tận, phát ra từ những cửa sổ buông mành của một cung điện bên sông: Khách sạn Góa phụ! Ngày xửa ngày xưa, nó là tư dinh của một maharajah; nhưng Ấn Độ ngày nay là một quốc gia hiện đại, và những chỗ như thế đều đã bị sung công. Ngày nay tòa cung điện là nhà của các vị vong nhân; họ, hiểu rằng cuộc đời thật sự của mình đã kết thúc cùng cái chết của chồng, nhưng không được phép tìm sự giải thoát bằng sati[3] nữa, đã tìm đến thành phố linh thiêng này để sống nốt những ngày vô nghĩa trong niềm khóc than thống thiết. Cung điện góa phụ là nơi cư trú của một bộ lạc gồm toàn những người đàn bà có bộ ngực bầm tím vô phương cứu chữa, hệ quả của việc đấm ngực thùm thụp liên hồi, có mái tóc bị rứt tả tơi không thể phục hồi, và có giọng nói bị cắt vụn vì liên tục giãi bày đầy ai oán niềm tiếc thương của họ. Đó là một tòa nhà đồ sộ, một mê cung của những căn phòng tí hin ở các tầng trên để nhường chỗ cho các đại sảnh khóc than ở tầng dưới; và phải, đây là nơi điều ấy xảy ra, mụ Góa phụ hút tôi vào trung tâm bí mật của đế chế khủng khiếp của mụ, tôi bị nhốt vào một căn phòng tầng trên nhỏ tí và ăn cơm tù do đám quả phụ mang đến. Nhưng tôi còn có những vị khách khác: người hùng thời chiến mời hai đồng sự của hắn tới, nhằm mục đích đối thoại. Nói cách khác: tôi được khuyến khích trò chuyện. Bởi một bộ đôi cọc cạch, một béo, một gầy, được tôi đặt tên là Abbott-và-Costello[4] vì chưa một lần chúng làm tôi thấy buồn cười.
[3] Thủ tục của người Hindu theo đó người vợ góa sẽ tự thiêu chết theo chồng bằng cách gieo mình vào giàn thiêu xác chồng.
[4] William “Bud” Abbott và Lou Costello, bộ đôi diễn viên hài nổi tiếng ở Mỹ những năm 1940, 1950.
Ở đây tôi ghi nhận một khoảng trắng ân huệ trong ký ức. Không gì có thể khơi dậy trong tôi ký ức về những kỹ năng đối thoại của bộ đôi kém hài hước, mặc đồng phục ấy; không chutney hay rau quả dầm gì có khả năng mở khóa những cánh cửa mà tôi đã khóa kín những ngày ấy phía sau! Không, tôi đã quên, tôi không thể, không định nói bằng cách nào chúng đã dụ được tôi phun ra hết - nhưng tôi không thể lẩn tránh cốt lõi đáng hổ thẹn của vấn đề, ấy là bất chấp việc thiếu-vắng-những-trò-đùa-cợt và thái độ nhìn chung là thiếu cảm thông của thẩm tra viên hai đầu của tôi, tôi cầm chắc là đã nói. Và không chỉ nói: dưới tác động của những thủ đoạn gây áp lực không thể kể tên - đã bị lãng quên - của chúng, tôi trở nên ba hoa tột độ. Cái gì đã trào ra, dào dạt, từ môi tôi (nhưng giờ thì không): tên tuổi địa chỉ ngoại hình. Phải, tôi khai hết, tôi tiết lộ cả năm trăm bảy mươi tám cái tên (bởi vì Parvati, chúng lịch sự báo cho tôi, đã chết, còn Shiva đã đào ngũ sang phe địch, còn năm trăm tám mươi mốt đứa kia đều đang khai...) - buộc phải bội tín vì sự phản bạn của kẻ khác, tôi đã phản bội lũ trẻ nửa đêm. Tôi, Người sáng lập Hội nghị, đã chủ trì sự kết thúc của nó, trong khi Abbott-và-Costello, không hề cười, thỉnh thoảng lại ngắt lời:
“Aha! Tốt lắm! Chưa biết về con bé này!” hoặc, “Anh bạn hợp tác rất tốt, gã đó tụi này mới nghe lần đầu!”
Những chuyện kiểu này là thường. Số liệu thống kê có thể làm rõ bối cảnh tôi bị bắt giam; mặc dù có sự bất đồng đáng kể về con số tù “chính trị” bị bắt giữ trong thời kỳ Khẩn cấp: là ba mươi nghìn, hay một phần tư triệu người đã mất tự do? Mụ Góa phụ tuyên bố: “Đó chỉ là một phần rất nhỏ của dân số Ấn Độ,” Đủ thứ chuyện xảy ra trong thời kỳ Khẩn cấp: tàu hỏa chạy đúng giờ, bọn đầu cơ tiền bẩn cum cúp nộp thuế, đến thời tiết cũng được kiểm soát, và mùa màng thì bội thu; bao giờ cũng có, tôi nhắc lại, một nửa trắng và một nửa đen. Nhưng ở nửa đen, tôi bị xiềng xích trong một căn phòng tí hin, trên tấm thảm rơm là vật dụng duy nhất tôi được phép sở hữu, và chia sẻ bát cơm hằng ngày với gián và kiến. Còn về phần lũ trẻ nửa đêm – cái mưu đồ đáng sợ phải bị đập tan bằng mọi giá ấy - cái bè lũ cùng đồ giết người cắt cổ làm bà Thủ tướng bị ám ảnh chiêm tinh học run lên vì sợ hãi ấy - lũ quái vật bất thường dị dạng của thời điểm Độc lập, những kẻ mà một quốc gia-dân tộc hiện đại không thể phung phí cả thời gian lẫn lòng trắc ẩn ấy - giờ đây, ở tuổi hai mươi chín, thêm bớt độ một hai tháng, chúng bị bắt đến Khách sạn Góa phụ; từ tháng Tư tới tháng Mười hai chúng bị lùa bắt lại, và tiếng rì rầm của chúng bắt đầu tràn ngập những bức tường. Tường xà lim của tôi (mỏng tang, thạch cao bong tróc, trần trụi) bắt đầu rì rầm, vào một tai lành và một tai điếc, về hậu quả của sự khai báo ô nhục của tôi. Một tên tù mũi dưa chuột, trang sức bằng mớ vòng và nhẫn sắt khiến nhiều hoạt động thông thường trở thành bất khả thi - đi đứng, sử dụng cái bô nhôm, ngồi xổm, ngủ - nằm co ro sát lớp thạch cao bong tróc và thì thầm với một bức tường.
Tất cả kết thúc; Saleem đầu hàng nỗi đau của gã. Suốt đời tôi, và cả trong phần lớn những dòng hồi tưởng này, tôi đã cố gắng giữ những đau khổ của mình trong tầm kiểm soát, ngăn chúng làm hoen ố những câu viết của tôi bằng dòng chất lỏng mằn mặn, sướt mướt của chúng; nhưng hết rồi. Không ai cho tôi biết lý do (cho đến khi Bàn tay Mụ Góa phụ...) tại sao tôi bị giam cầm: nhưng ai, trong ba mươi nghìn hay nửa triệu tù nhân, được biết tại sao hay vì đâu? Ai cần được biết? Trong những bức tường, tôi nghe thấy giọng nói lầm rầm của những đứa trẻ nửa đêm: không cần giải thích gì thêm, tôi nức nở qua lần thạch cao bong tróc.
Những gì Saleem đã thì thầm với bức tường từ tháng Tám đến tháng Mười hai năm 1976: