Những đứa con của nửa đêm - Phần III - Chương 29 - Phần 1
Chương 29: Nửa đêm
Không! - Nhưng
tôi phải.
Tồi
không muốn kể! - Nhưng tôi đã thề sẽ kể hết - Không, tôi rút
lại, chuyện này thì không, chắc chắn là có những chuyện không kể thì
tốt hơn...? - Vớ vẩn; cái gì không chữa được thì phải
chịu! - Nhưng chắc là không phải chuyện những bức tường thì thầm, và
phản bội, và xoẹt xoẹt, và những người đàn bà ngực bầm chứ? - Đặc biệt là những
chuyện đó. - Nhưng sao tôi có thể, nhìn tôi đi, tôi đang giằng xé, không
thể nhất trí với bản thân, độc thoại, lý luận như một thằng điên, suy sụp, ký
ức tiêu vong, phải, ký ức lao xuống vực thẳm và bị bóng tối nuốt chửng,
chỉ còn lại những mảnh vụn, chẳng đâu vào đâu nữa cả! - Nhưng tôi không được tự
cho mình quyền phán xét; mà phải cứ thế tiếp tục (sau khi đã bắt đầu) đến
hết; có-nghĩa-hay-vô-nghĩa không còn (có lẽ chưa bao giờ) thuộc quyền đánh giá
của tôi. - Nhưng nỗi kinh hoàng của điều đó, tôi không thể không
muốn không được không đành không chịu không! - Thôi ngay; bắt đầu
đi. - Không! - Có.
Thôi
thì, về giấc mơ? Tôi có thể kể nó như một giấc mơ. Phải, có lẽ như một ác
mộng: xanh và đen và tóc mụ Góa phụ và bàn tay siết lại và lũ trẻ
ú ớ và những trái bóng nhỏ và từng-đứa-một và xé-làm-đôi và những
trái bóng bay lên bay lên xanh và đen tay mụ xanh móng tay mụ đen thật
đen. - Không mơ mộng gì cả. Giờ không phải nơi phải lúc. Sự thật,
nhớ sao kểvậy. Cố gắng hết khả năng. Đúng như thực tế: Bắt đầu
đi. - Không có lựa chọn hả? - Không; đã bao giờ có đâu? Mệnh lệnh thì
có; những hệ quả logic, những sự tất yếu, những sự tái diễn chì có;
những điều-họ-gây-ra-cho-ta, những tai biến, những cưỡng-bách-của-số-phận thì
có; nhưng đã bao giờ có lựa chọn? Có cái để cân nhắc? Có quyền tự do
quyết định, trở thành cái này hay cái kia hay cái khác? Không
có đâu; bắt đầu đi. - Vâng.
Nghe
đây:
Những
đêm ngày tuần tháng bất tận vắng bóng mặt trời, hay đúng hơn
(bởi vì chính xác là quan trọng) dưới bóng một mặt trời lạnh giá như
đĩa ngâm trong lòng suối, phủ lên chúng tôi một thứ ánh sáng nửa đêm điên loạn[1];
tôi đang nóitới mùa đông 1975-76. Cùng với mùa đông, là bóng tối; và bệnh
lao.
[1] Nguyên
văn: lunatic, có nghĩa là điên loạn, nhưng cũng có thể hiểu là
thuộc về mặt trăng.
Có
lần, trong căn phòng xanh dương nhìn ra biển, dưới ngón tay đang chỉ của
một ngư phủ, tôi đã chiến đấu chống bệnh thương hàn, và được nọc rắn cứu
mạng; giờ đây, bị mắc vào mạng nhện hoàng tộc của sự tái diễn do tôi đã
nhận nó làm con trai, Aadam Sinai của chúng tôi cũng phải chiến đấu suốt những
tháng đầu đời với đàn rắn vô hình của một căn bệnh. Bầy độc xà của
lao phổi quấn quanh cổ thằng bé và làm nó thở rất khó nhọc... nhưng
nó là đứa trẻ của tai và sự lặng lẽ, khi nó khục khặc, không một âm thanh;
khi nó hổn hển, không tiếng khò khử nào phát ra từ cổ họng. Tóm lại, con trai
tôi ngã bệnh, và mặc dù mẹ nó, Parvati tức Laylah, bổ đi tìm những thảo
dược thần kỳ bí truyền của em - mặc dù chúng tôi sắc thuốc và cho nó
uống liên tục; bầy sâu quỷ hồn của bệnh lao nhất định không bị xua đi. Tôi
đã nghi ngờ, ngay từ đầu, có một ẩn dụ đen tối ở căn bệnh này - tôi tin
rằng, trong những tháng nửa đêm ấy, khi thời kỳ của mối-liên-hệ-với-lịch-sử của
tôi giao thoa với của nó, tình trạng khẩn cấp của riêng cha con tôi không phải
không liên quan đến căn bệnh lớn hơn, của thế giới vĩ mô, làm mặt trời
cũng xanh xao, ốm yếu như con trai chúng tôi. Parvati-hồi-đó (cũng như
Padma-bây-giờ) bác bỏ những phán đoán trừu tượng này, quy kết tôi là hoàn
toàn điên rồ khi ngày càng bị ám ảnh với ánh sáng, đến nỗi
bắt đầu đốt những đĩa đèn dia nhỏ trong túp lều bệnh tật của con tôi, thắp sáng
căn lều bằng ánh nến khi đang chính ngọ... nhưng tôi vẫn tin rằng chẩn đoán của
mình là chính xác; “Anh bảo thật,” tối quả quyết, “chừng nào Tình trạng
Khẩn cấp chưa kết thúc, nó sẽ không bao giờ khỏe lại.”
Quẫn
trí vì bất lực trong việc chữa bệnh cho đứa trẻ lầm lì không bao giờ khóc ấy,
Parvati-Laylah nhất định không tin giả thiết bi quan này của tôi; nhưng em lại
dễ lung lạc trước mọi ý tưởng kỳ cục khác. Khi một trong mấy bà già trong
trại bảo em – điều Resham Bibi chắc cũng sẽ làm – rằng bệnh
sẽ không lui chừng nào thằng bé còn câm, Parvati hình như cũng thấy
hợp lý. “Bệnh tật là nỗi đau về thể xác,” em lên lớp tôi, “nó
phải được rũ bỏ bằng cách khóc than.”Đêm đó, em trở về lều mang theo một
nắm bột màu xanh, gói trong giấy báo và buộc một sợi dây hồng nhạt, rồi bảo tôi
rằng đây là một phương thuốc công hiệu đến mức đá cũng phải hét lên. Khi uống
thuốc vào, má thằng bé bắt đầu phồng lên, như thể mồm nó đầy
thức ăn; những âm thanh bị đè nén bấy lâu của thời thơ ấu trào lên sau môi
nó, và nó ngậm chặt miệng trong một niềm phẫn nộ. Tôi thấy rõ là đứa bé gần như
bị nghẹn khi cố nuốt ngược trở vào dòng thác nôn mửa của những âm thanh bị dồn
nén mà thứ bột xanh đã khuấy lên; và đây là lúc hai chúng tôi nhận ra,
mình đang đối diện với một trong những ý chí bất khuất nhất thế gian.
Sau một giờ đồng hồ con trai tôi hết ngả sang màu nghệ đến nghệ-và-xanh,
và cuối cùng là màu cỏ, tôi không thể chịu đựng thêm nữa liền
gầm lên, “Đồ đàn bà, nếu thằng bé đã muốn im lặng đến thế, ta không
thể vì vậy mà hại chết nó!” Tôi bồng Aadam lên để ru nó, và cảm
thấy thân hình bé nhỏ ấy cứng đờ ra, đầu gối khuỷu tay cổ nó đầy ứ cơn lũ bị
kìm nén của những âm thanh không được diễn đạt thành lời, và cuối cùng
Parvati phải mủi lòng liền chuẩn bị thuốc giải bằng cách nghiền củ hoàng
tinh và cam cúc trong bát nhôm, đồng thời khe khẽ lầm rầm những lời
nguyền kỳ quái. Sau lần đó, không một ai cố ép Aadam Sinai làm
bất cứ điều gì nó không muốn nữa; chúng tôi nhìn nó chiến đấu chống
lại bệnh lao vì cố tự trấn an mình bằng suy nghĩ rằng một ý chí sắt đá
dường ấy thì sẽ quyết không chịu thua bất kỳ căn bệnh tầm thường nào.
Trong
những ngày sau cùng ấy nội tâm của Laylah hay Parvati vợ tôi còn bị lũ ngài của
niềm tuyệt vọng gặm nhấm, vì khi em đến bên tôi để tìm
sự an ủi hoặc hơi ấm trong sự riêng tư của giấc ngủ ban đêm, tôi vẫn
thấy diện mạo bị ăn mòn khủng khiếp của Jamila Ca
sĩ chồng lên gương mặt em; và mặc dù tôi đã thú nhận với em
bí mật về hồn ma này, an ủi em rằng với tốc độ thối
rữa hiện thời thì không bao lâu nữa nó sẽ hoàn toàn tiêu tan,
em chỉ buồn thảm bảo tôi rằng ống nhổ và chiến tranh đã làm
tôi nhũn não, và làm em tuyệt vọng bằng cuộc hôn nhân
mà với hiện trạng này sẽ không bao giờ có đêm động phòng; dần dà, dần dà
trên môi em hiện ra cái bĩu bất tường của niềm đau
khổ... nhưng tôi làm được gì? Tôi có gì để an ủi em? -
tôi, Saleem Thò lò, kẻ đã rơi vào cảnh khốn cùng sau khi mất đi sự
bảo trợ của gia đình, kẻ đã chọn (nếu đây được coi là lựa
chọn) sinh nhai bằng tài năng khứu giác, kiếm vài paisa một ngày bằng cách đánh
hơi xem người khác ăn gì tối qua và ai trong số họ đang yêu; tôi biết vỗ
về em bằng gì, khi bản thân tôi đã nằm trong nắm tay buốt giá của nửa
đêm dằng dặc ấy, và đã ngửi thấy trong không khí mùi của cáo chung?
Mũi
của Saleem (chắc quý vị chưa quên) có thể ngửi thấy nhiều thứ kỳ lạ
hơn là cứt ngựa. Hương của cảm xúc và ý tưởng, mùi của sự-vật-như-thế-nào:
tất cả đã và đang được tôi đánh hơi một cách dễ dàng. Khi Hiến pháp được
sửa đổi nhằm dành cho Thủ tướng quyền lực gần-như-tuyệt-đối, tôi ngửi thấy hồn
ma của các đế quốc cổ đại trong không khí... ở một thành phố lúc nhúc bóng
ma của các Vua Nô lệ, các Mughal, của bạo chúa Aurangzeb và của
những kẻ chinh phục cuối cùng, da hồng, tôi một lần nữa hít vào mùi gay gắt
của tư tưởng độc tài. Nó có mùi giống giẻ rách dính dầu đang
cháy.
Nhưng
ngay cả những người kém về khứu giác cũng có thể nhận ra rằng, mùa đông
1975-76, có gì đó bốc mùi thối rữa ở thủ đô; điều làm tôi lo
sợ là một mùi hôi khác, riêng tư hơn: hơi hướm của một nguy hiểm cá nhân,
mà trong đấy tôi nhận ra bóng dáng một cặp đầu gối phản phúc, báo thù... dự cảm
đầu tiên của tôi rằng một mâu thuẫn xa xưa, bắt đầu từ khi một cô gái đồng
trinh điên tình đánh tráo thẻ tên, sắp sửa kết thúc trong một cơn hoảng
loạn của phản bội và cắt xoẹt.
Đáng
lẽ, khi một cảnh báo như vậy nhói lên trong mũi, tôi nên bỏ
chạy - được cái mũi phím trước, tôi đã có thể đào tẩu. Nhưng
thực tế lại đặt ra một số trở ngại: tôi sẽ đi đâu? Rồi, vợ
bìu con ríu, làm sao tôi đi nhanh được? Và chớ nên quên rằng tôi đã từng
bỏ chạy một lần, và thử xem tôi lạc đến đâu: Sundarbans, cánh rừng của hồn ma
và báo ứng, nơi tôi đã thoát nạn chỉ trong gang tấc!... Dầu gì đi nữa, tôi
đã không chạy.
Chạy
hay không có lẽ cũng thế thôi; Shiva -không khoan
dung, phản phúc, kẻ thù của tôi từ khi ra đời - cuối cùng cũng sẽ tìm ra tôi.
Bởi mặc dù cái mũi có công dụng vô song là đánh-hơi-ra-mọi-thứ, đến
khi lâm trận không ai phủ nhận được ưu thế của một cặp
đầu gối có thể siết chặt và bóp nghẹt.
Tôi
sẽ cho phép mình đưa ra một nhận xét cuối cùng, tự
mâu thuẫn về vấn đề này: nếu, như tôi vẫn hằng tin, ngôi
nhà của những phụ nữ khóc than là nơi tôi biết được đáp án cho câu hỏi
về mục đích đã dằn vặt tôi suốt đời, thì nếu tự cứu mình thoát
khỏi cung điện của diệt vong ấy, tôi cũng sẽ tự tước bỏ cơ hội thực hiện khám phá
quý báu bậc nhất này. Nói một cách hơi triết lý: trong cái rủi có cái
may.
Saleem-và-Shiva,
mũi-và-đầu-gối... chúng tôi chỉ có ba điểm chung: thời khắc (và hệ quả của
việc) chúng tôi ra đời; tội phản bội; và đứa con trai, Aadam, hợp thể của chúng
tôi, lầm lì, không cười, có đôi tai nghe khắp mười phương. Aadam Sinai, trên
nhiều khía cạnh, chính là bản thể đối lập của Saleem. Tôi, buổi ban
đầu, lớn lên với tốc độ chóng mặt; Aadam, vật lộn với đàn rắn của bệnh tật, hầu
như chẳng lớn được chút nào. Saleem ngay từ đầu đã nở nụ cười cầu
tài; Aadam tự trọng hơn, giữ nụ cười lại cho chính mình. Trong khi Saleem khuất
phục ý chí của mình dưới ách đồng thống trị của gia đình và vận mệnh,
Aadam chiến đấu dũng mãnh, kiên quyết không lùi bước, kể cả trước ách áp bức
của thứ bột xanh. Và trong khi Saleem quyết tâm tiếp nhận cả vũ trụ đến
nỗi, có một thời kỳ, nó không thế chớp mất, Aadam lại muốn nhắm chặt mắt
lại... mặc dù, thi thoảng, khi nó hạ cố mở mắt ra, tôi mới thấy màu
của chúng, màu xanh. Xanh-như-băng, sắc xanh của sự tái diễn, sắc xanh định
mệnh của bầu trời Kashmir... nhưng không cần diễn
giải thêm nữa.
Chúng
tôi, những đứa trẻ của Độc lập, điên cuồng và quá vội vã lao đến tương
lai; nó, sinh giữa thời Khẩn cấp, đã và sẽ thận trọng hơn, kiên nhẫn
đợi thời; nhưng khi nó hành động, sẽ không ai
cưỡng lại được. Ngay bây giờ, nó đã khỏe hơn, cứng rắn hơn và cương
quyết hơn tôi: khi ngủ, cầu mắt nó bất động dưới mí mắt. Aadam Sinai, đứa con
của đầu-gối-và-mũi, không (theo như tôi biết) đầu hàng trước những giấc mơ.
Bao
nhiêu chuyện đã lọt vào đôi tai phấp phới, có những lúc như thể rực lên vì
sức nóng của thông tin chúng thu nhận được ấy? Nếu nói được, liệu nó có cảnh
báo tôi về sự phản bội và xe ủi đất? Ở một đất nước bị vô vàn âm
thanh và mùi vị đồng ngự trị, chúng tôi đã có thể là cặp đôi hoàn hảo;
nhưng con tôi từ chối nói chuyện, còn tôi không tuân theo mệnh lệnh
của mũi mình.
“Arre baap,”
Padma kêu lên, “Thì ông cứ kể xem có chuyện gì
xảy ra nào! Con nít không nói chuyện thì có gì lạ đâu?”
Và
một lần nữa sự giằng xé trong tôi: Tôi không thể. - Cậu phải. - Vâng.
Tháng
Tư năm 1976 đến, và tôi vẫn sống ở khu trại hay ghetto của giới ảo
thuật; con trai tôi Aadam vẫn mắc chứng lao mạn tính dường như không phản ứng
trước bất kỳ hình thức điều trị nào. Đầu tôi đầy rẫy những dự cảm không lành
(và ý nghĩ chạy trốn); nhưng nếu có một người là lý do tôi ở
lại ghetto, thì người đó là Picture Singh.
Padma,
Saleem quyết định cùng chung số phận với các ảo thuật gia Delhi một
phần vì cảm thấy gã thuộc về nơi này - một niềm tin tự hành xác
về sự chính đáng của việc gã trở nên nghèo khó một cách muộn màng (tôi
mang theo, từ nhà cậu tôi, đúng hai tấm sơ mi, trắng, hai cái quần, cũng trắng,
một áo phông, in hình đàn guitar màu hồng, và giày, một đôi, đen); tôi đến
đây, một phần, bởi lòng trung thành, bị ràng buộc bởi những nút thắt của lòng
biết ơn người giải cứu tôi, Parvati-phù-thủy; nhưng, tôi ở lại - trong khi, là
một thanh niên có học vấn, ít ra tôi có thể làm thư ký ngân hàng hay thầy
giáo trường đêm dạy đọc và viết - bởi vì, suốt đời mình, chủ ý hay vô
thức, tôi luôn tìm kiếm những người cha. Ahmed Sinai, Hanif
Aziz, Sharp-sticker sahib, đại tướng Zulfikar, tất cả đều
buộc phải đóng thế vai trò của William Methwold; Picture Singh là
người cuối cùng trong danh sách cao quý này. Và có lẽ, trong sự khao khát song
hành: tìm cha và cứu nước, tôi đã phóng đại Picture Singh (cũng như đã bóp
méo anh lần nữa trên những trang viết này) thành một ảo-tượng-trong-mơ của
trí tưởng tượng của tôi... thực tế là, mỗi khi tôi hỏi, “Chừng nào anh sẽ
lãnh đạo chúng em, Pictureji - chừng nào ngày trọng đại ấy sẽ đến?”,
anh gượng gạo thoái thác, nói, “Cậu bỏ ý nghĩ ấy đi, đội trưởng; anh chỉ là một
gã nghèo quê ở Rajasthan, và Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế
Gian; đừng bắt anh làm gì khác.” Nhưng tôi, thúc giục anh, “Nhưng đã từng
có tiền lệ - có Mian Abdullah, con Chim ngân nga...” Nghe
vậy Picture, “Đội trưởng, cậu có những ý nghĩ kỳ khôi thật.”
Những
tháng đầu ban hành Tình trạng Khẩn cấp, Picture Singh tiếp tục chìm
trong một sự im lặng u ám gợi nhớ (một lần nữa) đến sự Vôthanh vĩ đại của
Mẹ Bề trên (điều cũng đã rỉ sang con trai tôi...), chẳng buồn diễn
thuyết cho khán giả trên đường to phố nhỏ của cả thành phố Cũ lẫn Mới, như
trước đây anh nhất quyết làm bằng được; nhưng mặc dù anh nói, “Đây là
lúc cần im lặng, đội trưởng,” tôi vẫn tin rằng một ngày nào đó,
một buổi bình minh của thiên niên kỷ khi nửa đêm kết thúc, dẫn
đầu một jooloo hay đoàn diễu hành khổng lồ của những người cùng khổ,
và có lẽ vẫn thổi sáo và quấn rắn độc quanh người, chính Picture
Singh sẽ dẫn dắt chúng tôi tới con đường sáng… nhưng có lẽ anh
luôn chỉ là một người dụ rắn không hơn; tôi không phủ nhận khả năng ấy.
Tôi chỉ nói rằng, với tôi, người cha cuối cùng này, cao gầy râu rậm, tóc
buộc thành một búi sau gáy, dường như chính là hóa thân của Mian Abdullah; nhưng
có lẽ tất cả chỉ là ảo tưởng, hình thành từ
nỗ lực gắn anh với mạch truyện lịch sử của tôi hoàn toàn bằng sức mạnh
của ý chí. Ảo tưởng đeo đuổi tôi suốt đời; đừng tưởng tôi không
biết điều này. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta là một thời điểm vượt ra
ngoài mọi ảo tưởng; chẳng còn lựa chọn nào khác, rốt cuộc tôi sẽ phải ghi
lại, trên giấy trắng mực đen, đoạn cao trào mà tôi đã né tránh cả tối
nay.
Những
mảnh ký ức: đấy không phải là cách viết xứng đáng với đoạn cao trào. Cao
trào phải trào dâng tận đỉnh Hy Mã Lạp Sơn; nhưng trong tay tôi chỉ còn những
mẩu vụn, buộc tôi phải cà nhắc dẫn đến bi kịch của mình như một con rối đứt
dây. Việc này nằm ngoài kế hoạch của tôi; nhưng có lẽ câu chuyện ta kết thúc
không bao giờ là câu chuyện ta bắt đầu. (Có lần, trong một căn phòng màu
xanh, Ahmed Sinai đã ứng tác ra đoạn kết cho những câu
chuyện cổ tích mà cái kết nguyên bản ông đã quên mất từ lâu; con
Khỉ Đồng và tôi, qua năm tháng, được nghe đủ loại phiên
bản về những cuộc hải hành của Sinbad, những chuyến phiêu lưu của
Hatim Tai... nếu tôi lại bắt đầu, liệu tôi, cũng như ông, có kết thúc ở
một chỗ khác?) Vậy thì: tôi phải tự bằng lòng với những mẩu vụn: như hàng
thế kỷ trước tôi đã viết, bí quyết là lấp đầy những chỗ trống,
dựa trên vài manh mối có sẵn. Hầu hết những điều trọng đại trong đời ta
đều xảy ra vắng mặt ta; tôi đành bám vào ký ức về một cặp hồ sơ có ba
chữ cái đầu tiết-lộ-bí-mật, mà tôi chỉ thoáng thấy một lần; và vào những mảnh
vụn quá khứ còn sót lại, vạ vật trong các ngăn ký ức bị sục sạo của tôi như
những chai thủy tinh vỡ trên bãi biển... Giống như những vụn ký ức, những mảnh
báo vẫn lăn lóc khắp khu trại của giới ảo thuật trong làn gió nửa đêm
lặng lẽ.
Những
mảnh báo gió bay tìm tới lều của tôi để báo tin rằng cậu
tôi, Mustapha Aziz, đã là nạn nhân của một nhóm sát thủ giấu
mặt; tôi không buồn rơi nước mắt. Nhưng còn những mẩu thông tin khác; và
từ đây, tôi phải dựng nên hiện thực.
Trên
một mảnh báo (có mùi củ cải) tôi đọc thấy tin Thủ tướng Ấn
Độ không đi đâu mà không có nhà chiêm tinh riêng của bà.
Từ mảnh giấy ấy, tôi không chỉ phát hiện ra mùi củ
cải; một cách bí hiểm, mũi tôi nhận thấy, một lần nữa, mùi của
hiểm nguy cá nhân. Điều tôi buộc phải suy ra từ mùi hương cảnh báo này: thầy
bói từng tiên tri về tôi; phải chăng cuối cùng chính thầy bói sẽ hủy hoại
tôi? Phải chăng một mụ Góa phụ, bị ám ảnh về tinh tú, đã được giới chiêm
tinh mách bảo về tiềm năng bí ẩn của bất kỳ đứa trẻ nào ra đời vào nửa đêm
nhiều năm trước? Và phải chăng đây là lý do khiến một Công chức, chuyên gia về phả
hệ, được yêu cầu truy tìm... lý do khiến ông ta nhìn tôi với ánh mắt khác lạ
vào buổi sáng? Đấy, quý vị thấy chưa, các mảnh vụn đã bắt đầu khớp với nhau!
Padma, chuyện đã rõ ràng chưa? Indira là Ấn Độ và Ẩn Độ
là Indira... nhưng có lẽ nào bà ta chưa đọc bức thư của chính cha
mình gửi cho một đứa trẻ nửa đêm, trong đó vị thế trung tâm được nâng tầm thành
khẩu hiệu của bà ta bị phủ nhận; trong đó vai trò tấm-gương-của-đất-nước được
gửi gắm lên tôi? Quý vị thấy chưa? Thấy chưa?... Còn nữa, còn
những cứ chứng rõ ràng hơn: một mẩu báo khác của tờ Thời báo
Ẩn Độ, trong đó hãng thông tấn của mụ Góa phụ trích dẫn mụ ta khẳng định
“quyết tâm chiến đấu với âm mưu chống đối ăn sâu lan rộng và ngày càng lớn
mạnh”. Xin thưa: mụ ta không nói về Janata Morcha! Không, bên cạnh nửa
trắng, Tình trạng Khẩn cấp còn có nửa đen, và đây là bí mật đã bị che giấu quá
lâu dưới lớp mặt nạ của những ngày nghẹt thở ấy: động cơ thực thụ nhất, sâu xa
nhất ẩn đằng sau việc ban bố Tình trạng Khẩn cấp là gieo tang loạn đến mức đập
tan, nghiền nát, bất khả vãn hồi lên đầu lũ trẻ nửa đêm. (Những chủ nhân của
một Hội nghị đã, tất nhiên, giải thể nhiều năm trước; nhưng riêng khả năng tái
hợp của chúng tôi cũng đủ để gây ra báo động đỏ.)
Các
nhà chiêm tinh - tôi tin chắc là vậy - là người đưa ra cảnh báo; trong một cặp
tài liệu màu đen dán nhãn M.C.C., những cái tên được thu thập từ những
hồ sơ hiện tồn; nhưng không chỉ có vậy. Có cả những sự phản bội và
những lời thú tội; có đầu gối và mũi - mũi, và cả đầu gối.
Những
mẩu, những mảnh, những vụn: có vẻ như, ngay trước khi
tỉnh dậy, với mùi nguy hiểm trong cánh
mũi, tôi đã mơ thấy mình đang ngủ. Tôi tỉnh dậy,
trong giấc mơ lạnh gáy bậc nhất ấy, và thấy một người lạ trong
lều: một gã bộ dạng thi sĩ có mái tóc suôn dài trùm kín tai
(nhưng rất thưa ở đỉnh). Phải: trong giấc ngủ cuối cùng trước
sự-kiện-tôi-sắp-phải-miêu-tả, cái bóng của Nadir Khan đến thăm tôi,
nhìn cái ống nhổ bạc khảm thanh kim thạch với vẻ khó hiểu, và hỏi hết sức kỳ
quái, “Cậu ăn cắp cái này đúng không? - Bởi vì nếu không,
tức là cậu- có nhẽ đâu thế? - là con của Mumtaz?” Và
khi tôi thừa nhận, “Đúng, không phải ai khác, chính là tôi đây...”
bóng-ma-trong-mơ của Nadir-Qasim liền đưa ra một lời cảnh báo: “Trốn đi. Gấp
lắm rồi. Trốn mau khi còn kịp.”