Những đứa con của nửa đêm - Phần II - Chương 23 - Phần 1
Chương
23: Saleem đạt đến sự thuần khiết ra sao
Cái
đang chờ được kể: sự tái xuất của tiếng tích tắc. Nhưng giờ thời gian đang đếm
ngược đến một cái kết, không phải một sự ra đời; và cũng cần nhắc tới một nỗi
uể oải, một cơn mệt mỏi rộng khắp sâu sắc đến độ cái kết, khi nó đến, sẽ là lối
thoát duy nhất, bởi vì con người, cũng như các quốc gia và nhân vật hư cấu,
hoàn toàn có thể mất hết động lực, và khi đó chẳng còn gì hơn ngoài việc kết
thúc với chúng.
Vầng
trăng rụng mất một mảnh còn Saleem đã đạt đến sự thuần khiết ra sao… đồng hồ
đang tích tắc; và bởi vì mọi cuộc đếm ngược đều cần số không… cho phép tôi
thông báo: hồi kết đến vào ngày 22 tháng Chín năm 1965; và thời khắc chính xác
khi kim-chạy-về-không là, lẽ tất yếu, đúng nửa đêm. Mặc dù chiếc đồng hồ tháp
cũ ở nhà bác Alia tôi (vốn chỉ đúng giờ nhưng luôn reo chuông chậm hai phút)
không hề có cơ hội đổ chuông.
Bà
ngoại tôi Naseem Aziz tới Pakistan vào giữa năm 1964, bỏ lại sau lưng một Ấn Độ
nơi cái chết của Nehru đã châm ngòi một cuộc chiến giành quyền lực gay gắt.
Moraji Desai, Bộ trưởng Tài chính, và Jagjivan Ram, nhân vật thế lực nhất giới
tiện dân, đã đoàn kết nhằm quyết tâm ngăn chặn sự thành lập một vương triều của
nhà Nehru[1]; bởi thế Indira Gandhi đã bị khước từ quyền lãnh đạo.
Tân Thủ tướng là Lal Bahdur Shastri, một thành viên khác của thế hệ các chính
khách có vẻ như đã được ngâm dung dịch bất tử; tuy nhiên, trong trường hợp của
Shastri, đó chỉ là maya, ảo tưởng. Nehru và Shastri đều đã chứng minh đầy đủ
tính tất tử của mình; song vẫn còn đó những kẻ khác, siết chặt Thời gian trong
những ngón tay xác ướp và từ chối để nó vận động… tuy nhiên, ở Pakistan, đồng
hồ vẫn tiếp tục tích tắc.
[1]
Indira Gradhi là con gái duy nhất của Nehru, do đó việc Indira có cơ hội lên
nắm quyền Thủ tướng được Rushdie ám chỉ là hình thành một vương triều của nhà
Nehru.
Ngoài
mặt, Mẹ Bề trên không tán thành sự nghiệp của em tôi; nó có hơi hướng ngôi sao
màn bạc quá rõ. “Gia đình ta, cáigìkhôngbiết,” bà thở dài với Pia mumani, “còn
khó kiểm soát hơn cả giá xăng.” Tuy nhiên, có thể bà lại ngấm ngầm ấn tượng, vì
bà vốn kính nể quyển lực và địa vị và Jamila bây giờ đã được coi trọng đến mức
được chào đón tại những nhà quyền thế và danh vọng nhất xứ này… bà tôi định cư tại
Rawalpindi; tuy nhiên, với một biểu hiện lạ lùng của tinh thần độc lập, bà
quyết định không sống ở dinh cơ của Đại tướng Zulfikar. Bà và mợ Pia dọn đến
một ngôi bungalow khiêm nhường ở khu phố cũ của Karachi; và chung tiền tiết
kiệm lại mua thương quyền của cây xăng hằng-mơ-ước.
Naseem
không bao giờ nhắc tới Aadam Aziz, cũng không thấy bà thương nhớ ông; như thể
bà thấy nhẹ nhõm khi người ông cắm cảu của tôi, người thời trẻ từng khinh miệt
phong trào Pakistan và nhiều khả năng là đổ tội cho Liên đoàn Hồi giáo vì cái
chết của Mian Abdullah bạn ông, bằng cách chết đi đã cho phép bà một mình đi
đến Xứ sở của những kẻ Thuần khiết. Quay lưng lại với quá khứ, Mẹ Bề trên tập
trung vào xăng và dầu. Cây xăng có vị trí đắc địa, ở gần đường cao tốc
Rawalpindi-Lahore – nó làm ăn rất khá. Pia và Naseem thay phiên ngồi trọn ngày
trong buồng kính dành cho quản lý trong khi nhân viên đổ xăng cho ô tô và xe
tải Quân đội. Họ chứng tỏ là một cặp đôi hoàn hảo. Pia thu hút khách hàng bằng
ngọn hải đăng nhất mực từ chối phai mờ của nhan sắc; trong lúc Mẹ Bề trên, bị
niềm đau góa bụa biến thành một người đàn bà quan tâm đến đời người khác hơn
chính đời mình, bắt đầu mời khách hàng vào buồng kính làm mấy chén hồng trà
Kashmir; ban đầu họ nhận lời với đôi chút e dè, nhưng khi nhận ra bà cụ không
định làm khổ họ bằng trò kể lể chuyện xưa bất tận, họ thư giãn, lỏng cổ áo và
lưỡi, và Mẹ Bề trên có thể đắm mình trong sự vô danh đầy ơn phước của những
cuộc đời người khác. Trạm xăng nhanh chóng nổi tiếng khắp vùng, đám tài xế bắt
đầu đi chệch tuyến đường để tạt vào đây - thường là hai ngày liên tiếp, để vừa
mãn nhãn với người mợ thần thánh vừa được dốc bầu tâm sự với người bà muôn đời
kiên nhẫn của tôi, người đã hình thành đặc tính thấm hút như một miếng bọt
biển, và luôn đợi đến khi khách đã hoàn toàn kết thúc mới vắt khỏi môi dăm giọt
lời khuyên đơn giản, chắc nịch – trong khi ô tô của họ được nhân viên đổ xăng
và đánh bóng, bà tôi sẽ nạp lại và đánh bóng đời họ. Bà tọa trong buồng xưng
tội bằng kính của mình và giải quyết những ưu phiền của thế gian; gia đình bà,
dù vậy, dường như đã mất sự quan trọng trong mắt bà.
Rậm
ria, mẫu quyền, kiêu hãnh: Naseem Aziz đã tìm ra cách riêng để đối diện với
thảm kịch; nhưng trong quá trình tìm ra nó bà đã biến thành nạn nhân đầu tiên
của cái tinh thần uể oải lãnh đạm đã biến kết thúc thành lối thoát khả thi duy
nhất. (Tích, tắc.)… Tuy nhiên, bề ngoài, bà không thể hiện một chút ý định nào
là sẽ theo chồng vào khu vườn long não[2] dành cho người ngay
thẳng; có vẻ bà có nhiều điểm chung hơn với các nhà lãnh đạo Bành tổ của Ấn Độ
bị bà từ bỏ. Bà ngày càng to ra, với một tốc độ báo động; đến nỗi bà phải gọi
thợ đến nới rộng buồng kính. “Làm to thật to vào,” bà chỉ đạo, với một tia hài
hước hiếm hoi, “Biết đâu trăm năm nữa ta vẫn ở đây, cáigìkhôngbiết, và có Chúa
mới biết lúc ấy ta to bằng ngần nào; ta không muốn cứ mươi mười hai năm lại
phải phiền đến các anh.”
[2]
Theo Kinh Quran: người lương thiện sẽ được uống trong chiếc cốc ướp trong Suối
Long não, nơi những kẻ phụng sự Chúa thanh tẩy bản thân.
Pia
Aziz, tuy vậy, không bằng lòng với cuộc đời “xăng dầu xe cộ.” Mợ bắt đầu một
chuỗi dan díu với các đại tá vận động viên cricket cầu thủ polo nhà ngoại giao,
điều rất dễ giấu diếm một Mẹ Bề trên đã không còn quan tâm đến việc làm của mọi
người trừ khách lạ; nhưng mặt khác lại là đề tài đàm tiếu của cả một thành phố
mà nói cho cùng khá nhỏ. Dì Emerald quở trách Pia; mợ đáp, “Cô muốn tôi suốt
đời rền rĩ và bứt tóc? Tôi hãy còn trẻ, người trẻ thì có quyền vui tìm một
chút.” Emerald mím môi: “Nhưng phải đứng đắn một tí… còn danh giá gia đình…”
Pia hất đầu. “Đứng đắn phần cô, em gái,” mợ nói, “còn tôi, tôi sẽ sống.”
Nhưng
tôi thấy như có gì đó trống rỗng trong sự lập ngôn của Pia; rằng cả mợ cũng cảm
thấy cá tính của mình rút kiệt dần theo năm tháng; rằng những cuộc yêu đương
cuồng nhiệt là nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của mợ để hành xử “xứng tầm” – theo
cách một phụ nữ như mợ phải làm. Lòng mợ không ở đây; đâu đó bên trong mình, mợ
cũng đang chờ đợi một kết thúc… Gia đình tôi luôn dễ tổn thương trước những thứ
từ trên trời rơi xuống, kể từ khi Ahmed Sinai ăn cái tát của bàn tay
kền-kền-đánh-rơi; và sét đánh giữa trời là chuyện chỉ còn một năm nữa.
Sau
tin ông tôi mất và việc Mẹ Bề trên đến Pakistan, tôi bắt đầu liên tục mơ về
Kashmir; mặc dù tôi chưa từng đặt chân tới Shalimar-bagh, tôi làm điều đó về
đêm; tôi bồng bềnh trên shikara và leo lên đồi Sankara Acharya như ông tôi từng
làm; tôi thấy củ sen và dãy núi như hàm răng gầm ghè. Điều này cũng có thể xem
như biểu hiện của sự cô lập đã tác động tới tất cả chúng tôi (trừ Jamila, người
đã có Chúa và đất nước giúp em tiếp bước) - một nhắc nhở về sự tách biệt của
gia đình tôi với Ấn Độ lẫn Pakistan. Tại Rawalpindi, bà tôi uống hồng trà
Kashmir, ở Karachi, cháu bà tắm trong một dòng nước hồ gã chưa hề thấy. Chẳng
bao lâu nữa giấc mơ Kashmir sẽ ngấm vào đầu óc toàn bộ người dân Pakistan;
mối-liên-hệ-với-lịch-sử từ chối bỏ rơi tôi, và tôi thấy giấc mơ của mình, vào
năm 1965, biến thành tài sản chung của cả dân tộc, thành một nhân tố đặc biệt
quan trọng của cái kết sắp đến, khi đủ mọi thứ trên trời rơi xuống, và tôi cuối
cùng đã được thanh tẩy.
Saleem
không thể chìm xuống sâu hơn: tôi có thể ngửi thấy, trên người tôi, xú khí
bể-phốt của sự bất chính. Tôi đã tới Xứ sở của những kẻ Thuần khiết, và lại tìm
vui với gái điếm – khi đáng lẽ phải khởi đầu một cuộc sống mới, ngay thẳng, thì
tôi lại, thay vào đó, cho ra đời một tình yêu không thể nói tới (và không được
đáp lại). Bị ám ảnh bởi những dấu hiệu đầu tiên của tư tưởng định mệnh rồi đây
sẽ chế ngự tôi, tôi cưỡi con Lambretta chạy khắp thành phố; Jamila và tôi tránh
mặt nhau càng nhiều càng tốt, không thể, lần đầu tiên trong đời, nói với người
kia lấy một lời.
Thuần
khiết – cái lý tưởng cao cả nhất! – cái phẩm chất thiên thần được lấy làm tên
cho Pakistan, và rỏ xuống từ từng nốt nhạc trong những bài hát của em tôi! – có
vẻ đã ở rất xa; làm sao tôi biết rằng lịch sử - vốn có thẩm quyền tha thứ cho
những kẻ phạm tội - ở thời điểm ấy lại đang đếm ngược đến giây phút nó sẽ, chỉ
bằng một chiêu, gột rửa tôi từ đầu đến chân?
Cùng
lúc đó, những thế lực khác đều đang phát huy ảnh hưởng; Alia Aziz bắt đầu trút
xuống đòn báo thù khủng khiếp của bà cô ế chồng.
Những
ngày ở Guru Mandir: mùi trầu, mùi đồ ăn, mùi ngột ngạt từ bóng râm của ngọn
tháp, ngón tay dài, đang chỉ của giáo đường; trong khi niềm căm hận của bác
Alia đối với người đàn ông đã bỏ rơi mình và cô em gái đã lấy hắn ta hóa thành
một thứ hữu chất, hữu hình, nó lù lù trên tấm thảm ở phòng khách của bà như một
con tắc kè vĩ đại, bốc mùi nôn mửa; nhưng xem ra tôi là người duy nhất ngửi thấy,
vì kỹ năng che giấu cảm xúc của Alia đã phát triển nhanh không kém gì bộ râu
trên cằm bà cũng như sự thuần thục của bà trong việc sử dụng thạch cao để, mỗi
tối, vặt trụi hàm râu của mình đến tận chân.
Đóng
góp của bác Alia tôi vào vận mệnh các quốc gia – thông qua trường tiểu học và
trung học của bà – không thể bị coi nhẹ. Cho phép nỗi bi phẫn gái già ngấm vào
giáo trình, gạch ngói và cả học trò tại cơ sở giáo dục song sinh của mình, bà
đã nuôi dạy nên một bộ lạc những trẻ con và thiếu niên luôn cảm thấy mình bị ám
ảnh bởi một lòng thù hận xa xưa, mà không rõ tại sao. Ôi sự cằn cỗi hiện diện
muôn nơi của các trinh nữ già! Nó biến lớp sơn tường nhà bà thành chua chát;
bàn ghế nhà bà lồi lên vì bị nhồi nhét quá nhiều cay đắng; nỗi ức chế gái già
được khâu vào các nếp rèm. Như rất lâu trước đây từng được khâu vào những món
đồ con nít của nỗi cay đắng, thoát ra từ vết nứt của thế gian.
Niềm
vui của bác Alia: nấu ăn. Thứ bà đã, qua bao năm tháng thống hận trong cô độc,
nâng lên tầm nghệ thuật: kỹ năng tiêm nhiễm cảm xúc vào thức ăn. Đối thủ trên
cơ bà về thành tựu trong lĩnh vực này: Ayah cũ của tôi, Mary Pereira. Kẻ, ngày
nay, đã vượt mặt cả hai đầu bếp kỳ cựu ấy: Saleem Sinai, thợ-cả-ngâm-rau-quả
của nhà máy rau quả dầm Braganza… dù gì đi nữa, trong thời gian chúng tôi sống
tại tư gia của bà ở Guru Mandir, bà cho chúng tôi ăn biriani bất hòa và nargisi
kofta xích mích; và dần dà từng chút một, đến cả sự hòa hợp của tình yêu tuổi
xế chiều ở cha mẹ tôi cũng bắt đầu lạc nhịp.
Nhưng
cũng phải kể đến những ưu điểm của bác tôi. Về chính trị, bà phản đối gay gắt
thứ nhà-nước-quân-đội-bảo-sao-làm-vậy; giá thử bà không có một viên Đại tướng
làm em rể, hai ngôi trường tiểu học và trung học chắc đã bị tước khỏi tay bà từ
lâu. Tôi xin phép không mô tả bà hoàn toàn qua lăng kính tăm tối của tâm trạng
chán nản của cá nhân tôi: bà từng lưu giảng tại Liên Xô và Mỹ. Đồng thời, đồ ăn
bà nấu rất ngon. (Bất chấp thành phần bí mật của chúng.)
Nhưng
không khí và đồ ăn trong ngôi nhà dưới bóng thánh đường ấy bắt đầu gây hậu quả…
Saleem, dưới sự xáo trộn kép của mối tình khốn khổ và thức ăn của Alia, bắt đầu
mặt đỏ như gấc mỗi khi hình ảnh em gái hiện lên trong tâm trí; trong khi
Jamila, bị thôi thúc một cách vô thức bởi nỗi mong mỏi không khí trong lành và
thức ăn không nêm những cảm xúc đen tối, ngày càng ít ở nhà, mà thay vào đó lưu
diễn ngược xuôi khắp đất nước (nhưng không bao giờ đến Cánh Đông). Vào những
dịp ngày một hiếm hoi khi hai anh em thấy mình ở cùng một phòng, cả hai sẽ nhảy
dựng lên, hoảng hốt, cách đất một tấc, rồi đáp xuống, nhìn chằm chặp vào chỗ
vừa nhảy khỏi, như thể chỗ đấy đột nhiên nóng giãy như lò bánh mì. Những lần
khác, cả hai tự cho phép mình có những hành xử mà ý nghĩa của chúng chắc đã rõ
như ban ngày, nếu không phải tâm trí mỗi người trong nhà còn vướng bận những
việc khác: chẳng hạn, Jamila bắt đầu đeo tấm mạng đi đường vàng-trắng cả ở nhà
cho đến khi biết chắc anh mình đã ra ngoài, cho dù em thấy váng đầu vì nóng;
trong khi Saleem – người vẫn tiếp tục, với tác phong nô lệ, đi lấy bánh mì men
nở từ nữ tu viện dòng Santa Ignacia – tránh đưa bánh tận tay em; thỉnh thoảng
gã nhờ bà bác độc địa làm trung gian. Alia nhìn gã với vẻ hài hước rồi hỏi,
“Sao thế, cậu bé – không mắc bệnh truyền nhiễm chứ hả?” Saleem mặt đỏ tưng
bừng, sợ rằng bà đã đoán ra chuyện gã qua lại với gái ăn sương; và có thể thế
thật, nhưng bà đang rình con cá to hơn.
…
Gã bắt đầu có thiên hướng chìm trong những cơn lặng lẽ dài, trầm tư, rồi tự
mình phá vỡ nó khi đột nhiên bật ra một từ vô nghĩa: “Không!” hay “Nhưng!”, hay
thậm chí những tiếng cảm thán bí hiểm hơn, như “Bang!” và “Whaam!” Những lời vô
nghĩa giữa những cơn im lặng mờ mịt: như thể Saleem đang thực hiện một cuộc đối
thoại nội tâm căng thẳng tột độ đến mức từng mẩu vụn, hoặc là nỗi đau của nó,
chốc chốc lại sủi lên bề mặt của môi gã. Sự bất ổn nội tâm này đích thực đã bị
món cà ri bất an mà chúng tôi buộc phải ăn làm trầm trọng hơn; và sau cùng, khi
Amina bị đẩy vào tình trạng nói chuyện với những chiếc tủ giặt vô hình còn
Ahmed, trong cảnh khốn khổ sau cú đột quỵ, chẳng còn làm được gì nhiều ngoài
nhểu dãi và cười ngây ngô, còn tôi thì lặng lẽ đăm chiêu trong tình trạng thu
mình khép kín, bác Alia chắc rất hả hê với kết quả của đòn báo thù dành cho nhà
Sinai; trừ phi, bản thân bà cũng bị rút kiệt bởi khát vọng bà ấp ủ bấy lâu nay
đã hoàn thành; trong trường hợp này, chính bà cũng cạn kiệt hy vọng vào tương
lai, và trong tiếng bước chân bà xuất hiện những bội âm trống rỗng khi bà rình
mò đi lại trong cái bệnh viện tâm thần là nhà bà, với cái cằm phủ kín thạch cao
để nhổ râu, trong khi cháu gái bà nhảy dựng lên khỏi những mảng sàn đột nhiên
nóng giãy và cháu trai bà vô cớ rú lên, “Yaa!” và người một thời theo đuổi bà
chảy dãi xuống cằm và Amina chào hỏi những hồn ma phục sinh từ quá khứ: “Lại là
ngươi đấy hả; ừ, sao lại không? Xem ra chả có gì chịu biến đi cả.”
Tích,
tắc… Vào tháng Một năm
1965, mẹ tôi Amina Sinai phát hiện ra mình có thai lần nữa, sau mười bảy năm.
Khi đã chắc chắn, bà đem tin vui này kể cho bà chị Alia, qua đó cho bác tôi cơ
hội hoàn thiện đòn báo thù của mình. Không ai biết Alia đã nói gì với mẹ tôi;
thứ bà khuấy vào món ăn đến nay vẫn còn là suy đoán; nhưng tác động đối với
Amina thì rất mãnh liệt. Bà bị dằn vặt bởi ác mộng về một đứa trẻ quái thai có
não là củ súp lơ; bà bị bóng ma của Ramram Seth hành hạ, và lời tiên tri cũ về
đứa trẻ hai đầu lại làm bà hóa điên một lần nữa. Lúc này mẹ tôi bốn mươi hai
tuổi; và nỗi sợ (cả tự nhiên lẫn do Alia khơi dậy) mang thai vào tuổi này đã
bào mòn cái hào quang rực rỡ quanh mẹ tôi từ khi bà săn sóc cha tôi hồi sinh
trong một tình yêu tuổi xế chiều; dưới sự tác động từ món korma báo thù của bác
tôi – với những dự cảm không lành và bạch đậu khấu làm gia vị - mẹ tôi đâm ra
sợ hãi đứa con của bà. Mỗi tháng qua đi, cái tuổi bốn mươi hai của bà bắt đầu
gây hậu quả ghê gớm; sức nặng của bốn thập niên tăng lên từng ngày, đè bẹp mẹ
tôi dưới tuổi tác của bà. Vào tháng thứ hai, tóc bà bạc trắng. Sang tháng thứ
ba, mặt bà rúm lại như một quả xoài héo nẫu. Đến tháng thứ tư, bà đã thành một
bà lão, da dày và nhăn, và một lần nữa bị mụn cóc hành hạ, và gặp một hiện
tượng bất khả kháng là mọc râu khắp mặt; bà dường như một lần nữa bị phủ một
màn sương hổ thẹn, như thể đứa bé là tai tiếng với một phụ nữ hiển nhiên là đã
cao tuổi như bà. Khi đứa bé của những ngày tháng hoang mang ấy lớn dần trong
bà, sự tương phản giữa sức trẻ của nó và tuổi già của bà ngày càng tăng; chính
vào thời điểm này, bà suy sụp xuống chiếc ghế mây cũ và được những bóng ma quá
khứ viếng thăm. Sự tan rã của mẹ tôi choáng váng ở tính đột ngột của nó; Ahmed
Sinai, chứng kiến trong bất lực, bỗng nhiên thấy mình cạn kiệt dũng khí, hoang
mang, không người dẫn lối.
Tới
tận bây giờ, tôi vẫn thấy khó viết về những ngày tháng khi mọi hy vọng về tương
lai đều kết thúc, khi cha tôi thấy nhà máy khăn bông sụp đổ trong tay mình. Ảnh
hưởng của quỷ thuật bếp núc của Alia (tác động lên cả dạ dày ông, khi ông ăn,
lẫn mắt ông, khi ông nhìn vợ mình) với ông giờ đây đã rõ mồn một: ông sao nhãng
việc quản lý nhà máy, và cáu kỉnh với công nhân.
Để
tổng kết sự đổ vỡ của Khăn tắm hiệu Amina: Ahmed Sinai bắt đầu hành xử độc đoán
với công nhân như đã một lần, tại Bombay, ông xử tệ với người giúp việc, và cố
gắng khắc vào đầu công nhân, thợ dệt lành nghề lẫn thợ đóng gói, những quy tắc
vĩnh cửu của quan hệ chủ-tớ. Hậu quả là đội ngũ lao động của ông đàn lũ bỏ đi,
với những giải thích kiểu, “Tôi không phải thằng cọ nhà xí của ông, Sahib, tôi
là thợ dệt chính quy Bậc Một,” và nói chung là từ chối thể hiện lòng biết ơn
đúng mức với ông vì đã rủ lòng thuê họ. Bị bóp nghẹt trong cơn thịnh nộ làm
quẫn trí của những hộp cơm trưa do bác tôi chuẩn bị, ông đuổi họ đi hết, và
thuê một bọn ăn chực làm biếng chỉ rình tẩu tán bông cuộn và linh kiện máy móc,
nhưng sẵn sàng khom lưng quỳ gối theo ý chủ; và tỉ lệ khăn lỗi tăng vọt đáng
báo động, nhiều hợp đồng không hoàn thành, số khách hàng quay lại giảm đáng báo
động. Ahmed Sinai bắt đầu đưa về nhà từng núi – Himalaya! – khăn phế phẩm, bởi
vì kho của nhà máy đã đầy tràn những sản phẩm không đạt chuẩn của sự quản lý
yếu kém của ông; ông uống rượu trở lại, và tới hè năm ấy ngôi nhà ở Guru Mandir
lại ngập trong những lời lẽ tục tĩu xưa cũ của cuộc chiến giữa ông và các tửu
tinh, và chúng tôi phải lách người đi qua từng ngọn Everest và Nanga Parbat của
khăn bông kém phẩm chất xếp dọc cả hành lang lẫn đại sảnh.
Chúng
tôi đã tự nộp mình cho nỗi oán giận âm ỉ của bà bác to béo; trừ ngoại lệ duy
nhất là Jamila, người ít bị tác động hơn cả vì thường xuyến vắng mặt dài ngày,
sự sụp đổ của tất cả chúng tôi đều được bà hầm như ninh kỹ. Đó là một thời kỳ
rất đau đớn và hỗn loạn, khi tình yêu của cha mẹ tôi tan rã dưới sức nặng tổng
hợp từ đứa con của họ và nỗi uất ức già cỗi của bác tôi; rồi dần dà hỗn loạn và
đổ vỡ ngấm qua cửa sổ tòa nhà và chiếm lĩnh từng trái tim và khối óc của dân
tộc, thế nên chiến tranh, khi nó nổ ra, được bọc trong chính cái màn sương mê
loạn của phi hiện thực mà cuộc sống của chúng tôi đã bắt đầu lọt vào.
Cha
tôi đang đến gần cú đột quỵ với một tốc độ ổn định; nhưng trước khi quả bom
phát nổ trong đầu ông, một ngòi nổ khác đã được đốt: vào tháng Tư năm 1965
chúng tôi nghe tin về những sự kiện kỳ quái ở Rann xứ Kutch.
Trong
khi chúng tôi giãy giụa như ruồi mắc vào lưới nhện báo thù của bác tôi, cối xay
lịch sử tiếp tục xoay vần. Uy tín của Tổng thống Ayub đã suy giảm: những điều
ong tiếng ve về gian lận trong cuộc bầu cử năm 1964 rộ lên, không sao dập được.
Rồi còn vấn đề của con trai Tổng thống: Gauhar Ayub, người được tập đoàn
Gandhara Industries[3] bí hiểm của hắn biến thành siêu siêu
giàu sau có một đêm. Ôi những chương hồi bất tận về các thế-gia-công-tử lưu
manh! Gauhar, với mọi trò bắt nạt và chửi bới của hắn; sau này, tại Ấn Độ,
Sanjay Gandhi với Công ty Ô tô Maruti và Đoàn thanh niên Quốc đại của hắn; và
mới đây nhất, là Kami Lal Desai… những đứa con vĩ nhân hủy đi tiếng tăm của cha
mẹ. Nhưng tôi, cũng có một đứa con trai; Aadam Sinai, bay đến đối diện với tiền
lệ, sẽ đảo ngược xu thế này. Con có thể hơn cha, mà cũng có thể kém… tuy nhiên,
vào tháng Tư năm 1965, không khí đang xôn xao về sự lầm lỗi của những đứa con.
Và con ai đã trèo tường vào Dinh Tổng thống vào ngày 1 tháng Tư – người cha vô
danh nào đẻ ra tên thối tha đã chạy đến gần Tổng thống và nã súng vào bụng
ngài? Một số người cha có hồng ân được vô danh trước lịch sử; dù sao chăng nữa,
kẻ ám sát đã thất bại, do súng của gã đã bị hóc một cách kỳ diệu. Con trai ai
đó bị cảnh sát giải đi và nhổ từng chiếc răng, châm lửa đốt từng móng tay;
thuốc lá cháy dở không nghi ngờ gì đã được gí vào đỉnh dương vật gã, vì thế
chắc gã sát thủ hụt, vô danh ấy cũng chẳng được an ủi bao nhiêu nếu biết rằng
gã chẳng qua đã bị cuốn theo một ngọn thủy triều lịch sử trong đó những đứa con
trai (sang cũng như hèn) thường xuyên bị đánh giá là hành xử đặc biệt xấu xa.
(Không, tôi không định loại trừ bản thân.)
[4]
Tập đoàn công nghiệp của Pakistan, do tướng Khan Khattak, bố vợ của Gauhar Ayub
thành lập năm 1963.
Cuộc
ly dị của tin tức và hiện thực: báo chí trích dẫn các nhà kinh tế nước ngoài –
PAKISTAN LÀ HÌNH MẪU CHO CÁC NƯỚC MỚI NỔI – trong khi nông dân (không được lên
báo) nguyền rủa cái gọi là “cách mạng xanh”, tố rằng hầu hết các giếng khoan
mới đào không dùng được, nhiễm độc, và đằng nào cũng sai vị trí; trong khi các
bài xã luận ca tụng sự chính trực của người lãnh đạo đất nước, thì tin đồn, dày
đặc như ruồi, đề cập tới các tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ và xe ô tô mới của
con trai Tổng thống. Tờ Bình Minh của Karachi nói đến một bình
minh khác – QUAN HỆ TỐT ĐẸP ẤN-PAK CHẲNG CÒN BAO XA? – nhưng ở Rann xứ Kutch,
lại một đứa con trai kém cỏi nữa sắp phát hiện một câu chuyện khác.
Ở
thành thị: ảo ảnh và dối trá; ở phía Bắc, trên vùng núi cao: quân Trung Quốc
đang làm đường và lên kế hoạch nổ bom hạt nhân; nhưng đã đến lúc chuyển từ cái
tổng thể sang cái cụ thể; hay, chính xác hơn, là sang con trai ngài Đại tướng,
em họ tôi, chàng Zafar Zulfikar đái dầm. Người đã trở thành, từ tháng Tư đến
tháng Bảy, hình mẫu cho tất cả mọi đứa con trai gây thất vọng của xứ sở này;
lịch sử, vận động thông qua gã, cũng đang giơ ngón tay chỉ vào Gauhar, vào
Sanjay-của-tương-lai lẫn Kanti-Lal-sắp-tới; và, lẽ tự nhiên, vào tôi.
Nào
– cậu em Zafar. Người có nhiều điểm tương đồng với tôi ở thời điểm ấy… trái tim
tôi chất chứa một tình yêu cấm kỵ; quần gã, mặc cho mọi nỗ lực của gã, vẫn liên
tục chứa đầy một thứ khác hữu hình hơn, nhưng cũng cấm kỵ không kém. Tôi tưởng
đến những cặp tình nhân huyền thoại, cả hạnh phúc và oan trái – Shah Jehan và
Mumtaz Mahal, và cả Montague-và-Capulet; gã mơ tới vị hôn thê người Kif, mà
chuyện không chịu dậy thì kể cả sau sinh nhật thứ mười sáu chắc hẳn đã làm cô
trở nên giống như, trong mắt gã, ảo tưởng về một tương lai không thể đạt đến…
tháng Tư năm 1965, Zafar được điều đi tập trận tại khu vực do Pakistan kiểm
soát ở Rann xứ Kutch.