Những đứa con của nửa đêm - Phần I - Chương 02 - Phần 2
Tôi bị Padma làm gián đoạn, cô đem bữa tối đến rồi giữ lại, tống tiền tôi: “Nếu anh định vùi đầu nguệch ngoạc cho hỏng mắt thì ít nhất anh cũng phải đọc cho tôi nghe.” Tôi trước nay luôn tự đàn hát kiếm cơm - nhưng biết đâu Padma của chúng ta sẽ có ích, vì không gì cản nổi cô đóng vai nhà phê bình. Cô đặc biệt giận dữ trước nhận xét của tôi về tên mình. “Anh thì biết gì, cậu ấm?” cô quát - huơ tay chém gió. “Ở làng tôi chẳng việc gì phải xấu hổ nếu được đặt tên theo Bà Chúa Phân sất. Viết ngay là anh sai cho tôi, sai lè ra ấy.” Thể theo ý nguyện của bông sen của tôi, tôi xin bổ sung, không chút chậm trễ, một khúc tụng ca ngắn về Phân.
Phân, thứ làm đất đai màu mỡ và mùa màng sinh sôi! Phân, thứ được ép thành bánh mỏng như chapati[3] từ lúc còn tươi và ướt, rồi mang bán cho các hiệp thợ nề để họ đem trát và gia cố tường những ngôi nhà kiểu kachcha[4] xây từ bùn! Phân, ra đời từ phần hậu thấp kém của gia súc, đã đi một chặng đường dài để xác lập vị thế linh thiêng và thần thánh của mình! Phải rồi, tôi sai, tôi thừa nhận mình có định kiến, chắc chắn rồi, vì cái mùi đen đủi ấy quả tình rất dễ làm tổn thương cái mũi nhạy cảm của tôi - hẳn là tuyệt vời xiết bao, đáng yêu biết dường nào khi được mang tên của Đấng Ban Phân!
[3] Một loại bánh mì không men hình tròn và dẹt của Ấn Độ.
[4] Kiểu kiển trúc đặc trưng của Ấn Độ, sử dụng những vật liệu tự nhiên như bùn, tre, gỗ, cỏ.
... Ngày 6 tháng Tư năm 1919, thánh địa Amritsar sực nức (rất huy hoàng, Padma, rất thần tiên!) hương phân. Và có lẽ cái nồng nàn (diễm tuyệt!) ấy không hề làm Cái Mũi trên mặt ông tôi khó chịu - nói cho cùng, nông dân Kashmir vẫn dùng nó, như một thứ vữa, như tôi đã tả ở trên. Ngay ở Srinagar, hình ảnh những người bán rong đẩy xe ba gác chở phân bánh cũng không có gì xa lạ. Nhưng phân ấy khô, hết mùi, hữu ích. Phân ở Amritsar tươi và (tệ hơn) thừa mứa. Mà không phải toàn phân bò. Nó rơi xuống từ mông lũ ngựa đi giữa càng xe của vô số tonga, ikka và gharry[5] của thành phố; từ những la những người những chó đi theo tiếng gọi của tự nhiên, chan hòa trong tình huynh đệ của cứt. Nhưng cũng có cả bò: đàn bò thiêng lang thang trên phố xá bụi mù, từng con tuần tra lãnh thổ của mình, đánh dấu chủ quyền bằng phân. Và ruồi! Kẻ Thù Số Một Của Cộng Đồng, hoan hỉ vo ve từ đống cứt này sang đống cứt nóng hổi khác, ăn mừng và thụ phấn chéo cho những tặng vật biếu không ấy. Cả thành phố cũng nhộn nhạo, phản chiếu chuyển động của lũ ruồi. Bác sĩ Aziz đang từ cửa sổ khách sạn nhìn xuống khung cảnh ấy khi một tin đồ Kỳ Na giáo đeo khẩu trang đi qua, cầm cây chổi xể quét vỉa hè trước mặt để khỏi giẫm phải một con kiến, hay một con ruồi. Từng làn khói thơm cay bốc lên từ một xe quà vặt. “Pakora nóng, pakora nóng đây!” Một phụ nữ da trắng đang hỏi mua lụa ở cửa hiệu bên kia đường, và mấy gã đàn ông đội khăn xếp đang liếc mắt tống tình cô ả. Naseem - giờ là Naseem Aziz - đang đau đầu ghê gớm; đây là lần đầu tiên cô tái phát một chứng bệnh, nhưng cuộc sống ngoài cái thung lũng bình lặng của cô đã ập tới như một cú sốc với cô. Đầu giường cô để một bình nước chanh tươi, cạn đi rất mau. Aziz đứng bên cửa sổ, hít thành phố vào lồng ngực. Ngọn tháp của Đền Vàng lóe sáng dưới ánh mặt trời. Nhưng mũi anh đang ngứa: có gì không ổn ở đây.
[5] Ba loại xe ngựa kéo phổ biến ở Ấn Độ.
Cận cảnh bàn tay phải ông tôi: móng tay đốt tay ngón tay đều ít nhiều lớn hơn người ta tưởng. Dăm túm lông đỏ ở mặt trên ngón tay. Ngón cái và ngón trỏ kẹp sát nhau, chỉ bị ngăn cách bởi độ dày của một tờ giấy. Tóm lại: ông tôi đang cầm một tờ truyền đơn. Nó vừa được dúi vào tay ông (ta nhảy sang viễn cảnh - dânBombay ai cũng có vốn từ vựng cơ bản về điện ảnh) lúc ông bước vào sảnh khách sạn. Một thằng oắt thoăn thoắt phóng qua cánh cửa quay, truyền đơn lả tả phía sau, gã chaprassi[6] đuổi theo. Từng vòng quay điên cuồng quanh cánh cửa, vòng nối vòng; tới khi bàn tay gã chaprassi cũng đòi được cận cảnh, bởi ngón cái ngón trỏ đang kẹp sát nhau, chỉ ngăn cách bởi độ dày của tai thằng oắt. Kẻ gieo rắc rác rưởi vị thành niên bị tống khứ; nhưng ông tôi đã giữ lại bức thông điệp. Lúc này, nhìn ra cửa sổ, ông thấy nó được vọng lại trên bức tường đối diện; và ở kia, trên ngọn tháp thánh đường; và dưới dạng chữ in khổ lớn trên tờ báo kẹp dưới nách một người bán rong. Truyền đơn báo chí thánh đường tường nhà đang hét lớn: Hartal! Mà, theo nghĩa đen, là một ngày của khóc thương, của bất động, của im lặng. Nhưng đây là Ấn Độ trong buổi hoàng kim của Mahatma, khi ngôn ngữ cũng phục tùng mệnh lệnh của Gandhiji, và từ này, dưới tác động của ông, đã mang những âm hưởng mới. Hartal - 7 tháng Tư, thánh đường báo chí bức tường và truyền đơn đều hưởng ứng, bởi Gandhi đã ra sắc lệnh rằng cả Ấn Độ, ngày hôm ấy, sẽ ngừng hoạt động. Để khóc thương, trong hòa bình, sự tiếp tục hiện diện của người Anh.
[6] Nhân viên gác cổng khách sạn.
“Em chẳng hiểu tại sao lại hartal khi không ai chết cả,” Naseem khóc tỉ tê. “Sao tàu không chạy? Mình còn kẹt ở đây bao lâu?”
Bác sĩ Aziz thấy một thanh niên dáng dấp nhà binh trên đường, và nghĩ - người Ấn đã chiến đấu cho người Anh; rất nhiều trong số họ đã đi khắp thế giới, và bị Ngoại quốc tiêm nhiễm. Họ sẽ không dễ dàng quay về thế giới cũ. Người Anh đã lầm khi định quay ngược thời gian. “Thông qua Đạo luật Rowlatt là một sai lầm,” anh lẩm bẩm.
“Rowlatt gì?” Naseem rền rĩ. “Chẳng có ý nghĩa gì với em hết!”
“Cấm vận động chính trị,” Aziz giải thích, rồi trở lại với suy nghĩ của anh. Tai từng nói: “DânKashmir khác. Mấy thằng hèn chẳng hạn. Nhét súng vào tay một gã Kashmir, nó sẽ phải tự nổ - không đời nào gã dám bóp cò. Ta khác dân Ấn, luôn gây chiến.” Aziz, với Tai trong đầu, không thấy mình Ấn Độ. Kashmir, nói cho cùng, nếu khắt khe mà xét thì không phải một bộ phận của Đế chế, mà là một tiểu quốc độc lập. Anh không chắc cuộc hartal của truyền đơn thánh đường tường nhà báo chí này là cuộc chiến của mình, dù anh đang đứng trên vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Anh quay đi khỏi cửa sổ...
... Và thấy Naseem khóc tỉ tê trên gối. Cô bắt đầu sùi sụt từ khi anh bảo cô, vào đêm thứ hai, nắc đi một tí. “Nắc gì?” cô hỏi. “Nắc sao?” Anh lúng túng nói, “Thì nắc thôi, tức là, như đàn bà ấy...” Cô rú lên kinh hãi. “Trời ơi, tôi lấy phải gì thế này? Tôi biết bọn đàn ông đi Tây về các anh. Các anh gặp những ngữ đàn bà gớm ghiếc rồi bắt chúng tôi bắt chước! Nghe này, Bác sĩ Sahib, có chồng hay không chồng, tôi cũng không phải hạng đàn bà... chẳng ra gì.” Đây là một trận chiến mà ông tôi không bao giờ thắng; và nó định tông cho cuộc hôn nhân giữa họ, điều sẽ mau chóng trở thành một địa điểm nổ ra chiến sự thường xuyên và khốc liệt, dưới sự tàn phá của nó cô thiếu nữ sau tấm ga và chàng Bác sĩ trẻ vụng về nhanh chóng biến thành những sinh vật khác biệt, xa lạ... “Gì nữa đây mình?”Aziz hỏi. Naseem vùi mặt vào gối. “Còn gì nữa?” giọng cô tắc nghẹn, “Anh, chứ còn gì nữa? Anh muốn tôi trần truồng đi lại trước mặt đàn ông lạ.” (Anh ấy bảo cô bỏ đeo mạng che mặt.)
Anh bảo, “Áo mình phủ kín người mình từ cổ đến tay đến gối. Quần mình che người mình tới tận mắt cá chân. Chỉ còn có bàn chân và mặt. Mình nói xem, mặt và chân mình là tục tĩu à?” Nhưng cô rền rĩ, “Họ sẽ thấy nhiều hơn thế, họ sẽ thấy nỗi nhục nhã ê chề ê chề của tôi!”
Và giờ một tai nạn, nó sẽ phóng chúng ta vào thế giới của Mercurochrome... Aziz, bắt đầu mất bình tĩnh, lôi sạch mạng che mặt của vợ trong va li ra, ném vào cái thùng tôn đựng rác sơn hình Guru Nanak bên hông, rồi châm lửa. Ngọn lửa bùng lên, làm anh bất ngờ, liếm vào tấm rèm. Aadam chạy bổ ra cửa kêu cứu trong khi tấm rèm rẻ tiền bắt lửa... và người hầu khách trọ thợ giặt đổ xô vào phòng, lấy giẻ lau khăn tắm và quần áo của khách đập bồm bộp lên chỗ vải đang cháy. Nước được xách đến; lửa được dập tắt; và Naseem co rúm ở trên giường trong khi độ ba mươi lăm người Sikh, Hindu và tiện dân chen chúc trong căn phòng đầy khói. Sau cùng họ bỏ đi, và Naseem buông ra hai câu trước khi mím chặt môi lại đầy bướng bỉnh.
“Anh là đồ điên. Cho tôi thêm nước chanh.”
Ông tôi mở cửa sổ, quay lại người vợ trẻ. “Khói phải một lúc nữa mới tan hết; tôi đi dạo một chút. Mình có đi không?”
Môi mím chặt; mắt nhắm tịt; một chữ Không quyết liệt từ cái đầu; thế là ông tôi đi ra phố một mình. Với câu chốt hạ: “Quên chuyện làm một cô gái Kashmir ngoan ngoãn đi. Hãy nghĩ đến việc làm một phụ nữ Ấn Độ hiện đại.”
... Trong khi tại khu Doanh trại, ở Tổng hành dinh của Quân đội Anh, một viên Chuẩn tướng R.E. Dyer đang vuốt sáp lên râu.
Hôm đó là ngày 7 tháng Tư năm 1919, và tại Amritsar ý tưởng lớn lao của Mahatma đang bị bóp méo. Hàng quán đã nghỉ; nhà ga đã đóng; nhưng giờ đây chúng bị đám đông bạo loạn phá tan tành. Bác sĩ Aziz, tay xách cặp da, đang ở ngoài phố, giúp được chỗ nào là giúp. Những nạn nhân bị giẫm đạp bị bỏ lại ngay chỗ họ ngã xuống. Anh băng bó các vết thương, phết bừa Mercurochrome lên đó, khiến chúng nhìn máu me hơn bao giờ hết, nhưng ít nhất cũng được sát trùng. Cuối cùng anh trở về khách sạn, quần áo sũng đỏ bê bết, và Naseem phát hoảng lên. “Để em giúp, để em giúp, lạy đấng Allah, con lấy phải ai thế này, ra đầu đường xó chợ đánh lộn với lũ côn đồ!” Cô xoắn xuýt quanh anh với mấy nùi bông thấm nước. “Em chẳng hiểu sao mình không thể làm một anh bác sĩ đàng hoàng như người ta chỉ chữa những bệnh quan trọng các thứ thôi. Chúa ơi người mình toàn máu thôi! Yên, yên nào, ít nhất cũng để em rửa cho đã!”
“Không phải máu đâu, mình.”
“Mình tưởng em không biết tự nhìn đấy hẳn? Sao lúc bị thương mình cũng cứ phải giễu em thế? Vợ mình cũng không được săn sóc cho mình à?”
“Đấy là Mercurochrome, Naseem. Thuốc đỏ.”
Naseem - người vừa biến thành một cơn lốc hành động, nhặt quần áo, vặn vòi nước - khựng lại. “Anh cố tình làm thế,” cô nói “để biến tôi thành con ngốc. Tôi không ngốc đâu. Tôi cũng đọc mấy quyển sách rồi đấy.”
Hôm đó là 13 tháng Tư, và họ vẫn kẹt lại Amritsar. “Vụ này chưa xong đâu,” Aadam Aziz bảo Naseem. “Ta không thể đi được, mình thấy đấy: có thể họ sẽ lại cần bác sĩ.”
“Nghĩa là ta phải chờ ở đây đến ngày tận thế à?”
Anh dụi mũi. “Không, không lâu đâu, tôi e rằng không.”
Chiều hôm đó, đường phố bỗng đông nghịt người, tất cả đi về một hướng, bất chấp lệnh Thiết quân luật mới ban bố của Dyer, Aadam bảo Naseem, “Chắc sắp có mít tinh - thể nào cũng gặp rắc rối với quân đội. Họ đã có lệnh cấm mít tinh.”
“Sao mình lại phải đi? Sao không đợi người ta gọi?”
... Một compound[7] có thể là bất cứ chỗ nào, từ bãi đất hoang cho đến công viên. Compound lớn nhất Amritsar có tên là Jallianwala Bagh. Ở đây ít cỏ. Mặt đất đầy sỏi đá chai lọ và các thứ khác. Muốn vào được đây, người ta phải đi qua một con hẻm rất hẹp giữa hai tòa nhà. Vào ngày 13 tháng Tư, hàng nghìn người Ấn Độ lũ lượt kéo vào con hẻm này. “Phản đối trong hòa bình” ai đó bảo Bác sĩ Aziz. Bị cuốn theo dòng người, anh đi tới đầu hẻm. Chiếc cặp đến từ Heidelberg trên tay phải. (Không cần phải cận cảnh.) Ông đang rất sợ hãi, tôi biết, vì mũi ông đang ngứa dữ dội hơn bao giờ hết; nhưng ông là một bác sĩ đã qua đào tạo, ông gạt nó ra khỏi đầu, rồi tiến vào compound. Ai đó đang diễn thuyết rất hăng say. Những người bán rong len lỏi giữa đám đông mời chào channa và của ngọt. Không khí đầy bụi. Xem ra sẽ không có bọn côn đồ hay phá hoại, ít ra là ông tôi không thấy. Một nhóm người Sikh trải một mảnh vải ra đất và đang quây quần ăn uống. Không khí vẫn có mùi phân. Aziz đi xuyên vào trung tâm đám đông, đúng lúc Chuẩn tướng R.E. Dyer xuất hiện ở lối vào con hẻm, theo sau là năm mươi binh sĩ ưu tú. Ông ta là Chỉ huy Thiết quân luật ở Amritsar- một nhân vật quan trọng, nói gì thì nói; hai chỏm râu chuốt sáp cứng đơ lên đầy quan trọng. Đúng lúc năm mươi mốt người tiến vào trong hẻm, một cơn buồn thay thế cơn ngứa ở mũi ông tôi. Năm mươi mốt người tiến vào compound và chiếm lĩnh các vị trí, hai lăm bên phải Dyer và hai lăm bên trái; và Aadam Aziz ngừng tập trung vào những sự kiện xung quanh khi cơn ngứa lên đến đỉnh điểm không chịu nổi. Đúng lúc Chuẩn tướng Dyer phát lệnh, cú hắt xì táng thẳng vào mặt ông. “Hắắt – xììììì!” ông hắt xì hơi và cắm người ra trước, mất thăng bằng, lao theo cái mũi và nhờ đó thoát chết. “Hành trang bác sĩ” của ông xổ tung ra; chai lọ, dầu xoa bóp và xyranh tung tóe trong đám bụi. Ông điên cuồng sờ soạng dưới chân người ta, cố cứu lấy chỗ dụng cụ trước khi chúng bị giẫm nát. Một tiếng ồn như răng gõ lập cập khi trời rét vang lên, có người ngã đè lên ông. Màu đỏ ướt đẫm áo ông. Có tiếng la thét và kêu khóc và tiếng lập cập kỳ quái nọ lại tiếp tục. Dường như càng lúc càng nhiều người ngã chồng lên ông tôi. Ông bắt đầu lo cho cái lưng mình. Cái khóa cặp đang đục lõm ngực ông, gây ra một vết bầm tím nghiêm trọng và bí hiểm đến mức nó sẽ không tan đến tận sau khi ông chết, nhiều năm sau, trên đồi Sankara Acharya hay Takht-e-Sulaiman. Mũi ông gí sát một lọ thuốc viên màu đỏ. Tiếng lập cập ngừng lại và thay bằng tiếng ồn của người và chim. Dường như không hề có tiếng ồn của xe cộ. Năm mươi người của Chuẩn tướng Dyer hạ súng máy xuống rồi rút đi. Họ đã bắn tổng cộng một nghìn sáu trăm năm mươi phát vào đám đông không vũ khí. Trong đó, một nghìn năm trăm mười sáu đã trúng đích, giết hoặc làm bị thương ai đó. “Bắn oách lắm,” Dyer bảo người của mình, “ta vừa làm một việc cực oách.”
[7] Một khu đất rộng có tường hoặc rào vây quanh. Đây là một nghĩa đặc thù của từ này ở Ấn Độ.
Khi ông tôi trở về đêm đó, bà tôi đang rất cố gắng làm một phụ nữ hiện đại, vì thế bà không tỏ vẻ gì khi thấy ông. “Xem ra mình lại đánh đổ Mercurochrome nữa rồi, vụng về ạ,” bà nói, giọng làm lành.
“Máu đấy,” ông đáp, và bà ngất xỉu. Khi ông làm bà tỉnh lại với sự trợ giúp từ một chút muối ngửi, bà hỏi, “Mình có sao không?”
“Không,” ông đáp.
“Nhưng mình vừa ở đâu thế, lạy Chúa?”
“Không ở mặt đất này,” ông đáp, và run lên trong vòng tay bà.
Bàn tay tôi, tôi xin thú thực, bắt đầu lẩy bẩy; không hẳn vì câu chuyện của nó, mà vì tôi nhận thấy một vết nứt mảnh, như sợi tóc, vừa xuất hiện trên cổ tay tôi, bên dưới lớp da... Có hề gì. Chúng ta đểu nợ cái chết một mạng. Vì thế tôi xin phép kết thúc bằng một tin đồn chưa kiểm chứng rằng lão lái đò Tai, người đã khỏi bệnh nhiễm trùng tràng nhạc không bao lâu sau khi ông tôi rời Kashmir, không chết cho đến năm 1947, khi mà (vẫn theo lời đồn), điên tiết vì Ấn Độ và Pakistan tranh giành thung lũng của mình, lão đến Chhamb với ý định cụ thể là đứng giữa hai phe đối địch và nói cho chúng biết mặt. Kashmir của dân Kashmir: đấy là lời lão. Cốnhiên, họ bắn lão. Oskar Lubin hẳn đã tán thành cử chỉ hùng hồn của lão; R.E. Dyer hẳn đã tán dương tài thiện xạ của những kẻ sát hại lão.
Tôi phải đi ngủ. Padma đang chờ, và tôi cần chút hơi ấm.