12 Quy Luật Cuộc Đời: Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại - Chương 04

QUY LUẬT 2

ĐỐI XỬ VỚI BẢN THÂN NHƯ THỂ ĐÓ LÀ NGƯỜI MÀ BẠN CÓ TRÁCH NHIỆM GIÚP ĐỠ

TẠI SAO BẠN NHẤT ĐỊNH KHÔNG CHỊU UỐNG MẤY VIÊN THUỐC ĐÓ?

HÃY HÌNH DUNG CÓ 100 NGƯỜI đang được kê toa thuốc. Hãy xét thử xem điều gì sẽ diễn ra sau đó. Có đến 1/3 trong số họ không lấy đủ số thuốc kê trong toa. Một nửa trong số 67% còn lại vẫn sẽ đi lấy thuốc, nhưng không uống đúng chỉ định. Họ sẽ bỏ vài liều. Họ sẽ ngưng thuốc sớm. Hoặc thậm chí họ sẽ không uống viên nào.

Các bác sĩ và dược sĩ hay có khuynh hướng đổ lỗi cho bệnh nhân là không tuân thủ, ỷ lại và phạm sai sót. Họ lập luận là bạn có thể dẫn một con ngựa đến máng nước nhưng không thể bắt nó uống được. Các nhà tâm lý học thường có quan điểm mập mờ về những đánh giá này. Chúng tôi được đào tạo để nhận định rằng việc bệnh nhân không nghe theo lời khuyên của bác sĩ là do lỗi của người hành nghề, chứ không phải bệnh nhân. Chúng tôi tin rằng nhà cung cấp dịch vụ y tế phải có trách nhiệm đưa ra những lời tư vấn sao cho chúng sẽ được tuân theo đầy đủ; cung cấp các biện pháp can thiệp cần được tôn trọng, phác đổ điều trị sao cho bệnh nhân hoặc khách hàng đạt được kết quả như mong muốn, cũng như theo dõi sát sao để đảm bảo mọi thứ phải được diễn ra đúng hướng. Đây là một trong rất nhiều điều biến nhà tâm lý học thành một người tuyệt vời - :). Tất nhiên, không như các chuyên gia dễ phiền lòng hơn - những người luôn tự hỏi tại sao người bệnh không dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của họ - chúng tôi phải dành thời gian quý báu của mình với bệnh nhân. Họ làm sao thế? Họ không muốn khỏe hơn hay sao?

Song, có một điều thậm chí còn tệ hơn. Hãy hình dung một ai đó được cấy ghép nội tạng, ví dụ như ghép thận. Quá trình cấy ghép chỉ diễn ra sau khi bệnh nhân phải trải qua quãng thời gian dài chờ đợi trong lo lắng. Chỉ có một số ít người hiến tạng sau khi họ chết đi (thậm chí số người còn sống chịu hiến tạng còn ít hơn nữa). Và cũng chỉ có một số lượng rất nhỏ các bộ phận được hiến tặng phù hợp cho bất kỳ bệnh nhân nào đang tràn trề hy vọng được cấy ghép. Điều này có nghĩa các ca ghép thận điển hình đều phải trải qua quá trình gọi là chạy thận, một phương án thay thế duy nhất trong nhiều năm liền. Chạy thận (hay còn gọi thẩm tách máu) nghĩa là rút toàn bộ máu trong người bệnh nhân ra để lọc thông qua một chiếc máy, rồi đưa máu trở lại người bệnh. Đây là một phương pháp điều trị không chắc thành công và diệu kỳ; nên nó tạm ổn, nhưng lại không dễ chịu. Cứ phải chạy thận tám giờ một lần và từ năm đến bảy lần mỗi tuần. Việc này sẽ được tiến hành khi bệnh nhân chìm vào giấc ngủ. Như thế là quá đủ. Chẳng ai muốn mình phải tiếp tục chạy thận cả.

Mà một trong những phức tạp của việc cấy ghép là sự đào thải. Cơ thể bạn không thích ứng khi tiếp nhận các bộ phận cơ thể của người khác. Hệ thống miễn dịch của bạn sẽ tấn công và phá hủy các yếu tố ngoại lai này, mặc dù chúng có tầm quan trọng cốt yếu đối với sự sống còn của bạn. Để ngăn chặn tình trạng này xảy ra, bạn phải dùng các loại thuốc chống đào thải - làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng. Đa số mọi người đành hài lòng với sự đánh đổi này. Các bệnh nhân được cấy ghép vẫn phải chịu ảnh hưởng của sự đào thải nội tạng, dù đã được uống thuốc kháng. Không phải vì các loại thuốc này mất tác dụng (tuy đôi lúc chúng vẫn xảy ra), mà thường vì những người được kê toa không chịu dùng thuốc. Điều này thật không thể tin nổi. Và để thận bạn bị hỏng là việc vô cùng nguy hiểm. Chạy thận không phải là một chuyến dã ngoại. Phẫu thuật cấy ghép chỉ diễn ra sau một khoảng thời gian chờ đợi rất dài, với rủi ro cao và tốn phí rất lớn. Thế nhưng, bạn lại đánh mất tất cả chỉ vì không chịu dùng thuốc thôi sao? Sao người ta có thể đối xử với bản thân như vậy? Sao điều này có thể xảy ra được nhỉ?

Công bằng mà nói, điều này rất phức tạp. Nhiều người nhận bộ phận cấy ghép sẽ bị cách ly, nếu không họ sẽ có nguy cơ mắc nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất (đó là chưa nói đến các vấn đề liên quan đến thất nghiệp hay khủng hoảng gia đình). Họ có thể bị suy yếu nhận thức hoặc bị trầm cảm. Họ có thể không hoàn toàn tin tưởng vào bác sĩ hay không hiểu được sự cần thiết của thuốc. Có thể họ không đủ điều kiện để mua thuốc và đành phải chia nhỏ liều, một hành động vô vọng.

Nhưng - đây cũng là điều ngạc nhiên - hãy tưởng tượng rằng không phải là bạn, mà là chú chó cưng của bạn bị bệnh. Bạn đưa chú ta đến gặp bác sĩ thú y. Bác sĩ sẽ kê cho bạn một toa thuốc. Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Bạn cũng có nhiều lý do để không tin tưởng một bác sĩ thú y như một bác sĩ cho người. Hơn nữa, nếu bạn ít quan tâm đến thú cưng của mình và không bận tâm đến những loại thuốc không phù hợp, dưới chuẩn hoặc bị kê sai mà bác sĩ thú ý đưa ra, thì bạn sẽ không tìm đến bác sĩ thú y ngay từ đầu. Như vậy là bạn có quan tâm. Hành động của bạn đã chứng minh tất cả. Thực ra, bạn còn quan tâm nhiều hơn mức bình thường. Mọi người thường kiểm tra đơn và quản lý các loại thuốc được kê trên toa cho vật nuôi hơn là cho bản thân họ. Điều đó không tốt chút nào. Thậm chí từ góc nhìn của thú cưng, việc ấy cũng không hề ổn. Thú cưng của bạn (có thể) yêu mến bạn và chúng thậm chí còn vui hơn nếu bạn chịu dùng thuốc của chính mình.

Thật khó để kết luận bất cứ điều gì từ những sự thật trên, ngoại trừ việc mọi người dường như còn yêu mến chó, mèo, chồn sương và chim chóc (có lẽ cả thằn lằn nữa) hơn cả bản thân mình. Sao lại kinh khủng như thế? Đáng xấu hổ biết bao nếu những điều như thế lại là sự thật? Điều gì có thể khiến con người quan tâm, yêu mến thú cưng hơn cả bản thân họ?

Một câu chuyện cổ trong Sáng thế ký - cuốn sách mở đầu Kinh Cựu ước - đã giúp tôi khám phá ra đáp án cho câu hỏi khó hiểu này.

CÂU CHUYỆN CỔ XƯA NHẤT VÀ BẢN CHẤT CỦA THẾ GIỚI

Hai câu chuyện khác nhau về Tạo hóa từ hai nguồn ở Trung Đông dường như được đan kết thành bản ghi chép Sáng thế ký. Theo bản chép đầu tiên về trình tự thời gian nhưng lại xuất hiện muộn hơn trong lịch sử - còn được gọi là “Priestly” - Thượng Đế đã tạo ra vũ trụ, sử dụng Thánh Ngôn của Ngài để tạo ra ánh sáng, nước và đất, sau đó đến các cây cối và các thiên thể. Tiếp đến, Ngài tạo ra các loài chim, muông thú và cá (cũng bằng lời nói) - và sau cùng là con người, bao gồm nam và nữ, cả hai đều được tạo hình dựa trên hình tượng của Ngài. Tất cả đều diễn ra trong quyển Sáng thế ký 1. Trong phiên bản thứ hai xuất hiện sớm hơn, hay phiên bản “Jawhist”, chúng ta tìm thấy một nguyên bản khác, liên quan đến Adam và Eve (với các chi tiết về tạo hóa khác nhau đôi chỗ) cũng như các câu chuyện về Cain và Abel, hay Noah và tháp Babel. Đó là quyển Sáng thế ký từ 2 đến 11. Để hiểu Sáng thế ký 1, câu chuyện Priestly, với sự quả quyết rằng lời nói chính là thế lực sáng tạo cơ bản, trước tiên chúng ta sẽ cần xem xét một vài giả định cơ bản và cổ xưa (chúng có sự khác biệt rõ về thể loại và chủ đích trong những các giả định khoa học, mà theo ngôn ngữ lịch sử là khá lạ thường).

Những chân lý khoa học đã được làm rõ cách đây chỉ 500 năm trước các tác phẩm của Francis Bacon, René Descartes và Isaac Newton. Bằng cách nào đó mà tổ tiên của chúng ta trước đó đã quan sát thế giới mà không cần thông qua lăng kính khoa học (hơn cả những gì họ có thể nhìn được từ Mặt trăng và các vì sao qua ống kính thủy tinh tương tự như kính thiên văn thời nay). Vì hiện nay chúng ta sống rất khoa học - và vô cùng duy vật - nên rất khó hiểu rằng những góc nhìn khác là có thể và thực sự tồn tại. Nhưng những người sống từ thời xa xưa - khi những trang sử thi nền tảng của nền văn hóa chúng ta vừa xuất hiện - lại quan tâm nhiều đến những hành động quyết định sự sống còn (và diễn giải thế giới theo cách nhìn phù hợp với mục tiêu đó) hơn là bất cứ điều gì gần với những điều chúng ta hiểu hiện nay về chân lý khách quan.

Trước buổi bình minh của thế giới quan khoa học, hiện thực đã được xây dựng theo một cách khác. Hữu thể được hiểu là địa hạt của hành động, chứ không phải địa hạt của vạn vật. Nó được hiểu như là thứ gì đó giống như một câu chuyện hay một vở kịch. Câu chuyện hay vở kịch ấy là một trải nghiệm sống chủ quan, vì nó tự biểu hiện trong ý thức của mỗi người đang sống theo từng khoảnh khắc. Nó là điều gì đó tương tự như những câu chuyện mà chúng ta kể cho nhau nghe về cuộc sống cũng như tầm quan trọng của bản nhân mình; điều gì đó gần giống câu chuyện mà các tiểu thuyết gia mô tả khi họ nắm bắt được sự tồn tại trong các trang sách của mình. Trải nghiệm chủ quan - bao gồm các vật thể quen thuộc như cây cối và mây trời, chủ yếu là khách quan trong sự tồn tại của chúng, nhưng cũng (và quan trọng hơn) chính là những thứ giống như cảm xúc và ước mơ, đói khát và đau đớn. Qua trải nghiệm cá nhân, chúng chính là những yếu tố cơ bản nhất trong cuộc sống con người - theo quan niệm cổ xưa, kịch tính - và không dễ để rút gọn chúng thành các yếu tố tách rời và khách quan - dù có thông qua tư duy giản lược hóa hay duy vật hiện đại. Hãy lấy ví dụ bằng nỗi đau - tức nỗi đau chủ quan. Nó là một điều gì đó chân thực đến nỗi không phải bàn cãi hay kháng cự được. Mọi người đều hành động như thể nỗi đau của họ là có thật - để rồi sau cùng nó là thật. Nỗi đau quan trọng hơn cả những vấn đề vật chất. Chính vì lý do này mà tôi tin rằng rất nhiều truyền thống của thế giới có mối liên hệ với những kẻ đau khổ tranh giành sự sống, và đây như một chân lý không thể chối cãi của Hữu thể.

Trong bất kỳ trường hợp nào, những điều chúng ta trải nghiệm một cách chủ quan đều dễ gây liên tưởng đến một cuốn tiểu thuyết hay một bộ phim hơn là một bản mô tả khoa học về thực tại vật chất. Đó là một vở kịch về trải nghiệm sống - cái chết lạ thường, bi thảm của chính cha bạn, so với cái chết khách quan được liệt kê trong hồ sơ bệnh án của bệnh viện; nỗi đau từ mối tình đầu của bạn; sự tuyệt vọng khi hy vọng sụp đổ; niềm vui hiện hữu trước thành công của con cái…

ĐỊA HẠT KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ, MÀ VẤN ĐỀ LÀ ĐỊA HẠT GÌ

Thế giới vật chất có thể được rút gọn, theo khái niệm khoa học, thành những thành tố cơ bản như: phân tử, nguyên tử, thậm chí hạt vi lượng. Tuy nhiên, thế giới trải nghiệm cũng có những thành phần nguyên thủy. Đây là những yếu tố cần thiết mà sự tương tác của chúng định nghĩa nên sự kịch tính và hư cấu. Một trong số đó là sự hỗn loạn. Tiếp theo là trật tự. Thứ ba (vì có ba yếu tố) là quá trình dung hòa trung gian giữa hỗn loạn và trật tự, có vẻ giống hệt điều mà người hiện đại gọi là “ý thức”. Nó là sự khuất phục vĩnh viễn của con người đối với hai yếu tố đầu tiên, khiến chúng ta hoài nghi về giá trị của sự tồn tại - rồi đẩy ta vào vòng tay của nỗi tuyệt vọng, khiến ta không thể chăm sóc bản thân mình đúng cách. Đây là nhận thức đúng đắn về yếu tố thứ ba, cho phép chúng ta tìm thấy lối ra thực sự duy nhất.

Hỗn loạn là địa hạt của chính sự vô tri. Đó là vùng đất chưa được khám phá. Hỗn loạn là những gì trải dài, vĩnh hằng và không có giới hạn, ngoài ranh giới của mọi quốc gia, ý thức hệ và luật lệ. Nó là kẻ ngoại lai, người lạ, thành viên của một băng đảng khác, tiếng xào xạc trong bụi cây vào ban đêm, con quái vật dưới gầm giường, sự giận dữ ngấm ngầm của bà mẹ và bệnh tật của con cái. Hỗn loạn là nỗi tuyệt vọng và cảm giác kinh khủng mà bạn cảm thấy khi bị phản bội. Đó là kết cục dành cho bạn khi mọi thứ tan tành; khi giấc mơ đã chết, sự nghiệp thất bại hay hôn nhân đổ vỡ. Đó là thế giới ngầm của chuyện cổ tích và huyền thoại, nơi con rồng và kho vàng mà nó bảo vệ cùng tồn tại mãi mãi. Hỗn loạn là nơi chúng ta đứng mà không biết mình đang ở đâu, và làm những việc mà không biết mình đang làm gì. Tóm lại là tất cả những sự việc và tình huống mà chúng ta không biết hay không hiểu.

Hỗn loạn cũng là tiềm năng vô định mà nhờ đó Thượng Đế trong Sáng thế ký 1 đã dựa vào để lập nên trật tự thông qua sử dụng ngôn ngữ từ thuở hồng hoang. Nó cũng là tiềm năng mà chúng ta, những kẻ được nhào nặn trên hình tượng của Ngài, tạo nên những thời khắc mới mẻ và không ngừng thay đổi trong cuộc sống của chúng ta. Và hỗn loạn cũng chính là tự do, một sự tự do kinh khiếp.

Ngược lại, trật tự là vùng đất đã được khám phá. Đó là hệ thống cấp bậc vị trí, địa vị và quyền lực của nơi sống đã trải qua hàng trăm triệu năm tuổi. Đó là cấu trúc của xã hội. Nó cũng là cấu trúc mà sinh học mang lại, đặc biệt nếu bạn thích ứng với nó thông qua cấu trúc xã hội như hiện nay. Trật tự là bộ lạc, tôn giáo, tổ ấm, quê hương và đất nước. Đó là căn phòng khách ấm áp và an toàn, nơi lò sưởi bập bùng và trẻ con vui đùa. Đó là lá quốc kỳ. Đó là giá trị của tiền tệ. Trật tự là sàn nhà dưới chân ta, là kế hoạch cho từng ngày. Đó là sự vĩ đại của truyền thống, là hàng ghế nơi lớp học, là những con tàu rời bến đúng giờ, là quyển lịch, là đồng hồ. Trật tự là vẻ ngoài công khai mà chúng ta được mời khoác lên, là sự tử tế của một nhóm người lạ mặt văn minh và là lớp băng mỏng mà chúng ta đều trượt lên đó. Trật tự là nơi hành vi của thế giới ăn khớp với những kỳ vọng và khao khát của chúng ta; là nơi mọi thứ diễn ra đúng như chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, trật tự đôi khi cũng bạo ngược và lố bịch, khi nhu cầu về tính chắc chắn, đồng nhất và sự thuần khiết trở nên quá đỗi một chiều.

Khi mọi thứ chắc chắn, nghĩa là chúng ta đang sống trong trật tự. Chúng ta ở đó khi mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, không có gì lạ lẫm và đáng lo ngại. Trong địa hạt của trật tự, mọi việc đều diễn ra theo ý Chúa. Chúng ta muốn sống trong đó. Môi trường quen thuộc rất vừa ý. Trong trật tự, chúng ta có thể suy nghĩ về lâu về dài. Tại đó, mọi thứ đều như ý, chúng ta thì ổn định, bình tĩnh và thành thục. Vì lý do đó, chúng ta hiếm khi rời bỏ chốn quen thuộc mà mình hiểu biết - về mặt địa lý hay khái niệm - và chắc chắn chúng ta không thích bị ép buộc phải rời bỏ nó hay khi chuyện này diễn ra một cách tình cờ.

Khi bạn có một người bạn trung thành, một đồng minh đáng tin cậy, nghĩa là bạn đang ở trong trật tự. Khi cũng người ấy phản bội bạn, bán rẻ bạn, bạn sẽ chuyển từ thế giới tràn đầy ánh sáng của sự minh bạch và chân lý sang thế giới ngầm đen tối của hỗn loạn, hoang mang và tuyệt vọng. Đó cũng là động thái mà bạn thực hiện, cũng là “chốn” bạn ghé thăm khi công ty nơi bạn làm việc bắt đầu lụn bại và công việc của bạn bị đặt vào vòng hoài nghi. Khi bản khai thuế của bạn được nộp, đó là trật tự. Khi bạn bị kiểm toán, đó là hỗn loạn. Hầu hết mọi người đều thà bị bóp cổ còn hơn là bị thẩm tra. Trước khi Tháp đôi sụp đổ, đó là trật tự. Sau đó hỗn loạn mới hiện nguyên hình. Mọi người đều cảm nhận được nó. Cả bầu không khí trở nên không chắc chắn. Sự sụp đổ này chính xác là gì? Hỏi sai rồi. Những thứ còn lại vẫn đứng vững chính xác là gì? Đó mới là vấn đề trước mắt.

Khi mặt băng mà bạn đang trượt đủ rắn chắc, đó là trật tự. Khi mặt băng nứt ra và vỡ tan, rồi bạn hụt chân rơi xuống hố băng, đó là hỗn loạn. Trật tự là xứ Shire - nơi sinh sống của những anh chàng Hobbit[17] trong tác phẩm của Tolkien: yên bình, hữu ích và an toàn để sống, thậm chí ngây ngô. Hỗn loạn là khi vương quốc ngầm của những người lùn bị con rồng Smaug tiến chiếm của cải. Hỗn loạn là đáy đại dương sâu thẳm mà Pinocchio phải vượt qua để giải cứu cha mình khỏi Monstro - con cá voi khổng lồ. Cuộc hành trình bước vào bóng tối để giải cứu là điều khó khăn nhất mà chú bé người gỗ phải làm, nếu chú ta muốn trở thành một bé trai thật sự; nếu chú ta muốn giải thoát bản thân khỏi những cám dỗ của sự lọc lừa, bạo hành, nô dịch, sự thỏa mãn bột phát và bị khuất phục trước bạo quyền; nếu chú ta muốn bước lên vị thế một Hữu thể chân chính trên thế giới.

Trật tự là sự bền vững của hôn nhân. Nó được chống đỡ bởi những truyền thống trong quá khứ và kỳ vọng của bạn - vốn thường có nền tảng từ những truyền thống ấy mà ta không thấy được. Hỗn loạn nghĩa là sự bền vững sụp đổ dưới chân khi bạn phát hiện ra người bạn đời không chung thủy. Hỗn loạn là trải nghiệm chao đảo trong một không gian không bến bờ, không nơi nương tựa, khi những thói quen và truyền thống dẫn dắt bị sụp đổ.

Trật tự là không-thời gian nơi các chân lý luôn vô hình của bạn hiển hiện, bằng cách thiết lập trải nghiệm và những hành động của bạn để những gì nên xảy ra sẽ xảy ra. Hỗn loạn là một không-thời gian mới, xuất hiện khi bi kịch ập đến bất ngờ, hoặc khi cái ác lộ ra chân tướng khiến ai cũng bàng hoàng, ngay cả trong phạm vi giới hạn của chính ngôi nhà bạn. Điều gì đó khôn lường hoặc không mong muốn có thể luôn xuất hiện khi một kế hoạch được đưa ra, bất kể những tình huống ấy quen thuộc đến mức nào chăng nữa. Khi điều đó xảy ra, không gian sẽ dịch chuyển. Xin đừng nhầm lẫn ở đây: Không gian nhìn từ ngoài có thể vẫn như cũ. Tuy nhiên, chúng ta sống trong thời gian lẫn không gian. Nên ngay cả những nơi chốn lâu đời nhất và quen thuộc nhất vẫn chứa đựng một khả năng gây ngạc nhiên cho chúng ta, mà không thể tiêu trừ được. Bạn có thể hạnh phúc lao xuống phố trên chiếc xe hơi mà bạn biết rõ và yêu thích bao năm nay. Nhưng thời gian đã trôi đi. Phanh có thể hỏng. Bạn có thể phải cuốc bộ xuống phố bằng cơ thể mà bạn luôn phải dựa vào. Nếu tim bạn gặp vấn đề, thậm chí chỉ trong chốc lát, mọi thứ sẽ thay đổi. Những chú chó thân thiện vẫn có thể cắn như thường. Những người bạn cũ đáng tin cậy vẫn có thể trở mặt. Những ý tưởng mới có thể hủy diệt những sự chắc chắn xưa cũ và dễ chịu. Những điều trên rất quan trọng. Và chúng có thật.

Khi hỗn loạn xuất hiện, bộ não của chúng ta phản ứng kịp thời bằng các mạch thần kinh đơn giản, siêu tốc từ thuở sơ khai, lúc tổ tiên chúng ta còn cư ngụ trên cây và bị con rắn tấn công. Ngay lập tức, phản ứng chống trả quyết liệt của cơ thể liền xuất hiện, và về sau tiến hóa thành những phản ứng xúc cảm phức tạp nhưng chậm hơn - rồi sau đó, tư duy xuất hiện, với một trật tự cao hơn, có thể kéo dài hàng giây, hàng phút hoặc hàng năm trời. Toàn bộ phản ứng ấy là bản năng theo nghĩa nào đó - nhưng phản ứng càng nhanh thì tính bản năng lại càng cao.

HỖN LOẠN VÀ TRẬT TỰ: TÍNH CÁCH, NAM VÀ NỮ

Hỗn loạn và trật tự là hai trong số những yếu tố cơ bản nhất của trải nghiệm sống, là hai trong số những thành phần cơ bản nhất của Hữu thể. Nhưng chúng không phải là sự vật hay sự việc và chúng cũng không được chiêm nghiệm theo cách như thế. Sự vật hay sự việc là một phần của thế giới khách quan. Chúng vô tri, vô giác và vô hồn. Chúng là sự chết chóc. Điều này không đúng đối với hỗn loạn và trật tự. Chúng được lĩnh hội, trải nghiệm và hiểu rõ (đến mức am tường tất cả) như là tính cách - và điều này cũng đúng với nhận thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết của người hiện đại như các bậc tổ tiên xa xưa. Chỉ là người hiện đại không chú ý mà thôi.

Thoạt tiên, trật tự và hỗn loạn không được hiểu một cách khách quan (như sự vật hay sự việc), rồi được nhân cách hóa. Điều đó chỉ xảy ra nếu chúng ta nhìn nhận thực tế khách quan trước tiên, rồi sau đó đến dự định và mục đích. Nhưng đó không phải là cách thức vận hành của nhận thức, bất chấp định kiến của chúng ta thế nào. Ví dụ, nhận thức về những vật dụng như công cụ, xảy ra trước hoặc trong sự hòa hợp với nhận thức về vật dụng như những đồ vật. Chúng ta nhận ra ý nghĩa của sự vật, sự việc cũng nhanh như, hoặc nhanh hơn cả khi thấy được chúng. Việc nhận thức các sự vật như là thực thể có tính cách cũng xảy ra trước khi nhìn nhận vật thể như sự vật. Điều này đặc biệt đúng với hành động của những sự vật khác, hay các vật sống khác nhưng chúng ta cũng thấy một “thế giới khách quan” không phải thể sống nhưng vẫn sống động, có mục đích và ý định. Đó là nhờ cơ chế mà các nhà tâm lý học gọi là “bộ phát hiện yếu tố hiếu động thái quá” trong chúng ta. Chúng ta đã tiến hóa qua hàng thiên niên kỷ, trong những hoàn cảnh mang tính xã hội sâu sắc. Điều này có nghĩa yếu tố quan trọng nhất trong môi trường nguyên bản của chúng ta là tính cách, chứ không phải sự vật, sự việc hay tình huống.

Các tính cách mà chúng ta đã tiến hóa để lĩnh hội luôn hiện hữu sẵn có, trong hình thái dễ lường trước và trong những cơ cấu giai bậc tiêu biểu, dành cho mọi ý định và mục đích. Ví dụ, trong hơn một tỉ năm qua, chúng ta đã luôn là nam giới hoặc nữ giới. Đây là một quãng thời gian dài. Sự phân chia cuộc sống thành cặp giới tính song hành này diễn ra trước khi các loài động vật đa bào tiến hóa. Chính trong khoảng 1/5 quãng thời gian ấy, các loài động vật có vú đã xuất hiện và có thiên tính chăm sóc chu đáo cho những con non của chúng. Do đó, khái niệm “cha mẹ” và/hoặc “con cái” đã xuất hiện khoảng 200 triệu năm trước. Rất lâu trước sự tồn tại của các loài chim hay những bông hoa. Dù không phải là một tỉ năm, nhưng cũng vẫn là một quãng thời gian rất dài, đủ dài để giống đực/nam, giống cái/ nữ cũng như cha mẹ, con cái đóng vai trò như những phần sống còn, cơ bản của môi trường mà chúng ta đã thích nghi. Điều này có nghĩa với chúng ta, nam và nữ, cha mẹ và con cái là các phạm trù - các phạm trù tự nhiên, đã in sâu vào những cấu trúc nhận thức, cảm xúc và động lực của chúng ta.

Não bộ chúng ta mang tính xã hội sâu sắc. Những sinh vật khác (cụ thể là những người khác) đóng vai trò tối quan trọng đối với chúng ta khi chúng ta sinh sống, giao phối và phát triển. Những sinh vật này đúng nghĩa là môi trường sống tự nhiên của chúng ta. Theo học thuyết Darwin, tự nhiên - hay bản thân thực tại, bản thân môi trường - là thứ chọn lọc. Môi trường không thể được định nghĩa là gì ngoài một “cách thức cơ bản”. Nó không đơn thuần là một thứ vật chất trơ ì. Bản thân thực tại là tất cả những gì chúng ta phải đương đầu khi cố gắng tồn tại và duy trì nòi giống. Phần lớn môi trường là những sinh thể khác, là quan điểm của họ/chúng về chúng ta, cũng như cộng đồng của họ/chúng. Môi trường là như thế đấy.

Trong hàng thiên niên kỷ qua, khi năng lực trí não của chúng ta tăng lên và phát triển thừa sự tò mò, chúng ta ngày càng nhận thức và tò mò hơn về bản chất của thế giới - những điều mà sau cùng chúng ta đã khái niệm hóa về thế giới khách quan - ngoài tính cách của gia đình và quần thể. Và “cái bên ngoài” không chỉ là vùng đất hữu hình chưa được khám phá. Cái bên ngoài vượt xa khỏi tầm hiểu biết của chúng ta và hiểu biết chính là đối phó và đương đầu, chứ không đơn thuần là hình dung một cách khách quan. Nhưng trí não của chúng ta từ lâu đã tập trung vào người khác. Do đó, dường như chúng ta đã bắt đầu nhận thức về một thế giới chưa biết, hỗn loạn, phi nhân với những phạm trù bẩm sinh trong bộ não xã hội của mình. Và thậm chí đây còn là một phát biểu sai: Khi bắt đầu nhận thức về một thế giới chưa biết, hỗn loạn và không có giống loài nào, chúng ta đã sử dụng các phạm trù mà ban đầu tiến hóa để đại diện cho một thế giới xã hội tiền nhân loại. Trí não của chúng ta lâu đời hơn bản thân nhân loại. Các phạm trù của chúng ta lâu đời hơn giống loài của mình rất nhiều. Phạm trù cơ bản nhất của chúng ta - lâu đời như chính bản thân hành vi tính dục, theo nghĩa nào đó - dường như chính là phạm trù về giới tính, về con đực và con cái. Chúng ta dường như đã tiếp thu được kiến thức nguyên thủy về sự đối lập mang tính cấu trúc và sáng tạo, cũng như bắt đầu diễn giải mọi thứ thông qua lăng kính của chính nó.

Trật tự, hay cái đã biết, dường như là sự xuất hiện biểu trưng gắn với tính nam (như được minh họa trong thuộc tính dương của biểu tượng âm-dương trong Đạo giáo mà tôi đã đề cập). Điều này có lẽ là bởi cơ cấu cấp bậc chủ đạo của xã hội loài người là tính đực, như trong phần lớn các loài động vật, kể cả những con tinh tinh có bộ gien di truyền và hành vi gần gũi nhất với chúng ta - điều này vẫn còn gây tranh cãi. Đó là vì trong suốt tiến trình lịch sử, con người đã xây dựng nên các thị trấn, thành phố, trở thành các kỹ sư, thợ xây đá, thợ xây gạch, tiều phu và những người vận hành máy móc hạng nặng. Trật tự là Chúa Cha, là Thánh Thi, là Người cai quản và Người xét thưởng phạt. Trật tự là lực lượng cảnh sát và quân đội trong thời bình. Đó là nền văn hóa chính trị, môi trường doanh nghiệp và hệ thống. Trật tự là “họ” trong “bạn biết họ nói gì rồi đấy”. Đó là thẻ tín dụng, lớp học, nhóm tính tiền trong siêu thị, đèn giao thông và các tuyến đường quen thuộc của người đi làm hằng ngày. Trật tự, khi bị đẩy quá xa và bị mất cân bằng, cũng có thể biểu lộ theo hướng tàn phá và kinh sợ. Đó chính là di dân cưỡng ép, là trại tập trung của phát-xít.

Hỗn loạn - những điều chưa biết - mang tính biểu trưng gắn liền với tính nữ. Điều này một phần là vì mọi thứ mà chúng ta biết đến nay đều được sinh ra nguyên bản từ cái chưa biết, giống như mọi hữu thể mà chúng ta gặp gỡ đều được mẹ sinh ra. Hỗn loạn là thân mẫu, là nguồn gốc, là khởi nguyên, là mẹ; là nguồn cội, nơi thành tố của tất cả mọi thứ sinh ra. Nó cũng là điều quan trọng, hay điều có tầm quan trọng - một phạm trù thuộc về tư duy và giao tiếp. Dưới vỏ bọc tích cực, hỗn loạn chính là một khả năng, nguồn ý tưởng, một lĩnh vực bí ẩn của thai nghén và sinh nở. Khi là một tác động tiêu cực, đó là bóng tối không thể xuyên thủng của hang động hay tai nạn ở bên đường. Đó là gấu xám mẹ lo lắng cho đàn con và xem bạn như một kẻ thù tiềm tàng và sẽ xé xác bạn thành từng mảnh.

Hỗn loạn, hay tính nữ bất diệt, cũng là tác động mãnh liệt của chọn lọc giới tính. Phụ nữ là những người mẹ kén chọn (không như những con tinh tinh cái, họ hàng gần gũi nhất với họ trong giới động vật). Hầu hết đàn ông không đáp ứng được các tiêu chuẩn của phụ nữ. Chính vì lý do này mà các trang web hẹn hò đánh giá 85% nam giới có sức hấp dẫn dưới mức trung bình. Chính vì lý do này mà tất cả chúng ta có số lượng tổ tiên là phụ nữ nhiều gấp đôi so với đàn ông (hãy hình dung tất cả những phụ nữ từng sống trên đời đều chỉ sinh trung bình một con. Giờ hãy tưởng tượng rằng một nửa số đàn ông từng sống trên đời đều có hai con, trong khi nửa còn lại không có con). Bản chất của Phụ nữ sẽ nhìn một nửa số đàn ông còn lại và nói: “Không!” Đối với đàn ông, câu trả lời đó chính là cuộc chạm trán trực diện với sự hỗn loạn và nó diễn ra cùng với một lực tàn phá mỗi khi họ bị từ chối hẹn hò. Sự kén chọn của “người” nữ cũng là lý do chúng ta lại rất khác biệt so với tổ tiên chung, trong khi những người anh em họ của chúng ta - loài tinh tinh - lại rất giống nhau. Khuynh hướng nói “không” của phụ nữ, hơn bất kỳ tác động nào khác, đã định hình nên sự tiến hóa của chúng ta, giúp chúng ta trở thành những sinh vật sáng tạo, cần mẫn, thẳng thắn với bộ não lớn (cạnh tranh, hiếu chiến, hách dịch) như hôm nay. Tự nhiên, cũng là Phụ nữ, sẽ nói: “Ôi, hỡi kẻ huênh hoang, ngươi đã đủ tốt để kiếm cho mình một bạn hữu, nhưng kinh nghiệm của ta về ngươi cho đến nay vẫn không thể biểu thị sự phù hợp nào từ vật chất di truyền của ngươi để tiếp tục nhân giống.”

Các biểu tượng tôn giáo sâu sắc nhất phụ thuộc phần lớn vào quyền lực của họ trong quá trình phân chia khái niệm lưỡng cực cơ bản này. Ngôi sao David là một ví dụ, với hình tam giác hướng xuống dưới tượng trưng cho nữ giới, và một tam giác khác hướng lên trên tượng trưng cho nam giới[18]. Tương tự như yoni và lingam của Hindu giáo (biểu tượng được bao phủ bởi những con rắn, kẻ thù và kẻ khiêu khích của chúng ta thời xa xưa: Shiva Linga được mô tả là các nữ thần rắn có tên gọi Naga). Người Ai Cập cổ đại mô tả Osiris, vị thần của đất nước, và Isis, nữ thần của cõi âm, như hai con rắn hổ mang song sinh có đuôi quấn chặt với nhau. Biểu tượng nàỵ cũng được sử dụng ở Trung Quốc để miêu tả thần Phục Hi và mẹ Nữ Oa, những người tạo ra nhân loại và chữ viết. Những hình ảnh đại diện trong Cơ đốc giáo ít trừu tượng hơn và mang nhiều cá tính hơn, nhưng cũng giống với những hình ảnh quen thuộc của phương Tây về Đức Mẹ Đồng trinh Maria, Chúa Hài đồng và Đức Mẹ Sầu bi Pietà, đều thể hiện sự song hợp giữa nữ và nam, cũng như nhấn mạnh truyền thống về “lưỡng thể đồng tại” của Chúa Giê-su.

Cuối cùng, cũng cần lưu ý rằng, bản thân cấu trúc của bộ não ở mức hình thái tổng thể dường như cũng phản ánh tính đối ngẫu đó. Đối với tôi, điều này chỉ ra một thực tại cơ bản vượt ngoài phép ẩn dụ về sự phân chia tính nữ/tính nam, vì não bộ - đúng theo định nghĩa - phải thích nghi theo thực tiễn (nghĩa là thực tiễn được khái niệm hóa tương tự như cách của Darwin). Elkhonon Goldberg, học trò của nhà tâm lý học thần kinh vĩ đại người Nga Alexander Luria, đã phát biểu một cách rõ ràng và thẳng thắn rằng: Cấu trúc bán cầu của vỏ não phản ánh rõ sự phân chia cơ bản giữa tính mới lạ (những cái chưa biết, hay hỗn loạn) với thông lệ (những cái đã biết, hay trật tự). Anh không dẫn ra các biểu tượng đại diện cho cơ cấu của thế giới dựa trên thuyết này, nhưng thế lại tốt hơn: Một ý tưởng sẽ đáng tin cậy hơn khi nó xuất hiện như kết quả của một cuộc tìm hiểu trong các lĩnh vực khác nhau.

Chúng ta đều thấu hiểu điều này, nhưng lại không hề biết là mình đã lĩnh hội được. Thế nhưng khi nói rõ điều đó theo cách này thì chúng ta lại lĩnh hội ngay lập tức. Mọi người đều hiểu trật tự và hỗn loạn, thế giới đang sống và thế giới bên kia khi nó được giải thích bằng những thuật ngữ thế này. Tất cả chúng ta đều ý thức rõ về sự hỗn loạn ẩn dưới mọi thứ quen thuộc. Đó là lý do chúng ta hiểu rõ những câu chuyện kỳ lạ, quái dị như Chú bé người gỗ Pinocchio, Công chúa ngủ trong rừng, Vua sư tử, Nàng tiên cá và Giai nhân và quái vật với những cảnh quan vĩnh cửu, của điều đã biết và điều chưa biết, của nhân gian và Địa Ngục. Chúng ta đều đã tồn tại ở cả hai nơi: Đôi khi do ngẫu nhiên, đôi khi do sự lựa chọn.

Nhiều thứ bắt đầu trở về đúng chỗ khi bạn bắt đầu nhận thức có chủ ý về thế giới theo cách này. Cứ như thể hiểu biết về cơ thể và linh hồn của bạn ăn khớp với kiến thức về trí tuệ của bạn. Và hơn thế nữa: Kiến thức ấy vừa không giới hạn, vừa bài trừ. Kiểu như nếu biết được cái gì, bạn sẽ biết được như thế nào. Kiểu như từ như thế mà bạn luận ra được nên thế nào. Ví dụ, sự kề cận giữa âm và dương trong Đạo giáo không chỉ đơn giản mô tả hỗn loạn và trật tự như các yếu tố cơ bản của Hữu thể, mà còn cho bạn biết phải hành động như thế nào. Đạo, hay lối sống của Đạo gia, được đại diện bởi (hoặc tồn tại trên) ranh giới giữa hai con rắn. Đạo ở đây là con đường chính đáng của Hữu thể. Cũng chính Đạo này được dẫn trong lời của Chúa Giê-su: “Ta là con đường, chân lý và sự sống” (John 14:6). Ý tưởng tương tự cũng thể hiện trong Ma-thi-ơ 7:14: “Cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, nên kẻ tìm ra nó vốn không nhiều.”

Chúng ta mãi mãi sống trong trật tự và bị hỗn loạn bao quanh. Chúng ta mãi mãi chiếm lĩnh vùng lãnh thổ đã biết, bị bao quanh bởi những điều chưa biết. Chúng ta trải nghiệm sự gắn bó đầy ý nghĩa khi hòa giải mâu thuẫn giữa chúng một cách phù hợp. Chúng ta đã thích nghi, theo nghĩa sâu xa nhất của thuyết Darwin, không phải với thế giới của sự vật, mà với các siêu thực thể của trật tự và hỗn loạn, của âm và dương. Hỗn loạn và trật tự tạo thành một môi trường vĩnh cửu, siêu việt cho kẻ sống.

Đứng giữa tính đối ngẫu cơ bản ấy nghĩa là phải “cân bằng”: Phải đặt một chân đứng vững bên phía trật tự và an toàn; và chân còn lại trong hỗn loạn, khả năng, tăng trưởng và mạo hiểm. Khi cuộc sống bỗng dưng tiết lộ bản chất của nó là dữ dội, hấp dẫn và có ý nghĩa; khi thời gian cứ trôi đi còn bạn quá mải mê với những gì đang làm mà không chú ý đến nó - nó sẽ xuất hiện ngay đó và bạn được đặt chính xác vào ranh giới giữa trật tự và hỗn loạn. Ý nghĩa chủ quan mà chúng ta bắt gặp tại đó là phản ứng của bản thể sâu sắc nhất trong chúng ta, bản thể bản năng được hình thành từ đặc điểm thần kinh học và sự tiến hóa của chúng ta. Chúng chỉ ra rằng chúng ta không những đang đảm bảo sự ổn định mà còn mở rộng vùng lãnh thổ hữu ích và có thể sinh sống, một nơi chốn riêng tư, mang tính xã hội và tự nhiên. Đây là một nơi phù hợp để tồn tại theo mọi nghĩa. Bạn sẽ ở đó khi thời gian và địa điểm ấy có ý nghĩa quan trọng. Nó cũng là điều mà âm nhạc thủ thỉ với bạn, lúc bạn đang lắng nghe nó - hay hơn thế nữa là nhảy múa - khi các khuôn mẫu hài hòa nhiều lớp của khả năng đoán biết lẫn không thể dự đoán khiến cho bản thân ý nghĩa trỗi dậy, từ những tầng sâu sắc nhất trong Hữu thể của bạn.

Hỗn loạn và trật tự là những yếu tố cơ bản bởi vì mọi tình huống mà ta đã kinh qua (thậm chí mọi tình huống mà tà từng trải qua và lĩnh hội được) đều được tạo thành từ cả hai. Bất kể chúng ta ở đâu, luôn có một số điều mà ta có thể xác định, vận dụng và tiên đoán, cũng như một số điều mà ta không thể biết hay hiểu được. Dù chúng ta là ai, là một người băng qua Sa mạc Kalahari hay chủ ngân hàng ở Phố Wall, vẫn sẽ có một số điều chúng ta có thể kiểm soát được và một số thì không. Đó là lý do cả hai loại người đều hiểu được những câu chuyện giống nhau và sống trong phạm vi giới hạn của cùng các chân lý vĩnh cửu. Sau cùng, thực tại cơ bản của hỗn loạn và trật tự luôn đúng đối với mọi thể sống, chứ không chỉ với chúng ta. Những vật sống luôn được tìm thấy ở những nơi mà chúng có khả năng quán triệt và được vây quanh bởi những sự vật và tình huống dễ khiến chúng bị tổn thương.

Chỉ có trật tự thôi thì không đủ. Bạn không thể cứ an toàn, ổn định và bất biến, vì ngoài kia vẫn còn rất nhiều những điều mới mẻ quan trọng và sống còn cần phải học. Tuy nhiên, hỗn loạn có thể thái quá. Bạn không thể tiếp tục chịu đựng việc bị chèn ép và chôn vùi quá lâu vượt quá khả năng đối phó của mình, trong khi đang học hỏi những điều mình còn cần phải biết. Vì vậy, bạn cần đặt một chân ở nơi bạn đã làm chủ và hiểu được, và chân còn lại ở nơi bạn còn đang khám phá và chinh phục. Như vậy, bạn đã tự đặt mình ở nơi mà nỗi kinh hoàng về sự tồn tại vẫn trong tầm kiểm soát và bạn còn an toàn, nhưng chính tại đó, bạn cũng cảnh giác và hòa mình. Đó là nơi có điều gì đó mới mẻ để ta làm chủ và có phương cách nào đó để ta cải thiện. Đó cũng là nơi ta tìm thấy ý nghĩa.

VƯỜN ĐỊA ĐÀNG

Như ta đã thảo luận, hãy nhớ lại rằng Sáng thế ký đã được trộn lẫn từ nhiều nguồn khác nhau. Sau câu chuyện Priestly mới mẻ hơn (Sáng thế ký 1) thuật lại sự xuất hiện của trật tự từ hỗn loạn, là đến phần thứ hai cổ xưa hơn - “Jahwist” - cơ bản bắt đầu từ Sáng thế ký 2. Trong bản Jahwist, người ta sử dụng cái tên YHWH hay Jahweh để đại diện cho Thượng Đế, bao hàm câu chuyện về Adam và Eve, cùng với sự giảng giải đầy đủ hơn nhiều về những sự kiện xảy ra trong “ngày thứ sáu” được ám chỉ đến câu chuyện “Priestly” trước đây. Tính liên tục của các câu chuyện dường như là kết quả do công việc hiệu đính kỹ lưỡng từ một người hoặc nhiều người mà các học giả Kinh Thánh gọi là “người Biên soạn”; họ đan kết các câu chuyện. Điều này có thể xảy ra khi những người tôn thờ hai truyền thống thống nhất với nhau vì lý do nào đó; và sự bất hợp lý của các câu chuyện được trộn lẫn, cùng phát triển một cách vụng về theo thời gian, và làm ảnh hưởng đến những ai có ý thức, dũng khí và bị ám ảnh bởi sự cố kết.

Theo câu chuyện sáng thế Jahwist, Thượng Đế đã tạo ra một không gian được bao bọc gọi là Eden - Địa đàng (trong tiếng Aramaic - ngôn ngữ của Chúa Giê-su - nghĩa là nơi được tưới mát) hoặc Thiên Đường (hay paraidaeza theo tiếng Iran hoặc Avestan cổ, nghĩa là có rào hoặc tường bao bọc, bảo vệ). Thượng Đế đã đưa Adam đến đó, cùng với tất cả các loại cây cho quả, mà hai trong số đó đã được đánh dấu riêng. Một là Cây Sự sống; còn cây kia là Cây Biết Thiện Ác. Thượng Đế đã nói với Adam rằng anh cứ ăn no nê cây trái như mong muốn, nhưng cấm ăn quả của Cây Biết Thiện Ác. Sau đó, Ngài tạo ra Eve như đồng bạn của Adam[19].

Ban đầu, khi lần đầu tiên đặt chân vào chốn Thiên Đường, Adam và Eve chắc chắn không có ý thức gì về bản thân. Như câu chuyện đã nhấn mạnh, phụ mẫu đầu tiên của chúng ta đều khỏa thân nhưng không hề cảm thấy xấu hổ. Cách diễn đạt như vậy trước hết ngụ ý rằng: Việc người nào đó xấu hổ về sự lõa thể của mình là điều hoàn toàn tự nhiên và bình thường (nếu không thì cũng chẳng có gì để nói nếu ta không có) và ngụ ý thứ hai là có một cái gì đó không đúng, dù mang nghĩa tốt hơn hay xấu hơn, ở phụ mẫu đầu tiên của chúng ta. Mặc dù cũng có những ngoại lệ, nhưng chỉ có những đứa trẻ con dưới ba tuổi mới không xấu hổ nếu đột nhiên xuất hiện trong trạng thái trần truồng nơi công cộng - tất nhiên là không kể đến những kẻ phô trương kỳ quặc. Thực tế thì sự xuất hiện đột ngột của một kẻ mơ mộng, trần trụi trên sân khấu trước một khán phòng đầy người là cơn ác mộng nói chung.

Trong phần thứ ba của Sáng thế ký, một con rắn xuất hiện - ban đầu dường như là có chân. Chỉ có Thượng Đế mới biết tại sao Ngài cho phép - hoặc đặt tại đó - một sinh vật như thế trong khu vườn của mình. Tôi đã hoài nghi về ý nghĩa của điều này từ lâu. Dường như nó là sự phản ánh phần nào của sự lưỡng phân giữa hỗn loạn và trật tự vốn là đặc trưng của mọi trải nghiệm; trong đó Thiên Đường đóng vai trò như một trật tự sinh sống được, còn con rắn đóng vai trò là sự hỗn loạn. Con rắn ở Vườn Địa đàng tương đương với chấm đen của phần âm trong biểu tượng âm/dương toàn vẹn của Đạo giáo - tức khả năng mà cái chưa biết và mang tính cách mạng đột nhiên biểu lộ ra khi mọi thứ dường như đang ổn định.

Ngay cả đối với chính Thượng Đế, dường như Ngài cũng không thể tạo ra một không gian được bao bọc để bảo vệ hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài - không phải trong thế giới thực, với những giới hạn cần thiết được vây quanh bởi cái siêu việt. Bên ngoài, hay hỗn loạn, luôn len lỏi vào bên trong vì không điều gì có thể được che chắn hoàn toàn với phần còn lại của thực tại. Thế nên, ngay cả một không gian an toàn tuyệt đối hiển nhiên cũng ẩn chứa một con rắn. Sẽ mãi luôn có những con rắn theo nghĩa đen, thường tình, thuộc loài bò sát trườn dưới cỏ và trong những tán cây chốn Thiên Đường châu Phi thuở sơ khai. Ngay cả khi tất cả chúng bị trục xuất (bởi đức Thánh George nguyên thủy theo cách nào đó không biết được), nhưng rắn vẫn còn giữ hình hài là kẻ thù nguyên thủy của chúng ta (ít nhất là khi chúng hành động như kẻ thù, từ các quan điểm hạn hẹp, bầy đàn và họ hàng của chúng ta). Xét cho cùng thì cũng không thiếu các cuộc xung đột và chiến tranh giữa các tổ tiên, bộ lạc của chúng ta.

Và ngay cả khi đã đánh bại mọi “con rắn” quấy rối mình, dù ở dạng bò sát hay con người, chúng ta vẫn không an toàn. Và giờ đây vẫn thế. Xét cho cùng, chúng ta đã nhìn thấy kẻ thù và hắn chính là ta. Con rắn cư ngụ trong mỗi linh hồn của chúng ta. Theo tôi, đây là lý do cho sự quả quyết kỳ lạ của Ki-tô giáo - được John Milton trình bày rõ nhất - rằng con rắn trong Vườn Địa đàng chính là Satan, hay bản thân Ác Linh. Tầm quan trọng của sự nhận diện mang tính biểu trưng này - hay tài hoa sửng sốt của nó - không hề bị phóng đại. Chính qua việc thực hành hình dung suốt cả thiên niên kỷ, mà ý tưởng về các khái niệm đạo đức trừu tượng đã phát triển, cùng với mọi thứ chúng bao hàm. Một nỗ lực vượt ngoài tầm hiểu biết đã tập trung cho ý tưởng Thiện-Ác và phép ẩn dụ huyền ảo bao quanh nó.

Cái xấu xa nhất của mọi loài rắn có thể là thiên hướng ác tâm vĩnh cửu của con người. Cái xấu xa nhất của mọi loài rắn có thể là tâm lý, tinh thần, cá nhân và nội tại. Không có bức tường nào, dù cao đến mấy, ngăn giữ được điều đó. Nói chung, ngay cả khi pháo đài đủ dày để giữ cho mọi thứ xấu xa nằm bên ngoài, nó vẫn sẽ lại lập tức xuất hiện bên trong. Như nhà văn vĩ đại người Nga Aleksandr Solzhenitsyn đã nhấn mạnh, lằn ranh giữa Thiện và Ác sẽ cắt xuyên qua trái tim của mỗi con người.

Chỉ đơn giản là không có cách nào xóa bỏ một phần tách biệt của thực tại xung quanh rộng lớn hơn và khiến cho mọi thứ bên trong nó luôn dễ đoán và an toàn. Dù bị khai trừ cẩn thận, kỹ lưỡng thế nào, thì con rắn sẽ luôn lén lút trở lại. Nói theo cách ẩn dụ, việc con rắn xuất hiện là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả những bậc cha mẹ chu đáo nhất cũng không thể bảo vệ con mình vẹn toàn, dù họ nhốt chúng trong một tầng hầm riêng, an toàn, tránh xa ma túy, bia rượu và phim ảnh đồi trụy trên mạng. Trong trường hợp cực đoan ấy, bậc phụ huynh quá thận trọng, quá chăm lo cho con đến nỗi chỉ đơn thuần thay thế những vấn đề tồi tệ trong cuộc sống bằng chính bản thân họ. Đây cũng chính là cơn ác mộng Oedipus vĩ đại của Freud. Tốt hơn hết hãy hình thành Hữu thể bằng khả năng chăm sóc của bạn thay vỉ bảo vệ chúng.

Và ngay cả khi có thể vĩnh viễn loại trừ hết các mối đe dọa - mọi nguy hiểm (và do đó chỉ còn lại những thử thách và thú vị) - điều ấy chỉ có nghĩa là một mối nguy hiểm khác sẽ xuất hiện: Từ bản tính con trẻ và sự vô dụng tuyệt đối thường trực ở con người. Bản chất con người có thể đạt được tiềm năng trọn vẹn thế nào nếu không có thách thức và nguy hiểm? Chúng ta sẽ trở nên mờ nhạt và đáng khinh thế nào nếu không còn lý do để chú tâm nữa? Có lẽ Thượng Đế nghĩ rằng tạo vật mới của Người có thể xử lý được con rắn và xem sự hiện diện của nó là điều ít tồi tệ hơn trong hai cái ác.

Câu hỏi dành cho các bậc cha mẹ là: Bạn muốn con mình được an toàn hay mạnh mẽ?

Trong mọi trường hợp, luôn có một con rắn trong Vườn Địa đàng, và là một con thú “quỷ quyệt” đúng như trong câu chuyện cổ (khó phát hiện, hư ảo, xảo trá, lọc lừa và phản bội). Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nó quyết định lường gạt Eve. Nhưng tại sao là Eve mà không phải Adam? Có thể chỉ là do may rủi. Theo thống kê, tỷ lệ cho Eve là 50-50 và rủi ro khá cao. Nhưng tôi đã học được rằng những câu chuyện cổ này không hề có chi tiết thừa. Bất cứ sự tình cờ nào - bất cứ điều gì không phục vụ cho cốt truyện - đều sẽ bị lãng quên trong quá trình kể. Nhà soạn kịch người Nga Anton Chekhov từng khuyên: “Nếu có một khẩu súng trường treo trên tường xuất hiện trong cảnh một, thì nó phải khạc đạn trong cảnh kế. Nếu không, nó đã không xuất hiện ở đó làm gì.” Có lẽ Eve nguyên sơ có nhiều lý do để chú ý đến loài rắn hơn là Adam. Ví dụ, có thể chúng có nhiều khả năng bắt nạt những đứa bé con hay trèo cây của nàng hơn. Có lẽ vì lý do này mà con gái của Eve sau này ngày càng có tính bảo bọc, e dè, hay sợ hãi và lo lắng cho đến tận ngày nay (thậm chí và đặc biệt là trong xã hội hiện đại quân bình nhất của nhân loại). Con rắn nói với Eve rằng nếu nàng ăn trái cấm thì nàng sẽ không chết nữa. Thay vào đó, nàng sẽ được “khai nhãn”. Nàng sẽ giống như Thượng Đế, biết thiện và biết ác. Tất nhiên là con rắn không cho nàng biết rằng chỉ có duy nhất một cách ấy mới giúp nàng giống với Thượng Đế. Nhưng suy cho cùng, nó vẫn là một con rắn. Là con người và muốn hiểu biết nhiều hơn, Eve quyết định ăn trái cấm. Và bùm! Nàng tỉnh dậy: Nàng bỗng có ý thức, thậm chí lần đầu tự ý thức về bản thân mình.

Nhưng chẳng người phụ nữ “sáng mắt” và có ý thức nào lại tỏ lòng khoan dung với một gã đàn ông chưa thức tỉnh. Eve lập tức chia sẻ trái cấm với Adam và giúp chàng cũng tự ý thức. Hầu như chẳng có gì thay đổi. Phụ nữ đã giúp nam giới tự ý thức về bản thân từ thuở sơ khai. Họ không chỉ làm điều này bằng cách chối bỏ đối phương - mà còn bằng cách bêu xấu đối phương nếu cánh đàn ông không chịu biết điều. Hiển nhiên là vì phụ nữ sẽ phải chịu gánh nặng chính trong việc sinh nở. Thật khó để nhận thấy điều ngược lại. Nhưng khả năng bêu xấu đàn ông và khiến đối phương tự ý thức của phụ nữ vẫn là tác động nguyên thủy của tự nhiên.

Giờ đây, bạn có thể hỏi: Loài rắn thì có liên quan gì đến tầm nhìn? Thứ nhất, việc nhìn thấy chúng có tầm quan trọng nhất định, vì chúng săn bạn như con mồi (đặc biệt khi bạn còn nhỏ và sống trên cây, giống như các tổ tiên của chúng ta vậy). Tiến sĩ Lynn Isbell, giáo sư ngành nhân chủng học và hành vi động vật tại Đại học California cho rằng tẩm nhìn sắc bén đáng kinh ngạc mà chỉ duy nhất con người sở hữu là sự thích nghi bắt buộc ở chúng ta từ hàng chục triệu năm trước, do nhu cầu phát hiện và tránh xa mối nguy hiểm khủng khiếp từ loài rắn, giống loài đã cùng tiến hóa với tổ tiên chúng ta. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến con rắn trong Vườn Địa đàng được thể hiện như một sinh vật đã đem đến cho chúng ta tầm nhìn của Thượng Đế (bên cạnh việc đóng vai trò là kẻ thù nguyên thủy và trường cửu của nhân loại). Đây có lẽ là một trong những lý do mà Đức Mẹ Maria, người mẹ nguyên mẫu vĩnh hằng - một Eve hoàn hảo - được thể hiện phổ biến trong thời Trung cổ và Phục hưng như một hình tượng bồng Chúa Giê-su lên cao, sao cho cách xa nhất có thể một loài bò sát săn mồi đang cắn chặt chân Đức Mẹ không buông. Và còn nhiều ví dụ nữa. Con rắn chỉ cho Eve ăn trái của cây ấy và loại quả này cũng gắn với sự biến đổi tầm nhìn, trong đó khả năng nhìn thấy màu sắc của chúng ta chính là một sự thích nghi, cho phép ta phát hiện ngay quả chín ăn được treo đầy trên cây.

Phụ mẫu nguyên thủy của chúng ta đã nghe theo con rắn. Họ đã ăn trái cấm. Họ được khai nhãn. Cả hai cùng thức tỉnh. Giống như Eve lúc ban đầu, bạn có thể nghĩ rằng đây là chuyện tốt. Nhưng đôi lúc, thà không có gì vẫn hơn là chỉ có một nửa. Adam và Eve thức tỉnh, tốt thôi, chỉ là việc này đủ để họ khám phá ra một số điều khủng khiếp. Đầu tiên, họ nhận thấy rằng mình đang trần truồng.

DÃ NHÂN LÕA THỂ

Con trai tôi nhận ra mình đang lõa thể khi thằng bé lên ba. Thằng bé muốn tự mặc quần áo. Cu cậu đóng chặt cửa phòng vệ sinh và không chịu xuất hiện trước đông người khi không có quần áo. Cả đời tôi cũng không hình dung được điều này liên quan gì đến sự giáo dưỡng mà thằng bé nhận được. Đó là sự khám phá của chính nó, nhận thức của chính nó và sự lựa chọn phản ứng của chính nó. Đối với tôi, đây là điều bẩm sinh.

Làm sao bạn biết mình trần truồng - hoặc có thể tệ hơn là biết mình lẫn đồng bạn của mình đều lõa lồ? Mọi sự khủng khiếp đều được thể hiện theo cách thức gây kinh hoàng, ví dụ như họa sĩ thời Phục hưng Hans Baldung Grien đã vẽ một bức tranh truyền cảm hứng cho hình minh họa khởi đầu chương này. Trần truồng đồng nghĩa với dễ bị tổn thương và dễ bị gây hại. Trần truồng nghĩa là bị lệ thuộc bởi lời phán xét về vẻ đẹp và sức khỏe. Trần truồng đồng nghĩa với tình trạng không được bảo vệ, tay không tấc sắt trong khu rừng rậm của tự nhiên và con người. Đó là lý do Adam và Eve trở nên xấu hổ ngay sau khi đôi mắt họ được khai sáng. Họ có thể nhìn thấy - và thứ họ nhìn thấy đầu tiên là chính mình. Những lỗi sai của họ trở nên nổi bật. Còn nhược điểm của họ bị phơi bày. Không giống như các loài hữu nhũ khác, với phần bụng mỏng manh được bảo vệ bởi tấm lưng rộng cứng như áo giáp, chúng ta là những sinh vật đứng thẳng, với các bộ phận dễ bị tổn thương nhất của cơ thể được phô bày ra trước thế giới. Và điều ấy còn tệ hơn. Adam và Eve đã làm những mảnh vải che thân (theo Kinh Thánh Phiên bản Chuẩn Quốc tế; còn trong Phiên bản của Vua James là “tạp dề”) tức thì để che giấu thân xác mong manh và bảo vệ bản ngã của mình. Sau đó, họ nhanh chóng lẩn đi và trốn tránh. Với sự dễ tổn thương lúc này, điều mà họ đã nhận thức đầy đủ, họ cảm thấy mình không còn xứng đáng đứng trước mặt Thượng Đế nữa.

Nếu bạn không thể đồng cảm với sự ủy mị ấy, thì chỉ là vì bạn không nghĩ đến mà thôi. Cái đẹp chế nhạo cái xấu. Sức mạnh chế nhạo sự yếu đuối. Cái chết chế nhạo sự sống - và Tư tưởng chế nhạo tất cả chúng ta. Do đó, chúng ta sợ nó, oán giận nó - thậm chí ghét bỏ nó (và tất nhiên, đó là chủ đề tiếp theo được phân tích trong Sáng thế ký, trong câu chuyện về Cain và Abel). Chúng ta đang làm gì với điều ấy? Phải chăng là buông bỏ tất thảy lý tưởng về vẻ đẹp, sức khỏe, tài trí và sức mạnh? Đó không phải là một giải pháp tốt. Nó chỉ đơn thuần đảm bảo rằng chúng ta sẽ mãi xấu hổ và chúng ta quả thực đáng với điều đó. Tôi không muốn một người phụ nữ vì sửng sốt trước vẻ ngoài của mình mà phải biến mất, chỉ để những người khác có thể cảm thấy không còn tự ý thức về chính họ nữa. Tôi không muốn những bậc tài trí như John von Neumann[20] biến mất chỉ vì hiểu biết về toán học của tôi chỉ suýt soát lớp 12. Trước năm 19 tuổi, ông đã định nghĩa lại các con số. Những con số đấy nhé! Cảm ơn Chúa vì đã tạo ra John von Neumann! Cảm ơn Chúa vì Grace Kelly[21], Anita Ekberg[22] và Monica Bellucci[23]! Tôi tự hào vì cảm thấy mình không xứng đáng trước sự hiện diện của những tên tuổi như thế. Đó là cái giá mà chúng ta phải trả cho mục tiêu, thành tích và tham vọng. Nhưng cũng không ngạc nhiên khi Adam và Eve tự che chắn bản thân mình.

Theo tôi, phần tiếp theo của câu chuyện hết sức khôi hài, mặc dù nó cũng thật bi thảm và kinh hoàng. Tối hôm ấy, khi Vườn Địa đàng tĩnh lặng dần, Thượng Đế bắt đầu đi ra ngoài đi dạo. Nhưng Adam đã mất tăm. Điều này khiến Thượng Đế khó hiểu, vì Ngài đã quen đi dạo cùng Adam. “Adam”, Thượng Đế cất tiếng gọi, rõ ràng đã quên rằng mình có khả năng nhìn xuyên những bụi cây, “Ngươi ở đâu?” Adam lập tức lộ diện, nhưng trong bộ dạng thật thảm hại: Đầu tiên là như một kẻ mất hồn, rồi lại như một tên chỉ điểm. Đấng tạo hóa lên tiếng gọi, và Adam trả lời: “Con nghe thấy Ngài rồi, thưa Thượng Đế. Nhưng con trần truồng, nên phải lẩn trốn.” Điều này có nghĩa gì? Nghĩa là con người, bất an bởi tình trạng dễ bị tổn thương của mình, nên luôn luôn sợ phải nói sự thật, cố dung hòa giữa hỗn loạn và trật tự, cũng như phơi bày số phận của mình. Nói cách khác, họ sợ phải đi cùng Thượng Đế. Điều đó không đáng hoan nghênh, nhưng chắc chắn có thể hiểu được. Thượng Đế là một người cha có khuynh hướng phán xét. Ngài có tiêu chuẩn cao và rất khó chiều lòng.

Thượng Đế nói: “Ai bảo ngươi rằng ngươi trần truồng? Lẽ nào ngươi đã ăn thứ gì đó không được phép chăng?” Và với vẻ khốn khổ, Adam đã chỉ sang Eve - lúc này là tình yêu, đồng bạn và tri kỷ của chàng, rồi tố cáo nàng ấy. Rồi chàng đổ lỗi cho Thượng Đế. Chàng nói rằng: “Người phụ nữ mà Ngài mang đến cho con chính là người đã đưa con trái cấm ấy (và rồi con đã ăn nó).” Thật đáng thương - và chính xác - làm sao. Người phụ nữ đầu tiên đã khiến người đàn ông đầu tiên tự ý thức và oán giận. Rồi người đàn ông đầu tiên đổ lỗi cho người phụ nữ ấy. Và rồi người đàn ông đầu tiên đổ lỗi cho Thượng Đế. Đây chính xác là điều mà những người đàn ông bị hắt hủi ngày nay cảm thấy. Trước tiên, anh ta cảm thấy mình bé nhỏ trước mục tiêu tiềm ẩn từ tình yêu của mình, sau khi cô ta chê bai khả năng phù hợp để sinh sản của anh. Sau đó, anh ta nguyền rủa Thượng Đế vì đã làm cho cô ấy trở nên xấu xa, còn bản thân mình thì vô dụng (nếu anh ta có ý đó) còn chính bản thể lại hoàn toàn không hoàn mỹ. Rồi anh ta chuyển sang ý nghĩ trả thù. Thật đáng khinh làm sao (và cũng thật dễ hiểu làm sao)! Ít ra người phụ nữ có con rắn để đổ lỗi, rồi sau đó nhận ra rằng con rắn cũng chính là quỷ Satan chứ không như vẻ bề ngoài. Do đó, chúng ta có thể hiểu và thông cảm với sai lầm của Eve. Cô bị đánh lừa bởi những điều tốt đẹp nhất. Nhưng Adam thì không! Không ai ép buộc anh phải thốt lên lời mình.

Rủi thay, điều tồi tệ nhất vẫn chưa kết thúc - cho cả Con thú lẫn Con người. Đầu tiên, Thượng Đế nguyền rủa con rắn, nói với nó rằng từ đây nó sẽ phải di chuyển bằng cách bò, trườn, không còn chân nữa và mãi mãi sống trong mối nguy bị những con người giận dữ giẫm bẹp. Tiếp theo Ngài nói với người phụ nữ rằng từ đây nàng sẽ phải mang thai trong đau khổ và thèm muốn một người đàn ông không xứng đáng, đôi khi bực dọc, rồi người ấy rốt cuộc sẽ làm chủ số phận của nàng mãi mãi. Điều này có nghĩa gì? Có thể Thượng Đế chỉ là một bạo chúa gia trưởng, như cách diễn giải mang động cơ chính trị mà câu chuyện cổ đã quả quyết. Tôi nghĩ rằng nó chỉ có tính mô tả đơn thuần. Và đây là lý do: Khi con người tiến hóa, bộ não đã cho phép sự tự nhận thức được mở rộng đến mức khủng khiếp. Điều này tạo nên một cuộc đua tiến hóa khốc liệt giữa đầu thai nhi và khung xương chậu của phụ nữ. Hông người phụ nữ được mở rộng dần đến mức họ không thể chạy được nữa. Về phần đứa bé, nó đã cho phép mình được chào đời sớm hơn một năm so với các động vật có vú khác cùng kích thước và tiến hóa phần đầu đang “gấp lại phân nửa” được. Điều này đã, và vẫn đang là một sự điều chỉnh đau đớn cho cả mẹ lẫn con. Về cơ bản, thai nhi hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ mình về mọi thứ trong suốt năm đầu tiên. Khả năng lập trình từ bộ não lớn của nó đồng nghĩa với việc nó phải được rèn luyện cho đến năm 18 tuổi (hoặc 30 tuổi) trước khi “rời tổ”. Điều này không liên quan đến hậu quả đau đớn của phụ nữ khi sinh con và nguy cơ tử vong cao cho cả mẹ lẫn con. Mà nó có nghĩa rằng phụ nữ phải trả giá đắt cho việc mang thai và nuôi dạy con cái, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Và một trong những hậu quả không thể tránh khỏi là họ ngày càng phụ thuộc vào sự chiếu cố của đàn ông, những kẻ đôi khi không đáng tin và thường gây rắc rối.

Sau khi Thượng Đế cho Eve biết về những điều sẽ xảy ra - giờ đây nàng đã thức tỉnh - Ngài quay sang Adam, chàng và các hậu duệ nam của mình cũng chẳng hề an lòng hơn chút nào. Thượng Đế nói đại loại như: “Này con trai, vì ngươi đã nghe theo phụ nữ mà mắt ngươi đã được khai sáng. Ngươi có nhãn quan như của thần thánh, được con rắn, trái cấm và nhân tình ban cho, cho phép ngươi có khả năng nhìn xa trông rộng, thậm chí thấy cả tương lai. Nhưng những ai thấy được tương lai cũng luôn luôn thấy được rắc rối sắp đến và phải chuẩn bị cho mọi biến cố cũng như khả năng. Sau cùng, để làm được điều đó, ngươi sẽ phải hy sinh thực tại vì tương lai. Ngươi phải đặt khoái lạc sang một bên để đảm bảo an toàn. Nói tóm lại: Ngươi sẽ phải làm việc. Và điều này sẽ rất khó khăn. Ta hy vọng ngươi thích cây gai và cỏ dại, vì từ bây giờ ngươi sẽ phải trồng chúng rất nhiều.”

Và rồi Thượng Đế trục xuất người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên khỏi Thiên Đường, khỏi sự ấu trĩ, khỏi thế giới động vật vô tri để bước vào nỗi kinh hoàng của lịch sử. Rồi Ngài đặt các thiên sứ với lưỡi gươm cháy rực ngay cổng Vườn Địa đàng, nhằm ngăn họ ăn quả ở Cây Sự sống. Dường như việc làm này thật nhỏ mọn. Tại sao không để những con người tội nghiệp kia được bất tử ngay lập tức? Đặc biệt nếu đó là kế hoạch của bạn cho một tương lai sau cùng, như câu chuyện đã diễn ra? Nhưng ai dám cả gan chất vấn Thượng Đế cơ chứ?

Có lẽ Thiên Đường là thứ bạn phải tự xây dựng và sự bất tử là thứ bạn phải tự giành được.

Thế là chúng ta quay lại với câu hỏi ban đầu: Tại sao có người mua thuốc đúng theo toa cho chú chó của anh ta và chăm sóc nó cẩn thận, nhưng lại không làm điều tương tự cho bản thân mình? Giờ thì bạn đã có câu trả lời rồi đấy, nó bắt nguồn từ những thư tịch nền tảng của nhân loại. Tại sao mọi người lại bận tâm đến những điều như lõa thể, xấu hổ, xấu xí, khiếp sợ, vô giá trị, hèn nhát, oán giận, phòng thủ và tố cáo như thể họ là hậu duệ của Adam? Thậm chí nếu điều ấy, nếu hữu thể ấy là chính bản thân họ? Và tôi không có ý loại trừ mọi phụ nữ trong cách diễn đạt này.

Tất cả những lý do mà chúng ta đã thảo luận đến nay cho thấy con người luôn thích ứng với người khác, cũng nhiều như với chính bản thân mình vậy. Đó là những sự khái quát hóa về bản chất con người - không gì cụ thể hơn. Nhưng bạn biết rất nhiều về bản thân mình. Bạn biết mình cũng tệ như người khác biết về bạn. Nhưng chỉ có bạn mới biết hết những sai phạm, thiếu sót và bất cập được giấu kín của bản thân. Không ai quen thuộc với những thiếu sót tinh thần và cơ thể mình hơn chính bạn. Không ai có lý do để luôn khinh thường bạn, xem bạn như một kẻ thảm hại hơn chính bạn - và bằng cách từ chối điều gì đó có thể tốt đẹp cho mình, bạn có thể tự trừng phạt bản thân vì tất cả những sai sót mình gây ra. Một chú chó vô hại, vô tội và vô tri rõ ràng còn xứng đáng hơn bạn.

Nhưng nếu bạn vẫn chưa đoan chắc, thì hãy xem xét một vấn đề sống còn khác. Trật tự, hỗn loạn, sự sống, cái chết, tội lỗi, tầm nhìn, công việc và đau khổ: Như thế vẫn không đủ thỏa mãn các tác giả của Sáng thế ký, chứ đừng nói là chính nhân loại. Câu chuyện lại tiếp tục, với tất cả những thảm họa lẫn bi kịch của nó và những người liên quan (tức chúng ta) phải đối mặt với một cơn tỉnh thức nhọc nhằn khác. Tiếp theo, số phận buộc chúng ta phải suy ngẫm về đạo lý.

THIỆN VÀ ÁC

Khi được khai nhãn, Eve và Adam nhận ra thêm nhiều điều ngoài sự trần truồng và việc họ nhất thiết phải lao động vất vả. Họ còn dần biết về Thiện và Ác (ám chỉ trái cấm, con rắn nói: “Vì Thượng Đế biết rằng cái ngày mà các ngươi ăn trái này, các ngươi sẽ được khai nhãn và các ngươi sẽ biết điều thiện và điều ác giống như thần linh”). Điều đó có thể là gì? Đằng sau mảnh đất được bao phủ này, còn lại gì để chúng ta có thể khám phá và liên tưởng? Bối cảnh đơn giản ấy chỉ ra rằng còn có điều gì đó liên quan đến những khu vườn, những con rắn, sự bất tuân, trái cây, khả năng tính dục và sự lõa thể. Chính điều cuối cùng - sự lõa thể - đã kéo tôi vào cuộc. Và hao tốn của tôi hàng năm ròng.

Chó là loài săn mồi. Và loài mèo cũng thế. Chúng giết con mồi rồi đánh chén. Cảnh tượng đó không đẹp đẽ chút nào. Nhưng chúng ta lại biến chúng thành thú cưng, chăm sóc chúng và cho chúng uống thuốc mỗi khi đau ốm, bất chấp điều ấy. Vì sao lại thế? Chúng là loài săn mồi, đó là bản chất của chúng. Chúng không tự chịu trách nhiệm cho bản chất của mình. Chúng chỉ đang đói, chứ không phải xấu xa. Chúng không có sự hiện hữu của tư duy và sự sáng tạo - và trên hết là sự tự ý thức - vốn cần thiết để hình thành nên sự tàn ác được truyền cảm hứng của nhân loại.

Vì sao lại không? Rất đơn giản. Không như chúng ta, các loài săn mồi không hiểu biết về điểm yếu căn bản, tính dễ tổn thương căn bản và sự khuất phục trước cơn đau và cái chết của bản thân. Nhưng chúng ta biết chính xác mình bị tổn thương ở đâu, ra sao và vì sao. Đó là một định nghĩa rất hay về sự tự ý thức. Chúng ta ý thức được bản thân không có khả năng phòng vệ, còn nhiều hạn chế và có thể chết. Chúng ta có thể cảm nhận sự đau đớn, ghê tởm, xấu hổ, kinh khủng và ta biết điều đó. Chúng ta biết điều gì làm mình đau khổ. Chúng ta biết nỗi kinh hoàng và đau đớn ảnh hưởng đến mình thế nào - nghĩa là chúng ta biết chính xác cách gây ra điều tương tự cho người khác. Chúng ta biết mình trần trụi ra sao và sự trần trụi đó có thể bị lợi dụng như thế nào - nghĩa là chúng ta cũng biết những người khác trần trụi và biết cách lợi dụng họ.

Chúng ta có thể rắp tâm làm người khác khiếp sợ. Chúng ta có thể làm tổn thương và hạ nhục họ vì những lỗi lầm mà chúng ta hiểu quá rõ. Chúng ta có thể tra tấn họ - theo đúng nghĩa đen - chậm rãi, khôn khéo và khủng khiếp. Như thế còn ghê gớm hơn cả lối ăn thịt của động vật. Đó là sự thay đổi về chất trong hiểu biết. Đó là cơn biến động lớn không kém bản thân sự tự ý thức. Đó là lối dẫn vào sự hiểu biết về Thiện Ác trong thế giới này. Đó là sự bẻ gãy cấu trúc Tồn tại lần thứ hai, trong khi lần đầu bị gãy vẫn chưa kịp lành. Đó là sự biến đổi của bản thân Hữu thể thành một nỗ lực đạo đức - tham gia trọn vẹn vào quá trình phát triển sự tự ý thức tinh tế.

Chỉ có con người mới mường tượng ra được giá tra tấn, hòm nhốt người và kẹp ngón tay. Chỉ có con người mới gây ra đau khổ nhân danh chính nỗi đau. Đó là định nghĩa xác đáng nhất về cái ác mà tôi có thể lập luận. Động vật không thể làm được điều đó, nhưng con người, với khả năng nửa thần thánh không thể tin nổi, thì chắc chắn có thể. Và với nhận thức này, chúng ta đã hầu như hợp pháp hóa đầy đủ một ý tưởng rất bị căm ghét trong giới trí thức hiện đại: Tội Tổ tông[24]. Và ai dám nói rằng không có yếu tố lựa chọn tự nguyện trong quá trình biến đổi mang tính tiến hóa, cá nhân và thần học? Rằng tổ tiên chúng ta đã lựa chọn bạn tình và họ lựa chọn dựa trên ý thức không? Và tự ý thức nữa? Và hiểu biết về đạo đức? Và ai có thể phủ nhận cảm giác tội lỗi do tồn tại xâm chiếm trải nghiệm của con người? Và ai có thể không nhận ra rằng nếu không có tội lỗi ấy - tức cảm giác về sự tha hóa cố hữu và khả năng làm điều sai trái - con người sẽ chỉ cách bệnh thái nhân cách một bước chân.

Con người có khả năng làm điều sai trái rất lớn. Đó là một thuộc tính độc đáo trong thế giới đời sống. Chúng ta (có thể) làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn một cách tự nguyện, với sự nhận biết đầy đủ về những gì mình đang làm (hoặc vô tình, cẩu thả và mù quáng đến mức ngoan cố). Với khả năng khủng khiếp hướng đến hành động ác ý ấy, liệu có ai thắc mắc rằng chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc chăm sóc bản thân và người khác - thậm chí nghi ngờ về giá trị của toàn bộ sự nghiệp của nhân loại? Và chúng ta hoài nghi chính mình, vì lý do chính đáng nào đó trong suốt thời gian rất dài. Ví dụ, cách đây hàng nghìn năm, người Lưỡng Hà cổ đại tin rằng con người được tạo ra từ máu của Kingu, con quái vật kinh khủng nhất mà Nữ thần Hỗn loạn tạo ra trong những khoảnh khắc thù hận và hủy diệt nhất. Sau khi rút ra những kết luận như thế, làm sao chúng ta lại không đặt câu hỏi về giá trị của sự hiện hữu và ngay cả về bản thân Hữu thể? Ai là người sau đó có thể phải đối mặt với bệnh tật của bản thân hay của người khác, mà không chút nghi ngờ về công dụng đạo đức của việc kê toa thuốc chữa bệnh? Và không ai hiểu rõ mặt tối của một cá nhân tốt hơn chính cá thể đó. Vậy rồi ai sẽ là người cam kết chăm sóc tuyệt đối cho bản thân mình mỗi khi bị ốm?

Có lẽ Con người là thứ không bao giờ nên tồn tại. Có lẽ thế giới thậm chí nên tẩy sạch mọi sự hiện diện của con người, để Hữu thể và ý thức có thể quay về với sự tàn bạo vô tội của động vật. Tôi tin rằng những người cam đoan không bao giờ muốn điều đó xảy ra cũng không lục lại trí nhớ hay đối mặt với những ảo tưởng tối tăm nhất của mình.

Vậy ta cần làm gì sau đó?

TIA SÁNG THIÊNG LIÊNG

Trong Sáng thế ký 1, Thượng Đế dùng Thánh Ngôn chân thực của mình để tạo ra thế giới, tạo ra một trật tự sống được, đẹp như Thiên Đường từ sự hỗn loạn trước khi có vũ trụ. Sau đó, Ngài tạo ra Đàn ông, Phụ nữ theo Hình tượng của Ngài và ban cho họ khả năng làm điều tương tự - tạo ra trật tự từ hỗn loạn và tiếp quản công việc của Ngài. Ở mỗi giai đoạn sáng tạo, bao gồm cả sự hình thành nên cặp đôi đầu tiên, Thượng Đế đã ngẫm nghĩ về những điều phải xảy ra và tuyên bố rằng đó là điều Thiện.

Sự liền kề giữa Sáng thế ký 1 với Sáng thế ký 2 và 3 (hai chương sau mô tả rõ sự sa đọa của loài người, mô tả lý do chúng ta lâm vào bi kịch và bị tra tấn về đạo đức) đã tạo ra một chuỗi chuyện kể với tầng nghĩa sâu sắc hầu như không thể kham nổi. Đạo lý trong Sáng thế ký 1 là: Hữu thể tồn tại thông qua chân ngôn là điều Thiện. Điều này đúng ngay cả với chính con người, trước khi ta chia cắt mình với Thượng Đế. Sự tốt lành này đã bị phá vỡ một cách khủng khiếp bởi nhiều sự kiện sa đọa (Cain và Abel, Đại Hồng thủy và Tháp Babel), nhưng chúng ta luôn nhận được điềm báo trước khi sa ngã. Chúng ta vẫn nhớ, nên ta nói thành lời. Chúng ta vẫn mãi hoài niệm về sự ngây thơ thời son trẻ, về Hữu thể siêu phàm, vô thức của loài vật và về một khu rừng già trang nghiêm như thánh đường, chưa ai đặt chân đến. Chúng ta tìm thấy sự khuây khỏa trong những điều ấy. Chúng ta thờ phụng chúng, ngay cả khi chúng ta tự xưng là những nhà môi trường học vô thần, thuộc nhóm người “chống nhân loại” tích cực nhất. Theo lẽ này, trạng thái ban đầu của Tự nhiên, chính là Thiên Đường. Nhưng chúng ta không còn là một thể đứng cùng với Thượng Đế lẫn Tự nhiên và không thể dễ dàng quay lại hoàn cảnh ấy.

Đàn ông và người Phụ nữ đầu tiên, tồn tại trong sự hợp nhất vẹn nguyên với Đấng Tạo hóa, không thể hiện mình có ý thức (và chắc chắn không tự ý thức được). Họ chưa được khai nhãn. Tuy nhiên, với sự hoàn hảo của mình, họ thậm chí còn thua kém chính những bản thể của mình thời hậu Sa đọa[25]. Điều tốt đẹp mà họ có được là nhờ được ban tặng, chứ không phải thứ họ xứng đáng có hay giành được. Họ không có sự lựa chọn. Thượng Đế biết rằng điều đó sẽ dễ dàng cho họ hơn. Nhưng có lẽ nó không tốt bằng - ví dụ - điều tốt đẹp mà họ giành được. Có lẽ, thậm chí theo nghĩa sâu xa nào đó (giả sử sự tự ý thức là một hiện tượng có tầm quan trọng vô cùng to lớn), tự do lựa chọn mới có ý nghĩa. Ai có thể đoan chắc về tất cả những điều ấy? Tuy nhiên, tôi không sẵn lòng bàn về những câu hỏi này, đơn thuần là vì chúng rất khó trả lời. Do vậy, đây là ý kiến của tôi: Có lẽ không chỉ đơn giản là sự xuất hiện của tình trạng tự ý thức, cùng với sự trỗi dậy của hiểu biết luân lý về Cái chết và Sa đọa, đang bủa vây khiến chúng ta hoài nghi về giá trị của bản thân. Thay vì thế, có thể nguyên do chính là vì chúng ta không sẵn lòng - được phản ánh trong hành động trốn tránh vì xấu hổ của Adam - đi cùng với Thượng Đế, bất chấp sự yếu đuối và khuynh hướng dễ bị tha hóa của mình.

Toàn bộ Kinh Thánh được cấu trúc để tất cả mọi thứ xuất hiện sau sự Sa đọa - lịch sử của Israel, các ngôn sứ, sự xuất hiện của Chúa Giê-su - được trình bày như một phương thuốc cứu chữa sự Sa đọa ấy, như một cách thoát khỏi cái ác. Sự khởi đầu của lịch sử có ý thức, sự trỗi dậy của nhà nước và mọi sự khởi phát của thói tự hãnh và cứng nhắc của nó, sự xuất hiện của hình tượng đạo đức vĩ đại cố gắng sắp đặt mọi thứ đúng vị trí, với cực điểm là Đấng Messiah[26] - đó là mọi nỗ lực của loài người, theo thiện ý của Thượng Đế, nhằm để sắp đặt chính họ theo đúng trật tự. Và điều đó có nghĩa là gì?

Và sau đây là một điều tuyệt vời: Câu trả lời vốn được ẩn chứa trong Sáng thế ký 1: Là hiện thân cho Hình ảnh của Thượng Đế - tự do nói rằng Hữu thể trong hỗn loạn là điều Thiện - nhưng làm thế sao cho chúng ta có ý thức về sự lựa chọn tự do. Như T. S. Eliot đã quả quyết rất đúng đắn rằng: Quay đầu là con đường tiến về phía trước, nhưng phải quay đầu trở lại làm những hữu thể tỉnh thức và áp dụng sự lựa chọn đúng đắn cho bản thân thay vì quay lại giấc ngủ:

Chúng ta sẽ không ngừng khám phá

Và điểm cuối cùng của bao điều xa lạ

Cũng chính là nơi ta khởi đầu

Và nơi ta lần đầu gặp gỡ

Chẳng biết là đâu, nhớ chăng là cánh cửa

Nơi cuối trời vẫn mở, chào đón bước chân ta.

Và tại đây, ta đã khởi hành

Từ ngọn nguồn của con sông dài nhất

Trong tiếng dội của dòng thác ẩn

Và cây táo nhỏ rộn tiếng cười trẻ thơ.

Ta chẳng biết, vì ta cũng chẳng tìm

Nhưng đã nghe, nửa vời trong tĩnh lặng

Giữa đôi cơn sóng khua biển trời yên ắng

Ngay lúc này, tại đây và vĩnh hằng –

Một điều kiện giản đơn hết sức

Cũng chẳng hề tốn kém là bao

Và mọi thứ,

Mọi điều rồi sẽ ổn.

Khi những lưỡi lửa bùng lên quấn quýt

Bện lại thành mối buộc sáng lòa

Ngọn lửa và đóa hồng kiêu sa

Tưởng hai, nhưng hãy còn là một.

(“Little Gidding”, Bốn khúc tứ tấu, 1943)

Nếu muốn chăm sóc bản thân một cách thích đáng, chúng ta cần phải tôn trọng bản thân - nhưng chúng ta lại không làm như vậy, vì chúng ta - nhất là trong mắt mình - là những sinh vật thất bại. Nếu sống theo Chân lý, nếu nói theo Chân lý, thì chúng ta có thể cùng sánh bước với Thượng Đế một lần nữa, cũng như tôn trọng bản thân, người khác và cả thế giới. Sau đó, chúng ta có thể đối xử với bản thân giống như với những người mà chúng ta quan tâm chăm sóc. Chúng ta có thể ra sức đưa thế giới đi đúng đường. Chúng ta có thể hướng thế giới lên chốn Thiên Đường, nơi ta mong muốn những người mình quan tâm cư ngụ ở đó thay vì Địa Ngục, nơi những oán giận và hận thù của chúng ta vĩnh viễn giam cầm tất cả mọi người.

Cách đây 2 nghìn năm, ở những khu vực Ki-tô giáo xuất hiện, con người man rợ hơn ngày nay rất nhiều. Xung đột xảy ra ở khắp nơi. Sự chết chóc của con người, nhất là ở trẻ em, là “chuyện thường ngày ở huyện” ngay cả trong những xã hội có công nghệ phát triển, chẳng hạn như người Carthage cổ đại. Tại Rome, những người tham gia các môn giác đấu phải thi đấu cho đến chết và đổ máu cũng là chuyện thường tình. Xác suất một người hiện đại, sống trong quốc gia dân chủ thực dụng ngày nay có khả năng giết người hoặc bị giết thấp hơn đôi chút so với những gì xảy ra ở các xã hội trước đây (và trên thế giới vẫn còn tồn tại ở các bộ phận vô tổ chức lẫn bạo loạn). Sau đó, vấn đề đạo đức chính mà xã hội phải đối mặt là kiểm soát bạo lực, thói ích kỷ bốc đồng, đi kèm với lòng tham và sự tàn bạo vô thức. Những người có các xu hướng hung hãn ấy vẫn còn tồn tại. Chí ít, giờ họ đã biết rằng hành vi như vậy không đi đến đâu và họ phải cố gắng kiểm soát nó, nếu không sẽ gặp nhiều trở ngại xã hội nghiêm trọng.

Nhưng giờ đây còn một vấn đề khác nảy sinh, tuy có lẽ ít phổ biến hơn so với quá khứ gian nan của chúng ta. Thật dễ thấy rằng mọi người ngày nay thường kiêu căng, tự cao tự đại và luôn tìm kiếm mọi thứ cho mình. Chủ nghĩa hoài nghi yếm thế khiến cho quan điểm đó trở thành điều hiển nhiên phổ biến, rộng khắp và hợp thời. Nhưng lối định hướng thế giới như thế không phải là đặc tính của nhiều người. Họ gặp một vấn đề trái ngược: Có những người gánh trên vai gánh nặng không kham nổi của cảm giác tự ghê tởm, tự khinh thường, xấu hổ và tự ý thức. Do đó, thay vì tỏ ra tự mãn về tầm quan trọng của mình vì nhân cách ái kỷ, họ lại không hề xem trọng bản thân mình và không màng đến bản thân bằng sự để tâm và khéo léo. Nói thật, dường như mọi người thường không thực sự tin rằng họ xứng đáng được chăm sóc một cách tốt nhất. Họ hết sức đau khổ khi nhận thức được những sai sót và lỗi lầm của mình, những điều có thực và bị phóng đại, cũng như xấu hổ và hoài nghi giá trị bản thân. Họ tin rằng người khác không nên đau khổ và họ sẽ làm việc thật cần cù và đầy vị tha để giúp những người đó xoa dịu nỗi đau. Họ thậm chí còn mở rộng lòng thương cảm ấy đến các loài động vật thân quen - nhưng lại không nhẹ nhàng với bản thân mình.

Điều này đúng với quan điểm về đức hy sinh ăn sâu trong văn hóa phương Tây (chí ít là khi Tây phương chịu ảnh hưởng của Ki- tô giáo, dựa trên sự noi gương một người thực hiện hành động hy sinh thân mình). Thế nên bất kỳ tuyên bố nào cho rằng Nguyên tắc Vàng không có nghĩa là “hy sinh bản thân vì người khác” đều có vẻ mơ hồ. Nhưng cái chết kiểu mẫu của Đức Giê-su vẫn tồn tại như một ví dụ về cách chấp nhận sự hữu hạn, phản bội và bạo lực mang tính hào hùng - cách làm thế nào để song hành với Thượng Đế bất chấp việc đã biết tự nhận thức - chứ không phải là một chỉ thị khiến bản thân trở thành nạn nhân của việc phục vụ người khác. Việc hiến thân ta cho Thượng Đế (để đổi lấy điều tốt đẹp nhất mà bạn muốn) không có nghĩa là phải nín nhịn và sẵn sàng chịu đựng khi có ai hay tổ chức nào liên tục đòi hỏi thêm ở mình nhiều hơn những gì họ có thể mang lại cho bạn. Như thế nghĩa là chúng ta đang ủng hộ sự chuyên chế và cho phép bản thân bị đối xử như nô lệ. Thật chẳng cao thượng chút nào khi để bản thân trở thành nạn nhân của kẻ bắt nạt, ngay cả khi kẻ bắt nạt ấy là chính bản thân mình.

Tôi đã lĩnh hội được hai bài học rất quan trọng từ Carl Jung, nhà tâm lý học chuyên sâu nổi tiếng người Thụy Sĩ, về chuyên đề “đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử” hay “hãy yêu thương hàng xóm như chính bản thân mình”. Bài học đầu tiên là không có phát biểu nào trong hai câu trên nói rằng hãy tỏ ra tử tế. Bài học thứ hai là cả hai đều là phương trình, chứ không phải là pháp lệnh. Nếu tôi là bạn bè, thành viên trong gia đình hoặc là tình nhân của một người nào đó, thì về phương diện đạo đức, tôi phải có nghĩa vụ mặc cả cứng rắn nhân danh chính bản thân mình giống như họ nhân danh chính họ. Nếu không làm như thế, tôi sẽ biến thành một nô lệ, còn người kia là một bạo chúa. Điều đó có gì tốt? Sẽ tốt hơn cho bất kỳ mối quan hệ nào nếu cả hai “đối tác” đều mạnh mẽ. Hơn nữa, chẳng có gì khác biệt giữa việc đứng dậy và lên tiếng để bảo vệ chính mình - khi bạn đang bị bắt nạt hoặc bị giày vò, nô dịch - với việc đứng dậy và lên tiếng bảo vệ người khác. Như Carl Jung đã chỉ ra, điều này đồng nghĩa với hành động ôm lấy và yêu thương kẻ có tội như chính mình, cũng nhiều như khi ta tha thứ và giúp đỡ những người đang vấp ngã hay còn khiếm khuyết.

Chính Thượng Đế đã tuyên bố (phần tiếp theo của Sáng thế ký): “Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng, Đức Giê-hô-va phán vậy.” Theo triết lý này, bạn không đơn thuần thuộc về chính mình. Bạn không chỉ đơn giản nhân danh quyền sở hữu của chính mình để có thể tra tấn và ngược đãi bản thân. Điều này một phần là vì Hữu thể của bạn gắn bó đến mức không thể lay chuyển với Hữu thể của những người khác và sự ngược đãi bản thân của bạn có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho người khác. Có lẽ hậu quả sau một vụ tự tử là minh chứng rõ ràng nhất, khi những người bị bỏ lại phía sau sống trong cảnh mất mát và bị tổn thương. Nhưng nói một cách ẩn dụ, điều này còn là: Một tia sáng thiêng liêng trong bạn, nhưng nó không thuộc về bạn mà thuộc về Thượng Đế. Xét cho cùng, theo Sáng thế ký, chúng ta được “nhào nặn” nên hình theo hình tượng của Ngài. Chúng ta có năng lực ý thức bán siêu phàm. Ý thức của chúng ta hòa nhập vào tiếng nói của Hữu thể. Chúng ta là các phiên bản cấp thấp (“kenotic”) của Thượng Đế. Chúng ta có thể tạo nên trật tự từ hỗn loạn - và ngược lại - theo cách của mình, bằng lời nói của mình. Vì vậy, tuy chúng ta không thực sự là Thượng Đế, nhưng chúng ta cũng không hẳn không là gì.

Trong những thời khắc đen tối của mình, trong thế giới u ám của tâm hồn, tôi nhận thấy mình thường xuyên bị choáng ngợp và kinh ngạc bởi khả năng kết nối của con người, tình yêu thương khắng khít của bạn đời, của cha mẹ với con cái và khả năng duy trì “cỗ máy” thế giới vận hành. Tôi từng quen một người đàn ông bị thương và tàn phế sau một tai nạn xe hơi trong khi đang làm cho công ty dịch vụ công ở địa phương. Suốt nhiều năm sau tai nạn, anh ta làm việc cùng với một người đàn ông khác mắc chứng thoái hóa thần kinh một phần. Họ đã hợp tác cùng nhau sửa chữa đường dây, mỗi bên bù đắp cho sự thiếu sót của bên còn lại. Tôi tin rằng kiểu chủ nghĩa anh hùng quen thuộc này là một quy luật chứ không phải ngoại lệ. Hầu hết mỗi cá nhân đều đang phải đối mặt với một hoặc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong khi công việc kinh doanh của họ lại rất hiệu quả và không có gì để than phiền. Nếu ai đó đủ may mắn có một khoảng thời gian riêng tư được trọng đãi và khỏe mạnh, thì thường sẽ có ít nhất một thành viên thân thiết trong gia đình rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, mọi người vẫn vượt qua và tiếp tục làm những công việc khó khăn, những nhiệm vụ cần nhiều nỗ lực để gắn kết bản thân, gia đình và xã hội với nhau. Đối với tôi, điều này thật kỳ diệu và lớn lao đến nỗi một cử chỉ lặng người tỏ lòng biết ơn là phản ứng thích hợp duy nhất. Có rất nhiều cách khiến mọi thứ sụp đổ hoặc vô hiệu hoàn toàn, nhưng những con người bị tổn thương luôn nắm chặt tay nhau. Họ xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ đúng nghĩa và chân thành cho điều này. Đó là một phép lạ của lòng bền bỉ và kiên trì.

Trong quá trình thực hành lâm sàng, tôi khuyến khích mọi người tin tưởng chính mình cùng với những người xung quanh, để có thể hành động sao cho không những hữu dụng mà còn phải quan tâm, cũng như thể hiện sự lo lắng chân tình và chu đáo với người khác. Mọi người đang bị hành hạ bởi những giới hạn và sự kìm kẹp của Hữu thể, đến nỗi tôi phải ngạc nhiên trước những hành động đúng đắn và không màng đến bản thân ở họ. Nhưng, chúng ta cũng đã cố gắng đủ nhiều để sở hữu hệ thống sưởi trong nhà, nước máy, năng lượng điện toán và điện năng vô hạn, cũng như đủ thức ăn cho mọi người cùng khả năng suy ngẫm về số phận của một xã hội rộng lớn hơn và cả tự nhiên - một thế lực tự nhiên khủng khiếp. Toàn bộ “cỗ máy” phức tạp ấy bảo vệ chúng ta khỏi bị đóng băng, đói khát và chết dần do thiếu nước; nhưng nó đang ngày càng có khuynh hướng gặp trục trặc do thiếu năng lượng, và chỉ có sự chú ý liên tục của những con người cẩn thận mới giữ cho nó hoạt động tốt đến mức không tin nổi. Một số người tha hóa thành những kẻ mang đầy lòng oán giận và thù hận Hữu thể, nhưng đa số không chấp nhận thế, bất chấp những đau khổ, tuyệt vọng, mất mát, thiếu thốn và xấu xí ở họ. Và một lần nữa, quả là phép màu cho những ai chịu nhận ra điều ấy.

Toàn thể nhân loại, bao gồm những ai xem nhân loại là bình đẳng như nhau, đều xứng đáng được cảm thông cho gánh nặng kinh khủng mà những ai gánh vác nó cũng phải cảm thông cho những ai bị khuất phục bởi sự yếu đuối của “người trần mắt thịt”, sự bạo ngược của nhà nước và sự tàn phá của tự nhiên. Đó là một tình cảnh đang hiện hữu mà không loài động vật nào có thể đối mặt hoặc chịu đựng được, và là một trong những nghịch cảnh mà chính Thượng Đế cũng phải vận hết sức để đương đầu. Chính sự thông cảm này sẽ là liều thuốc thích hợp cho hành động xem thường khả năng tự ý thức; nó có lý lẽ riêng, nhưng chỉ viết nên một nửa câu chuyện đầy đủ và hợp tình hợp lý. Nỗi căm ghét bản thân và nhân loại phải được cân bằng hài hòa với lòng biết ơn dành cho truyền thống, đất nước và sự kinh ngạc trước những điều mà con người bình thường đều đạt được - đó là chưa kể đến những thành tựu thực sự ấn tượng khiến ta phải ngỡ ngàng.

Chúng ta xứng đáng được tôn trọng. Bạn xứng đáng được tôn trọng. Bạn là người quan trọng với người khác, cũng nhiều như với chính bản thân mình. Bạn đóng một vai trò quan trọng nào đó trong vận mệnh đang mở ra của thế giới. Do vậy, bổn phận đạo đức của bạn là phải chăm sóc bản thân mình. Bạn cũng nên săn sóc, giúp đỡ, đối xử tốt với bản thân giống như cách bạn chăm nom, hỗ trợ và tử tế với ai đó mà bạn yêu mến và quý trọng. Do vậy, bạn phải tập cho mình thói quen cho phép bản thân tôn trọng Hữu thể của chính mình và đủ công bằng. Không có ai là hoàn hảo cả. Tất cả đều nhỏ bé dưới hào quang của Thượng Đế. Tuy nhiên, nếu thực tế khắc nghiệt ấy có nghĩa rằng chúng ta không có trách nhiệm chăm lo bản thân nhiều như chăm nom người khác, thì mọi người sẽ luôn bị trừng phạt rất tàn nhẫn. Điều đó không tốt chút nào. Tệ hơn cả, nó sẽ tạo nên nhiều khiếm khuyết cho thế giới, có thể khiến tất cả mọi người thành thực ngẫm nghĩ, chất vấn về tính đúng đắn của thế giới. Đó đơn giản không thể là con đường đi tới chính nghĩa.

Thay vì thế, để đối xử với chính mình như thể chính bạn là người có trách nhiệm phải giúp đỡ, hãy xét xem điều gì thực sự tốt cho bản thân. Điều này không bàn về “những gì bạn muốn”. Nó cũng chẳng bàn về “điều gì khiến bạn hạnh phúc”. Mỗi lần bạn đưa cho một đứa trẻ một viên kẹo ngọt, bạn sẽ khiến đứa trẻ ấy hạnh phúc. Điều đó không có nghĩa là bạn không nên làm gì cho trẻ em ngoại trừ cho chúng ăn kẹo. “Hạnh phúc” chưa bao giờ đồng nghĩa với “tốt đẹp”. Bạn phải yêu cầu đứa trẻ đánh răng sạch sẽ, phải mặc quần áo ấm ra ngoài khi trời rét, mặc dù chúng có thể phản đối kịch liệt. Bạn phải giúp một đứa trẻ trở thành người có đạo đức, có trách nhiệm và tỉnh táo, có khả năng đối xử nhân nhượng lẫn nhau - để chăm sóc cho bản thân và cho người khác, đồng thời cũng phát triển bản thân mỗi khi làm điều đó. Tại sao bạn chấp nhận đối xử với bản thân không bằng được như thế?

Bạn cần phải suy xét về tương lai và nghĩ rằng: “Cuộc sống của mình sẽ thế nào nếu mình tự chăm sóc đúng cách? Nghề nghiệp nào sẽ thách thức và biến mình trở thành người hữu ích, để mình có thể gánh vác trọng trách của bản thân và tận hưởng kết quả? Mình nên làm gì khi có chút tự do để cải thiện sức khỏe, mở rộng kiến thức và rèn luyện cơ thể?” Bạn cần phải biết mình đang ở đâu để vạch ra lộ trình cho mình. Bạn cần phải biết mình là ai để hiểu được những “vũ khí” mình đang có và hỗ trợ bản thân dựa trên việc tôn trọng những hạn chế của mình. Bạn cần phải biết mình đang đi đâu để có thể hạn chế mức độ hỗn loạn trong cuộc sống, lập lại trật tự và mang sức mạnh thiêng liêng của Hy vọng kết nối với thế giới.

Bạn phải xác định được nơi bạn đang đến để chuẩn bị tinh thần cho bản thân, để không kết thúc trong oán giận, thù hằn và hung ác. Bạn phải đặt ra những quy luật cho riêng mình, để tự bảo vệ bản thân khi người khác lợi dụng bạn quá đáng và để bạn vừa an tâm vừa an toàn khi làm việc cũng như vui chơi. Bạn phải giữ tính kỷ luật nghiêm ngặt cho bản thân. Bạn phải giữ lời hứa với chính mình và tự thưởng cho bản thân, để có thể tin tưởng và động viên mình. Bạn cần phải quyết tâm hành động vì bản thân để tăng tối đa khả năng trở thành một người tốt và duy trì như thế. Thật tốt khi khiến cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Xét cho cùng, Thiên Đường cũng không tự nhiên mà xuất hiện. Chúng ta phải làm việc để mang Thiên Đường đến đây, cũng như phải rèn luyện bản thân để chống lại thiên thần chết chóc cầm thanh gươm phán xét rực cháy mà Thượng Đế đã sai làm người chắn lối vào Thiên Đường.

Đừng xem thường sức mạnh của tầm nhìn và việc định hướng. Chúng là những thế lực không thể cưỡng lại, có thể biến những điều có vẻ là trở ngại, không chinh phục nổi thành lối đi, cũng như mở rộng thêm các cơ hội. Hãy rèn luyện bản thân. Bắt đầu từ chính mình. Hãy chăm sóc bản thân. Xác định mình là ai. Hãy định nghĩa lại tính cách. Hãy chọn cho mình đích đến và thể hiện Hữu thể của mình. Triết gia người Đức vĩ đại của thế kỷ XIX, Friedrich Nietzsche đã nhận định: “Người nào tìm ra lý do của cuộc sống, sẽ biết hắn phải sống thế nào.”

Bạn có thể giúp định hướng cho thế giới hiện đang nằm trên quỹ đạo chệch choạng này, giúp nó nhích gần đến Thiên Đường đôi chút và tránh xa Địa Ngục đôi chút. Một khi đã hiểu được Địa Ngục, đã nghiên cứu nó - đặc biệt là Địa Ngục của chính cá nhân bạn - bạn có thể quyết định không đi đến đó, không tạo ra nó. Bạn có thể hướng mục tiêu vào nơi khác. Thực ra, bạn có thể cống hiến đời mình cho điều này. Nó sẽ mang lại cho bạn một Ý nghĩa, với chữ “Y” viết hoa. Nó có thể bênh vực cho sự tồn tại khốn khổ của bạn. Nó sẽ cứu chuộc bản chất tội lỗi của bạn, cũng như thay thế nỗi hổ thẹn và tự ý thức của bạn bằng niềm kiêu hãnh tự nhiên và lòng tự tin quả quyết của một người đã một lần nữa học được cách sánh bước cùng Thượng Đế trong Vườn Địa đàng.

Bạn có thể bắt đầu bằng cách đối xử với bản thân như thể đó là người mà bạn có trách nhiệm giúp đỡ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3