12 Quy Luật Cuộc Đời: Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại - Chương 02
DẪN NHẬP
CUỐN SÁCH NÀY CÓ MỘT LAI LỊCH ngắn cùng một lai lịch dài. Chúng ta sẽ bắt đầu với phần lai lịch ngắn trước.
Năm 2012, tôi bắt đầu viết bài cho một trang web tên Quora. Trên trang Quora, ai cũng có thể đặt câu hỏi về bất kỳ điều gì - và bất cứ ai cũng có thể trả lời. Người đọc bỏ phiếu thuận cho những câu trả lời họ thích và bỏ phiếu chống cho những câu họ không thích. Bằng cách này, những câu trả lời hữu ích nhất sẽ được đưa lên đầu trang, trong khi những câu còn lại sẽ chìm vào quên lãng. Tôi đã tò mò về trang web này. Tôi thích cái bản chất “miễn phí cho tất cả” của nó. Phần thảo luận thường rất thuyết phục và thực sự thú vị khi thấy nhiều ý kiến đa chiều khởi phát từ cùng một câu hỏi.
Những lúc nghỉ giữa giờ (hoặc trốn việc), tôi thường tìm đến Quora, tìm kiếm những câu hỏi để trả lời. Tôi cân nhắc và rốt cuộc là trả lời những câu hỏi đại loại như: “Sự khác biệt giữa hạnh phúc và hài lòng là gì?”, “Điều gì sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi bạn già đi?” và “Điều gì khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn?”
Trang Quora cũng cho bạn biết bao nhiêu người đã xem câu trả lời của bạn và bạn nhận được bao nhiêu phiếu thuận. Thêm nữa, bạn có thể quyết định đối tượng mình hướng đến và xem mọi người nghĩ gì về ý tưởng của mình. Chỉ một số rất ít những người xem câu trả lời bỏ phiếu thuận cho nó. Như vào khoảng tháng Bảy năm 2017, khi tôi viết quyển sách này - và cũng là năm năm sau khi tôi trả lời câu “Điều gì khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn?” - câu trả lời của tôi nhận được một số lượng tương đối ít người xem (14 nghìn lượt xem và 133 phiếu thuận), trong khi câu trả lời về việc lão hóa được 7.200 người xem và nhận được 36 phiếu thuận. Kết quả không hẳn là đáng kể. Tuy nhiên nó vẫn nằm trong mức dự tính. Trên những trang này, đa phần các câu trả lời đều nhận được rất ít sự quan tâm, trong khi một phần rất nhỏ lại được quan tâm hơn hẳn.
Không lâu sau, tôi trả lời một câu hỏi khác: “Những điều quý giá nhất mà mọi người nên biết là gì?” Tôi liệt kê một danh sách các quy tắc hoặc châm ngôn; một số thì cực kỳ nghiêm túc, một số thì chỉ nói suông - như “Hãy tỏ lòng biết ơn dù đau khổ”, “Đừng làm những gì bạn ghét”, “Đừng giấu giếm mọi thứ trong mơ hồ”… Độc giả trên Quora lại có vẻ hài lòng với danh sách này. Họ bình luận và chia sẻ nó. Họ nói những điều như: “Chắc chắn tôi phải in danh sách này ra và giữ lại tham khảo. Thật đơn giản đến phi thường” và “Anh đã đánh bại Quora. Chúng ta đóng trang này luôn được rồi”. Các sinh viên Đại học Toronto, nơi tôi đang giảng dạy, đến gặp tôi và cho tôi biết họ thích danh sách này đến nhường nào. Đến hôm nay, câu trả lời của tôi về “Những điều đáng giá nhất…” đã nhận được 120 nghìn lượt xem và 2.300 phiếu thuận. Chỉ vài trăm trong số xấp xỉ 600 nghìn câu hỏi trên Quora vượt ngưỡng 2 nghìn phiếu thuận. Câu trả lời mà tôi nghĩ ra trong thời gian uể oải lại tạo nên kỳ tích. Tôi đã trình bày một câu trả lời chiếm đến 99,9% mức phản hồi.
Việc viết ra danh sách các quy luật trong cuộc sống nhận được phản hồi tốt đến vậy không hề nằm trong dự tính của tôi. Tôi đã khá để tâm đến khoảng 60 câu trả lời mình đưa ra trong vài tháng xung quanh bài đăng ấy. Tuy thế, nghiên cứu thị trường vẫn là mảng ổn nhất mà Quora cung cấp. Người phản hồi được ẩn danh. Họ “không vị lợi” theo nghĩa chính xác nhất của từ này. Các ý kiến đều tự phát và không thiên vị. Do đó, tôi lưu tâm đến kết quả và suy nghĩ về lý do câu trả lời ấy lại nhận được thành công vượt bậc. Có lẽ tôi đã đánh trúng điểm cân bằng giữa những điều quen thuộc và xa lạ khi lập ra các quỵ luật. Có thể mọi người bị thu hút bởi cấu trúc mà các quy luật đang ngụ ý. Hoặc có lẽ họ chỉ đơn giản là thích danh sách này.
Vài tháng trước, tức tháng Ba năm 2012, tôi nhận được e-mail từ một người đại diện cho tác giả. Cô ấy từng nghe tôi phát biểu trên đài CBC trong chương trình Just Say No to Happiness (tạm dịch: Hãy cứ nói không với hạnh phúc), khi ấy tôi đã phê bình ý tưởng cho rằng hạnh phúc là mục tiêu đúng đắn của cuộc sống. Trong suốt vài thập niên trước, tôi đã đọc rất nhiều cuốn sách về những giai đoạn lịch sử đen tối của thế kỷ XX, nhiều hơn số tôi chia sẻ, đặc biệt tập trung vào Đức Quốc xã và Liên Xô. Nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn, người thu thập tư liệu về những nỗi kinh hoàng trong các trại lao động khổ sai đã từng viết: “Tư tưởng thương xót” cho rằng “loài người sinh ra để được hạnh phúc” là tư tưởng “được sinh ra từ nhát dùi cui đầu tiên của tay quản giáo”. Trong một cuộc khủng hoảng, những khổ đau không thể tránh khỏi mà cuộc sống bắt ta phải chịu có thể nhanh chóng chế giễu cái lý tưởng rằng hạnh phúc là mưu cầu đúng đắn của mỗi cá nhân. Trên chương trình vô tuyến ấy, tôi đề xuất rằng thay vì thế, ta cần một tầng ý nghĩa sâu sắc hơn. Tôi ghi nhận rằng bản chất của một ý nghĩa như thế đã luôn được tái hiện trong những câu chuyện vĩ đại thời quá khứ và rằng chúng thiên về phát triển nhân cách con người khi đối mặt với nỗi đau hơn là hạnh phúc. Đây cũng là một phần của lịch sử lâu đời đã làm nên tác phẩm hiện tại này.
Từ năm 1985 đến 1999, tôi làm việc khoảng ba tiếng mỗi ngày cho cuốn sách đầu tiên mà tôi đã xuất bản: Maps of Meaning: The Architecture of Belief (tạm dịch: Những tấm bản đồ của ý nghĩa: Kiến trúc của niềm tin) Trong thời gian đó và nhiều những năm sau, tôi cũng giảng dạy một khóa học dựa trên nội dung của cuốn sách ấy, đầu tiên là ở Harvard và giờ là ở Đại học Toronto. Năm 2013, chứng kiến sự phát triển của Youtube và sự phổ biến của vài sản phẩm mà tôi từng hợp tác với TVO, một đài truyền hình công của Canada, tôi đã quyết định ghi hình lại những bài giảng được công bố trước đại chúng và trong trường đại học, rồi đăng tải chúng lên mạng. Chúng đã thu hút thêm một lượng khán giả lớn ngày càng tăng - hơn một triệu lượt xem tính đến tháng Tư năm 2016. Số lượt xem cũng “lên dốc” vô cùng đáng kể từ thời điểm đó (18 triệu lượt khi tôi đang viết những dòng này), dù nhận được lượng chú ý bất thường như thế một phần cũng do tôi bị kéo vào một cuộc tranh luận chính trị nhiều tranh cãi.
Đấy là một câu chuyện khác. Có thể sẽ được viết trong một quyển sách khác.
Tôi đã đề xướng trong cuốn Những tấm bản đồ của ý nghĩa rằng những thần thoại vĩ đại và các câu chuyện tôn giáo cổ xưa, đặc biệt là những chuyện được khai sinh từ thuở sơ khai và truyền miệng lại, mang tính đạo đức có chủ đích hơn là chỉ đơn thuần trần thuật. Do đó, chúng không quan tâm thế giới từng ra sao như các nhà khoa học, mà chỉ quan tâm cách loài người nên hành xử. Tôi cho rằng tổ tiên chúng ta đã khắc họa thế giới như một sàn diễn - một vở kịch - thay vì là một nơi chốn bao gồm các sự vật. Tôi mô tả mình đã dần tin rằng những yếu tố cấu thành thế giới này - như một vở kịch - là trật tự và hỗn loạn, chứ không phải vật chất.
Trật tự là cách những người xung quanh bạn hành xử dựa trên sự thấu hiểu về những chuẩn mực trong xã hội và bạn luôn có thể đoán trước, rồi hợp tác với họ. Đây là thế giới của cấu trúc xã hội, lãnh địa được khai phá và sự quen thuộc. Trạng thái của Trật tự thường được mô tả một cách biểu trưng - trong trí tưởng tượng - là hình tượng nam tính. Chẳng hạn như Nhà vua Thông thái hoặc tên Bạo chúa luôn đi liền với nhau, giống như xã hội vừa có tính kiến tạo, vừa là sự áp bức.
Trái lại, sự Hỗn loạn là nơi - hoặc khi - những điều khó lường xảy ra. Hỗn loạn xuất hiện, trong hình thái bình thường nhất, khi bạn nói một câu đùa với những người bạn nghĩ là mình hiểu họ và rồi sự yên lặng cùng với cảm giác ngượng ngập bao trùm lên buổi tiệc họp mặt ấy. Hỗn loạn sẽ trỗi dậy mãnh liệt hơn nữa khi bạn chợt nhận ra mình đang thất nghiệp, hoặc bị người yêu phản bội. Dưới dạng phản đề của trật tự mang biểu trưng cho vẻ “nam tính”, hỗn loạn thường được thể hiện bằng “nữ tính” trong trí tưởng tượng. Chúng là điều mới mẻ và không thể đoán trước, bất thần sinh ra giữa những điều quen thuộc. Chúng chính là Sáng tạo và Hủỵ diệt, là khởi nguồn của những điều mới mẻ và đích đến của cái chết (vì lẽ tự nhiên, đối lập với văn hóa, vừa là sự ra đời, vừa là cái chết).
Trật tự và hỗn loạn chính là “dương” và “âm” trong biểu tượng nổi tiếng của Đạo giáo: Hai con rắn tạo thành một vòng tròn từ đầu đến đuôi[6]. Trật tự là màu trắng, là con rắn đực; Hỗn loạn là màu đen, là con rắn cái. Điểm màu đen trong con rắn trắng - và điểm màu trắng trong con rắn đen - biểu thị cho khả năng biến đổi: Ngay khi mọi việc đang êm đẹp, bóng đen to lớn không ai biết có thể bất chợt lù lù hiện ra. Trái lại, khi mọi thứ dường như đang lạc lối, một trật tự mới có thể khởi sinh từ tai họa và hỗn loạn.
Đối với Đạo giáo, ý nghĩa chính là được tìm thấy giữa ranh giới của một cặp đôi mãi quấn chặt lấy nhau. Bước trên ranh giới ấy để vững chân trên đường đời chính là Thánh Đạo.
Và như thế tốt hơn hạnh phúc rất nhiều.
Người đại diện tác giả mà tôi nhắc đến đã nghe phần thảo luận của tôi về vấn đề này trên đài CBC. Bài nói khiến cô tự chất vấn bản thân sâu sắc hơn. Cô gửi e-mail cho tôi và hỏi liệu tôi có xét đến việc viết một cuốn sách dành cho độc giả đại chúng không. Tôi đã từng cố viết nên một phiên bản dễ hiểu hơn cho cuốn Những tấm bản đồ của ý nghĩa, dù cuốn sách ấy rất khô khan. Và tôi nhận ra rằng cả bản thân mình trong nỗ lực viết ấy lẫn bản thảo cuối cùng đều chẳng có chút hổn nào cả. Tôi cho rằng do tôi đã phỏng theo bản thể và cuốn sách trước đây của mình, thay vì ngụ trong nơi chốn nằm giữa trật tự với hỗn loạn và sáng tạo ra những thứ gì đó mới hơn. Tôi khuyên cô ấy xem bốn bài giảng của mình trong chương trình của đài TVO mang tên Big Ideas (Những ý tưởng lớn), được đăng trên kênh Youtube của tôi. Tôi nghĩ nếu cô ấy xem xong bài giảng này, chúng tôi sẽ có một cuộc thảo luận sáng suốt và thấu đáo hơn về kiểu chủ đề nào mà tôi sẽ đề cập trong quyển sách “dễ hiểu” sắp được công bố.
Cô ấy đã liên lạc với tôi vài tuần sau đó, sau khi xem hết cả bốn bài giảng và thảo luận chúng với một đồng nghiệp. Sự hứng thú của cô được nâng cao hơn nữa, hệt như cam kết của cô ấy đối với dự án này. Điều ấy quả thật đầy hứa hẹn và bất ngờ nữa. Tôi luôn ngạc nhiên trước cách mọi người phản ứng tích cực với những điều mình trình bày, bất kể sự nghiêm túc và kỳ lạ trong bản chất lời nói của mình. Tôi kinh ngạc vì mình đã được phép (thậm chí được khuyến khích) giảng dạy tại Boston trước đây và giờ là Toronto. Tôi luôn nghĩ nếu mọi người thực sự chú ý đến những gì mình dạy thì thật vô cùng xứng đáng. Bạn có thể tự quyết định xem điều đó có đúng không sau khi đọc quyển sách này. :)
Cô ấy đề nghị tôi viết một kiểu cẩm nang về những điều mà một người cần “để sống tốt” - bất kể điều đó mang nghĩa gì. Tôi đã nghĩ ngay đến danh sách trên Quora của mình. Trong thời gian ấy, tôi cũng đang viết ra những suy nghĩ sâu xa hơn về các quy luật mình đã đăng. Mọi người cũng phản ứng tích cực với những ý tưởng mới. Nên đối với tôi, dường như có một sự hài hòa thỏa đáng giữa danh sách trên Quora và các ý tưởng của người đại diện mới. Thế là tôi gửi cô ấy xem bản danh sách. Và cô ấy thích chúng.
Đồng thời, một người bạn và cũng là cựu sinh viên của tôi - tiểu thuyết gia kiêm biên kịch Gregg Hurwitz - cũng đang viết một quyển sách mới, mà về sau trở thành tiểu thuyết ly kỳ bán chạy Orphan X (tạm dịch: Đứa trẻ mồ côi X). Cậu ấy cũng thích các quy luật đó. Nhân vật nữ chính Mia trong cuốn tiểu thuyết của cậu đã dán những quy luật được chọn lọc từng cái một lên tủ lạnh, hoặc ở những thời điểm trong truyện được lồng ghép phù hợp. Đây cũng là một phần minh chứng ủng hộ cho giả thiết của tôi về độ hấp dẫn của chúng. Tôi đề xuất với người đại diện của mình rằng tôi sẽ viết một chương sơ lược nói về từng quy tắc. Cô ấy đồng ý, nên tôi đã viết một bản đề xuất cho cuốn sách với nội dung tương tự. Tuy vậy, lúc tôi bắt tay vào viết các chương thực sự, chúng lại chẳng sơ lược tí nào. Tôi có nhiều điều muốn nói về từng quy tắc nhiều hơn những gì mình đã hình dung rất nhiều.
Điều này một phần là nhờ tôi đã dành thời gian dài nghiên cứu cho cuốn sách đầu tiên: Nghiên cứu lịch sử, thần thoại, khoa học thần kinh, phân tích tâm lý, tâm lý trẻ em, thi ca và nhiều phần lớn trong Kinh Thánh. Tôi đọc và thậm chí hiểu được hầu hết các cuốn Thiên đường đánh mất (Paradise Lost) - tập thơ của Milton, Faust của Goethe và Hỏa ngục (Inferno) trong Thần khúc của Dante. Tôi hợp nhất tất cả kiến thức ấy, dù kết quả tốt hơn hay tệ hơn, thì chúng cũng cố gắng giải thích tình trạng xung đột căng thẳng: nguyên nhân hoặc những nguyên nhân đã dẫn đến thế giằng co hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh. Tôi không thể hiểu được bằng cách nào những hệ thống tín niệm lại quan trọng với con người tới mức họ sẵn sàng chấp nhận nguy cơ phá hủy thế giới chỉ để bảo vệ chúng. Tôi nhận ra con người sẽ dễ hiểu nhau hơn khi họ cùng chia sẻ một hệ thống tín niệm - và các hệ thống ấy không chỉ có niềm tin mà thôi.
Những người sống theo cùng một nguyên tắc đều có sự dễ đoán chung giống như nhau. Họ hành xử dựa vào những kỳ vọng và mong muốn của đối phương. Họ có thể hợp tác. Thậm chí họ có thể cạnh tranh trong hòa bình, vì mỗi người đều biết mình kỳ vọng điều gì ở tất cả những người khác. Một hệ thống tín niệm chung, một phần trong tâm lý, một phần trong hành động, sẽ đơn giản hóa tất cả mọi người - theo góc nhìn của chính họ và của người khác. Các niềm tin chung cũng đơn giản hóa thế giới, bởi con người biết nên kỳ vọng gì ở người khác và cùng hành động để chinh phục cả thế giới. Có thể không gì quan trọng hơn việc duy trì cách tổ chức này - tức sự đơn giản hóa này. Nếu nó bị đe dọa, “con thuyền” quốc gia vĩ đại sẽ bị rung chuyển.
Cũng không thật chính xác khi nói rằng con người sẽ đấu tranh cho những gì họ tin tưởng. Thay vì thế, họ sẽ đấu tranh để duy trì sự ăn khớp giữa những điều họ tin, những điều họ kỳ vọng với những điều họ khao khát. Họ cũng sẽ đấu tranh để duy trì sự ăn khớp giữa những gì họ kỳ vọng và cách mọi người hành động. Và chính việc duy trì sự ăn khớp ấy đã tạo cơ hội cho mọi người chung sống một cách hòa bình, dễ đoán và có năng suất. Nó làm giảm bớt tình trạng không chắc chắn và sự rối ren hỗn loạn của những cảm xúc không thể dung thứ hiển nhiên hình thành từ sự không chắc chắn ấy.
Hãy tưởng tượng một người bị người tình mà họ tin tưởng phản bội. Một khế ước xã hội thiêng liêng giữa hai con người vừa bị xâm phạm. Hành động ghê gớm hơn cả lời nói, và một hành động phản bội sẽ đập tan sự yên bình mong manh được vun vén cẩn thận của một mối quan hệ mật thiết. Trong chuỗi hậu quả của sự bất nghĩa, con người bị những cảm xúc kinh khủng bủa vây: Ghê tởm, khinh miệt (đối với bản thân lẫn kẻ phản bội), tội lỗi, lo lắng, phẫn nộ và sợ hãi. Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi và đôi khi nó mang đến hậu quả chết người. Các hệ thống tín niệm chung - hệ thống chung về tư cách và kỳ vọng được đồng thuận từ trước - giúp điều chỉnh và kiểm soát mọi tác động mạnh mẽ ấy. Chẳng có gì lạ khi con người đấu tranh bảo vệ những điều giúp họ an toàn giữa những cảm xúc hỗn loạn và kinh khủng (và tiếp theo đó là sự thoái hóa dẫn đến bất đồng và tranh chấp).
Và còn hơn thế nữa. Một hệ thống văn hóa chung sẽ ổn định mối tương tác của con người, nhưng đó cũng chính là một hệ thống giá trị - một hệ thống phân cấp giá trị, trong đó một số điều được xếp ưu tiên và quan trọng, còn số khác thì không. Khi thiếu đi hệ thống giá trị ấy, con người đơn giản là không thể hành động. Trên thực tế, họ thậm chí không thể lĩnh hội, vì cả hành vi lẫn nhận thức đều cần một mục tiêu và một mục tiêu đúng đắn phải là điều gì đó được xem trọng. Chúng ta trải nghiệm phần lớn những cảm xúc tích cực khi gắn với các mục tiêu. Nói đúng ra, chúng ta không hạnh phúc trừ khi nhận thấy bản thân đang tiến bộ - và ý nghĩ về sự tiến triển hàm chứa giá trị. Tuy nhiên, tệ hơn là một ý nghĩa cuộc sống không hàm chứa giá trị tích cực thì cũng không đơn thuần trung dung. Vì chúng ta yếu đuối và tầm thường, nên nỗi đau đớn và sự lo lắng là một phần không thể thiếu đối với sự tồn vong của nhân loại. Chúng ta cần có điều gì đó để chống lại bản chất khổ đau nội tại của Hữu thể[7]. Chúng ta phải tìm thấy ý nghĩa vốn có trong một hệ thống giá trị sâu sắc, nếu không muốn bị nỗi kinh hoàng về sự tồn vong chi phối. Sau đó, chủ nghĩa hư vô sẽ vẫy gọi, đi kèm với nỗi tuyệt vọng và bất hạnh.
Do vậy: Không giá trị, không ý nghĩa. Song, giữa các hệ thống giá trị lại tồn tại khả năng mâu thuẫn. Chúng ta vì thế mà muôn đời vướng vào những tình huống “tiến thoái lưỡng nan” nhất: Việc mất niềm tin cốt lõi của nhóm sẽ khiến cuộc đời hỗn loạn, đau khổ và không chịu đựng nổi; còn sự tồn tại của niềm tin cốt lõi trong nhóm lại khiến mâu thuẫn giữa các nhóm với nhau là điều không thể tránh khỏi. Ở phương Tây, chúng ta đã thoát ly khỏi những nền văn hóa đặt trọng tâm vào truyền thống, tốn giáo và thậm chí quốc gia, một phần để giảm thiểu sự nguy hiểm của mâu thuẫn nhóm. Nhưng chúng ta lại ngày càng trở thành con mồi cho nỗi tuyệt vọng của sự vô nghĩa và điều đó không mang lại chút cải thiện nào.
Trong khi viết cuốn Những tấm bản đồ của ý nghĩa, tôi (cũng) đã bị thôi thúc bởi một nhận thức rằng chúng ta không thể cam chịu mâu thuẫn nữa - chắc chắn không phải với quy mô của những cuộc xung đột lớn trên thế giới ở thế kỷ XX. Những công nghệ hủy diệt của chúng ta đã trở nên quá mãnh liệt. Hậu quả tiềm tàng của chiến tranh có thể dẫn đến khải huyền đúng nghĩa. Nhưng chúng ta cũng không thể đơn giản từ bỏ các hệ thống giá trị, tín niệm và văn hóa. Tôi đã trăn trở vì vấn đề khó giải quyết này suốt hàng tháng trời. Liệu có tồn tại một cách thứ ba, mà tôi vẫn chưa nhìn ra hay không? Vào một đêm trong khoảng thời gian ấy, tôi đã mơ thấy mình bị treo giữa không trung, bám chặt vào một chiếc đèn trần, lơ lửng cách mặt đất rất xa và ngay dưới mái vòm của một nhà thờ lớn bể thế. Mọi người đứng dưới sàn thật xa xôi và nhỏ bé. Và khoảng cách giữa tôi đến mọi bức tường - ngay cả đỉnh mái vòm - cũng vô cùng xa vời.
Tôi đã học cách chú ý đến những giấc mơ, đặc biệt là vì bản thân được đào tạo trở thành bác sĩ tâm lý lâm sàng. Những giấc mơ soi sáng các góc khuất nơi nguyên nhân vẫn còn là xa vời. Tôi cũng nghiên cứu kha khá về Ki-tô giáo (sâu hơn những truyền thống tôn giáo khác, mặc dù tôi luôn cố gắng bù đắp cho thiếu sót này). Vì thế, giống như mọi việc khác, tôi buộc phải trông cậy vào những gì mình biết hơn là những gì mình không biết. Tôi biết rằng các thánh đường được xây dựng dựa trên hình dáng cây thánh giá và điểm bên dưới mái vòm chính là trung tâm của thánh giá. Tôi biết cây thánh giá đồng thời là điểm khổ đau cùng cực, điểm diệt vong lẫn tái sinh và cũng là trung tâm biểu trưng của thế giới. Tôi không muốn bị treo ở đó tí nào. Tôi tìm cách leo xuống, thoát khỏi những tầng cao - thoát khỏi bầu trời biểu tượng - để trở về với mặt đất an toàn, quen thuộc và ẩn dật. Tôi không biết làm sao xuống được. Rồi vẫn trong giấc mơ của mình, tôi quay về phòng ngủ với chiếc giường quen thuộc và cố gắng ngủ lại, trở lại với sự vô thức bình yên. Nhưng trong lúc thả lỏng, tôi cảm thấy cơ thể mình bị dịch chuyển. Một cơn gió lớn đang cuốn tôi đi, chuẩn bị ném tôi về lại thánh đường và một lần nữa đặt tôi ở điểm trung tâm. Không có lối thoát nào. Đây đích thực là một cơn ác mộng. Tôi buộc bản thân phải tỉnh giấc. Những tấm màn sau lưng tôi đang phủ lên chiếc gối. Nửa tỉnh nửa mê, tôi nhìn xuống chân giường và lại thấy những cánh cửa thánh đường khổng lồ. Tôi vội cựa mình để tỉnh giấc hoàn toàn và chúng liền biến mất.
Giấc mơ đã đặt tôi vào trung tâm của Hữu thể và không có lối thoát nào. Tôi phải mất vài tháng để hiểu được ý nghĩa của nó. Trong khoảng thời gian này, tôi đã nghiệm ra thực tế đầy đủ và cá nhân hơn về những gì mà những câu chuyện vĩ đại của quá khứ vẫn khăng khăng biểu thị: Phần trung tâm bị cá nhân chi phối. Trung tâm được đánh dấu bởi thánh giá, giống như chữ X đánh dấu một điểm vậy. Điều tồn tại ở điểm giao thoa ấy là sự khổ đau và biến đổi - và trên tất thảy, tôi phải chấp nhận sự thật ấy một cách tự nguyện. Điều khả thi là ta có thể vượt qua sự trung thành mù quáng với các giáo lý của nó, đồng thời vẫn tránh được thái cực đối lập của nó, tức thuyết hư vô. Thay vì thế, ta cũng có thể tự đi tìm ý nghĩa đầy đủ trong nhận thức và kinh nghiệm cá nhân.
Làm sao ta có thể giải phóng thế giới, một mặt khỏi tình cảnh tiên thoái lưỡng nan mâu thuẫn tồi tệ, mặt khác khỏi sự tan biến về mặt tâm lý và xã hội? Câu trả lời là: thông qua sự nâng tầm và phát triển của một cá nhân, thông qua việc mọi người sẵn sàng gánh lấy gánh nặng Hữu thể và bước trên con đường với lòng dũng cảm. Chúng ta phải đón nhận càng nhiều trách nhiệm càng tốt với cuộc sống cá nhân, xã hội và thế giới. Mỗi chúng ta phải nói lên sự thật và sửa chữa những điều đang tổn thương và đổ vỡ, tái tạo những điều xưa cũ và lỗi thời. Theo cách này, chúng ta có thể và nhất định phải giảm đi những khổ đau đang đầu độc cả thế giới. Điều này đòi hỏi rất nhiều. Nó đòi hỏi ta mọi thứ. Nhưng lựa chọn còn lại - nỗi kinh hoàng của tín niệm độc đoán, sự hỗn loạn của trạng thái sụp đổ, thảm họa bi thảm của thế giới tự nhiên buông thả, cảm giác lo lắng về sự tồn vong và sự yếu đuối của những cá nhân thiếu mục tiêu - rõ ràng là tệ hơn nhiều.
Tôi đã và đang suy nghĩ, giảng dạy về những ý tưởng trên suốt vài thập kỷ vừa qua. Tôi thu thập thành một tập bài viết kha khá về những câu chuyện và khái niệm liên quan đến chúng. Tuy nhiên, chưa giây phút nào tôi khẳng định suy nghĩ của mình hoàn toàn đúng hay hoàn chỉnh. Hữu thể phức tạp hơn rất nhiều so với khả năng hiểu biết của bất cứ ai, và tôi cũng không nắm được toàn bộ câu chuyện. Tôi chỉ đơn giản đề xuất những điều tốt nhất mà tôi xoay xở được.
Dù sao chăng nữa, kết quả từ mọi nghiên cứu và suy nghĩ trước đây của tôi đã mang đến những tiểu luận mới và cuối cùng trở thành cuốn sách này. Ý tưởng ban đầu của tôi là viết một tiểu luận ngắn cho từng điều trong toàn bộ 40 câu trả lời mà tôi đã đăng trên Quora. Bản đề xuất ấy được nhà xuất bản Penguin Random House tại Canada chấp thuận. Tuy nhiên, trong lúc viết quyển sách, tôi cắt bớt số tiểu luận còn 25 bài, rồi còn 16 và cuối cùng là 12. Tôi chỉnh sửa phần còn lại đó với sự giúp đỡ và quan tâm từ biên tập viên chính thức của mình (cùng với sự phê bình nghiêm khắc và chính xác kinh khủng của Hurwitz, người mà tôi đã đề cập ở trên) trong suốt ba năm qua.
Cũng mất kha khá thời gian để thống nhất được cái tên 12 quy luật cuộc đời: Thần dược cho cuộc sống hiện đại. Tại sao cái tên này lại nổi bật hơn tất cả những cái tên khác? Trước nhất là vì nó rất đơn giản. Nó chỉ rõ rằng con người cần quy luật và trật tự, nếu không họ sẽ bị cuốn vào vòng xoáy hỗn loạn. Chúng ta yêu cầu phải có quy luật, tiêu chuẩn và giá trị - dù cho bản thân hay tập thể. Chúng ta là những sinh vật thồ hàng, mang trên mình những gánh nặng. Chúng ta phải mang vật nặng để biện minh cho sự tồn tại khốn khổ của mình. Chúng ta đòi hỏi lệ thường và truyền thống. Và đó chính là trật tự. Trật tự cũng có thể vượt quá giới hạn và điều này thì không hề tốt, nhưng hỗn loạn cũng có thể kéo ta xuống bùn lầy - và điều đó cũng không khả quan. Chúng ta cần vững bước trên một con đường mòn thẳng và hẹp. Mỗi quy luật trong số 12 quy luật của quyển sách này - cùng các bài viết đi kèm với chúng - sẽ cung cấp một chỉ dẫn để đến nơi ấy. “Nơi ấy” chính là ranh giới thiêng liêng giữa trật tự và hỗn loạn. Đó là nơi đồng thời có sự ổn định, khám phá, biến đổi, khắc phục và hợp tác vừa đủ. Đó là nơi chúng ta tìm thấy ý nghĩa chứng minh cho cuộc sống và những khổ đau không thể tránh khỏi của nó. Có lẽ nếu sống đúng đắn, chúng ta sẽ chấp nhận được gánh nặng từ sự tự giác của mình. Có lẽ nếu sống đúng đắn, chúng ta sẽ giữ vững được hiểu biết về sự mong manh và tầm thường của con người, mà không cần phải đóng vai nạn nhân phiền muộn; để rồi sinh ra trước hết là sự oán hận, rồi đến ghen tuông, và sau đó nung nấu khát vọng trả thù và hủy diệt. Có lẽ nếu sống đúng đắn, chúng ta sẽ không phải quay sang nhờ cậy trạng thái chắc chắn của chế độ chuyên chế để bảo vệ bản thân khỏi những hiểu biết về sự bất toàn và vô tri. Có thể chúng ta sẽ tránh được những lối mòn dẫn thẳng xuống Địa Ngục - và chúng ta đã từng chứng kiến Địa Ngục thực sự trông như thế nào trong suốt thế kỷ XX kinh hoàng.
Tôi hy vọng những quy luật và các bài viết kèm với chúng sẽ giúp mọi người hiểu được điều họ đã thông suốt rằng: linh hồn của một cá nhân mãi khao khát chủ nghĩa anh hùng và Hữu thể chân chính, và rằng sự tự nguyện gánh vác trách nhiệm cũng giống hệt như quyết định sống một cuộc đời ý nghĩa.
Nếu mỗi người chúng ta sống đúng đắn, thì chúng ta sẽ lớn mạnh cùng nhau.
Xin dành tặng mọi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả các bạn, những người đã đọc đến hết trang này.
Tiến sĩ Jordan B. Peterson
Bác sĩ Tâm lý và Giáo sư Tâm lý học