12 Quy Luật Cuộc Đời: Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại - Chương 01
“THẦN DƯỢC” NÀO CHO CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA?
Nếu được hỏi chính mình một câu thật thẳng thắn thì chắc chắn chúng ta sẽ muốn bắt đầu bằng câu hỏi này: “Tại sao cuộc sống lại xấu xa, nặng nề và mệt mỏi đến thế?”
Chẳng phải là mọi lúc, mọi nơi, nhưng đấy là câu hỏi vẫn đeo đẳng mỗi chúng ta; có lúc nó như động cơ thôi thúc chúng ta sống, sống để tìm ra câu trả lời cuối cùng; có lúc nó như hòn đá tảng cản đường, như muốn lấy nốt đi của chúng ta chút ý chí cuối cùng, khiến chúng ta muốn hủy hoại cuộc sống của mình. Cứ thế cho đến tận cùng. “Mọi người đều hành động như thể nỗi đau của họ là có thật - để rồi sau cùng nó là thật. Nỗi đau quan trọng hơn cả những vấn đề vật chất.”
Có cách nào không, để mỗi chúng ta tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống và vượt qua được những xấu xa, nặng nề và mệt mỏi của nó mà sống một cuộc đời an vui? Rất nhiều người đi tìm câu trả lời, tìm trong triết học, tìm trong khoa học, tìm trong văn chương và nghệ thuật; và cho dù đã có rất nhiều câu trả lời được công bố bằng cách này hay cách khác, thì dường như điểm chung của chúng đều nằm ở kết luận rằng: Chúng ta mệt mỏi với cuộc sống là vì đã sống sai ở đâu đó; để tốt đẹp và thoải mái hơn, hãy biết tuân theo các quy luật!
Thế là các quy luật cứ lần lượt ra đời, khiến người ta tò mò lúc đầu, hứng thú lúc sau và nhiều khi thất vọng lúc cuối cùng. Nhưng, cho dù có chút băn khoăn hay e dè chăng nữa thì cũng chưa thấy có ai thờ ơ hay chối bỏ các quy luật bao giờ; chúng có sức hấp dẫn riêng, bởi chí ít chúng cũng giúp chúng ta yên lòng.
Và lần này cũng vậy, quyển sách 12 Quy luật cuộc đời của Jordan B. Peterson đem đến cho người đọc 12 nguyên lý mà tác giả cho là phép màu giữa cuộc sống đầy hỗn độn hiện nay; quyển sách nhanh chóng được đón nhận và được đánh giá rất cao.
“Hãy tìm nguồn cảm hứng để trở thành con tôm hùm chiến thắng, với trí tuệ thực tiễn đã đúc kết qua 350 triệu năm. Và hãy đứng thẳng thật hiên ngang.” Ngay ở quy luật đầu tiên, tác giả đã làm người đọc sửng sốt: Thế ra một sinh vật được xem là cấp thấp mà đã biết khẳng định bản thân mình để tìm chiến thắng, từ hàng triệu năm vẫn thế, thì cớ gì mà con người không làm được!
Việc hiểu được thế giới đã từng như thế nào, hiện nay đang ra sao và ngày mai có thay đổi gì hoàn toàn không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện; mục đích là biết phải ứng xử thế nào trước thế giới ấy. Các quy luật của Jordan Peterson sẽ dẫn dắt bạn đi trên con đường tìm ra các lựa chọn ứng xử phù hợp nhất.
Chúng ta muốn làm bạn với ai? Hẳn nhiên phải là những người lành mạnh và tốt đẹp. Nhưng đấy lại không phải là chuyện dễ dàng. “Một người tốt lành và lành mạnh là hình mẫu lý tưởng. Nó đòi hỏi bạn phải có sức mạnh và lòng can đảm để đứng gần bên một người như thế.”
Thất vọng về bản thân vì thua kém người khác ư? “Sự nghiệp của bạn chán ngắt và vô nghĩa, kỹ năng làm việc nhà thuộc hàng thứ cấp, khẩu vị thì tệ kinh khủng, còn cơ thể thì béo hơn bạn bè đồng trang lứa; và chẳng ai thèm đoái hoài đến những buổi tiệc của bạn. Ai thèm quan tâm bạn có phải thủ tướng Canada hay không, khi một người khác đã thành tổng thống Mỹ?”
Chẳng hề hấn gì! “Nếu bạn không thành công ở cách này, bạn có thể thử cách khác. Bạn có thể chọn ra thứ gì đó phù hợp hơn với tổ hợp các thế mạnh, điểm yếu và hoàn cảnh có một không hai của minh. Không những thế, nếu việc thay đổi trò chơi không hữu hiệu, bạn có thể sáng chế ra một trò khác.”
Và còn nữa. “Một đứa trẻ biết chú ý, thay vì lơ ngơ, có thể chơi đùa mà không than khóc, hài hước mà không làm phiền, cũng như rất đáng tin cậy - đứa trẻ đó sẽ luôn có bạn bè ở bất cứ nơi nào chúng đến. Các thầy cô của nó đó cũng sẽ yêu thích nó như cha mẹ vậy. Nếu nó tỏ ra lễ phép với người lớn, nó sẽ được họ săn sóc, cười đùa và vui vẻ chỉ bảo nó. Nó sẽ vươn mình từ một thế giới rất dễ trở nên lạnh nhạt, hiềm khích và thù địch.” Nếu bạn nuôi con mình với tâm thế đó thì bạn hoàn toàn có quyền hy vọng vào tương lai của đứa trẻ, và vào tương lai của chính bạn.
Hãy giữ cho căn nhà của mình ngăn nắp trước khi chỉ trích cả thế giới, và nên theo đuổi những gì có ý nghĩa chứ đừng nên theo đuổi lợi lạc. “Những thứ vị lợi chỉ có hiệu nghiệm trong khoảnh khắc. Nó nhất thời, bốc đồng và hạn chế. Trái lại, những điều có ý nghĩa là sự sắp xếp những thứ vị lợi đơn thuần vào bản giao hưởng của Hữu thể. Ý nghĩa là những lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn cả lời ca được thể hiện trong “Khúc hoan ca” của Beethoven… khi mọi nhạc cụ đều chơi tròn vai, khi những giọng ca quy củ xếp trên tất cả những thứ ấy, và trải rộng đến toàn bộ hơi thở xúc cảm của con người, từ sự tuyệt vọng đến niềm hân hoan.”
Uyên bác trong từng câu viết, Jordan Peterson mời người đọc du hành trên trang sách, xuyên qua các câu chuyện của Kinh Thánh, chìm vào các tư tưởng triết học và dạo quanh các chi tiết của văn chương, để cùng truy vấn và tìm câu trả lời cho câu hỏi: Mỗi con người nên ứng xử như thế nào trước cuộc đời?
“… Rằng sự tự nguyện gánh vác trách nhiệm cũng giống hệt như quyết định sống một cuộc đời ý nghĩa. Nếu mỗi người chúng ta sống đúng đắn, thì chúng ta sẽ lớn mạnh cùng nhau.”
“Không có gì chắc chắn và bất biến. Thậm chí, Mặt trời cũng có những chu kỳ bất ổn của nó. Tương tự, không có gì tùy biến đến mức không thể cố định lại được. Mỗi cuộc cách mạng lại tạo ra một trật tự mới. Mỗi cái chết đồng thời cũng là một sự biến đổi.”
“Hãy hỏi, rồi bạn sẽ nhận được. Hãy gõ, rồi cửa sẽ mở. Nếu bạn hỏi như thể bạn muốn biết, và gõ cửa như thể bạn muốn bước vào, thì bạn có thể sẽ nhận được cơ hội để cải thiện cuộc đời mình từng chút một.”
“Thần dược” cho cuộc sống không phải là thứ chúng ta có thể mua được hay tìm được ở bên ngoài, mà là kết quả của một quá trình tự vấn có mục đích, có phương pháp, và hơn hết nó phải chuyển chở ý chí lãng mạn ở mức độ cao nhất: Sự lãng mạn cần thiết để vươn tới một cuộc sống đầy đủ trách nhiệm và có ý nghĩa, là sứ mệnh của sự tồn tại của chúng ta trên cõi đời này.
Vũ Thái Hà, MBA
Giám đốc Công ty Tư vấn & Đào tạo INNMA
Trích lời tựa của NORMAN DOIDGE
QUY LUẬT? KHÔNG PHẢI MỘT MÀ NHIỀU QUY LUẬT HƠN NỮA? CÓ CẦN PHẢI THẾ KHÔNG? Lẽ nào cuộc sống vẫn chưa đủ phức tạp, chưa đủ gò bó, ngay cả khi thiếu vắng những quy luật phi thực tế vốn chẳng thèm đếm xỉa đến hoàn cảnh cá nhân đặc thù của chúng ta hay sao? Và nếu cho rằng bộ não chúng ta dễ định hình và phát triển toàn diện theo những hướng khác nhau dựa trên kinh nghiệm sống, thì tại sao ta lại mong đợi vài quy luật hay ho nào đó có thể sẽ hữu ích cho tất cả?
Con người không kêu gào đòi hỏi các quy luật. Ngay cả trong Kinh Thánh… khi Moses xuống núi sau một khoảng thời gian dài biệt tăm, mang theo những phiến đá khắc Mười Điều răn của Chúa, ông đã thấy Con dân Israel vẫn đang tiệc tùng ồn ào. Họ từng là nô lệ của Pha-ra-ông xứ Ai Cập và phải cam chịu những luật lệ bạo ngược suốt 400 năm. Sau đó, Moses lại dẫn họ đến vùng sa mạc hoang vu khắc nghiệt trong 40 năm nữa, để gột sạch họ khỏi xiềng xích nô lệ. Để rồi giờ đây, khi rốt cuộc có được tự do, họ lại buông thả, mất hết kiểm soát rồ dại nhảy nhót quanh một tượng thần - con bê bằng vàng - biểu trưng cho lối sống tha hóa vì vật chất.
“Ta có vài tin tốt… và cũng có vài tin xấu” - Đấng Lập pháp hét to - “Các người muốn nghe tin nào trước?”
“Tin tốt!”, những kẻ chìm trong khoái lạc trả lời.
“Đức Chúa đã giảm từ 15 điều răn xuống chỉ còn mười cho chúng ta!”
“Tạ ơn Chúa!” đám đông ương ngạnh hò hét vui mừng. “Còn tin xấu thì sao?”
“Tội ngoại tình vẫn còn trong danh sách này.”
Vậy nên vẫn có quy luật - nhưng xin đừng quá nhiều. Chúng ta luôn phân vân về các quy luật, ngay cả khi biết rằng nó tốt cho chúng ta. Nếu chúng ta có những tâm hồn khoáng đạt, nếu chúng ta có cá tính, thì quy luật dường như là sự hạn chế, là chế giễu đối với ý thức chủ thể cũng như với lòng kiêu hãnh được hoàn thiện cuộc sống của chính mình. Vì sao chúng ta nên chịu phán xét bởi quy luật của kẻ khác?
Và rồi chúng ta bị phán xét. Xét cho cùng, Thượng Đế không trao cho Moses “Mười gợi ý” mà là “Mười điều răn”; và nếu ta là một chủ thể tự do, thì phản ứng đầu tiên của ta với một mệnh lệnh chỉ có thể là “không một ai, kể cả Thượng Đế, có thể bảo ban ta phải làm gì”, dù điều đó có tốt cho ta đi chăng nữa. Song, câu chuyện về con bê vàng cũng nhắc nhở chúng ta rằng nếu không có luật lệ, chúng ta sẽ nhanh chóng trở thành nô lệ cho chính những si mê của bản thân mình - và không gì giải thoát ta khỏi điều đó.
Song, câu chuyện còn gửi gắm nhiều điều hơn thế, rằng: Nếu không có sự quản thúc và cứ để mặc bản thân nương theo những phán xét ngây ngô, chúng ta sẽ sớm nhắm đến những mục tiêu tầm thường và tôn sùng những phẩm chất thua kém mình - trong trường hợp này, một con vật do con người tạo nên đã gợi ra những bản năng thú vật trong chúng ta theo cách hoàn toàn vô lối. Câu chuyện Do Thái cổ giúp chúng ta hiểu rõ người xưa cảm thấy thế nào về những viễn cảnh đối với hành vi văn minh khi thiếu đi các quy luật, vốn nhằm nâng tầm quan điểm và nâng cao những chuẩn mực của chúng ta.
Một điểm tài tình của câu chuyện này trong Kinh Thánh là nó không chỉ đơn giản liệt kê các quy luật, như cách các luật sư, nhà lập pháp hay các nhà quản lý sẽ làm; mà nó lồng ghép chúng trong một câu chuyện đầy kịch tính, minh họa vì sao chúng ta cần đến chúng, từ đó khiến chúng dễ hiểu hơn. Tương tự, trong cuốn sách này, Giáo sư Peterson không chỉ đề xuất 12 quy luật, mà anh còn kể những câu chuyện hàm chứa vốn kiến thức của anh trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, anh sẽ minh họa và giải thích tại sao các quy luật tốt nhất tuyệt đối không hạn chế ta, mà thay vào đó sẽ thúc đẩy các mục tiêu của chúng ta, cũng như mang đến một cuộc sống tự do hơn, trọn vẹn hơn.
Lần đầu tiên tôi gặp Jordan Peterson là vào ngày 12 tháng Chín năm 2004, tại nhà hai người bạn chung khác của chúng tôi, nhà sản xuất truyền hình Wodek Szemberg và bác sĩ nội khoa Estera Bekier. Hôm ấy là tiệc sinh nhật của Wodek. Wodek và Estera là dân Ba Lan, lớn lên trong xã hội Xô-viết thời đó, nơi mà có nhiều chủ đề bị hạn chế đàm luận.
Nhưng giờ thì hai ông bà chủ nhà được tận hưởng những cuộc trò chuyện chân thành, cởi mở thông qua những bữa tiệc tao nhã, hết mình trong niềm hân hoan được phát ngôn những gì mình thực sự nghĩ cũng như nghe người khác nói những lời tương tự, theo cách cho đi và nhận lại mà không hề bị cấm đoán. Tại đây, quy luật chính là “Nghĩ gì nói nấy”. Nếu câu chuyện chuyển sang chủ đề chính trị, những người có quan niệm chính trị khác biệt sẽ trao đổi cùng nhau - đúng hơn là háo hức chia sẻ - theo một phong thái mà giờ đây ngày càng hiếm hoi. Đôi lúc, ý kiến của Wodek hay một sự thật nào đó bùng nổ trong anh cùng với tiếng cười vang. Sau đó, anh sẽ ôm chầm lấy chính người vừa làm anh bật cười, hoặc khơi gợi anh nói ra suy nghĩ có sức mãnh liệt hơn dự kiến. Đây là phần hay nhất của bữa tiệc và tính cách thẳng thắn cùng vòng tay ấm áp của anh khiến cho sự khơi gợi ấy thật xứng đáng. Trong khi đó, giọng của Estera lướt nhẹ khắp căn phòng, cực kỳ rõ ràng thẳng đến thính giả mà cô nhắm trước. Những lần sự thật được phơi bày ra cũng không khiến cho bầu không khí giữa các bằng hữu kém cởi mở hơn chút nào - mà còn làm bùng nổ nhiều sự thật hơn! Chúng khai phóng mọi người, tạo thêm nhiều tiếng cười và khiến bầu không khí dễ chịu hơn. Vì đối với người dân Đông Âu như vợ chồng Szemberg-Bekier, họ luôn biết mình đang nói chuyện gì và nói với ai, rồi sự thẳng thắn ấy càng thêm tỏa sáng. Tiểu thuyết gia Honoré de Balzac từng mô tả các buổi tiệc tùng và khiêu vũ bằng tiếng Pháp, cũng là tiếng mẹ đẻ của ông, khi chứng kiến một bữa tiệc nhưng thực chất là hai. Trong vài giờ đồng hổ đầu tiên, đám đông tràn ngập những kẻ nhạt nhẽo ưỡn ẹo làm dáng và những kẻ cốt chỉ đến để gặp một người đặc biệt nào đó, người mà có thể khẳng định vẻ đẹp và địa vị của họ. Tiếp theo, chỉ đến những giờ phút cuối cùng, sau khi phần lớn khách khứa đã về hết thì bữa tiệc thứ hai và cũng là bữa tiệc thực sự mới bắt đầu. Lúc này, từng người có mặt mới cùng chia sẻ những câu chuyện với nhau và bầu không khí ngột ngạt được thay thế bằng tiếng cười cởi mở. Nhưng tại những bữa tiệc của Estera và Wodek, kiểu thân mật và cởi mở rạng rỡ như hừng đông ấy lại bắt đầu ngay từ giây phút chúng tôi đặt chân vào phòng.
Wodek là một thợ săn với mái tóc bờm sư tử màu bạc, luôn quan sát cẩn trọng những trí thức tiềm năng trong đại chúng, là người biết cách nhìn ra được những ai thực sự có khả năng phát biểu trước ống kính truyền hình và ai trông chân thành vì con người họ đúng là như vậy (máy quay sẽ bắt chụp những khoảnh khắc đó). Ông ấy thường mời những người như thế đến những buổi họp mặt này. Hôm ấy, Wodek đã mời một giáo sư tâm lý học từ Đại học Toronto của tôi đến tham dự, một người đáp ứng mọi tiêu chí: Trí tuệ và cảm xúc luôn song hành. Wodek chính là người đầu tiên đưa Jordan Peterson ra trước ống kính và cho rằng anh sẽ là người thầy luôn kiếm tìm học trò cho mình - vì anh ấy lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng giảng giải. Và thật hữu ích khi cả anh ấy và máy quay đều có thiện cảm với nhau.
Chiều hôm đó, một bộ bàn ăn lớn được bày biện trong khu vườn của vợ chồng Szemberg-Bekiers; xung quanh là những vị khách quen thuộc cùng các bậc thầy tán chuyện với nhau. Tuy rằng chúng tôi dường như bị vây quanh bởi một bầy ong giống mấy “tay săn ảnh” phiền nhiễu, nhưng chính người bạn mới này, với chất giọng vùng Alberta[1] và đôi bốt cao bồi, lại chẳng màng đến họ mà vẫn say sưa nói chuyện. Anh vẫn cứ luyên thuyên trong khi những người còn lại trong chúng tôi chơi trò chơi giành ghế theo nhạc[2] để tránh xa tiếng vo ve khó chịu. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn lưu lại bàn ăn vì sự bổ sung mới mẻ thú vị này trong buổi hội họp.
Anh ấy có một thói quen kỳ lạ, đó là đưa ra những câu hỏi “đào xới” sâu xa nhất dành cho bất kỳ ai trong bàn - hầu hết đều là người mới quen - như thể anh ấy chỉ đang nói chuyện phiếm. Hoặc nếu anh ấy nói chuyện phiếm thật chăng nữa, thì khoảng thời gian xen giữa những câu thoại như “Anh quen biết Wodek và Estera thế nào?” và “Tôi từng là người nuôi ong nên tôi quen với chúng rồi”, luôn có những chủ để nghiêm túc hơn chỉ cách nhau vài phần tỉ giây.
Người ta có thể nghe những câu hỏi như thế được bàn luận tại các bữa tiệc nơi những giáo sư và chuyên gia gặp gỡ, nhưng thường một cuộc đàm luận trong phạm vi hai chuyên gia như thế thường nói về một chủ đề, trong một góc riêng, hoặc nếu có chia sẻ với cả nhóm thì cũng không thiếu chuyện ai đó tự tô vẽ mình. Nhưng ngài Peterson đây không hề tỏ vẻ ta đây dù cho bản thân thật sự rất thông thái. Anh ấy có sự say mê của một đứa trẻ vừa học được một điều mới mẻ và nhất định phải chia sẻ nó. Dường như anh ta có vẻ kiêu căng của một đứa trẻ - trước khi nhận ra đám người lớn ngờ nghệch như thế nào - rằng nếu anh ấy nghĩ một điều gì đó thú vị, thì những người khác cũng sẽ nghĩ như vậy. Có một chút trẻ con ở chàng cao bồi này, trong cách anh ấy đề cập đến nhiều vấn đề như thể chúng tôi cùng lớn lên trong cùng một gia đình, hay sống cùng một thị trấn nhỏ và tất thảy đều có suy nghĩ giống nhau về những vấn đề tồn tại xưa nay của nhân loại.
Peterson không hẳn là một “kẻ lập dị”; anh ấy có đủ bằng cấp như thông lệ, từng là giáo sư trường Havard và cũng là một quý ông (theo phong cách của một chàng cao bổi) mặc dù anh ấy hay dùng từ ngữ bộc trực khi nói chuyện, theo kiểu dân thôn quê hồi thập niên 1950. Nhưng tất cả mọi người đều lắng nghe với niềm hân hoan trên khuôn mặt như thể bị thôi miên, vì khi anh ấy giải đáp các thắc mắc của bất kỳ ai trong bàn, anh ấy đều thực lòng để tâm đến họ.
Có một cảm giác được giải phóng khi bầu bạn cùng một người “học rộng hiểu sâu” mà lối nói năng lại không màu mè. Lối suy nghĩ của anh ấy như một động cơ xe máy, như thể anh ấy cần phải nghĩ thành lời, cần sử dụng vỏ não vận động của mình để suy nghĩ, nhưng dây thần kinh vận động đó cũng cần phải hoạt động thật nhanh mới kịp đáp ứng. Để cất cánh cho anh. Không hẳn là bất thường, nhưng tốc độ nghỉ ngơi của anh ấy xoay vòng rất nhanh. Những suy nghĩ mãnh liệt cứ tỏa đi khắp mọi hướng. Nhưng không như nhiều học giả khác cứ khư khư giữ lập trường của mình, anh ấy dường như rất thích khi ai đó chất vấn hoặc chỉnh đốn mình. Anh ấy không bao giờ nổi đóa và đốp chát lại, mà sẽ nói một cách rất chan hòa: “Vâng”, cùng cái cúi đầu không chủ đích, lắc nhẹ đầu nếu anh đã bỏ qua điều gì đó và tự cười bản thân vì đã khái quát thái quá vấn đề. Anh sẽ cảm kích nếu được trình bày vấn đề theo một khía cạnh khác, và rõ ràng là đối với anh, để thông hiểu một vấn đề, cần có một quá trình bàn thảo.
Người ta không thể không ngỡ ngàng với một điểm khác thường khác nơi anh: Peterson trí thức mà lại cực kỳ thực tế. Các ví dụ của anh luôn chứa đầy những ứng dụng đời thường: quản lý doanh nghiệp, cách làm đồ nội thất (anh tự làm nội thất cho nhà mình), thiết kế một ngôi nhà giản dị, làm đẹp một căn phòng (còn giờ là ảnh chế trên mạng) hoặc trường hợp cụ thể khác liên quan đến giáo dục là xây dựng một dự án viết bài trực tuyến giúp ngăn học sinh da màu thiểu số bỏ học. Dự án này yêu cầu học sinh làm một loại bài tập phân tích tâm lý của chính bản thân, trong đó, chúng sẽ tự do liên tưởng đến quá khứ, hiện tại và tương lai (hiện nay, chương trình này được gọi là Chương trình Tạo tác bản thân - Self-Authoring Program[3]).
Chúng tôi trở thành bạn bè. Với tư cách một chuyên gia tâm thần học và một nhà phân tích tâm lý yêu văn chương, tôi bị anh ấy thu hút bởi anh giống như một thầy thuốc lâm sàng, người tự bồi dưỡng cho mình bằng nền học vấn sách vở vĩ đại và là người không chỉ yêu thích tiểu thuyết Nga trữ tình, triết học lẫn thần thoại cổ đại, mà còn xem chúng như của cải thừa kế quý báu nhất. Nhưng anh cũng làm sáng tỏ những nghiên cứu thống kê về nhân cách, tính khí cũng như nghiên cứu cả thần kinh học. Mặc dù được đào tạo về mảng khoa học hành vi, nhưng anh lại bị cuốn hút mạnh mẽ bởi ngành phân tích tâm lý đặt trọng tâm vào các giấc mơ, các hình thái nguyên mẫu, tính dai dẳng của những xung đột thời thơ ấu trong mỗi người trưởng thành và vai trò của hành vi phòng thủ cũng như sự hợp lý hóa trong cuộc sống hằng ngày. Anh còn là kẻ ngoại đạo làm thành viên duy nhất trong Khoa Tâm lý học của Đại học Toronto - vốn có thiên hướng nghiên cứu - vẫn duy trì được hoạt động thực hành lâm sàng.
Trong những chuyên thăm của tôi, các cuộc chuyện trò thường bắt đầu bằng những tràng cười đùa và bình luận vui vẻ - đúng là chàng Peterson từ thị trấn nhỏ vùng quê Alberta, nơi anh dành cả thời niên thiếu để sống như trong bộ phim FUBAR - chào mừng các bạn đến quê hương của anh. Ngôi nhà được Tammy, vợ anh, và chính anh chất đầy đồ đạc, rồi biến nó thành một mái ấm có lẽ là phong lưu thú vị nhất và gây ngạc nhiên nhất mà tôi từng thấy. Cả hai treo tranh vẽ, vài tấm mặt nạ điêu khắc và chân dung trừu tượng khắp nhà. Song, chúng bị áp đảo bởi bộ sưu tập tranh gốc khổng lồ theo trường phái Hiện thực Xã hội chủ nghĩa về Lenin cùng những cán bộ cộng sản đời đầu được Liên bang Xô-viết bổ nhiệm. Không lâu sau khi Liên Xô sụp đổ, Peterson bắt đầu mua những bức tranh này với giá rất hời qua mạng. Những bức tranh mang đậm tinh thần cách mạng Xô-viết che kín từng bức tường, trần nhà và thậm chí phòng tắm. Chúng có mặt ở đó không phải vì Jordan có sự đồng cảm với chế độ đó, mà vì anh muốn nhắc nhở bản thân về khoảng thời gian mà anh biết rằng anh và mọi người đều muốn đưa vào dĩ vãng.
Chúng tôi cũng hay trò chuyện và nhấm nháp trà trong căn bếp dưới tầng hầm của anh, trên tường là cả bộ sưu tập tranh dị thường, một chỉ dấu dễ thấy cho sứ mệnh đau đáu nhất của anh, đó là vượt lên trên hệ tư tưởng tối giản phân biệt phải trái và không lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Sau một lúc, không còn gì ngoài một bữa trà trong bếp và trò chuyện về các vấn đề gia đình, về một cuốn sách mới đọc, với những bức tranh vây quanh. Cứ như thể chúng tôi đang sống trong một thế giới hay những nơi chốn đã từng tồn tại, hoặc vẫn đang tồn tại đâu đó.
Trong quyển sách đầu tiên của Jordan và cũng là quyển duy nhất ra đời trước quyển này, Maps of Meaning (tạm dịch: Những tấm bản đồ của ý nghĩa), anh đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình về những chủ đề muôn thuở như thần thoại thế giới, rồi giải thích rằng cuối cùng, mọi nền văn hóa đã tạo ra những câu chuyện giúp chúng ta vật lộn, và sau cùng là vạch rõ những hỗn loạn mà từ khi sinh ra chúng ta đã phải đối mặt; sự hỗn loạn này là toàn bộ những gì chúng ta chưa biết đến, là mọi vùng đất chưa được khám phá mà chúng ta phải đi qua, thâm nhập vào nó ở cả thế giới bên ngoài lẫn cái hồn bên trong.
Nhờ kết hợp thuyết tiến hóa, khoa học thần kinh về mặt cảm xúc, một số tư tưởng vĩ đại nhất của Jung, một số khác của Freud cùng rất nhiều công trình vĩ đại của Nietzsche, Dostoevsky, Solzhenitsyn, Eliade, Neumann, Piaget, Frye và Frankl, Những tấm bản đồ của ý nghĩa, được xuất bản cách đây gần hai thập kỷ, đã thể hiện được bước tiếp cận bao quát của Jordan nhằm thấu hiểu cách nhân loại và bộ não con người xử lý những tình huống nguyên mẫu phát sinh mỗi khi chúng ta phải đối mặt với những điều mình không hiểu trong đời sống hằng ngày. Điểm tài tình của quyển sách thể hiện ở cách anh mô tả tình huống này bắt nguồn từ sự tiến hóa, từ ADN của chúng ta, từ não bộ và những câu chuyện cổ xưa ra sao. Và anh cho chúng ta thấy những câu chuyện này vẫn tồn tại là vì chúng mang đến cho ta chỉ dẫn để giải quyết những điều không chắc chắn và cái chưa biết không thể tránh khỏi.
Một trong nhiều ưu điểm của quyển sách mà bạn đang cẩm trên tay chính là nó mở ra một lối vào Những tấm bản đồ của ý nghĩa, một công trình cực kỳ phức tạp vì Jordan vẫn đang tìm cách tiếp cận tâm lý học khi anh viết nó. Nhưng nó lại chính là nền tảng, vì cho dù gien và kinh nghiệm sống có khác nhau thế nào, hoặc dù bộ não tùy biến của chúng ta có được nối nguồn kinh nghiệm cá nhân theo cách khác nhau ra sao chăng nữa, thì tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những gì mình không biết và luôn nỗ lực chuyển từ hỗn loạn sang trật tự. Và đây chính là lý do rất nhiều quy luật trong cuốn sách này, được dựa trên cuốn Những tấm bản đồ của ý nghĩa, lại có yếu tố phổ quát trong chúng.
Cuốn Những tấm bản đồ của ý nghĩa được nhen nhóm bởi ý thức đầy phiền não của Jordan, từ khi anh còn là một thiếu niên lớn lên giữa thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi phần lớn nhân loại dường như sắp làm nổ tung cả hành tinh chỉ để bảo vệ những bản ngã khác nhau của họ. Anh cảm thấy mình buộc phải hiểu thế nào người ta lại có thể hy sinh tất cả chỉ vì một “bản sắc”, bất kể nó là gì. Anh cảm thấy mình phải hiểu được những hệ tư tưởng nào đã dẫn dắt các chế độ. Trong cuốn Những tấm bản đồ của ý nghĩa, và một lần nữa trong cuốn sách này, một trong những vấn đề anh cảnh báo bạn đọc nên quan tâm nhất chính là hệ tư tưởng, bất kể ai là người truyền bá nó và nhằm mục đích gì…
Sự không hài lòng của tôi với những nỗ lực của khoa học chính trị hiện đại nhằm hiểu rõ sự trỗi dậy chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa độc tài và thành kiến là yếu tố chủ chốt trong quyết định bổ sung cho các nghiên cứu khoa học chính trị bằng nghiên cứu về sự vô thức, phương pháp chiếu, phân tích tâm lý, tiềm năng hồi quy của tâm lý nhóm, tâm thần học và não bộ. Jordan đã thoát khỏi khoa học chính trị vì những lý do tương tự. Với những lợi ích song song quan trọng này, chúng tôi không phải lúc nào cũng đồng tình với “các câu trả lời” (tạ ơn Chúa), nhưng hầu như luôn đồng tình về các câu hỏi.
Tình bạn của chúng tôi không phải lúc nào cũng buồn tẻ và u ám. Tôi có thói quen đến dự các lớp của những giáo sư đồng nghiệp ở trường đại học, bao gồm cả lớp học lúc nào cũng chật cứng sinh viên của anh ấy. Và tôi đã chứng kiến điều mà hàng triệu người khác từng thấy khi xem trên mạng: Một diễn giả nói trước công chúng xuất sắc, rạng rỡ như một nghệ sĩ nhạc jazz đang dạo từng tiết tấu với thần thái mạnh mẽ nhất; nhiều lúc anh giống như một nhà thuyết giáo sôi nổi của phái Prairie (không phải bằng cách truyền bá Phúc âm, mà bằng niềm đam mê của mình và bằng khả năng kể chuyện để truyền đạt những câu chuyện bao hàm các nguyên tắc sống, về việc tin theo hay không tin nhiều quan niệm khác nhau). Sau đó, anh dễ dàng chuyển sang làm một bản tóm tắt ngoạn mục, có hệ thống về một loạt các nghiên cứu khoa học. Anh là bậc thầy trong việc giúp sinh viên suy ngẫm tốt hơn, cũng như xem trọng bản thân và tương lai một cách nghiêm túc. Anh dạy họ phải trân trọng những cuốn sách vĩ đại. Anh dẫn các ví dụ sinh động từ quá trình thực hành lâm sàng, tự bộc lộ bản thân (một cách đứng đắn), thậm chí cả nhược điểm của mình và tạo ra sự liên kết hấp dẫn giữa thuyết tiến hóa, não bộ cùng với những câu chuyện tôn giáo. Trong một thế giới nơi học viên được dạy cách nhìn nhận thuyết tiến hóa và tôn giáo đơn giản chỉ là sự đối nghịch (bởi các nhà tư tưởng như Richard Dawkins), Jordan đã cho họ thấy rằng trên tất thảy, sự tiến hóa sẽ lý giải sức hấp dẫn sâu sắc của tâm lý học và trí tuệ của nhiều câu chuyện từ ngàn xưa, từ Vua Gilgamesh cho đến Cuộc đời của Đức Phật, Thần thoại Ai Cập và Kinh Thánh. Ví dụ, anh đã đưa ra những câu chuyện về cuộc hành trình tự nguyện đến vùng đất chưa ai biết đến - nhiệm vụ của người hùng - phản ánh những nhiệm vụ phổ quát giúp bộ não tiến hóa. Anh tôn trọng những câu chuyện ấy, không giản lược và không bao giờ tuyên bố sẽ tiếp thu hết. Nếu bàn về một chủ đề, ví dụ như thành kiến, hoặc những yếu tố liên quan đến nó như sợ hãi và ghê sợ, hoặc sự khác biệt về giới tính nói chung, anh sẽ chỉ ra cho mọi người thấy những đặc điểm này đã tiến hóa như thế nào và vì sao chúng còn tồn tại.
Trên hết, anh đã cảnh báo học viên của mình về những chủ đề hiếm khi được thảo luận ở môi trường đại học, như một thực tế đơn giản rằng tất cả các nhân vật cổ xưa, từ Đức Phật cho đến các tác giả của Kinh Thánh, đều biết mọi điều mà một người trưởng thành từng trải phải hiểu, rằng cuộc sống là đau khổ. Nếu bạn đang đau khổ, hoặc ai đó thân thiết với bạn đang đau khổ, thì thật đáng buồn. Nhưng than ôi, điều đó không đặc biệt đến vậy đâu! Chúng ta không đau khổ chỉ vì “những chính trị gia tối dạ” hay “hệ thống bị lũng đoạn”, hoặc vì bạn và tôi, như hầu hết mọi người khác, có thể bằng cách nào đó mô tả bản thân mình một cách hợp lẽ như nạn nhân của điều gì đó hoặc ai đó. Đó là bởi vì chúng ta được sinh ra là con người và được đảm bảo hưởng một liều đau khổ nhất định. Và nhiều khả năng nếu bạn hoặc người thân của bạn không gặp đau khổ lúc này, thì trong vòng năm năm sau cũng sẽ phải gặp, trừ khi bạn là một người may mắn lạ thường. Nuôi dạy con cái rất khó, làm việc cũng vất vả và lão hóa, bệnh tật cũng như cái chết còn nặng nề hơn nữa. Jordan nhấn mạnh rằng nếu bạn tự mình làm tất thảy những điều đó mà không màng đến lợi ích của mối quan hệ yêu thương, trí tuệ, hay những hiểu biết về tâm lý của các nhà tâm lý học vĩ đại nhất, thì chỉ khiến nó trở nên khó khăn hơn mà thôi. Anh không dọa các sinh viên của mình; thực tế thì họ nhận thấy cuộc nói chuyện thẳng thắn của anh khiến họ vững dạ, bởi trong thâm tâm, đa số họ đều biết điều anh nói là chí phải, ngay cả khi không có diễn đàn nào thảo luận về nó - có lẽ vì trong cuộc sống, người trưởng thành có khuynh hướng bao bọc thái quá đến mức ngây thơ, dẫn đến việc họ tự lừa dối chính mình trong suy nghĩ rằng: Việc không đề cập gì đến đau khổ sẽ bằng cách kỳ diệu nào đó bảo vệ con cái họ khỏi đau khổ.
Ở đây, anh liên hệ đến huyền thoại về người hùng, một chủ đề xuyên văn hóa được khám phá theo hướng phân tích tâm lý của Otto Rank, người đã lưu ý rằng - phỏng theo Freud - những thần thoại anh hùng đều tương tự như nhau trong nhiều nền văn hóa, một chủ đề mà Carl Jung, Joseph Campbell và Erich Neumann đã lựa chọn. Trong khi Freud có những đóng góp vĩ đại vào công cuộc lý giải các chứng loạn thần kinh chức năng - trong số nhiều chủ đề khác - bằng cách tập trung tìm hiểu cái mà chúng ta gọi là câu chuyện về anh-hùng-bại-trận (về Oedipus[4]), thì Jordan lại tập trung vào những anh hùng thắng trận. Trong tất cả những câu chuyện chiến thắng này, người hùng phải tiến vào cái chưa biết, vào một vùng đất chưa được khám phá và vừa đối phó với một thử thách vừa to lớn vừa mới mẻ, và phải chấp nhận mạo hiểm. Trong quá trình này, một phần nào đó của anh phải chết đi, hoặc bị từ bỏ để anh ta có thể được tái sinh và vượt qua thử thách. Việc này đòi hỏi lòng can đảm, điều hiếm khi được bàn luận trong một lớp tâm lý học hoặc sách giáo khoa. Trong bài phát biểu trước công chúng gần đây của anh nhằm ủng hộ tự do ngôn luận và chống lại cái mà tôi gọi là “ngôn luận cưỡng ép” (vì nó liên quan đến việc chính phủ buộc người dân phải lên tiếng về quan điểm chính trị), cái giá phải trả rất cao; anh đã mất nhiều thứ và biết rõ điều đó. Tuy nhiên, tôi nhận thấy anh (và cả Tammy) không chỉ thể hiện lòng can đảm, mà cả hai còn tiếp tục sống theo nhiều quy luật trong cuốn sách này, mà một số trong đó đòi hỏi nỗ lực rất lớn.
Tôi đã chứng kiến anh phát triển từ một người nổi bật thành một người không thể quả quyết và thành công hơn - nhờ sống theo những quy luật này. Thực tế, đó chính là quá trình anh viết nên cuốn sách này và phát triển những quy luật ấy để dẫn dắt anh đứng lên chống lại ngôn luận gượng ép hoặc cưỡng bách. Và đó là lý do trong suốt những sự kiện ấy, anh bắt đầu đăng một số cảm nghĩ của mình về cuộc sống cũng như các quy luật lên mạng. Giờ đây, với hơn 100 triệu lượt xem trên Youtube, chúng tôi biết chúng đã đánh động đến lòng đồng thuận của rất nhiều người.
Do tất cả chúng ta đều chán ngán các quy luật, làm thế nào chúng tôi lý giải được phản ứng phi thường đối với những bài giảng bao hàm những quy tắc này của anh? Trong trường hợp của Jordan, chính sức lôi cuốn và sự sẵn sàng hiếm hoi đứng về phía một quy luật đã khiến mọi người lắng nghe anh rộng rãi trên mạng ngay từ đầu. Số lượt xem những lời tuyên bố đầu tiên của anh trên Youtube tăng nhanh đến con số hàng trăm nghìn. Nhưng mọi người vẫn tiếp tục lắng nghe vì điều anh nói đáp ứng nhu cầu sâu xa và không nói thành lời của họ. Và đó là bởi vì bên cạnh mong ước thoát khỏi các quy luật, tất cả chúng ta đều kiếm tìm một kết cấu nào đó.
Niềm khao khát các quy luật hoặc ít nhất là những chỉ dẫn ở nhiều người trẻ tuổi hiện nay đã lớn hơn nhiều vì lý do chính đáng. Ở phương Tây, các bạn trẻ thuộc thế hệ Thiên niên kỷ[5] đang trải qua một bối cảnh lịch sử độc nhất vô nhị. Tôi tin họ là thế hệ đầu tiên được giáo dục thấu đáo cả hai luồng ý tưởng dường như mâu thuẫn nhau về mặt đạo đức - ở trường học, cao đẳng và đại học bởi nhiều người thuộc thế hệ của tôi. Sự đối lập này khiến họ đôi khi mất phương hướng và thiếu chắc chắn, thiếu chỉ dẫn và bi kịch hơn nữa là bị tước đoạt mất những sự phong phú mà họ thậm chí không biết đến sự tồn tại của chúng.
Chúng tôi từng tham gia buổi giảng dạy mà thế hệ Thiên niên kỷ phải chiến đấu triền miên. Họ đăng ký một khóa học ngành nhân văn để nghiên cứu những cuốn sách vĩ đại nhất từng được sáng tác. Nhưng họ không được giao sách; mà thay vào đó lại bị chúng tấn công tư tưởng dựa trên sự đơn giản hóa kinh khủng nào đó. Nếu người theo chủ nghĩa tương đối bị nhồi nhét cảm giác không chắc chắn, thì một nhà tư tưởng sẽ ngược lại. Nhà tư tưởng sẽ là người siêu phán xét và hay chỉ trích người khác, luôn biết người khác sai ở đâu và phải làm gì với nó. Đôi khi, trong xã hội có vẻ như những người duy nhất sẵn sàng đưa ra lời khuyên lại hầu như là những người có ít lời khuyên nhất để cho đi.
Chúng ta là những người tạo ra quy tắc. Và vì là những sinh vật có đạo đức, thuyết tương đối hiện đại mà đơn giản đang áp đặt lên chúng ta thứ hệ quả phải xảy đến nào? Nó đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự ngáng chân mình bằng cách giả vờ là thứ gì đó không phải là mình. Nó là một chiếc mặt nạ, nhưng là một chiếc mặt nạ kỳ lạ, vì hầu như chỉ lừa dối người đeo nó. Hãy dùng một chiếc chìa khóa để cccàoooo chiếc ô-tô Mercedes của vị giáo sư thông thái nhất theo thuyết tương đối hậu hiện đại, bạn sẽ thấy chiếc mặt nạ của thuyết tương đối (tức giả vờ rằng không có cả đúng lẫn sai) và tấm áo choàng của sự khoan dung triệt để rơi xuống nhanh thế nào.
Vì chúng ta chưa có phạm trù dựa trên khoa học hiện đại, Jordan không ra sức phát triển các quy tắc của mình bằng cách xóa sạch tấm đá phiến - tức bằng cách loại bỏ hàng nghìn năm trí tuệ như thể chúng là thứ mê tín dị đoan thuần túy mà bỏ qua những thành tựu đạo đức vĩ đại nhất của loài người. Hơn thế, anh đã hợp nhất những điều tốt đẹp nhất mà chúng ta đang học với những cuốn sách mà nhân loại xem là phù hợp để bảo tồn qua hàng thiên niên kỷ, cũng như với những câu chuyện đã tồn tại được, bất chấp mọi rủi ro và khuynh hướng lãng quên theo thời gian.
Anh ấy đang làm những điều luôn được hoàn thiện từ những chỉ dẫn hợp lý: Anh không tuyên bố rằng trí tuệ của con người bắt đầu từ chính anh, mà đúng hơn là chuyển hướng đến các chỉ dẫn của anh ngay từ đầu. Và mặc dù các chủ đề trong cuốn sách này thật sự nghiêm túc, nhưng Jordan vẫn rất vui vẻ giải quyết chúng bằng cái chạm nhẹ nhàng, giống như các tiêu đề ở mỗi chương đang truyền đạt. Anh không hề tuyên bố rằng mình thấu đáo mọi mặt và đôi khi các chương cũng bao gồm nhiều cuộc thảo luận trong phạm vi rộng về tâm lý của chúng ta theo cách anh hiểu.
Vậy tại sao không gọi đây là một cuốn tuyển tập “các chỉ dẫn”, một thuật ngữ nhẹ nhàng, thân thiện với người dùng và ít cứng nhắc hơn là “quy luật”?
Bởi vì đây thực sự là những quy luật. Và quy luật tiên quyết nhất là bạn phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Chấm hết.
Đôi khi những quy tắc này đòi hỏi quá nhiều. Chúng yêu cầu bạn phải thực hiện một quá trình tuần tự theo thời gian và kéo căng bạn đến một giới hạn mới. Như tôi đã nói, điều đó đòi hỏi bạn phải mạo hiểm khám phá cái chưa biết. Để vươn mình vượt ra ranh giới của bản thân hiện tại, bạn cần phải cẩn thận lựa chọn và theo đuổi những lý tưởng của mình: Lý tưởng luôn ở đó, phía trên bạn, vượt trội hơn bạn và không phải lúc nào bạn cũng chắc chắn với tới chúng được.
Nhưng nếu không chắc chắn đạt được những lý tưởng của mình, vậy vì sao chúng ta lại bận tâm với tay đến chúng ngay từ đầu? Bởi vì nếu không với đến chúng, thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa.
Và có lẽ bởi vì - nghe vừa xa lạ vừa khác thường - thẳm sâu trong tâm hồn, tất cả chúng ta đều muốn được phán xét.
Tiến sĩ Norman Doidge, Bác sĩ Y khoa,
Tác giả cuốn The Brain That Changes Itself
(tạm dịch: Bộ não tự biến đổi)