Ma thổi đèn (Tập 8) - Chương 23
CHƯƠNG
23: THẦN BÚT
Trong chiếc hộp vàng tuy không có chìa khóa, nhưng lại
để một cây “bút lông,” có điều không phải loại bút lông dùng để viết chữ bình
thường, mà là loại bút cỡ lớn sử dụng khi vẽ tranh sơn thủy. Tôi tuân theo
nguyên tắc mắt thấy tức là thực, bèn bảo cả bọn đừng có ngẩn người ra như thế,
cần phải tin vào cặp mắt của mình: “Đây chỉ là một cây bút lông, chứ không phải
bất cứ thứ gì khác.” Giáo sư Tôn gãi gãi cái đầu hói, lắc đầu nói: “Trong hộp
vàng này để một cây bút lông, rốt cuộc là trò gì đây? Tại sao trung đoàn trưởng
Phong lại viết trong di thư rằng nó là chìa khóa mở cánh cửa vào mộ cổ Địa
Tiên? Chẳng lẽ bài ‘Quan Sơn chỉ mê phú’ của tổ tiên ông ta truyền lại cũng là
giả? Hay ông ta trước lúc lâm chung còn cố ý chỉ sai đường? Hiện giờ đầu óc tôi
đã bắt đầu u mê chẳng nghĩ ngợi được gì nữa, xem ra cũng đến lúc phải nghỉ hưu
thật rồi.”
Shirley Dương nói: “Tôi nghĩ người sắp chết luôn nói
thật, hẳn không lừa gạt chúng ta đâu. Thảng như vật này chỉ là một cây bút lông
hoàn toàn không liên quan gì đến mộ cổ Địa Tiên, thử hỏi ông ta gạt chúng ta phỏng
có ý nghĩa gì? Những điểm bất thường trong ‘Quan Sơn chỉ mê phú’ rất nhiều, người
bình thường khó mà dò đoán được, có lẽ cây bút này chính là mở cửa mộ cổ cũng
nên...”
Nói đoạn, Shirley Dương cầm cây bút lông đặt trong
chiếc hộp vàng lên xem xét cẩn thận, thấy cán bút không phải bằng tre trúc, mà
cũng được đúc từ vàng ròng, bên trên khắc hai hàng chữ. Cô lẩm bẩm đọc từng chữ
một: “Quan Sơn thần bút, họa địa vi môn... nghĩa là sao vậy? Chẳng lẽ dùng bút
này vẽ một cánh cửa trên đất để đi qua à? Sao có thể thế được...”
Tuyền béo đột nhiên nhớ ra một chuyện: “A... chuyện
này hình như hồi xưa tôi có nghe kể, có cây bút thần vẽ cái gì cũng biến thành
thật hết, vẽ ra con đường là có thể lên núi, vẽ cái thang liền có thể leo tường,
nhưng thật tình tôi cũng không nhớ rõ lắm... rốt cuộc tôi đã thấy nó lúc đổ đấu
ngôi mộ cổ nào ấy nhỉ? Nhất à, cậu có ấn tượng gì không?”
Tôi cười bảo, tư lệnh Tuyền béo đúng là hồ đồ xừ nó
rồi. Nhưng mà chắc là cậu quá tha thiết với sự nghiệp của chúng ta, bằng không
sao có thể chuyện gì cũng nghĩ đến đổ đấu như vậy được? Chuyện bút thần vẽ
thang leo tường ấy tôi đây nhớ rõ rành rành, không phải ở trong sách truyện của
trẻ con thì cũng là trong phim hoạt hình, tên là “Bút thần Mã Lương.” Câu chuyện
này có từ lâu lắm rồi, cũng chẳng ít hơn tôi mấy tuổi đâu.
Tuyền béo vội nói: “Đúng đúng, đúng là câu chuyện
này rồi, Quan Sơn thần bút có phải mang hàm ý này hay không? Để cho chúng ta tự
xem chỗ nào ổn thì vẽ lên đó một cánh cửa mộ, sau đấy đẩy cửa bước vào là được?
Với kinh nghiệm đấu tranh phong phú mà đại gia Tuyền béo đây tổng kết được sau
nửa đời người... mười phần chắc đến tám chín là chúng ta lại bị đám dân quân ở
thôn Địa Tiên chơi cho một vố mất rồi thế này có khác nào làm nhục trí thông
minh của chúng ta đâu? Dùng bút vẽ cửa, con bà nhà nó, làm sao mà đi vào được
đây?”
Shirley Dương không biết chúng tôi đang nói chuyện
gì, bèn lên tiếng hỏi: “Sao vậy? Câu chuyện thần bút vẽ cửa này... thời xưa từng
xảy ra thật sao?”
Tôi cười khổ bảo, đó không phải là sự kiện lịch sử,
mà là một câu chuyện thần thoại được sáng tác vào khoảng thập niên năm mươi ở
Trung Quốc, kể về một đứa bé nhà nghèo tên là Mã Lương, từ nhỏ đã có máu nghệ
thuật, không chịu ngoan ngoãn chăn trâu mà lại rất thích vẽ tranh. Tuy rằng Mã
Lương không được đi học ngày nào, song vẽ cái gì cũng giống, đến thầy giáo dạy
vẽ cũng không vẽ đẹp bằng cậu ta, hơn nữa cậu ta còn có thói quen cứ đi tới đâu
là vẽ tới đó.
Ước mơ duy nhất của Mã Lương là có một cây bút thuộc
về mình. Kết quả, một buổi tối nọ, không biết từ đâu xuất hiện một ông già râu
bạc, ông già đưa cho cậu ta một cây bút, bảo cậu ta muốn vẽ gì thì vẽ nấy. Từ
đó, Mã Lương liền dùng cây bút này để vẽ tranh.
Không ngờ đó lại là một cây bút thần, những thứ nó vẽ
ra đều biến thành sự thật, vẽ một con hạc tiên, nó liền bay vút lên trời, vẽ ra
con trâu lập tức có thể kéo cày. Về sau, giai cấp thống trị áp bức nhân dân lao
động biết được chuyện này liền bắt Mã Lương về nhốt vào ngục. Đến tối, Má Lương
liền vẽ trên tường nhà lao một cánh cửa, bước đến đẩy một cái, cánh cửa liền mở
ra, sau đấy cậu lại vẽ một cái thang, leo qua tường vượt ngục một cách thuận lợi.
Cuối cùng, Mã Lương lại bị bắt vào hoàng cung vẽ cho
hoàng đế một núi vàng, trước ngọn núi là mặt biển mênh mông. Lũ xấu xa gồm
hoàng đế và bọn đại thần ngồi trên con thuyền do Mã Lương vẽ ra đi đến ngọn núi
lấy vàng đem về, nào ngờ giữa đường bị Mã Lương âm thầm vẽ một trận bão đánh
chìm thuyền, các phần tử xấu xa đều nhất loại chết đuối dưới biển sâu.
Thần bút Mã Lương tiêu diệt hoàng đế bóc lột nhân
dân rồi mang cây bút thần trở về dân gian, chuyên vẽ tranh cho những người dân
nghèo khổ. Đây là một trong những câu chuyện được trẻ con thời những năm năm
mươi, sáu mươi ưa thích nhất, tương tự còn chuyện “Bí mật hồ lô báu,” nhưng tại
sao hồi nhỏ bọn anh lại thích câu chuyện này như vậy chứ? Người khác thì anh
không biết, còn anh và Tuyền béo hồi bảy tám tuổi giác ngộ vẫn còn thấp lắm, cả
ngày cứ mơ tưởng mình có một cây bút thần như thế để tự vẽ bánh bơ với kem mà
ăn, muốn xơi bao nhiêu thì vẽ bấy nhiêu. Bọn anh còn cho rằng, bút thần của Mã
Lương lợi hại hơn cả hồ lô báu. Cũng vì hồi ấy mơ tưởng hão huyền suốt một thời
gian dài, nên đến giờ vẫn còn nhớ khá rõ ràng.
Shirley Dương cười cười bảo: “Xem ra từ nhỏ anh đã rất
có hoài bão, nhưng Quan Sơn thần bút này có giống câu chuyện anh vừa kể không?
Nó thật sự có thể vẽ ra cửa vào mộ cổĐịa Tiên ư?”
Tôn Cửu gia khịt mũi coi thường, chen vào: “Hoang đường,
quá là hoang đường, chúng ta đến đây để tìm mộ cổ, không thể làm bừa làm bậy được.
Cần phải đưa ra những ý kiến có tính xây dựng hơn nữa mới được, mà liệu cây
Quan Sơn thần bút này có một tầng kép không? Biết đâu trong cán bút lại giấu
chìa khóa thì sao?”
Tôi cầm hộp vàng và bút thần lên xem đi xem lại mấy
lượt, thấy cán bút rỗng không, không có tầng kép gì cả, nhưng tôi phát hiện
trên chiếc hộp đựng bằng vàng dường như có ẩn chứa huyền cơ. Bề mặt hộp vàng được
chạm khắc theo phong cách thời Minh, có núi cao sông dài và nhân vật, nhìn tổng
thể thì có một rặng núi cao trải dài như tấm bình phong bằng đá, lòng chảo dưới
chân núi có rừng cây rậm rạp, ngoài ra còn có một vị tiên nhân đang vẽ tranh
trên một ngọn núi lớn kẹp giữa hai vách đá cao ngất.Thứ mà vị tiên nhân ấy vẽ,
hình như chính là một cánh của lớn.
Tôi còn nhận ra trong bức hình khắc trên hộp vàng có
dị tượng chim yến bay làm cầu, rất giống cảnh tượng trước đài Hách Hồn, nếu cửa
mộ đúng là ở bên dưới khe núi này, thi cũng ứngvới lời tôi nói trước đó... mộ cổ
Địa Tiên nhất định không xa nơi tàng phong tụ khí của hẻm núi Quan Tài. “Quan
Sơn chỉ mê phú” li kì quái dị vô cùng, không thể dùng lối suy nghĩ thông thường
mà tham ngộ được, có lẽ ở trong khe núi có một nơi đặc biệt nào đó, dùng cây
bút thần này liền có thể vẽ cửa mở đường cũng nên.
Tôi thầm nghĩ, đằng nào bước tiếp theo cũng phải tìm
một chỗ không có tử thi để sử dụng gương cổ Quy Khư tìm hiểu câu đố về mộ cổ,
bây giờ cứ nấn ná trong huyệt mộ quan tài treo này nghĩ ngợi lung tung cũng vô
ích, sao không thử lần xuống dưới đáy khe núi, một công đôi việc, chỉ cần xuống
đến nơi thử một phen, sẽ biết ngay chuyện bút thần vẽ cửa là thật hay giả.
Tôi đã có chủ ý, liền cất hộp vàng và bút thần đi, bảo
mọi người chuẩn bị tìm đường xuống núi. Giáo sư Tôn chỉ con khỉ Ba Sơn kia hỏi
tôi: “Còn con khỉ này thì tính sao? Chủ nó chết rồi, nó bị bỏ lại một mình ở chốn
hoang sơn này chẳng phải đáng thương lắm ư? Tôi mang nó về Bắc Kinh có được
không?” Tôi thoáng trầm ngâm, rồi bảo giáo sư Tôn không thể làm vậy được, bây
giờ không như ngày xưa nữa, trên đường làm sao mang theo động vật hoang dã được?
Có đưa nó về cũng không nuôi ở trong nhà, vả lại con khỉ Ba Sơn này mười năm
nay vẫn luôn quanh quẩn ở đây, chứng tỏ nó rất quyến luyến chủ, giống như câu “hươu
nai ở chốn rừng sâu, kì lân ngụ nơi lầu các, rừng sâu núi thẳm mới là nhà của
nó, hãy cứ để nó tự do ở đây thì hơn.
Sau khi nghe tôi khuyên giải một hồi, giáo sư Tôn cuối
cùng cũng dẹp bỏ ý định viển vông của mình, cả bọn dõi theo con khỉ Ba Sơn leo
bám trên vách đá rồi biến mất vào màn sương mù, sau đó mới bắt đầu xuất phát.
Huyệt mộ này cách đáy sơn cốc không xa lắm, lại nối
liền với điểu đạo đục vào vách đá, xuyên qua màn mây leo xuống, chỉ thấy dòng
nước cuồn cuộn chảy qua giữa hai vách núi, đặt chân vào chốn này, người ta có cảm
tưởng như đang ở sâu bên trong một khe nứt của ngọn núi cao nghìn mét, bầu
không cách xa cả nghìn thước, trên đỉnh đầu thấp thoáng khi ẩn khi hiện, tựa hồ
đã tiến vào một khu vực hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài.
Địa thế dưới đáy khe núi rương đối thông thoáng,
khác hẳn với phần giữa sơn cốc, vách đá phía trên tuy chật hẹp, nhưng ở hai bên
dòng sông dưới đáy khe núi lại hõm sâu vào trong, lòng sông toàn đá cuội trơn
nhẵn như gương, trong các khe đá cỏ dại mọc um tùm, ngoài ra còn có rất nhiều
loại cây cổ quái không biết tên gọi là gì.
Nơi này quanh năm không thấy ánh mặt trời, hơi sương
mù mịt, khiến những thứ thực vật mọc ở đây rất ủ rũ, cộng với không khí ẩm ướt
oi bức, rất dễ làm người ta sinh ra một chứ cảm giác bực bội bất an không thể gọi
tên.
Tôi tham chiếu lại với hình ảnh được khắc trên bề mặt
chiếc hộp vàng, thấy trong khe núi có một lối rẽ, bên trong là lòng sông khô cạn
trải đá xanh, đi vào không sâu lắm đã đến tận cùng. Tận cùng lối rẽ ấy là một
thác nước trong núi, nhưng ngọn thác này không phải thay dòng thì cũng đã khô cạn,
không còn nguồn nước nữa, trước mặt chúng tôi chỉ còn lại một vách đá trơn nhẫy.
Trước khi thác nước này khô cạn không biết đã xối
vào vách đá này mấy nghìn mấy vạn năm, khiến bề mặt đá trơn nhẵn như một tấm
gương. Phía trước vách đá là năm cây cổ thụ tán lá sum suê, cành cây mọc tua tủa
như thể đang nhe nanh múa vuốt rất giống với hình khắc trên bề mặt chiếc hộp
vàng. Nơi tiên nhân dùng bút thần vẽ cửa, hẳn chính là vách đá có thác nước cạn
khô này đây.
Nhưng vách núi trước mặt liền thành một thể, hoàn
toàn không có bất cứ dấu vết gì chứng tỏ đã được bàn tay con người đụng tới,
dùng bút thần vẽ lên đấy một cánh cửa là có thể đi vào bên trong sao? Nghĩ thế
nào cũng cảm thấy không ổn lắm, trừ phi Quan Sơn thần bút này thực sự là một
cây “bút thần” có thể vẽ ra kì tích.
Cả bọn chúng tôi đưa mắt ngơ ngác nhìn nhau, ai lại
ngu ngốc đến mức cầm cây bút vẽ cánh cửa trên vách núi để mở đường? Trở về bị
người ta biết được, thanh danh của Mô Kim hiệu úy há chẳng phải sẽ trở thành
trò cười cho thiên hạ hay sao?
Tôi ngẫm nghĩ giây lát, đoạn bảo Tuyền béo: “Năm xưa
khi còn ở nhà trẻ quân khu, mấy cô ở đấy đã nhìn ra cậu có khiếu nghệ thuật rồi
còn gì, bọn trẻ con khác tè dầm ra giường toàn tè bậy tè bạ chẳng ra phong cách
gì cả, duy chỉ có tư lệnh Tuyền béo nhà ta hôm nay thì tè thành hình đoàn tàu hỏa,
hôm sau lại tè thành hình cái ca nô, mỗi ngày đều không lặp lại, thực khiến người
ta không thể không khâm phục. Dạo gần đây, tôi thấy cậu đi có tố chất trở thành
Picasso rồi đấy, hay là... cậu vẽ một cánh cửa cho cả bọn cùng thưởng thức xem
nào?”
Tuyền béo nói: “Thằng ranh nhà cậu đừng có giở trò,
cái việc ngốc nghếch như trong chuyện Alibaba ấy cậu muốn làm thì đi mà làm, đừng
hòng kéo tôi ra làm Thiên Lôi chỉ đâu đánh đó, bằng không lúc về để bọn Răng
Vàng biết được chắc chắn sẽ lôi đại gia ra làm trò cười. Bản tư lệnh phải bồi
dưỡng mãi mới có được tác phong khí chất cao ngạo lạnh lùng thế này đấy sao có
thể để cậu chà đạp chứ?”
Cuối cùng Tuyền béo nảy ra một ý, nếu giáo sư Tôn có
thể không cần thể diện đi vẽ cánh cửa lên vách đá, chúng tôi sẽ đưa trước cho
lão ta một nửa quyển sổ ghi chép. Tôn Cửu gia thấy điều kiện này có vẻ chấp nhận
được, lập tức đồng ý đi làm Alibaba.
Tôi lấy bút lông trong hộp vàng ra, đổ chút nước vào
mài mực, rồi nhúng đẫm cả ngòi cây Quan Sơn thần bút, đưa cho Tôn Cửu gia, đồng
thời trịnh trọng dặn dò: “Cố gắng vẽ cho giống chút nhé, vẽ xong đừng quên đọc
thần chú... Vừng ơi, mở cửa ra.”
Giáo sư Tôn thở dài nói: “Có lẽ tại hồi trước tôi
thông minh quá, nên giờ mới trở nên hồ đồ như vậy, dùng bút lông vẽ cửa trên
vách núi để mở đường... đây... đây... nếu không phải hành động thông minh nhất
thì sẽ là hành động ngu xuẩn nhất trong đời tôi, nhưng dù sao thì dù, tôi cũng
là bị các cậu ép buộc...” Lão ta vừa làu bàu oán trách vừa cầm bút bước đến
phía trước vách đá, vung bút vẽ một cái khung hình vuông lớn, ở giữa vạch một
đường thẳng, hai bên vẽ hai hình tròn nhỏ làm vòng cửa, vậy là coi như vẽ xong
một cánh cửa tiên, tuy hơi quấy quá một chút, nhưng cũng có thể xem là một tác
phẩm được cả hình dạng lẫn thần thái.
Cả bọn đứng trước vách đá, người nào người nấy đều mở
mắt trừng trừng không chớp nhìn vào cánh cửa mới được vẽ ra, chỉ một khoảnh khắc
mà dài đằng đẵng, cảm giác như trái tim bị ai đó bóp nghẹt, tôi không ngừng lẩm
bẩm: “Vừng ơi, mở cửa ra…”