Ma thổi đèn (Tập 8) - Chương 21

CHƯƠNG
21: LỜI NHẮN VIẾT TRÊN VỎ BAO THUỐC LÁ

Tôi dùng đèn pin mắt sói chiếu lên bức phù điêu núi
sông tùng bách trên bề mặt quách đá, ngọn núi dưới màn mây khói vấn vít hết sức
hùng vĩ tráng lệ, toát lên khí phái khiến người ta phải ngước nhìn, xung quanh
có nhật nguyệt tinh tú và linh thú tứ phương, mang đậm sắc thái truyền thần
nhưng lại không giống bản đồ.

Tôi ngẩng đầu lên nhìn con khỉ, ngơ ngác hỏi: “Thế
này là sao? Không phải bảo mày đưa chúng tao đi tìm người à? Trung đoàn trưởng
Phong ở đâu?”

Con khỉ Ba Sơn nhe răng nhướng mày kêu lên những tiếng
quái dị, tôi thực không thể đoán nổi ý nó, lúc này, sau lưng chợt vang lên tiếng
bước chân, đám người Tôn Cửu gia và Tuyền béo lục tục chui ra từ trong đường hầm
bí mật.

Chỉ nghe Tôn Cửu gia “a” lên đầy kinh ngạc, lúc tôi
ngoảnh đầu lại, ánh mắt cả bọn đã đều hướng về phía mé sau của hang động. Dưới
đám dây mây đen sì, có một cái xác đàn ông thân hình khôi vĩ đang ngồi dựa lưng
vào tường.

Cái xác ấy cúi gục đầu xuống, không nhìn rõ mặt mũi,
nhưng giáo sư Tôn hiển nhiên đã nhận ra người này nhờ vào quần áo trên người,
thất thanh kêu lên: “Lão Phong... đúng là ông sao? Ông... sao ông lại chết ở
đây?”

Nét mặt giáo sư Tôn cực kì kích động run rẩy sải bước
sấn tới trước đám dây mây khô quắt, nhoài người ra nhìn gương mặt người đàn ông
ấy, rồi đấm mạnh xuống nền đất: “Lão Phong ơi…ông bạn già, ông trốn cũng giỏi
thật đấy, không... không ngờ lại chết lặng lẽ ở chốn hoang vu không dấu chân
người này, ông có biết bao nhiêu nay tôi sống thế nào không? Các chiến hữu ngày
xưa của ông đều nghi ngờ tôi hại chết ông, ông nói xem tôi làm gì có bản lĩnh lớn
thế chứ? Năm xưa tôi bị ông đập cho một cú cũng không sao, lại còn phải gánh tội
cho ông mười mấy năm trời...”

Giáo sư Tôn nói tới đây, nước mắt sớm đã trào ra,
tính khí lão ta vừa bướng bỉnh lại quái đản, cả đời không có bạn bè gì, ngoài
giáo sư Trần Cửu Nhân ra thì chỉ có mỗi trung đoàn trưởng Phong này là bạn cùng
chung hoạn nạn, dù thời gian ở cạnh nhau không nhiều. Trước đó, lão ta còn hi vọng,
cho rằng trung đoàn trưởng Phong sau khi thoát khỏi nông trường đã trốn vào ẩn
náu trong mộ cổ Địa Tiên rồi. Tuy cũng biết đã nhiều năm biệt vô âm tín, người
này quá nửa là đã chết rồi, nhưng nay đột nhiên trông thấy thi thể cố nhân
trong huyệt mộ, giáo sư Tôn xúc động đến tận đáy lòng, nước mắt nước mũi giàn
giụa, chớp mắt đã khóc không thành tiếng.

Tôi vốn tưởng trung đoàn trưởng Phong là một nhân vật
anh hùng mang đầy sắc thái truyền kì, nói không chừng đến nay vẫn còn sống
trong mộ cổ Địa Tiên, nhưng tận mắt chứng kiến mới biết thế sự vốn vô tình như
băng tuyết. Tuy rằng tôi và người này không hề quen biết, nhưng cũng có thể vì “xót
thương đồng loại,” mỗi khi thấy những người lính qua đời, trong lòng tôi đều vô
cùng thương cảm. Mấy người còn lại đều mặt mày ủ rũ, đến cả Tuyền béo cũng làm
thinh hồi lâu, trong hang động chỉ còn tiếng Tôn Cửu gia lầm bầm thút thít
không thôi.

Tôi bèn lên tiếng khuyên giải lão: “Người chết đã chết
rồi, khó mà sống lại được, việc cấp bách trước mắt là xem xem ông ấy chết như
thế nào, có để lại di ngôn di vật gì hay không?”

Giáo sư Tôn vẫn nước mắt ngắn dài, cơ hồ bao nhiêu
chuyện ức chế bất bình chôn giấu trong lòng lão nhiều năm nay cũng theo nước mắt
tuôn ra hết, hồi lâu sau lão ta mới bớt bi thương, hợp sức với mấy người chúng
tôi đặt di thể trung đoàn trưởng Phong nằm xuống đất. Chỉ thấy xác ông ta không
hề thối rữa, trên mặt vẫn còn lờ mờ hàm râu quai nón, thần sắc lúc lâm chung dường
như cũng rất thoải mái ung dung.

Cả bọn bèn bàn bạc xem nên hỏa thiêu xác chết mang
tro cốt về an táng hay chôn luôn tại chỗ. Thấy giáo sư Tôn vẫn ngơ ngẩn thần hồn,
không thể quyết định được chuyện gì, tôi bèn đưa ra ý kiến: “Trên giấy tờ trung
đoàn trưởng Phong vẫn là người mất tích, mấy năm nay cũng có nhiều người đi tìm
ông ta, về nguyên nhân cái chết... cũng phải có lời với cơ quan hữu quan, tốt
nhất là giữ nguyên trạng, đợi khi nào trở về nói rõ tình hình, rồi để những người
hữu trách đến thu liệm là hơn.”

Mấy người bọn giáo sư Tôn lập tức đồng ý, bèn lục
tìm trên người xác chết vài món di vật mang về làm chứng, cuối cùng quả nhiên
tìm được mấy mảnh vỏ bao thuốc lá trong túi áo ngực trên bộ quân trang rách rưới
màu vàng đất của trung đoàn trưởng Phong. Mấy mảnh giấy này đã khô vàng mỏng
tang, bên trên chi chít rất nhiều chữ, có lẽ viết bằng bút chì, may mà vẫn lờ mờ
nhận ra được.

Tôi thầm nghĩ, trung đoàn trưởng Phong không vào mộ
cổ Địa Tiên mà náu mình trong huyệt mộ quan tài treo, cái quách đá khắc hình
núi sông kia hình như cũng do ông ta đào được. Nhưng sao ông ta lại chết một
cách bất minh bất bạch như vậy? Mấy mảnh vỏ bao thuốc lá nhàu nhĩ này chắc là
di ngôn của ông ta để lại trước lúc lâm chung, tôi chỉ muốn xem cho thật kĩ,
nhưng rồi nghĩ lại, cảm thấy nên để người bạn chung hoạn nạn với trung đoàn trưởng
Phong thuở sinh tiền là giáo sư Tôn đọc trước thì hơn, bèn đưa vỏ bao thuốc lá
cho lão ta: “Ông xem trung đoàn trưởng Phong có để lại di ngôn gì không?”

Cả bọn ngồi quây lại bên cạnh cái quách đá, giáo sư
Tôn mượn ánh sáng từ ngọn đèn pin mắt sói, run run đọc từng chữ từng chữ viết
trên vỏ bao thuốc lá, cả con khỉ kia cũng ngồi chồm hỗm trên nắp quách, im lặng
lắng nghe.

Mặc dù nội dung di thư trung đoàn trưởng Phong dùng
bút chì viết lên vỏ bao thuốc lá khá dài, nhưng ngôn từ tương đối súc tích, thỉnh
thoảng còn có chỗ biểu đạt không rõ hoặc nét chữ mờ nhạt, nên chúng tôi chỉ có
thể hiểu được đại khái.

Trong di thư của trung đoàn trưởng Phong có nhắc sơ
qua đến thân thế của ông ta. Khu vực hẻm núi Quan Tài này là đất bồi táng nằm
trong khu lăng mộ của Di Sơn Vu Lăng Vương. Từ thời Tống Nguyên, tổ tiên nhà họ
Phong đã bắt đầu làm nghề trộm mộ, họ đào được rất nhiều thư tịch cổ khắc trên
thẻ tre và mai rùa ở quần thế quan tài treo bên dưới hang ổ của lũ chim yến
trong hẻm núi Quan Tài. Vì những người được táng trong quan tài treo ở đây thảy
đều là các bậc kì nhân dị sĩ từng trị nạn lũ lụt năm xưa, ai nấy đều thông hiểu
các thuật tướng tinh âm dương, lại càng tinh thông biến hóa kì môn độn giáp,
nên các thư tịch cổ tùy táng đa phần đều ghi chép đủ loại phương thuật cổ thần
bí li kì. Chính nhờ những thứ này, nhà họ Phong mới trở nên giàu sang.

Trong hẻm núi Quan Tài có một ngọn núi Quan Tài, đấy
chính là lăng mộ của Di Sơn Vu Lăng Vương. Nhà họ Phong năm xưa nhờ trộm mộ kiếm
được bí thuật phong thủy mà phát tài liền tự xưng mình là “Quan Sơn thái bảo(13).”
Thời Hồng Vũ, họ Phong từng có một độ dốc sức cho hoàng gia, liền cải xứng
thành “Quan Sơn thái bảo(14),” được ngự ban mười tám miếng Quan Sơn bài, đồng
thời để lại sự tích trứ danh “Quan Sơn trộm cốt, thái bảo xem nhà.”

(13)
Chữ quan trong Quan Tài.

(14)
Chữ quan có nghĩa là nhìn, xem.

Đến cuối thời Minh, thủ lĩnh Quan Sơn thái bảo hình
như phát hiện được thiên hạ sắp đến hồi đại biến, bèn đưa cả gia tộc lui về cố
hương, khai thác mạch khoáng muối Vu mà sinh sống. Nhờ gia tư giàu có, nhà họ
Phong liền trở thành một hào tộc ở địa phương.

Thủ lĩnh Quan Sơn thái bảo bấy giờ là Phong Soái Cổ,
trong đầu lúc nào cũng chăm chăm nghĩ đến chuyện trộm mộ, lại càng đắm đuối với
thuyết bất tử của những kẻ luyện đơn, nên đã làm trái lời cổ huấn của tổ tiên,
dẫn người đi đào núi Quan Tài. Ông ta lấy được quẻ phù long cốt bên trong mộ, tự
xưng mình đã tham ngộ huyền cơ, bỏ đi tên họ trước đây, nói rằng bản thân đã
thoát luyện thành Địa Tiên trường sinh bất tử. Sau đó, Phong Soái Cổ dốc hết
tâm huyết xây dựng một thôn Địa Tiên để độ hóa người phàm, những kẻ tin theo
nhiều vô số kể, rất nhiều người đã theo ông ta vào trong mộ cổ ẩn cư lánh đời,
từ đó mai danh ẩn tích, không còn ai thấy có người sống ra khỏi mộ cổ Địa Tiên nữa.

Khi đó trong nhà họ Phong cũng có một số người cho rằng
Phong Soái Cổ bị điên. Tổ tiên đã để lại huấn thị, cấm con cháu không được đào
mộ Di Sơn Vu Lăng Vương, vì trong ngôi mộ cổ ấy có chôn giấu một con quái vật.
Phong Soái Cổ lại không tuân thủ điều cấm kị này, sau khi đào ngôi mộ ấy thì
người hoàn toàn biến đổi, chắc hẳn đã bị âm hồn của Di Sơn Vu Lăng Vương ám.
Ông ta chẳng những giấu hết bao nhiêu minh khí, quan quách, đơn đỉnh, vàng bạc
châu báu đào được ở khắp nơi suốt mấy chục năm vào trong mộ cổ, lại còn yêu
ngôn hoặc chúng, muốn lôi kéo thêm thật nhiều người sống cùng vào bồi táng với
mình.

Nhưng những người phản đối Phong Soái Cổ này đều chẳng
có địa vị gì trong nhà họ Phong, Phong Soái Cổ cũng không ép bọn họ, chỉ nói thế
giới bên ngoài sắp máu chảy thành sông tới nơi, lánh vào thôn Địa Tiên, sau khi
chết sẽ thành tiên, đắc thành đại đạo trường sinh bất lão, “thọ cùng nhật nguyệt,
sống ngang trời đất.” Đây là phép độ thi của hạ tiên, các người không chịu theo
mà cứ chấp mê bất ngộ, ta cũng không làm gì được, nhưng con cháu đời sau của
các người nếu có kiếp nạn thì cứ theo Quan Sơn thái bảo mà vào mộ cổ tìm Địa
Tiên, niệm tình đồng tông đồng tộc, ta vẫn sẽ độ hóa cho chúng.

Sau đấy, bọn giặc cỏ vào Tứ Xuyên, quả nhiên giết
người nhiều vô số kể, nhưng đại quân cũng không đánh được tới vùng Xuyên Đông.
Có điều, vào giai đoạn cuối Minh đầu Thanh ấy, thổ phỉ, loạn binh đông như kiến,
khu vực Thanh Khê khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Bọn thổ phỉ từng vào núi đào bới
báu vật trong mộ cổ Địa Tiên, nhưng không kẻ nào đạt được ý định. Người nhà họ
Phong không chết hết trong giai đoạn chiến loạn, song phải li hương chạy đến Hồ
Bắc ẩn cư, thỉnh thoảng gặp khi quẫn bách lại đi trộm mộ mưu sinh, “Quan Sơn chỉ
mê phú” và các ngón nghề đổ đấu nhờ thế mà không bị thất truyền. Nhưng đến đời
trung đoàn trưởng Phong, gia tộc chỉ còn lại một mình ông ta ngay cả bản lĩnh của
tổ tiên ông ta cũng không học được, chẳng có nghề ngỗng gì, đành lăn lộn giữa
đám lục lâm thảo khấu, ngược lại cũng khá tiêu dao tự tại. Đúng dịp kháng chiến
chổng Nhật bùng nổ, quốc gia phải đối mặt với nạn lớn, ông ta liền dẫn theo mấy
người anh em nhập ngũ.

Ông ta nửa đời binh nghiệp, trải qua mấy trăm trận
chiến lớn nhỏ, từ trước giải phóng đã làm đến trung đoàn trưởng, chiến tranh
kháng Mỹ viện Triều kết thúc vẫn giữ chức ấy, kể ra thì trong nửa cuộc đời cũng
lập được chiến công không nhỏ, giành được khá nhiều vinh dự. Trung đoàn do ông
ta dẫn dắt cũng là một trong những trung đoàn át chủ bài của quân đội, thời chiến
dịch Liêu Ninh từng được phong danh hiệu “Trung đoàn anh hùng vững như Thái Sơn
nghìn pháo vạn pháo cũng không suy chuyển,” thời kháng Mỹ viện Triều thì là “Trung
đoàn Thường Sơn Triệu Tử Long thâm nhập địch hậu xuất kì binh.”

Nhưng trung đoàn trưởng Phong mặc dù đánh trận liều
mạng, hơn nữa còn nhiều lần lập được kì công, nhưng bản thân ông ta lại quá nhiều
tật xấu, uống rượu chơi gái như cơm bữa. Ông ta cũng rất ham chơi, săn bắn, cưỡi
ngựa, khiêu vũ, đánh bạc, đấu chó, nuôi khỉ... không thứ nào là không thích, mà
chơi thứ nào cũng đều là bậc cao thủ. Thêm nữa, người này xuất thân lục lâm,
nên gặp ai ũng nói chuyện nghĩa khí, đã rất nhiều lần bị xử phạt nặng, thậm chí
mấy bận còn suýt bị xử theo quân pháp. Trong thời chiến, chỉ cần giỏi đánh trận
thì việc gì cũng dễ giải quyết, có điều đến thời bình, quân đội cũng không chứa
chấp ông ta được nữa, đành phải thuyên chuyển đến công tác ở địa phương.

Trung đoàn trưởng Phong rời quân đội về địa phương,
những thói hư tật xấu lại càng thể hiện rõ rệt hơn. Khuyết điểm lớn nhất của
ông ta chính là mê tín, xưa nay ông ta xông pha mũi tên hòn đạn vào sinh ra tử
chẳng chút ngại ngần chém đầu cũng chỉ coi như gió thổi bay mũ, nhưng cứ hễ nhắc
đến hỏa táng là sợ run lên, hơn nữa còn hết sức tin tưởng vào bài “Quan Sơn chỉ
mê phú” của tổ tiên truyền lại. Vìvậy, trong một loạt các cuộc vận động sau
này, trung đoàn trưởng Phong trở thành đích ngắm của tất cả mọi người, cũng may
có thủ trưởng cũ trong quân đội che chở, nên ông ta chỉ bị đày đến nông trường ở
vùng sâu vùng xa cải tạo lao động, tuy rằng có khổ cực một chút, nhưng núi cao
hoàng đế xa, phong trào gì cũng không thể lan đến được Quả Viên Câu ở tít tận
trong núi.

Nhưng trung đoàn trưởng Phong vốn tự do quen thói,
chỉ quen ra lệnh cho người khác, xưa nay có bao giờ để ai vào trong mắt. Ông ta
cảm thấy mình không thể chịu nổi công việc khai thác đá khổ nhọc, mới đầu đã
nghĩ đến chuyện tự sát, nhưng rồi lại thấy chết như vậy thì hơi hèn nhát, bèn
quyết định bỏ trốn... trốn về quê cũ vào trong mộ cổ tìm Địa Tiên.

Trong di thư, trung đoàn trưởng Phong có nhắc đến, cả
đời này ông ta tự vấn lương tâm thấy không có gì phải hối hận, duy nhất chỉ có
lỗi với một người, chính là Tôn Diệu Tổ năm xưa cùng làm việc với ông ta ở nông
trường... lão Tôn.

Trung đoàn trưởng Phong vốn muốn rủ cả lão Tôn cùng
trốn đi với mình, nhưng vừa thấy đối phương có chút do dự, liền dằn lòng đập
cho người này một cú ngất xỉu. Kì thực, ông ta làm vậy là để đối phương khỏi bị
liên lụy, có điều, họ Phong tự thấy mình là kẻ thô lỗ, ra tay không biết nặng
nhẹ, đập một cú như thế không biết phần tử trí thức như lão Tôn có chịu được
không. Còn nhớ thuở trước ông ta đánh nhau với quân Nhật, từng dùng sức mạnh y
như vậy, không chừng đối phương đã chết ngay tại trận rồi cũng nên, nhưng lúc
đó tình hình khẩn cấp ông ta không kịp kiểm tra xem giáo sư Tôn bị đánh ngất
hay đánh chết thì đã phải vội vã rời khỏi hiện trường.

Trên đường đào tẩu, trong lòng ông ta vẫn cứ thấp thỏm
bất an, lo lắng không biết lão Tôn có phải đã bị mình lỡ tay đánh chết rồi hay
không? Nhưng đã chạy thoát ra ngoài thì không thể quay lại xem được nữa. Suốt cả
chặng đường, ông ta chỉ chọn những nơi rừng sâu núi hiểm không dấu chân người
mà đi, đến nơi có trấn có huyện, thì sai con khỉ Ba Sơn đã theo ông ta nhiều
năm đi trộm đồ ăn thức uống về, còn bản thân ông ta thì ẩn nấp trong chốn thâm
sơn, vì vậy mà không bị ai phát hiện ra tung tích.

Cuối cùng, trung đoàn trưởng Phong cũng vượt qua được
dãy Đại Ba sơn, trở về quê cũ ở trấn Thanh Khê. Lúc đi qua đường hầm, ngẫu
nhiên gặp phải chỗ sụt lở bị thương ở đầu, ông ta nhịn đau mang vết thương đến
hẻm núi Quan Tài, rồi dựa theo bài “Quan Sơn chỉ mê phú” của tổ tiên truyền lại
tìm được huyệt mộ quan tài treo cất giấu chìa khóa của lối vào mộ cổ Địa Tiên.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3