Ma thổi đèn (Tập 7) - Chương 34
CHƯƠNG
34
QUAN
SƠN THÁI BẢO
Hồng cô nương đã quá quen với những trang phục đạo cụ
trong gánh hát, vừa nhìn đã nhận ra kẻ trong hành lang không hề ăn mặc như tướng
nhà Nguyên, mà từ đầu xuống chân vận toàn màu đen, hóa trang thành ác quỷ Vô
Thường. Áo liệm mặc cho thi thể khi liệm táng tuy khác xa quần áo thông thường,
nhưng dù gì không có quý tộc nào mặc bộ áo quần hóa trang mà khâm liệm thế này.
Trang phục của người xưa, có lẽ vào thời Dân Quốc trông chẳng khác phục trang
trên sân khấu là bao, nhưng làm gì có ai mặc bộ áo đen hóa trang làm quỷ câu hồn
ngồi trong mộ kia chứ?
Đám trộm nghe vậy đều kinh ngạc vô cùng. Lúc đầu thì
gặp phải hình nhân nữ bằng giấy mặc trang phục thủy điền thời Minh, bây giờ lại
lòi ra một kẻ mặc áo đen đóng giả quỷ câu hồn, mộ thất thực sự trong đơn cung
Bình Sơn chưa thấy đâu đã gặp phải bao chuyện cổ quái kì dị thế này, ai nấy đều
có cảm giác run sợ, nếu chẳng may trong lớp sương mù kia quả thật có Hắc quỷ Vô
Thường ẩn náu thì biết phải làm sao?
Đào mồ quật mả hoàn toàn dựa vào can đảm nhất thời,
lòng càng bất an thì càng dễ bị quỷ ám, cho nên xưa nay vẫn có câu “đổ đấu chớ
tin ma quỷ, tin ma quỷ chớ đổ đấu.” Đám trộm Xả Lĩnh trước giờ đều cho rằng những
nguy hiểm bên trong mộ cổ chủ yếu chỉ là mấy thứ cạm bẫy, cương thi, hiếm ai nhắc
đến những chuyện kị húy về yêu tinh ma quỷ. Nhưng khi nãy tất cả đều đã tận mắt
nhìn thấy con quỷ câu hồn vận đồ đen, hoạt động giải trí chủ yếu vào thời bấy
giờ chính là nghe sách xem kịch, các vở kịch dân gian tương đối bình dân gồm có
các loại kịch về ma quỷ, hồ ly, và mèo, đều dựa vào những tình tiết ma quỷ được
thổi phồng để hấp dẫn người xem, quỷ câu hồn vận áo mũ đen, là một trong những
nhân vật chính trong các vở kịch kiểu này, chính vì rất gần gũi với cuộc sống
nên lại càng dễ khiến người ta tin là thật.
Lão Trần thấy lòng người hoang mang, sợ đám thuộc hạ
mất hết nhuệ khí, bèn nói: “Kịch cọt toàn là mấy thứ bịa đặt hàm hồ, mười vở
thì đến tám chín vở bốc phét nói bừa, sao có thể tin là thật? Khoan nói tới cái
gì mà quỷ Vô Thường chuyên hút hồn lấy mạng người ta, ở thời nay, ngay cả thần
tiên cũng không tránh nổi súng Tây đạn Tây nữa là, thôi kệ trong hành lang này
có thứ gì, hãy cứ nã hai loạt đạn vào trước rồi hẵng nói.” Nói xong liền khoát
tay lệnh cho thuộc hạ giơ cao súng trường, đồng loạt kéo chốt an toàn, sẵn sàng
lên nòng, chuẩn bị nã đạn tới tấp vào trong hành lang.
Gà Gô đứng bên thấy đám trộm sắp sửa nổ súng, một ý
nghĩ chợt lóe lên trong đầu, vội nhỏ giọng khuyên lão Trần không nên dùng súng,
gà Nộ Tinh đã gáy khác thường, nhất định trên người cái xác mặc đồ đen kia có vật
gì cực độc, không thể cậy súng đạn mà sơ suất, bằng không một khi chất độc tung
tóe khắp nơi, lúc ấy có muốn tiến vào bên trong cũng không được nữa.
Lão Trần chợt hiểu ra, vội nói: “Thực đúng là bậc
hào kiệt kiến giải tương đồng, hô anh em lên đạn sẵn là để tăng thêm can đảm
thôi, ta đây cũng đang định cử một nhóm dùng sào móc.”Nói đoạn liền ra lệnh cho
mười mấy tên thuộc hạ tiến lên phía trước, thò thang rết vào đám sương mù, ngoắc
vào người mặc áo đen kéo về.
Đám trộm theo lệnh hành động, sau một hồi hết lôi lại
kéo cũng móc được người mặc áo đen ngồi xếp bằng vào trong vách tường sắt, những
người còn lại tay lăm lăm dao súng, như đang vao vây bốn phía nghênh đón cường
địch. Kéo lại gần mới biết, quả nhiên là một cương thi mặt mũi quái dị, cũng
chính là loại cổ thây chết rồi không thối rữa.
Cái xác nam mặc áo bào đen này cao to béo tốt, ngồi
khoanh chân xếp bằng, tay bấm chỉ quyết rất kì dị, quần áo trên người quả nhiên
là trang phục đóng quỷ câu hồn, bị thang tre lôi kéo một hồi, bộ quần áo đã mục
nát từ lâu liền bị toạc ra tơi tả, để lộ lớp da thịt đang trương phềnh, trắng bệch
như ngâm nước, chọc thang tre vào thấy có mủ chảy ra, trong các hốc tai mắt mũi
mồm toàn là thứ bột màu đen, có thể nguyên nhân chết trước kia là do thất khiếu
thổ huyết. Nhìn bề ngoài, thực không phân biệt nổi cái xác này niên đại thế
nào, chỉ thấy áo quần giày dép đều mục nát hết cả, chắc chết cũng đã lâu rồi.
Đám trộm thấy chỉ là cái thây cổ cứng ngắc, bấy giờ
mới yên tâm, thi nhau mắng mỏ: “Đồ quỷ chết giẫm, ăn mặc giả quỷ giả ma làm khi
nãy các ông nội mày sợ vỡ mật…”
Lão Trần thấy cái xác này chết rất kì lạ, bèn dẫn
người lại gần kiểm tra tỉ mỉ, thấy bên trong xác đồ đầy kịch độc, nhưng nhìn
thì không phải dịch độc của loài rết thường thấy trong núi Bình Sơn, chất độc
đã lan khắp người, hẳn trước khi chết kẻ này đã uống độc dược. Vì sợ dính phải
mủ độc nên bọn họ chỉ dám gảy gảy bằng sào tre, khều hết những thứ trên người
xác chết ra xem, ngoài vài chai lọ đựng thuốc, một hình nhân bằng giấy đủ cả
chân tay, còn có một cái túi da to tướng, bên trong đựng đầy hạt đậu cứng đen,
mọi người thây thế đều mơ mơ hồ hồ, không biết trăm thứ bà rằn này là thế nào.
Cuối cùng có kẻ khều ra được một tấm kim bài từ eo
xác chết, tấm kim bài bên trên khắc chữ, lão Trần và Gà Gô đều biết cổ văn, vừa
nhìn đã nhận ra ngay đó là bốn chữ Triện cổ rắn rỏi “Quan Sơn thái bảo.”
Hai người thoạt nhìn thấy vật này, đầu óc đang mờ mịt
chợt lóe lên một tia sáng, bỗng nhớ một chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước,
thì ra ngôi mộ cổ Bình Sơn này đã có người nhanh chân đến trước, bọn họ không
phải là nhóm trộm mộ đầu tiên đặt chân đến nơi đây! Hai người đồng thanh thốt
lên: “Té ra là Quan Sơn thái bảo của Đại Minh!”
Lão Trần cúi đầu ngẫm nghĩ hồi lâu, đoạn sai người
kéo cái xác tới lò luyện đơn châm lửa đốt, sau đó mới quay lại hỏi Gà Gô: “Chuyện
Quan Sơn rất khó đoán định, trước đây chỉ coi là truyền thuyết dã sử không có
thật, giờ mới biết thì ra trên đời đúng là có Quan Sơn thái bảo thật. Hiền đệ
đi khắp thiên hạ, đã nghe nói tường tận bao giờ chưa?”
Gà Gô đã từng nghe nói đến chuyện này nhưng cũng
không hơn lão Trần là mấy. Tương truyền nghề trộm mộ trong thiên hạ có tiếng
tăm, truyền thống chỉ gói gọn trong bốn phái Phát Khâu, Mô Kim, Ban Sơn và Xả
Lĩnh, nói bốn phái nhưng kì thực là ba nhánh, bởi Phát Khâu thiên quan và Mô
Kim hiệu úy vốn là một. Sau khi ấn Phát Khâu bị hủy, trên đời chỉ còn lại Mô
Kim hiệu úy, cùng Xả Lĩnh lực sĩ người đông thế mạnh và Ban Sơn đạo nhân cơ mưu
biến hóa.
Ngoài ba môn phái này, còn lại toàn là đám trộm cướp
vặt, có chút tiếng tăm chẳng qua cũng chỉ là phiên huân tử cõng xác ở phương
Nam, còn những phường trộm gà trộm chó đều không đáng nhắc đến. Nhưng trong lịch
sử nghề trộm mộ mấy trăm năm vẫn lưu truyền một truyền thuyết vô cùng thần bí.
Nghe nói vào thời Minh có một đám nghệ nhân đổ đấu gọi là “Quan Sơn thái bảo,”rất
giỏi quan núi chỉ mê, đã bí mật đào được vô số lăng tẩm đế vương, thủ pháp và động
cơ trộm mộ của bọn họ trước sau không ai biết được, một khi đã ra tay, ngay cả
thần tiên cũng không ai đoán nổi. Truyển thuyết chỉ nói có vậy, người đương thế
càng không biết gì về họ, ngay cả sự tích Quan Sơn trong truyền thuyết cũng
không rõ thật giả thế nào.
Không ngờ hôm nay lại gặp phải một thây ma Quan Sơn
thái bảo trong một đường hầm đằng sau lộ phòng Bình Sơn. Nhìn phục trang phong
thái, cũng như những thứ kẻ này mang theo bên mình, thực đều hết sức kì quái,
bình sinh hiếm gặp. Lão Trần bất giác liên tưởng tới trong đám phi tặc mò mẫm
ngàn nhà đi qua trăm hộ trước đây, có phái chỉ nhờ vào “thuật thu cốt” mà có thể
chui qua lỗ chó hang chuột, mò vào cả những nơi kín cổng cao tường, khoắng hết
tiền của trong nhà, sau đó lại theo đường cũ chui ra.
Nhưng tà thuật này bị hạn chế về mặt thời gian, một
khi quá giờ, tên trộm sẽ kẹt cứng trong phòng ngay. Có điều đây đây chẳng qua
chỉ là mấy lời đồn thổi đầu đường xó chợ, nếu trên đời này quả thật có thuật
thu cốt tháo cùm phá gông thì cũng chỉ là phép tháo khớp chứ làm sao có thể
chui qua được lỗ chó mèo. Bên cạnh đó còn có thuật áp vong gần giống với thuật
điều khiển cương thi, có thể điều khiển người giấy chó giấy chui qua khe hở
trên tường để trộm cắp, nguyên lí điều khiển hoàn toàn không phải cho hồn nhập
giấy, mà ép buộc lũ sâu kiến trở thành những tên trộm, nội tình cụ thể bên
trong lão Trần cũng không nắm được.
Trông người giấy trong lầu sắt và Quan Sơn thái bảo
chết ngoài cửa, hình như đang dùng phương thuật tà môn để trộm đơn dược trong lầu,
do muốn tránh bị rết độc trong núi bị cắn chết nên vị Quan Sơn thái bảo này đã
tự mình uống thuốc để có thể chui vào trốn trong đây, nhưng có vẻ bố cục của
cây thi quế già và bốn tòa lầu sắt vượt ngoài dự liệu, khiến ông ta mất quá nhiều
thời gian cuối cùng phép hết mạng tận ở đây.
Lão Trần dựa vào kinh nghiệm bản thân suy đoán được
bảy tám phần, có điều thuật trộm mộ của Quan Sơn thái bảo kì dị vô cùng, người
ngoại môn căn bản không thể nhìn ra ngọn nguồn. Đám trộm Xả Lĩnh vì muốn đào trộm
mộ cổ Bình Sơn có thể nói đã dốc hết toàn lực, không chỉ hao tiền tốn của mà
còn tổn thất không ít nhân mạng, không ngờ lại gặp cảnh “nhất xuất nhị tiến
cung,” chậm chân hơn Quan Sơn thái bảo đến mấy trăm năm.
Nhưng cái thây đen này chết trong đường hầm, trên
người chẳng có thứ minh khí châu báu nào, lại không người nhặt xác, điều này chứng
tỏ vị tiền bối này tuy nhanh chân đến trước, vào được Bình Sơn đào báu vật,
song không hề có bạn đồng hành, nếu thực có mộ cổ trong núi, chắc phần lớn của
cải trong mộ mật thất vẫn còn nguyên vẹn.
Nghĩ đến đây, lão Trần cũng yên tâm phần nào. Xưa
nay giữa các phái trộm mộ không mấy khi có thù hằn ân oán, trước sau không có
chuyện can thiệp vào công việc của nhau, ai chậm chân hơn người khác, vào mộ cổ
đổ đấu phát hiện thấy đã có người đào qua thì tối đa cũng chỉ trách mình đen đủi
mà thôi. Bởi vậy đám người Xả Lĩnh cũng không mấy bận tâm trước việc phát hiện
ra một cỗ cổ thây đeo bên mình thẻ bài Quan Sơn trong mộ, dù sao cũng là cổ
nhân chết cách đây hai triều đại rồi, sau khi thiêu hủy cái xác trong lò gạch,
chẳng ai còn để ý đến chuyện này nữa.
Sau khi đống của báu dưới cây quế già được khuân đi
hết, đám trộm liền cử ra mấy tên tay chân nhanh nhẹn đi trước dò đường, số còn
lại cùng với lão Trần và Gà Gô dàn hàng theo sau, tiến vào đường hầm. Con đường
trong lòng núi này ngoằn ngoèo uốn lượn, cao dần lên theo thế núi, đi được một
quãng, con đường đá càng lúc càng dốc, rồi bỗng chốc biến thành một cầu thang
đá, trèo lên lại là một cái hang chật hẹp, cửa mật đạo đã bị mở toang, mọi người
xách đèn đuốc chui ra khỏi hang, thấy trước mắt bày ra một đống phế tích cung
điện hoang tàn đổ nát, ngói gỗ ngổn ngang.
Quả nhiên không ngoài dự liệu của lão Trần, chỗ này
chính là gian hậu điện mà nhóm trộm mộ đã vào ban đầu. Hành lang giữa hậu điện
và điện Vô Lượng trong đơn cung đã bị người Nguyên bịt kín bằng đá tảng và đồng
nung, còn tòa điện thì bị bọn lão Trần cho một mồi lửa lúc bỏ chạy thoát thân.
Mật đạo thông từ đây tới giếng đơn được giấu trong khuôn viên non bộ, vị trí vô
cùng kín đáo, nếu không phải từ trong đó chui ra, tìm từ bên ngoài hậu điện sẽ
không bao giờ thấy.
Đến được đây rồi, lão Trần không khỏi sốt ruột trong
lòng, lũ rết trốn trong núi đã bị diệt sạch, nhưng trước sau vẫn chưa tìm thấy
dấu vết của mộ thất, chỗ nào cũng là mồ giả mả trống, khiến lão không nhịn được
thầm rủa lũ người Nguyên xảo quyệt. Mộ cổ khó đào nhất trong mọi thời đại chính
là mộ cổ thời Nguyên, bởi thời Nguyên dung hòa thu nhận nhiều luồng văn hóa,
cùng là vương công quý tộc nhưng phong tục an táng lại khác nhau một trời một vực.
Bố cục và địa điểm của lăng mộ mang đậm phong tục vùng sa mạc phía Bắc Tây Vực,
lại pha lẫn cái huyền diệu của thuật phong thủy Trung Nguyên, những mộ phần
chôn ngang táng ngược chính là kết quả của thời kì đặc biệt này, cho nên chuyện
nghệ nhân đổ đấu đào được mộ cổ đời Nguyên đa phần đều là đào bới lung tung mà
được, chứ xưa nay mộ cổ đời Nguyên vẫn là “điểm mù” của dân trộm mộ.
Lúc này có một tên thuộc hạ hiến kế với lão Trần, đã
tìm khắp lượt mà vẫn không thấy mộ thất đâu, sao không dùng thuật Ủng thành
thám thính?Thuật Ủng thành có nghĩa là đào một cái hố trong núi, chôn xuống một
cái vò vừa đủ để người chui vào, sau đó kẻ trộm mộ nằm phục trong vò, gần như
chôn mình trong lòng đất, nhờ sự khuếch đại âm thanh của cái vò khổng lồ để
thám thính vị trí không gian trong lòng đất.
Lão Trần lắc đầu, nghe đã biết là kẻ ngoại đạo. Thuật
Ủng thành chỉ có thể thăm dò lòng đất ngay dưới chỗ chôn vò, thường dùng tại
nơi có thổ tầng, thế núi Bình Sơn xiêu vẹo thế này, khắp núi đâu đâu cũng là đá
xanh, về cơ bản không thể làm vậy được. Hơn nữa lần đầu thăm dò Bình Sơn, lão
Trần cũng đã dùng “quyết văn” nghe ngóng, chỉ biết được động huyệt trong lòng
núi rất lớn, cái nọ nối tiếp cái kia, nhưng cũng chính vì động huyệt quá lớn
nên ảnh hưởng tới độ chính xác của tiếng vọng trong lòng đất, dù thính lực của
lão hơn hẳn người thường, cũng không thể phân rõ hình dáng từng nơi trong lòng
núi, vì thế không thể dùng cách này.
Nay Ủng thành, đơn cung Vô Lượng, giếng đựng thây, lộ
phòngbằng sắt và hậu điện, đều đã tìm khắp lượt mà vẫn không thấy chỗ chôn tay
tướng Nguyên kia, không hiểu có phải huyệt mộ này chẳng những bên trên kín mít
không cây không cửa, mà còn được lấp kín bằng đất nên mới không có kẽ hở nào
như vậy hay không. Ở nơi địa hình phức tạp như trong lòng Bình Sơn, nếu quả thật
mộ phần được làm bằng đất nện sẽ không có cách nào tìm ra, người Nguyên không dựng
mộ theo hình thức phong thủy, nên sợ rằng dù có Mô Kim hiệu úy tới đây tương trợ
cũng không thể dùng Phân kim định huyệt đào thẳng đến hoàng long.
Song lão Trần cũng biết, lần này tuy kiếm được nhiều
đồ quý giá, nhưng nếu không tìm ra mộ huyệt thực sự thì vẫn coi như thất bại, đầu
tư một khoản lớn thế mà rốt cuộc lại công cốc quay về, từ nay lão thân làm thủ
lĩnh còn mặt mũi nào đi tranh cao thấp với người trong thiên hạ.
Đang khi khó xử, Gà Gô chợt nảy ra một suy đoán,
nghe đất tìm mồ tuy rằng hiệu nghiệm, nhưng quy mô đơn cung trong núi Bình Sơn
quá lớn, khiến mọi người dồn hết chú ý vào đó mà bỏ qua địa hình của núi. Dáng
núi Bình Sơn giống như chiếc bình quý thần tiên đựng tiên đơn, cả quả núi không
khác nào một chiếc bình cổ, lòng núi cũng rỗng như ruột bình, đơn cung bảo điện
đều được xây trong đó, cho nên dân trộm mộ tới đây chỉ chăm chăm vào hang động
trong núi mà quên mất miệng bình trên đỉnh núi.
Lăng tẩm thời xưa đều xây trong lòng đất, xẻ núi làm
quách, đục đá xây lăng, một thất cũng nằm sâu trong núi, nhưng mộ cổ Bình Sơn lại
thuận theo lẽ thường? Rất có thể vị trị huyệt mộ sẽ hoàn toàn trái ngược với
các mộ cổ thông thường, xây tít trên đỉnh núi cao, dưới chân núi chỉ cố tình bố
trí huyệt mộ giả không để đánh lừa tai mắt.
Đỉnh núi Bình Sơn cheo leo hiểm trở, nếu quả thật mộ
cổ được chôn trên đó, ưu điểm người đông thế mạnh của đám trộm Xả Lĩnh sẽ không
có đất dụng võ, kế sách oái ăm này thực nằm ngoài dự liệu của mọi người. Nhưng
Gà Gô có tài tùy cơ ứng biến, kinh nghiệm trộm mộ cũng cực kì phong phú, vòng
ra vòng vào núi đã đoán ra khả năng này.
Lão Trần luận về tài trí mưu lược không hề thua kém
Gà Gô, không hiểu sao lão thống lĩnh đám trộm cướp khắp thiên hạ, mưu đồ nghiệp
lớn, lòng dạ sâu hiểm, nhưng đến khi gặp phải vấn đề nan giải lại không sáng suốt,
nhạy bén bằng Gà Gô, nên trước sau không mảy may nghĩ tới chi tiết này. Giờ
nghe Gà Gô nói vậy lão mới sực tỉnh, vội nói: “Thực ra là một câu nói vén cả
màn mê!” Người Nguyên xây mộ trong đơn cung Bình Sơn là có ý đồ trấp áp người Động
Di, cái này gọi là thuật Áp thắng, bày trận Áp thắng trong lăng mộ quả thật hiếm
thấy, nhưng thợ buộc lầu bày trận Áp thắng cho dương trạch thường ở nơi cao nhất
trong nhà, nên chắc chắn mộ cổ Bình Sơn được chôn trên đỉnh núi.