Ma thổi đèn (Tập 7) - Chương 23

CHƯƠNG
23

TÀI
KÊ LỆNH

Gà Gô nói con gà này gọi là gà Nộ Tinh, kim kê báo
sáng vốn có ý phân biệt đêm ngày âm dương, tiếng gáy sáng của gà Nộ Tinh chẳng
những có tác dụng xua yêu giải độc, mà còn có thể diệt trừ ma quỷ. Loài gia cầm
bình thường chỉ có mí mắt dưới, con gà này có mí mắt trên thì đích thị là “Phượng
Hoàng,” tuy cũng gọi là gà nhưng tuyệt nhiên không thể xem như gà thường.

Trên đời này thật sự có phượng hoàng hay không, chưa
ai tận mắt trông thấy nên cũng không tiện bàn luận lung tung. Ngày nay nhiều
người cho rằng “huyền điểu dụ hồn” chính là bắt nguồn từ tô tem gà trống. Từ thời
Xuân Thu Chiến Quốc đã có truyền thuyết về gà Nộ Tinh, nhưng đến thời Dân Quốc
hiện nay, giống gà quý này rất hiếm gặp, dù ngay trên vùng đất Nộ Tinh Tương
Tây đã sản sinh ra chúng, cũng dễ đến một hai trăm năm mới gặp một lần. Xưa nay
“rồng bay phượng hót” vốn là điềm lành trong cõi nhân gian, bởi loài linh vật
này chính là kết tinh của trời đất, giết hại bừa bãi tất sinh ra đại họa.

Gà Gô khẩn thiết nói với chủ nhà: “Vì thế mới khuyên
lão trượng không nên động dao giết gà.” Nói xong liền nhắc ông ta thực hiện
giao ước khi nãy, nhượng lại con gà ngũ sắc cho mình, bản thân cũng chẳng lấy
không, trong cái sọt sau lưng Hồng cônương có một túi muối to, dễ đến hơn năm
cân. Ở vùng sơn cước, muối còn có giá hơn tiền, đối với dân bản nơi thâm sơn
cùng cốc này, hơn năm cân muối đâu phải chuyện nhỏ, Gà Gô bằng lòng mang túi muối
này đổi lấy con gà.

Ông chủ nhà nghe xong mới biết, hóa ra gà trống nhà
mình đúng là báu vật nhân gian, bình thường giết gà mổ lợn là chuyện không đáng
phải bàn, nhưng giết phượng mổ rồng thì ai có gan? Thế khác nào tự chuốc lấy vận
đen? Ông ta lập tức bỏ ý định giết gà, chỉ giận mình lâu nay không chịu để ý mí
mắt con gà cổ quái như vậy, giờ thì đành trơ mắt ếch, đem báu vật nhà mình trao
cho đám thợ buộc lầu. Ông có ý muốn hủy giao ước, nhưng cũng là kẻ có chút hiểu
biết, vừa trông hai người Gà Gô và lão Trần đã biết không phải thợ buộc lầu tầm
thường, chẳng may đắc tội với thợ buộc lầu biết bày bùa trận thì rắc rối to,
đành chịu thiệt, cắt đặt con trai mang gà Nộ Tinh nhốt vào trong sọt tre, đem đổi
lấy túi muối của đám thợ mộc.

Lão Trần đứng bên nhìn thật sướng mắt, hằng ngày lão
tự cho mình tài trí hơn người, bụng đầy học vấn, mấy năm nay lại dẫn dắt phái Xả
Lĩnh đi khắp nơi trộm mộ, cũng coi là học cao hiểu rộng, ăn không ít gà quay,
chém không ít đầu gà kết nghĩa, vậy mà quả thật cũng không biết mí mắt bọn gà nằm
trên hay dưới.

Bây giờ mới biết núi cao còn có núi cao hơn, người
tài còn có người tài hơn, không thể không thầm giơ ngón tay cái khen ngợi. Ban
Sơn đạo nhân thịnh vào thời Đường, đến nay tuy đã lâm vào cảnh chợ chiều, môn đệ
còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng thuật Phân Giáp đã truyền cả ngàn năm
quả có chỗ kì diệu. Mấy năm gần đây lại xuất hiện một nhân vật kiệt xuất như Gà
Gô, xem ra ngày sau chính là thời Ban Sơn đạo nhân chấn hưng, nếu kéo được họ
cùng nhập hội với Thường Thắng sơn thì lo gì Xả Lĩnh không có ngày hưng thịnh?

Lão Trần còn đang âm thầm tính toán làm thế nào để
kéo được Ban Sơn đạo nhân nhập bọn, thì Gà Gô đã trao đổi xong xuôi, cõng trên
lưng sọt gà Nộ Tinh, chắp tay cáo từ chủ nhà rồi quay người bước ra khỏi cổng.
Thấy lão Trần vẫn thừ người như kẻ mất hồn, Hồng cô nương liền kéo nhẹ tay lão.
Lúc ấy lão mới giật mình sực tỉnh, vội vã chắp tay, cười hì hì với hai cha con
chủ nhà, nói: “Đã quấy quả lão trượng, nếu có gì đắc tội, xin lão trượng hải hà
lượng thứ, xin cáo từ.” Nói xong liền giũ tay áo, dẫn Hồng cô nương và anh
chàng người Miêu dẫn đường đuổi theo Gà Gô.

Chủ nhà từng là môn đệ phái Kim Trạch Lôi Đàn phải
ngậm bồ hòn chịu thiệt, lại thua kém hiểu biết, càng nghĩ càng bực mình, thâm
tâm ông ta cũng linh cảm đám người này không giống thợ buộc lầu, không nhịn được
bèn nói với theo: “Bái sơn bái đến Bắc Cực sơn, Bắc Cực sơn mây tía tràn đầy,
thập thất nhị danh sơn thiên hạ, chỉ có Bắc Sơn ánh kim quang... Cướp gà Nộ
Tinh nhà tao, tốt xấu gì cũng nên để lại cái tên!”

Thời đó bọn kết đảng buôn lậu nhiều như trấu vãi, lại
thêm đám người chuyên hành tẩu giang hồ mãi nghệ kiếm ăn, lục lâm khắp nơi phân
thành hai phái chính tà riêng biệt, đều lấy chữ “sơn” làm hiệu, mỗi “sơn” đại
diện cho một ngành nghề hoặc một tổ chức độc lập, trong thiên hạ lớn thì có ba
mươi sáu, nhỏ thì có bảy mươi hai “sơn,” ví như cánh thợ mộc đều thuộc Hắc Mộc
sơn; ăn mày hành khất là Bách Hoa sơn; phường Cổ thái Hí pháp tạp kĩ mãi nghệ
là Nguyệt Lương sơn; còn mấy môn đạo trước nay đều tự xưng là Bắc Cực sơn, thực
ra cũng chỉ là nói phét không mắc cỡ, ám chỉ nơi thần tiên cư ngụ. Các nghề khi
báo sơn đầu với nhau đều dùng tiếng lóng, gọi là “sơn kinh,” trong mỗi nghề mỗi
đạo cũng có tiếng lóng riêng không truyền ra ngoài, so với “sơn kinh” thì phạm
vi sử dụng nhỏ hơn nhiều. Chủ nhà cho rằng đám thợ mộc này không giống nghệ nhân
Hắc Mộc sơn, nên buột miệng dùng ám ngữ trong “sơn kinh” hỏi xem rốt cuộc bọn họ
là người phái nào.

Chủ nhà đã tự báo gia môn, nhưng trùm sỏ Ban Sơn Xả
Lĩnh nào xem bọn Bắc Cực sơn ngoại đạo ấy ra gì. Lão Trần nghe xong chỉ hừ một
tiếng, vờ như không biết, cùng Gà Gô chăm chăm bước thẳng không thèm quay đầu,
đằng nào cũng đã lộ hành tung, đôi ba cái lễ giáo chẳng cần quan tâm làm gì, một
lão già cặn bã trong cái môn đạo vớ vẩn, đến xách giày cho thủ lĩnh bọn lão còn
không xứng nữa là.

Nhưng theo quy định trong giới giang hồ, chỉ cần đối
phương xưng tên hiệu trước, người nghe thấy buộc phải đáp lại một câu, đây gọi
là “người quang minh không làm việc mờ ám.”Lão Trần đã làm lơ thì Hồng cô nương
đi sau phải báo sơn đầu thay cho thủ lĩnh, lời lẽ cô ả cũng xem như “khiêm tốn,”
không nhắc Bắc Cực chỉ so Côn Luân.

Bởi Côn Luân là tổ tiên của các ngọn núi, không nghề
nào dám lấy Côn Luân làm tên hiệu, thế khác nào tự xưng thủ lĩnh của người khắp
thiên hạ, chỉ có quan phủ triều đình mới được xưng là Côn Luân sơn. Trong số một
trăm lẻ tám sơn đầu chỉ có Côn Luân là ngọn núi thật, những tên núi khác đều là
hư danh, chỉ quan lại hoặc đám cảnh sát quân đội mới được bách tính trộm gọi là
Côn Luân sơn. Ngoài những kẻ có tâm làm phản, coi thường vương pháp, còn chẳng
ai dám tùy tiện so mình với núi Côn Luân. Hồng cô nương nghĩ vậy lập tức đáp rằng:
“Phỏng sơn có phải phỏng Côn Luân sơn[26], Côn Luân sơn cao thần tiên lắm, Thường
Thắng còn cao hơn Côn Luân, khí phách trên non thấu tận mây.”

[26]
Phỏng sơn phải phỏng Côn Luân Sơn, “phỏng” tức là “bái,” người của Thường Thắng
Sơn không bao giờ nhắc đến từ “bái,” nên cố tình dung “phỏng” để thay thế
.

Ông chủ nhà nghe rõ mồn một, giọng Hồng cô nương tuy
không cao nhưng từng từ từng chữ lọt vào tai ông ta đều như sấm nổ giữa trời
quang, hai chân ông ta nhũn ra, cả người ngã phịch xuống đất.

Anh con trai ngờ nghệch làm sao hiểu được đoạn ám ngữ
đối đáp này, thấy cha ngồi bệt xuống đất lại tưởng trúng gió, vội giơ tay ra đỡ:
“Cha... cha sao vậy?” Ông chủ nhà mặt mày xám ngắt, tim đập thình thịch, thở dốc
mấy hơi mới trả lời được: “Ối cha mẹ ôi, đám buộc lầu đó... là quân trộm cướp...
Thường Thắng sơn!”

Từ đám môn nhân đệ tử Kim Trạch Lôi Đàn cho đến tất
cả những kẻ tu đạo ở Bắc Cực sơn, bất kể đạo sĩ hay phương sĩ, chẳng qua chỉ là
vẽ bùa đuổi tà kiếm miếng ăn lay lắt, lừa lọc ngu dân kiếm chút bạc tiền mà
thôi. Nay thiên hạ đại loạn, lại đã là thời Dân quốc rồi, còn ai rỗi hơi tin
vào mấy thứ bùa chú luyện đơn ấy nữa? Đám người Bắc Cực sơn đến sống lay lắt
qua ngày còn khó, sao sánh được với chúng thái tuế chuyên giết người phóng hỏa,
tụ tập làm phản của Thường Thắng sơn? Vào thời đó, trộm cướp và phiến quân
không khác nhau là mấy, chúng xông vào phủ huyện gặp thành to thành nhỏ đều cướp
sạch chẳng tha, tiện tay giết vài mạng dân đen còn dễ hơn di mấy con kiến.

Thường Thắng sơn tuy không có hưng thịnh như xưa,
nhưng vẫn nắm trong tay mười mấy vạn quân trộm cướp rải rác khắp các tỉnh lớn,
còn ngấm ngầm chống lưng cho mấy thế lực phiến quân, nếu thật sự hợp sức lại
thì những tỉnh thành lớn có trọng binhtrấn giữ cũng khó lòng chống đỡ, Hồng cô
nương báo danh vậy là muốn dọa cho chủ nhà sợ vỡ mật. Ông ta nghĩ lại mà run, vừa
nãy nếu có ý hủy giao kèo, không chịu giao gà Nộ Tinh theo thỏa thuận, chọc giận
lũ trộm cướp giết người như ngóe đó, sợ rằng giờ này già trẻ lớn bé trong nhà
đã mất mạng cả rồi. Nghĩ vậy, ông ta vội cất cờ dẹp trống, đóng chặt cổng giả,
trốn biệt trong nhà không dám ho he tiếng nào.

Bọn lão Trần lấy được gà Nộ Tinh dễ như trở bàn tay,
yên tâm rời khỏi bản Kim Phong, quay về nghĩa trang Lão Hùng Lĩnh. Lúc này vết
thương của La Lão Oai đã khỏi được bảy tám phần, con mắt độc nhất của hắn long
lên sòng sọc, thề dẫn quân lật tung núi Bình Sơn, mặc kệ Thi vương Thi hậu gì
gì, nhất định phải lôi mấy cái xác khô thời Nguyên ấy ra khỏi mộ cổ giày xéo
cho hả dạ, đốt xương cốt thành tro mới giải được mối hận này.

Lão Trần nói, một dải Bình Sơn Lão Hùng Lĩnh là nơi
sản sinh nhiều chu sa, dược liệu nên sơn dân thường liều chết lên núi hái thuốc,
vì thế có nhiều truyền thuyết bắt gặp cương thi trong núi, giờ đã tìm được khắc
tinh của độc vật bên trong mộ cổ, nhưng lũ cương thi mấy trăm năm kia một khi
đã thành tinh thì cũng phải đề phòng. Nghe nói cương thi là thứ chết rồi không
hóa, những cổ thi đó nếu chết đúng giờ âm ngày âm tháng âm năm âm, nhờ vào âm
khí trời đất sẽ không thối rữa, ban đêm thường hiện về ăn não người sống. Chúng
ta phá núi Bình Sơn ngoài việc diệt trừ hết lũ yêu tà trùng độc, vét sạch của
báu trong mộ đem mưu đồ đại sự, cũng phải nghĩ cách trừ khử Thi vương Tương
Tây, làm vang danh tên tuổi Ban Sơn Xả Lĩnh.

Gà Gô gật đầu đồng ý, địa hình Tương Tây đa phần là
núi cao nước xiết, rừng sâu lắm hang động, cách biệt với thế giới bên ngoài, là
nơi người Di Hán quần cư nên phong tục tập quán khá đặc biệt. Truyền thuyết về
Thi vương Tương Tây đã lưu truyền không dưới hàng trăm năm, phàm những người
lên núi hái thuốc bán hàng hoặc đào mồ trộm mả, phải qua đêm nơi núi hoang vắng
vẻ, gặp phải bất trắc là chuyện thường tình, trong số đó quả thật có vài người
bị khoét rỗng não, chết rất lạ lùng, nên sơn dân bản địa mới tin chuyện Thi
vương ăn não người sống là có thật. Gà Gô vốn không tin chuyện này, nhưng nhiều
sơn dân đã thề độc từng trông thấy cổ thi đời Nguyên ăn thịt người trên núi, nếu
không tận mắt trải nghiệm, quả khó đoán định thật giả.

Mô Kim hiệu úy có ấn Phát Khâu, dây trói thây, móng
lừa đen và kim Tinh Quan đóng thây để đối phó với cương thi. Ban Sơn đạo nhân
cũng có tuyệt kĩ Khôi Tinh Thích Đẩu chuyên đá cương thi; phái Xả Lĩnh lại có
các loại khí giới như lưới quần thây giống như lưới bắt cá, sào khiêng thây...
Vào trong mộ cổ Bình Sơn không tìm được Thi vương đời Nguyên thì thôi, nếu đụng
phải thật, mọi người cùng tung ra tuyệt kĩ, nhất định phải bắt lấy nó đốt thành
tro.

Đám trộm cùng bàn mưu tính kế, trước tiên cắt cử một
nhóm người vào các bản làng thu mua gà sống, chỉ lấy gà trống không lấy gà mái,
đằng nào việc quân đội của La Lão Oai vào núi lấy cớ diễn tập để trộm mộ cũng bại
lộ rồi, không làm thì thôi, đã làm phải làm cho trót, chẳng cần giấu giấu giếm
giếm nữa làm gì. Mộ cổ Bình Sơn đã nằm trong tầm ngắm của Thường Thắng sơn, những
thế lực khác muốn nhằm vào nó, ít nhất cũng phải cân nhắc xem thực lực thế nào,
chắc không dám manh động.

Nếu trong mộ cổ quả thực có giếng châu báu từ thời Tống,
dù bị quân Nguyên cướp mất một phần, số còn lại đem làm đồ tùy táng cũng tương
đối đáng kể. Mộ người Nguyên chôn sâu táng lớn, nhưng không có nghĩa là dùng
toàn áo giấy quách đất giản tiện việc mai táng, đồ tùy táng cũng hậu hĩnh vô cùng.
Có thể thấy huyệt mộ và địa cung trong núi Bình sơn tuyệt đối không nhỏ, một
khi đào được, đừng nói là trang bị vũ khí Anh quốc cho một sư đoàn, ngay cả lập
ra hai sư đoàn vũ khí Đức quốc e vẫn đủ, đám trộm nóng lòng sốt ruột, vội vã bắt
tay chuẩn bị.

Mấy hôm sau, lão Trần chọn ngày hoàng đạo tiến hành
lễ “kết liên minh,” lấy nghĩa trang Lão Hùng Lĩnh làm nghĩa đường. Đám trộm trước
khi tiến vào Bình Sơn đổ đấu lần thứ ba, cần phải kính cáo trời đất, bởi việc lần
này không giống mọi khi, Ban Sơn, Xả Lĩnh hai ngọn sơn đầu bắt tay hành sự,
không còn đơn thương độc mã nên cần phát nguyện trước mặt Thần minh, một là tỏ
đồng tâm, hai là cùng kết nghĩa, tránh cảnh ham lợi quên nghĩa giữa đường, tạo
phản ngay trong nội bộ.

Hôm đó hương án được bày trong mảnh sân đổ nát của
nghĩa trang, thực chất chính là bàn thờ chuẩn bị cho người chết trong toàn
quán. Trên án bày thủ cấp ba loài gia súc lợn, bò và dê, sau treo bức họa hai vị
tổ sư gia Tây Sở Bá Vương và Ngũ Tử Tư, cùng thần vị Quan đế bên trên. Đám trộm
khấu đầu bái tổ sư gia trước, sau mới cắt máu ăn thề.

Do không phải kết nghĩa nên rượu huyết không cần máu
cắt từ ngón tay giữa mà chỉ dùng máu gà. Việc cắt máu gà do người phụ trách
nghi lễ đảm nhiệm, tùy ý chọn lấy một con trong số gà trống thu được mấy ngày nay,
trước tiên xướng bài ca ngợi gà trống, khen con gà này tốt ra sao, vì cớ sao mà
phải giết, bởi đây là bài tán khẩu hát khi cắt tiết giết gà nên còn được gọi là
“Tài kê lệnh.”

Mặt trời đã lặn sau dãy núi phía Tây, núi rừng mênh
mông dần trở nên mơ hồ. Trong ánh hoàng hôn, đám trộm đốt đuốc xung quanh thắp
sáng mảnh sân, chỉ nghe tiếng người chấp sự cao giọng đọc rằng: “Gà này không
phải gà thường, thân khoác lông ngũ sắc, gót mang cựa ngũ đức, mào đỏ uy phong;
gà bay lên đỉnh Thiên cung, Ngọc Đế gọi là Tử vân kê, bay tới núi Côn Luân,
nhân gian gọi là gà báo sáng; hôm nay rơi vào tay đệ tử đặt tên là gà Phượng
hoàng, gà Phượng hoàng thế gian hiếm có, tiếng vang khắp miền Nam Bắc; mượn máu
tươi mày tế trời đất, dâng lên chư vị thần linh, hai chữ trung nghĩa trước sau
như một, đồng tâm hợp lực lên tận trời xanh...,” chưa dứt lời đã dùng dao cứa cổ
gà, đem máu gà nhỏ vào bát rượu.

Tiếp đó, đám trộm tay bê bát rượu lập lời thề, cũng
không nằm ngoài mấy chữ “đồng tâm đồng đức, tụ lực đoạn vàng,” sau cùng thề độc
để tỏ rõ tấm lòng, nếu ai trái lời thề, thiên địa quỷ thần không dung, tất sẽ bị
trời tru đất diệt.

Người chấp sự đứng bên ghi tất cả những lời thề ấy
vào một tờ giấy vàng, đoạn cuộn lại giơ lên cao hỏi rằng: “Minh thệ ở đây, lấy
gì làm chứng?”

Được hai vị đại thủ lĩnh là lão Trần và Gà Gô dẫn đầu,
đám người đồng thanh đáp ran: “Có tán thi làm chứng.”

Người chấp sự lại giơ cao cuộn giấy vàng hỏi: “Tán
thi ở đâu?”

Cả đám trộm mặt mày nghiêm trang, không dám chểnh mảng,
lập tức ngửa mặt lên trời đọc hết bài tán thi kết minh, bài tán khẩu này trước
ca ngợi Quan Nhị Gia nghĩa khí thầu trời: “Giáng trần mặt đỏ tóc xanh, lòng son
một tấm sánh cùng nước non, năm cửa ải chặt đầu sáu tướng, bạch mã phi nhanh tỏ
thần uy, đào viên kết nghĩa càn khôn thấu, tiếng thơm vạn cổ mãi lưu truyền.”

Sau là ca ngợi Tống Công Minh ở Thủy Bạc Lương Sơn: “Lương
Sơn Thủy Bạc một tòa thành, hảo hán trong thành trăm lẻ tám, thiên cang địa sát
tụ về đây, Cập Thời Vũ chính ngôi cao nhất, đến nay bách tính còn ngợi ca, can
đảm vô song một lòng trọng nghĩa.”

Đọc hết tán thi, đám trộm nhất tề hướng về người chấp
sự hô to một tiếng “Đốt!” người chấp sự đốt tờ giấy vàng, đám trộm đồng thời ngửa
cổ uống cạn bát rượu huyết, rồi giơ cao cái bát không trong tay, ném mạnh xuống
đất, chỉ nghe một loạt những tiếng “choang choang,” mảnh sành bắn tung tóe.

Một buổi lễ kết liên minh trong giới lục lâm nhất định
phải đầy đủ những thủ tục nói trên, đem so sánh với nghĩa cử của người xưa sẽ
thấy có phần học hỏi. Sau khi tuyên thệ, thề độc, hát tán khẩu, lại uống rượu
huyết, đốt giấy vàng, coi như lễ bái xong xuôi, hai sơn đầu đã có thể “hợp binh
một mối, cùng đánh một nhà,” giở hết tuyệt kĩ cất nơi đáy hòm, hợp sức xới tung
mộ cổ Bình Sơn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3