Ma thổi đèn (Tập 7) - Chương 02

CHƯƠNG
2

NA
TRA BÁT TÝ

Tôi nghe Kiều Nhị gia nói trong ngôi mộ dưới khu nhà
ông này “có nước mà không có cá” cũng lấy làm lạ, bởi tôi biết mộ cổ thời
Nguyên thường áp dụng theo thuật phong thủy Mật tông chôn sâu táng lớn, trên mặt
đất không có lối vào, cũng không trồng cây, trước nay vẫn là loại khó tìm nhất.
Trong ám ngữ của dân đổ đấu, đồ gốm sứ trong mộ cổ gọi là “nước” mà loại minh
khí bồi táng thường thấy nhất trong mộ cổ đời Nguyên chính là đồ gốm sứ. Nghệ
nhân đổ đấu xưa nay đều gọi xác cổ đời Nguyên là “cá,” vì mộ chủ đời Nguyên khi
nhập liệm hạ tang, đều được bọc một tấm lưới đánh cá rồi mới cho vào quan tài,
đây cũng là tập tục của người Sắc Mục[3] theo mật tông, người đời nay đa phần
khó mà hiểu nổi.

[3]
Người sắc mục: thời ngà Nguyên, tất cả các dân tộc từ vùng Tây Bắc, Tây Vực đến
châu Âu ngoại trừ Mông Cổ ra, đều gọi là người Sắc Mục

Nếu nói “có nước mà không có cá” nghĩa là trong hầm
mộ chỉ có đồ gốm sứ mà không có xác cổ, lẽ nào là loại mộ chỉ chôn áo quan và
di vật? Tôi và Tuyền béo đều rất hứng thú với chuyện đổ đấu, tính hiếu kì trỗi
dậy, liền giục lão mau kể tường tận, tốt nhất là nói xem những thứ “nước” ấy thế
nào, trị giá liệu được bao nhiêu.

Thì ra Kiều nhị gia năm xưa nhờ đổ đấu phát tài to,
nay đã rửa tay gác kiếm nhiều năm, chỉ chuyên buôn bán đồ cổ tranh chữ. Lão xuất
thân giống với tổ tiên nhà Răng vàng là phường trộm vặt dân gian, biết được
chút bản lĩnh xem vết bùn, phân màu cỏ, khứu giác và vị giác nhạy cảm bẩm sinh,
cả đời không rượu không thuốc, hễ nhắc chuyện đổ đấu năm xưa với đồng nghiệp liền
hớn hở tự cho mình là bậc nguyên lão, dáng vẻ rất đắc ý.

Bố cục thành Bắc Kinh ngày nay khởi nguồn từ thành Đại
Đô nhà Nguyên bảy trăm năm trước, do kì nhân thuật số Lưu Bình Trung thiết kế.
Nghe nói trong lòng đất thành này có nghiệt long thủy quái ẩn mình, cho nên
thành trì được kiến tạo theo hình dáng Na Tra Bát Tý, trấn long áp quái để giữ
yên vương khí. Trong bố cục thành trì đã giấu đi ba đầu sáu tay và hai cái
chân, còn lại lục phủ ngũ tạng đều đầy đủ, đây cũng là một dạng bố cục phong thủy
phức tạp, dưới lòng đất chôn xác không biết bao vương công quý tộc.

Tổ tiên Kiều Nhị gia trước là người Khâm Thiên giám,
sau được cử đi biên soạn Tứ khố toàn thư, lâu dần học hết cuốn Âm dương ngũ yếu,
rất tâm đắc với thuật phong thủy âm dương và thiên tinh tướng pháp. Truyền đến
đời Kiều Nhị gia, lão liền cậy vào chút bản lĩnh phong thủy sơ sài ấy, cùng với
khả năngxem vết bùn phân màu cỏ, liên tiếp mò được mấy ngôi mộ cổ. Khi đào ngôi
mộ cổ đời Nguyên này, vừa gạt lớp đất phía trên ra, từ trong hầm mộ có mấy làn
khí đen xông thẳng lên trời, đợi hai ngày sau khí đen tan hết lão mới dám vào
trong, tới trước cửa địa cung thì phát hiện trên cánh cửa khảm đầy ngọc.

Mừng vui khôn xiết, lão bèn lấy tay cạy, nhưng chúng
nát ngay thành bột mịn, lớp bụi màu đỏ lúc gần lúc xa, nhìn kĩ lại mới biết là
chu sa từ mấy năm trước. Bên trong mộ cổ đời Nguyên thường có chu sa, chuyện
này không có gì lạ, nhưng lão vẫn không khỏi thất vọng. Lão phá cửa vào, thấy
trong mộ thất có dây sắt treo quan tài, quan quách được treo lơ lửng trên cao bằng
vòng sắt, phòng khi nước mưa hoặc nước ngầm tràn vào làm ướt quách gỗ.

Nhưng trong mộ thất hoàn toàn không có nước đọng, có
rất nhiều bình lọ gốm sứ còn nguyên vẹn, đầy đủ như tư gia trên cõi nhân gian,
lại đều là gốm sứ Thanh Hoa cổ, bên trên vẽ toàn chuyện tu tiên luyện đan, tử
khí đông lai. Kiều Nhị gia do ảnh hưởng của gia tộc, có một tình cảm mắc mứu rất
khó gọi tên với những chuyện huyền hoặc này, cực kì tin phục, nhưng tin gì thì
tin, chuyện đổ đấu cũng không thể bỏ qua được. Lão bèn bật sang quăng nắp, chỉ
thấy trong quan tài tầng tầng áo liệm, áo tím đai vàng còn như mới nhưng trong
áo bào mũ miện lại trống rỗng, ngay cả móng tay sợi tóc của người chết cũng
không có lấy nửa cọng.

Lão hành nghề đổ đấu đã lâu nên đương nhiên biết có
loại mộ giả, mộ y quan[4], nhưng phán đoán theo kinh nghiệm thì ngôi mộ cổ này
quyết không phải là mộ trống không chủ, vậy chỉ còn một cách lí giải rằng đây
chính là bảo huyệt phong thủy, mộ chủ sau khi được hạ táng không lâu, thi thể
còn chưa kịp thối rữa khô héo đã hóa thành tiên bay lên trời.

[4]
Chính là loại mộ chỉ chôn quần áo và di vật của người chết đã nói ở trên

Sau lão lại nghe ngóng được ở gần đây có một ngôi miếu
cổ đời Minh, lúc xây miếu đã đào được trong lòng đất một tấm bia khắc chữ “Chôn
ở đây thì hóa, sống ở đây thì cát,” cũng không biết chôn từ đời nào kiếp nào.
Kiều Nhị gia vốn mê tín thuyết phong thủy nên từ đó trở đi, lão liền tìm cách để
được ở quanh khu đất này, cả đời không muốn rời xa, thậm chí còn hi vọng sau
khi qua đời cũng được chôn cất ởđây, hòng đắc đạo thành tiên thoát khỏi vòng
luân hồi.

Quả nhiên khi dọn đến đây ở, việc buôn bán của lão
ngày càng hưng thịnh, dù thay triều đổi đại vẫn không ngừng phát tài, hơn nữa,
khu nhà rách này quá tồi tàn, thời Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh đi xét nhà lục
của cũng bỏ qua chỗ này khiến lão lại càng thêm tin tưởng. Giờ nơi đây sắp bị
san phẳng để làm công viên, chuyện này sức người khôngxoay chuyển được, bởi vậy
mới mời tôi đến xem trong cái bố cục Na Tra Bát Tý này liệu còn nơi nào có
phong thủy tốt để lão chuyển nhà tới hay không.

Tôi nghe xong liền bấm bụng cười thầm, Kiều Nhị gia
bất quá cũng chỉ có vậy. Giờ dân chơi đồ cổ ở Tứ Cửu thành[5], không ai là
không biết danh tiếng của Kiều Nhị gia, song lão tuy có chỗ hơn người trên
phương diện giám định và định giá cổ vật, nhưng về thuật phong thủy thanh ô và
đạo âm dương ngũ hành thì vẫn còn kém cỏi lắm. Lão già đã từng đổ đấu, nhưng mấy
cái mồ rách của lão làm sao so được với những lăng mộ to lớn trong núi mà Mô
Kim hiệu úy từng khai quật. Mộ cổ đời Nguyên xưa nay vốn rất khó tìm, ngay
trong cuốn Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật cũng ít đề cập đến. Theo lí
mà nói, niên đại của mộ cổ đời Nguyên không thể so được với mộ thời Tần Hán xa
xưa, thi thể cho dù thối rữa tiêu tan, nhưng nếu ở trong quan tài bằng gỗ tốt
thì không thể tiêu tan hết sạch không chút dấu vết như thế được. Tại sao trong
ngôi mộ cổ Kiều Nhị gia đào được lại không có tí xương cốt nào? E là chẳng liên
quan gì đến việc hóa tiên hết. Nay mộ cổ đã bị san phẳng nhiều năm, vô căn vô cứ
nên tôi cũng chẳng có cách nào suy đoán.

[5]
Thành Bắc Kinh xưa gồm Ngoại thành, Nội thành, Hoàng thành, Tử Cấm thành. Thành
tứ Cửu là cách gọi gộp của Hoàng thành có bốn cửa thành và Nội thành có chín cửa
thành

Tôi vẫn hi vọng Kiều Nhị gia sẽ trả giá cao để mua mớ
thanh đầu nên không tiện nói trắng ra, cứ thuận theo ý lão nói bừa nói bây mấy
câu, rồi vội vàng lái sang chuyện làm ăn. Kiều Nhị gia chỉ là kẻ tập tọe trong
đạo phong thủy, nhưng xét đến nghề cổ vật vàng bạc đá quý thì lại là bậc hành
gia đích thực, hơn nữa lão từng làm nhiều phi vụ lớn, lần này đang có lòng kết
giao bèn mang hết bí quyết dưỡng ngọc ra giảng giải cho chúng tôi.

Phàm là bảo thạch trong đám đồ minh khí thanh đầu,
thường bị bùn đất nước biển xâm thực, nên lên nhiều màu sắc khác nhau, khi cất
giữ phải dùng “phép dưỡng ngọc” để khôi phục bản tính. Đồ ngọc cổ ấm nhuận thuần
hậu, mượt mà óng ánh, nhất là mang đủ loại màu sắc diệu kì, giống như mây giăng
ngang trời, hạc lượn tầng không, độc đáo khác thường, khiến người ta ngắm nhìn
mà lòng dạ thư thái.

Nhưng ngọc cổ chưa được dưỡng thì xỉn chứ không
sáng, sắc ngọc ẩn sâu không nhìn thấy được, ngọc tính giống như đá thô.

Từ xưa phép dưỡng ngọc được chia làm ba loại, dưỡng
gấp, dưỡng chậm, và dưỡng ý. Dưỡng gấp cần phải kiếm được cô gái dung nhan xinh
đẹp đeo bên người, đem hơi người ủ ngọc, đợi mấy tháng sau chất ngọc cứng lại,
dùng vải mềm cũ lau chùi, đến khi ngọc tính phục hồi thì lại dùng vải mới chà
đi chà lại, nhất định phải dùng vải thô trắng, tuyệt đối đối không được dùng vải
màu. Ngọc thạch càng lau càng nóng, lau liền mấy ngày mấy đêm, tạp chất dơ bẩn
sẽ tự nhiên mất đi, màu ngấm vào cũng tự nhiên ngưng kết với sắc ngọc, quyện
hòa càng thêm tươi đẹp, phơi bày hết giá trị hương sắc sống động của ngọc cổ.

Nhưng ngọc cổ chôn dưới đất vùi dưới nước niên đại
quá lâu, địa khí hải khí đã xâm nhập vào ngọc cốt, nếu không “mài nước” sáu bảy
mươi năm thì không dễ gì dưỡng sáng lại được. Đối với dân đổ đấu trộm mộ, ngọc
Tần Hán chỉ là ngọc cũ, ngọc của ba nhà Hạ, Thương, Chu mới gọi là ngọc cổ,
không quanh năm mang theo bên mình sờ nắn vuốt ve thì tinh quang trong ngọc tủy
tuyệt không hiển lộ, đây chính là thuyết dưỡng ngọc chậm đối với ngọc cổ.

Dưỡng ý lại vô cùng kì diệu, phương pháp này có phần
huyền bí nên nhiều người không lí giải nổi, nhưng kì thực chung quy chỉ ở tám
chữ: “lòng thành có đủ, đá vàng cũng mở.” Người dưỡng ngọc nhốt mình trong tinh
thất, đốt nhang đoạn tuyệt cõi trần, lấy khí chất tính tình dưỡng hóa tinh ngọc,
nội trong vài tháng, ngọc cổ sẽ tự khắc phục hồi nguyên trạng. Cách ngồi thiền
trong bốn bức tường này, thực chất có thể là dùng bí dược như “mỡ người cao người”
để ninh ngọc. Thủ thuật này chẳng mấy ai biết, nhưng Kiều Nhị gia lại hết sức
thông thạo, đây là tuyệt học lão cất sâu đáy hòm, cho nên mới dám trả giá cao
mua về mớ thanh đầu ngọc cũ hệt đá thô, một khi bán được qua tay, nhất định lão
sẽ lời gấp mấy lần, hạng con buôn tinh quái như lão, đời nào chịu lỗ vốn.

Tôi và Tuyền béo nóng ruột xuất hàng, nhưng nếu kiếm
một đám thiếu nữ để dưỡng ngọc theo cách của Răng Vàng thì phiền phức quá, mà đợi
mài nước dăm ba năm cũng sốt ruột, nên thấy giá cả hợp lí bèn bán tuốt cho Kiều
Nhị gia.

Hôm đó, Kiều Nhị gia giữ tôi và Tuyền béo ở lại ăn
cơm, còn lôi ra cuốn Quách tử mật địa nhãn đồ bàn về phong thủy. Cuốn sách này
là yếu quyết phong thủy Hình Thế Tông của Giang Tây, xuất hiện từ thời Tống, được
biên soạn vào những năm Vĩnh Lạc thời Minh, vừa hay có bản đồ “Na Tra Bát Tý” của
thành Bắc Kinh. Kiều Nhị gia bảo tôi chỉ cho lão xem cẫu trúc “Na Tra Bát Tý”
trong thành, tiện sau này còn tìm chỗ tốt cất nhà. Nhưng dấu tích cổ từ thời
Nguyên đã thiên biến vạn hóa, sao còn nguyên vẹn được đến tận bây giờ. Tôi đành
chỉ đại vài chỗ, bịa ra mấy câu dọa dẫm, khiến lão già sợ đến ngơ ngẩn cả người.

Tôi phát hiện cuốn Quách tử mật địa nhãn đồ này có vẻ
rất quen, hình như đã trông thấy ở đâu, chợt nhớ ra lần đầu gặp lão Trần mù tại
tiệm Thạch Bài, Thiểm Tây năm xưa, lão từng gạ bán cho tôi cuốn sách này, kết
quả bị tôi lật tẩy là hàng giả cổ, quyển sách khi đó hình như cũng chính là cuốn
sách đang nằm trong tay Kiều Nhị gia, tôi vội hỏi lão do đâu mà có.

Kiều Nhị gia bảo cách đây vài hôm, làm ăn ở Thiên
Tân có thu được một cuộn tranh cổ, nghe nói trong công viên Trung Sơn có lão thầy
bói mù xem số rất chuẩn, được xưng tụng là thần số, Kiều Nhị gia vốn cực kì mê
tín, lập tức tìm đến hỏi han, quả nhiên danh bất hư truyền. Thì ra lão tiên
sinh đó không chỉ thông hiểu số mệnh, những món như xin xăm vấn quẻ, vọng thiên
gieo quẻ hay mò cốt đoán chữ… không gì là không tinh thông, từng câu từng chữ
như lời vàng ý ngọc dẫn người ta khỏi bến mê.

Kiều Nhị gia thính mũi, ngửi thấy trên người bối
tiên sinh đầy mùi tanh bùn đất. Nhưng tiên sinh ấy bảo khi hai mắt còn sáng thường
xem phong thủy âm trạch cho người ta nên mới có mùi như vậy, chứ tuyệt đối
không phải là dân đổ đấu. Nay hai mắt đã mù, chẳng cách nào xem phong thủy phân
âm dương được nữa, chỉ còn lại cuốn Địa nhãn đồ gia truyền này, lão giao kèo với
Kiều Nhị gia, dùng cuốn cổ tập phong thủy đã thất truyền nhiều năm đổi lấy cuộn
tranh cổ Kiều Nhị gia vừa thu được.

Tôi nghe đến đây, trong long đã tỏ, thì ra lão Trần mù
không sống nổi ở Bắc Kinh nên trốn đến Thiên Tân rồi, báo hại tôi lùng sục bao
lâu, đến giờ coi như cũng có chút manh mối. Kiều Nhị gia là nhân vật máu mặt
trong giới buôn đồ cổ, vậy mà vẫn bị lão Trần đã hỏng cả cặp đèn pha xoay như
con rối. Một là do Kiều Nhị gia mê tín phong thủy thái quá, sinh ra u mê, dễ
nghe đâu tin đấy. Hai là chốn thiên hạ rồng chầu hổ phục này, rất nhiều những bậc
cao nhân chân chính cả đời đều âm thầm lặng lẽ, hạng phàm tục xuất đầu lộ diện
danh nổi như cồn trái lại đa phần chỉ hữu danh vô thực, chẳng chút bản lĩnh gì.

Tôi sốt ruột đi tìm lão Trần mù, ăn cơm xong liền hỏi
thăm cặn kẽ tình hình ở Thiên Tân, rồi vội vã từ biệt Kiều Nhị gia để Tuyền béo
buổi chiều về nhà mang hết số ngọc cổ còn lại tới, kiểm hàng giao tiền với lão,
hoàn tất vụ mua bán đã thỏa thuận. Tuyền béo cũng là nhân vật có thể độc lập
tác chiến ở Phan Gia Viên, trước nay quen bán dầu vừng, chỉ có ăn chặn của người
ta chứ không bao giờ chịu thiệt, thể nào cũng lại bịa ra lí do gì đấy chặt chém
Kiều Nhị gia cho xem.

Tôi tìm Shirley Dương trước, cùng cô nàng tới Thiên
Tân. Lão Trần mù không giống người thường, diện mạo đặc biệt, lời nói cử chỉ đều
khác người. Dựa theo thông tin Kiều Nhị gia cung cấp, nghe ngóng thêm tí nữa,
quả nhiên không mất nhiều công sức, chúng tôi đã tìm thấy lão ở chợ đồ cổ trên
đường Thẩm Dương, vừa sang tay bức họa cổ.

Lão Trần thấy tôi tìm đến Thiên Tân thì kinh ngạc lắm,
nhưng vẫn nói cứng: “Hôm đó vội vàng từ biệt ở Đào Nhiên Đình, lão phu bị một
đám các mụ đàn bà hổ báo ở ủy ban khu dân cư truy đuổi, lẩn trốn khắp nơi, khó
khăn lắm mới thoát được. Đoán chừng sau này khó mà trụ lại Đào Nhiên Đình, chường
mặt ra là bị tóm ngay, giờ lão phu tuổi cao sức yếu, chẳng may bị người ta giải
lên chính quyền thì chẳng phải đùa, nên lão bèn cải trang thành cán bộ giả, trà
trộn lên tàu hỏa tới Thiên Tân. Điểm cuối con sông Cửu này thực là nơi đất quý,
lão cứ vui vẻ ung dung tự tại ở đây thôi, không định trở về kinh kì pháp độ
thâm nghiêm kia nữa. Đợi đến sang năm xuân ấm hoa nở mới nghĩ đến chuyện xuôi
xuống phí Nam Tô – Hàng - Thượng Hải, ngẫm Giang Nam cũng là đất dưỡng nhân,
nhân tiện thì phát mấy lộ tài ở đó. Đang định tìm người đưa tin cho cậu, nhưng
bấm đốt tay đoán được hai vị Mô Kim hiệu úy Hồ Dương sẽ đến hội ngộ, quả nhiên
không ngoài dự liệu, đây chẳng phải liễu mờ hoa tỏ lại tương phùng hay sao.”

Xem ra cái tật tỏ vành tỏ vẻ của lão Trần mù vẫn
không đổi được, tục ngữ có câu: “Người cao sáu thước, thiên hạ khó giấu,” đừng
nói là chạy tới Thiên Tân, có chạy lên trời tôi cũng sẽ tìm cách lôi cổ lão xuống,
trước mắt cứ để lão bốc phét, tôi có nhiều chuyện quan trọng đang muốn hỏi lão
nên phải tìm nơi ăn tối trước đã. Trong lúc ăn cơm, Shirley Dương đem những việc
xảy ra gần đây kể lại vắn tắt cho lão nghe một lượt.

Lão Trần nghe xong liền cười khì khì nói: “Nếu Luận
về thứ bậc thì lão phu bằng vai với ông ngoại Ban Sơn đạo nhân của Dương tiểu
thư đấy. Kể ra cũng thật có duyên, lại gặp được hậu duệ của cố nhân thế này.
Xem ra đến lượt Mô Kim hiệu úy phục hưng, ngay cả hậu nhân Ban Sơn đạo nhân
cũng đeo bùa Mô Kim mất rồi. Ban Sơn Quật Tử Giáp kia lại đã tuyệt tích thất
truyền. Lão phu với thủ lĩnh Ban Sơn Gà Gô vốn là chỗ bạn cũ, chỉ vì anh ta có
khiếu khẩu kĩ, học được đủ loại âm thanh trong dân gian nên mới có biệt hiệu
này. Người này gan lớn tày trời, lại tinh thông mọi phép thuật Ban Sơn, tiếc rằng
sau này lưu lạc tận hải ngoại, chết nơi đất khách châu Mỹ, thực là… nhân thế
hơn người bản lĩnh cao, Bá Vương cũng có lúc đường cùng, ngẫm lại mà khiến người
ta bồi hồi thương cảm. Các đạo nhân Ban Sơn cơ bản không phải là đạo sĩ, chẳng
tu chân cũng chẳng cầu tiên, chỉ đi khắp nơi đào mồ quật mả tìm kiếm châu đơn,
vì tránh người đời nhòm ngó nên mới ăn mặc theo lối đạo sĩ như vậy, ngoài đào mộ
ra còn làm cả những việc giết người trong đêm tối, phóng hỏa khi gió lớn nữa.”

Lão mù càng nói càng huyên thuyên, nhưng Shirley
Dương muốn nghe chuyện cũ trong gia tộc mình nên giục lão kể chi tiết hơn tí nữa.
Lão Trần liền kể cho cô nàng nghe vài sự tích của Ban Sơn đạo nhân, toàn là những
chuyện kì quái hiếm thấy ít nghe.

Tôi lại suốt ruột muốn nghe sự tích đào mộ Tương Tây
của Xả Lĩnh lực sĩ năm xưa, bèn mượn Kiều Nhị gia gợi chuyện, hỏi lão có biết về
bí mật mộ cổ đời Nguyên không. Lão mù gật đầu nói: “Cô cậu nghe lão tiểu tử họ
Kiều ấy nói nên mới đến Thiên Tân tìm lão phu chứ gì? Thực ra cái thằng Kiều Nhị
gia đó chỉ là tên nhãi nhép trong làng đổ đấu, lão phu chưa từng nghe danh, vậy
mà nay lại phát tích trong thành Bắc Kinh cơ đấy. Con chuột ấy thì biết cái cóc
khô, ở trên di chỉ mộ cổ đời Nguyên mà cứ dương dương tự đắc, lại tưởng mình
chiếm được đất báu phong thủy chó gì…” nói xong liền cười khẩy.

Tôi nói: “Hình như trước giờ Mô Kim hiệu úy chưa từng
thực sự đào được ngôi mộ cổ đời Nguyên lớn nào, chỉ vì thuật Phân kim Định huyệt
không thích hợp với nó, nên mộ cổ đời Nguyên đến nay vẫn rất thần bí.

Lão Trần mù đang muốn khoe khoang bản lĩnh, nghe tôi
hỏi như được gãi đúng chỗ ngứa, mặt lộ rõ vẻ đắc ý, nhướng mày nói: “Ngôi mộ đời
Nguyên mà thằng Kiều Nhị đào được chỉ là một phần mộ quý tộc thông thường không
đáng nhắc đến, cái gì mà có nước không có cá, là bởi bọn họ không biết huyền cơ
trong mộ cổ đời Nguyên… Lão phu cứ nói không đầu không cuối thế này sẽ không hết
được nội dung chính. Hôm nay nhân lúc nhàn rỗi, nhân sinh vốn tan hợp vô thường,
sau khi này xuống phía Nam, một đi ngàn dặm không quay lại nữa, không biết còn
cơ hội kể lại chuyện cũ với cô cậu không. Hay là để lão phu kể lại từ đầu, đặng
cô cậu hiểu rõ nguồn cơn, sau này truyền ra cũng là để nhân thế biết rằng,
thiên hạ Vọng Tự Quyết bí thuật Mô Kim các cậu còn có những sự tích kinh thiên
động địa của Ban Sơn Xả Lĩnh chúng tôi.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3