41. Tự Do Hành Trình Gian Nan (Phạm Tiến Nam)
Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông
Tự Do Hành Trình Gian Nan
Phạm Tiến Nam
Tác giả tự bạch:
Tôi tên Phạm Hùng, bút hiệu Phạm Tiến Nam (trở về nước
Nam, hoài bão lớn nhất trong đời tôi). Sinh quán Bắc Ninh, vào Nam khi đất nước
bị chia cắt, bỏ nước ra đi đến bến bờ tự do năm 1080, sau nhiều lần bị tù tội.
Đến năm mười hai tuổi tôi vẫn còn bị mù chữ. Sinh năm 1941, đến tuổi đi học thì
quê hương chinh chiến! Theo gia đình chạy giặc đến gần biên giới Hoa Việt.
Trước năm 1975 tôi là giám đốc ngân hàng, giảng sư đại học.
Định cư tại quận Cam từ năm 1981 đến nay, làm nghề tự
do, tự học lấy bằng Master Of Business Administration, và sau đó hoàn tất học
vị tiến sĩ Quản Trị Hành Chánh ( Doctor Of Business Administration ) Suốt tuổi
trẻ, mò cua bắt ốc, mù chữ, những kinh nghiệm tránh pháo rất già dặn, hai lần
bỏ xứ ra đi, tôi nhấn mạnh trong vài dòng tiểu sử này như một thông điệp đến
những người trẻ sau tôi.
Đến hải phận rồi, anh “nái” đi.
Người tài công, cũng là chủ tàu – một thuyền đánh cá chưa đầy mười hai chiều
dài, chòng chành, ọp ẹp – niềm hãnh diện của hắn: Ghe ba “đầu bạc” (máy mạnh,
có khả năng đi xa). Hắn lui ra sau, tôi ra hiệu bảo hắn tiếp tục lái, “lấy hai
mươi ba độ tây nam”, tôi nói. Tôi rùng mình nghe rờn rợn luồn vào sau gáy, chạy
dọc sống lưng! Lần đầu tiên trong đời điều khiển Con thuyền, gần trăm sinh mạng
nương tựa vào tôi.
Từ Phước Tỉnh, hắn vào Sài
Gòn cưới vợ thành thị. Do người bạn tù vượt biên môi giới, tôi quen được hắn,
tôi lòe hắn nói không ngượng mồm, rằng tôi học giỏi, nói tiếng Anh giỏi, giỏi
nghề đi biển, hắn chỉ lái tới hải phận, sau đó mình tôi “bao dàn”, tới Mã ngay
chóc. Tôi cố thuyết phục hắn cho chuyến đi này, vì đã nhiều lần tanh bành tù
tội, hắn tin tôi lắm, còn cho bớt nửa cây vàng nữa, mỗi đầu người hắn lấy ba
cây. Hắn mười mấy năm “đi chã” (đánh cá ngoài khơi), kinh nghiệm dày dạn, còn
tôi vừa mới học lỏm được vài điều sơ đẳng từ đứa cháu học trường Hàng Hải
Thương Thuyền, cháu dặn: “Cậu lấy hai mươi ba độ tây nam khi tới hải phận quốc
tế để đến Mã nếu đi từ Vũng Tàu, biển mình sâu chừng sáu mươi fathom, tháng tư
tây có gió Monsoon (gió nồm), trời tháng ba bà già đi biển mà cậu!”.
Hành trang mang theo của tôi
còn cuộn dây dài gần sáu mươi sải, có một cục sắt nhỏ ở đầu dây để dò nông sâu
đáy biển, một ít lương khô, sắm cái ống nhòm và hai viên hỏa pháo.
Đi hơn một ngày đường, người
tài công reo lên: “Đến rồi, đến rồi”. Sao mà mau thế, tôi không tin hỏi hắn: “Tàu
em chạy mấy hải lý một giờ?”. Hắn nhăn nhó lắc đầu cười hềnh hệch. Tôi móc
trong túi ra cuộn dây, thả xuống biển, hết cả cuộn dây mà có cột cục sắt vẫn
chưa đụng đáy. Tôi la lên thuyền quay lại hướng cũ.
Vài tiếng đồng hồ sau, cũng
chính hắn hớt ha hớt hải la to, bảo rằng thuyền đang đi ngang qua Côn Đảo, mọi
người nằm rạp xuống. Mấy thanh niên vội giăng lưới lên, giả làm thuyền đi đánh
cá. Phải vài tiếng sau, núi đồi Côn Đảo mới mờ dần trong tầm mắt. Giã từ quê
hương yêu dấu!
Lúc ở nhà tôi vò đầu suy
tính, đi Thái Lan thì gần, nhưng sợ hải tặc, bọn chúng tàn ác, qua Phi hay Nam
Dương, phải vượt đại dương, đi Mã, chọn lựa sau cùng. Bốn ngày đêm đã qua, mịt
mờ bờ bến, chỉ toàn nước trời mênh mông. Dầu đã cạn cùng với lương khô và nước
uống. Đàn bà, trẻ con, người già yếu, rũ rượi la liệt ngổn ngang nằm trên mạn
thuyền, vài ngày nữa mà không đến là chết cả thuyền. Vì công an theo dõi ngặt
ngèo, sơ hở một tí là bị tóm ngay, nhiều người phải mang dầu đi chôn. Riêng tôi
dặn hắn lấy ruột tượng đựng lương khô, bỏ dầu vào bao nylon, quấn ngang người,
tải từ từ lên ghe, ròng rã nhiều tháng trời mới mang được chừng năm ngày dầu.
Biển lặng, có gió nồm thổi xuôi nam.
Xa xa có một con tàu, lấy ống
nhòm ra chỉ thấy được một khoảng cách vài thước, bèn bắn pháo báo nguy, pháo
xịt cả hai viên! Tàu lại gần hơn, mọi người vẫy tay khẩn nài. Những cánh tay rã
rời buông xuống, tiếng kêu tuyệt vọng dâng lên, tàu hải tặc đụng vào mạn thuyền
chúng tôi, mấy tên đen ngòm, tóc xoăn, mắt trắng dã, mặt như quỷ dữ man rợ rợn
người, quấn loại sà rông sắp tụt, lâm râm van vái, có tên còn lần tràng hạt!
Sau màn cầu nguyện, chúng la hét, sấn sổ nhảy qua ghe chúng tôi, mã tấu, súng
dài bắn loạn xạ.
Chúng lùa trai tráng vào góc
thuyền, phụ nữ người già lùa vào một nơi. Chúng nắn, bóp, xé quần xé áo, lột cả
nịt ngực quần lót ra xem! Tháo nhẫn dựt giây chuyền, bứt bông tai, miệng hét,
tay nắn, chân đạp, đồng bọn đứng gác lăm le nổ đạn. Chúng dùng dao rạch các túi
hành lý, lục lọi tung tóe, chọn những thứ gì có giá bỏ vào những túi lớn chúng
mang theo. Sau đó quay sang đánh đập, khảo tra đám trai tráng. Không ai dám
chống, trẻ nhỏ cũng im thin thít, ai nấy im lặng chờ những nhát chém lạnh như
thép phậm vào sau gáy.
Bỗng có chiếc thương thuyền
đang tiến lại gần, bọn hải tặc lơ láo vội rút đi. Thương thuyền lướtôqua, nhiều
người quỳ xuống van lậy, xì xụp kêu gào, tế như tế sao! Chiếc thương thuyền vẫn
lặng lẽ rẽ sóng, để lại sau lưng nhiều lọn sóng cao, thuyền con chúng tôi như
muốn lật nhào, tiếng khóc òa lên, vật vã kêu gào, thần chết chập chờn lởn vởn!
Gần năm ngày đêm ròng rã, chỉ
toàn mênh mông biển rộng, biển xanh liền với chân trời. Mây vàng đỏ ối nơi cuối
chân trời, có bầy hải âu bay lượn, người tài công reo lên, nói rằng thuyền đã
gần đến bờ, hắn bỏ tay lái để chỉ cho mọi người nhìn rác rến trôi lềnh bềnh
trên mặt biển. Tôi lấy cuộn dây trong túi thả xuống nước, một nắm dây vẫn nằm
trong lòng bàn tay, mà đầu dây đã chạm đến đáy biển. Tôi lẩm bẩm: “Ba mươi
fathom, đến thật rồi!”.
Tôi cho thuyền chạy hướng
chính tây để đâm vào bờ, gần nửa đêm nhìn bằng mắt thường cũng thấy đất liền,
ánh đèn lập lòe, tử thần đã đi qua! Không cập thẳng bờ, tôi cho thuyền xuôi nam
song song bờ biển, lánh xa vùng Bắc Mã có du kích Mã Cộng. Dự định vào đến bờ
phải gặp ngay các cơ quan thiện nguyện và giới truyền thông, lọt vào tay bọn
lính biên phòng, trước khi truyền thông biết là đại họa: Thuyền bị đục thủng,
hút cạn hết dầu, cho tàu chiến kéo thuyền tị nạn ra khơi, chặt đứt dây. Nhiều
thuyền đầy ắp người, bị kéo ra giữa khơi mùa biển động, rồi sau đó chẳng ai
nghe gì về những con thuyền bạc mệnh ấy!
Trời đã sáng nhìn rõ mặt
người, dầu cũng hết, tôi cho thuyền vào bờ, thuyền cặp bãi cát của thành phố
nghỉ mát Kuantan một buổi sáng đầu tháng 6 năm 1980, bãi vắng hoe, thành phố
còn thiu thiu ngủ. Mọi người chạy ùa lên bãi cát, gặp ngay anh Mỹ đen, tôi khẩn
nài nhờ anh giúp. Một lát sau anh quay trở lại cười báo tin vui rằng anh đã gọi
được nhiều nhà báo, báo với cả Liên Hiệp Quốc, anh còn cho một cây thuốc lá Mã
Stuf, ân cần dặn dò và chúc may mắn. Tôi ngậm ngùi xiết chặt tay anh.
Chiếc thuyền cưu mang chúng
tôi đã chìm hẳn, nếu không thì tôi cũng phải đục thủng nó, mọi người
yên lòng: thuyền đã chìm, đã gặp được nhiều nhà báo, bọn Mã không
dám đẩy chúng ta ra lại ngoài khơi. Mãi quá trưa quân đội mới tới,
bốn tên lính Mã quân phục xộc xệch, đi dép nhựa, đeo súng săn, tay
cầm gậy dài, hỏi chúng tôi ai là người trưởng đoàn, đập vào đầu tôi
mấy hèo dằn mặt! Không đau đòn, nhưng đau lòng, tủi phận. Sau này trên
đường đi định cư Hoa Kỳ, tôi được ghé Hồng Kông để đổi máy bay, bọn chúng tôi
rách rưới. Mấy tên cảnh sát phi trường dùng dùi cui xua đuổi, hăm dọa đánh đập
những ai đi ra khỏi chỗ ngồi quy định. Ai đã đưa dân tộc Việt nam đến tình cảnh
khổ nhục này?
Pulau Bidong là một hoang đảo
ở giữa đại dương, rộng vài cây số vương, lởm chởm núi đá, mấy chục ngàn người
chen chúc, dựng lều ven vách núi chui rúc, lúc cao điểm gần sáu mươi ngàn
người. Trước ngày tôi đến đảo vài tháng, thế giới đã phải kêu lên rằng: “Có
phép màu, bệnh dịch mới không xảy ra”.
Ban ngày người ta chen nhau
đi như buổi chợ phiên, bụi mù mắt, nắng cháy da, tiếng ồn ào như vỡ chợ. Có
những vùng đất trống, phân người và nước tiểu lầy lội lên đến mắt cá, ruồi
nhặng vù vù bay kín trời, mùi hôi thối nồng nặc, nắng trưa khắc nghiệt tăng độ
nồng, cơn gió nóng thổi qua, đẩy dội ngược lại đằng sau, những ai hít phải sặc
sụa cúi gập người xuống ôm ngực. Chuột từng bầy, to bằng bắp chân trẻ con, trụi
lông, thân mình đỏ lòm lở lói, hai cục hạch to bằng hai viên sỏi, khệnh khạng
di chuyển chậm chạp lền khền, nhìn thấy lần đầu nhiều người nôn mửa! Dọc theo
con suối cạn, xác chuột nằm rải rác kín hai bên bờ, đi hứng nước tắm phải khéo
lắm mới không dẫm phải xác chuột đã sưng vù. Hằng ngày nhiều thanh niên đi nhặt
xác chuột bốn năm cần xế bự đầy vun tới bốn năm thanh niên lực lưỡng khiêng mới
nổi.
Trong trại, những băng đảng
nổi lên cướp bóc, hãm hiếp, mãi sau nhờ lính Mã tăng viện mới dẹp được. Những
tranh giành lều chiếu, nơi ở tiện nghi, rồi nào tham ô, những lạm với những đổi
chác để mong sớm được rời đảo. Có chợ mọc lên buôn bán, hàng hóa lính Mỹ đem
qua từ đất liền, tiệm ăn, quán cà phê mọc lên ven bãi cát. Những máy tàu cải
chế thành máy phát điện, gạo tẻ và khí đá chế thành rượu để uống say mèm quên
đời lưu vong.
Thời gian tạm trú trên đảo
thường thì trên dưới một năm, một năm cũng là dài đằng đẵng! Những cuộc tình vội
vàng, chắp nối nở rộ. Lộng ngôn mới gọi đó là những cuộc tình, thật ra chỉ là
những chung đụng thân xác, được vài ba tháng thì lại chia tay nhau, mỗi người
đều có phận riêng. Thuốc ngừa thai được Liên Hiệp Quốc phát không rộng rãi. Thế
nhưng vẫn có tiếng khóc chào đời, tiếng khóc dư thừa ngoài mong đợi. Chưa kể
những thai nhi bị xóa đi dấu vết sau “những cuộc tình trên đảo”...
Ở Bidong tôi làm việc trong
phòng điều tra tội ác hải tặc, tôi thường phỏng vấn đồng bào tị nạn khắp nơi
dạt vào đảo, xin kể ra đây những cảnh kinh hoàng, tất cả là sự thật, vì trí
tưởng tượng của loài người không thể nào có thể dựng lên, dù chỉ bằng phần nhỏ,
những chuyện tôi sắp kể...
Có thuyền trôi dạt, đáp vào
bờ cát Bidong, thuyền gần trăm người, chết còn mươi mạng, chết vì đói, chết vì
khát, bị hải tặc chém đầu ném xác xuống biển cho cá dữ rỉa thây. Có thuyền bị
cháy nám, lờ đờ trôi gần đảo, con thuyền ma không còn ai cầm lái, thanh niên
Bidong chèo ghe ra kéo thuyền vào bờ cát, thuyền còn lại mươi người thoi thóp,
nằm la liệt trên mạn thuyền, xác người ngổn ngang bốc mùi, có những bé thơ chết
hồn nhiên nằm ôm vú mẹ. Có bà mẹ được dìu xuống bến, vẫn ôm chặt đứa bé trong
tay, bỗng òa lên khóc, đứa bé đã chết từ lâu, bà vật vã gào thét không ra
tiếng khóc, bà vẫn mớm con bằng chính nước dãi của mình, bà vẫn
lấy nước tiểu của con, vàng khè quánh đặc, để rửa kinh trong những
ngày có tháng!
Có mấy em gái khệnh
khạng, áo quần tả tơi, bê bết vết máu đã khô đen, lờ đờ lảo đảo lên
bờ trên cát, em chợt ngồi xuống ôm mặt thều thào gọi mẹ cha, em khóc
không ra nước mắt. Lúc sau tỉnh lại, em gặp được mẹ được cha, được
cả anh và cả thằng em trong đống xác người vừa mới được chuyển từ
thuyền lên bãi cát, những cái xác tô hô nằm trên cát nắng thiêu
người, không manh chiếc rách để liệm! Có mấy bé trai, vùng dậy sau
khi được mớm sữa, bé chạy tung tăng đi tìm cha mẹ, những người từ tâm
ôm em vào lòng dỗ dành bảo rằng em sẽ được gặp lại cha mẹ!
Vài người sống sót chẳng
hiểu vì sao mình hãy còn sống, nghẹn ngào kể lại chuyện đau buồn,
hải tặc bắn xối xả vào thuyền, nhiều người đã bị chết ngay lúc
đó, nhiếu người hốt hoảng nhảy xuống biển, mùa biển động cá dữ
đói ăn, nghe mùi máu tanh kéo đến từng bầy, vẫy vùng giành nhau phanh
thây xé xác, thịt xương, áo quần, ruột gan lòng thòng, nổi lềnh bềnh
trong vũng nước đỏ ngầu, chỉ trong khoảng khắc bầy cá dữ tha đi hết
thịt xương, để lại đại dương một vùng nước đỏ ngòm. Bắn xong chúng nhảy
qua thuyền, chém loạn cuồng, mã tấu bửa xuống đầu, chẻ lên vai, phạm
ngang lưng, đâm vào bụng, ruột lòi ra lòng thòng trắng hếu! Máu đỏ
từng vòi phun tung toé.
Tay chém, miệng gầm, áp
đảo xong chúng bắt đầu cướp, lùa đàn bà con gái xuống khoang thuyền,
những thân gái bị quăng quật, xé nát áo quần. Bọn chúng dành nhau
những thân gái yếu đuối! Những xác thân trần truồng quì xuống van lạy,
chúng vẫn cười đùa chẳng tha, nhiều cô nằm thoi thóp, chúng lấy dao
chích máu, rạch đùi, cắt đầu nhũ hoa, đâm vào hạ bộ cười hô hố.
Trước khi bỏ đi còn mang theo vài người nhan sắc, đem bán cho những
thanh lâu, hay đem đến một cái hải đảo hoang vu nơi có sào huyệt của
bọn chúng, nhốt ở đó để thỉnh thoảng ghé vào hành hạ, chán chường
thì đem đi bán, hoặc bỏ trôi trên biển, khi chúng cướp thêm được gái
mới.
Báo chí có loan tin, vài
cô trốn được kể lại những chuyện thương tâm. Hải tặc thường đâm thủng
thuyền, đốt phá, tạo kinh hoàng rồi cướp bóc, cướp tất cả giết
nhiều người dù không chống cự, hiếp cả người già... Sau đó cho đánh
đắm thuyền để phi tang, nhiều người may mắn dạt được vào bờ thác
loạn thần kinh, ngập ngừng không trả lời câu hỏi rằng đã có ăn thịt
người chết để sống không? Không chắc... vì trong cơn thoi thóp có
người mớm cho ăn, cũng chả hiểu tại sao còn sống được!
Có những thiếu phụ mất
tất cả chồng con, ôm trong lòng cái thai oan nghiệt. Có những ông chồng còn lại một mình lầm lủi.
Những em nhỏ côi cút nước mắt chưa khô không còn được sống hồn nhiên, có những bé trai khôi ngô
mắt sáng sống đời ám ảnh cảnh mẹ, cảnh chị bị dày vò, có những em
gái đẹp hiền dễ thương, sớm bị đọa đày sống đời buông thả. Ít có gia đình còn được đầy đủ, dọc đường mất mát.
Hay lúc ra đi không thể đi chung phải phân tán nhỏ để lỡ có bề nào còn chỗ nương tựa. Bên cạnh những buông
thả cuồng loạn, cũng còn những thủy chung, mực
thước, đời sống đơn sơ đạm bạc, nhìn về tương lai.
Bidong được chia ra làm
nhiều nơi cư trú. Khu C có bãi cát vàng, nổi lên những quán cà phê, cuối
bãi có ngọn núi trọc, nơi an nghỉ sau cùng của những người chưa tìm được tự do đã vội đi vào lòng đất, nơi đây
cũng là nơi an nghỉ của những cái chết đau thương. Bidong trước ngày đóng
cửa vĩnh viễn đã là nơi xảy ra những cuộc biểu tình đẫm máu của
những người bị cướp đi quyền tị nạn, có nhiều người đã tự mổ bụng
mình hoặc tẩm dầu thiêu rụi xác thân cháy như ngọn đuốc tự do, quyết
không trở lại quê hương ngục tù.
Có nhiều trăm ngàn người
đã bỏ xác trên biển đông, cũng có hàng trăm ngàn người đã chịu nhục
nhằn, nhưng cả triệu người không chùn bước lũ lượt ra đi, triệu người
muôn đời không phủ nhận quê hương, muôn đời hãnh diện Tổ quốc,
tự hào dân tộc. Chúng tôi chỉ phủ định chế độ nên chúng tôi ra đi, coi nhẹ nguy hiểm, khinh
thường cái chết, lánh xa bạo quyền.
Mảnh đất tạm dung sẽ đến
nếu là hoang vu cằn cỗi, nếu là sa mạc buồn tênh, liệu có triệu người
bất kể sinh mạng liều chết ra đi? Tự do chất chứa cái quyền được
sống là người, nhân quyền ấp ủ cuộc sống no lành.
Đường đi tới tự do gian
nan, phủ đầy máu lệ, thịt xương vương vãi dọc đường. Những gì thuyền
nhân Việt nam đã trải qua chưa một lần xảy ra trong nhiều nghìn năm
lịch sử loài người.
Phạm Tiến Nam