32. Một Chứng Nhân Của Một Dân Tộc Yêu Chuộng Tự Do (Thanh Phong)
Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông
Một Chứng Nhân Của Một Dân Tộc Yêu Chuộng Tự Do
Nguyễn Thanh Phong
(Viết thay cho người cháu.)
Đã hơn hai mươi năm trôi qua,
hình ảnh hãi hùng, khủng khiếp xảy ra đến với sáu mươi hai mạng người trên một
con thuyền mong manh đang trên đường vượt thoát khỏi quê hương để tìm đến bến
bờ tự do, vẫn còn ám ảnh tôi hoài, và có lẽ chẳng bao giờ phai nhòa được!
Cũng như hàng vạn người miền
Nam Việt Nam, không ai có thể ngờ được rằng đất nước của chúng tôi lại có thể
rơi vào tay Cộng Sản miền Bắc dễ dàng như thế, và cũng không ai ngờ rằng mình
phải bỏ hai lần bỏ cả mồ mả tổ tiên, bỏ quê cha đất tổ để tránh xa những người
cùng dòng giống, cùng chung tổ quốc Mẹ Việt Nam, con Lạc, cháu Rồng, ra đi chấp
nhận chín chết, một sống để tìm hai chữ “tự do”.
Năm 1954, nỗi bất hạnh thứ
nhất xảy ra đến cho dân tộc tôi, đất nước bị chia đôi, phần phía Bắc do chế độ
Cộng Sản cai trị, phần phía Nam được sống dưới chế độ tự do. Gần một triệu
người miền Bắc chúng tôi đã liều mạng, tìm đường ra cảng Hải Phòng để được “tàu
há mồm”của quốc tế đưa vào Nam, một số phải dùng thuyền bè làm phương tiện trốn
thoát. Những tưởng lần di cư ấy là lần di cư khủng khiếp nhất trong lịch sử dân
tộc Việt Nam, không ngờ đến năm 1975, nỗi bất hạnh thứ hai lại xảy ra, lần này
mới thực sự là một cuộc di cư vĩ đại vô tiền khoáng hậu và khủng khiếp gấp ngàn
lần cuộc di cư 1954. Cuộc di cư vào Nam năm 1954 được quốc tế can thiệp và giúp
đỡ, cuộc hàng trình chỉ kéo dài vài ngày trên biển cả. Không có cảnh hãi hùng
của hải tặc tấn công, hãm hiếp, giết người một cách man rợ, không có cảnh phải
lạc lõng bơ vơ, đói khát hàng tháng trên biển cả mênh mông, không có cảnh người
mẹ phải cắt da thịt mình cho con uống máu thay nước, không có cảnh người sống
phải ăn đỡ thịt người chết cho khỏi chết vì đói. Tất cả những cảnh hãi hùng
trên đều đã xảy ra trong cuộc di cư lần thứ hai, sau tháng 4 năm 1975.
Một điều lạ lùng là ai cũng
biết ra đi là chấp nhận chín chết, một sống, nhưng ai cũng chỉ mong thoát khỏi
cái chế độ Cộng Sản bằng bất cứ giá nào, đến nỗi có người đã nói; “Nếu cây cột
đèn biết đi, nó cũng sẽ đi khỏi Việt Nam”. Người ta tìm đủ mọi mánh khóe khôn
ngoan, đủ mọi phương tiện để ra đi, nhiều nhất là dùng tàu đánh cá làm phương
tiện vượt biên, và một trong những chiếc tàu không may nhất xảy ra cho chúng
tôi, mang theo sáu mươi hai mạng người lớn nhỏ cùng với con thuyền vào lòng
biển cả mênh mông. Hôm đó là một đêm cuối tháng 3 năm 1977.
Trên một chiếc tàu đánh cá
chỉ dài khoảng mười sáu mét, ngang độ ba mét, sáu mươi ba người, vừa đàn ông,
đàn bà, thanh niên, thiếu nữ và gần mười trẻ em. Tất cả đều là bà con, họ hàng
từ một làng quê ngoài Bắc di cư vào Nam năm 1954 và định cư tại các kêng 7,
kênh 2, kênh 4, kênh Thầy Ký,... Cái Sắn, Rạch Giá. Để bảo toàn cho chuyến vượt
biển bí mật, các người lớn đã bàn nhau kỹ, không nhận bất cứ người lạ mặt nào
đi theo, cũng không hở ra điều gì cho ai biết. Việc phân công người nào làm
phần vụ nào cứ bí mật mà làm. Nhờ thế, số lượng xăng, dẫu cũng như lương thực
mang theo tương đối bảo đảm. Hơn mười giờ đêm, mọi người đã lên đủ trên tàu.
Hai ba thanh niên dùng sào đẩy chiếc thuyền tách khỏi bến một cách nhẹ nhàng,
êm thắm. Con tàu bắt đầu nổ máy khi đã ra khá xa bờ và cứ thế rẽ sóng lướt tới.
Mọi người trên tàu vui mừng cảm tạ Thượng Đế đã gìn giữ không để bọn công an
Việt Cộng phát giác. Chỉ vì một sơ suất nhỏ, một tính toán sai lầm, toàn bộ
những người trên tàu sẽ bị bắt đưa vào trại cải tạo không cần xét xử. Chẳng
những thế, nhà cửa, tài sản còn để lại cũng bị trưng dụng.
Tàu đi được hơn hai ngày
đàng, bốn bề chỉ toàn một bể nước mênh mông, bát ngát, không biết đâu là bờ
bến. Con tàu vẫn tiếp tục cưỡi trên các ngọn sóng lướt tới. Nhiều người trên
thuyền, nhất là đàn bà và trẻ con bị say sóng. Có người đang ói mửa, có người
nằm thiếp đi vì mệt mỏi. Bỗng mấy thanh niên ngồi trên mui thuyền reo lên: “Có
thêm thuyền của đồng bào vượt biên đi cùng với chúng ta rồi!” Mọi người vội
tỉnh cơn say, ngồi nhỏm dậy với nét mặt thật vui mừng, hớn hở, vì có thêm bạn
đồng hành giữa trời nước bao la.
Nhưng niềm vui vừa đến đã vội
tắt ngay, khi chiếc tàu từ xa đang dần dần tiến đến, không phải là tàu vượt
biên mà là một chiếc tàu đánh cá Thái Lan. Khi mọi người nhận ra tàu đánh cá
Thái đang tiến lại gần tàu mình, trong lòng ai cũng hết sức lo âu, sợ hãi. Mấy
ông bà già miệng lẩm bẩm đọc kinh. Các thanh niên thì nhìn nhau bối rối, không
biết phải đối phó thế nào, nếu bọn trên tàu là hải tặc. Chiếc tàu to gấp rưỡi
thuyền chúng tôi với những chữ ngoằn nghèo viết bằng sơn đen ngay dưới mũi cứ
nhắm thẳng thuyền chúng tôi đâm vào. Nhưng đến gần, chiếc tàu Thái bẻ lái, áp
sát mạn tàu, rồi một, hai, ba bốn tên to con lực lưỡng, nhảy bổ sang thuyền
chúng tôi, tay tên nào cũng cầm sẵn một cây mã tấu sáng loáng. Không thể diễn
tả hết nỗi lo sợ của mọi người vào lúc này. Tiếng khóc, tiếng van lạy, tiếng
cầu kinh át hẳn những tiếng sóng đang vỗ vào hai mạn thuyền gỗ xấu số! Một tên
hải tặc dùng sợi dây thừng to tướng cột chặt hai chiếc tàu lại với nhau, rồi từ
trong tàu của bọn hải tặc thêm hai ba tên nữa, tất cả đều cởi trần, chỉ mặc mỗi
tên một chiếc quần đùi. Tên nào tên ấy để hai hàng ria mép trông thật gớm
ghiếc, nước da ngăm đen và bóng lưỡng, tưởng như chúng có thoa trên người một
lớp mỡ.
Một tên, ý chừng là trưởng
toán, nói một câu gì đó bằng tiếng Thái, cả bọn túm cổ những người đàn ông,
thanh niên và trẻ em dồn hết lên mấy khoang phía mũi thuyền, còn đám đàn bà,
con gái chúng bắt ngồi ở mấy khoang phía sau lái. Một số cầm mã tấu đứng canh,
mấy tên khác đi lục soát từng người. Chúng lấy đi tất cả những thứ gì mọi người
cất dấu. Sau khi đã lục lọi kỹ mọi nơi trên tàu. Với vẻ mặt đằng đằng sát khí,
bọn hải tặc bắt tất cả đàn ông và trẻ con nằm sấp xuống và ra hiệu, ai ngồi hay
đứng lên, chúng sẽ chém ngay. Để mấy tên cầm mã tấu đứng coi chừng, năm tên hải
tặc ra hiệu bắt tất cả đàn bà con gái phải cởi hết áo quần ra, nhiều người xấu
hổ, không chịu cởi hết. Một tên hải tặc với cái mặt đầy thẹo đưa ngay mũi mã
tấu vào lưng quần, sẵn sàng ấn mạnh xuống. Rồi cả năm tên bắt từng người đè
ngay xuống khoang thuyền dở trò hãm hiếp, mặc cho những tiếng van xin, khóc
lóc, mặc cho những tiếng chửi rủa. Bọn chúng như những con thú đói mồi, vồ lấy
những thân hình mảnh mai ngấu nghiến! Thực hiện xong trò dã man bỉ ổi, năm tên
hải tặc đổi chỗ cho những tên nãy giờ đứng gác, tiếp tục hãm hiếp những phụ nữ
còn lại. Không một ai thoát!
Thật không còn ngôn từ nào
diễn tả hết nỗi cay đắng, tức giận của những người đàn bà, con gái vừa bị làm
nhục trước măt chồng, cha, anh em, con cháu mình mà không thể phản ứng được gì!
Sau khi đã lấy hết được tài
sản và thỏa mãn được thú tính, bọn hải tặc cười hả hê và mở giây thừng cho hai
chiếc tàu tách ra, chúng nổ máy chạy khuất dạng. Rất may bọn này không phá hỏng
máy tàu, cũng không lấy đi số xăng, dầu trên thuyền, nhưng đám đàn bà, con gái
không ai thiết sống nữa. Nhiều người đòi nhảy xuống biển tự vẫn. Tuy nhiên nhờ
một số đàn ông lớn tuổi can ngăn, không ai thực hiện ý định tự vẩn nữa. Nhưng
sau lần bị hãm hiếp tán bạo này. Các bà, các cô đã nặng lời với đám thanh niên:
“Mẹ kiếp, trên thuyền năm sáu thằng thanh niên, đứa nào cũng mang tiếng có đai
nọ, đai kia mà khi gặp hải tặc, co dúm vào như đỉa phải vôi, để chúng tao bị
làm nhục! Chết đi cho rồi!”.
Con tàu lại rẽ sóng, tiếp tục
đi tìm đến bến bờ tự do. Ba tiếng đồng hồ sau. Từ phía trái, lại một con tàu lạ
đang lao tới. Nỗi kinh hoàng vừa trải qua, giờ đây tiếp tục kéo đến. Chiếc tàu
lạ càng đến gần mọi người càng nhận ra nó cùng một kiểu với chiếc tàu tấn công
mình. Y như lần trước, bọn hải tặc trên tàu cặp sát vào thuyền chúng tôi và một
tên nhảy sang.
Trước các lời oán trách của
các bà,các cô, đám thanh niên bị chạm tự ái, và cũng cảm thấy bị lương tâm dầy
vò, vì mang tiếng có võ nghệ mà đành thúc thủ không dám ra tay. Do đó khi tên
hải tặc vừa nhảy qua đã bị ngay một quả đấm như trời giáng vào mặt. Hắn lảo đảo
và rơi tòm xuống biển. Thấy đồng bọn bị tấn công bất ngờ, hai tên cầm mã tấu
nhảy qua. Một màn đánh nhau kịch liệt xảy ra ngay trên thuyền chúng tôi. Biết
gặp phải những tay không vừa, bọn hải tặc nhảy trở lại tàu của nó và chạy kè
sát tàu chúng tôi. Rất may bọn này không có súng. Nhưng không đầy ba mươi phút
sau, chúng gọi thêm hai chiếc tàu khác, đồng bọn chúng đến tiếp cứu.
Cả ba chiếc tàu hải tặc ép
tàu chúng tôi vào giữa, và hơn mười tên hải tặc hùng hổ cầm mã tấu nhảy qua,
chúng không cần biết đàn bà, trẻ em, cứ giơ cao mã tấu mà chém. Không còn ai
kêu nổi một tiếng. Tôi ngã sấp xuống khoang thuyền, hai ba người khác bị chém
chết nằm đè lên, máu chảy ra lênh láng. Tôi nhắm mắt lại và ngất đi vì quá sợ
hãi.
Không biết là bao lâu sau,
khi tôi tỉnh dậy, trên thuyền hoàn toàn yên lặng, không một tiếng động, trừ
tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền phầm phập. Tôi mở mắt ra. Một cảnh tượng vô cùng
khủng khiếp, vô cùng kinh hãi. Mọi người đã bị giết chết hết, không một ai sống
sót, ngoại trừ tôi. Tôi phải cố gắng lắm mới bò ra khỏi mấy thây người đè lên.
Cả một khoang thuyền ngập tràn máu, toàn thân tôi cũng đầy máu và máu. Tôi cố
lấy hết can đảm, nhìn lại từng người thân. Đa số đàn ông, thanh niên đã không
thấy xác trên tàu. Chắc chắn họ đã bị bọn hải tặc ném xác xuống biển. Số người
còn lại, thật ghê rợn, người mất đầu, người bị chém cổ chỉ còn dính với mình
bằng một miếng da mỏng. Sợ hãi quá tôi lại ngất đi lần nữa.
Khi tỉnh lại tôi thấy mình ở
trên con tàu lạ, xung quanh toàn những người mũi cao mắt xanh, cười nói líu lo.
Tôi không biết mình đang tỉnh hay mơ, hay đang ở một thế giới nào xa lạ lắm.
Rồi một bàn tay nắm lấy tay tôi, hơi ấm từ bàn tay lạ truyền vào người tôi, làm
tôi tỉnh hẳn lên. Tôi ngòi nhỏm dậy, ngơ ngác và sợ hãi. Như hiểu được
tâm trạng của tôi. Họ chỉ cho tôi lá cờ Mỹ nhỏ xíu may trên cầu vai
họ. Rồi họ đem đến cho tôi một ly sữa, một ổ bánh mì bảo tôi ăn.
Ngó lại bộ quần áo đang mặc rộng thùng thình. Tôi biết mình đã được
cứu thoát.
Tôi ở trên tàu Mỹ vài
ngày thì tàu cập bến. Họ đưa tôi lên bờ, giao lại cho một số người
Mỹ khác, và không quên tặng tôi một số đồ vật cùng những lời, mà
tôi nghĩ là những lời chúc mừng tôi gặp may mắn.
Tôi ở đảo không bao lâu
thì được gọi đi định cư ở Mỹ, do một gia đình Công Giáo thuộc tiểu
bang Iowa bảo trợ. Tôi đã sống và coi hai ông bà này như gười cha mẹ
thứ hai của tôi. Từ đó đến nay, không tối nào tôi không cầu nguyện cho
những người thân đã mất của tôi được sống. Tôi cảm tạ Thượng Đế đã
cho tôi còn sống để làm nhân chứng cho thế hệ mai sau, biết rõ nỗi
bất hạnh cảu dân tộc tôi, nỗi kinh hoàng và sự tủi nhục của thân
phận thuyền nhân trên đường trốn chạy khỏi quê hương, chỉ vì mong muốn
được sống tự do.
Tôi cảm tạ Thượng Đế đã
cho tôi còn sống sót, để làm nhân chứng cho cả thế giới thấy tấm
lòng hào hiệp, bao dung của nước Mỹ, người Mỹ, của những dân tộc
khác trên khắp trái đất đã giang rộng bàn tay, đón nhận người Việt
Nam đau khổ, chấp nhận mọi nguy nan, khốn khó chỉ để đổi lấy hai chữ
“TỰ DO”.
Nguyễn Thanh Phong
* Tác giả: Thanh Phong
* Tuổi: 57
* Gia cảnh: Có vợ, tám con, mười bốn cháu nội, ngoại.
* Trước 1975: Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia VNCH
* Đến Mỹ:1990
* Đã mất sáu người cháu, mười bốn thân nhân họ hàng và
người cùng làng Quang Rực, Ninh Giang trên chuyến tàu vượt biên bị hải tặc tấn
công và giết chết, được thuật lại trong chuyện kể “Hành trình biển Đông”: “Một nhân
chứng của dân tộc yêu chuộng tự do”.