Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn - Nhà Vua Trở Về - Quyển VI - Phụ Lục F - Phần 1

PHỤ LỤC F

I

CÁC NGÔN NGỮ

VÀ TỘC DÂN KỈ ĐỆ TAM

Ngôn
ngữ được thể hiện bằng tiếng Anh trong cuốn sử này là Tây ngữ tức “Ngôn Ngữ
Chung” ở miền Tây Trung Địa vào Kỉ Đệ Tam. Cho tới cuối kỉ nguyên đó, đây đã trở
thành tiếng mẹ đẻ của gần như mọi giống dân biết nói (trừ dân Tiên) sống trong phạm
vi các vương quốc cổ Arnor và Gondor; nghĩa là suốt dọc bờ biển từ Umbar trở lên
Bắc cho tới mãi Vịnh Forochel, và đổ vào đất liền đến tận Dãy Núi Mù Sương và dãy
Ephel Dúath. Nó cũng lan rộng lên phía Bắc ngược dòng Anduin, phổ biến trong miền
đất giữa Sông Cả và dãy núi cho đến tận Đồng Diên Vĩ.

Vào
thời điểm xảy ra Nhẫn Chiến đánh dấu đoạn kết kỉ nguyên này, đấy vẫn là phạm vi
vùng đất dùng Tây ngữ làm tiếng mẹ đẻ, dù giờ Eriador đã nhiều phần bị bỏ hoang
và chỉ còn rất ít Người sống bên bờ Anduin giữa sông Diên Vĩ và thác Rauros.

Một
số ít Người Hoang cổ đại vẫn còn ẩn núp trong Rừng Drúadan ở Anórien; và trên các
đồi vùng Dunland còn sót lại tàn dư một dân tộc cổ, xưa từng sinh sống ở hầu khắp
Gondor. Những giống người này bảo tồn ngôn ngữ gốc của mình; trong khi đồng cỏ Rohan
nay trở thành quê nhà một tộc người miền Bắc, người Rohirrim, tới đây định cư vào
khoảng năm trăm năm tmớc. Nhưng Tây ngữ vẫn được dùng làm ngôn ngữ thứ hai để giao
lưu giữa những tộc người giữ tiếng gốc, kể cả người Tiên, không chỉ ở Arnor và Gondor
mà qua khắp các thung lũng sông Anduin và trải về Đông tới bìa rừng Âm U. Ngay trong
số Người Hoang và người Dunlending vốn lánh mặt các dân tộc khác cũng có nhiều người
dùng được tiếng đó, dù chỉ lõm bõm.

Về người Tiên

Người
Tiên từ sâu xa trong thời Cựu Niên đã phân làm hai nhánh chính: người Tiên Tây (tức
Eldar) và Tiên Đông. Loại thứ hai chiếm đa số trong các đất nước Tiên ở rừng
Âm U và Lórien; nhưng ngôn ngữ của họ không xuất hiện trong cuốn sử này, mà tất
cả tên riêng và từ ngữ Tiên đều dùng dạng Eldarin[1].

[1] Dân Lórien thời điểm này
nói tiếng Sindarin dù có pha “thổ âm,” vì phần lớn cư dân đều có gốc gác Lâm
Tiên. Chính thổ âm này và bản thân kiến thức tiếng Sindarin hạn chế của ông đã
khiến Frodo nhầm lẫn (như một nhà bình chú Gondor trong Cuốn Sách Thain đã nhận
xét). Mọi từ ngữ Tiên trích trong Quyển Hai các chương 6, 7, 8 thực tế đều là
tiếng Sindarin; phần lớn tên người và địa danh cũng vậy. Nhưng Lórien, Caras
Galadhon, Amroth, Nimrodel nhiều khả năng là có gốc Lâm Tiên, đã được đồng hóa
vào tiếng Sindarin
.

Trong
số các thứ tiếng Eldarin, cuốn sách này trình bày hai loại: tiếng Thượng
Tiên, hay Quenya, và tiếng Tiên Xám, hay Sindarin. Tiếng Thượng Tiên
là một ngôn ngữ cổ đại ở Eldamar bên kia đại dương, ngôn ngữ đầu tiên được ghi lại
bằng chữ viết. Bây giờ nó không còn được tộc dân nào dùng làm ngôn ngữ tự nhiên
nữa, mà thực tế đã trở thành một thứ “tiếng La tinh của Tiên,” vẫn dùng trong các
dịp lễ trọng hoặc cho các nội dung cao quý trong tích truyện và thơ ca trong số
người Thượng Tiên tha hương đã trở lại Trung Địa vào cuối Kỉ Đệ Nhất.

Tiếng
Tiên Xám về gốc gác có họ với Quenya, vì đó là ngôn ngữ của nhóm Eldar khi
tới bờ Trung Địa thì không vượt đại dương mà ở lại bên bờ biển trong vùng đất gọi
là Beleriand. Thingol Áo Choàng Xám vương quốc Doriath lên cai trị họ, và trong
bóng tà dài lâu, ngôn ngữ họ đã biến đổi cùng với miền đất phàm trần ưa đổi thay,
trở nên vô cùng xa lạ với tiếng nói của nòi Eldar bên kia đại dương.

Lớp
Tha Hương khi đến sống giữa các Tiên Xám đông đảo hơn đã học lấy tiếng Sindarin
cho việc sinh hoạt hàng ngày; vì thế đấy là tiếng nói của mọi dân Tiên và chúa Tiên
xuất hiện trong cuốn sử này. Vì tất cả họ đều thuộc tộc Eldar, kể cả dù chúng dân
thần tử của họ là những nòi Tiên thấp kém hơn. Cao quý hơn tất thảy là Phu Nhân
Galadriel thuộc hoàng gia, con gái Finarfin và em gái Finrod Felagund, Vua Nargothrond.
Trong trái tim dân Tha Hương, nỗi khao khát đại dương vẫn hằng thôi thúc chẳng lúc
nào lặng đi; trong trái tim Tiên Xám thì ngủ yên, nhưng một khi bị đánh thức rồi
sẽ chẳng bao giờ nguôi dịu.

Về Con Người

Tây
ngữ là một thứ tiếng Người, dù đã được bổ sung phong phú và trở thành êm dịu hơn
nhờ ảnh hưởng Tiên, về nguyên thủy đấy là thứ tiếng của những người mà dân Eldar
gọi là Atani hay Edain, “Tổ Phụ Con Người,” đặc biệt là nòi giống
thuộc Ba Gia Tộc các Bạn Tiên đã đi về miền Tây tới Beleriand vào Kỉ Đệ Nhất, rồi
trợ giúp tộc Eldar trong cuộc Đại Ngọc Chiến chống lại Thế Lực Hắc Ám phương Bắc.

Sau
khi lật nhào Thế Lực Hắc Ám, với hậu quả là phần lớn Belenand bị vỡ nát hoặc chìm
xuống biển, các Bạn Tiên được ban cho phần thưởng là cả họ, cũng như dân Eldar,
có thể qua đại dương về phương Tây. Nhưng vì Vương Quốc Bất Tử là cấm địa đối với
họ, họ được dành riêng một hòn đảo lớn, ở gần Tây nhất so với mọi cõi người phàm.
Hòn đảo đó tên là Númenor (Tây Châu). Từ sau đó hầu hết các Bạn Tiên nhổ
neo vượt biển tới sống ở Númenor, rồi trở thành hùng mạnh và vĩ đại, những nhà hàng
hải tài ba làm chủ những đội thuyền lớn. Gương mặt đẹp đẽ, vóc người cao lớn, họ
có tuổi thọ dài tới ba lần Con Người ở Trung Địa. Họ là người Númenor, Các Vua Con
Người, còn dân Tiên gọi họ là Dúnedain.

Chỉ
riêng Dúnedain trong số các tộc Người biết và sử dụng một thứ tiếng Tiên;
vì tổ tiên của họ đã học tiếng Sindarin, rồi truyền lại cho con cháu như là một
phần học vấn, không thay đổi mấy dù thời gian có trôi qua. Và những nhà thông thái
trong số họ cũng học cả tiếng Thượng Tiên Quenya, sùng kính nó hơn mọi ngôn ngữ
khác, dùng nó đặt tên cho rất nhiều danh lam hay thánh địa, nhiều nhân vật lừng
lẫy hay cao sang[1].

[1] Chẳng hạn các tên sau là
tiếng Quenya: Númenor (dạng đủ là Númenóre). Elendil, Isildur, Anárion, tất cả
các tên hoàng tộc ở Gondor, Gồm cả Elessar “Ngọc Tiên.” Phần lớn các tên nam
hoặc nữ người Dúnedain khác như Aragorn, Denethor, Gilraen đều là dạng
Sindarin, chủ yếu dựa theo tên Tiên hoặc Người còn chép lại trong thơ ca và
truyện sử Kỉ Đệ Nhất (như Beren, Húrin). Vài tên khác thì trộn lẫn hai thể, như
Boromir.

Nhưng
ngôn ngữ mẹ đẻ của người Númenor chủ yếu vẫn là tiếng Người của tổ tiên họ ngày
xưa, tiếng Adûnaic, và trong thời kì tự tôn về sau các vua chúa đảo quốc đã trở
lại dùng tiếng ấy mà từ bỏ tiếng Tiên, chỉ trừ số người ít ỏi còn kiên trì tình
bạn xa xưa với dân Eldar. Vào thời kì quyền lực, người Númenor đã thiết lập rất
nhiều đồn lũy và cảng bên bờ biển Tây Trung Địa để tiện cho tàu bè đi lại, một trong
những nơi đó là Pelargir gần Cửa Sông Anduin. Ở đó người ta nói tiếng Adûnaic, và
sau khi trộn thêm nhiều từ ngữ lấy từ tiếng các tộc người thấp kém hơn, nó đã trở
thành Ngôn Ngữ Chung, rồi tỏa đi từ đó dọc bờ biển trong khắp những giống dân có
qua lại giao thương với Tây Châu.

Sau
khi Númenor sụp đổ, Elendil dẫn số Bạn Tiên còn sống sót quay lại vùng bờ biển Tây
Bắc Trung Địa. Ở đó đã có nhiều người sinh sống, là dân Númenor thuần huyết hay
một phần, nhưng trong số họ rất ít người còn nhớ tiếng Tiên. Như vậy ban đầu tổng
số dân Dúnedain ít ỏi hơn nhiều dân số các tộc người thấp kém mà họ tới sống cùng
và trở thành người cai trị, vì là những vị chúa có tuổi thọ dài lâu và uy quyền
cùng trí thông thái hơn người. Vì thế họ dùng Ngôn Ngữ Chung cho nhu cầu giao tiếp
với các giống dân khác và quản lí các vương quốc mênh mông trong tay, nhưng đã mở
rộng thứ tiếng ấy cho phong phú bằng rất nhiều từ ngữ bắt nguồn từ tiếng tiên.

Vào
thời các vua Númenor, thứ Tây ngữ được bồi bổ ấy đã lan xa rộng, kể cả trong số
kẻ thù của họ; và bản thân người Dúnedain cũng ngày càng sử dụng nó nhiều hơn, đến
nỗi tới thời cuộc Nhẫn Chiến, tiếng tiên chỉ còn được biết trong một bộ phận nhỏ
dân cư Gondor, số người sử dụng thường ngày còn ít hơn nữa. Những người này chủ
yếu sống ở Minas Tirith và các trang trại phụ cận, hoặc trong vùng đất chư hầu thuộc
quyền các lãnh chúa Dol Amroth. Vậy nhưng phần lớn địa danh và tên người trong lãnh
thổ Gondor lại có hình thức và ý nghĩa tiếng Tiên. Một số đã bị quên mất nguồn gốc,
và hẳn có từ trước cả thời người Númenor đóng thuyền vượt đại dương; trong đó có
Umbar, Arnach Erech; và cả các tên núi Eilenach, Rimmon
cùng vậy. Forlong cũng là một tên thuộc loại này.

Phần
lớn Con Người các vùng Bắc miền Tây đều là hậu duệ của ba gia tộc Edain từ
Kỉ Đệ Nhất, hoặc nếu không cũng là họ hàng gần. Vì thế ngôn ngữ họ dùng có họ với
tiếng Adûnaic, và một vài thứ tiếng vẫn còn từa tựa Ngôn Ngữ Chung. Thuộc loại này
có cư dân các thung lũng thượng nguồn Anduin: con cái Beorn, Người Rừng sống phía
Tây rừng Âm U; về phía Bắc và Đông còn có Con Người ở Hồ Dài và thành bang thung
lũng. Từ miền đất giữa sông Diên Vĩ và hòn Carrock sinh sôi tộc người ở Gondor gọi
là Rohirrim, các Chúa Ngựa. Họ vẫn còn dùng ngôn ngữ tổ tiên, đặt tên bằng tiếng
ấy cho gần như mọi nơi trên đất nước mới; và họ tự xưng là Eorling, hay là Con Người
đất Riddermark. Nhưng các vị chúa của tộc dân này dùng Ngôn Ngữ Chung lưu loát,
và nói bằng lối nói đường bệ học của các đồng minh Gondor; vì ở Gondor, nơi phát
tích của nó, Tây ngữ vẫn còn khoác phong cách cổ giả và trang nhã.

Xa
lạ hoàn toàn là tiếng nói của Người Hoang trong Rừng Drúadan. Cũng xa lạ hay chỉ
liên quan rất ít là ngôn ngữ của dân Dunlending. Họ là tàn dư những bộ tộc từng
sống trong các thung lũng vách Dãy Núi Trắng từ thời thượng cổ. Những Người Chết
ở Dunharg thuộc về dòng giống họ thời xa xưa. Nhưng vào Những Năm Đen Tối, đã có
nhiều người khác chuyển tới sống ở các thung Nam dãy núi Mù Sương; rồi từ đó một
số lại đi tới các vùng đất không người đến tận vệt đồi Mộ Đá phía Bắc. Họ là cha
ông Con Người ở Bree; nhưng từ lâu lắm người làng đó đã trở thành thần dân Vương
Quốc Bắc Arnor và học dùng tiếng Tây ngữ. Chỉ riêng ở Dunland là giống người này
còn bám lấy thứ tiếng và thói tục xưa: một giống dân kín đáo, chẳng thân mật với
người Dúnedain và căm hận người Rohirrim.

Về
ngôn ngữ của họ cuốn sách này không ghi lại gì cả, ngoại trừ cái tên Forgoil
đặt cho người Rohirrim (được cho biết nghĩa là Tóc Rơm). Dunland Dunlending
là tên người Rohirrim đặt cho họ, vì họ da ngăm và tóc đen; nghĩa là không có liên
hệ gì giữa chữ dunn trong các tên đó và từ Dûn, “phương Tây” trong
tiếng Tiên.

Về Hobbit

Dân
Hobbit ở Quận và ở Bree tại thời điểm này dùng thuần Ngôn Ngữ Chung, có lẽ đã được
cả nghìn năm. Họ nói theo cách riêng của mình, tự nhiên và khá tùy tiện; dù những
người có học trong số họ vẫn dùng thuần thục cách nói lễ độ khi hoàn cảnh yêu cầu.

Không
thấy có ghi chép ở đâu về một thứ ngôn ngữ riêng của dân Hobbit cả. Có vẻ từ thời
thượng cổ họ đã dùng các ngôn ngữ Con Người nơi họ sống gần, hoặc sống chung. Vì
thế họ nhanh chóng học lấy Ngôn Ngữ Chung sau khi đổ vào Eriador, và tới thời điểm
định cư ở Bree đã bắt đầu quên thứ tiếng dùng trước đó. Đấy hiển nhiên là một thứ
tiếng Người ở thượng lưu sông Anduin, gần gũi với tiếng người Rohirrim, dù dân Đại
Cồ miền Nam dường như đã học cả ngôn ngữ có họ với Dunland trước khi ngược về Bắc
đến Quận[1].

[1] Dân Đại Cồ ở Mũi Đất, mà
sau này trở về Vùng Đất Hoang, đã học xong Ngôn Ngữ Chung; nhưng Déagol và
Sméagol lại là tên bằng tiếng Người ở vùng đất gần sông Diên Vĩ.

Những
đặc điểm đó tới thời Frodo vẫn còn để lại chút ít vết tích trong các từ ngữ và tên
riêng địa phương, nhiều từ rất sát với các ví dụ bắt gặp ở thành bang thung lũng
hoặc Rohan. Đáng chú ý nhất là tên các ngày, tháng và mùa; còn có vài từ khác thuộc
loại đó (như mathom smial) vẫn được sử dụng rộng rãi, và còn nhiều
nữa được lưu giữ trong các địa danh ở Bree và ở Quận. Tên riêng của dân Hobbit cũng
lạ lùng, nhiều tên truyền lại từ thời thái cổ.

Hobbit là chữ thường
dùng của dân Quận gọi tất cả người giống mình. Con Người thì gọi họ là người
Tí Hon
, còn Tiên gọi là Periannath. Nguồn gốc chữ hobbit không
còn nhớ được. Tuy nhiên có khả năng ban đầu đấy là tên đặt cho chi Chân Tơ, theo
cách gọi của Đại Cồ và Bì Bợt, và là biến dạng của một từ còn được giữ tương đối
nguyên vẹn ở Rohan: holbytla “dân xây hốc.”

Về các tộc dân khác

Ent. Giống dân
lâu đời nhất sống qua Kỉ Đệ Tam là người Onodrim hay Enyd. Ent
là tên họ trong ngôn ngữ Rohan. Họ đã được dân Eldar biết đến từ thời xa xưa lắm,
và quả thật người Ent tự cho mình mang nợ dân Eldar không chỉ ngôn ngữ của mình,
mà cả niềm ham muốn được nói. Thứ ngôn ngữ họ nghĩ ra hoàn toàn không giống bất
kì đâu: vừa chậm rãi, vừa âm vang, vừa tích hợp, vừa trùng lặp, hết sức dài dòng;
cấu tạo từ cả ức triệu các âm sắc nguyên âm và dị biệt vi tế trong ngữ điệu và tính
chất, đến nỗi ngay những bậc thầy tích truyện nòi Eldar cũng chưa từng liều thử
dùng chữ viết ghi lại. Họ chỉ dùng ngôn ngữ đó nói chuyện với người mình; nhưng
họ cũng chẳng cần giữ bí mật, vì chẳng ai khác học nổi thứ tiếng ấy.

Tuy
nhiên bản thân người Ent rất thông thạo ngôn ngữ, học cũng nhanh và chẳng bao giờ
quên điều gì. Nhưng họ ưa dùng các thứ tiếng Eldar, và thích hơn cả là tiếng Thượng
Tiên thời cổ. Những từ ngữ và tên riêng kì lạ mà người Hobbit chép lại từ lời nói
của Cây Râu và các Ent khác, vì thế, là tiếng Tiên, hoặc là những đoạn ngôn từ Tiên
xâu chuỗi lại theo kiểu Ent[1].
Một vài từ là tiếng Quenya: như Taurelilómëa-tumbalemorna Tumbaletaurëa Lómëanor,
tạm giải nghĩa là “Rừngnhiềubóng-sâulũngđen Sâulũngrừng Uámđất,” có thể hiểu ý Cây
Râu đại khái là: “có một bóng tối đen nằm trong những lũng sâu trong rừng.” Một
số thì là tiếng Sindarin: như Fangorn “râu-(của)-cây,” hoặc Fimbrethil
“mảnh mai-cây sồi.”

Orc

Ngôn Ngữ Đen. Orc
là cái tên các giống dân khác đặt cho giống dân xấu xa này,
dạng dùng trong tiếng Rohan. Dạng tiếng Sindarin là orch. Hiển nhiên chữ
uruk trong Ngôn Ngữ Đen cũng có liên quan, dù chữ này chỉ dùng gọi loài Orc
chiến binh lớn xuất quân khỏi Mordor và Isengard vào thời điểm này. Các loại thấp
kém hơn thì gọi là snaga “nô lệ,” đặc biệt từ miệng bọn Uruk-hai.

[1] Trừ những thán từ ngắn
có vẻ là do người Hobbit tìm cách ghi lại tiếng lẩm bẩm hay hô gọi của người
Ent; a-lalla-lalla-rumba-kamanda-lindor-burúme cũng không phải tiếng Tiên, và
là ví dụ duy nhất (chắc hẳn vô cùng thiếu chính xác) cố gắng thể hiện một cụm
tiếng Ent thực sự.

Bọn
Orc được sinh ra lần đầu dưới tay Thế Lực Hắc Ám phương Bắc vào thời Cựu Niên. Nghe
nói chúng không có ngôn ngữ riêng, chỉ nhặt nhạnh những gì có thể từ ngôn ngữ khác
rồi bóp méo tùy sở thích; chúng chỉ đặt ra những đặc ngữ tàn bạo, chẳng đủ phục
vụ nhu cầu của chính chúng, trừ nhu cầu chửi bới và lăng mạ. Loài sinh vật ấy, với
bản chất hiểm độc và căm ghét chính giống loài mình, nhanh chóng rơi vào chia rẽ:
có bao nhiêu nhóm hay cụm dân cư giữa chúng thì có bấy nhiêu thứ phương ngữ cục
cằn, khiến tiếng Orc chẳng mấy có ích khi cần liên lạc giữa các bộ tộc Orc.

Vậy
là đến Kỉ Đệ Tam, các loài Orc khác nhau nói chuyện với nhau bằng Tây ngữ; và quả
thật trong số các bộ lạc xưa hơn, nay vẫn còn lưu lại trên miền Bắc và Dãy Núi Mù
Sương, rất nhiều giống từ lâu đã dùng Tây ngữ làm tiếng mẹ đẻ, dù nhờ vào cách nói
năng của chúng nghe vẫn thô bỉ chẳng thua tiếng Orc. Trong đặc ngữ ấy có tark
“người Gondor,” biến dạng từ tarkil, một từ Quenya dùng trong Tây ngữ chỉ
người thuộc dòng dõi Númenor.

Nghe
nói Ngôn Ngữ Đen do Sauron đặt ra vào Những Năm Đen Tối, hòng đề ra một thứ tiếng
chung cho tất cả đám bề tôi, nhưng mục đích này không thành. Tuy thế chính từ Ngôn
Ngữ Đen đã rút ra nhiều từ vay mượn phổ biến rộng trong các Orc Kỉ Đệ Tam, ví như
ghâsh “lửa,” nhưng sau khi Sauron bị lật đổ lần thứ nhất, thứ tiếng này ở
dạng tối cổ đã bị quên hết, trừ đám Nazgûl là nhớ. Khi Sauron trỗi dậy trở lại,
lần nữa nó lại trở thành ngôn ngữ chính thức ở Barad-dûr và trong số đám đầu lĩnh
Mordor. Dòng khắc trên Nhẫn Chúa chính là bằng Ngôn Ngữ Đen tối cổ; câu chửi rủa
của tên Orc Mordor còn dùng ở dạng đê hạ hơn nữa trong số lính tòa Tháp Tối do Grishnákh
chỉ huy. Sharkû trong thứ tiếng đó có nghĩa là ông già.

Quỷ
khổng lồ
.
Chữ quỷ khổng lồ dùng để dịch chữ Sindarin Torog. Nguyên thủy từ trong
thời bóng tà thuở Cựu Niên, đấy là những sinh vật xuẩn ngốc đần độn, hiểu biết ngôn
ngữ không hơn gì thú vật. Nhưng Sauron đã dùng đến chúng, dạy cho chúng chừng ít
ỏi nào chúng học được, và tiêm thêm cho chúng trí khôn nhờ thói quay quắt. Vì thế
lũ quỷ khổng lồ học nói theo khả năng của chúng từ lũ Orc, và ở miền Tây lũ Quỷ
đá nói thứ Ngôn Ngữ Chung đã bị méo mó nhiều.

Nhưng
tới cuối Kỉ Đệ Tam xuất hiện một giống quỷ chưa từng thấy ở mạn Nam rừng Âm U và
trên các dãy núi bao Mordor. Olog-hai là tên chúng bằng Ngôn Ngữ Đen. Việc chúng
là do Sauron sinh ra thì không còn phải bàn cãi, nhưng từ thứ nguyên liệu nào không
ai biết. Nhiều người cho rằng chúng vốn chẳng phải Quỷ khổng lồ mà là Orc ngoại
cỡ: nhưng bọn Olog-hai cả về hình thù cơ thể lẫn trí óc đều khác hẳn ngay đến cả
loài Orc to nhất, hơn chúng gấp nhiều lần cả về kích cỡ và sức mạnh. Chúng là quỷ
khổng lồ, nhưng lại chứa đầy ý chí tàn ác của tên chủ nhân; một giống dân hung hãn,
khỏe như voi, nhanh nhẹn, dữ tợn và xảo quyệt, nhưng còn rắn hơn đá. Khác hẳn giống
quỷ cổ thời Bóng Tà chúng chịu được mặt yrời, chừng nào còn được ý chí Sauron điều
khiển. Chúng nói ít, và dùng thứ tiếng duy nhất là Ngôn Ngữ Đen của Barad-dûr.

Người
Lùn.

Người Lùn là một giống dân chẳng giống ai. Về nguồn gốc lạ lùng của họ, về lí do
vì sao họ vừa giống lại vừa khác cả Tiên lẫn Con Người, trong Huyền sử Silmaril
có kể; nhưng câu chuyện đó những nòi Tiên thấp kém hơn ở Trung Địa không biết tới,
còn Con Người sau này thì nhớ lẫn lộn với kí ức về các chủng tộc khác.

Họ
là một giống người phần đông cương cường nhưng cục mịch, kín đáo, cần cù, có trí
nhớ dai về mỗi hành động sai quấy (hay ích lợi), yêu chuộng đá cứng và ngọc quý,
yêu những vật thành hình trong tay thợ khéo hơn là những vật sống tự nhiên nhi nhiên.
Nhưng bản chất họ không phải ác, và rất ít người tự nguyện phục vụ Kẻ Thù, trái
với các câu chuyện của Con Người ám chỉ nọ kia. Vì Con Người thời xưa thèm khát
tiền tài cũng như sản phẩm tạo tác của họ, và cả hai bên đã từng thù hằn rất lâu.

Nhưng
tới Kỉ Đệ Tam, tình bạn khăng khít vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi giữa hai nòi giống;
hơn nữa thói quen của Người Lùn, trong khi lưu lạc và lao động cùng giao thương
khắp các miền đất như họ vẫn sống từ sau khi dinh thự tổ tông bị hủy diệt, là học
dùng ngôn ngữ của Con Người nơi họ sống. Nhưng khi bí mật (và bí mật này, trái với
Tiên, họ không sẵn lòng tiết lộ, kể cả với bạn bè), họ dùng thứ ngôn ngữ riêng rất
kì lạ: hầu như không biến đổi qua các năm, vì đã trở thành ngôn ngữ học vấn chứ
không phải là lời nói tự nhiên; được họ chăm chút canh phòng như một báu vật từ
quá khứ. Rất ít người tộc khác từng học được. Trong cuốn sử này, thứ tiếng ấy chỉ
xuất hiện trong những tên địa danh Gimli nói lộ cho các bạn đồng hành; và trong
lời hô xung trận của ông trong cuộc vây Lũy Tù Và. Ít nhất câu đó thì không bí mật,
và đã nghe vang lên trên rất nhiều chiến trường từ khi thế giới còn non trẻ. Baruk
Khazâd! Khazâd ai-mênu!
“(Hỡi) Rìu của Người Lùn! Người Lùn đang ập đến ngươi!”

Nhưng
còn tên của Gimli, cũng như mọi đồng bào ông, thì đều có gốc miền Bắc (tiếng Người).
Họ còn có tên bí mật, tên “nội danh,” tên thật mà Người Lùn không bao giờ tiết lộ
cho bất kì ai giống dân khác. Cả trên mộ họ cũng không khắc tên này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3