Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn - Nhà Vua Trở Về - Quyển VI - Phụ Lục A - Phần 2
(iii)
Eriador, Arnor, và những Người
Kế Vị Isildur
“Eriador
xưa kia là tên gọi trọn vùng đất nằm giữa dãy núi Mù Sương và Dãy Núi Lam; địa giới
phía Nam là dòng Lũ Xám cùng dòng Glanduin đổ vào đó ngay trên Tharbad.
“Vào
giai đoạn hùng cường nhất, Arnor mở rộng tới toàn Eriador chỉ trừ các vùng bên kia
sông Lune, hay nằm về phía Đông sông Lũ Xám và Nước Ồn là nơi có Thung Đáy Khe và
Đất Nhựa Ruồi. Bên kia sông Lune là đất của Tiên xanh tươi yên ả, Con Người chưa
hề đặt chân tới; nhưng Người Lùn từng sống ở mạn Đông Dãy Núi Lam cho mãi đến bây
giờ, nhất là phía Nam Vịnh Lune có những mỏ khai khoáng nay vẫn còn hoạt động. Chính
vì thế họ vẫn thường đi lại trên Đường Cái về phía Đông, một thói quen từ thời xa
thẳm trước khi chúng ta tới định cư ở Quận. Cảng Xám là nơi ở của Círdan Người Đóng
Tàu, có kẻ nói giờ ông vẫn còn ở đó chờ Chuyến Cuối căng buồm về Tây, Vào thời Các
Vua, phần lớn các Thượng Tiên nào còn chưa rời Trung Địa đều sống cùng Círdan hoặc
ở dải đất Lindon ven biển. Nếu giờ vẫn còn lại ai, thì cũng chỉ còn rất ít.”
Vương
quốc Bắc và người Dúnedain
Tiếp
sau Elendil và Isildur còn tám Đại Vương cai trị Arnor. Sau thời Eärendur, các con
trai ngài rơi vào tranh chấp, dẫn đến việc vương quốc bị chia ba: Arthedain, Rhudaur,
Cardolan. Arthedain nằm góc Tây Bắc, là phần lãnh thổ nằm giữa các sông Bia Rum
Đun và Lune, thêm cả miền đất phía Bắc Đường Đông kéo dài tới tận Khu Đồi Gió. Rhudaur
ở góc Đông Bắc, nằm giữa vùng Truông Etten, Khu Đồi Gió và dãy núi Mù Sương, lại
bao gồm cả Mũi Đất nằm giữa hai sông Nguồn Xám và Nước Ồn. Cardolan chiếm nửa Nam,
mốc phân giới là hai sông Bia Rum Đun, Lũ Xám và Đường Cái.
Ở
Arthedain dòng tộc Isildur vẫn còn được giữ gìn và nối tiếp, nhưng Cardolan và Rhudaur
thì chẳng mấy đã lụi tàn. Ba vương quốc thường lâm vào xung đột, càng đẩy nhanh
sự suy vong của người Dúnedain. Đối tượng tranh giành chính là Khu Đồi Gió và khoảnh
đất ở về phía Tây đồi cho mãi đến Bree. Cả Rhudaur và Cardolan đều muốn đoạt được
Amon Sûl (Đỉnh Gió) nằm trên biên giới cả ba nước, vì Tháp Amon Sûl là nơi đặt quả
Palantír chính yếu của miền Bắc, mà cả hai quả còn lại đều nằm trong tay Arthedain.
“Chính
vào buổi đầu triều đại Malvegil vua Arthedain là khi cái ác đến Arnor. Vì vào khoảng
đó, vương quốc Angmar mọc lên ở phương Bắc bên kia Truông Etten. Lãnh địa nó trải
ra cả hai bên dãy núi, tới đó tụ lại vô số con người hiểm ác, cùng Orc và các sinh
vật tàn độc khác. [Chúa tể vùng đất đó được gọi là Vua phù thủy, nhưng mãi về sau
này người ta mới biết hắn cũng chính là thủ lĩnh bọn Ma Nhẫn, lên phía Bắc chẳng
với mục đích gì khác ngoài tiêu diệt hết người Dúnedain ở Arnor, vì thấy cơ hội
trong cảnh tam phân, trong lúc Gondor còn mạnh.]”
Tới
thời Argeleb con trai Malvegil, vì không còn lại hậu duệ Isildur nào trong hai vương
quốc còn lại, các vua Arthedain lần nữa lại xưng vương trên toàn cõi Arnor. Nhưng
Rhudaur kháng lại. Ở đó người Dúnedain không còn mấy, quyền lực đã rơi vào tay tên
thủ lĩnh gian ác của đám Người Đồi, vốn giao kết bí mật với Angmar. Argeleb củng
cố lại Khu Đồi Gió, nhưng ngã xuống khi giao chiến với Rhudaur và Angmar.
Arveleg
con trai Argeleb, có Cardolan và Lindon hợp sức, đã đánh đuổi kẻ thù khỏi Khu Đồi;
và suốt nhiều năm Arthedain cùng Cardolan duy trì một phòng tuyến mạnh dọc Khu Đồi
Gió, Đường Cái và hạ lưu sông Nguồn Xám. Nghe nói chính vào thời gian này Thung
Đáy Khe đã bị bao vây.
Nẳm
1409, Angmar cử đi một đạo quân lớn, vượt sông tiến vào Cardolan vây Đỉnh Gió. Người
Dúnedain thất trận, Arveleg bị giết. Tháp Amon Sûl bị đốt phá san phẳng, nhưng quả
palantír được cứu thoát, đoàn quân rút chạy mang về Fornost. Rhudaur trở
thành địa bàn của Con Người phe ác dưới quyền Angmar, và những người Dúnedain nào
còn ở lại đều bị truy sát hoặc bỏ chạy về Tây. Cardolan bị tàn phá. Araphor con
trai Arveleg, chưa tới tuổi trưởng thành nhưng có tinh thần anh dũng, được Círdan
trợ giúp đánh đuổi hết quân thù khỏi Fornost và Khu Đồi Bắc. Một toán nhỏ người
Dúnedain trung tín nước Cardolan cũng cầm cự tại Tym Gorthad (vệt đồi Mộ Đá), hoặc
lánh nạn trong khu Rừng sau vệt đồi.
Tương
truyền có một thời gian Angmar bị áp chế nhờ người Tiên từ Lindon đến; cả từ Thung
Đáy Khe, vì Elrond đã vời được người Lórien vượt dãy núi qua hỗ trợ. Chính vào khoảng
đó mà chi Đại Cồ vốn từng sống trong Mũi Đất (giữa Nguồn Xám và Nước Ồn) chạy về
phía Tây và Nam, tránh chiến tranh và mối đe dọa từ phía Angmar, và cũng vì thung
thổ Eriador, nhất là ở nửa Đông, càng lúc càng trở nên hà khắc khó sống. Một số
trở về Vùng Đất Hoang cắm lại bên dòng Diên Vĩ, lâu dài thành dân đánh cá sống bên
sông.
Đến
thời Argeleb II, trận dịch hạch từ Đông Nam lan tới Eriador khiến dân cư Cardolan
hụt đi không còn mấy, nhất là dưới mạn Minhiriath. Dân Hobbit cũng như mọi giống
dân khác sống qua một giai đoạn hãi hùng, nhưng bệnh dịch càng lên Bắc thì càng
yếu, những vùng phía Bắc Arthedain không bị tổn thất nhiều. Đó là thời người Dúnedain
ở Cardolan tiêu biến hẳn, và các loại ác hồn Angmar và Rhudaur tới chiếm các trụ
mộ bỏ hoang làm nơi trú thân.
“Nghe
đồn các cột mộ ở Tym Gorthad, tên gọi vệt đồi Mộ Đá ngày xưa, đã có từ thượng cổ,
rất nhiều cột xây từ thuở thế giới mới bước vào Kỉ Đệ Nhất, nhờ công các tổ phụ
Edain trước khi vượt Dãy Núi Lam đi vào Beleriand (mà nay chỉ còn lại dải Lindon
ven bờ). Vì thế sau khi trở lại, người Dúnedain coi những đồi đó là đất thiêng và
lấy làm nơi mai táng nhiều bậc vua chúa. [Có người bảo trụ mộ đã giam cầm Người
Mang Nhẫn chính là mộ táng vị hoàng tử Cardolan cuối cùng, chết trận năm 1409.]”
“Năm
1974 thế lực Angmar lại mạnh lên lần nữa, tên Vua phù thủy kéo quân xuống đánh Arthedain
khi mùa đông còn chưa qua. Chiếm được Fornost, hắn truy đuổi phần lớn dân Dúnedain
còn lại chạy quá dòng Lune, trong số đó có cả các con trai nhà vua. Nhưng Vua Arvedui
vẫn chống trả đến cùng trên Khu Đồi Bắc, rồi sau đó cùng vài cận vệ chạy lên mạn
Bắc; đàn ngựa chân nhanh đưa họ chạy thoát quân thù.
“Suốt
một thời gian Arvedui ẩn náu trong các hầm mỏ xưa của Người Lùn ở đầu xa dãy núi,
nhưng cuối cùng cơn đói buộc ông phải cầu viện người Lossoth, Người Tuyết vịnh Forochel[1]. Ông bắt gặp vài người dựng trại
bên bờ biển; nhưng họ không sẵn lòng giúp đỡ, vì ông chẳng có gì đánh đổi trừ ít
châu báu chẳng có giá trị gì với họ, và họ lại sợ tên Vua phù thủy, kẻ có khả năng
(theo họ nói) tùy ý làm băng đóng hay tan. Nhưng phần vì thương hại ông vua và đoàn
người hốc hác, phần vì sợ vũ khí họ mang theo, những người này cho đoàn ít thức
ăn và xây cho họ vài túp nhà trong tuyết. Arvedui buộc phải ở lại đây chờ đợi, mong
có hỗ trợ từ phương Nam tới; vì ngựa của họ đã chết cả.
[1] Đây là một tộc người lạ
lùng không hiếu khách, tàn dư dòng giống Forodwaith, Con Người từ thuở xa xưa,
quen sống trong cái lạnh giá băng ở vương quốc Morgoth. Thực tế là đến nay ở
vùng đó vẫn còn lạnh giá, dù nằm về phía Bắc Quận chỉ chừng trăm lí. Người
Lossoth xây nhà trong tuyết, nghe đồn còn có thể chạy trên băng nhờ buộc xương
vào chân và chở xe thồ không có bánh. Họ sống chủ yếu ở nơi kẻ thù không tài
nào đến được, trên Mũi Forochel rộng lớn chắn đầu Tây Bắc vịnh nước khổng lồ
cùng tên, nhưng cũng thường cắm trại ở bờ Nam vịnh dưới chân Dãy Núi Lam.
“Khi
Círdan nhờ Aranarth con trai Arvedui mà biết nhà vua đã chạy trốn lên phía Bắc,
ông lập tức cho tàu lên Forochel tìm kiếm nhà vua. Con tàu tới nơi sau rất nhiều
ngày vì gặp nhiều luồng gió ngược, và thủy thù đoàn từ xa nhìn thấy đống lửa nhỏ
nhóm bằng gỗ dạt được đoàn người gặp nạn chăm chút nuôi cho cháy. Nhưng mùa đông
năm ấy ương bướng không chịu sớm nhả gọng kìm, dù đã tháng ba nhưng băng mới bắt
đầu tan, trải xa bờ trên mặt vịnh.
“Khi
nhìn thấy con tàu Người Tuyết rất lạ lùng sợ hãi, vì từ thuở còn nhớ được họ chưa
từng nhìn thấy tàu trên biển bao giờ; nhưng tới lúc này họ đã thân thiện hơn, cho
xe trượt đưa nhà vua và những người còn sống trong đoàn qua mặt băng xa tới chừng
nào họ dám. Nhờ thế tàu có thể thả thuyền nhỏ vào đón họ.
“Nhưng
những Người Tuyết có vẻ không yên: họ nói mình ngửi thấy nguy hiểm trong hơi gió.
Và thủ lĩnh người Lossoth bảo với Arvedui: ‘Đừng lên con quái vật biển này! Hãy
nói những người biển mang đồ ăn và đồ cần thiết cho chúng ta, nếu họ có, còn ông
thì ở lại đây tới lúc Vua phù thủy về nhà. Vì tới mùa hè hắn yếu đi, nhưng lúc này
hơi thở hắn mang lại chết chóc, còn cánh tay lạnh toát thì dài.’
“Nhưng
Arvedui không nghe lời khuyên ấy. Ông cảm ơn viên thủ lĩnh, và tặng lại chiếc nhẫn
trên tay khi ra đi mà nói: ‘Đây là một vật có giá trị vượt xa những gì các người
hiểu được. Chỉ nhờ dòng dõi của nó mà thôi. Nó chẳng có quyền lực gì, ngoài tình
trân trọng của những ai yêu mến gia tộc ta. Nó không giúp gì được các người, nhưng
nếu có lúc nào các người gặp nạn, họ hàng ta sẽ đồng ý chuộc bằng tất cả những gì
các người mong có.’[2]
[2] Chính nhờ thế mà chiếc
nhẫn của Gia tộc Isildur còn giữ được, vì sau này được người Dúnedain chuộc
lại. Tương truyền đó chính là chiếc nhẫn đã được Felagund ở Nargothrond tặng
Barahir, mà sau này Beren đã trải bao hiểm nguy giành lại.
“Nhưng
rồi ra, không biết vì tình cờ hay vì hiểu biết, lời khuyên của người Lossoth lại
xác đáng vô cùng; vì con tàu chưa ra được biển khơi đã gặp một cơn bão lốc nổi lên,
từ phương Bắc quất từng vốc tuyết lóa mắt; nó xua con tàu trở lại mặt băng và chồng
chất băng táp lên tàu. Cả những thủy thủ nhà Círdan cũng bất lực xuôi tay, và tới
đêm đó băng đập vỡ thân, làm con tàu chìm nghỉm. Đấy là đoạn kết của Arvedui Vua
Cuối, cả những quả palantír cũng theo ông chôn vùi đáy nước[3]. Phải mãi về sau qua Người Tuyết
người ta mới biết tin về vụ đắm tàu Forochel.”
[3] Đây là hai Quả Cầu
Annúminas và Amon Sûl. Quả cầu duy nhất còn lại trên Bắc là quả trên Tháp ở Emyn
Beraid nhìn ra Vịnh Lune. Quả này được người Tiên canh giữ, và dù chúng ta
không biết nhưng nó vẫn còn lại đó, tới khi Círdan đặt lên tàu cùng Elrond khi
ông ra đi. Nhưng theo chúng tôi biết, không giống như những quả khác và cũng
không đáp lại chúng, quả cầu này chỉ nhìn ra đại dương. Elendil đặt trên Tháp
để có thể ngoảnh lại nhìn theo “đường thẳng” về Eressëa ở phương Tây đã biến
mất; nhưng mặt biển cong bên dưới đã trùm lấp Númenor vĩnh viễn.
Chúng
dân Quận vẫn sống sót, dù có bị chiến tranh quét qua khiến phần lớn phải bỏ chạy
và ẩn nấp. Họ có cử vài tay cung đi hỗ trợ nhà vua nhưng chẳng thấy trở về; lại
còn những người khác tham chiến trong trận đánh đã tiêu diệt Angmar (được chép kĩ
hơn trong sử kí vương quốc Nam). Trong thời kì thanh bình tiếp đó, dân Quận sống
tự trị và hưng thịnh. Họ chọn ra vị Thain nắm quyền thay nhà vua, lấy đó làm thỏa
mãn; dù qua nhiều năm vẫn còn nhiều người trông đợi nhà vua trở về. Nhưng cuối cùng
cả hi vọng ấy cũng bị quên đi, chỉ còn lưu lại trong câu thành ngữ Khi nào Nhà
Vua quay lại, nghĩa là điều lành khó mà đạt được, mà cũng có khi là điều dữ
khó mà chữa được. Vị Thain đầu tiên ở Quận là một người họ Bucca ở Chằm Lớn, mà
nhà Lão Hươu tự nhận là ông tổ họ mình. Ngài được phong Thain năm 379 theo Niên
lịch Quận (1979).
Sau
thời Arvedui là chấm dứt vương quốc Bắc, vì bây giờ người Dúnedain chỉ còn lác đác,
còn mọi dân tộc sống trên Eriador đã vãn nhiều. Nhưng dòng vương hệ vẫn được duy
trì, trở thành Thủ Lĩnh người Dúnedain, bắt đầu từ Aranarth con trai Arvedui. Arahael
con trai ông chào đời ở Thung Đáy Khe, cũng như mọi con trai các thủ lĩnh đời sau
đó; đây cũng là nơi cất giấu các bảo vật truyền gia của dòng họ: nhẫn của Barahir,
những mảnh gãy thanh Narsil, ngôi sao Elendil, vương trượng thành Annúminas[4].
[4] Vương trượng là chứng
vật chính của hoàng gia ở Númenor, như Nhà Vua cho chúng tôi biết; và tới Arnor
cũng vậy, vua nước này không đội miện mà mang một viên ngọc trắng duy nhất,
Elendilmir, Ngôi Sao Elendil, đeo trên trán đính vào băng vải trắng. Khi nói
đến vương miện, hiển nhiên Bilbo đang nghĩ đến Gondor; có vẻ ông đã trở nên rất
uyên bác về các vấn đề liên quan đến dòng dõi Aragorn. Vương trượng của Númenor
nghe đồn đã bị phá hủy khi Ar-Pharazôn chết, vương trượng của Annúminas chính
là cây gậy trắng của các Lãnh Chúa Andúnië, có lẽ là thành tạo lâu đời nhất
dưới bàn tay Con Người nay còn được giữ gìn ở Trung Địa. Cây gậy đã hơn năm
nghìn tuổi khi Elrond trao trả lại cho Aragorn. Vương miện Gondor tạo hình dựa
theo mũ đầu mâu ở Númenor. Ban đầu nó chỉ là một chiếc mũ trụ đơn giản, nghe
đồn chính là mũ Isildur đội vào Trận Dagorlad (vì mũ trụ của Anárion đã bị
nghiến nát khi hòn đạn đá từ Barad-dûr sát hại ngài). Nhưng tới thời Atanatar
Alcarin nó đã thay bằng chiếc mũ đính ngọc quý dùng trong lễ đăng quang của
Aragorn.
“Khi
vương quốc chấm dứt, người Dúnedain lẩn vào bóng đêm, trở thành một tộc dân lang
bạt trong bí mật, những chiến tích và công sức của họ ít khi được ghi chép hay ca
tụng. Ngày nay chẳng còn mấy điều được biết về họ kể từ ngày Elrond ra khơi. Dù
ngay từ trước khi chấm dứt thời Hòa Bình Cảnh Giới, nhiều mối ác họa đã lại bắt
đầu tấn công hoặc ngầm xâm nhập Eriador, nhưng các Thủ Lĩnh Dúnedain phần lớn vẫn
sống trọn tuổi trời cho rất thọ. Aragorn I, theo lời đồn, bị lũ sói kết liễu; chúng
vẫn là mối nguy lớn ở Eriador và đến giờ vẫn chưa dứt hẳn. Tới thời Arahad I, bọn
Orc vốn từ lâu chiếm cứ những thành lũy mặt trong dãy núi Mù Sương để chặn mọi ngả
đèo đi vào Eriador, như sau này người ta biết, bỗng đột ngột ra mặt. Năm 2509, Celebrían
phu nhân của Elrond trên đường tới Lórien bị phục kích ở Đèo Sừng Đỏ, đoàn hộ tống
trước đội Orc tấn công bất ngờ bị đánh tản mát, còn Phu Nhân bị bắt lấy đưa đi xa.
Elladan và Elrohir lùng theo cứu được mẹ mình, nhưng bà đã phải chịu hành hạ khủng
khiếp và trúng độc từ vết thương. Bà được đưa lại về Imladris, nhưng dù được Elrond
chữa trị cho lành thể xác, bà đã mất hết lòng vui sống ở Trung Địa; tới năm sau
bà ra Cảng và đi về bên kia đại dương. Rồi đến sau này vào thời Arassuil, bọn Orc
đã lần nữa nảy nở sinh sôi trong dãy núi Mù Sương bắt đầu tràn ra phá phách miền
đất, khiến người Dúnedain và các con trai Elrond phải đối đầu. Chính thời điểm đó
là lúc một nhóm Orc lớn đánh về Tây xa đến mức vào tận Quận, rồi bị Bandobras Took
đánh đuổi đi.”
Có
tất cả mười lăm Thủ Lĩnh trước khi ra đời người cuối cùng thứ mười sáu là Aragorn
II, về sau lại trở thành Vua của cả Gondor lẫn Arnor. “Nhà Vua của chúng ta, như
chúng tôi vẫn gọi; và khi ngài lên Bắc tới sống ở cung điện Annúminas đã xây lại
và nghỉ lại ít lâu bên Hồ Bóng Tà, mọi người trong Quận đều mừng rỡ. Nhưng ngài
không tới thăm Quận, tự ràng buộc mình bằng luật chính ngài đã ban ra, rằng Dân
To Lớn không ai được quyền vào ranh giới Quận. Nhưng ngài rất nhiều lần cùng đoàn
người đẹp đẽ phi ngựa tới Cầu Lớn, ở đó đón tiếp các bạn bè mình cùng tất cả những
ai muốn diện kiến ngài; một số cùng đi từ đó với ngài, về sống trong cung điện tới
chừng nào họ thích. Vị Thain Peregrin đã nhiều lần viếng thăm nơi đó, và cả Thầy
Samwise tức Thị trưởng nữa. Con gái ông, Elanor Xinh Đẹp, là một trong những thị
nữ của Hoàng Hậu Sao Hôm.”
Niềm
tự hào và thần kì của Dòng Bắc là ở việc, dù quyền lực đã suy giảm và dân số đã
bớt nhiều, nhưng qua từng ấy thế hệ dòng trực hệ từ cha tới con vẫn không đứt đoạn.
Và dù cho tuổi đời người Dúnedain càng lúc càng rút ngắn khi sống ở Trung Địa, thì
sau khi dòng vua chấm dứt ở Gondor, sự suy tàn dưới miền Nam còn chóng vánh hơn;
trên miền Bắc rất nhiều Thủ Lĩnh vẫn còn sống tới gấp đôi tuổi thọ thông thường
Con Người, tức là vượt xa cả những lão trượng dân chúng ta. Aragorn thực tế sống
đến hai trăm mười tuổi, lâu hơn bất kì ai thuộc dòng dõi ngài từ sau Vua Arvegil;
nhưng ở Aragorn Elessar, danh giá của các vua xưa đã trở lại.
______________
(iv)
Gondor và những Người Kế Vị
Anárion
Có
tất cả ba mươi mốt vị vua Gondor nối tiếp Anárion đã hi sinh trước cổng Barad-dûr.
Dù biên giới không bao giờ ngớt động binh, trong suốt hơn một nghìn năm người Dúnedain
miền Nam vẫn ngày càng giàu có và quyền thế trên đất liền và biển cả, mãi đến triều
Atanatar II, đế hiệu Alcarin tức Vinh Hoa. Nhưng những dấu hiệu suy tàn lúc này
đã chớm; vì chủng người cao quý miền Nam kết hôn muộn, đường tử tức cũng hiếm hoi.
Falastur là vị vua đầu tiên không con, tiếp đến Narmacil I, con trai Atanatar Alcarin.
Ostoher
vị vua thứ bảy là người cho xây lại Minas Anor, biến nơi đó thành hành cung mùa
hè thay thế Osgiliath từ đó về sau. Trong thời ngài, Gondor lần đầu bị người hoang
phương Đông tấn công. Nhưng Tarostar con trai ngài đánh bại và xua đuổi chúng, rồi
lấy hiệu Rómendacil, “kẻ chinh phục miền Đông.” Tuy thế sau này ngài tử trận khi
bọn phương Đông lại đổ quân đợt mới. Turambar con trai ngài đã báo thù cho cha,
mở thêm lãnh thổ rất xa về phía đó.
Tới
Tarannon đời thứ mười hai bắt đầu dòng các vị Vua Tàu; họ tổ chức thủy binh và bành
trướng uy quyền của Gondor dọc bờ biển phía Tây và Nam Cửa Sông Anduin. Kỉ niệm
các chiến thắng khi còn là Chỉ Huy Thủy Đội, Tarannon lên ngôi lấy hiệu Falastur,
“Chúa miền Duyên hải.”
Eärnil
I, cháu trai và là người nối ngôi ngài, cho sửa chữa cảng Pelargir có từ cổ đại,
lập nên đội thủy quân hùng mạnh. Bằng cả đường biển và đường bộ ngài bao vây và
chiếm được Umbar, biến nơi này thành khu cảng và thành trì lớn thêm vào uy vũ Gondor[1]. Nhưng Eärnil chẳng sống được
lâu để tận hưởng chiến thắng. Ngài chết cùng rất nhiều quân sĩ và tàu chiến trong
trận bão lớn ngay ngoài khơi Umbar. Ciryandil con trai ngài tiếp tục đóng tàu bè;
nhưng Con Người Harad, dẫn đầu là những lãnh chúa bị đánh đuổi khỏi Umbar, kéo quân
đông đảo về tấn công thành, và Ciryandil tử trận ở Haradwaith.
[1] Mũi Umbar cùng vụng biển
lớn nằm sâu trong nội địa từ lâu đã là lãnh thổ của người Númenor, nhưng là
thành trì của những Người dưới quyền Nhà Vua, sau gọi là người Númenor Đen, đã
bị Sauron dụ dỗ và căm ghét hơn hết thảy những người ủng hộ Elendil. Sau khi
Sauron sụp đổ, nòi giống chúng nhanh chóng suy giảm hoặc pha trộn với Con Người
ở Trung Địa, nhưng vẫn kế thừa không phai nhạt lòng thù ghét Gondor. Vì thế
Umbar chỉ chiếm lại được sau nhiều tổn thất nặng nề.
Suốt
nhiều năm Umbar vẫn bị quấy nhiễu nhưng không bị mất nhờ sức mạnh của hải đội Gondor.
Ciryaher con trai Ciryandil kiên nhẫn chờ đợi, rồi khi cuối cùng cũng tập trung
đủ lực lượng, ngài từ Bắc đánh xuống cả đường bộ và đường biển, và sau khi vượt
sông Hamen đoàn quân đánh bại tan tành bọn Người Harad, bắt vua của chúng xưng thần
với Gondor (1050). Ciryaher sau đó lấy tên hi armendacil, “kẻ chinh phục miền Nam.”
Uy
dũng của hi armendacil không bị kẻ thù nào thách thức suốt từ đó tới hết triều đại.
Ngài làm vua suốt một trăm ba mươi tư năm, triều đại dài nhất lịch sử Dòng Anárion
chỉ thua có một. Chính trong thời ngài Gondor đạt đến đỉnh cao quyền lực. Vương
quốc mở rộng về phía Bắc tới đồng Celebrant và hiên Nam rừng Âm U; phía Tây đến
sông Lũ Xám; phía Đông đến Biển nội địa Rhûn; phía Nam tới sông Hamen, rồi từ đó
dọc bờ biển tới bán đảo và cảng Umbar. Con Người ở đồng bằng sông Anduin suy tôn
nó; các vua Harad sùng phục nó, con trai họ sống trong triều để làm tin. Mordor
trở thành xứ hoang tàn, nhưng họ vẫn đặt những thành trì lớn canh phòng, đứng chặn
đầu các đèo núi.
Đến
đó là hết dòng các Vua Tàu. Atanatar Alcarin con trai hi armendacil sống trong nhung
lụa xa hoa, đến mức người ta bảo ở Gondor đá quý là sỏi cuội làm đồ chơi con
trẻ. Nhưng Atanatar ưa cuộc đời dễ chịu, chẳng hoài công bảo vệ quyền lực đã
truyền đến tay mình, và hai con trai ngài cũng cùng tính khí. Sự xuống dốc của Gondor
đã bắt đầu từ trước khi ngài mất, và hiển nhiên không lọt ra ngoài mắt kẻ thù. Sự
canh gác Mordor lơi lỏng. Tuy thế cũng phải mãi đến thời Valacar mới có ác họa lớn
đầu tiên ập đến Gondor: cuộc nội chiến vẫn gọi là vạ Thân Tranh, gây ra những mất
mát tổn hại khủng khiếp, không bao giờ hoàn toàn hồi phục.
Minalcar
con trai Calmacil là một người có sức lực phi thường, và vào năm 1240, để khỏi vướng
bận vì việc nước, Narmacil phong ngài làm Nhiếp chính toàn vương quốc. Từ năm đó
ngài cai trị Gondor nhân danh các vua, tới khi lên nối ngôi cha mình. Mối lo chủ
yếu của ngài là người miền Bắc.
Tộc
người này đã lớn mạnh nhanh chóng trong cảnh hòa bình dưới bóng uy quyền Gondor.
Các vua vẫn ưu ái họ, vì họ là họ hàng gần cận nhất với người Dúnedain tuy thuộc
về chủng thấp kém hơn (phần lớn có gốc gác là họ hàng tổ tiên các gia tộc Edain
khi trước), và trao cho họ những vùng đất rộng bên kia bờ Anduin, phía Nam Rừng
Xanh Lớn, làm tuyến phòng thủ trước giống dân phương Đông. Vì trước đó hướng tấn
công chủ yếu của bọn người phương Đông vẫn là từ phía đồng bằng nằm giữa Biển Nội
Địa và Dãy Núi Tro.
Trong
thời Narmacil I chúng lại bắt đầu gây hấn, dù mới đầu chỉ từng toán nhỏ; nhưng rồi
vị nhiếp chính nhận ra người miền Bắc không phải lúc nào cũng trung thành với Gondor;
một số nhập bọn cúng đám phươngĐông, vì tham món lợi do cướp bóc, hay vì sự chia
bè kết phái giữa các hoàng thân của chính họ. Vì vậy năm 1248 Minalcar đích thân
dẫn lực lượng mạnh tới đánh bại đội quân phương Đông đông đảo giữa Rhovanion và
Biển Nội Địa, tiêu hủy hết mọi vị trí dựng trại hay định cư của chúng phía Đông
đại dương. Sau đó ngài lấy hiệu Rómendacil.
Khi
trở về, Rómendacil cho củng cố thêm bờ Tây sông Anduin mãi đến tận nơi Lim Sáng
hòa vào, và cấm mọi kẻ lạ mặt xuôi dòng sông đi quá khu đồi Emyn Muil. Chính ngài
là người đã xây đôi cột Argonath tại miệng vào Nen Hithoel. Nhưng vì vẫn cần người,
và vẫn muốn thắt chặt tình đoàn kết giữa Gondor với người miền Bắc, ngài đã nhận
vào triều rất nhiều người trong số họ, thậm chí phong cho họ nhiều chức tước cao
trong quân đội mình.