10. Nhân tình
Nhân tình
Nàng chỉ đủ tiền thuê một căn nhà mười hai mét vuông trong một
xóm nghèo. Đến tối là nàng biết ngay mình đã lọt vào sống giữa ổ các cô gái bán
hoa.
Như để bù lại cuộc nổi loạn ra đi của nàng, anh đã ở lại với
nàng đến mười một giờ đêm. Con bé nàng gửi sang nhà bà ngoại. Nàng cuộn tròn
người, rúc vào nách anh khóc tấm tức. Anh ôm chặt nàng dịu dàng:
- Khóc đi em! Cứ khóc to lên. Bây giờ anh sẽ luôn ở bên cạnh
em.
Sau đó anh hôn nàng. Chính vì những cái hôn này mà nàng nổi
loạn.
Nàng cảm thấy thật yếu lòng. Thời gian như ngưng đọng trong
vòng tay ôm. Nhưng thực ra nó trôi rất nhanh. Anh nói, đã đến lúc anh phải về
vì chẳng có cuộc họp nào kéo dài đến mười hai giờ đêm. Nàng trở dậy tiễn anh.
Quá mệt mỏi, nàng thiếp đi.
Trưa hôm sau anh gọi điện đón nàng đi ăn. Anh bảo về nhà
nàng nghỉ một chút. Bây giờ sẵn có nhà nàng, anh và nàng không còn phải lang
thang nữa. Anh lại ôm nàng vào lòng vỗ về an ủi và hôn nàng.
Nàng yên lòng với cuộc ra đi cùng với một triết lý để trấn
an mình: Cái gì cũng có giá của nó. Tôi không muốn sống trong cuộc sống gia
đình tù túng thì tôi sống một mình với con. Nhưng tôi sợ sự cô đơn thì tôi phải
có bạn tình. Tôi yêu người đàn ông đã có vợ. Tôi chấp nhận sự sẻ chia đó.
Quả là cuộc sống mới thật dễ chịu. Bây giờ nàng có thể thoải
mái đi sớm về muộn mà không sợ ai cằn nhằn. Có hai mẹ con, lúc hứng thì nàng nấu
ăn, lúc buồn bực thì ăn cơm bụi, lúc nào buồn nữa thì gửi con về bà ngoại đi
lang thang. Nàng với anh đã có một giao ước: Dẫu có rất cần, nàng cũng không gọi
điện thoại về nhà anh. Vả lại, nàng đã có anh từ thứ Hai đến thứ Sáu, còn hai
ngày cuối tuần phải trả lại anh cho gia đình anh chứ. Bây giờ nàng có nhà riêng
nên anh thường đến với nàng vào buổi trưa. Giờ nghỉ trưa từ mười hai giờ đến một
giờ ba mươi phút chiều. Anh và nàng ăn cắp thêm ba mươi phút. Thế là từ mười một
giờ ba mươi đến một giờ ba mươi, thời gian vừa đủ cho một cuộc âu yếm nhau,
không quá khứ, không tương lai, không cả hiện tại.
Thời tiết chuyển mùa, cái nắng gắt gao chuyển sang trong
veo. Cái thứ thời tiết gợi nhớ, làm cho lòng người dễ sầu, dễ cảm. Từ chiều thứ
Sáu nàng gửi con về bà ngoại. Nàng đi chơi lang thang cả tối thứ Sáu, ngày thứ
Bảy nàng gọi điện thoại cho mấy cô bạn gái, đứa nào cũng kêu bận. Nàng xem ti
vi chán lại đọc sách. Một ngày sao mà dài thế. Buổi tối nàng phải dùng đến thuốc
an thần. Thuốc làm nàng trôi vào giấc ngủ mê mệt. Nàng tỉnh giấc trong sự thổn
thức của trái tim. Phải mất một phút nàng mới trấn tĩnh được. Thì ra là tiếng
khóc ai oán sầu thảm từ phía sau nhà vọng lại. Nàng nhìn đồng hồ, đã hai giờ
sáng. Phải rồi, giờ này là các cô lục tục trở về nhà. Mọi bận các cô về cũng có
ồn ào nhưng không khóc lóc như hôm nay. Chắc có cô nào bị đánh hoặc bị cướp mất
tiền đây. Nàng nằm im để xem phán đoán của mình có đúng không.
Tiếng một cô hét lên giận dữ:
- Con Hồng vả vào miệng nó kia! Con Thơm lấy cái giẻ nút miệng
nó lại.
Tiếng khóc ai oán nức lên kèm theo những tiếng hờ:
- Thành ơi, em phụ anh rồi. Em đã nói dối anh là ra đây có
việc làm tử tế. Ai ngờ em chỉ là một con điếm rẻ tiền. Em chỉ là một con điếm rẻ
tiền, anh ơi! Bố mẹ ơi, tha tội cho con. Ai ngờ con của bố mẹ lại thành điếm thế
này.
Lại một tiếng thét:
- Tao bảo chúng mày bịt miệng nó lại kia mà! Con Thoa, mày vả
vào miệng nó!
Ôi, thì ra cô nàng say rượu.
Nàng xoay ý nghĩ về anh, hướng lại những lời nói, cử chỉ âu
yếm của anh với nàng để ru mình vào giấc ngủ.
Ngày Chủ nhật, nàng thức dậy từ bảy giờ sáng, định bụng sẽ
đi đón con bé cho đi chơi công viên, nhưng trong lòng không ổn và đầu nhức như
búa bổ. Đến trưa thì nàng ốm thật sự. Cặp nhiệt độ, thân nhiệt nàng lên đến 39
độ 5. Nàng rất ít ốm nên nàng thực sự hoảng hốt. Nàng muốn có một người bên cạnh
nàng lúc này. Người đầu tiên nàng nghĩ đến là anh. Hiện tại nàng đang rất cần
anh nên nàng không còn nhớ đến giao ước bất thành văn bản kia. Nàng nhấc máy bấm
số nhà anh. Thật may đầu dây bên kia lại đúng là anh. Nàng nói vắn tắt tình trạng
của nàng. Giọng anh lạnh tanh:
- Chuyện công việc thì mai cô gọi đến cơ quan nhé, ta bàn
sau.
Rồi anh bỏ máy.
Tim nàng như ngừng đập. Chân tay nàng bủn rủn. Nàng nằm vật
ra giường, thở hổn hển. Nước mắt tứa ra chan chứa. Nàng khóc nức lên. Một chập,
cảm thấy đã vơi nhẹ, nàng mới chợt nghĩ ra: Có lẽ, lúc ấy vợ anh đang đứng gần
anh.
Nàng lẩy bẩy đứng dậy tìm thuốc hạ sốt.
Trưa thứ Hai, anh mang đến cho nàng một bó hoa rất đẹp kèm
thêm một túi hoa quả khổng lồ. Anh ghì chặt lấy nàng, nhấm nháp hết những giọt
nước mắt vương trên má nàng. Tiếng anh như mật rót vào tai nàng:
- Đừng khóc em, có anh bên cạnh em đây rồi.
Vũ trụ của nàng lại yên ổn trong vòng tay anh. Đúng một giờ
ba mươi, khi thân nhiệt nàng vẫn còn 39 độ C, anh cũng phải rời bỏ nàng để đi làm.
Thứ Hai quả là nhiều việc.
Ba ngày sau thì nàng khỏi ốm. Cũng vì những ngày ốm đó mà
đêm đêm nàng đã chứng kiến cảnh khóc cười của những cô gái bán hoa. Nàng lại có
biệt tài phân biệt rất rõ giọng khóc cười của từng cô. Cái cô có giọng giận dữ
thét cô Hồng, cô Thoa, cô Thơm vả vào miệng cô Xoan khóc hờ anh Thành hôm nào
tên là Lan, có lẽ dân đàn chị nhất trong bọn. Một tối, cô trở về hét to từ ngõ:
- Chúng mày có tắt hết đèn đóm đi không!
Giọng cô Hồng vọng ra:
- Sao thế hả chị?
- Tao đang trần như nhộng đây.
Rồi tiếng cô kể lể:
- Tiên sư nó chứ! Nó bảo nó thuê nhà rồi. Nào ngờ nó dẫn
mình ra bãi sông. Nó sợ bệnh, nó đi những ba cái Ok. Nó đã chơi quỵt lại còn vơ
hết cả quần áo của mình nữa chứ.
- Chị ơi máu kìa.
- Tức chết đi đây, tiếc gì chút máu.
- Chị ơi... - Tiếng cô Hồng khóc thút thít.
- Khóc cái gì. Bụng làm thì dạ chịu.
- Chị khóc đi một tí cho nó hả. Khóc đi chị, không thì điên
mất đấy.
Giờ thì nàng biết họ khóc, họ cười để cho nó hả.
Nàng có mang, đây là hệ quả tất yếu của một sự sơ sểnh. Khi
nàng báo tin cho anh, mặt anh đầy vẻ đau đớn:
- Khổ thân em tôi.
Nàng tin anh đã rất thành thật.
Cô y tá dìu nàng ra chiếc giường trống: “Chị nằm nghỉ một
lát cho ổn định rồi hãy về.” Nàng nằm và nhìn quanh quất. Đập vào mắt nàng là
những hình ảnh họ chăm sóc nhau. Những đôi trai gái trẻ đã đành, đến những người
có tuổi họ cũng chăm sóc nhau thật âu yếm. Phải thôi, đó là cuộc sống bình thường
mà.
Ngày còn ở với chồng, nàng cũng từng bị nhỡ nhàng kiểu này.
Chồng nàng đã rất lo sợ. Chồng nàng tìm một người bạn quen, một bác sĩ có tay
nghề cao để nhờ vả. Chồng nàng đưa nàng đi. Khi nàng vào trong phòng thủ thuật
còn kịp nhìn thấy đôi mắt thất lạc của chồng. Có thể có nhiều thứ nàng vin vào
để chê chồng, nhưng việc anh chăm sóc nàng lúc ốm, lúc đau, lúc sinh nở, lúc
trái gió trở trời, lúc đêm hôm khuya khoắt thì nàng không thể chê chồng.
Cơn buồn ngủ ập đến làm nàng hơi lâng lâng. Nàng suy tính.
Có nằm một giờ, hai giờ cũng thế. Âu là đi về nhà ngủ cho yên. Nàng ngồi dậy,
thay váy rồi rời nhà vệ sinh. Bước xuống cầu thang, nàng cảm thấy gối hơi bủn rủn.
Nàng nhắc mình phải thật nhẹ nhàng, cẩn thận. Đến bậc thang cuối thì bụng nàng
tụt ẫng ra một khối chất lỏng. Nàng sợ hãi khép chặt hai đùi rồi từ từ ngồi xuống
bậc cầu thang. Một lúc, nàng tự nhủ mình phải đi tiếp. Nàng vịn tay cầu thang đứng
lên. Từ chỗ nàng ngồi loang vết máu. Nàng đi ra cổng, mỗi bước chân của nàng
đi, từ trong bụng nàng lại tụt ẫng ra chất lỏng. Nàng tựa lưng vào thành cổng
chờ, một chiếc xe ôm đi tới.
Cuối cùng nàng cũng về được đến nhà, vào toa lét thay chiếc
quần ướt sũng máu.
Khi nằm yên vị trên giường, nàng mới thấm thía cái sự vội vã
của mình. Cũng may nàng có sức khỏe. Sự mệt mỏi nhấn chìm nàng vào giấc ngủ. Tỉnh
giấc, chiều đã chạng vạng. Không gian vắng lặng như tờ. Nàng quay ý nghĩ về với
anh. Nàng thèm muốn có anh bên cạnh nàng lúc này. Nàng sẽ rúc đầu vào ngực anh
để khóc rấm rứt. Khóc cho vơi đi sự tủi thân. Khóc cho vơi đi sự dỗi hờn. Anh sẽ
ôm chặt nàng, xoa vào lưng nàng. Hoặc như lúc thảnh thơi anh nằm phía sau nàng,
hít hà mùi của nàng.
Sự khao khát làm nàng rơi vào ảo giác. Kìa, anh đang đẩy cửa
bước vào. Bóng anh làm ánh sáng chiều chạng vạng tối hẳn. Anh chầm chậm đến bên
nàng. Anh ngồi xuống bên nàng, cúi xuống ôm lấy nàng. Nàng giơ tay về phía
anh... Tay nàng rơi thõng xuống giường.
Ảo giác làm vai nàng đau buốt và ngang thắt lưng thì như bị
nẹp chặt. Nàng cố trở mình. Xung quanh nàng, bóng tối đậm đặc hơn. Không có ai
cả, chỉ mình nàng với bóng tối.
Nàng cảm thấy đói và khát nhưng nàng cũng cảm thấy sự bấy bớt
của cơ thể. Nàng sợ hãi, với công tắc bật đèn lên. Nàng cuống quýt giở sổ điện
thoại gọi cho cô bạn thân. Thật rủi, cô bạn đi vắng. Nàng gọi cho cô bạn đồng
nghiệp, cô cũng không có nhà. Nàng hơi ngập ngừng trước số của anh. Đến nước
này thì phải gọi anh rồi. Nàng cố tạo một giọng khác hẳn để hỏi thăm anh có nhà
không. Đầu dây nói bên kia trả lời, anh đưa thằng Cún đi bơi chưa về. Nàng rã rời.
Nàng đã nói với anh rằng hôm nay nàng sẽ đến bệnh viện kia mà.
Cái bóng đèn đỏ nhìn chòng chọc vào mắt nàng giễu cợt: Khóc
đi, cười đi, rồi gào to lên cho sinh lực nó về. Qua ngày Chủ nhật, đến thứ Hai
anh lại đến. Anh sẽ lại âu yếm, yêu thương. Khóc đi, cười đi... Nàng muốn đập
tan chiếc bóng đèn, nhưng nàng không đủ sức. Nàng chỉ đủ sức với tay tắt nó đi.
Trong bóng tối, ý nghĩ của nàng trở nên rõ rệt hơn. Một lần,
nàng tình cờ gặp một người đàn bà, người ấy nhìn nàng và nói: “Trông cô em có vẻ
nội tâm nhiều ẩn ức. Chị sẽ bày cho cô em một cách giải thoát tinh thần rất hữu
hiệu. Nếu cô em đang khốn khổ về chuyện chồng con, mỗi buổi sáng ngủ dậy cô em
leo lên sân thượng, ngửa mặt lên trời hô to ba lần: “Tổ sư bố chúng mày, tổ sư
bố chúng mày, tổ sư bố chúng mày, thời buổi cơm bình dân, cơn “đầu ghế” lắm thế
để c. đái nó tràn cả vào nhà tao.” Nếu cô em đang khốn khổ vì sếp thì mỗi sáng
ra thức dậy, cô em cũng leo lên sân thượng hô to tên sếp ba lần kèm với hai từ
nữa là: “Chết đi, chết đi, chết đi...” Như vậy cô em đã giải tỏa được sự uất ức
trong lòng. Cái sự uất ức này để lâu trong người sinh bệnh ung thư đấy.”
Thì ra cái sự đêm đêm các cô gái bán hoa khóc cười chính là
một sự giải tỏa những nỗi nhục nhã ê chề để hôm sau lại lao thân vào.
Vậy còn nàng? Khóc đi, cười đi và hô to lên ba tiếng: “Nhân
tình, nhân tình, nhân tình” để tiếp thêm nghị lực. Đêm nay là đêm thứ Bảy, ngày
mai là Chủ nhật. Đau đớn đi, khao khát đi, cười đi, khóc đi, hô to lên đi, rồi
sẽ đến ngày thứ Hai. Anh sẽ đến, sẽ lại âu yếm, xót xa, siết chặt... Ngọt ngào
đến thế cơ mà.