Lắng nghe tiếng thiên sứ - Phần 7 - Chương 02 - 03
Chương 2. Màu của nước mắt - Tân Diễm
Cựu Tình Nhân
1. Phòng học của lớp vẽ tranh sơn dầu ở tầng bốn.
Tôi vác giá vẽ, khung vẽ, hòm đồ nghề đi từng bước trên chiếc cầu thang tối om ngột
ngạt, hoảng sợ nhìn bức vẽ trên tường. Một con diều hâu đang nhe nanh múa vuốt như
con quỷ hút máu đột nhiên thức giấc chực nuốt sống tôi. Tôi vội gõ cửa, người ra
mở cửa khiến tôi giật mình, một cái đầu bù xù với mớ tóc nhuộm đỏ quạch, vận một
cái áo phông đen rộng thùng thình như cái bao tải có thể nhét cả người ông ta vào
đó.
Tôi dựng giá vẽ, mở hòm đồ nghề lấy giấy vẽ căng
lên giá, ông thầy quái dị tóc đỏ bù xù bắt đầu dạy tôi vẽ quả trứng gà, vẽ đi vẽ
lại. Trời ơi! Ông ta tưởng tôi là Leonardo da Vinci hay sao. Tôi quay sang nhìn
các bạn học. Có bảy đứa chừng mười tuổi, tất cả đều tò mò nhìn tôi, chắc là chúng
đang nghĩ, tại sao lại có cả người lớn đến học vẽ trứng gà.
Tôi lấy hộp bảng màu, bắt đầu pha. Ông giáo đi
đến cạnh tôi. Tôi rất căng thẳng pha màu trứng gà thành màu tím. Ông ta cúi người
giúp tôi, ông cầm hộp màu nhìn rất lâu, ngẩng đầu hỏi: “Hộp màu này em mua ở đâu?
Tuyệt quá”. Tôi nói: “Đó là bạn em tặng, vì cái hộp màu này em mới đi học vẽ”.
Đó là hộp màu vẽ hình lá sen xanh biếc, bên trên
có những giọt nước, mỗi giọt nước đựng một màu, bảy màu cả thảy, thoáng nhìn giống
như ánh mặt trời chiếu qua lá sen phản chiếu hình cầu vồng đẹp lung linh. Khi Hứa
An tặng, tôi tưởng là cái đĩa đựng hoa quả, tôi không hiểu tại sao anh lại tặng
tôi hộp màu này, nên biết là tôi hoàn toàn chẳng có chút năng khiếu hội họa nào,
hồi nhỏ ở lớp mẫu giáo tôi cũng chỉ biết dùng bút nến để vẽ khí cầu.
Hứa An nói lần đầu tiên nhìn thấy cái hộp ở cửa
hàng mỹ thuật anh rất thích, thật ra anh cũng không biết nhiều về nghệ thuật, vừa
hay sắp đến sinh nhật tôi liền mua làm quà tặng sinh nhật. Một cái hộp màu đẹp như
thế này không thể dùng để đựng hoa quả được. Vậy là tôi quyết định ghi tên theo
học lớp hội họa ngắn ngày.
2. Hai ngày liền học vẽ trứng gà, các bạn nhỏ đã
bắt đầu ngán, thật ra tôi cũng rất chán. Ông tóc đỏ lấy ra một cái bình gốm cắm
bông cúc khô, bảo chúng tôi vẽ nó từ nhiều góc độ, chú ý ánh sáng và bóng của nó,
nhưng cả bốn hướng tôi đều vẽ hết, mà nó vẫn chỉ là một bông cúc khô, chẳng thấy
gì khác biệt. Ông thầy nổi cáu với tôi: “Bạn Trà Đóa, bức vẽ nào của bạn cũng giống
cái bàn cọ nhà vệ sinh cắm trong sọt giấy lộn vậy?”. Trời ơi, ví von kiểu gì thế.
Quả là một sự hạ nhục nghệ thuật. Thực tình trong tôi không có một tế bào nghệ thuật
nào, bọn trẻ trong lớp bắt đầu chuyển sang vẽ tượng thạch cao còn tôi vẫn đang vẽ
những vật thể hình trụ, hình tròn. Tôi hỏi ông thầy: “Bao giờ em có thể học vẽ chân
dung?”. Ông thầy nói: “Bọn trẻ này cần nửa năm còn bạn phải hai năm”. Tôi nói: “Chẳng
phải đây là lớp cấp tốc sao, em có thể học theo trường phái trừu tượng và một chút
về chân dung là được”. Ông thầy chẳng nói gì, mấy đứa trẻ nhìn tôi bịt miệng cười.
Từ lớp học vẽ ra trời đã tối hẳn, đèn đường đã
sáng, tôi đi một mình trên đường phố lạnh, bóng đổ dài. Trên những cửa hiệu hai
bên đường đã treo những tấm băng rôn chào mừng quốc khánh. Thoáng cái đã sang tháng
Chín, không ngờ mùa thu đến nhanh như vậy. 20 tháng Chín là ngày sinh nhật Hứa An,
tôi vốn định dùng hộp màu anh tặng vẽ một bức chân dung của mình tặng anh làm quà
sinh nhật. Tôi còn định vẽ mình sao cho có vẻ đẹp cao quý như nàng Mona Lisa. Nhưng
bây giờ tôi còn chưa vẽ được, tôi không muốn vẽ mình thành cái bàn chải cọ nhà vệ
sinh.
Hứa An đợi tôi, nhìn thấy tôi anh vội chạy lại
nói: “Anh đang định lên thì em đã xuống”. Tôi nói: “Em cũng chẳng muốn lên đó nữa,
mình đi loanh quanh một lát, anh xem, hoa hoài đã nở”. Hứa An cởi áo khoác choàng
lên vai tôi nói: “Vậy chúng mình đi thôi, phía trước có một vạt hoa lớn”. Hứa An
dắt tay tôi, tôi dựa vào vai anh, thật là những giây phút vô cùng hạnh phúc.
Đi mãi, Hứa An đột nhiên ngửi vai rồi ngửi tay
tôi. “Trà Đóa, người em hình như có mùi gì?” “Mùi gì?” “Hình như là mùi nước tùng
tiết.”
Tôi biết đó là nước rửa bút vẽ nhưng tôi không
nói với Hứa An. Tôi muốn chăm chỉ học vẽ, muốn tạo cho anh một niềm vui bất ngờ
vào ngày sinh nhật.
3. Cuối cùng cũng đến lúc được vẽ tượng thạch cao.
Tôi thêm hai cánh tay vào bức tượng, sau đó vẽ mắt to hơn một chút, nhìn kĩ cũng
hơi giống tôi. Ông thầy chạy đến nói: “Trời ơi, Trà Đóa, tôi bảo vẽ nữ thần sắc
đẹp sao bạn lại vẽ ông thần gác cửa thế này, định dùng để trừ tà phải không?”. Tôi
tức phát điên, chạy vào nhà vệ sinh soi gương, tôi giống ông thần gác cửa sao? Một
khuôn mặt đáng yêu thế này!
Hứa An gửi tin nhắn cho tôi, hẹn cuối tuần đi xem
triển lãm tranh ở bảo tàng mỹ thuật, thật không hiểu tại sao bây giờ đã là thế kỉ
XXI, thời đại kỹ thuật số tiên tiến, khoa học có thể nhân bản những thứ giống hệt
nhau vậy mà còn phải dùng bút vẽ, nhưng tôi vẫn đi, thậm chí tôi còn trang điểm
thật bắt mắt để Hứa An không thể bị hút hồn vào một bức họa nào đó.
Nhưng tôi đã nhầm. Hứa An hoàn toàn không để ý
đến sự trang điểm cầu kỳ của tôi. Anh chăm chú nhìn ngắm từng bức tranh, còn chụp
cả ảnh nữa, nên biết đây là triển lãm tranh khỏa thân. Đứng gần như thế, nhìn lâu
như thế, đúng là háo sắc! Hứa An nói: “Em đừng nghĩ nhiều, đây là nghệ thuật”. Sao
tôi có thể không nghĩ, tôi tức giận, lầm lì đi theo anh, xem ra không có cách nào
thu hút được ánh mắt anh ta, trừ phi tôi chẳng mặc gì.
Về sau lớp học vẽ của tôi đã mời một người mẫu
lõa thể thật sự, đó là một bà cụ già, cơ thể đã rệu rã, ông thầy còn bắt chúng tôi
vẽ ra vẻ đẹp của bà, ánh mắt bà. Tôi còn sợ bọn trẻ sẽ vẽ bộ ngực của bà thành cái
túi giống như túi đựng con của loài chuột túi châu Úc. Vẻ mặt bà rất lạnh lùng,
hoàn toàn không có chút biểu cảm nào. Bà nằm nghiêng như một bức tượng gỗ, tôi cầm
một nắm bút sạch tinh ngồi trước giá vẽ không biết làm gì.
Ông thầy tóc đỏ hôm đó đã nổi trận lôi đình với
tôi, ông ta thậm chí còn đá vỡ một chiếc bình gốm vốn là mẫu vẽ tĩnh vật làm bọn
trẻ sợ hết hồn. Tôi cũng nổi giận thực sự, vác giá vẽ, khung vẽ và hòm đồ nghề đi
thẳng, không ngoái lại. Đi đến cầu thang tầng hai, chân giá vẽ đập vào đầu gối làm
tôi đau điếng. Tôi ngồi xuống bậc cầu thang, buồn bã khóc thầm, ném hộp màu ra xa.
Hứa An đáng chết! Tại sao không tặng tôi cái máy ảnh kĩ thuật số, chỉ cần ấn xoẹt
một cái là xong.
Khóc mãi thấm mệt, tôi nhặt hộp màu mang về, may
nó chưa bị vỡ. Ánh trăng ngoài cửa sổ rất đẹp, con quạ trên bức tường loang lổ trông
càng ma quái hãi hùng, vậy mà cũng gọi là nghệ thuật.
4. Khi đi qua viện Mỹ thuật, ở đó lại có triển
lãm tranh sơn dầu. Tâm trạng buồn chán nên tôi lại vào xem, đang ngắm kỹ từng bức
thì nhìn thấy Hứa An. Anh đứng cạnh một bức tranh, xem rất chăm chú, trong tranh
là cái lưng trần của một cô gái trẻ, đầu ngoảnh ra phía sau, trên tóc thắt cái nơ
con bướm màu đỏ, khuôn mặt nhìn nghiêng, bên khóe miệng dịu dàng có một nốt ruồi.
Tôi vừa định chạy lại gọi Hứa An thì thấy cô gái bên cạnh tôi chạy đến, kéo tay
anh đi xem chỗ khác, trông họ rất thân thiết. Tôi nhìn kỹ, cô gái chính là người
trong tranh, trên khóe miệng có một nốt ruồi.
Tôi lặng lẽ quay đi, không làm phiền họ. Tôi không
biết khi đối diện với họ liệu tôi có kìm được nước mắt. Tôi dụi mắt vừa chạy vừa
tự nhủ: “Đừng khóc, đừng khóc, sự thật không phải thế”. Hoa hoài vẫn chưa tàn, trong
không khí vẫn ngan ngát mùi hương, còn tôi lại đang rơi vào mùa đông ngập tràn băng
tuyết.
Khi Hứa An đến, tôi đang ngồi trước gương. Tôi
cởi y phục, ngồi trước giá vẽ, bày bộ đồ nghề, pha màu, một nắm bút sạch sẽ. Tôi
bện những bím tóc nhỏ, buông xuống tận eo. Tôi rất muốn vẽ cái lưng trần của mình
kiểu mà Hứa An thích, nhưng tôi không nhìn thấy. Hứa An liên tục bấm chuông, tôi
mở cửa, anh giật mình hỏi: “Em đang tắm ư?”.
“Hứa An, giúp em vẽ bức họa cái lưng của em được
không?” Tôi ngồi trước gương, quay lưng về phía anh. Hứa An nói: “Trà Đóa, anh không
biết vẽ”. Tôi gắt lên: “Anh biết”. Hứa An nói: “Xin lỗi”. Xin lỗi đáng chết, tôi
có thể lừa bản thân, nhưng Hứa An không chịu lừa tôi. Anh nói: “Trà Đóa, chúng ta
chia tay thôi”.
Tôi hỏi: “Vì cô ta sao?”. Anh nói: “Đúng, cô ấy
là mối tình đầu của anh, hồi đại học, trường anh có khoa Mỹ thuật, anh nhìn thấy
tranh của cô ấy liền thích cô ấy, về sau cô ấy yêu người khác nên đã bỏ anh”. Tôi
hỏi: “Bây giờ cô ta quay lại rồi sao?”. Hứa An gật đầu. “Sau khi chia tay với cô
ấy, anh thường đi xem triển lãm tranh, anh tưởng một ngày nào đó sẽ thấy tranh của
cô ấy, nhưng không thấy. Có điều lại nhìn thấy người khác vẽ cô ấy, thì ra trong
lúc khó khăn cô ấy đã đi làm người mẫu.”
Tôi nghĩ đến bà già người mẫu có bộ ngực như chuột
túi đó, nhưng cô ấy của Hứa An không như thế, đó là một cô gái có nhan sắc, tôi
không bằng, tôi lặng lẽ mặc quần áo, thì ra tôi không mặc gì cũng không thu hút
được ánh mắt anh, tôi dùng nước rửa bút rửa sạch cái hộp màu màu xanh biếc đó, nói:
“Anh cũng vì cô ta mới tặng tôi cái hộp đó phải không? Bây giờ trả lại anh”.
Hứa An đón cái hộp, lại nói: “Xin lỗi”. Sau đó
quay ra.
Tôi đứng trước cửa sổ nhìn theo bóng lưng Hứa An,
nước mắt như mưa. Anh vì nhớ một cô gái mà tặng tôi hộp màu, còn tôi lại dùng hộp
màu anh tặng pha ra màu của nước mắt. Tôi òa khóc, ném hết giá vẽ, khung, hòm đồ
nghề, bút, vải, nước rửa bút rơi đầy ra đất, bóng lưng anh giống như bức tường loang
lổ có hình con diều hâu nhe nanh nuốt chửng tôi, sau đó biến mất như bóng ma.
Chương 3. Màn độc thoại của hình và
bóng - Hoa Lửa
A.
Năm đó tôi học lớp mười hai, mười bảy tuổi, tôi
thích một cô bé mười sáu tuổi, học lớp mười.
Phòng học của lớp mười hai ở trên tầng bốn. Lúc
đó chúng tôi có thể không cần tập thể dục giữa giờ.
Chỗ ngồi của tôi ở ngay cạnh cửa sổ cuối cùng,
cho nên tôi có đủ không gian để lặng lẽ ngắm nhìn những người qua lại bên dưới.
Ánh nắng mùa hè chiếu qua cửa sổ, ấm áp, mong manh
và rực rỡ.
Ngay từ đầu tôi đã chú ý đến cô bé.
Tôi say sưa ngắm cô, dường như cả lớp học bỗng
trở nên yên lặng. Yên lặng đến mức không có bất cứ một cảm giác nào.
Cả một thời gian dài tôi cứ ngồi ở đó lặng lẽ nhìn
cô, dựa vào cửa sổ, tay chống cằm, thỉnh thoảng mỉm cười.
Về sau tôi làm quen với cô rất đơn giản. Cô quen
một người bạn của tôi. Người đó sau này là nhân vật ngoài lề câu chuyện, là nhân
vật đình đám trong trường. Rất nhanh chóng, chúng tôi quen nhau.
Tôi thích nhìn cái điệu cậu ta hút thuốc.
Cậu ta rất cao, thích đánh bóng với tôi, nhất là
vào những buổi chiều. Chơi bóng xong, tôi uống nước còn cậu ta hút thuốc. Tôi uống
ừng ực từng ngụm lớn, còn cậu ta khoái trá thưởng thức thuốc lá, rít một hơi thật
sâu, sau đó từ từ nhả khói.
Cậu ta nói: “Minh, tớ thích cô bé đó”.
“Minh, giúp tớ viết thư cho cô bé nhá.”
Cậu ta cười cười nói với tôi như vậy. Cậu không
hề biết sức sát thương của câu nói đối với tôi.
Cậu ta càng không biết tôi cũng thích cô bé.
Có lẽ cậu ta và cô bé cũng chậm chạp như nhau.
Nhưng cả hai đều là những đứa trẻ dịu dàng. Tôi thực sự thích họ.
Cho nên tôi sẽ không nói với cậu ta là tôi cũng
thích cô bé.
Tôi không biết cậu ta sẽ lựa chọn thế nào.
B.
Cô bé tên Tiểu Kỳ, còn cậu ta là Hàn Phi.
Tiểu Kỳ còn có một người bạn thân tên là Tố.
Tố rất thích Hàn Phi, chúng tôi đều biết.
Bốn chúng tôi thường lén trèo tường ra ngoài chơi.
Trường chúng tôi nằm ở dưới chân một ngọn núi. Chúng tôi có thể chạy lên núi ngay
cả lúc nửa đêm, hò hét thật to để cho gió mang những tiếng đó đi, rồi tất cả cùng
cười phá lên.
Tôi và Hàn Phi cũng đạp xe đưa họ đi chơi. Lần
nào Tiểu Kỳ cũng ngồi sau xe tôi, ôm eo tôi. Không nói ra, nhưng chúng tôi đều hiểu
cô muốn tạo cơ hội cho Tố.
Hàn Phi thích Tiểu Kỳ, chúng tôi ai cũng biết,
chỉ có Tiểu Kỳ không biết.
Tố thích Hàn Phi, chúng tôi ai cũng biết, chỉ có
Hàn Phi không biết. Còn tôi? Tôi thích Tiểu Kỳ, không ai biết, chỉ có mình tôi biết.
Cuối tuần chúng tôi đi vào thành phố trượt băng.
Tôi nắm tay Tiểu Kỳ, bàn tay cô ấy mềm và rất ấm. Bà nội nói, những cô gái tay mềm
thường rất lương thiện, còn những cô gái có bàn tay ấm, bề ngoài có vẻ kiên cường
nhưng bên trong lại rất yếu đuối.
Nghĩ đến đây, tôi bất giác nắm chặt tay cô, trượt
từng vòng, nắm mãi không muốn buông. Cái kiểu cô nghiêng đầu nhìn tôi cười, thật
đáng yêu, khi mái tóc bay bay, trong mắt có một tia sáng khác thường.
Lúc đó trường chúng tôi vừa xây thêm một khu phòng
học mới, có cầu thang rất rộng. Giữa đêm mùa đông, có lúc không ngủ được, cả bốn
chúng tôi chạy ra đây, ngồi sát bên nhau nói chuyện, cùng hà hơi sưởi ấm cho đến
sáng.
Chúng tôi cũng thường nhân lúc thầy cô chưa vào
lớp, chạy đến lớp của Tiểu Kỳ và Tố tán gẫu.
Đêm đó mất điện, Hàn Phi và Tố đều về nhà, chỉ
còn lại tôi và Tiểu Kỳ.
Chúng tôi đốt một ngọn nến, ngồi đối diện nhau.
Trời mưa, đêm đặc biệt yên tĩnh. Chúng tôi cố nén
giọng, nói thật khẽ.
Tiểu Kỳ ngồi trước mặt nhìn tôi, ánh nến lung linh
hiện lên những điểm sáng tối trên mặt cô.
Giây phút đó sao mà kỳ diệu! Tôi rất muốn hôn lên
đôi môi cô, tôi nghĩ, khi hôn, nhất định sẽ có cảm giác băng lạnh, như ánh trăng,
như giọt mưa rơi trên da thịt.
Ánh mắt long lanh của cô ấm áp như ngọn lửa ở giữa
màu xanh lạnh giá. Sự bình tĩnh của cô dần dập tắt nỗi xúc động trong tôi, khiến
tôi chìm trong yên lặng. Giây phút đó lòng tôi mới thực sự yên tĩnh.
Tôi cũng tin rằng chúng tôi đều là những đứa trẻ
lương thiện, có đôi tay mềm và lòng bàn tay ươn ướt.
Mùa đông năm đó, gió thất thường, khi nến cháy
hết tôi đưa cô về phòng ở trong ký túc xá, cùng che chung một cái ô.
Tôi đi bên trái, chắn gió cho cô, bên phải tôi
là hơi ấm.
Đêm bị thương nên mới nổi gió, cô nói. Còn tôi
chỉ tin một điều, tiếng gió thổi qua tóc cô là âm thanh chân thực nhất.
C.
Tiểu Kỳ, vì sao em khóc?
Tiểu Kỳ, lẽ nào tâm tư của con gái khó đoán như
thế?
Hay là như em nói tôi quá ngốc, quá ngốc.
Tiểu Kỳ, thực ra tôi hiểu, tôi hiểu, tôi hiểu hết,
thật đấy.
Chỉ có không nói ra mà thôi.
Ban đêm là thích hợp nhất để khóc ư?
Lần đầu tiên nhìn thấy Tiểu Kỳ khóc là lúc sắp
thi cuối năm.
Từ lúc hoàng hôn, tôi và Hàn Phi vừa nhảy xà vừa
nói chuyện trên hố cát cạnh sân vận động.
Cuối học kỳ mọi người đều ở trong lớp ôn tập, sân
vận động vắng teo chỉ có hai chúng tôi, thỉnh thoảng có cái lá đa bay vèo qua mặt.
Bức tường bao quanh trường rất thấp, trên cắm đầy
mảnh thủy tinh, chỉ có một góc tường cạnh cái cột điện không có mảnh thủy tinh,
đó là chỗ chúng tôi thường trèo trốn ra ngoài.
Chỗ ngồi của Tiểu Kỳ và Tố sát cửa sổ, chúng tôi
thường nhìn thấy hai người, họ có vẻ rất chăm chú nghe giảng.
Hàn Phi hôm nay rất khác Hàn Phi mà tôi biết, trong
ánh mắt có vẻ khác lạ.
Mấy lần tôi cảm giác cậu ta có gì muốn nói với
tôi.
Sau đó tôi về lớp tự học, một mình Hàn Phi ngồi
lại.
Buổi tối hôm đó tôi học rất chăm chú, mãi đến khi
Hàn Phi gọi, tôi mới biết trong lớp còn mỗi mình tôi.
“Minh, cậu ra với Tiểu Kỳ đi.”
Từ cầu thang lớp học đi xuống, tôi thấy Tiểu Kỳ
một mình ngồi cạnh hố cát bên sân vận động, ánh đèn đường vàng vàng hắt lên người
cô, tạo nên một khoảng tối.
Lòng tôi thắt lại, không biết tôi đã đứng sau cô
bao lâu, mà không thể đến gần.
Mỗi người đều có nỗi buồn. Từ cô gái thì hơi già,
lại quá cô đơn, vậy cô bé thì sao? Một cô bé như Tiểu Kỳ thì sao? Khiến người ta
thương xót.
Trong phút chốc hình như chúng tôi đã hiểu ra điều
gì, mất đi sự hồn nhiên trước đây, cả hai trở nên e dè.
Cuối cùng, tôi lấy hết can đảm ngồi xuống cạnh
cô. Cô cúi đầu, mái tóc xõa ra, dưới mái tóc là đôi mắt mang màu đêm, ngón tay cô
cứ viết trên cát rồi lại liên tục xóa đi.
Cô nói: “Minh, anh dạy em vẽ được không?”. Giọng
nói của cô mang chút hài hước, thực khó từ chối.
Tôi bối rối chìa tay nắm tay cô, vẽ những đường
ngẫu hứng trên cát.
Bàn tay cô đã mất đi hơi ấm, chỉ thấy lành lạnh.
Khi cô đứng lên, chắc đầu hơi choáng, người loạng
choạng. Tôi vội đỡ cô. Tiểu Kỳ mỉm cười với tôi, mặt
tái nhợt.
Chắc là do ngồi quá lâu.
“Minh, em mệt, em muốn về.”
Tôi thấy nơi khóe mắt cô có gì đó như giọt nước,
sóng sánh lấp loáng ánh trăng lạnh. Tôi lặng lẽ đưa cô về ký túc. Khi đi đến cây
đa to nhất ở cổng trường, tôi thấy Hàn Phi đang ngồi trên ghế đá dưới gốc cây.
“Minh, tớ đã nói với Tiểu Kỳ, tớ yêu cô ấy.”
Tôi không nói gì, vội trở về phòng, mắt đăm đăm
nhìn lên trần nhà tối om. Giường dưới, Hàn Phi trở mình.
Tôi giơ tay như muốn nắm vật gì trong bóng tối,
sau đó chầm chậm vẽ một trái tim.
Tôi ngủ thiếp đi khi trời vừa rạng.
D.
Cuối cùng tôi cũng không viết thư tình cho cô hộ
Hàn Phi. Hay nói cách khác không tự viết thư tình
cho cô.
Sau Tết Nguyên Đán, tôi đi Bắc Kinh, không liên
lạc gì được với Tiểu Kỳ và Tố.
Chỉ có Hàn Phi vẫn nhắc tới họ.
Chỉ có Hàn Phi vẫn là Hàn Phi của trước khi biết
Tiểu Kỳ và Tố. Hằng ngày Hàn Phi vẫn đánh bạc, uống rượu và ẩu đả.
Lúc ở sân vận động, Hàn Phi đưa cho Tiểu Kỳ một
bức thư. Tiểu Kỳ bật cười nói to với mấy cô bạn bên cạnh: “Thư tình, thư tình”.
Đúng vậy, Hàn Phi cái gì cũng nói với tôi, chưa
bao giờ giấu tôi điều gì.
Khi không có tôi, hai người đó cũng chưa bao giờ
đi chơi với nhau.
Trong giờ tự học Hàn Phi cũng thường đến lớp của
Tiểu Kỳ nói chuyện với các cô gái. Hàn Phi không chăm học.
Có lúc Hàn Phi mang một đám đồ đệ đến lớp, hút
thuốc, vẽ loạn xị lên bảng.
Bạn của Tiểu Kỳ đi tố cáo Hàn Phi với cô giáo chủ
nhiệm. Tiểu Kỳ là nữ đệ tử anh ta thương yêu nhất.
Cô giáo lại đi báo cáo với hiệu trưởng, hiệu trưởng
bắt Hàn Phi đọc bản kiểm điểm trước toàn trường trên sân vận động. Hàn Phi đứng
suốt buổi sáng, không nói một câu.
Buổi tối hôm đó Hàn Phi mang tất cả sách vở của
lớp Tiểu Kỳ ra ngoài đốt.
Hôm sau Hàn Phi bị đuổi học.
Hàn Phi nói với tôi qua điện thoại tất cả những
chuyện đó, thái độ rất bình thản. Khi Hàn Phi gây ra những chuyện như thế thì tôi
đang một mình vẽ ở Bắc Kinh, trong một môi trường xa lạ. Nửa đêm thức giấc thường
hay nghĩ đến một vài người. ở lớp học vẽ
có một cậu bé hỏi tôi mấy tuổi, tôi trả lời mười bảy, sắp mười tám, rồi lại nói
chữa, tôi ba mươi.
Kiếp luân hồi chúng tôi gặp nhau một nơi với cùng
một mục đích.
Tôi không biết Tiểu Kỳ nghĩ gì, mặc dù tôi vẫn
luôn nói tôi không biết.
Thực ra, ngay từ đầu tôi không nên phán đoán.
Tố cũng gọi điện cho tôi, cô không nhắc gì đến
Tiểu Kỳ và Hàn Phi, tóm lại chỉ nói, chúng ta không nên như vậy, chúng ta đều rất
ngốc.
Tôi bắt đầu hoài niệm những ngày tôi chưa quen
biết Tiểu Kỳ, chỉ ngồi bên cửa sổ lặng lẽ nhìn cô nhưng cô không biết, giống như
bây giờ tôi cũng đang lặng lẽ nghĩ về cô vậy, lặng lẽ đến mức dường như không cảm
thấy.
Hằng ngày, mỗi buổi chiều, tôi ngồi trên ban công
nhà mình nhìn những đám học trò phóng xe qua.
Hàn Phi đã đi học trở lại ở một trường khác, cô
giáo chủ nhiệm lớp tôi làm giúp thủ tục.
Cậu ta bắt đầu chăm chỉ học hành.
Tôi không hề gặp lại bọn họ. Tuy thị trấn của chúng
tôi rất nhỏ, nhỏ đến mức ngẩng đầu là có thể nhìn thấy nhau.
Hàn Phi thi đỗ vào trường công an của tỉnh với
số điểm rất cao.
Hàn Phi tổ chức liên hoan ở nhà cũng mời tôi. Hàn
Phi hỏi tôi: “Thật ra cậu cũng thích Tiểu Kỳ đúng không?”. Tôi cười không nhận cũng
không phủ định.
Bốn năm sau, tôi học ở một trường đại học bình
thường của tỉnh.
Thời gian bốn năm đủ để tôi chấn chỉnh và che giấu
một số thứ.
Khi tôi đến, Hàn Phi sắp tốt nghiệp, cậu ta đã
từng có ba cô bạn gái, cô hiện nay chính là Tố.
Hàn Phi luôn muốn giới thiệu bạn gái cho tôi, nghĩ
lại chuyện Tiểu Kỳ tôi không biết đó có phải là tình yêu hay không. Bây giờ tôi
dựa vào viết lách để kiếm sống. Tôi viết về đề tài tình yêu, mọi người đều thích.
Bi hoan ly hợp.
Trong văn của tôi thực ra không có tình yêu đích
thực.
Một mình tôi đạp xe đi vẽ, đi quay phim, đánh bi-a
với những người không quen bên đường.
Mỗi buổi chiều đi đánh bóng, uống nước ừng ực,
thở hổn hển.
Tôi và bạn bè xem phim hoạt hình, cười rất vui.
Tôi thích ngồi trên ban công tầng sáu nhìn dòng
người đi lại bên dưới, cảm thấy họ có một vẻ mặt giống nhau, đơn giản và vui vẻ.
Khi tả cảnh trai gái hôn nhau tôi thường hay viết:
Cảm giác băng lạnh như giọt nước mưa rơi trên làn da.
Tôi thích đọc đi đọc lại văn mình, tự thưởng thức.
Con người ta luôn bị cảm động bởi điều gì đó. Tôi
dùng văn chương của mình để cảm động bản thân.
Văn chương của tôi luôn có một cái bóng rất sâu.
Tôi viết bởi vì trong lòng tôi bế tắc, tôi phải
rạch một vết thương cho mình. Có những lúc tôi tự nói với mình: Tôi từng yêu một
cô gái từ lúc còn rất trẻ.
Bây giờ không biết còn yêu hay không? Bây giờ cảm
giác đã nhạt. Chỉ là có lúc tôi nghĩ đến cô. Khi nghĩ đến cô, tôi tự nói với mình:
Tôi từng yêu một cô gái tên Tiểu Kỳ.
Tiểu Kỳ cũng học ở trường cậu. Hôm tốt nghiệp Hàn
Phi nói với tôi như vậy.
Khi Hàn Phi muốn quay về, cùng với tôi và Tố đến
ký túc của Tiểu Kỳ, chúng tôi nói chuyện hết sức bình thường, đã đi không bao giờ
trở lại.
Trên đường đi cô nhận được điện thoại, cô nói rất
ngọt ngào giống như đã từng nói với tôi trong cái đêm mất điện đó. Âm thanh rất
nhỏ, như ánh nến lay động.
Cô thản nhiên nói, đó là bạn trai của em, anh ấy
hẹn đi ăn, nét mặt cô tràn đầy hạnh phúc.
Trong thời gian một năm ở trường, tôi không hề
gặp cô.
Nhưng sau đó lại thường xuyên gặp cô, lúc đi một
mình lúc nắm tay bạn trai.
Chúng tôi mỉm cười chào nhau rồi đi.
Tôi thích sự thuần khiết, nhưng bây giờ đột nhiên
lại sợ nó. Một người quá thuần khiết sẽ cảm thấy mọi thứ xung quanh mình đều lạnh
lùng hoặc vốn dĩ đã là thế. Vừa mới bắt đầu đã có ngay kết cục, chỉ là ta chưa nhận
ra ngay mà thôi.
Cơ thể của tôi chính là tuổi xuân của tôi.
Tuổi xuân của tôi chỉ còn lại cái bóng.
Cái bóng là của ai? Cái bóng luôn mơ hồ khiến ta
nhìn không rõ. Có chăng chỉ là một chút gì thoảng qua.
Tình yêu là chuyện xa vời, chỉ là chúng ta quá
ngây thơ.