20. Những hương vị cocktails - Phần 1
Những hương vị cocktails
Kỳ 1: Chiếc vé
Tháng Bảy là tháng dài nhất trong năm, thường là vì mưa khơi
dậy những nỗi nhớ xa xăm.
Tháng Bảy
Cửa sổ lớn được mở ra để đón những cơn gió đầu tiên của
tháng Bảy. Đường ẩm ướt và nắng. Cảm thấy vị ngọt ngọt ở đầu lưỡi. Đến ngón
tay cũng dịu lại. Chiều đang đẹp, rồi mưa ào tới. Đứa bạn la lên những tiếng
oai oái, đưa tay lên che vội. Vẫn để ga đều đều, mưa tháng Bảy dịu mà, ai ghét
thì nói nó lai rai rả rích, ai thích thì sẽ yêu cái chầm chậm mà nó mang lại.
Tháng Bảy đẹp trên từng con đường, cứ gửi xe ở đâu là lá me rụng đầy vào yên đến
đấy. Cây cỏ xanh mướt, lá lúc nào cũng trĩu nước. Dọc những con đường song song
Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, thi thoảng một cơn gió tạt qua, ai lỡ đi dưới cây
là hứng đủ nước còn đọng trên lá. Ngồi ở quán trà đá gần Nhà Thờ Lớn huyền thoại,
nhìn những cơn mưa không bao giờ dừng đang chảy dọc khắp những mạch máu của Hà
Nội, thấy cuộc sống nhanh lên một tí, và chậm đi một tí. Đã đi trên đường là ai
cũng tất bật, nhưng đã ngồi xuống đâu đó là chỉ muốn ấm chỗ, sống rất chậm. Ngồi
đọc nốt cuốn sách Nỗi ám ảnh của Paulo Coelho - muốn những ngày ra đường
này dài thêm nữa, vì thấy yêu cả cái ám ảnh Hà Nội, rồi có thể cũng sẽ đi đấy, nhưng
mà nhớ...
Tôi nhâm nhi vị ngọt ngọt lại đăng đắng của trà, xoay xoay
cái cốc ở tay:
- Vậy bao giờ anh đi?
Đăng mỉm cười:
- Mười hai em ạ. Mọi việc xong hết rồi thì nhanh thôi.
- Anh đi em sẽ buồn lắm đấy.
- Đừng nhăn mặt như khỉ thế! Sao mà buồn?
- Bình thường chắc cũng chẳng có gì đâu, nhưng mà cứ ra đến
cái chỗ này ngồi uống trà là em sẽ nhớ anh. Mà trời ạ, đồ béo hâm sao chuyên
môn có cái trò thoắt ẩn thoắt hiện vậy, khi anh về nước là em cứ nghĩ anh sẽ
không đi nữa rồi...
Anh gạt những giọt nước trên bàn:
- Thì thế mà em.
- Anh là béo hâm. - Tôi nhắc lại cái tên mà tôi dành cho
anh.
- Đi xem tranh với béo hâm không?
- Cô ơi tính tiền cho bạn cháu!
Gợi
Chúng tôi dành mấy ngày cuối cùng để đi mua sách, đi chọn
vài đĩa phim thú vị, đi thu chung một bài hát thật sến của Nguyễn Hoài Anh, và
chủ yếu là lang thang trên phố. Vài ngày sau anh bay. Tôi trở lại với nhịp sống
bình thường. Lũ bạn tôi biết anh cả - gặp suốt trong những cuộc vui mà. Chúng
nó coi Đăng như anh trai. Còn tôi? Mặc dù chẳng thể nào định nghĩa được thứ
tình cảm ấy, nhưng chúng tôi đã chơi với nhau đến tám năm, trước khi anh đi Mỹ,
đến khi anh đi rồi về, ở lại chơi một thời gian đến cả ba trăm sáu mươi nhăm
ngày và bây giờ lại đi Sing. Cái con người tưng tửng long rong.
Chiều thứ Hai, cả hội tụ họp ở quán chè Bobochacha đoạn Cửa
Bắc, ngồi tán phét về mấy thứ linh tinh. Biết anh Đăng đi, bọn nó được thể trêu
tôi nức nở:
- Là lá la, thế là bạn Linh lại buồn tình!
- Còn hơn mày không có tình để buồn, ờ...
- Sao không ra tiễn chàng rồi gây bạo động ở sân bay bằng
hoa hồng và bóng bay để giữ chân chàng ở lại, he he.
- Giữ chân chàng để tao làm chân gà nướng chắc.
Con Vân vỗ đùi:
- Nhắc mới nhớ, ra Trịnh Hoài Đức ăn chân gà nướng đê!
- Đê cái con mê. Đến giờ ăn cơm rồi ăn uống gì. Với lại tối
nay đằng nào bọn mày cũng qua nhà tao dịch mà. Làm xong rồi đi ăn.
Tôi đối đáp đâu ra đây, kéo chúng nó ra khỏi chủ đề vô bổ bằng
cách nói về đĩa nhạc mới ra của Hà Trần. Chúng tôi chọn công việc làm thêm của
mùa hè là dịch sách cho Công ty truyền thông Nhã Nam, lương không cao lắm nhưng
được cái thoải mái. Chúng tôi được giao một quyển sách gốc và chỉ việc dịch.
Làm việc ở đâu cũng được, bao giờ xong cũng mặc, bao nhiêu người làm cũng không
quan tâm, chỉ cần đến khi chúng tôi giao bản thảo và được duyệt thì sẽ có xiền.
Chúng tôi đã dịch xong hai quyển ngắn, vừa bắt tay vào dịch một cuốn dài ngoằng
của Mark Haddon, ước chừng sẽ mất cả tháng. Cũng là một cách vừa ôn luyện lại
tiếng Anh vừa tụ tập một cách hợp pháp với lũ quỷ cái.
Ngân
Chúng tôi thân thiết một cách vô lý ngay từ đầu cấp ba, mặc
dù trong cả hội thì chỉ có Khánh Lam và Khánh Giang là biết nhau. Chúng nó biết
nhau đến mười bảy năm rồi ý vì chúng nó là... chị em sinh đôi mà, đây là một cặp
khá buồn cười. Còn lại thì toàn những đứa giời ơi đất hỡi rách đất chui lên, mỗi
đứa một tính nhưng lạ là chơi cái hợp ngay. Con Vy, con Vân, em Nga (em này học
sớm, kém tuổi nên thường gọi tất cả là chị), và con Ngân. Trong cả nhóm thì
Ngân là thân nhất với tôi, vì nhà hai đứa cách nhau có ba mươi bước chân (nếu
chân bạn không dài một mét mười hai như Thanh Hằng). Tôi với nó làm hàng xóm cả
chục năm, nhưng chẳng bao giờ để ý cho đến khi có những sự tình cờ nhất định, học
cùng lớp chẳng hạn.
Sau khi Đăng đi, tôi lãng đãng một đợt dài, đến mức có hôm đẹp
trời Ngân sang nhà tôi rủ lên Tô Tịch ăn hoa quả dầm, anh đi cho đến hôm đấy
cũng đã hai tháng. Chúng tôi phóng xe máy với tốc độ xe đạp và buôn bán những
chuyện trên trời dưới đất. Loanh quanh lại về anh.
- Buồn không? - Ngân hỏi.
- Không.
- Thôi đừng chối.
- Tao không chối.
- Mày chỉ nói dối.
- Tao không nói dối.
- Thế vui không?
- Không.
- Ờ đấy, không buồn không vui là thành cục đá rồi.
- Mày cám hấp thế. Thế mày đang buồn hay đang vui?
- Tao đang vui lắm vì sáng nay tao bước lên bàn cân thấy
mình giảm ba lạng.
Nó dừng đèn vàng ở đoạn hồ Gươm. Quay lại nhìn tôi.
- Này, sao mày không sang chơi với Đăng?
- Muốn là được sao?
- Trước hết phải muốn đã.
- Mày có câu trả lời rồi đấy.
- Thế mày đi thi hoa hậu người ta hỏi mày là: “Nếu em được
làm hoa hậu hoàn vũ, em có vui không?”, thì mày trả lời là: “Giám khảo có câu
trả lời rồi đấy.” à?
- Không, tao trả lời là: “Thế giám khảo có vui không?”
- Đại khái là mày muốn chứ gì?
- Đại khái là sao tự dưng mày lại hỏi câu đấy?
- Tao là người hỏi trước mà.
- Nhất định tao là người trả lời sau rồi.
- Vì tao là bạn mày và tao quan tâm đến tâm tư tình cảm tuổi
dậy thì của bạn tao.
- Đến Tô Tịch rồi kìa, gửi xe vào ăn chè đi. Tao đói quá.
Ngân cáu kỉnh:
- Đồ ăn gian!
- Không, tao ăn chè! - Tôi huỵch lại.
Ngân đá lông nheo một cái với anh trông xe rồi ngồi xuống hì
hục ăn dăm ba cốc chè trong một buổi chiều trời ngày càng trong xanh, nó là cái
dạng cứ có ăn uống là quên hết thảy mọi việc. Tôi vừa bắt đầu nghi ngờ việc
sáng nay nó giảm ba lạng vừa ngắm dân tình lượn qua lượn lại. Không khí quanh hồ
có sức quyến rũ đặc biệt, chẳng ngoa khi người ta gọi hồ Gươm là trái tim của
Hà Nội, cũng phải thôi vì đi xuống qua vòi phun nước một đoạn thì có hàng cháo
tim ngon nổi tiếng. Tôi vừa ngồi nghĩ nhảm và gọi cốc chè hoa quả thứ ba. Tối
nay tôi tăng ba lạng mất.
Thực lòng tôi nhớ Đăng quá!
Tôi
Tôi là Thụy Linh. Tên tục là Linh Milo. Tôi học hành làng
nhàng, chỉ khá các môn đậm chất... thể lực, có lẽ vì tôi thuộc dạng người ưa vận
động. Các môn tự nhiên tôi tự học là chính, tự suy diễn là chủ yếu, các môn xã
hội thì không có gì đáng kể, vì cũng như bạn bè “đồng trang lứa”, tôi quay một
cách chuyên nghiệp và có bài bản. Không phải tôi không thể học hay tôi ưa gian
dối, chỉ vì tôi là người thức thời - khi tất cả vượt đèn đỏ mà bạn cứ nhất
quyết đòi dừng lại thì nhất định bạn sẽ bị xe đằng sau tông thẳng vào - chuyện
đó không hay ho cho lắm. Tôi thuộc tuýp con gái nhìn được, ít nhất là tự tôi
nghĩ thế, biết ăn mặc, cẩn thận và có duyên, nhưng hơi lười biếng - tôi còn trẻ,
mà tuổi trẻ thì thường tự cho phép mình lười biếng.
Mẹ tôi đặc biệt là một người sâu sắc nhiều hơn nghiêm khắc,
cũng có lẽ vì mẹ tôi quý và hiểu tôi hơn là thằng em nghịch như cướp biển của
tôi, nó mang một cái tên không giống với tính cách của nó tí nào, Bảo Khuê.
Không hiểu khi mẹ tôi đặt tên cho nó thì tôi có phản đối không nhưng bây giờ
tôi nghĩ cái tên đẹp như thế phải cho tôi mới đúng, vì nó tựa như tên con gái.
Thằng bé là dạng sản phẩm đóng lỗi của God’s production, nó không bao giờ ở nhà
quá được một tiếng, không kể khi ngủ. Bố tôi thì cười bảo là kệ nó, cứ để Khuê
lượn đi vì suy cho cùng, nếu nó làm đổ vỡ bát đĩa hoặc đốt cháy dăm ba thứ của
nhà người khác, thì vẫn tốt hơn nó làm điều ấy ở nhà. Thế mà khi tôi xin đi
chơi thì sao mà khó thế, sau khi đã học võ đến tận ba năm và đã đôi ba lần ngỏ ý
muốn thử đấu với bố, bố từ chối khéo vì chắc bố biết không địch lại được cô tiểu
thư Aikido.
Lòng tốt
Trời dường như đang có cơn giông, tôi phi vội về nhà sau khi
ra Tràng Tiền và nhặt vài ba cuốn sách, đáng kể nhất có lẽ là Gió tự thời
khuất mặt của Lê Minh Hà - nữ tác giả yêu thích của tôi, thêm một quyển mua
vì trí tò mò, Tớ là Dâu của Joseph Ruelle, ngôi sao blog. Về đến nhà đã
thấy con Ngân đứng đuổi ruồi ngơ ngẩn ngắm giai ngay cửa nhà tôi, nhà tôi ngay
đầu đường có đèn đỏ, đứng đây tha hồ liếc mắt với các anh đẹp trai dừng xe. Tôi
phanh lại, đá chân chống:
- Gì thế mày?
- À, mày đây rồi, cất xe đi rồi lên gác tao bảo cái này hay
lắm.
- Gì thế?
- Thế mày có cất xe đi không nào?
- Gì thế? - Tôi vẫn kiên nhẫn.
- Có cái này cho mày.
Vừa nói nó vừa rút từ đằng sau ra một cái gì đó. Tôi cầm lấy.
Một tấm vé. Điểm đến là Singapore, thời gian là hai tuần nữa. Tí thì tôi đổ xe.
Tôi lẩm bẩm:
- Chuyện quái gì thế? Được, chờ tao cất xe, lên phòng tao
trước đi.
Vài phút sau. Chúng tôi ngồi trên phòng, mở cửa sổ, mưa thật,
mát rượi cả không khí. Tôi nhún vai:
- Sao lại có cái vụ này?
- Hì, coi như bọn tao tặng mày cái vé này, để sang Sing chơi
với anh Đăng.
- Sao mày lại làm thế?
- Không phải tao mà là cả bọn. Tao nghĩ đấy là một ý kiến
hay. Mày vật vờ thế này không tốt cho não lắm.
- Tiền ở đâu thế?
- Thông báo với mày là quyển The curios của Mark
Haddon đã được bọn tao dịch xong. Quá nhanh phải không? Bọn tao trích một phần
tiền ra mua vé này. Vì thế mày không phải áy náy mà hãy cầm nó đi.
- Trời ạ, mày làm như đùa vậy! Sao bố mẹ tao cho đi được?
- Chuyện các cụ để tao giải quyết. Nhân thể, năm sau tao định
thi Luật.
- Thế còn việc dịch sách ở đây?
- Bọn tao sẽ làm bù phần của mày.
- Tao...
- Sang đi! Sao phải xoắn!
- Hic, tao biết cảm ơn chúng mày thế nào bây giờ?
- Bằng cách hãy làm cho tốt phần còn lại. Đã không làm thì
thôi, đã làm thì làm cho chuẩn vào!
Khó mà nói cho các bạn hiểu được cảm giác của tôi, cứ như là
vừa trúng số độc đắc tình bạn vậy. Cái lũ bạn thật điên, nhưng điên một cách rất
đáng yêu. Tôi nhấc máy lên gọi cho từng đứa trong hội, năm trong số sáu nàng trả
lời rằng lòng tốt được làm không phải để nhận lời cảm ơn. Còn con Vy nói
rằng nó đang xem Tôn Ngộ Không và đừng làm phiền, có gì tối gọi cảm ơn. Con quỷ!
Và tôi cầm tấm vé máy bay trên tay, xoay ngang xoay dọc. Hai
tuần nữa tôi sẽ gặp lại anh ư? Trời ạ! Phát hâm lên mất! Mà có khi, đôi lúc, phải
hâm lên mới được!
Hoàng hôn đầy gió. Những hạt nước mưa li ti li ti trên ô cửa
sổ báo hiệu một cơn mưa sẽ lâu. Tôi bật đĩa nhạc của Nirvana, và hít một hơi thật
sâu, sẵn sàng đón nhận những gì chờ đợi trong hai tuần tới!
Và...
Những ngày phía trước bao giờ cũng là những ngày dài... Mọi
chuyện sẽ ổn, vấn đề là ta phải chờ đợi.
Kỳ 2: Những ngày Sing
Ở những nơi xa lạ, bao giờ
người ta cũng thấy gần nhau hơn.
(Cô nàng mắt tím - MN)
Ngày thứ nhất
Nhanh kinh khủng! Nhưng tôi đang ở trên máy bay, và tiếp
viên trưởng thì vừa thông báo rằng còn mười lăm phút nữa máy bay sẽ hạ cánh xuống
quốc đảo Sư tử bằng thứ tiếng Anh pha giọng Hoa. Tôi vẫn run cầm cập và chưa thể
tin nổi chuyện này. Tôi không nghĩ được rằng con Ngân có thể thuyết phục bố mẹ
tôi rằng tôi đã tham gia một cuộc thi trên báo và giành chiến thắng là một chiếc
vé đi Sing. Tất nhiên tôi cũng há hốc miệng như bố mẹ tôi khi nó nói rằng nên
cho tôi đi để tìm hiểu nền giáo dục ở Sing, biết đâu cuối năm nay lại sớm được
học bổng vài chục nghìn đô của một trường nào đó bên này. Cuối cùng là dựa vào
sự tin tưởng của bố mẹ tôi về Đăng, các cụ đã biết quá rõ về anh, nó nói nhất định
anh sẽ lo cho tôi khi tôi sang Sing. Ngồi nghe nó hót một lúc tôi mới thấy mình
bốc phét vẫn còn ở trình kém và cớ gì văn của Ngân muôn đời không bao giờ dưới
tám phẩy.
Tôi đã gọi cho Đăng từ tuần trước, anh hoàn toàn bất ngờ khi
nghe tôi nói, nhưng không hỏi gì nhiều, anh chỉ nói sẽ đón tôi ở sân bay. Thật
tốt, tôi như con chim non nơi đất khách và nhất định sẽ hạ đường huyết nếu
không nhìn thấy mái tóc nâu bồng bềnh và nụ cười “cuốn theo chiều gió” của Đăng
ở sân bay Sing. Máy bay hạ cánh bụp bụp, tôi nhả kẹo cao su và bắt đầu hì hục kéo
cái va li chứa dăm ba thứ đồ lẻ tẻ của tôi xuống.
Từ sau lớp cửa kính, tôi đã nhìn thấy Đăng. Anh đứng đó và mỉm
cười chờ đợi, một cách bình thản. Hoặc là giả vờ bình thản, bởi tôi thì vẫn
đang run chết đi được.
Và tôi bắt đầu năm ngày điên đảo ở Sing!
Câu chuyện phiếm
Chúng tôi chưa vội về nhà, những chuyến tàu của đất nước này
chạy liên tục đến khuya. Anh dẫn tôi ra phía ngoài sân bay và chúng tôi ngồi ở
đó nói chuyện, uống cà phê nhiều sữa.
- Chỗ này có xa nhà anh không? - Tôi hỏi một cách gượng gạo,
mặt đỏ bừng.
- Khá xa. Ha ha! Nói vậy thôi chứ ai cũng biết Sing nó đúng
bằng cái mắt muỗi, ô tô phóng hai tiếng là hết cả chiều dài đất nước. Dân số
thì có bốn triệu. Và cái gọi là trung tâm của nó cũng chỉ cách hai đầu đất nước
có nửa tiếng tàu điện ngầm.
- Anh ở bên này tốt chứ?
- Tốt Linh ạ, việc học hơi vất vả nên anh cũng không còn thời
gian để ý mình thế nào nữa! Chiều nay anh cũng vừa lên thư viện mượn mấy quyển
sách. Kinh tế học, chính trị học, giao tiếp học, ngôn ngữ học...
- Cái sự học mới vất vả làm sao! - Tôi cảm thán.
- Thì Sing là một trong mười nước bất hạnh nhất thế giới và
Việt Nam là một trong mười nước hạnh phúc nhất thế giới mà em!
Anh cười và nói với tôi...
- Việt Nam hạnh phúc lắm đấy mà em không nhận ra. Cũng biết
Việt Nam không sạch, nghèo và không văn minh. Còn giao thông thì kém, điện nước
tồi, lương lậu thảm hại... nhưng mà tổng kết lại là hạnh phúc! Điển hình là dân
mình sống rất nhàn nhã nhé em, chả phải lo lắng, ưu tư nhiều lắm. Em hãy cứ tưởng
tượng em đã lớn rồi và có một gia đình. Ừ thì lương em ít, nhà em không to, xe
em không đẹp, chó nhà em không ngoan... Xời, lặt vặt. Tin không? Em vẫn cứ hạnh
phúc! Chúng ta vẫn cứ hạnh phúc.