Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 3 - Phần 2

Mặt xã hội học của đội ngũ các quan

Nguồn gốc địa phương của các quan

Nhìn tổng thể hàng ngũ quan ở Bắc Kỳ thì đa số gốc miền Bắc, chiếm tỷ lệ 89,9% toàn thể so với những người quê ở miền Trung, Nam chỉ chiếm 9,9%.

Hình 11 - Nguồn gốc địa phương của các quan đương nhiệm ở Bắc Kỳ năm 1896

Việc người miền Bắc chiếm tỷ lệ lớn trong bộ máy hành chính ở Bắc Kỳ năm 1896 cần lý giải như thế nào? Đây là hiện tượng lâu dài hay chỉ mang tính tình thế? Cần phải xét cả hai giả thuyết trên đây mà không loại bỏ giả thuyết nào cả.

Trong thời kỳ rối ren của giai đoạn bình định, các nhà chức trách thuộc địa đưa vào mạng lưới “người nhà” của các quan lớn gốc miền Bắc. Mặc dù chậm trễ nhưng việc sử dụng những người đỗ đạt trong các kỳ thi ở miền Bắc từ 1802-1884 vào trong bộ máy chính quyền mới đã bù lại một phần tâm trạng hẫng hụt thất vọng của giới sĩ phu có tên tuổi trên bảng vàng. Thăm dò tâm lý của các sĩ phu và quan ở Bắc Kỳ cuối thế kỷ XIX là một thử thách. Ngược lại giải thích về mặt xã hội học có thể soi sáng thêm sự dấn thân của hàng ngũ quan chức mới này. Con đường công danh của các quan sinh ra ở miền Bắc giữa những năm 1802-1884 đã bị chặn đứng nhiều như Nola Cooke đã chỉ rõ trong công trình nghiên cứu của bà[207]. Bà đã đưa ra một thống kê giới thượng lưu Việt Nam ở thế kỷ XIX dựa trên việc tìm hiểu một nhóm 208 quan cấp cao (tức 165 quan văn đã đỗ trong các kỳ thi đình năm 1868 hoặc đã làm quan nhị phẩm năm 1883, và 43 quan võ đã tham gia ngạch hành chính dân sự như tổng trấn, trấn thủ (từ năm 1802 đến 1832) hoặc như tổng đốc (từ năm 1832 đến đầu những năm 1850).

[207] Cooke N., “The Composition of the Nineteenth-Century Political Elite of Pre-Colonial Nguyen Vietnam (1802-1883)”, Modern Asian Studies, t.29, 4 (1995), tr.741-764.

Từ một thống kê như thế đã rút ra những kết quả mới mẻ gì? Trước hết gốc gác miền Bắc chính cống không nhiều. Đa số quê quán ở bắc Thanh Hoá (miền Trung theo nghĩa rộng bao gồm cả Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh chiếm 60% tổng sổ, gấp ba lần số quê ở miền Bắc). Ngay cả loại bỏ ba tỉnh kể trên, các quan quê quán ở trung và nam Trung Kỳ vẫn còn nhiều gấp 2,5 lần nhiều hơn số quan quê quán ở miền Bắc. Việc tính toán chỉ giới hạn ở các quan văn chỉ xác nhận thêm kết quả trước 53% quê ở Trung Kỳ, trong đó 40% là ở miền trung và nam Trung Kỳ, 23% quê ở Bắc Kỳ. Các danh gia vọng tộc miền Bắc đã không giữ được thế lực và ảnh hưởng của họ dưới triều Nguyễn như dưới các triều đại trước đây nữa.

Nhưng những kết quả phân tích tổng hợp đó có thể có nguy cơ dẫn đến sai lầm. Tác giả công trình này tự hỏi nếu di sản văn hoá và sự đào tạo kinh điển có đưa lại cho những người miền Bắc một sự đại diện rộng rãi hơn trong các giới cần thiết của triều đình hay không? Ngoài hai người của Hà Nội đã chiến đấu cho ngai vàng của nhà vua trước 1802 và sau đó được bổ dụng làm quan, tất cả những quan gốc Bắc đều đã trúng tuyển các kỳ thi hương hay thi đình: kết quả này xác minh luận điểm của Alexander Woodside cho rằng chế độ thi cử đã có vai trò trọng yếu trong việc đưa họ vào giới quyền lực và có ảnh hưởng dưới triều đại mới. Nhưng người ta cũng khó có thể tin rằng các quan gốc Bắc đã có thể duy trì ảnh hưởng của mình đến triều đình, vì không một người miền Bắc nào có tên trong 20 quan chánh, tòng nhất phẩm có uy tín nhất trong triều. Nhưng chỉ trong có 80 năm sau thôi có 16 người miền Bắc (tức 18% tổng số) đã leo lên chức thượng thư và tổng đốc chánh nhị phẩm 2a, con số có thể so sánh với 60 người quê quán Trung Kỳ (tức 70%). Ngoài ra thời kỳ 1802-1883 có đặc điểm là sự chiếm ưu thế liên tục của các tỉnh miền Trung Trung Kỳ (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa): 60% quan chánh nhị phẩm 2a trong thời kỳ 1802-1883 trong đó 1/3 là người quê ở Thừa Thiên. Những thống kê đó phản ánh hình thành một phe cánh trong triều đối lập với các sĩ phu miền Bắc. Vả lại chúng còn xác nhận một điều: sự lựa chọn các quan được đề nghị như những lương đống mẫu mực của triều đình đều đặc biệt là những vị quê quán ở miền Bắc.

Việc phân tích nhóm phó bảng và tiến sĩ trong các kỳ thi giữa những năm 1822 và 1862 đã đạt tới đỉnh cao danh vọng của nhà nước - quan nhất nhị phẩm (2a và 1a) - cho phép bổ sung phân tích trên đây. Họ họp lại thành một nhóm rất nhỏ bé 79 trên tổng số 259 tức 1 trên 10, việc đỗ đại khoa không bảo đảm cho sự thành công cuối cùng trên quan trường. Gốc gác quê quán có vai trò quyết định hơn. Trong khi 29 vị đều quê gốc ở 13 tỉnh (6 miền Bắc, 5 miền Trung và 2 miền Nam) thì gần 1/2 là quê gốc Hà Tĩnh hay Thừa Thiên. Yếu tố quê quán xuất thân cũng quyết định vị thế của họ trong bộ máy hành chính: trên 3/4 (77%) người Trung Kỳ - tất cả đều là quê gốc ở Thừa Thiên - đã đạt tới trung tâm quyền lực như thượng thư, trong khi các quan miền Bắc, trong tỷ lệ tương tự (73%), chỉ kết thúc con đường hoạn lộ ở chức vụ Tổng đốc. Vậy là tính địa phương của quê hương và chức vụ cao nhất cuối đời có mối liên quan chặt chẽ, như Nola Cooke xác nhận cảm quan của Ralph Smith: một rào cản vô hình gần như hầu hết các tổng đốc ở Bắc Kỳ đã leo đến được trung tâm quyền lực cận thần của triều đình[208].

[208] Smith R., “Politics and Society in Viêt Nam during the Early Nguyên Period (1802-1862)”, Journal of the Royal Asiatic Society, 2 (1974), tr. 153-169.

Tác giả công trình nghiên cứu này đã có thể phân biệt bốn cấp quan. Những người đạt nhất nhị phẩm (tinh hoa quyền lực), những người đạt bốn phẩm cấp cao nhất (tinh hoa chính trị), những người không vượt quá cấp phủ, huyện, châu (bộ phận ưu tú sự vụ); và cuối cùng những người làm học quan (cũng là loại ưu tú sự vụ). Ở đây mối liên hệ giữa tính địa phương và bậc thang tột đỉnh quyền lực rất mạnh mẽ: chỉ có 1/4 nho sĩ miền Bắc trong bộ phận tinh hoa chính trị leo lên được bộ phận tinh hoa quyền lực trong khi 1/3 người Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, chiếm một nửa số (47%) người miền Trung Trung Kỳ, và 2/3 người Thừa Thiên đã leo được lên nấc thang tột đỉnh của quyền lực.

Mối liên quan giữa các yếu tố ở cuối bậc thang danh vọng khác cũng nổi bật. Trong bốn mươi năm đó đã phát triển công danh sự nghiệp trong lúc 1/3 các phó bảng và tiến sĩ quê ở miền Bắc phải hiu hắt làm học quan ở phủ huyện hay làm tri huyện, thì chỉ có 1/6 số người của hai vùng ở Trung Kỳ nằm trong tình trạng đó. Nhưng sự so sánh trực tiếp giữa Thừa Thiên và Hà Nội-Nam Định càng làm sáng tỏ thêm. Các sĩ phu Bắc Hà (Hà Nội, Nam Định) mà con đường hoạn lộ bị chặn đứng ở cấp tri huyện hay trong học quan đông gấp hai lần so với những người leo lên tột đỉnh quyền lực. Đối với tỉnh Thừa Thiên, hình tháp bị đảo ngược: những người leo lên tới đỉnh cao quyền lực đông gấp bốn lần so với những người còn ở cấp phủ huyện và trong học quan.

Vua Minh Mạng muốn tập trung quyền lực về Triều đình thấy cần phải tranh thủ giới sĩ phu Bắc Hà bằng cách dành cho họ một chỗ đứng xứng đáng trong hệ thống chính quyền. Vì vậy năm 1822 nhà vua cho mở lại các khoa thi hương, thi hội và thi đình. Nhà vua đích thân khuyến khích việc đưa các nhà khoa bảng đặc biệt có nguyên quán miền Bắc vào bộ máy quan lại: giữa những năm 1822 và 1832, trong 34 tiến sĩ, đã lấy 29 người (81%) ra làm quan từ chánh tứ phẩm (4a) đến tòng nhị phẩm (2b). Nhưng trong thập kỷ sau đó (1835-1844) chỉ có 16 tiến sĩ (45% tổng số tiến sĩ ) được trọng dụng với các phẩm hàm tương đương. Giải thích hiện tượng thụt lùi ấy ra sao? Chính sách của vua Minh Mạng không được giới quyền cao chức trọng ở các địa phương miền Trung ủng hộ vì họ lo ngại “sự thách thức của miền Bắc” bằng cách chuyển hướng hệ thống thi cử nhằm phục vụ cho lợi ích của họ. Con cái các quan học ở Quốc tử giám, phần lớn gốc miền Trung, đã tham gia thi cử, và số sĩ tử thi đỗ ở các tỉnh đó tăng lên.

Việc hạn chế tuyển dụng các quan nguyên quán miền Bắc khiến những phần tử ưu tú trong giới sĩ phu Bắc Hà hụt hẫng, dửng dưng đối với các chính sách của Triều đình nhất là sau khi Tự Đức lên nối ngôi một cách không bình thường. Như vậy cuộc chinh phục thuộc địa của Pháp có thể bù đắp được sự tâm trạng hụt hẫng của đám đông sĩ phu Bắc Hà, cho họ thấy được tiền đồ sáng sủa về sự nghiệp công danh của họ. Giả thiết này có thể chấp nhận vì tình hình có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam đầu thế kỷ XV. Bộ phận tinh hoa vùng châu thổ sông Hồng vì không có vị trí trong chế độ mới của Hồ Quý Ly, vốn là người đất Thanh Hóa, đã chạy sang hàng ngũ kẻ xâm lược Trung Hoa: 9000 viên chức trong bộ máy quan lại triều Trần 1407 đã chạy sang kinh đô nhà Minh để xin Hoàng đế Trung Hoa xác nhận bổ dụng họ trong bộ máy hành chính mới ở Việt Nam[209].

[209] Taylor, K. W., “Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region”, Journal of Asian Studies, t.57, 4 (1998/11), tr.955-956.

Nghiên cứu nguyên quán của các quan đang trọng nhậm tại Bắc Kỳ năm 1896 chỉ ra rằng những tỉnh miền đồng bằng sông Hồng chiếm ưu thế rõ rệt. Những tỉnh này chiếm 70,2% tổng số các quan so với 13% đối với trung du và 9,4% đối với thượng du. Riêng một tỉnh, Hà Nội, chiếm 26,9% tổng số quan ở Bắc Kỳ, con số này cao hơn nhiều con số của 3 tỉnh tiếp theo Nam Định 12,5%, Bắc Ninh 11,5% và Hải Dương 6%.

Các quan nguyên quán ở tỉnh Hà Nội đã được phân bố như thế nào[210]? Nếu xét theo tỷ số phân bố theo từng tỉnh trọng nhậm thì người ta thấy rõ ưu thế của Hà Nội so với các tỉnh. Bốn khu vực Hà Nội, Sơn Tây, Hà Nam, Hưng Hoá đã chiếm 1/2 tổng số (41-50%); Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng 1/3 (28-35%). Còn lại HưngYên, Nam Định 1/4; Quảng Yên, Bắc Giang 1/5. Tỷ lệ của các quan nguyên quán ở Hà Nội có khuynh hướng giảm trong những tỉnh ngoại vi vùng đồng bằng sông Hồng, miền trung du và thượng du. Như Ninh Bình chỉ bằng 5% số các quan nguyên quán Hà Nội. Một phần rất nhỏ còn Thái Nguyên, Lạng Sơn cũng chỉ 5% và không đáng kể ở Cao Bằng và Tuyên Quang[211]. Việc tuyển dụng các quan đi trọng nhậm tại Ninh Bình, Thái Nguyên và ba tỉnh miền thượng du (Cao Bằng Lạng Sơn, Tuyên Quang) tuân theo những lôgic riêng biệt, chúng tôi sẽ trở lại sau.

Phân tích ở trình độ thấp hơn là các huyện cũng cho biết những kết quả tương tự. Có hai trung tâm tuyển dụng người trúng tuyển vào quan trường xuất hiện. Trung tâm thứ nhất tập hợp 1/3 tổng số là người của 6 huyện trong tỉnh Hà Nội: Thanh Trì 8,6%, Thanh Oai 4,8%, Từ Liêm 5%, Vĩnh Thuận 3,6%, Thượng Phúc 1,9%, Sơn Lãng 1,7% và hai huyện của tỉnh Bắc Ninh: Gia Lâm 3,3%, Đông Ngân 3,1%. Những số người chủ yếu được tuyển dụng chiếm 24% tổng số quan chức, được thực hiện ở 5 huyện ngoại vi kinh đô xưa: Thanh Trì, Thanh Oai, Vĩnh Thuận, Từ Liêm, Gia Lâm.

[210] Xem phụ lục 4.

[211] Chúng tôi chỉ tính đến thượng du Bắc Kỳ trong phân tích tổng thể bộ máy hành chính. Tiếp đó chúng tôi không tách khỏi ba tỉnh thượng du đó với vùng đồng bằng và miền trung du Bắc Bộ vì vấn đề nguồn gốc địa phương (tỉnh và huyện) của các quan ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang đặt ra trong những từ ngữ rất khác nhau.

Một trung tâm nữa, ít quan trọng hơn chiếm 93% tổng số gồm có 4 huyện của tỉnh Nam Định: Giao Thuỷ 3,1%, Nam Trực 2,6%, Mỹ Lộc 1,9%, Vụ Bản 1,7%.

Những số liệu đó ăn khớp rõ rệt với con số của các sĩ tử đỗ thi hương nguyên quán ở Thanh Trì, Thanh Oai, Từ Liêm, Vĩnh Thuận, Gia Lâm và Giao Thủy. Giữa các năm 1807 và 1884 tỉnh Hà Nội cung cấp 10,8% các sĩ tử đỗ thi hương trên toàn nước Đại Nam. Trên 390 người thi đỗ, đa số (60,8%) gốc ở 4 huyện ngoại thành Hà Nội, Thanh Trì 16,7%, Thanh Oai 12,8%, Từ Liêm 25,9%, Vĩnh Thuận 5,4%[212]. Các huyện Đông Ngân và Gia Lâm cung cấp 40% sĩ tử thi đỗ của tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra Giao Thuỷ còn là một huyện thuộc tỉnh Nam Định có nhiều cử nhân nhất trong thời kỳ này, tức 17,2% những sĩ tử thi đỗ của tỉnh này. Nếu trở lại năm 1896 các quan trúng tuyển trong các kỳ thi văn chiếm đa số trong năm của bảy huyện nói trên.

[212] Các tỷ lệ phần trăm được tính từ những số liệu do Philippe Langlet và Quách Thanh Tâm cung cấp trong “Nguồn gốc địa phương của các vị đỗ cử nhân ở vùng châu thổ sông Hồng từ 1802 đến 1884”, NCLS, 275 (1994), tr. 13-19.

Bản vẽ 1 - Huyện và châu nguyên quán của các quan đương nhiệm năm 1896

Hình 12 - Số sĩ tử trúng tuyển chia theo huyện (1807-1884)

Hình 13 - Tỷ số sĩ tử thi đỗ phân bố theo từng huyện (1807-1884)

Đi sâu hơn nữa vào các làng ở 5 huyện trên đây cho phép xác định rõ mức độ tập trung trong việc tuyển dụng: nổi lên 5 làng “có nhiều quan”.

Bảng 18 - Các làng có nhiều quan năm 1896

Làng

Huyện

Tỷ lệ (%)

Hành Thiện

13

Giao Thủy

13

100

Nhân Mục

13

Thanh Trì

34

38

Thổ Khối

8

Gia Lâm

14

57,1

Cổ Am

8

Vĩnh Bảo

8

100

Tây Mỗ

5

Tư Liêm

19

26,3

(Cần đọc kỹ bảng trên: ví dụ năm 1896, 8 trong số 14 quan (57%) nguyên quán Gia Lâm đều là người làng Thổ Khối trong huyện).

Còn phần lớn các quan đương chức năm 1896 có nguyên quán ở các làng trên (không kể Thổ Khối) đều là những nhà khoa bảng.

Bảng 19 - Tỷ lệ các nhà khoa bảng trong số các quan đương chức năm 1896

Làng

Tiến sĩ

Cử nhân

Tú tài

Tỷ lệ (%)

Hành Thiện

10

2

92,3

Tây Mỗ

1

2

1

80

Cổ Am

6

1

87,5

Nhân Mục

4

2

46,3

Thổ Khối

2

25

Những kết quả trên không phải là do hoàn cảnh ngẫu nhiên mà là những vùng đó có truyền thống khoa bảng từ lâu. Những số liệu đó ăn khớp với số sĩ tử thi đỗ của bảng trên nói về các kỳ thi hương (cử nhân) giữa những năm 1807 và 1844 và các kỳ thi đình (1428-1884)[213].

[213] Nhân Mục có 11 tiến sĩ. Tây Mỗ có 4 tiến sĩ và 1 phó bảng. Cổ Am có 2 tiến sĩ và 1 phó bảng. Hành Thiện 1 tiến sĩ, 3 phó bảng. Thổ Khối 1 phó bảng. Ngô Đức Thọ (chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, (1993).

Bảng 20 - Tỷ số sĩ tử đỗ thi hương (1807-1884)

Làng

Huyện

Tỷ lệ (%)

Hành Thiện

Giao Thủy

60

Nhân Mục

Thanh Trì

33,8

Tây Mỗ

Từ Liêm

7,9

Cổ Am

Vĩnh Bảo

100

Thổ Khối

Gia Lâm

12,9

Hãy phát triển việc phân tích sự phân bổ các quan theo từng huyện sang nghiên cứu theo từng tỉnh. Chúng ta đã xác lập được mối tỷ lệ giữa số lượng các quan quê gốc tại một tỉnh và số lượng các quan làm việc tại tỉnh đó. Trung bình chung là 26% đã che lấp mất sự chênh lệch giữa các tỉnh. Ở các tỉnh thượng du Bắc Kỳ, tỷ lệ này là 62% (68% ở Lạng Sơn, 68% ở Cao Bằng và 50% ở Tuyên Quang). Còn các tỉnh miền châu thổ và trung du, tỉ lệ đó là 19%. Nhưng con số này cũng không nói lên được sự thật đối với Hà Nội, ở đây 44% các quan quê ở Hà Nội. Tỷ lệ này gần với tỷ lệ ở các tỉnh miền thượng du.

Nghiên cứu các vùng tuyển dụng quan lại ở mỗi tỉnh trung du và đồng bằng (miền châu thổ sông Hồng) có thể toát lên 4 kiểu tuyển dụng dưới đây:

- Tuyển dụng từ bên ngoài không cân bằng. Các tỉnh Sơn Tây và Hưng Hoá tuyển từ tỉnh ngoài, chủ yếu ở Hà Nội (lần lượt là 50% và 41% tổng số). Lý do chính là do các tỉnh trên đều giáp ranh với nhau. Hơn nữa việc tuyển dụng các quan ở Sơn Tây và Hưng Hóa rất không cân đối là do ở đây ít nguồn tuyển dụng[214].

[214] Xem hình vẽ 13.

- Tuyển dụng từ bên ngoài tỉnh có cân đối (1 tỉnh): Nam Định (tuyển ngay trong tỉnh là 19% còn 23% tuyển từ Hà Nội), Hải Dương (tuyển ngay trong tỉnh: 28%, còn 35% tuyển ở Hà Nội), Hà Nam (tuyển ngay trong tỉnh 31%, còn 46% tuyển từ Hà Nội).

- Tuyển dụng từ bên ngoài tỉnh nhiều cực (2 tỉnh trở xuống): Bắc Giang (tuyển 10% ngay trong tỉnh còn 20% tuyển ở Hà Nội và 20% ở Bắc Ninh), Thái Bình (tuyển ngay trong tỉnh 6% còn đa số các quan ở đây tuyển từ Hà Nội, 29%, Nam Định, 23%). Bắc Ninh (tuyển ngay trong tỉnh 28% còn tuyển ở Hà Nội, 35%, và Nam Định, 28%).

- Tuyển dụng từ bên ngoài tỉnh nhiều cực (trên 2 tỉnh trở lên): Quảng Yên, (tuyển ngay trong tỉnh 36%, còn tuyển ở Hà Nội,21%, Nam Định, 14%, và tỷ lệ tương tự, 7%, ở các tỉnh sau: Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Long).

Hưng Yên: tuyển ngay trong tỉnh 13%, còn chủ yếu tuyển các quan ở bốn tỉnh, Hà Nội (25%), Bắc Ninh (17%), NamĐịnh (13%), Hà Nam (13%).

Thái Nguyên: tuyển ngay trong tỉnh 15%, còn chủ yếu tuyển các quan ở bốn nơi Bắc Ninh (30%), đạo Bình Kinh (10%), Hưng Yên (10%), Quảng Trị (10%).

Hải Phòng không tuyển được người nào trong tỉnh, phải lấy chủ yếu trong 4 tỉnh hay 4 nhóm tỉnh: Hà Nội (28%),Nam Định (17%), các tỉnh miền Trung và miền Nam(22%), Bắc Ninh (11%).

Ninh Bình tuyển ngay trong tỉnh 6% còn chủ yếu từ các tỉnh Hà Nội (11%), Hà Nam (17%), Nam Định (22%), các tỉnh miền Trung (28%).

Sự phân tích trên đã tương đối hoá nhận xét của chúng tôi. Chắc chắn là ưu thế của Hà Nội là không thể bàn cãi về giá trị tuyệt đối nhưng xét một cách tương đối tình hình xuất hiện khác biệt rõ rệt. Chỉ riêng hai tỉnh Sơn Tây và Hưng Hóa là phụ thuộc rất mạnh vào Hà Nội. Tuy nhiên việc tuyển dụng gắn kết với yếu tố địa lý: các tỉnh đều liền kề nhau. Như 23% quan chức Thái Bình đều từ các tỉnh Nam Định, 20% quan chức Bắc Giang đều từ Bắc Ninh. Đặc biệt các quan Ninh Bình chủ yếu gốc miền Trung (28%) gần nhất là Thanh Hóa, Quảng Bình. Đây phải chăng là một kiểu tuyển dụng truyền thống có từ lâu đời? Con số này có gì gần gũi với các mối liên hệ giữa tuần phủ Lê Bảng vốn quê ở Quảng Bình và các quan nguyên quán ở miền Trung đương chức ở tỉnh này[215].

[215] Xem đường hoạn lộ của Lê Bảng ở dưới.

Như vậy xét đến nguồn gốc địa phương của các quan tỉnh là yếu. Nhưng con số 19% có che lấp sự chênh lệch bên trong bộ máy hành chính? Trung bình theo từng cấp được xác lập như sau: 23% các quan phủ, huyện, châu ở vùng châu thổ sông Hồng và trung du đều quê quán trong tỉnh mình đang trọng nhậm so với các quan tỉnh thì tỷ lệ đó là 13%.

Về mặt thống kê, ngoại trừ Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, các quan càng lên cao càng làm việc xa quê hương.

Trong mười bốn tỉnh miền đồng bằng sông Hồng và trung du, toàn bộ các quan tỉnh đều làm việc ở tỉnh khác với nguyên quán.

Việc ít gắn bó với nguyên quán của các quan tỉnh là phù hợp với chế độ hồi tỵ áp dụng từ thế kỷ XV cấm các quan không được làm việc ở nguyên quán để đảm bảo tính khách quan trong khi giải quyết công việc ở nha môn, cũng như cấm thân thích quan chức cùng làm một chỗ với nhau[216].

[216] TT, bản kỷ thực lục, q. 13, kỷ nhà Lê, tờ 58a, 85a.

Thời Nguyễn, quy định này vẫn còn hiệu lực như trường hợp của Phan Huy Chú. Năm 1830 ông được bổ nhiệm hàn lâm viện tu soạn trong khi đã có người em đang làm hàn lâm viện quản thủ kiệm Thượng thư bộ Lễ. Ông đã dâng biểu để từ quan. Quy định hồi tỵ nhằm tránh các mối liên hệ đặc biệt giữa các quan với quê hương bản quán, nguồn gốc của các sự bất công, như đã nhắc nhở trong một quy định năm 1831[217].

[217] Quy định này nhằm các thông phán và kinh lịch. HD, bộ Lại, q.34,lệ xử phân, t.3, tr. 391. Xem Phan Huy Chú, Hải trình chi lược, (1994), tr. 14-15. Hồi tỵ không chỉ nhằm các quan và lại đương chức mà còn khi ứng thí, sĩ tử nào có họ với khảo quan cũng không được dự thi. Để hiểu thêm về hồi tỵ, xem Phan Đại Đoàn, Một số vấn đề về quan chế triều Nguyễn, sđd, tr. 153-156.

Hình 14 - Nguồn gốc địa phương của các quan tỉnh

Nghiên cứu nguồn gốc địa phương của các quan tỉnh đương chức năm 1896 tại các tỉnh có tỷ lệ nguồn gốc địa phương cao như Hà Nam, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, người ta nhận thấy trừ trường hợp án sát Chu Mạnh Trinh ở Hưng Yên, các quan khác hoặc đều là học quan (giáo thụ Hà Nam và Bắc Ninh), hoặc là những quan phụ tá: hậu bổ (3 ở Hà Nội, 2 ở Hải Dương, 2 ở Nam Định, 1 ở Hà Nam), kinh lịch (1 ở Nam Định, 1 ở Bắc Ninh).

Về gốc rễ các quan phủ, huyện ở các tỉnh mà ta thấy vừa là những quan chuyên trách việc học lại vừa đứng đầu các phủ, huyện - Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Hóa - điều đó cũng đáng nghiên cứu.

Bảng 21 - Nguồn gốc địa phương của các quan trong học chính và hành chính

Tỉnh

Tổng số các quan cấp phủ và huyện (%)

Tri phủ

Tri huyện (%)

Giáo thụ (%)

Huấn đạo (%)

NamĐịnh

19

17

33

Hải Dương

35

33

25

44

Bắc Ninh

31

22

67

40

Hưng Hóa

19

17

40

Qua bảng này thấy nổi lên số các quan cấp phủ huyện được làm việc ngay trong tỉnh nhà thì số làm học quan đông hơn số làm việc hành chính. Kết quả này phù hợp với quy định “hồi tỵ” đang có hiệu lực lúc bấy giờ như trong một số văn thư của quan kinh lược Hoàng Cao Khải viết năm 1893:

… Vả lại, theo quy định, các quan tổng đốc, tuần phủ, bố chính, án sát, tri phủ, tri huyện không được bổ nhiệm ở nguyên quán vì những chức vụ đó có liên quan đến việc cai trị. Nhưng quy định này không áp dụng triệt để đối với đốc học, giáo thụ, huấn đạo, thông phán, kinh lịch. Đặc biệt hơn các quan có cha mẹ già yếu được phép về trọng nhậm tại nguyên quán để tiện bề phụng dưỡng[218].

[218] ANV-RST 72003.

Chính quyền thuộc địa sau này cũng ý thức về giá trị của chế độ hồi tỵ. Ví như mùa xuân năm 1896 trong khi Lê Hoan làm tổng đốc và Nguyễn Văn Nhã làm thương tá tỉnh vụ Bắc Ninh, viên công sứ Pháp đã nhận xét:

Nguyễn Văn Nhã, thương tá tỉnh vụ, là người quê Nhân Mục cùng làng với Lê Hoan. Vậy luật cấm người cùng làng làm việc trong một cơ quan[219].

[219] ANV-RST 34779, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Văn Nhã.

Đây là lý do đổi Nhã về Thái Nguyên (tháng chín năm 1896). Hồi tỵ được áp dụng triệt để trong suốt thời kỳ thuộc địa. Trường hợp Vũ Thiện Đản là một thí dụ. Cho rằng lệnh cấm cha con cùng làm việc trong cùng một tỉnh chỉ áp dụng với công chức đương nhiệm, cha của Đản làm tuần phủ Hà Nam có đơn năm 1912 xin cho Đản làm hậu tuyển tri huyện (tri huyện thực tập) cùng tỉnh. Nhưng thống sứ Bắc Kỳ đã viện vào đạo dụ của nhà vua năm Thiệu Trị thứ hai (1842) triệt để cấm cha con cùng làm trong một tỉnh đã bác đơn xin của cha Đản[220].

Quan hệ giữa huyện nơi quan sinh ra và huyện nơi quan đương nhiệm như thế nào? Nói một cách khác, tỷ lệ nguồn gốc địa phương của các quan đứng đầu phủ, huyện và các quan phụ tá ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du có cao không? Qua phân tích chúng tôi thấy nổi lên tính đồng nhất không đáng kể giữa huyện đang làm phận sự và huyện nguyên quán: 4,8% (11/227). Ngoài ra đa số các quan đó (6/11) là học quan hơn là làm việc hành chính, tư pháp. Nhận xét trên của Hoàng Cao Khải phù hợp với kết quả nghiên cứu các thống kê.

[220] ANV-RST 55102, hồ sơ hành trạng của Vũ Thiện Đản. HD, bộ Lại, q.34, lệ xử phân, t.3, tr.393.

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn con đường làm quan của họ. Đàm Quang Mỹ quê ở làng La Khê (huyện Yên Hưng) có đông anh em cùng quê làm quan chức trong cùng một tỉnh. Đàm Quang Phượng tri huyện Cát Hải, Đàm Quang Kỳ lại mục tại Hoành Bồ, Đàm Quang Quyển làm thông lại cùng ở Hoành Bồ. Sau khi tham gia vào một đạo quân tiễu phạt năm 1884, Mỹ được đề bạt bang tá bốn năm sau rồi tri huyện Yên Hưng năm 1896.

Vốn làm chánh tổng (1886), Vũ Văn Phái quê làng Quan Lan huyện Vân Hải đã tham gia vào một đạo quân tiễu phạt năm 1894 trong tỉnh rồi được bổ tri huyện Vân Hải.

Vi Văn Họa, nguyên quán làng Yên Châu, huyện Yên Bác, đã được bổ làm phó tổng năm 1877, rồi tham gia vào một đạo quân năm 1891 trong tỉnh rồi được bổ tri huyện Yên Bác.

Sau khi mộ được năm mươi người vào làm lính giữ thành Thái Nguyên năm 1882, Nguyễn Hữu Danh quê xã Đồng Mỗ huyện Đồng Hỉ đã được bổ nhiệm chánh tổng năm 1884 sau được chỉ định làm hậu bổ, rồi mười năm sau làm quyền tri huyện Đồng Hỉ.

Nguyễn Du quê xã Đạo Ngạn huyện Việt Yên đỗ cử nhân năm 1888. Ông liên tiếp được bổ làm huấn đạo (tháng 2/1891 - tháng 8/1893), bang tá (tháng 8 - tháng 12/1893), quyền tri huyện cùng huyện Việt Yên (tháng 12/1893 - tháng 6/1894) rồi làm huấn đạo kể từ tháng 6/1894. Đến tháng 6/1896 ông đã làm việc năm năm tại huyện nhà, nguyên quán của ông.

Sau khi mộ được dân quân từ tháng 2/1844 theo quân Pháp tham gia cuộc hành quân đến tháng 10/1886, Nguyễn Văn Cấn quê ở xã Lệ Mỹ (tổng Phù Lão huyện Phù Ninh) đến tháng 3/1890 mới làm lính ở đồn binh Đoan Hùng. Một năm sau đến tháng 5/1891 làm quyền tri huyện Sơn Dương. Đến tháng 4/1896 ông được đổi sang huyện Phù Ninh[221].

[221] ANV-KL 2521, tờ 47.

Vũ Kỳ sinh ở Sơn Đông tổng Đông Mật huyện Lập Thạch đỗ tú tài năm 1867 và 1874 được bổ huấn đạo huyện Lập Thạch tháng 11/1884 ngay tại huyện nguyên quán. Sau đó làm tri huyện Đồng Hỉ (tỉnh Thái Nguyên) đến tháng 10/1889 tri huyện Thanh Ba (Hưng Hoá), tháng 10/1890 lại được điều về Lập Thạch tháng 10/1891[222]. Tính đến tháng 6/1896 ông đã làm việc 11 năm ở cùng một nguyên quán là huyện Lập Thạch.

[222] Như trên, tờ 24.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3