Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 2 - Phần 1
Chương
2
QUAN
LẠI TRONG CUỘC CẢI CÁCH CỦA NHÀ NƯỚC QUÂN CHỦ
Làm thế nào để đặt Nhà nước lên trên sức mạnh của
những lợi ích cục bộ giữa các quan với tư cách là thành viên của một gia đình,
một dòng họ, xuất thân từ cùng một làng quê? Từ năm 1884, nhà chức trách thuộc
địa phải đối mặt với vấn đề cấu trúc của Nhà nước bằng những ngôn từ gần gũi
với cách nói của các vua Việt Nam triều Lê và triều Nguyễn. Cuộc
chinh phục Pháp đã bóc trần tính chất lai tạp của một Nhà nước luôn chao đảo
giữa hai cực, tập trung và phát triển các lực ly tâm. Cuộc chinh phục quả thực
đã giúp cho lực ly tâm phát triển nhưng không thể coi nó như là nguyên nhân.
Nếu giữa thế kỷ XV với Lê Thánh Tông và đầu thế kỷ XIX với Minh Mạng, Nhà nước
quản lý tập quyền hình như thắng thế, thì về lâu dài có vẻ nó gặp khó khăn để
duy trì sự kiểm soát đối với quyền tự trị đang phát triển ở vùng ngoại vi. Là
nòng cốt của Nhà nước, chế độ quan trường là mối thách thức chủ chốt của cuộc
xung đột đó. Đối với quyền lực của nhà vua, thì cần thiết phải thiết lập và vận
hành sự kiểm sát rất rộng rãi và rất chặt chẽ đối với quan lại. Ngoài việc đặt
bộ máy kiểm sát, vua và các đại thần đều phải suy nghĩ về việc thích nghi và
hợp lý hóa bộ máy hành chính. Như vậy là trong quá trình lâu dài của việc cải
cách Nhà nước ở Việt Nam ta không thể coi nhẹ tính năng động nội sinh
đó.
Một
cuộc vận động lâu dài: tinh giản bộ máy hành chính
Cấu trúc chính quyền dưới triều Nguyễn là kết quả
của các xu hướng tập quyền xuất hiện từ giữa thế kỷ XV, vào đầu thời hậu Lê và
cụ thể là dưới triều vua Lê Thánh Tông[54].
Quá trình đó gắn liền với việc tinh giản bộ máy hành chính. Sau khi đánh giá
quá trình đó, chúng tôi đề cập đến những động cơ của Triều đình rồi đến các
biện pháp tập quyền.
Ngay từ cuối thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông đã dùng
lời lẽ sau đây để lên án chính sách của người kế vị:
Có bao giờ một nước to bằng bàn tay mà lại đặt triều
ban nhiều đến thế này?[55]
Bốn thế kỷ sau, giáo sĩ Dòng Tên Marini cũng họa
lại:
Số binh lính tại ngũ, số quan (dân sự và quân sự),
các việc làm, (…), rõ ràng có cái gì đó đáng kinh ngạc, và nó vượt khỏi mọi
điều ta có thể nói đến[56].
[54] Chu Thiên, Lê Thánh Tông 1442-1497, (1943). Lê
Kim Ngân, Tổ chức chính quyền
trung ương…, sđd.
Tập thể, Lê Thánh Tông
(1442-1497), con người và sự nghiệp, (1997).
[55] Kiến văn tiểu lục, q. 2: thể lệ thượng, trong Lê Quí Đôn…, sđd, t. 2, tr. 112.
[56] Marini, G. F.
de, Histoire nouvelle et cvrievse
des royavmes de Tvnqvin el de Lao. Contenant vne description exacte de leur
origine, grandeur & estendue, de leurs richesses & de leurs forces; des
moeurs & du naturel de leurs habitants; de la fertilite de ces contrees
& des riuieres quy les arrosent de tous costez, & de plusieurs autres
circonstances vtiles & necessaires pour vne plus grande intelligence de la
geographie. Ensemble la magnificence de la cour des roys de Tunquyn & des
ceremonies qu’on obserue a leurs enterremens, (1666), tr. 116-117.
Những câu nói đầy cảm xúc đó, không thể bỏ qua một
cách đọc phê phán: nó chỉ nhắm vào một bộ phận quan trường và trong trường hợp
thứ nhất lối nói cường điệu phản ánh thái độ thất vọng của nhà vua hơn là soi
sáng một thực tế của nền quan lại: một trong những quan tâm thường xuyên của
suy nghĩ chính trị ở Việt Nam, là một nước chỉ có thể cai trị tốt với điều kiện
bộ máy hành chính phải nhẹ nhàng.
Có thể vượt qua những lời nói đó bằng việc nghiên
cứu định lượng quan lại không? Trước hết đó là một công việc nặng nề. Tư liệu
không đồng nhất và còn nhiều khiếm khuyết không cho phép ta nghiên cứu định
lượng của sự phát triển bộ máy quan lại trong suốt lịch sử Việt Nam. Một sự
phân tích đánh giá số lượng theo từng loại nhân sự, phân biệt ngạch dân sự và
quân sự cấp tỉnh và địa phương, chỉ có thể thực hiện đối với thế kỷ XIX. Nên
biết rằng nghiên cứu hồi cố về sự tiến triển của số lượng quan chức ở các cấp
đó là một thách thức mà nhà sử học khó vượt qua trong tình trạng tư liệu hiện
nay, chúng ta có thể bỏ qua thời kỳ trước thế kỷ XIX. Nhưng như vậy sẽ hoàn
toàn phá vỡ viễn cảnh khi trình bày Minh Mạng như người khởi xướng cuộc vận
động, vì nếu ta xem xét vấn đề về mặt số lượng, thì cuộc vận động giản chính đã
xuất hiện sớm hơn.
Nguồn tư liệu còn rườm rà hơn từ giữa thế kỷ XV. Năm
1481, Lê Thánh Tông hạ chỉ đánh giá toàn bộ các quan được bổ dụng từ 1461 nhằm
tiến tới việc giản chính. Như vậy Lê Quý Đôn đã đánh giá số viên chức là 5398
dưới đời Hồng Đức (1470-1497) và ước tính từ thời Lê trung hưng (1533), số
lượng đã giảm xuống còn 500, có nghĩa là đã giảm đi 90% trong vòng hơn 60 năm[57].
Phân tích việc tinh giản đó theo từng loại là không thể được. Nếu ta có số
lượng nhân sự chính xác năm 1533, thì đối với năm 1470 lại không thế. Năm 1721
chúa Trịnh Cương tiến hành cuộc tinh giản cụ thể: nó nhằm vào hai ty thừa
chính, hiến sát và phủ, huyện ở các trấn ngoài biên giới Trung-Việt (Cao Bằng,
Tuyên Quang, Hưng Hóa và Lạng Sơn). Cuối cùng, một sự tinh giản được thực hiện
đối với nhân sự thời Lê Chiêu Thống năm 1787: số lượng thuộc lại sáu bộ giảm
xuống 25% so với con số thời Hồng Đức.
[57] KVTL, q. 2: thể lệ thượng, trong Lê Quý Đôn…, sđd, t. 2, tr. 121-122.
Bảng 6 - Tinh giản nhân sự
các bộ năm 1787
Bộ |
Hình |
Lại |
Binh |
Hộ |
Lễ |
Công |
Tổng |
Hồng Đức |
167 |
80 |
128 |
110 |
71 |
40 |
429 |
1787 |
60 |
40 |
80 |
80 |
60 |
60 |
320 |
Tỉ lệ |
-64% |
-50% |
-37% |
-27% |
-15% |
+50% |
-25% |
Nguồn: HC, quan chức chí, t. 1, tr. 460-461.
Cơ quan hành chính như vậy đã trải qua hai đợt giảm
nhẹ, khi bước vào thế kỷ XV và cuối thế kỷ XVIII.
Nguồn tư liệu thế kỷ XIX cho phép theo dõi chính xác
hơn sự tiến triển của nhân sự. Đòi hỏi ngày càng tăng của một bộ phận đại thần,
như nhiều ví dụ dẫn ra năm 1821, điều tám trong kiến nghị cải tổ hành chính của
Trần Quang Vĩnh, lãnh bình tào Bắc thành, về việc tinh giản nhân sự là có thật
và xảy ra trước thời thuộc địa[58].
Phân tích sự tiến triển của nhân viên thư lại các nha môn tỉnh thành phía Bắc
dưới triều Minh Mạng và Tự Đức chứng minh điều đó.
[58] TL. kỷ II, q. 12, t. 5,
tr. 282.
Bảng 7 - Thư lại các tỉnh
phía bắc Đại Nam (1831-1867)
Năm |
Tỉnh lớn |
Tỉnh hạng 2 |
Tỉnh nhỏ |
Cộng |
1831 |
575 |
207 |
290 |
1072 |
1832 |
625 |
207 |
240 |
1072 |
1838 |
355 |
153 |
200 |
708 |
1851 |
360 |
153 |
200 |
713 |
1867 |
320 |
120 |
145 |
585 |
Nguồn: Tính toán dựa trên con số lấy ở HC, quan
chế, t. 2, q. 12, tr. 67 (1831), tr. 172 (1838), tr. 156 (1851). Con số năm
1867 lấy trong TL, kỷ IV, q. 39, t. 31, tr. 298-303.
Việc tinh giản từ 1831 đến 1867 là đáng kể - từ 1072
đến năm trăm tám mươi năm nhân viên, tức đã giảm gần 45% - nhưng nó lại được
tăng lên nhiều từ 1831 đến 1851: việc tinh giản chung như vậy là 35%. Quả thật
việc tinh giản được tiến hành bắt đầu từ triều Minh Mạng.
Những người chủ trương đường lối đó đã đưa ra những
lý do gì? Suy nghĩ về chế độ quan lại, sự cần thiết phải cải cách thường gắn
với ba chủ đề: thuế khóa, tính hiệu quả của việc cai trị và hệ thống người nhà.
Việc giảm nhẹ bộ máy có thể phụ thuộc vào tình hình
thuế khóa, và xảy ra ở hai mức độ: nhân viên đương nhiệm, quan và thuộc lại;
những người muốn ra làm quan. Tham nhũng thường gắn với số nhân viên quá tải ở
loại thứ nhất vì nhân sự quá đông là nguồn gốc của sự lạm dụng (chi phí, quà
cáp). Hình như con số khóa sinh quá mức được miễn đăng lính, miễn thuế thân và
miễn lao dịch vì lý do nhiêu học chưa được áp dụng trước nửa sau thế kỷ XIX. Đó
là một cuộc cải cách thực sự bên trên mà Nguyễn Trường Tộ kiến nghị
(1827-1871). Nhà cải cách Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX phải chăng chỉ
đưa ra những kiến nghị đó? Hoàn toàn không. Dù sao ông là người duy nhất nắm
bắt được các vấn đề của Đại Nam trong toàn cục và đưa ra những kiến
nghị trong một chương trình chặt chẽ[59].
Ông phê phán sự việc đối với nhiều người việc học không đặt ra đòi hỏi: các
khóa sinh được miễn trừ nhiều nghĩa vụ ngay cả trước khi họ chưa biết mình phải
làm việc cho Nhà nước. Thế nhưng sự chênh lệch giữa các vị trí bổ nhiệm với số
sĩ tử dự thí là rất lớn. Như ở Nghệ An, số khóa sinh được miễn lực dịch lên đến
hàng nghìn trong khi chỉ có vài trăm có hy vọng trở thành quan lại. Nhưng thất
bại không làm nhụt chí các khóa sinh chuẩn bị thi lại “trong suốt cuộc đời còn
lại”. Vì những người này được miễn lực dịch, gánh nặng thuế khóa và binh dịch
lại càng thêm nặng nề đối với số dân còn lại[60].
Một sự phê phán tương tự cũng xuất hiện với Đặng Xuân Bảng:
Triều đình rất coi trọng việc thi cử, nhiều người có
chí cứ đi theo con đường đó và suốt đời trở thành kẻ vô dụng đối với nhân dân[61].
[59] Như Cao Xuân Huy và
Nguyễn Thế Anh đã nhận xét. Cao Xuân Huy, “Chủ thuyết canh tân của Nguyễn
Trường Tộ”, trong Tư tưởng phương
Đông. Gợi những điểm nhìn
tham chiếu (1995), tr. 281-894. Nguyễn Thế Anh “Traditionalisme et
réformisme…”, trong Brocheux, P. (chủ biên),Histoire de l’Asie du Sud-Est…, sđd, tr. 111-123.
[60] Nguyễn Trường Tộ, “Tám
việc cần làm gấp” (15-11-1867), trong Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ - con người và di thảo,
(1988), tr. 242.
[61] Dẫn theo Phan Đại
Doãn, “Les lettrés humanistes”, Études
vietnamiennes, 56 (1979), tr. 125-126.
Việc giảm bớt số người đỗ trong các cuộc thi hạch
quyết định từ năm 1880 tại 23 tỉnh cho thấy triều đình không phải là không biết
đến những lập luận đó[62].
Việc tìm kiếm một sự hợp lý hóa trong việc hành
chính cũng là mối quan tâm của nhiều nhà cải cách như Minh Mạng và Nguyễn
Trường Tộ. Nguyễn Trường Tộ nhận định rằng một viên quan cai trị một huyện hay
một tỉnh thì khó khăn vẫn như nhau. Nếu quy mô có khác, thì bản chất các vấn đề
phải giải quyết về cơ bản không khác nhau. Dựa theo kinh nghiệm Trung Quốc, ông
đề nghị hợp nhất một số tỉnh huyện. Chính vì nghĩ đến hiệu quả công việc mà
Nguyễn Trường Tộ đã đề nghị giảm bớt số quan lại bằng việc đơn giản hóa các đơn
từ tấu sớ và giảm bớt các án từ. Ông đề nghị các quan chỉ lập án đối với những
việc nghiêm trọng như trộm cướp giặc giã[63].
[62] TL, kỷ IV, q. 64. t.
34, tr. 386-387.
[63] Nguyễn Trường Tộ, “Tám
việc cần làm gấp”, trong Trương Bá Cần,Nguyễn
Trường Tộ…, sđd.
tr. 239-241.
Nhưng nói cho cùng, đường lối đó nhằm vào sự thách
thức là để quyền lợi Nhà nước thắng các lợi ích cá nhân, lợi ích của người nhà,
như Lê Chiêu Thống đã thanh minh trong cuộc cải cách năm 1787.
Từ thời trung hưng trở đi, quyền coi việc chia cho
sáu phiên, thể thống rối loạn bởi quan hệ riêng, tích lâu thành hỏng, nên mới
có ngày nay[64].
Sự phát triển của cái tệ thời đó còn được xác minh cụ
thể qua một công trình mới đây dựa trên những ghi chép của các vị thừa sai[65].
Nếu ta kéo dài sự phân tích đến triều Minh Mạng, thì loại “người nhà” đã có mặt
trong thời gian lâu hơn. Nhiều vụ căng thẳng rất sâu sắc xuất hiện giữa Hoàng
đế và các đại thần. Ý muốn của các đại thần là muốn tăng thêm số thuộc viên,
như là để đáp ứng cho trách vụ phức tạp của các bộ, đã vấp phải quyết định của
nhà vua muốn tiếp tục tự mình điều hành việc công. Nhà vua đã chống lại trong
hai lần: lần thứ nhất là trả lời một kiến nghị tập thể của lục bộ, và lần thứ
hai là trả lời kiến nghị của bộ Hộ. Minh Mạng sợ một sự chuyên môn hóa quá lớn
của các quan, khiến cho họ trở nên cần thiết không thể không có, và sẽ làm lu
mờ uy tín của nhà vua. Năm 1829, ông thanh minh lý do từ chối việc tăng nhân
viên. Dụ rằng:
Đầu đời đương triều đặt viên dịch, so với đời tiên
đế có tăng không giảm. Năm gần đây lại nghĩ hai bộ Hộ Binh nhiều việc, đặt thêm
nhân viên so với trước đã gấp rưỡi. Nay nếu cứ theo lời xin thì đến đâu cho
cùng? Vả lại các nha môn, người liêm cần giỏi giang tuy không thiếu, mà người
lười biếng tầm thường cũng không ít, bởi vì lúc đầu cất nhắc có khi lầm ở lời
nói coi dáng mạo mà dùng thực cũng không trách làm gì, hoặc giả nể là người
làng hay ngấm ngầm đi lại, đến nỗi quan có người không xứng chức, lại có người
không được việc, thế là lỗi ở ai? Nếu không xét cùng đến nguồn gốc mà muốn số
ngạch ngày tăng lên, rồi cứ bắt chước nhau mà ngồi rồi ăn không, thì dẫu nhiều
mà có ích gì? Nay nên một lòng giữ công bằng trung tín, các người thuộc viên
quan trên, thường kiểm xét luôn, giỏi thì tiến lên, hèn thì cho về[66].
[64] HC, quan chức chí, t. I, tr. 460.
[65] Forest, A. Les missionnaires francais au Tonkin et
au Siam, XVII-XVIIIe siècle - Analyse comparée d’un
relatif succès et d’un total échec(1998), t. 2, tr. 86-109.
[66] TL, kỷ II, q. 37. t.
9, tr. 175-176.
Trọng
điểm của cải cách: lương bổng
Một thử nghiệm đánh giá tình hình lương bổng thực tế
năm 1826
Thu nhập của các quan có hai nguồn: trực
tiếp, là lương chính thức - cấp đất, tiền hay gạo của Nhà nước phát - gián
tiếp, tức “quà cáp” của thuộc cấp nộp cho cấp trên, “chu cấp” và “chi phí”
của các quan và lại viên đòi hỏi mỗi khi có vụ thu thuế, kiện tụng, v.v… Phần
thu nhập sau là không chính thức và về bản chất là khá tế nhị để đánh giá: sự
phân biệt giữa các tiền lễ được tập quán công nhận với những việc nhũng nhiễu
rất khó phân tích tuy rằng một viên quan như Đặng Huy Trứ đã thử đưa ra sự phân
biệt trong cuốn Từ thụ yếu quy (1868), một thứ cẩm nang cho
quan thanh liêm[67].
[67] Đặng Huy Trứ, Từ thụ yếu quy [Những nguyên tắc
chủ yếu của việc không thể nhận và có thể nhận], (1992).
Trong phần thu nhập thứ hai cũng không nên bỏ qua
những khoản thu do tiền lãi buôn bán của các bà vợ quan, mà theo một số nguồn
tư liệu, nó chiếm một phần đáng kể. Nhà du hành Trung Hoa Phan Đỉnh Khuê, đến
Thăng Long mùa đông năm 1688, nhận xét rằng việc buôn bán luôn luôn nằm trong
tay phụ nữ, “ngay đến những phu nhân nhà quan, cũng không sợ bị mang tiếng khi
tham gia buôn bán”[68].
Phải chăng là những nhận xét riêng lẻ? Tất nhiên là không: chỉ cần giở sách của
Dampier viết cùng thời đó để thấy được điều tương tự.
Chính những người phụ nữ đã tỏ rõ giá trị của mình;
họ thành thạo và khôn khéo đặc biệt trong việc đó. Họ có lắm mưu mẹo và cũng
biết làm đầy túi tiền và tăng vốn liếng như bất cứ vị cổ đông nào ở Luân Đôn[69].
[68] Trích từ Annan jiyou, du ký của Pan Dinggui
(Phan Đỉnh Khuê),Bulletin de
géographie historique et descriptive, (1890), tr. 78.
[69] Dampier, W., Supplément au voyage autour du monde,
(t. 3,Amsterdam, 1701, tr. 67) dẫn lại của Nguyễn Thanh Nhã, Tableau économique du Viêt Nam aux
XVIIe et XVIIIe siècles, (1970), tr. 141.
Không có lời ca ngợi nào hơn về năng khiếu “buôn bán
đổi chác” và đổi tiền! Có lẽ một số người sẽ nhận thấy trong lời kể của hai nhà
du hành những bằng chứng về khủng hoảng đạo lý trong tầng lớp quan chức. Nhưng
phải chăng nên nhìn đó như là biểu hiện sự tham gia của các quan vào vận hành
kinh tế, dù là dưới danh nghĩa của các bà vợ hay được che đậy bằng việc cho
mượn tên? Từ việc mô tả ông quan nghèo túng đến thực tế, có một khoảng cách nào
đó mà nghiên cứu về thu nhập trực tiếp của các quan cai trị sẽ xác minh.
Nếu sự đánh giá thu nhập gián tiếp của các quan là
một thử thách đối với nhà sử học, thì có thể đánh giá phần thu thứ nhất, nghĩa
là khoản lương chính thức. Cách thức trả lương của Triều đình cho các quan thay
đổi tùy theo triều đại. Không đi vào chi tiết những sự khác biệt, ta có thể coi
cho đến triều Nguyễn, các quan luôn nhận được, ngoài tiền lương hàng năm, còn
có đất phân phong do nhà vua ban cấp hoặc là được quyền thế tập, hoặc dưới danh
nghĩa thu tô, và cả một phần thuế thu của một số làng hay dòng họ. Cách làm đó
tạo điều kiện cho sự phát triển tài sản tư hữu, nguồn gốc của khủng hoảng ở
nông thôn qua bao thế kỷ. Để giải quyết hậu quả của việc đó, đưa đến sự thu hẹp
của công điền công thổ, các đời vua đã từng bước thu hẹp việc ban cấp đất đai[70].
Năm 1839, Minh Mạng tiến hành một cuộc cải cách căn bản. Từ nay các quan chỉ
được trả lương bằng tiền và gạo. Cuộc cải cách này nằm trong đường lối tập
quyền do Gia Long khởi xướng và được người kế vị đặt thành hệ thống.
Lương các viên chức được trả một nửa bằng gạo và một
nửa bằng tiền. Nhưng các quyển sách Đại Nam thực lục và
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chỉ nói đến giá trị danh
xưng của lương các quan. Có lẽ thang lương đó là dấu hiệu đầu tiên cho
thấy sự khác nhau trong việc trả lương đối với các quan, nhưng nó phải được bổ
sung bằng việc phân tích tiền lương thực tế, tức là mối quan hệ giữa lương với
tình hình giá cả. Chỉ có khai thác châu bản mới cho phép ta phân tích như vậy,
và làm việc đó đối với các tỉnh miền Trung và miền Nam Đại Nam[71].
[70] Xem Phan Huy Lê, Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời
Lê sơ, (1959), tr. 68-77. Xem thêm Ngô Kim Chung, “Le développement de
la propriété privée dans le Vietnam d’autrefois”, trong Nguyễn Đức Nghinh,Propriété privée et propriété collective
dans l’ancien Việt Nam, (1987), tr. 81-100.
[71] Nguồn tài liệu của các
tỉnh phía Bắc đã thất lạc.
Hãy mở ngoặc nói về các văn bản chính thức viết bằng
chữ Hán và được phê bằng bút son đỏ của các Hoàng đế triều Nguyễn để nhấn mạnh
giá trị lịch sử của nó[72].
Là cơ sở để biên soạn các công trình của Quốc sử quán và Nội các - Đại
Nam thực lục, Đại Nam hội điển sự lệ - chúng cung cấp cho ta những
hiểu biết cụ thể và chính xác về công việc hành chính. Điều đó giải thích những
nỗ lực của các nhà nghiên cứu để bảo đảm việc bảo quản và khai thác nhằm phục
vụ cho công việc nghiên cứu khoa học[73].
[72] Châu bản là những văn
bản của vương triều đã được nhà vua “ngự phê” hay “ngự lãm” và mang dấu ấn “ngự
phê” bằng mực mầu son đỏ. Ngự phê có mấy loại sau đây:
- châu phê: có nghĩa là được nhà vua
phê duyệt có thể bằng một đoạn, một câu hay có thể bằng một mệnh đề, một vài
chữ vắn tắt như: tri đạo liễu (đã
biết), hảo (được), y tấu (y theo lời tâu), y nghị (y theo lời nghị).
- châu điểm: là một chấm son được nhà
vua điểm trên đầu chữ tấu chứng
tỏ nhà vua đã xem hoặc chấp thuận mà không cần phải cho thêm ý kiến cụ thể.
- châu khuyên: là vòng son đỏ nhà vua
khuyên lên một tên người hoặc một điều khoản, một sự việc đã được vua lựa chọn.
- châu mạt hay châu cải: biểu thị sự phủ nhận hoặc
không đồng ý của nhà vua bằng cách quẹt một nét son trên tên người hay câu văn
đó.
[73] Năm 1959, Uỷ ban phiên
dịch sử liệu Việt Nam của Đại học Huế, dưới sự chỉ đạo của Trần Kinh
Hòa, đã kiểm kê tất cả các tài liệu đó và tiến hành lập thư mục phân tích. Năm
1960 xuất bản tập một gồm triều Gia Long, trừ những năm cuối, tiếp sau đấy là
xuất bản tập hai năm 1962 của thời 1820-1824, tức 5 năm đầu của triều Minh
Mạng. Cuối cùng tập ba từ 1825-1826 vừa được xuất bản ở Hà Nội, được thực hiện
do một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm lưu trữ
Quốc gia I và Viện nghiên cứu Hán-Nôm.
Văn bản của vương triều đó đặc biệt minh chứng sự
quan tâm của Triều đình đối với nông nghiệp và đưa vào nhiều bản tấu về điều
kiện thời tiết, sự tiến triển của các vụ thu hoạch và giá gạo. Từ năm 1818,
chính quyền các tỉnh phải báo cáo hàng tháng với bộ Hộ nói rõ giá gạo ở tỉnh lỵ
thuộc tỉnh mình. Từ năm 1825, các bản tấu đó trở thành hai lần một tháng, vào
ngày mùng một và mười lăm hàng tháng. Các tài liệu đó càng quý giá vì từ năm
1827, các châu bản không còn cho ta sự chính xác như trước:
các tỉnh xa như Gia Định ở phíaNam, Lạng Sơn ở phía Bắc từ nay chỉ gửi tấu hàng
tháng mà thôi. Năm 1928, biện pháp đó được áp dụng cho toàn Đại Nam. Cuối
cùng, từ 1832, các bản tấu trở thành ba tháng một lần. Chỉ khi giá gạo tăng đột
ngột mới phải tấu ngay về triều.
Sự lên xuống của giá gạo dưới triều Nguyễn thời độc
lập (1802-1884) đã được các nhà sử học Việt Nam quan tâm rất sớm. Dựa
trên biên niên sử và châu bản, Nguyễn Thế Anh đã cho thấy từ năm
1967 việc lên xuống của giá gạo phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân: thay đổi khí
hậu, vai trò thương nhân, tàn phá mùa màng khi trấn áp loạn lạc, giai đoạn giáp
hạt, sự thô sơ của hệ thống giao thông, sự chậm trễ của phương tiện chuyên chở
và trở ngại do Nhà nước hạn chế tự do lưu thông. Nghiên cứu này cũng nêu lên
hậu quả trực tiếp của nó - đói kém, dịch bệnh - và gián tiếp - bạo loạn, giặc
giã - đối với đời sống chính trị và xã hội, và phân tích những biện pháp của
Triều đình[74].
Gần đây, vấn đề đó lại được Phan Huy Lê đề cập: phân tích so sánh giá gạo miền
Bắc, miền Trung và miền Nam Đại Nam trong hai năm 1825 và 1826, dựa trên châu
bản, cho thấy tầm quan trọng của việc tăng giá theo mùa vụ và việc mất cân
đối giữa các tỉnh thuộc ba vùng địa lý đó[75].
Nó cho thấy sự khác biệt về khả năng sản xuất. Đánh giá tình hình sản xuất nông
nghiệp đó không thể làm trong tình hình tài liệu hiện nay. Dù sao vẫn phải nhắc
lại rằng, khác với miền Trung, châu thổ sông Cửu Long (Nam) và châu thổ sông
Hồng (Bắc) vẫn thực sự là những “vựa lúa” của Việt Nam. Sự khác biệt về
giá cả giữa các tỉnh còn cho thấy sự chênh nhau của lịch nông nghiệp được trình
bày ở bảng sau đây:
[74] Nguyễn Thế Anh, “Vấn
đề lúa gạo ở Việt Nam trong tiền bán thế kỷ XIX”, Sử Địa (1967/4-6), tr. 6-16.
[75] Phan Huy Lê, “Châu bản
triều Nguyễn và châu bản năm Minh Mệnh 6-7 (1825-1826)”, trong Tìm về cội nguồn, (1998), t. I, tr.
325-341. Xem phụ lục 3.
Bảng 8 - Lịch nông nghiệp
Đại Nam
Tháng thuhoạch Tỉnh |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
Tỉnh miền Bắc |
||||||||||||
Tỉnh miền Trung |
||||||||||||
Gia Định (ruộng cao) |
||||||||||||
Gia Định (ruộng thấp) |
||||||||||||
An Giang |
||||||||||||
Vĩnh Thanh |
||||||||||||
Định Tường |