Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 1 - Phần 2
Không còn nghi ngờ gì nữa, thi cử là cơ sở cho việc tuyển dụng quan chức theo công thức nổi tiếng của Kinh thư: “Học cổ nhập quan” (theo lời dạy của người xưa để làm quan), đã được Lê Quý Đôn dẫn và được Vũ Tông Phan (1800-1851) dùng lại trong bài thơ Ngẫu cảm[31].
Thứ bậc thi cử được tổ chức như thế nào? Nó gồm có năm bậc: khảo khóa tổ chức hàng năm; hạch thí ở cấp tỉnh mở đường cho việc dự hương thí; hội thí là cuộc thi mở đầu cho việc thi tiến sĩ tổ chức ở kinh đô; đình thí là cuộc thi cao nhất tổ chức trong cung đình Chỉ có thi hương và thi đình mới cấp danh hiệu văn bằng, những cuộc thi khác chỉ là thi loại.
Được tổ chức ở tỉnh lỵ dưới sự giám sát của tổng đốc và đốc học có sự tham dự của các quan tỉnh khác, khảo khóa là cuộc thi hàng năm để cho thí sinh làm quen với việc thi cử, những người trúng tuyển được gọi là khóa sinh. Tiếp đấy là hạch thí ở cấp tỉnh, những người đã đỗ tú tài, các tôn sinh (thành viên hoàng gia) và ấm sinh (con nhà quan được hưởng đặc ân) đã qua khảo khóa đều được miễn. Danh sách những người trúng tuyển được xếp hạng và được quan đốc học đệ trình lên bộ Lễ. Ba tháng sau sẽ tổ chức thi hương trong từng vùng, thông thường ba năm một lần, được bắt đầu từ năm 1404, nhưng đôi khi nhà vua mở những khoa thi đặc biệt gọi là ân khoa như cuộc thi năm 1868[32]. Thi hương tập trung các thí sinh theo từng vùng. Gia Long chia đất nước thành sáu vùng, mỗi vùng có một trung tâm khảo thí.
[31] Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, (1973), t. 3, q. 8: sĩ quy, tờ 1a. Vũ Thế Khôi, Vũ Tông Phan, cuộc đời và thơ văn, (1995 ), tr. 108.
[32] Quy định này bắt đầu từ Hồ Quí Ly năm 1404, thực ra chỉ có hiệu lực từ năm 1463 dưới triều Lê Thánh Tông. Ngoài thời gian từ 1802-1825 các khoa thi được tổ chức 6 năm một lần, thì mức 3 năm trở thành thông lệ từ giữa thế kỷ XV cho đến 1918. Về ân khoa năm 1868 xem QTHKL, tr. 388.
Bảng 4 - Các trung tâm thi hương
Trung tâm thi |
Thí sinh của các tỉnh |
Huế |
Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Nam |
Hà Nội |
Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng |
NamĐịnh |
Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Ninh Bình |
Bình Định |
Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi |
Nghệ An |
Nghệ An, Hà Tĩnh |
Thanh Hóa |
Thanh Hóa |
Gia Định (1813-1864) |
Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên |
Nguồn: Tsuboi, Y., Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, (1990), tr. 220: bảng 3 được chúng tôi bổ sung.
Kỳ thi mở cho tất cả những người đã qua hạch thí, trừ người Kitô giáo cho đến năm 1874 và những người làm các nghề thấp hèn: chủ nhà chứa, cai ngục, đầy tớ, phu thuyền, phu khiêng kiệu, thợ cạo. Cấm đoán kéo đến ba đời - cha, ông và cố - và không có giới hạn tuổi. Ba tuần trước ngày thi, thí sinh nộp cho quan đốc học ba cuốn vở giấy trắng. Trên tờ đầu của mỗi cuốn có ghi tên, nơi sinh, tuổi và danh hiệu thí sinh cùng với những mục như vậy của cha, ông và cố bên nội. Quan đốc học đính vào đấy một giấy chứng nhận hạnh kiểm do thí sinh nộp.
Vua thông qua bộ Lễ chỉ định các khảo quan là những người đang tại nhiệm. Ban giám khảo chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất hay ngoại trường chịu trách nhiệm nặng nề nhất, làm công việc chấm bài lần cuối cùng và tấu lên vua. Gồm có một chánh chủ khảo, là quan nhị hay tam phẩm, một phó chủ khảo là quan tứ phẩm, và hai phân khảo. Nhóm thứ hai hay nội trường lo việc chấm bài lần thứ nhất, gồm có hai giám khảo là quan ngũ phẩm, tám phúc khảolà quan lục phẩm, và mười sáu sơ khảo là quan thất phẩm. Chức năng giám sát được chỉ định vào dịp thi: ví như Nguyễn Đức Tú, làm huấn đạo phủ Kinh Môn năm 1876 được cử làm phúc khảo ở trường thi Hà Nội hai năm sau đấy[33].
[33] ANV-KL, 2520, tờ 60.
Các quan có khoảng bốn mươi lại viên (lại phòng) làm công việc ghi chép tuyển từ các lại mục, thông lại, thư lại. Tất cả các lại viên và quan chức đều chọn trong những người đương chức ở kinh đô, các tỉnh và phủ huyện: đấy là một dịp nữa để nhấn mạnh nét đặc thù của quan trường, là tính không chuyên, thông thạo nhiều việc gắn với sự linh hoạt. Các quan trên bước đường hoạn lộ có thể làm việc ở các bộ cũng như làm ở các tỉnh, và không những làm công việc hành chính mà cả việc giáo dục. Thật là nhầm lẫn và cổ hủ khi nghĩ đến sự chuyên môn hóa của quan lại.
Việc giám thí bên trong thuộc về hai quan giám sát ngự sử và đề tuyển. Quan giám sát ngự sử hàm ngũ phẩm có hai chức trách, giám sát việc tuân thủ quy tắc trường thi của các quan và tấu lên nhà vua. Còn quan đề tuyển cũng hàm ngũ phẩm có lính giúp việc thực hiện quyền giám sát các sĩ tử cũng như những quan coi thi. Bên ngoài có quan đề đốc, đứng đầu võ quan của tỉnh, đốc suất quân lính ngày đêm canh gác.
Trường thi được tổ chức ra sao? Cuộc thi được tổ chức ngoài trời, trong một khu đất hình chữ nhật chia thành hai phần, nội liêm dành cho các khảo quan và ngoại liêm dành cho thí sinh. Khu này được chia thành bốn ô bằng hai con đường rộng gọi là đường thập đạo. Ở ngã tư dựng một ngôi nhà gạch lợp ngói làm nơi kiểm soát, xung quanh có dựng nhà tạm bằng tranh tre cho các khảo quan chủ chốt. Trước ngày thi một tuần, các khảo quan long trọng tiến vào trường thi và chỉ rời khỏi sau một tháng rưỡi. Các quan làm lễ cúng thần. Vào nửa đêm trước ngày thi, quan chánh chủ khảo ngồi trên bục cao và các quan khác ngồi hai bên trường thi. Các thí sinh mang theo bút mực, thức ăn và một cái lều có gọng tre, một cái chõng dùng làm chỗ ngồi và viết, tất cả tiến vào trường thi. Khi nghe loa gọi tên, thí sinh đến nhận quyển của quan, được kiểm soát kỹ trước khi qua cổng, rồi vào dựng lều trước tấm thẻ có ghi tên mình. Cuộc thi bắt đầu sáng hôm sau vào lúc bảy giờ sáng sau ba hồi trống và kết thúc lúc 6 giờ chiều. Đề thi được treo trên sào cắm trong mỗi ô.
Cuộc thi gồm có bốn trường, đấy là những trường thi loại. Thang điểm là: ưu (rất tốt), bình (khá), thứ (trung bình), liệt (kém). Qua mỗi lần thi, thí sinh đạt ba điểm đầu thì được thi tiếp, nếu rơi vào điểm sau cùng thì bị đuổi khỏi trường. Nhưng ở trường thi thứ ba phải đạt điểm ưu và bình thì mới được dự trường thi thứ tư.
Đề thi có năm loại: kinh nghĩa, văn sách, phú, thơ và tứ lục[34].
[34] Dương Quảng Hàm, Văn học Việt Nam, (1939), tr. 55.
Chủ đề giải thích kinh nghĩa rút ra từ một hay nhiều câu trong Ngũ kinh hay Tứ thư tạo thành khuôn khổ mà thí sinh không thể vượt khỏi. Kinh nghĩa viết theo kiểu biền ngẫu nhưng không có vần. Đó là việc trích dẫn một câu trong kinh sách Trung Hoa làm chủ đề bình luận. Hình thức loại viết này phát triển thành văn bát cổ, có nghĩa là tám phần của bài văn đối với nhau từng đôi một.
Bảng 5 - Sơ đồ một bài kinh nghĩa
Mở đầu |
Phá đề Thừa đề Khởi giảng Lĩnh mạch |
|
Bình luận |
Khai giảng Hoàn đề Trung cổ Hậu cổ |
|
Kết luận |
Kết tỵ Kết |
Phá đề gồm một hay hai câu nhằm trình bày chủ đề. Tiếp đấy là thừa đề từ ba đến sáu câu nói rõ việc mở đầu. Không có đối nhau giữa phá đề và thừa đê. Thừa đề có thể là chính thừa hay phiên thừa. Trong hai phần đầu, tác giả nói lên suy nghĩ của mình còn ở những phần sau thì chủ yếu là dùng lời người xưa với những trích dẫn văn học.
Trong phần khởi giảng tác giả nói lên ý tưởng chung của chủ đề và dùng lời của những người hiền xưa hay các nhân vật để trình bày giải thích của mình. Khi viết thì dùng lời ẩn dụ chứ không đưa lý lẽ trực tiếp. Khởi giảng có hai phần đối nhau. Đấy là phần chính của bài. Hoàn đề là phần chuyển tiếp không có đối nhau. Phần chính của văn bài là trung cổ, gồm có hai phần, dài và đối nhau, phát triển đầy đủ chủ đề. Tiếp đấy là hậu cổ, phần cuối mà thí sinh phải nói hết vấn đề, cần phải dùng lời lẽ mạnh có sức thuyết phục. Cấu trúc của nó cũng giống phần trên. Kết thúc văn bài là phần kết tỵ, gồm hai phần ngắn đối nhau, khác với kết là kết luận chung rất ngắn. Như ta thấy trình bày bài kinh nghĩa phải tuân theo những quy tắc hình thức rất chặt chẽ.
Bài văn dựa trên những câu hỏi sách: đấy là ý nghĩa của bài thi thứ hai văn sách, có chủ đề là một tư tưởng, một câu nói hay một hành động của người xưa, thậm chí một vấn đề thời sự. Tư tưởng chính trình bày chứa đựng trong một câu của chủ đề.
Phần lớn loại văn bài này đều có chủ đề là hai câu hay hai sự kiện lịch sử nói lên một sự việc đối lập (bề ngoài) và trong khi giải thích hay bình luận, người ta tìm cách hòa hợp để chứng minh rằng chúng không đối kháng về tư tưởng cũng như về ý nghĩa[35].
[35] Trích từ bài văn sách lấy trong cuốn Văn chương thi phú do Cordier G. dẫn, Etude sur la litérature annamite, (1933), tr. 51.
Cuối cùng có hai loại văn sách là văn sách mục và văn sách đạo. Khác với loại trên, loại sau gồm những câu hỏi, mỗi câu đề cập đến một ý tưởng khác nhau. Hãy nhớ tầm quan trọng và tính độc đáo của văn bài này: nó đòi hỏi thí sinh phải nắm vững phê bình và phân tích, và có suy nghĩ cá nhân.
Phú là loại thơ gồm tám dòng, mỗi dòng bảy chữ, mô tả một phong cảnh, một sự việc đã trải qua; nó cũng có thể nói đến phong tục, tình cảm, phát triển một câu trong sách hay trình bày một sự kiện lịch sử. Có năm loại phú tùy theo số chữ và cách gieo vần.
Thơ làm trong bài thi là thơ ngũ ngôn hay thất ngôn.
Tứ lục là ba loại bài thi: tuyên cáo của nhà vua là chế, chỉ thị của vua là chiếu và tờ trình của các quan hay dân gửi lên vua gọi là biểu. Các văn bản chính thức đó thường được các cơ quan của chính phủ trung ương sử dụng, gọi là tứ lục vì chúng được viết thành từng câu có vần gồm bốn hay sáu chữ. Các câu không nối vần nhưng viết xen kẽ theo điệu bằng hoặc trắc.
Bốn trường thi hương cách nhau từ tám đến mười ngày, đều là kỳ thi loại. Người nào đỗ được ba trường đầu thì được cấp bằng tú tài, đỗ trường thi thứ tư thì gọi là cử nhân[36]. Dưới triều Nguyễn, theo thể thức ban đầu (1807) chương trình như sau: trường thi đầu tiên gồm việc giảng sáu chủ đề của kinh nghĩa. Tối thiểu là phải giảng được hai chủ đề. Trường thi thứ hai là soạn một bài chế, một bài chiếu và một bài biểu. Một nửa số thí sinh đã bị loại giữa hai trường thi thứ nhất và thứ hai. Chủ đề của trường thi thứ ba là làm một bài thơ hay một bài phú. Trường thi cuối cùng là làm một bài văn sách[37]. Qua mỗi trường thi, quan đề tuyển tháo tờ giấy đề tên họ thí sinh ra khỏi quyển. Rồi chia các quyển thi thành mười sáu tập phân cho mười sáu vị sơ khảo, sau khi chấm xong lại chuyển cho tám vị phúc khảo xem lại và cho điểm. Các quan phúc khảo làm thành hai tập nộp lên hai quan giám khảo để chấm tiếp. Công việc của nội trường đã hoàn thành, các văn bài được giao cho ngoại trường để dò soát lại những lỗi còn sót và cho điểm. Sau khi kết thúc trường thi thứ tư, các giám quan tiến hành xếp loại cuối cùng. Những người đỗ tú tài thường có số lượng gấp ba số cử nhân.
[36] Thi hương năm 1442 lấy người thi đỗ gọi là hương cống và sinh đồ. Dưới triều Nguyễn, năm 1825 tên gọi tú tài thay thế cho sinh đồ và cử nhânthay cho hương cống.
[37] Đây là chương trình được xác định năm 1807. HD, bộ lễ, q. 106:khoa cử IV, t. 7, tr 280.
Còn thi hội thì diễn ra như thế nào? Cuộc thi này được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam dưới thời Trần vào năm 1374, nhưng chỉ tổ chức đều đặn dưới triều Lê. Dưới triều Gia Long chưa có, được Minh Mạng lập lại năm 1821, nó được diễn ra sau thi hương một năm để các tân khoa cử nhân có thời gian chuẩn bị. Thi hội mở ra cho mọi cử nhân không phân biệt tuổi tác nhưng quy định ngặt nghèo hơn đối với các quan tại nhiệm. Để cho công việc của quan chức không bị ảnh hưởng vì việc chuẩn bị thi, không chấp nhận những thí sinh đã vượt quá hàm chánh thất phẩm. Tuy nhiên, các học quan của huyện, phủ và tỉnh thường xuyên tiếp xúc với sách vở trong công việc, có thể dự thi đến hàm chánh lục phẩm. Bốn trường thi không phải là thi loại như trong thi hương. Bảy chủ đề kinh nghĩa được đưa ra và tối thiểu phải giảng được hai trong trường thi thứ nhất. Trường thi thứ hai phải thực hiện ba chủ đề: soạn một bài chiếu, một bài biểu của một đại thần và cuối cùng là một bài luận. Trường thi thứ ba phải làm một bài thơ bằng văn vần hay một bài phú, trường thi thứ tư là làm một bài văn sách. Để các giám quan không nhận được chữ viết của thí sinh, các quyển thi được rọc phách rồi được các lại phòng chép lại.
Thi đình diễn ra trong cung đình dưới sự coi thi của hai quan duyệt quyển và độc quyển. Nhưng việc xem lại và xếp loại cuối cùng thuộc về vua. Cuộc thi chỉ có một bài kéo suốt cả ngày. Đấy là một bài phân tích rất dài, chủ đề do nhà vua chọn. Người trúng tuyển chia thành hai danh sách khác nhau. Bảng thứ nhất đề tên tiến sĩ, bảng thứ hai ghi tên các phó bảng[38]. Những người này không có quyền đi thi tiến sĩ nữa, trong khi những người hỏng thi đình vẫn có thể thi lại ba năm sau. Tiến sĩ được phân thành năm bậc: đệ nhất tiến sĩ là trạng nguyên, được phong tặng đặc biệt; đệ nhị là bảng nhãn, ít khi được cấp và chỉ dành cho một người; đệ tam là thám hoa chỉ cấp cho một người; đệ tứ là hoàng giáp có thể cấp cho bốn người; tất cả những người còn lại của bảng một đều gọi là đệ ngũ tiến sĩ[39].
[38] Bảng bổ sung này được Minh Mạng thiết lập năm 1829.
[39] Tên gọi tiến sĩ được đặt ra lần đầu dưới triều Trần Dụ Tông (1341-1369), nhưng chỉ được dùng phổ biến từ năm 1442 dưới triều Lê.
Như vậy tất cả những người thi đỗ đều có thể trở thành quan: các tú tài được tuyển dụng làm huấn đạo rồi có thể hy vọng trở thành tri huyện. Các cử nhân được tuyển dụng làm giáo thụ rồi có thể hy vọng trở thành tri huyện hay tri phủ. Các tiến sĩ có thể tuyển dụng làm đốc học ở tỉnh rồi trở thành án sát.
Nhịp độ thăng tiến - theo các chỉ dụ 1844 và 1865 - tùy thuộc vào văn bằng của quan chức tương lai.
Hình 1 - Lộ trình thăng tiến của các quan lúc khởi đầu
Nguồn: DLTY, tr. 72-75. ANV-RST 72003. Code civil en caractères. Extraits d’ordonnances royales.
Vậy nét chung của những người đỗ đạt đó là gì?[40] Chỉ có thể thăng tiến liền hai bậc được thực hiện sau hai hay ba năm[41]. Thăng tiến trong hoạn lộ, điểm này là quan trọng, đòi hỏi sự chín muồi từ từ, tiếp thu được kinh nghiệm sâu sắc trong công việc hành chính. Thời hạn hai năm là tối thiểu. Nó có thể lâu hơn trong những cơ quan mà khối lượng công việc hời hợt hơn. Việc thăng tiến dựa vào thâm niên được thực hiện cho đến tòng ngũ phẩm; sau bậc đó quyết định thuộc về nhà vua (thăng tiến tùy sự chọn lọc).
[40] Cấp bậc của người đỗ tú tài tùy thuộc vào kết quả khảo hạch. Nhưng người khá là tú tài 1 trên hình 1, xuất phát từ chánh cửu phẩm. Còn cử nhân thi hội dự có phân số - cử nhân (ps) trên hình 1 - thì được thăng tiến nhanh hơn cử nhân thường. Thế nào là “phân số”? Theo Nguyễn Sĩ Giác, thi hội văn bài phê phân, từ một phân đến mười phân. Nếu phê bất cập nhất phân, là kỳ ấy hỏng. Song thi hội khác thi hương, là nêu mới bị một kỳ bất cập, chưa bị loại hẳn, vẫn được vào kỳ sau. Quyển nào bị hai kỳ bất cập mới bị loại, không được vào kỳ sau. Quyển nào trong bốn kỳ, bị một kỳ bất cập, mà ba kỳ kia được bẩy hay tám phân trở lên, cũng được đỗ trúng cách rồi vào thi đình sẽ định cho đỗ tiến sĩ hay phó bảng. Nếu một kỳ bất cập, mà ba kỳ kia được có sáu phân trở xuống, gọi là phân số. DLTY, tr. 55.
[41] Thời hạn 2 năm là tối thiểu. Có thể là 3 năm ở những cơ quan mà khối lượng công việc ít quan trọng. Chỉ dụ năm 1849 trong ANV-RST 72003.
Một sự tuyển dụng quan lại đa dạng hơn
Thành đạt trong thi cử, nếu là điều kiện chủ yếu, thì đó không phải là con đường duy nhất. Với con số tiến sĩ hạn chế - bốn người năm 1877, năm người năm 1880, hai trăm hai chín người năm 1822 đến 1892 - các cử nhân và tú tài có thể leo lên đến các chức vụ cao và nền quan trường không chỉ dành cho những người thi đỗ.
Những người có đặc quyền có thể leo lên vị trí cao mà không cần thi đỗ. Điều đó được áp dụng đối với con cái hoàng tộc (tôn sinh) từ 1727, và các con quan có công (ấm sinh) từ 1478[42]. Những người đó không phải mặc nhiên được hưởng mà còn phụ thuộc vào một cuộc thi tuyển đặc biệt. Do vậy mà tổng đốc Hà Nội năm 1896 đã đỗ cuộc thi ở kinh đô năm 1878[43]. Các điều kiện ấn định rất ngặt nghèo: được ban cho sau khi cha chết nếu các quan tỉnh đánh giá người đó xứng đáng được phong cấp; tuổi tối thiểu dự thi. Dưới triều Nguyễn việc quản lý những đặc ân đó rất chặt chẽ để tránh không tạo nên một tầng lớp quý tộc thế tập[44].
[42] Lê Kim Ngân, Tổ chức chính quyền trung ương dưới triều Lê Thánh Tông, 1460-1497, (1963), tr. 123.
[43] ANV-KL, 2514, tờ 8.
[44] Dưới triều Nguyễn, việc ban những chức danh đó được quy định tỉ mỉ trong các văn bản năm 1856, 1865, 1871 và 1885. Xem: DLTV, tr. 82-83; Laborde, A., “Les titres et grades héréditaires à la cour d’Annam” BAVH, (1920/10-12), tr. 397-398; ANV-RST 73575. Examen des âm sinh et octroi du titre de viên tu aux fils de mandarins. Pièces de principes (ordonnances royales et arrêtés, brevets de âm sinh, 1885-1930.
Trong một số điều kiện, các quan võ đặc biệt xứng đáng cũng được phép chuyển sang ngạch quan văn, theo một chỉ dụ năm 1871 và một đạo dụ tháng tám năm 1887[45]. Thí sinh phải nộp đơn cho nhà chức trách bản quán để tấu trình lên Triều đình. Các quan địa phương phải tạo điều kiện cho viên quan đó lên kinh đô để khảo hạch. Nếu được điểm ưu thì ông ta được chuyển bậc quan võ sang ngạch quan văn nhưng phải hạ một trật. Người đó phải làm quen với việc hành chính trong hai năm, và sau đợt thực tập đó, nếu được thừa nhận đủ điều kiện làm công việc hành chính, chính quyền cấp trên có thể xác định vị thế của viên quan đó.
Văn học, qua cuốn Nghiêm mẫu hiển dương (Mẹ nghiêm khắc, con được vẻ vang) của Trần Tân Gia, còn đưa ra một con đường thứ ba. Nguyễn Nguyện, quê ở Huế, xuất hiện như là một mẫu mực thành đạt xã hội. Mồ côi cha, có mẹ rất nghiêm khắc và đặc biệt có tham vọng đối với con trai, được vào làm lại viên năm mười tám tuổi ở bộ hộ rồi thi trúng bút thiếp. Có khiếu về tính toán, ông cũng được chú ý trong cuộc trấn áp phản loạn. Về cuối đường hoạn lộ, ông được bổ hữu thị lang ở bộ Hộ[46]. Không có mâu thuẫn giữa cuốn sách này với quy tắc và công việc hành chính: lại viên các nha môn cấp tỉnh hay các bộ có thể tiến thân làm quan, và binh lính cũng có thể được cử làm quan nếu lập được công trong chiến trận, như hai chỉ dụ năm 1467 và 1488[47]. Các vua triều Nguyễn cũng có nghĩ đến khả năng đó: năm 1833, Minh Mạng đã lệnh cho các tướng quân, tham tán, tổng đốc, tuần phủ, từ Biên Hòa về phía nam hãy khen thưởng các hương thân, tổng lý, hào mục, người thường và người phục dịch đã tuyển mộ nhiều hương dõng hay giành lại các tỉnh thành bị địch chiếm và trấn áp bọn phỉ. Những người được thưởng chia thành ba hạng và những kẻ xứng đáng nhất được cho làm quan, hoặc ở Triều đình hoặc ở các tỉnh[48]. Nhiều quan thượng thư dưới triều Tự Đức, như Nguyễn Tri Phương, thực ra chỉ xuất thân lại viên chứ chưa hề đi thi hương. Đào Hữu Chi cũng vậy, từ lính trơn mà trở thành tổng đốc[49].
[45] ANV-RST 72003; TL, kỷ IV, q. 67, t. 35, tr. 115-116 (năm 1881).Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ đưa ra những ví dụ xưa hơn nhưng không dẫn theo luật (1835, 1837). HD, bộ lại, q. 15: tuyên bố, t. 2, tr. 280.
[46] Truyện trích từ Bà Tâm Huyền Kính Lục, 1897, trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, (1997), t. 2, tr. 943-944.
[47] Chỉ dụ thứ nhất nói về lại viên (TT, Bản kỷ thực lục, q. 12, kỷ nhà Lê, tờ 42a), chỉ dụ thứ hai nói về binh lính (CM, chb, XXIV, 8).
[48] TL, kỷ II, q. 103, t. 13, tr. 23. DLTY, chú thích 5, tr. 349.
[49] Theo Phạm Văn Thụ, trong Nguyễn Bá Trác, Phạm Văn Thụ, “Bàn thêm về trường pháp chính”, Nam Phong, 3 (1917/9), tr. 187-192.
Cuối cùng việc tuyển dụng lại càng cơ động hơn bằng việc xuy cử. Các nhà sử đã đưa ra hai lời giải thích: đặc biệt vào nửa cuối thế kỷ XIX, nhà vua gặp khó khăn trong việc lập lại hệ thống quan lại do những cuộc xung đột cuối thế kỷ XVIII; những trở ngại trong việc cải cách hệ thống thi cử và làm trong sạch bộ máy hành chính[50]. Dựa vào châm ngôn “lượng năng thụ chức” (đề bạt theo khả năng), các nhà vua, đặc biệt là Minh Mạng và Tự Đức, thường kêu gọi phát hiện những nhân tài ẩn dật[51]. Vì vậy mà từ năm 1861 đến 1875 đã ban một chục đạo dụ thúc giục quần thần tiến cử người hiền tài[52]. Thành công của đường lối đó không phải tự nó đem lại, như Đặng Xuân Bảng đã trình bày thẳng thắn với vua trong bài văn thi hội năm 1856. Ông cho rằng khả năng lôi kéo và sử dụng người hiền tài phụ thuộc vào việc làm trong sạch phong tục Triều đình[53]. Năm 1871, vua yêu cầu các thầy phải dạy cho học trò kỹ thuật quân sự, nông học, thủy lợi học, các quan văn võ phải tiến cử người tài theo tám tiêu chí: những người đức hạnh hiền tài; tài trí rộng sâu; giỏi việc trị dân; giỏi việc trị bình; giỏi việc thương thuyết; giỏi việc lý tài; văn học rộng thông; kỹ nghệ khéo, biết chế đồ khí vật, hay là tinh nghề thuốc, nghề bói, coi thiên văn và làm lịch. Điều đó chứng tỏ một sự quan tâm đến việc đa dạng hóa kiến thức và những tiêu chí của khả năng, cũng như một khái niệm rộng rãi hơn về người hiền tài.
[50] Cách giải thích thứ nhất đã được Lê Thị Thanh Hòa đưa ra “Việc sử dụng quan lại của vương triều Nguyễn từ 1802 đến 1884”, NCLS, 280 (1995), tr. 57; cách giải thích thứ hai được Nguyễn Thế Anh đưa ra “Traditionalisme et réformisme à la cour de Huê dans la seconde moitié du XIX siècle” trong Brocheux, P. (chủ biên), Histoire de l’Asie du Sud-Est: révoltes, réformes, révolutions, (1981), tr. 112, 115.
[51] Ngày 27 tháng 11-1821, Minh Mạng thúc giục các quan 11 trấn Bắc Thành tiến cử người hiền tài. Minh Mệnh, Ngự chế văn, dụ văn, (2000), tr. 39-40.
[52] TL, kỷ IV, q. 24, t. 29, tr. 206-207; kỷ IV, q. 44, t. 32, tr. 121.
[53] Đặng Xuân Bảng, Tiên nghiệm hội đình thi văn, trong Hoàng Văn Lân, Khảo sát văn bản bộ Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng, (1996), tr. 13.
Cách thức xuy cử ở thế kỷ XIX có hai loại: tiến cử, cho phép các quan tại nhiệm đề nghị lên bộ Lại tên của một viên quan cấp dưới hay một người có phẩm hàm có khả năng đảm nhiệm một chức vụ đang để trống trong lỵ sở của mình; bảo cử, cho phép các quan tại nhiệm đề nghị tuyển dụng một người có tài, có học vấn và chính trực nhưng không nhất thiết phải thuộc giới quan trường hay không đỗ đạt, để giữ một chức quan ít khi cao hơn tri huyện.
Phân tích cấu trúc hành chính đưa đến đặt câu hỏi về vị trí của nền quan lại trong cải cách của Nhà nước. Trong nửa cuối của triều Tự Đức, nó không làm được vai trò điều hòa xã hội nữa, chứng tỏ là vụ vỡ hệ thống đê điều phía Bắc và nạn đói. Khủng hoảng bên trong, cộng thêm mối đe dọa của phương Tây, đã khiến cho cải cách lại trở thành vấn đề thời sự mà nền quan lại vừa là người khởi xướng vừa là đối tượng. Có chậm quá không? Phải chăng chỉ là để đối phó trước áp lực ngoại bang? Hai cách lý giải về cải cách đó hơi ngắn ngủi. Khả năng của nền quan trường hoàn thiện cơ chế kiểm sát từ thế kỷ XV phải chăng chính là điều kiện cho sự tồn tại của nó.