Loạn Thế Anh Hùng (Tập 3) - Tàn chương 01 - Phần 02
Mễ Nghiễm không hỏi nhiều, chỉ nghe nàng kể tiếp. Hắn biết tính Tiêu Như, lời cần nói, không hỏi nàng cũng sẽ tự động nói, lời không nên nói, hỏi chỉ uổng công. Chỉ thấy khuôn mặt Tiêu Như chợt phớt hồng, dưới ánh nắng nhạt ngoài song cửa sổ len vào trông cực kỳ đẹp đẽ. Nàng bất giác đưa tay nhẹ nhàng vuốt lại lọn tóc rủ bờ vai trái, cất giọng nói: “Kể ra, Thần Long cũng coi như có duyên gặp hắn một lần… Không ngờ sáu năm sau lại va chạm trong tình cảnh này.”
Trong lòng Mễ Nghiễm càng lấy làm hiếu kỳ, Lạc Hàn từng có duyên gặp mặt Viên lão đại? Chuyện này thực là… quá ly kỳ. Chỉ nghe Tiêu Như nói tiếp: “Sáu năm trước, chính là ở Dương Châu, ta vì có việc cần gặp gỡ người trong Giang thuyền chín họ nên mới tới đó.”
Thần sắc Tiêu Như hiện chút xa xăm, xem ra việc đó cực kỳ quan trọng với nàng, cho nên lúc nhớ lại, thần sắc bất giác hiện lên vẻ trịnh trọng. Chỉ nghe nàng kể: “Việc đó nói ra có chút xấu hổ. Lần ấy nguyên do là bởi ta gặp phải Tần Thừa tướng.”
Nói tới đây, khóe miệng nàng khẽ cười. “Một nữ nhân, đặc biệt là một nữ nhân khá là xinh đẹp, trong đời, người cô ta gặp phải dù có tình nguyện hay không, chẳng biết vì sao, thường là nam nhân, mà đa phần là những nam nhân không bình thường cho lắm.”
Nàng tự xưng “khá là xinh đẹp”, lúc nói bốn chữ này, hoàn toàn không có ý tự khen mà ngược lại có phần cảm khái bất đắc dĩ. Cũng phải, đất Giang Nam, nếu nói ai có vẻ diễm lệ nức tiếng một dải, chỉ e có mỗi hai người: Lâm An chẳng ai hơn được Chu Nghiên, còn Kim Lăng chỉ có mình Tiêu Như.
Chỉ nghe Tiêu Như thản nhiên nói: “Năm đó, ta ngẫu nhiên gặp Tần Thừa tướng ở Lâm An. Lúc ấy là ở Tiết Viên, trong một lần nhàn du ngắm cảnh, tình cờ gặp gỡ, hồi ấy cũng không biết đó là ai, sau đó cũng không nghĩ lại, ai ngờ… ông ta thanh danh lớn là thế mà lại là một nam nhân hơi béo, rất có phong độ tri thức… Mắt xanh của ông ta tựa như nhìn trúng ta, sau đó còn nhờ người tới cửa tìm ta, muốn ta vào phủ chưởng quản việc giấy tờ.”
Nói tới chỗ này, nàng lắc đầu bật cười, tựa hồ cũng cảm thấy quá hoang đường. Cũng không phải vì cái thanh danh xấu xa, hễ nhắc tới là người người nghiến răng của Tần Cối, với nàng mà nói, nam nhân chỉ là nam nhân mà thôi, nàng không quan tâm tới mưu mô quyền thế, đại nghiệp quốc gia, lòng dạ trung gian của bọn họ. Nàng xuất thân cao quý, vốn đã chứng kiến rất nhiều sự tranh đấu trong thế gian, nhìn cũng thấy nhạt rồi, với nàng, nam nhân chỉ là nam nhân, chỉ có nam nhân nàng thích với không thích, hai loại ấy thôi.
“… Ta đương nhiên không muốn. Không kể bấy giờ ta cùng Thần Long đã quen biết mấy năm, cho dù không có, ta cũng không thể vào tướng phủ của ông ta, làm hiệu thư gì đó được. Về sau, Tần Thừa tướng hẳn cũng nghe ngóng được chút chuyện của ta, dựa vào tai mắt của ông ta, chắc ông ta biết được rất nhiều việc, đương nhiên cũng biết ta cùng Thần Long có qua lại. Nghe bảo hình như ông ta còn ngầm ám thị việc này với Thần Long.”
Tới đây, nụ cười trên môi nàng hiện chút khinh miệt, dường như coi thường đám nam nhân kém cỏi không thể dùng khí độ của chính mình để thắng được trái tim của một người con gái, mà lại cho rằng việc gì trong thiên hạ cũng có thể dùng quyền lực để xử lý. Chỉ nghe nàng nói: “Thần Long không hề nhắc tới việc này với ta, nhưng nghĩ cũng biết chàng đã im ỉm quẳng cái vấn đề ấy của Tần Thừa tướng đi như thế nào. Hình như, chính từ chuyện này mà huynh ấy và Tần Thừa tướng bắt đầu trở mặt. Đương nhiên đây chỉ là dây dẫn, giữa bọn họ vốn đã tồn tại rất nhiều nhân tố bất hòa rồi. Khi ấy Thần Long mới phục chức chưa lâu, việc này chỉ e đã khiến đại nghiệp của huynh ấy gặp không ít cản trở.”
Nét mặt Tiêu Như hơi sáng lên, dường như rất vui vì mình đã trao cho Viên Thần Long chút phiền phức ấy. Thì ra Tiêu Như tuyệt mỹ cũng có tâm lý không khác gì với nữ tử bình thường, cũng thích đem lại chút phiền phức như vậy cho người mình thương yêu; mà một chữ “ái” không ngờ có thể khiến cho dung nhan của một cô gái rạng rỡ là thế. Chính từ việc Viên lão đại lẳng lặng gánh vác phiền phức ấy mà nữ tử này đọc được trong cách cư xử trước nay trầm lặng của hắn một phần tình ái. Bởi vì nàng biết, với tính cách của Viên Thần Long, không thể có chuyện với nữ nhân nào cũng chịu đựng như thế. Chỉ nghe nàng kể tiếp: “Có điều, trên đời luôn có chuyện nực cười. Việc kia vốn cũng coi như xong, tuy Tần Thừa tướng một đời oai phong nhưng trông mặt mũi Viên lão đại của bọn đệ, lại thêm việc biết được xuất thân của ta, hẳn cũng không tiện tác quái. Đâu ngờ, một năm sau, phiền phức không đến từ chỗ ông ta mà lại xuất phát từ Giang thuyền chín họ mà ta cũng coi như có phần trong đó.”
Giọng nàng xa xôi vời vợi, dường như đang kể câu chuyện của người khác: “Đấy là vào sáu năm trước, giang hồ mới ổn định, trong ngoài triều đình cùng yên ổn, bởi thế trong cung có vài người không chịu được buồn chán. Thời thịnh thế thanh bình, dù thế nào cũng cần một vài nữ tử ca múa tô điểm, đây là lệ thường của triều đình. Việc này trong dân gian cũng xem như là một chuyện lớn, có lẽ bọn đệ quá nửa chẳng nhớ được, đấy là: triều đình tuyển tú. Chuyện này đối với nam nhi các người chẳng tính vào đâu, có điều trong bách tính, phiền phức gặp phải chỉ e chẳng phải đùa.”
“Nghe nói, trong miệng hán tử giang hồ có một câu: “Giang thuyền chín họ mỹ nhân ngây[7]”, câu này ắt hẳn muốn nói trong Giang thuyền chín họ, mỹ nữ nhiều đến ngây người.”
[7]. Câu “Giang thuyền cửu tính mỹ nhân ma” này trong truyện tác giả cũng bố trí nhiều cách hiểu, bởi chữ “ma” có nhiều nghĩa, có thể xem là một kiểu chơi chữ của tác giả, bởi thế cách dịch “Giang thuyền chín họ mỹ nhân ngây” cũng cố gắng dịch để hiểu theo đa nghĩa. Chữ “ma” có nghĩa là “tê dại”, có nghĩa khác là “hạt vừng” (phiếm chỉ cho sự nhiều), lại có nghĩa khác nữa là “lỗ chỗ”, mỗi ý nghĩa lại đem đến một cách hiểu khác cho câu này.
Nàng khẽ bật cười, bởi câu này vốn không chỉ có ý nói trong Giang thuyền chín họ mỹ nhân rất nhiều, mà còn có một ý tứ khác: trên khóe mũi của Tiêu Như có hai nốt sẹo mờ do thuở nhỏ bị thủy đậu lưu lại, trong Giang thuyền chín họ, nàng được xưng tụng là đẹp nhất, vậy câu trên có thể được hiểu rằng: “Giang thuyền chín họ mỹ nhân có nốt thủy đậu”, có ý chỉ nàng là đệ nhất mỹ nhân trong Giang thuyền chín họ.
“… Chỉ là ta có thế nào cũng không ngờ tới, vài nữ tử xinh đẹp trong chín họ lại không chịu được buồn chán, nhạt nhẽo, động lòng với chuyện tuyển tú. Chuyện này vốn cũng chẳng sao, vốn dĩ “Giang hồ lắm mưa gió, tịch mịch mỗi mình hay”, một cô gái tự hào có tiếng hồng nhan, nếu không thể tỏa sáng nơi cung điện huy hoàng, cả ngày cứ làm bạn với bãi bồi bến cát thì cũng thật thiệt thòi cho họ, cho nên có động lòng cũng chẳng sai.”
Nàng thong dong nói, ngữ khí thế này đã là sự xem thường cao nhất mà nàng chịu bộc lộ rồi. “Đâu ngờ trong chín họ có vài nữ tử tự phụ, tham dự tuyển tú, trông mong được vươn lên, tới cửa Tần Thừa tướng thì lại gặp chút cản trở. Con người Tần Cối rất hay thù dai, vẫn nhớ tới nữ tử sống nhàn tản nơi hoang vắng này, biết ta cũng thuộc Giang thuyền chín họ liền cố ý ngấm ngầm ngăn mấy ả kia nhập cung. Bởi thế thành ra ta phải chịu chút công phẫn. Trong Giang thuyền chín họ có không ít người gửi thiệp tới, nhất định muốn ta phải tới Dương Châu một chuyến, gặp mặt bọn họ, ta đành phải đi vậy.”
Kể ra, Giang thuyền chín họ không cùng gốc gác, nhưng tổ thượng lại theo học cùng một danh sư, chính là Tào Thanh, hậu duệ của họ Tào nước Ngụy. Vị này là một bậc cao thủ thời Nam Triều. Ngày đó, vị vương tôn họ Tào này có lẽ vì cảm thương từ chính thân thế của mình nên vào lúc hai nước Lương, Trần sụp đổ đã cứu lấy con côi của hai nhà ấy, dạy cho công phu, khiến họ lấy thuyền làm nhà, phiêu bạt trên sông hồ, trở thành hạng không thuần phục triều đình, đây chính là nguyên gốc sớm nhất của Giang thuyền chín họ. Từ đó về sau, trong gia môn của bọn họ có một quy củ: Thân là cao thủ trong gia môn, nếu gặp vương triều nào tông miếu sụp đổ, xã tắc biến thiên thì ắt phải cứu lấy vài hậu duệ nhà đó, truyền cho công phu, để họ phiêu bạt giang hồ, tiếp nối dòng dõi. Cho nên, môn phái Giang thuyền này tuy rời rạc nhưng vẫn rất gắn kết. Nếu đã gửi thiệp hẹn, Tiêu Như cũng không tiện chối từ.
Chỉ nghe nàng nói tiếp: “Bọn họ nhất quyết đòi ta đích thân tới Lâm An thuyết phục Tần Cối, nói đây là đại sự trong môn, Chín họ có thể Đông Sơn tái khởi[8] hay không có liên quan tới việc này, cũng liên quan tới thân ta đây. Ta thật không hiểu, tổ tiên mọi người năm xưa cũng xem như từng có cả thiên hạ, lại cũng từng tự thân trải nghiệm cảnh nước mất nhà tan, sao lại vẫn có người không nhìn thoát ra được? Có điều, ta cũng không ngờ bọn họ lại dám dùng sức ép buộc. Lúc đi ta không có sự chuẩn bị, khi ấy công phu Thập sa đê cũng chưa thành, mà dù có thành, bảo ta dùng sức một mình đối phó với tộc nhân năm nhà Lưu, Sài, Thạch, Vương, Tạ, ta sợ cũng không ứng phó nổi, xử lý không tốt sẽ đả thương người khác. Bọn ta ở Trúc Khê am nói chuyện căng lắm, chuẩn bị động thủ tới nơi, bọn họ đông người, sức mình ta không địch lại, đành để bọn họ bắt được. Bọn họ nói rõ khi nào ta nghĩ thông thì sẽ đưa ta tới Lâm An, kỳ thực ta biết bọn họ đã ngầm phái người tới báo cho Tần Thừa tướng tin “tốt” này rồi. Cũng biết bọn họ muốn a dua theo thế lực của Tần Cối, kỳ vọng có một phen trở mình cả ở giang hồ lẫn trong triều. Người trong chín họ thường bị cố kỵ, ở triều Tống trước nay không thể ra làm quan, mà cũng luôn bất hòa với Viên lão đại của bọn đệ. Khi ấy, bọn họ cứ rảnh là đem sự tích như của Vệ Tử Phu ra lay động tâm trí ta. Vệ Tử Phu sống ở thời Hán, nhờ dung nhan mà cao quý một thời, hóa ra trăm nghìn năm sau vẫn có người ngưỡng mộ. Tần Thừa tướng vừa mắt với bọn họ chỉ e cũng vì chút thanh danh của chín họ trong giang hồ thôi. Bọn họ ai cũng có mưu đồ riêng, người an nhàn là ta đây lại trở thành quân cờ mất rồi. Có điều, khi ấy ta chỉ có một mình, tin tức không thông, muốn báo cho Thần Long mà thư không gửi được, thực sự cũng chẳng nghĩ ra cách nào, chỉ đành lẳng lặng lo âu mà thôi.”
[8]. Tạ An (320-385) là danh thần nhà Đông Tấn. Tạ An sinh ra trong nhà vọng tộc, nhiều đời làm quan to nhà Tấn, bản thân cũng sớm vào quan trường nhưng không lâu sau thì cáo quan về Đông Sơn ẩn cư, nhiều năm sau mới lại ra làm quan, về sau nắm quyền lớn ngăn Thái úy Hoàn Ôn soán ngôi nhà Tấn, lại chống lại nhà Tiền Tần của Phù Kiên xâm lược, vinh hiển một đời.
Đông Sơn tái khởi chỉ việc tạm thời thu mình đợi cơ hội khôi phục.
Một nữ tử như Tiêu Như, kể lại khoảng thời gian thê thảm, xấu hổ, vô lực nhất mà không ngờ vẫn cứ thản nhiên như không.
“Trúc Khê là một nơi đẹp đẽ, trúc xanh biêng biếc, khe suối róc rách, nếu là lúc bình thường thì thật rất hợp để nghỉ ngơi một thời gian. Khổ nỗi là ta bị giam lỏng, tuy vẫn có thể đi lại khắp nơi nhưng huyệt mạch bị điểm khóa, không thể đề khí tụ lực. Mấy đêm đó, ta thường ngồi bên bờ suối trong rừng trúc, nghĩ về việc hoang đường này, cũng nghĩ về kiếp người hoang đường, có lúc nghĩ ngợi tới mức không kìm được mà cười phá lên, cười tới chảy nước mắt. Đời người có lúc thật giống một vở kịch, dù ta có thích thanh nhã, dù ta có không muốn nhưng vẫn luôn có người muốn lôi ta vào vở kịch ấy. Hôm đó, ta lại ngồi bên bờ suối trong rừng trúc, rửa chân dưới suối, bất lực mà trầm tư. Chính lúc ấy, bỗng ta thấy cạnh con suối có một con vật dị hình dị tướng từ từ đi tới. Trời đã sẩm tối, lúc đầu nhìn không rõ, tới gần mới thấy ra là một con lạc đà. Cưỡi con lạc đà là một thiếu niên mặc y phục đen, tướng mạo rất thanh thoát. Thiếu niên nọ cho lạc đà uống nước bên suối, dưới nước có chút băng nổi, mảnh băng rất mỏng, sắc tới đứt tay, hắn tựa như rất thích băng, loay hoay bên dòng suối rất lâu, dùng tay vờn bắt, hoàn toàn không sợ lạnh giá. Khi ấy, ngấn lệ trên mặt ta chưa khô, tuy tò mò về thiếu niên này nhưng vẫn đắm chìm trong tâm sự của mình nên cũng không nhìn nhiều. Uống nước xong, thiếu niên liền dắt lạc đà đi. Hắn mới đi được một lúc, người hai nhà Thạch, Lưu liền tới ép ta đi. Bọn họ… lời lẽ rất hung ác, nói chỗ Tần Thừa tướng bọn họ đã bàn xong rồi, chỉ đợi ta tới gặp mặt. Ta không đồng ý nhưng bọn họ đã quyết tâm, nếu ta không đi sẽ ra tay đánh ta. Ta tuy yếu đuối nhưng cũng tiếc danh dự của mình, sao chịu để bọn họ bày bố, mắt thấy lại sắp cùng bọn họ cãi vã, chuốc lấy nhục nhã, ngờ đâu thiếu niên cưỡi lạc đà kia vẫn chưa đi, thì ra hắn đã quay lại, lẳng lặng đứng trong bóng trúc, tới khi bọn họ định động thủ cưỡng bức, hắn mới kêu “này” một tiếng. Lúc ấy ta mới chú ý tới sự có mặt của hắn, trong lòng hơi sợ, biết người Thạch gia nổi tiếng không dễ nói chuyện. Gã Thạch Đình của Thạch gia nóng tính nhất, vốn đã bị ta chọc giận, nghe tiếng thiếu niên gọi liền quay sang quát: “Kẻ vô can cút hết cho ta!”
Thiếu niên nọ không giận, chỉ bình tĩnh nói: “Nên cút là các người, để cô ấy đi.”
Hắn nói rất ngắn, dường như không quen nói chuyện với người khác. Chỉ một câu như thế, người hai nhà Thạch, Sài liền biến sắc, bọn họ quát: “Mày là ai? Cậy vào đâu?”
Thiếu niên kia không đáp, chỉ liếc họ mà cười. Nhưng người Thạch gia há lại dễ chọc, Thạch Đình liền vỗ sau lưng, lưng hắn đeo đao, vỗ một cái rút đao, muốn động thủ. Hai nhà Thạch, Sài sáu người động thủ trước, ai ngờ lúc xuất chiêu lại là thiếu niên nọ xuất kiếm trước. Ánh kiếm loang loáng trong rừng trúc, cực kỳ khác với lối ngay ngắn của kiếm pháp Trung Nguyên: Bộ pháp bước đi, hình kiếm đánh ra thật sự quái dị phi thường. Thiếu niên dường như không muốn đả thương người khác, được một lúc ta mới nghe người Sài gia hoảng sợ kêu: “Lạc Hàn, hắn là Hồ kiếm Lạc Hàn!”, ngữ khí cực kỳ kinh hãi. Ta thấy sáu người bọn họ động thủ nhanh hơn, đã dùng tới bản lĩnh giữ nhà, bấy giờ mới nhớ tới một vài chuyện liên quan tới Lạc Hàn… Kiếm pháp của hắn sau lần gặp ở Đằng Vương các năm xưa sớm đã vang danh trong chín họ. Ta mới xem kĩ, hắn xuất chiêu quả thật không theo lẽ thường, không noi quy củ. Bấy giờ ta cực kỳ kinh ngạc, trong lòng chỉ cảm thấy: Nếu Thần Long trông thấy, huynh ấy sẽ nói thế nào? Huynh ấy sẽ nói sao đây?”
Ngữ ý Tiêu Như ngập ngừng, Mễ Nghiễm ngầm biết với kiến thức của Tiêu Như mà nói ra câu này thì đủ thấy người đó không tầm thường. Bốn năm trước, lúc Tiêu Như luyện thành nội công tâm pháp Thập sa đê, theo lời Hồ Bất Cô thì nàng đã xứng được gọi là đệ nhất cao thủ trong hàng nữ lưu kiệt xuất, cho dù có so với nam nhân, với tài nghệ của Song xa Viên môn, tuy không nói thẳng ra nhưng xem ý tứ của bọn họ thì thực cũng đã coi Tiêu Như là một đối thủ hiếm có đương thế. Ngày ấy, nàng xem Lạc Hàn xuất kiếm, tuy võ công chưa thành nhưng với kiến thức rộng rãi về võ học từ lâu đã được người trong Viên môn bội phục - thậm chí Hoa Trụ còn gọi đùa nàng là Võ khố, tới cả Viên lão đại khi có chỗ nghi nan đều thỉnh giáo nàng để cầu kiến giải - thì có thể biết lời đánh giá này của nàng cao đến đâu.
Lại nghe Tiêu Như kể tiếp: “Kiếm pháp đó của hắn cực kỳ hiếm thấy, người trong giang hồ theo lối này không nhiều, dù có thành thì cũng khó mà tiến lên mức cao thủ tuyệt đỉnh nhưng hắn tựa hồ đã làm được. Chỉ trong mấy chiêu hắn đã đánh lui người của hai nhà Thạch, Sài, đuổi bọn họ đi. Đuổi đi rồi, hắn liền hỏi ta muốn đi đâu, ta bảo là Kim Lăng. Kế đó, hắn liền để ta ngồi lên lưng lạc đà, đưa ta về nhà. Nói ra, chỉ e một dải Giang Nam này hiếm có nữ tử nào từng cưỡi lạc đà. Dọc đường hắn rất ít nói, chỉ nhớ có một lần ta gọi hắn là “thiếu hiệp”, hắn liền buồn bực đáp một câu: “Không phải”, giọng rất lạnh lùng, hình như không hề thích cách xưng hô này. Thế rồi, hắn không để ý tới sự tồn tại của ta nữa, ta cũng không dám gọi thế nữa.”
Lúc nói tới đây, khóe môi Tiêu Như phảng phất nụ cười, tựa như đang nhớ tới cảnh nói chuyện với Lạc Hàn ngày đó. Nàng tự phụ bản thân tuyệt sắc, trước nay bị người ta ngó trộm quen rồi, cho nên đối với một thiếu niên coi mình như không liền lấy làm kỳ quái. Có vài câu nàng không thể nói: Khi ấy, từ một câu đó nàng đã rất vừa ý với thiếu niên này, nàng biết hắn thực sự không phải là đang khiêm nhường, hắn giống với nàng, đều là những người không muốn bị quyền lợi, danh tiếng thế tục cùng vài khái niệm rỗng tuếch quấn lấy. Hắn không tự nhận mình là “hiệp” gì gì đó, giống như nàng giúp đỡ Viên lão đại cũng không phải vì cái đại nghiệp quốc gia của Viên lão đại mà chỉ vì đó là nam nhân của nàng; như nàng ngầm đoán: mặc kệ người ngoài ca tụng thế nào, Lạc Hàn xuất Hồ kiếm, một lần nữa tới Giang Nam chỉ e cũng chẳng phải vì cái gì mà đại nghĩa nước nhà, mà chỉ vì một tri kỷ của hắn thôi. Chỉ thấy nàng ngừng một chút rồi nói tiếp: “Hắn cứ thế đưa ta tới địa giới Tô Nam. Đi được hai ngày, hôm ấy trên đường, ta trông thấy xa xa có mấy người đang tới, tuy cách xa nhưng ta vẫn nhận ra được Viên đại ca của bọn đệ. Từ xa, ta gọi một tiếng “Thần Long”, thiếu niên nọ giật mình, trông dáng Thần Long cưỡi ngựa đằng xa, nghi hoặc hỏi: “Người đón cô tới rồi?”
Lúc ấy ta rất hưng phấn, liền gật đầu. Hắn thản nhiên nói: “Xem ra là cao thủ, con đường trước mắt cô không cần lo nữa, ta cũng có thể đi rồi.”
Kế đến, hắn bảo ta xuống lạc đà, chẳng đợi Thần Long tới, hắn đã leo lên lạc đà đi mất, ta cũng không kịp cảm ơn hắn một tiếng. Thần Long không tìm được ta, thấy ta mất tích nhiều ngày, sợ có chuyện nên mới đích thân tới. Đây là một đoạn uyên nguyên giữa ta và Lạc Hàn, lần đó hẳn hắn cũng vì tặng chén mà tới. Cho nên ta mới nói, hắn cùng Thần Long cũng coi như xa xa gặp mặt rồi.”
Ngừng một hồi, mới nghe Tiêu Như lặng lẽ nói: “Không ngờ, sáu năm đã qua, bọn họ lại gặp mặt, lại còn gặp trong cục diện này. Đời người như nước, lưu chuyển qua lại, thế sự thật khó mà dự liệu. Lần này ta tới là vì nghe nói khúc từ cũ kia lại được người ta hát lại, điệu khúc ly biệt cô quạnh là thế, vậy mà bị lật lại, hẳn còn có thâm ý khác. Ta cho rằng có lẽ Lạc Hàn cũng sẽ tới, ta muốn gặp hắn, vì cơ duyên ngày trước, có lẽ có thể hóa giải đoạn ân oán này giữa Viên môn và Lạc Hàn.”
Nàng dứt lời, trong phòng liền trở nên im ắng. Mễ Nghiễm không lên tiếng. Tiêu Như lại thầm tự nhủ: Ngày ấy, mình muốn ở bên Thần Long, vậy mà có bao nhiêu gian nan khó đoán. Bây giờ, mình lại muốn ở cùng Thần Long, thật lâu thật dài, lấy thiệp bát tự[9] đính ước mà an ủi trăm năm tịch mịch của nhau. Liệu có được không, hay vẫn trắc trở không xuôi đây?
[9]. Tấm thiệp viết tám chữ giờ, ngày, tháng, năm sinh của một người. Theo phong tục xưa, khi bàn chuyện hôn nhân, nhà trai và nhà gái phải trao đổi cho nhau thiệp bát tự của hai nhân vật chính.
Thì ra, nàng dự định mấy năm nữa sẽ gả mình cho Viên Thần Long. Nghĩ tới đây, trước mắt nàng tựa như có khăn hồng được kéo lên. Sắc hồng đến từ tấm thiệp ghi bát tự năm sinh của nàng luôn được cất trong người, tấm thiệp này một tháng trước vẫn để trong từ đường ở gia trang của nàng cạnh Thái Thạch Cơ, cúng cùng linh vị tổ tiên, đã cúng bao nhiêu năm nay, chính nàng sai cha con Thủy Hạnh Nhi mang tới cho mình. Tấm thiệp ấy tựa một đóa lửa ấp ủ trong lòng nàng, tựa một chút niềm vui hiếm hoi trong giang hồ thê lương này, cũng là niềm nguyện ước một cô gái luôn mong mỏi mà đám nam nhân không để ý tới.
Nàng là một nữ tử thông minh, việc này không muốn nói với người ta, trong lòng biết nếu làm thế thì sẽ nhiều khó khăn. Nàng không muốn nói, nhưng cảnh giao thiệp bái lễ mà nàng kỳ vọng, mối tình ái thiếp son chữ vàng mà nàng ước ao, liệu có được thỏa nguyện chăng? Sẽ không còn trắc trở bất ngờ chứ?
Có thành được không?
Lúc này, ở gian điện bên ngoài bỗng có tiếng người, Tiêu Như khẽ nhíu mày, than một tiếng. Mễ Nghiễm sững người, định ra ngoài xem, Tiêu Như đã nói: “Không cần đâu.”
Mễ Nghiễm liền đứng lại, Tiêu Như tiếp lời: “Không phải người lạ, đều là người trong Giang thuyền chín họ, đệ gặp chỉ e không hay. Không ngờ bọn họ vẫn nhớ ngày hôm nay. Bọn họ lại đến vì ta.”
Nói tới đây, trên trán nàng lộ ra một nếp nhăn cùng sự chua chát. Chỉ nghe nàng nói với Thủy Hạnh: “Tiểu Hạnh Nhi, em ra ngoài xem xem, là ai đang hát khúc nọ ở bên ngoài, xem bọn họ có rảnh không, ta muốn gặp.”