Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 2 - Chương 22
Chương Hai Mươi Hai
Việt Bắc
= U Tì Quốc
Một ngày
lạnh cóng và ẩm ướt vì những giọt mưa cuối cùng của mùa Xuân, Ngọc Bích và tôi
giã từ Hoàng Cầm và rừng núi Lạng Sơn, vác ba lô lên đường. Lúc này chúng tôi
không còn là văn nghệ sĩ của Cục Chính Trị nữa. Sau vài ngày cuốc bộ, mầu tím
đen dữ dội của núi rừng đã dần dần không còn đi theo để bưng mắt chúng tôi nữa.
Chúng tôi đang đi trong khoảng trời cao mây rộng, rảo bước trên con đường đê dọc
theo con sông đào quen thuộc vẫn đang trôi lờ lững trong vùng Nhã Nam, Yên Thế.
Tôi thản
nhiên đi qua làng Lan Giới, lờ luôn người đẹp nông thôn. Rồi chúng tôi tới Bắc
Ninh. Bây giờ thì tôi đi qua Sông Đuống để nhớ tới Hoàng Cầm... Và nhận ra được
cô hàng xén răng đen, ông già phơ tóc trắng, thấy được cả những tranh Đông Hồ
gà lợn nét tươi trong. Nhưng không thấy được em bé sột soạt quần nâu... vì lúc
này là chiến tranh. Buồn. Rồi từ Bắc Ninh, sau khi len lỏi qua những đồn địch
đóng lẻ tẻ ở dọc đường số 1, chúng tôi rẽ sang Phúc Yên, Sơn Tây để xuống địa
phận Hà Đông.
Vùng
trung du lúc này vẫn còn an ninh vì Pháp không có đủ quân để chiếm đóng cả vùng
thượng du lẫn vùng trung du hay vùng đồng bằng. Quân Pháp còn đang bận tâm ở
chiến trường biên giới. Họ chỉ cho máy bay đi bắn phá những tỉnh nằm ngoài vòng
đai lớn bao quanh thành phố Hà Nội, ở những nơi mà họ nghi ngờ là có kho đạn hoặc
có Vệ Quốc Đoàn đóng quân.
Hình như
cả Pháp lẫn Việt Minh đều muốn như vậy cho nên có một cái chợ trời rất lớn mọc
lên ở làng Thịnh Đại, gần bến Đồng Quan thuộc tỉnh Hà Đông, chỉ cách vùng Quân
Pháp chiếm đóng khoảng hai chục cây số. Chợ là nơi để Pháp tuôn hàng hóa Âu Mỹ
ra vùng quê một cách dễ dàng và là nơi Việt Minh có thể mua những thứ cần thiết
cho kháng chiến. Chợ trời này nằm ở ngay làng Đại cho nên nó mang luôn cái tên
là Chợ Đại. Chợ trải dài từ làng Đại cho tới làng Thần, nơi đây có một cái cống
lớn để dẫn nước sông vào ruộng - cho nên được gọi là Cống Thần - từ đầu chợ tới
cuối chợ là khoảng 5 cây số.
Chợ Đại-Cống
Thần này nằm dọc theo ven bờ của một nhánh sông thuộc dòng sông Đáy - Hát Giang
là đây - rất tiện lợi cho những ai từ mạn Phúc Yên đi xuống hay từ dưới Ninh Bình,
Phát Diệm đi lên bằng thuyền. Ở đây có khoảng không dưới một trăm túp lều gỗ
hay lều tranh do khoảng một trăm gia đình, dân số trên dưới 500 người, từ Hà Nội
tản cư ra chỗ này và cất thành một cái chợ ven sông. Khác hẳn với đa số thị dân
khác, hoặc có cha mẹ hay anh chị em ở trong gia đình làm việc cho các cơ quan
kháng chiến và đi theo đơn vị lên Việt Bắc, hoặc là thường dân tản mác đi khắp
các vùng quê và cố gắng hội nhập vào đời sống cày bừa trồng trọt của nông thôn,
những người dân Hà Nội tới lập nghiệp (!) ở Chợ Đại-Cống Thần này không dính
líu gì tới đời sống sản xuất hay tham dự vào một tổ chức kháng chiến nào cả. Họ
sống nhờ ở nghề buôn đi bán lại đồ cũ, đồ mới. Đặc biệt là những thứ hàng ngoại
hóa. Một giới làm ăn mới mẻ được mệnh danh là bờ lờ (tức là buôn lậu) đã tạo ra
ở đây một thị trường khá lớn để tuôn hàng hóa Âu Mỹ từ Hà Nội ra hậu phương.
- Họ đi
buôn hàng ngoại hóa ở đâu vậy?
- Thưa ở
vùng tề ạ.
Chỉ cần
ra khỏi Cống Thần-Chợ Đại khoảng chừng 10 cây số là tới vùng tề tức là những
làng bị lính Pháp tới bình định (pacifier) và bắt dân làng phải thành lập những
hội tề để làm việc cho Pháp. Nhưng bất cứ một hội tề nào làm việc cho Pháp vào
lúc ban ngày, vào ban đêm họ bắt buộc phải theo Việt Minh thì mới sống được.
Vùng tề được coi như là vùng xôi đậu và là nơi đã tạo ra nhiều câu ca dao của
thời đại, ví dụ:
Ấm ớ hội
tề
Sáng đi
buôn lậu
Tối về
Tây đen...
Câu ca
dao này muốn nói tới những chị đi buôn lậu ở vùng tề, ban ngày thì đi lấy hàng
hóa từ Hà Nội để chuyên chở ra hậu phương nhưng tới ban đêm thường hay bị lính
Phi Châu bắt vào đồn để làm tình. Có người từ hậu phương vào tề để mua hàng trở
ra thì cũng có người hằng ngày mặc áo blouson Tây, có cài bút máy Tàu, tay đeo
đồng hồ Thụy Sĩ, chân đi dép Nhật... đang sống ở vùng tề bây giờ đi ra Chợ Đại
để bán hết những thứ hàng mang trên mình, rồi lại trở về vùng tề. Do đó có câu
ca dao:
Ấm ớ hội
tề
Khi đi
có dép
Khi về
chân không...
Còn có một
câu ca dao khác dùng để phê bình những người ở vùng tề, không bao giờ có lập
trường vững chãi:
Ấm ớ hội
tề
Chính phủ
gọi về
Ra chiều
bất mãn...
Vùng tề
còn là nơi có người chỉ đường dẫn lối cho những ai muốn dinh tê vào thành.
Chợ Đại-Cống
Thần mọc lên rất nhanh và trở thành một nơi thu hút những người ở các vùng
khác. Những thị dân đi tản cư cho tới lúc này đều nhớ vỉa hè và đều chán cảnh đồng
quê hay rừng núi, nghe tin đồn về thiên đường Chợ Đại thì ai cũng tìm mọi cách
để tới nơi này, sống trong ảo ảnh của cuộc đời phố xá trước đây. Như tôi chẳng
hạn. Tại đây, các quán ăn mọc lên như nấm, có nhiều món ăn mà chúng tôi từng
thòm thèm trong mấy năm. Ví dụ món phở. Món này ở Việt Bắc cũng có nhưng tôi
nghi là phở ở trên đó được nấu với thịt trâu hơn là với thịt bò.
Tại Quán
Thủy Tiên lại có thêm một món mà trong kháng chiến ai cũng thích là: hai quả trứng
sống pha với đường rồi quậy lên thành một li thuốc bổ hạng nhất. Quán này có
chơi nhạc, ban nhạc gồm anh “Cai Kèn” tên là Cách thổi saxo, Chương “Ve” kéo
acordéon, Paul Trí chuyên đánh piano nhưng vì nay không có đàn nên phải đánh
guitare. Tội nghiệp Paul Trí có bàn tay đang bị ghẻ nặng cho nên chỉ có thể
dùng ba ngón tay để bấm những hợp âm.
Paul
Tri, bên phải, trong ban nhac Xuân Tiên, Xuân Lôi
(Vùng
kháng chiến, 1948)
Quán
Café Lan đông khách vì cô chủ quán có người chị lấy kép Cải Lương Huỳnh Thái,
người được toàn dân phong cho mĩ danh Huỳnh Thái, cây sái của Bắc Việt - sái
đây là sái thuốc phiện - khách tới đây hi vọng được gặp kép hát nổi danh.
Lại còn
một cái quán nữa - ở chợ Vân Đình cũng gần Chợ Đại - có cái tên là Sem Sem,
hình như do Tạ Đình Đề làm chủ. Nếu đánh vần theo kiểu bình dân học vụ thì là:
Sờ em xem. Tức là quán Sờ Em.
(Tạ Đình
Đề, về già)
Chợ Đại-Cống
Thần có những túp lều bán các thứ xa xỉ phẩm (!) như bút máy, đồng hồ, thuốc
tây, vải kaki, áo blouson Mỹ, xà phòng thơm, bàn chải và thuốc đánh răng. Nhất
là có thuốc lá thơm. Nói về thuốc lá thì ở các nơi khác, các tay nghiện thuốc
chỉ được hút thứ thuốc sản xuất tại Việt Bắc mang nhãn hiệu Du kích và Bazooka.
Bây giờ tại Chợ Đại Cống Thần này, họ đã có thể mua được những bao thuốc lá thượng
hảo hạng như Cotab, Philip Morris, Camel... Nhất là mua được bật lửa, thứ bật lửa
có bánh quay để quệt ra lửa - gọi là bật lửa cu lu xe - Có bật lửa rồi là thi
nhau bật lửa xem ai có lửa, ai không có lửa? Những người không mua được dầu
xăng xe hơi, không bật ra lửa nhanh được vì dùng dầu thắp đèn Hoa Kỳ, thua cuộc
và phải khao những người có lửa nhanh một chầu bún riêu.
Chợ Đại-Cống
Thần chỉ đông người từ xế chiều cho tới nửa khuya. Ít ai ra chợ vào ban ngày vì
sợ máy bay Pháp tới bắn phá. Đêm đêm, với ánh sáng của hằng trăm ngọn nến hay
đèn dầu, với tiếng người vui đùa trò chuyện, với tiếng đàn ca văng vẳng từ
trong quán ăn hay từ trong khoang của những chiếc thuyền đang trôi trên sông
Đáy hay đang chen nhau đậu tại các bến, khung cảnh Chợ Đại-Cống Thần giống như
những đêm hội hoa đăng của thời bình. Sống ở đây, người ta có thể tạm quên được
những cam go của kháng chiến. Từ Việt Bắc đi xuống, từ Thanh Hóa và ngay cả từ
Nam Bộ đi ra, ai ai cũng phải ghé lại nơi chợ trời (tương đối) khổng lồ này.
Khi bước
chân tới đây, tôi và Ngọc Bích gặp các văn nghệ sĩ đã đóng đô ở Chợ Đại từ lâu
như thi sĩ Đinh Hùng, thi sĩ Huyền Kiêu, thi sĩ Lê Đại Thanh, nhạc sĩ Auguste
Ngọc (người Pháp lai, đánh guitare rất giỏi), nhạc sĩ Canh Thân, nhạc sĩ Việt
Lang (tên thật là Lê Quý Hiệp), họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Tạ Tỵ. Giống như
Phạm Văn Đôn và Quang Phòng trước đây ở Việt Bắc, hai họa sĩ họ Bùi và họ Tạ
này cũng đang tổ chức một phòng triển lãm tranh tại một trường học gần Chợ Đại.
Đinh Hùng thì vẫn còn dáng dấp tiên ông như lúc Cách Mạng vừa mới thành công,
cùng với Vũ Hoàng Chương, hai người ở tiệm hút mở cửa ra phố, trông thấy lá cờ
đỏ sao vàng thì hỏi:
- Cờ nước
nào thế kia?
Lúc này,
tiên ông Đinh Hùng (hay Vũ Hoàng Chương?) thỉnh thoảng còn mặc một cái áo gấm
đi chơi trong Chợ Đại, có một người xách làn mây đựng bàn đèn đi theo sau. Tiên
ông mà cũng ra đi như thế này thì cả nước lên đường là đúng lắm.
Tôi cũng
được gặp hai người bạn làm nghề xuất bản là Nguyễn Văn Hợi (nhà xuất bảnThế Giới)
và Nguyễn An Nghi. Ít lâu sau hai người này sẽ về thành và ấn hành nhạc của tôi
trong vùng tạm chiếm, nhờ đó mẹ tôi có được một số tiền tác giả khá lớn. Trần
Thiếu Bảo, Giám Đốc nhà xuất bản Minh Đức thì đang tản cư ở đây và sẽ là người
xuất bản cuốn Những Điệu Hát Bình Dân Việt Nam của tôi, trong đó tôi ghi âm lại
một số những bài dân ca cổ truyền như Cò Lả, Trống Quân, Hò Huế vân vân...
Đây cũng
là nơi mà một vài nhân vật nổi tiếng như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, cựu tri huyện
Trần Chánh Thành... thường hay ra chợ để sắm đồ hay để vào quán ăn. Các ông này
đang phục vụ trong ngành Tư Pháp của Quân Khu III. Cũng thấy sự có mặt của Bác
Sĩ Trần Hữu Tước, ông này ở Pháp cùng về nước với ông Hồ sau Hội Nghị
Fontainebleau, vì không chịu được đời sống kham khổ ở Việt Bắc cho nên đã về sống
ở đây.
Chợ Đại
còn có những ổ tình báo của hai bên đối phương nữa. Tôi thấy nhân viên làm việc
tình báo với Văn Cao ở Lào Kai như Ty “Rỗ”, bây giờ, cùng với những nhân vật
mang nhiều huyền thoại như Tạ Đình Đề, Hãn “Trắng”, Viễn “Mập” tự “Kinh Bắc” (bố
Khánh Ly), Học “Kirisitô” (vì trông giống Chúa Kitô), Hoành “Hổ” và Nguyễn Trần
Huyên (sau lấy tên là Cao Dao)... trở thành nhân viên của một đội trưởng Biệt Động
Đội thuộc Sở Tình Báo Ngoại Thành trong Ủy Ban Thành Phố Hà Nội tên là Chi Nam
(anh này hiện ở Hawaii). Nhóm Biệt Động Đội này thường ra vào Hà Nội để hoặc lấy
tin tức, hoặc làm công tác phá hoại, ám sát...
Pháp
cũng gửi điệp viên ra Chợ Đại-Cống Thần để theo dõi sự chuyển quân của Việt-Minh.
Về sau, ở ngay Chợ Đại này, anh nhạc sĩ Tây lai Auguste Ngọc bị thủ tiêu vì bị
nghi ngờ là làm việc cho đơ bò (Deuxième Bureau) của Pháp. “Kinh Bắc”, người
cha của Khánh Ly cũng mất tích luôn. Tôi gặp lại Hoành “Hổ” và Ty “Rỗ” ở
Saigon, biết chắc chắn là họ không còn là người của “bên kia” nữa rồi. Còn Nguyễn
Trần Huyên tức Cao Dao thì cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975, không biết anh ta
có còn hoạt động cho Miền Bắc nữa không?
Chợ Đại
cũng còn là nơi dưỡng sức của kháng chiến quân đi nghỉ mát bừa hay đi nghỉ phép
- sự kiện này khiến cho tôi nhớ tới cái tên của một cuốn phim Pháp Le Repos Du
Guerrier. Tại đây, ngoài những cán bộ quân sự hay chính trị hạng trung và hạng
thấp, tôi còn gặp cả cán bộ gộc như Chu Văn Tấn từ Việt Bắc đi xuống và Trần
Văn Giầu từ trong Nam đi ra. Những người lãnh đạo của Quân Khu III lúc đó là
Hoàng Minh Thảo, Văn Tiến Dũng, cũng hay lảng vảng ra dưỡng sức ở Chợ Đại-Cống
Thần. Một trong hai ông này còn cưỡi xe Vélo Solex chạy trên con đường ruộng dẫn
tới chợ. Khi họ ra đi, dân chúng đang bu lại coi chiếc xe, thấy người cưỡi xe
phải dùng chân đạp nhiều vòng để lấy đà cho máy nổ rồi mới ngưng đạp thì tưởng
rằng xe này chạy bằng... dây cót.
Và không
có ai tới Chợ Đại-Cống Thần mà không ghé tới Quán Thăng Long. Quán này là của
ông bà Phạm Đình Phụng, rất đông khách vì chủ nhân là người rất văn nghệ. Các
văn nghệ sĩ nổi danh đang ngụ cư ở Chợ Đại rất năng tới quán Thăng Long. Mà hễ ở
đâu có văn nghệ sĩ là người ta đổ xô tới.
Mênh
mông lả ơi
Thuyền về
tới bến Mê rồi...
TIẾNG
ĐÀN TÔI