Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 2 - Chương 12 - 13

Chương Mười Hai

Miền
Vĩnh Yên

Vào mùa
Xuân năm 1947 này, đoàn văn nghệ của chúng tôi đang đóng quân ở Vĩnh Yên, sau
khi từ Sơn Tây qua Phúc Yên để tới đây. Đã tới nơi sản xuất ra một loại sơn dầu
đặc biệt của nước ta. Ở vùng này, trước khi tổ chức Quân Nhu gửi được người vào
vùng Pháp chiếm để mua nylon đem ra làm áo che mưa cho bộ đội, tôi thấy người
ta chế ra những tấm vải có sơn dầu không thấm nước, dùng để bọc quần áo và thức
ăn khi gặp mưa.

Chúng
tôi gặp cái lạnh đầu tiên trong kháng chiến. Lạnh này chưa thấm thía gì so với
cái lạnh Bắc Kạn hay Lạng Sơn sau này. Nhưng bây giờ, ngoài thứ vải sơn dầu để
che mưa, người đi kháng chiến có thêm cái áo trấn thủ màu xanh cứt ngựa rất giản
dị và rất ngộ nghĩnh đối với thanh niên thị thành như chúng tôi. Trong cái Tết
kháng chiến đầu tiên này, tôi thấy không còn gì ấm lòng hơn là được đồng bào
đem đến tặng cho đoàn văn nghệ những cái bánh chưng còn nóng hổi. Tình gia đình
đang thiếu thốn, có tình đồng bào đến để thay thế. Chúng tôi ngồi ăn bánh chưng
ở trên ổ rơm để hưởng hương vị ngày Tết. Lúc đó đoàn văn nghệ đi tới đâu cũng
thường ăn ở tại những nơi công cộng như trụ sở của Ủy Ban Hành Chính-Kháng Chiến
(gọi tắt là Hành-Kháng) đặt ở trường học hay đình chùa. Riêng tôi vì thích sống
tách rời nên tôi thường tới ăn ngủ ngay ở trong nhà đồng bào. Đêm đêm tôi ngồi ở
trong màn đốt nến lên để viết nhạc.

Vì luôn
luôn được thảo luận với nhà đạo diễn Trung Cộng đang làm cố vấn cho Đoàn Văn
Nghệ Giải Phóng nên tôi được biết những nhạc phẩm của Nhiếp Nhĩ, tác giả của
bài quốc ca Trung Cộng. Tôi có soạn lời ca tiếng Việt cho bài quốc ca đó và soạn
luôn lời Việt cho bài Đông Phương Hồng là bài hát xưng tụng Mao Trạch Đông. Tôi
còn làm lời ca tiếng Việt cho bài Quốc Tế Ca nữa Làm lời ca tiếng Việt nhưng
không phổ biến, chỉ muốn tự mình có thể hát lên những bài mình cần biết vào thời
điểm đó. Nghe, ngẫm nghĩ và rút kinh nghiệm. Tôi còn tò mò muốn biết thêm về một
trường ca nhan đề Hoàng Hà Đại Hợp Xướng cũng của tác giả Nhiếp Nhĩ. Tôi cũng
còn muốn hiểu thêm về loại dân ca mới của Trung Cộng được gọi là ương ca. Nhà đạo
diễn Trung Cộng giảng giải cho tôi nghe và chính nhờ ở những buổi học tập này
mà tôi quyết định tung ra loại dân ca mới của Việt Nam, khởi đầu bằng bài Nhớ
Người Thương Binh. Ngay từ lúc đó. tôi cũng nuôi ý định soạn những trường ca giống
như bài Hoàng Hà Đại Hợp Xướng.

Miền
trung du vào thời điểm mùa Xuân 1947 là nơi có đông đảo đồng bào ở các đô thị
di tản lên. Những thành phố nấm (ville Champignon = được gọi như vậy là vì mọc
lên một cách rất nhanh chóng, do dân tản cư tạo ra) đã có mặt ở nhiều nơi và là
những chợ trời với khá đầy đủ những đồ tiêu dùng mà người đi kháng chiến cần đến
hằng ngày như xà phòng, thuốc đánh răng, kim chỉ, thuốc men... Nhất là có những
quán cà phê với sữa đường và thuốc lá là những thứ mà dân tiểu tư sản thành thị
đang làm việc tại các cơ quan Hành-Kháng di động lúc nào cũng thèm. Tôi hay la
cà suốt ngày ở những nơi này và chỉ trở về địa điểm trình diễn vào lúc sắp khai
diễn. Và tôi gặp một người bạn tên là lị Ngọc, dân phố Bờ Hồ (sát phố Hàng Dầu
của thời tôi còn thơ), đang chống nạng đi trong chợ trời...

lị Ngọc
là lính trong Trung Đoàn Thủ Đô, ở lại Hà Nội để chống cự với lính Pháp cho tới
khi bị thương và bị cưa chân. Trung Đoàn Thủ Đô với các anh em thanh niên Tự Vệ
giữ được Hà Nội từ đêm 19 tháng 12 năm 1946 cho tới ngày 17 tháng 2 năm 1947 mới
chịu rút lui, đem theo rất nhiều dân thành phố và để lại cho Quân Đội Pháp một
Hà Nội vắng tanh, đổ nát và buồn thiu.

So với
thời tôi kháng chiến ở Nam Bộ, luôn luôn phải đối mặt với súng giặc, với gian
lao, với cái chết... thì mấy tháng đầu của cuộc toàn quốc chiến này có vẻ thanh
bình quá, nên thơ quá. Tôi thảnh thơi đi hát và soạn ra những thanh niên ca vui
tươi cho đám người đang rời bỏ các thành thị ra sống ở đồng quê và đang nhìn cuộc
kháng chiến đẹp như trong tiểu thuyết. Gặp lị Ngọc, tôi có ngay đề tài mới để
đưa vào một bài dân ca mới đầu tiên của nhạc Việt Nam hiện đại. Theo tôi, nhân
vật điển hình và nổi bật của thời đại không phải là những thanh niên rời bỏ
thành thị đi về đồng quê mà phải là anh thương binh. Có lẽ tôi là người đầu
tiên đưa nhân vật điển hình này vào âm nhạc. Mấy tháng sau, trong Tuần Lễ
Thương Binh, Trung Ương mở cuộc thi soạn bài hát cho thương binh, tôi có gửi dự
thi bài dân ca mới của tôi nhưng bài hát bị đánh rớt bởi những ông ngồi chấm giải
như Tống Ngọc Hạp hay Lưu Hữu Phước. Tôi nghĩ có lẽ lúc đó người ta còn quan niệm
dân ca phải là của vô danh. Tác giả mà soạn dân ca là hỗn. Ủa? Thế loại ương ca
(tức là dân ca mới) của Trung Cộng là sai à?

Tôi
không có thì giờ và hơi sức để cãi nhau với họ, cứ lầm lũi soạn thêm những bài
dân ca mới khác như Mùa Đông Binh Sĩ, Ru Con, Nhớ Người Ra Đi... với quan niệm
là phải làm mới loại dân ca cổ truyền. Phải phát triển giai điệu ngũ cung đang
nằm chết trong một hệ thống. Phải chuyển giai điệu qua nhiều hệ thống ngũ cung
khác nhau. Nói cho đúng ra, vào lúc đó, tôi soạn dân ca mới hoàn toàn với bản
năng. Tôi chỉ cảm thấy phải dùng lại những điệu dân ca cổ truyền một cách khôn
ngoan. Cũng may là trước kia tôi sống ở vùng Bắc Giang Yên Thế và thuộc nhiều
điệu hát quan họ. Chưa kể những năm đi theo gánh hát Cải Lương tôi còn biết
thêm nhiều điệu hát sân khấu và điệu hát địa phương. Tôi chưa đem lí trí vào việc
sáng tác để có thể phát triển giai điệu một cách mạnh mẽ hơn nữa - ví dụ trong
các Trường Ca - như sau khi đi học về nhạc ngữ trong hai năm ở Pháp. Tôi cũng
thấy rõ ràng là 90 phần trăm đồng bào của chúng ta là dân quê cho nên đưa ra
hình thức dân ca mới vì tôi cho rằng quân ca hay thanh niên ca chỉ phản ảnh tâm
tình của tuổi trẻ thuộc lớp thị dân mà thôi. Dân ca mới phản ánh được tâm tình
của dân quê. Tôi đã quyết định ngay từ lúc đó là cùng tiến lên với nhân dân. Nhất
định không đưa ra những hình thức âm nhạc xa vời đối với nhân dân.

Tuy
nhiên, trong đoàn văn nghệ Giải Phóng, với sự có mặt của những nhạc sĩ như Văn
Chung, Phạm Văn Chừng... không phải chúng tôi chỉ chủ trương tung ra những bài
hát soạn theo đường hướng dân ca của tôi. Những nhạc phẩm khác, soạn theo lối
nhạc chủ thể của Âu Mỹ, dù là cổ điển hay tân kì, cũng đều được biểu diễn tối
đa. Trước hết là những bài như Đoàn Lữ Nhạc của Đỗ Nhuận mang hành điệu của loại
nhạc fox trot, rồi tới những bài soạn theo lối hát tự do (aria) như Hồn Việt
Nam và Giết Giặc của Nguyễn Xuân Khoát, hai bài này có rất nhiều tính chất bi kịch
(operatic). Rồi tới những bản hợp ca dài như một màn tiểu-ca-kịch (micro-opera)
của Tây Phương, như Bài Hát Của Người Hà Nội, thơ của Chính Hữu do Lương Ngọc
phổ nhạc và Đợi Anh Về, thơ của Simonov do Tố Hữu dịch ra tiếng Việt và do Văn
Chung phổ nhạc... Bất cứ một loại nhạc nào cũng đều được tự do đua nở miễn là
nó đề cao sức mạnh của dân tộc trong công cuộc kháng chiến đầy thú vị này.

Kìa đoàn
người đi trong đêm qua rừng âm u

Người lạnh
lùng nghe mưa Thu trên từng ba lô...

ĐƯỜNG VỀ
QUÊ

Chương Mười Ba

Lào Kai,
nơi ra đời của bài hát BÊN CẦU BIÊN GIỚI...

Phải có
cuộc Cách Mạng và Kháng Chiến thì mới thấy câu châm ngôn thời thế tạo anh hùng
là đúng. Cách mạng Việt Nam không phải tới năm 1945 mới có. Kể từ ngày đầu tiên
Pháp tới xâm chiếm, luôn luôn có những phong trào Cách Mạng. Từ Cần Vương, Văn
Thân qua Đông Kinh Nghĩa Thục tới Việt Nam Quốc Dân Đảng, suốt trong tám mươi
năm bị đô hộ, lúc nào cũng có những hoạt động cách mạng ở trong hay ngoài nước.
Nhưng không có phong trào nào thành công vì chưa gặp thời.

Thời thế
chỉ tới vào lúc Thế Chiến II vừa kết thúc, Pháp bị lép vế ở Việt Nam, Nhật chuẩn
bị đầu hàng, nước ta được bỏ trống, các tổ chức chính trị ùa ra, đảng nào mạnh
và giỏi thì đảng đó nắm chính quyền. Đám thanh niên thuộc tuổi tôi và không
theo đảng phái nào thì chỉ biết nhào ra theo Cách Mạng. Nghe thấy có tổng khởi
nghĩa là hè nhau đi cướp chính quyền. Thấy Pháp trở lại Việt Nam thì xung phong
vào kháng chiến Nam Bộ. Rồi khi có lệnh toàn quốc kháng chiến là đua nhau rời
phố phường về nơi thôn quê xây làng chiến đấu. Cách Mạng và Kháng Chiến thu hút
tất cả thanh niên, không chừa một ai cả.

Lúc đó, đại
đa số chúng tôi là những cậu học trò thò lò mũi xanh vừa mới lớn lên, những
chàng công tử bột hoặc những ông vua thất nghiệp. Chưa có mấy người trong chúng
tôi được học hành ở một trường quân sự hay ở một trường chuyên môn nào cả, nhưng
khi ra với kháng chiến thì anh này trở thành tiểu đội trưởng, anh kia trở thành
Giám Đốc Nha Khoáng Chất, anh nọ trở thành chuyên viên tình báo. Tất cả đều là ứng
chế (improviser) hết. Bao nhiêu mặc cảm nô lệ bỗng nhiên tiêu tan, chúng tôi thấy
trong lòng tràn đầy sự tự tin. Hơn nữa, chúng tôi còn thấy đời mình đã được
thay đổi hoàn toàn.

Ngoài cơ
hội trăm năm một thuở được trở thành chiến sĩ trong cuộc kháng chiến, đời sống
của lớp thanh niên chúng tôi đã khác hẳn thời trước. Chúng tôi không còn phải
tùy thuộc vào thời giờ nữa, không phải bận tâm vì những chuyện phù phiếm ở thị
thành như đi bát phố, coi cinéma, nghe máy hát... không phải lo nghĩ tới công
ăn việc làm, tới lương cao hay lương thấp. Túi tiền luôn luôn trống rỗng, vậy
mà chẳng bao giờ chúng tôi phải quan tâm. Không có mộng làm giầu, mơ tưởng nhà
lầu xe hơi, kim cương vàng bạc. Mộng lớn nhất trong lúc này chỉ là một bộ kaki
hay một cái áo blouson Mỹ. Tài sản là tất cả những gì mình mang ở trên người
hay bỏ trong balô, được mệnh danh là xí nghiệp. Giấc mơ của chúng tôi được tóm
tắt trong câu châm ngôn của thời đại:

Bút máy Pac-Ke (Parker)

Đồng hồ Uy-Le (Wyler)

Nằm giường tre

Lấy vợ tạch-tạch-sè (tiểu tư sản)

Đi xe đạp
cuốc (course)

Trong một
nền kinh tế tự túc, mọi người dường như sống trong sự bình đẳng tuyệt đối. Ngày
tháng đi qua rất mau. Đời sống lại rất thảnh thơi dù đang có chiến tranh. Riêng
đối với tôi, sau khi nhìn rõ tận mắt sự an phận của người dân sống trong thôn ổ
dưới thời nô lệ thực dân hồi tôi lên Bắc Giang làm ruộng vào năm 1939, bây giờ
tôi thấy rõ ràng là có sự đổi thay trong nếp sống của dân quê khi Cách Mạng tới.
Nhất là trong thời điểm toàn dân kháng chiến này.

Dân quê
bây giờ oai lắm. Nhà thơ Quang Dũng, qua một bài thơ đầu mùa kháng chiến, cho
ta nghe thấy tiếng quát dân quân đầu vọng gác, và cho ta nhìn thấy cảnh vô cùng
thân mật của anh tự vệ xách đèn chai lối xóm... Trước đây, ở thị thành, đời sống
của chúng tôi bị tách rời ra khỏi đời sống chung của dân tộc. Bây giờ, chúng
tôi được quay về với nếp sống thôn ổ, bỏ quên điện nước, bật lửa, trà Tàu, làm
quen với nùn rơm (tức là mồi rơm), thuốc lào, nước vối. Không có ai phản đối những
sự thay đổi này cả. Nếu bây giờ có dăm ba điều mới thì nó cũng chẳng hề làm mất
đi sự thi vị của đời sống thôn quê. Chẳng hạn qua chính sách bình dân học vụ, ở
những cổng chợ bây giờ có người đứng gác. Ai không đọc được chữ i chữ tờ trên bảng
phấn thì không được vào chợ. Rất độc tài nhưng cũng rất vui, nếu ta có dịp nhìn
thấy các ông già bà già cười ngặt nghẽo khi bị khảo chữ. Các em bé quê bây giờ
cũng được săn sóc một cách kĩ càng. Làng xóm xưa kia trầm lặng thì bây giờ nổi
lên những tiếng trống ếch ròn rã, ai mà không thích?

Lúc này
lại còn có thêm một chính sách gọi là đời sống mới được Chính Phủ đưa ra để
khuyến khích mọi người thay đổi tác phong trong lối sống hằng ngày. Ngay từ những
việc tầm thường nhất. Ví dụ trong bữa cơm tập thể, chúng tôi được dạy cho biết
cách dùng đôi đũa theo lối mới nghĩa là dùng đầu đũa xuôi để gắp đồ ăn, rồi và
cơm bằng đầu đũa ngược. Ăn cơm mà cứ như là múa đũa vậy. Vấn đề vệ sinh công cộng
rất được chú ý. Dù việc đại tiện vẫn là cái thú thứ hai sau cái thú được làm quận
công, nhưng bây giờ ai đi đồng - đúng nghĩa vô cùng - thì phải mang theo cái xẻng.
Rồi tới tác phong phê bình và tự phê bình. Người nào xưa nay có lối sống vị kỉ
đến đâu thì bây giờ cũng phải hòa mình vào lối sống tập thể.

Đó là chưa
kể cuộc du lịch thần tiên trên đất nước, nhất là ở miền trung du này, có những
ngọn đồi êm ái nằm dài như chờ gót lãng du (!) Dù tôi cũng đã đi khắp mọi nơi
trên cả ba miền đất nước nhưng bây giờ cuộc ra đi của tôi có nhiều ý nghĩa hơn...

Sau khi
hát xong ở Vĩnh Yên, Đoàn Văn Nghệ lên đường tới Việt Trì và ghé thăm Đoàn Chuẩn.
Anh bạn nhạc sĩ này là quý tử của ông chủ xưởng chế nước mắm Vạn Vân. Bước vào
nhà anh là đụng phải những chum và vại. Đoàn Chuẩn về thành rất sớm, tung ra ở
Hà Nội và Hải Phòng những bài hát lãng mạn rất hay như Thu Quyến Rũ, Gửi Gió
Cho Mây Ngàn Bay...

Con đường
cái nối liền các tỉnh miền Bắc bị phá hủy hoàn toàn làm cho sự đi lại rất là
khó khăn vì phải khách bộ hành phải vượt qua những chướng ngại vật hay những hố
sâu. Vả lại con đường xe hỏa bị lột hết đường rây để tiến lên Phú Thọ lại chính
là con đường ngắn hơn con đường nhựa. Chúng tôi leo lên đường rây để đi tới
vùng có một di tích lịch sử quan trọng là Đền Hùng. Gặp Tạ Tỵ, Văn Thanh đang lếch
thếch đi theo tổ chức Bình Dân Học Vụ của Nguyễn Hữu Đang trên con đường rây
này.

Hát xong
ở Phú Thọ là chúng tôi nhắm hướng Bắc mà đi. Đây rồi, hai thành phố lịch sử Yên
Bái, Tuyên Quang. Chúng tôi được đi trên những con đường lịch sử nhắc nhở tới
các liệt sĩ trong Việt Nam Quốc Dân Đảng của ngày trước và chúng tôi cũng nghĩ
rằng mình đang đi trên những con đường tạo ra lịch sử của ngày hôm nay. Thật là
hạnh phúc. Nhưng cũng đau lòng khi thấy nhà cửa đã bị phá hủy.

Tại Yên
Bái, ngồi trên đống gạch vụn, tôi nhớ tới Nguyễn Thái Học và các đồng chí của
ông. Rồi chúng tôi gặp vợ chồng Văn Cao cũng đang từ đâu đó leo lên Tuyên Quang.
Lại vui như Tết. Thằng bạn này đang được Đảng chiếu cố cho nên ăn nói đã có vẻ “chính
trị” lắm rồi. Thấy tôi vẫn tếu như xưa, nó mắng tôi là hủ hóa. Vậy mà nó vẫn
còn mê gái như tôi: ca sĩ Mai Khanh ở trong đoàn văn nghệ có cô bạn gái tên là
Hoàng Oanh. Con nhỏ cứ hết tống tình thằng Văn Cao lại quay ra quyến rũ tôi khiến
cho cả ba thằng Cao-Duy-Khanh suýt nữa trở thành trò cười cho cô ả lẳng lơ này.
May thay, đoàn văn nghệ không đậu lâu ở đây. Ít lâu sau, Văn Cao cùng với gia
đình dọn lên ở Lào Kai khi Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng tới trình diễn ở cái tỉnh
biên giới này.

Không biết
Văn Cao hoạt động cho Cục Tình Báo từ bao giờ nhưng vào khoảng đầu mùa hè của
năm 1947 nó mở ra một phòng trà với cái tên là Quán Biên Thùy ở Lào Kai, bề mặt
thì là một nơi giải trí nhưng bề sâu là một tổ chức tình báo. Lúc đó, đối diện
với Lào Kai vẫn còn là vùng Trung Hoa Quốc Gia chưa bị nhuộm đỏ hoàn toàn. Văn
Cao cố thuyết phục tôi ở lại hát cho phòng trà của nó khi Đoàn Văn Nghệ Giải
Phóng ra đi. Với bản tính thích thay đổi, tôi lạnh lùng giã từ đoàn văn nghệ. Đã
tưởng rằng sẽ chẳng bao giờ gặp lại các “đồng chí” trong chặng đường Sơn Tây-Lào
Kai này nữa, ai ngờ hơn một năm sau tôi lại làm việc chung với họ tại Thanh Hóa
thuộc Liên Khu IV.

Sau khi
đã sống tại một tỉnh biên giới miền Đông là Moncay lúc mới mười bảy tuổi, đã từng
bước qua chiếc cầu sắt để đi đánh bạc ở thị xã Đông Hưng bên Tàu, bây giờ tôi lại
được sống bên một chiếc cầu biên giới khác, cũng có một sòng tài xỉu của thị trấn
Cốc Lếu ở bên kia sông đang chờ đợi mình. Không hiểu vì lí do gì, thị xã Lào
Kai vẫn còn nguyên vẹn. Nhà cửa theo kiểu Tàu được xây trên những con phố nhỏ, đường
xá là những con dốc khuất khuỷu đắm chìm trong sương sớm. Tôi tới Chapa khi xưa
là nơi nghỉ mát của thực dân ở cách Lào Kai không xa và được nghe người Mèo thổi
khèn nghe như tiếng chim kêu.

Quán
Biên Thùy đông nhân viên lắm. Tất cả đều là dân Hà Nội. Tôi cũng không để ý nhiều
tới hoạt động tình báo của quán này, chỉ ngờ rằng ở vùng Lào Kai còn khá nhiều
đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau khi bị Việt Minh tảo thanh từ vùng
trung du, Việt-Quốc tập trung ở đây để sẽ lánh qua Trung Hoa. Nhân viên tình
báo của Quán Biên Thùy này đang đi lùng Việt Quốc để báo cho Công An tới bắt
hay báo cho bộ đội tới tiêu diệt. Tôi biết rằng Việt Quốc trước đây sống nhờ ở
tiền thuế của sòng bạc Cốc Lếu, nay sòng bạc này phải đóng thuế cho Việt Minh. Nhưng
tôi không muốn biết thêm nữa vì tôi còn bận việc ca hát và... ái tình.

Quán
Biên Thùy có ban nhạc, có ca sĩ và có luôn cả nữ chiêu đãi viên nguyên là vũ nữ
Hà Nội. Tôi bắt tình với một cô và soạn bài Bên Cầu Biên Giới. Bài này là một
trong những bản nhạc tình hiếm hoi của thời đó cho nên được phổ biến một cách rộng
rãi và nhanh chóng. Nó được soạn ra khi tôi ôm một cô vũ nữ kiêm tình báo viên
vào lòng nhưng thực ra nó phản ảnh sự viễn mơ của tôi, trong khi đang đi chiến
đấu, tuy đưa mắt nhìn về một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa nhưng vì đang
đứng trên chiếc cầu biên giới cho nên vẫn thèm được vượt cầu ra đi để sống bên
người đẹp Tô Châu hay chết bên bờ sông Danube. Từ năm 1947 đó cho tới 1975, chẳng
lúc nào tôi dám tin rằng giấc mộng này lại có thể được thực hiện một cách dễ
dàng. Nhưng sau khi bỏ nước ra đi và định cư ở Mỹ rồi thì tôi thấy rằng thực hiện
mơ ước đó là một chuyện quá dễ. Trong cuộc sống lưu vong buồn tẻ, nhiều khi tôi
tự an ủi: trong đau khổ phải xa quê hương cũng có một chút hạnh phúc, vì mình
thực hiện được một giấc mơ nuôi nấng lúc còn trẻ măng. Cái này bù đắp cái kia. Tôi
chưa có dịp đi gặp người đẹp Tô Châu nhưng đã tới sống bên sông Danube. Có lẽ
cũng chỉ nên thực hiện một nửa giấc mơ mà thôi.(1)

(1) Rồi, đi Tô Châu rồi...

Một đoàn người trai hiên ngang

Đeo trên vai nợ máu xương

Vui ra đi không buồn, nhớ, thương...

KHỞI HÀNH

Trong thời
gian ở Lào Kai với Văn Cao, tôi còn được cái thú tới hút thuốc phiện tại dinh của
một lãnh chúa người Nùng là Hoàng A Tưởng, người đang cộng tác mật thiết với
anh chàng tình báo Văn Cao. Tôi chẳng bao giờ biết nghiện một thứ gì ở trên đời
nhưng tôi rất thích nằm cạnh bàn đèn để bù khú với bạn bè. Thuốc phiện chẳng
bao giờ làm tôi say cả nhưng thứ thuốc phiện được hạ thổ lâu năm của Hoàng A Tưởng
lần nào cũng đánh gục hai “anh hùng” kháng chiến là Văn Cao và Phạm Duy.

Tại nơi
địa đầu của miền Bắc này, tôi gặp anh bạn của thời ấu thơ là Đoàn Bính, lúc này
mang biệt hiệu là Giang Cao và là Giám Đốc Nha Khoáng Chất-Kĩ Nghệ của Liên Khu
X. Giám Đốc Giang Cao đang đi công tác nghiên cứu đất đai để khai thác hầm mỏ ở
khu vực này. Anh ta bèn rủ tôi cùng đi. Chúng tôi tới địa hạt của một thứ lãnh
chúa người Nùng khác tên là Vương Chí Sình. Cũng như ở trong khu vực Hoàng A Tưởng,
tại đây gia đình nào cũng hút thuốc phiện. Cha một bàn đèn, mẹ một bàn đèn, con
trai con gái trước khi ra nương làm việc thì nằm hút với cha, với mẹ vài ba chục
điếu. Lạ lùng nhất là họ hút như vậy mà người con trai nào cũng tráng kiện, người
con gái nào cũng má đỏ môi hồng. Không có vẻ gì là thiểu não như tôi thường thấy
nơi những người nghiện ở Hà Nội. Lúc ở Lào Kai, chúng tôi còn rất trẻ, đang đi
theo kháng chiến, đang mở rộng lòng ra với cuộc đời và đang sắp sửa được nhồi sọ
về vấn đề tư sản và vô sản thì chúng tôi thấy người Nùng ở vùng này có một
phong tục về tài sản rất hay.

Đôi vợ
chồng mới lấy nhau - hoặc lấy nhau đã lâu - và khi vợ báo cho chồng biết là
mình có thai thì chồng vác cuốc đi tìm một mảnh đất hoang nào đó rồi khởi sự
khai đất ngay. Trong suốt thời gian 9 tháng 10 ngày vợ mình mang thai, mỗi ngày
anh phải tiếp tục vác cuốc ra mở rộng thêm diện tích của mảnh đất mà anh đã chọn.
Anh có thể làm việc một mình hay có bạn bè tới phụ giúp. Hoặc anh có thể thuê
thêm người giúp anh khai hoang. Miễn sao anh có một mảnh đất đã được chuẩn bị
kĩ càng cho việc gieo giống vào ngày mà vợ anh sinh nở. Ngày con anh ra đời, nếu
là con trai thì anh trồng thuốc phiện trên mảnh đất đó. Nếu là con gái thì anh
trồng bông. Đứa bé sinh ra là có ngay một tài sản. Nó lớn lên cùng với tài sản
của nó. Trong khi người ở vùng xuôi đợi cho con cái mình lớn lên rồi mới tính tới
chuyện gây dựng thì ở vùng Bắc Việt này, trong sắc tộc Nùng, cha mẹ gây dựng
cho con cái từ khi nó mới chỉ là trứng nước bào thai.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3