Hậu cung Chân Hoàn truyện (Tập 4) - Chương 27 - Phần 1
Chương 27
Đêm thu
Hôm nay là ngày Thất Tịch, tôi đoán buổi tối trong cung hẳn
sẽ mở tiệc theo lệ thường nên y nhất định không thể tới đây. Thế là tôi bèn
cùng Hoán Bích và Cận Tịch đi nấu vài món ăn đơn giản, chuẩn bị dùng bữa tối.
Đêm về gió lớn, thổi bay cái nóng nực lúc ban ngày, làm chúng
tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi thấy rau kim châm mà Cận Tịch xào ăn rất ngon,
bèn hỏi: “Còn rau kim châm không?”
Cận Tịch đang đứng dưới giàn mướp kiễng chân hái quả, nghe
vậy liền ngoảnh đầu đáp: “Còn nhiều lắm.”
Tôi suy nghĩ một chút rồi cười nói: “Vậy chi bằng hãy xào rau
kim châm, lại làm thêm món dưa chuột trộn nữa, rồi ta sẽ tự mình mang đến cho
Thư Quý thái phi.”
Cận Tịch cười, nói: “Vậy thì hay lắm, chỗ Thư Quý thái phi
vốn ít người, nương tử tới đó thứ nhất là có thể tỏ lòng hiếu thảo, thứ hai là
còn có thể chuyện trò bầu bạn với Thái phi một phen.” Nói rồi bèn quay sang
nháy mắt với Hoán Bích, lại cúi đầu, cười khúc khích không thôi.
Hoán Bích không tiếp lời, chỉ khẽ cười cho qua chuyện, đồng
thời vẫn ngồi trên ghế chậm rãi bóc vỏ đỗ. Tôi biết Cận Tịch nói vậy là có ý
gì, không khỏi cảm thấy hơi xấu hổ, chỉ đành nói: “Thư Quý thái phi dù sao cũng
là trưởng bối, ta đi thăm bà ấy là việc nên làm.”
Cận Tịch mím môi cười, nói: “Tất nhiên rồi, rất nên làm ấy
chứ.”
Tôi biết nàng ta đang lấy chuyện với Huyền Thanh ra để trêu
mình, cũng không tiện biện bạch gì thêm, chỉ lặng im chờ Cận Tịch chuẩn bị đồ
ăn xong xuôi rồi xếp vào trong hộp.
Hoán Bích đứng dậy phủi áo mấy cái, nói: “Chi bằng để nô tỳ
cùng tiểu thư qua đó một chuyến.”
Tôi mỉm cười, chỉ tay lên trời. “Trời hãy còn sáng lắm, để ta
một mình tới An Tê quán là được rồi. Dù sao cũng chỉ đi một chút rồi về, muội
và Cận Tịch cứ ở nhà ăn cơm trước đi.”
Hoán Bích khẽ “ừm” một tiếng, dõi mắt theo chân tôi ra đến
bên ngoài.
Lúc này trời còn sớm, một mảng ráng chiều rực rỡ nổi lên giữa
bầu trời biếc xanh, tựa như cây đèn lưu ly mà tôi từng nhìn thấy hồi nhỏ, những
màu sắc từ đỏ tía, xanh lam, vàng tươi, phỉ thúy tới vàng cam biến đổi không
ngừng, tựa như một dải gấm ngũ sắc trải dài giữa trời cao. Trên núi tuy gió lớn
nhưng đi đường lâu rồi, trên lưng tôi cũng rỉ đầy mồ hôi. Có điều, tôi không hề
cảm thấy nóng, còn sinh lòng đắm đuối trước cảnh sắc hiện thời, trong lòng thầm
nghĩ người ta hay kể Chức Nữ giỏi nghề dệt vải, mảng mây màu rực rỡ như gấm vóc
trước mắt này liệu có phải do chính tay nàng ta dệt thành không đây?
Thế nhưng, Chức Nữ bao năm trời nhung nhớ Ngưu Lang ở bờ bên
kia sông Ngân, trọn ngày không thành lời, khóc nghẹn lệ như mưa[41],
đằng sau áng mây màu rực rỡ này rất có thể chính là vô số giọt nước mắt thương
tâm tột độ. Suy nghĩ như vậy, cảnh sắc trước mắt dù có đẹp đến mấy cũng nhuốm
đầy nét sầu, không còn gì thú vị nữa.
[41] Trích Điều điều khiên Ngưu
tinh, vô danh. Nguyên văn Hán Việt: chung nhật bất thành chương, khấp thế linh
như vũ - ND.
Ngoài kinh đô có rất nhiều đồi núi, liên miên trùng điệp, tựa
như bức bình phong thiên nhiên xanh biếc, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến
đỉnh Phiêu Miểu, đỉnh Tha Nga, đỉnh Cam Lộ và đỉnh Lăng Vân. Đỉnh Phiêu Miểu và
đỉnh Tha Nga đứng đối diện nhau, đỉnh Cam Lộ, đỉnh Tha Nga và đỉnh Lăng Vân thì
liền thành một dải, phong cảnh tú lệ vô cùng. Chùa Cam Lộ được xây trên phần
ngọn của đỉnh Cam Lộ, An Tê quán của Thư Quý thái phi thì nằm ở hậu sơn, Thanh
Lương Đài của Huyền Thanh tọa lạc trên đỉnh Phiêu Miểu, còn nơi tôi ở là đỉnh
Lăng Vân, đỉnh này có thế núi cao và dốc nhất so với ba đỉnh còn lại, chỉ là
lại nằm giữa đỉnh Tha Nga và đỉnh Cam Lộ, do đó việc đi lại thuận tiện hơn một
chút.
Thiền phòng mà tôi trú ngụ vốn nằm tại sườn núi của đỉnh Lăng
Vân, đi từ đó tới An Tê quán cũng không xa lắm, chỉ cần chừng nửa canh giờ là
có thể tới nơi.
An Tê quán tuy nhỏ nhưng chỉ có hai người Thư Quý thái phi và
Tích Vân cô cô sống ở đó mà thôi, do đó hết sức thoáng đãng. Tôi đẩy cửa đi
vào, Tích Vân cô cô nhìn thấy tôi tới thì liền nở nụ cười tươi, vẫy tay gọi:
“Thái phi đang niệm kinh trong nội đường, nương tử hãy tạm qua đây đã”, rồi lại
cười tủm tỉm. “Nương tử tới đúng lúc thật, ta đang chuẩn bị hái ít nho mang đi
rửa đây, vừa hay có thể mời nương tử.”
Nói rồi bà ta liền dẫn tôi đi xuyên qua sân trước để tới sân
sau.
Ở cửa sân trước có trồng một cặp tùng bách, nhìn cao lớn cân
đối, lại kết hợp với những gốc ngô đồng xung quanh, phủ bóng xuống tạo thành
một vùng râm mát.
Tích Vân thấy tôi nhìn chăm chú, liền cũng đưa mắt liếc qua,
nói: “Năm xưa, khi Thái phi mới vào quán, Lục Vương gia vô cùng quyến luyến,
mang hai cái cây đến chính tay trồng ở đây rồi mới rời đi. Nhớ năm xưa hai cái
cây này còn nhỏ xíu, vậy mà giờ đã lớn thế này rồi, khiến người ta không kìm
được phải cảm thán thời gian quả như bóng câu qua khe cửa.”
Tôi khẽ gật đầu, nghĩ tới việc cặp tùng bách này là do chính
tay y trồng, không kìm được đưa tay tới sờ thử, cảm thấy cực kỳ thân thiết.
Dường như nơi bàn tay tôi chạm tới không phải là một lớp vỏ
cây sần sùi, mà là dấu tích y đã từng sờ qua, nơi đáy lòng trào dâng một nỗi
niềm vui thích.
Đi tới sân sau, tôi ngẩng lên nhìn, quả nhiên thấy có một
giàn nho lớn, vô số cành lá xanh biếc trườn bò trên những chiếc sào trúc thẳng
tắp, mỏng manh, biến toàn bộ sân sau thành một khoảng râm mát. Từ trên giàn nho
có vô số chùm nho rủ xuống, chùm thì đỏ tía, chùm thì xanh biếc, nhìn trái nào
cũng căng mọng như sắp nứt ra đến nơi, ngon mắt vô cùng.
Tôi cười nói: “Trông ngon mắt quá, Thái phi quả là có khẩu
phúc.”
Trong núi thanh tịnh, từng làn gió mát vi vu thổi tới, khiến
người ta thư thái, dễ chịu. Lời của tôi vừa dứt, Thư Quý thái phi đã chậm rãi
bước ra, cười nói: “Con tới rồi!”
Tôi hành lễ bái kiến trưởng bối xong bèn thưa: “Vốn hôm nay
là ngày Thất Tịch, con không nên tùy tiện tới quấy rầy Thái phi, có điều thị nữ
hầu cận của con mới nấu được hai món ăn vừa miệng, con nghĩ Thái phi chắc sẽ
thích ăn, liền mang tới mời Thái phi nếm thử.”
Thái phi vốn rất mực hiền hòa, khi cười trông lại càng tươi
tắn, xinh đẹp. “Ta ở chỗ này quanh đi quẩn lại cũng chẳng có việc gì, con tới
đúng lúc lắm, nếu không đêm Thất Tịch năm nay lại chỉ có ta và Tích Vân ngồi
nhìn nhau thôi, như thế thì nhạt nhẽo lắm.”
Đang lúc nói chuyện, Tích Vân đã bưng thức ăn từ trong chiếc
hộp ra, đặt xuống chiếc bàn đá dưới giàn nho. Thái phi khẽ cười, nói: “Mấy món
này chỉ mới nhìn thôi đã thấy ngon rồi, ta thích lắm!”, nói rồi liền kéo tôi
ngồi xuống. “Ta vẫn chưa dùng bữa tối, chi bằng Hoàn Nhi hãy ngồi xuống ăn cùng
ta luôn được không?”
Tôi đáp: “Con vốn định quay về nhưng Thái phi đã có lời như
thế, con tất nhiên cung kính không bằng tuân lệnh, vừa hay khi tới đây con cũng
chưa ăn gì.” Thế rồi tôi bèn giúp Tích Vân bưng từ trong hộp ra một đĩa đậu phụ
hoa hồng, một đĩa gừng tím, một bát canh mướp, ngoài ra còn có cháo trắng, toàn
những món ăn dịu mát rất hợp dùng trong mùa hè. Sau đó, ba người chúng tôi cùng
ngồi xuống ăn.
Màn đêm tối mịt dần buông xuống, bao trùm cả bầu trời. Nơi
chân trời phía đằng đông, một vầng trăng khuyết từ từ xuất hiện, cuối cùng leo
lên mãi tít ngọn cây.
Tôi và Thái phi ngồi ăn nho với nhau, Thái phi chậm rãi nói:
“Mãi tới trưa nay nghe Tích Vân nói, ta mới nhớ ra hôm nay là ngày Thất Tịch.
Cuộc sống trong núi quá mức bình lặng, làm ta quên hết tháng năm, thiếu chút
nữa còn quên cả ngày Thất Tịch.” Những ngón tay cẩn thận bóc vỏ một quả nho,
miệng bà khẽ nở nụ cười. “Kỳ thực, tiên đế qua đời đã nhiều năm như vậy rồi,
đối với ta mà nói, ngày Thất Tịch với ngày thường cũng chẳng có gì khác biệt,
nhưng mấy cô bé như bọn con thì khác, ngày này quả là có ý nghĩa vô cùng.” Nói
xong, bà liền nhìn tôi mà cười tủm tỉm.
Tôi có chút thẹn thùng, cúi gằm mặt xuống, mân mê quả nho
trong tay, thấp giọng nói: “Thái phi đang nói gì vậy?”
Bà chăm chú nhìn tôi một lát, chợt nghĩ tới điều gì, bèn hỏi:
“Thanh Nhi vẫn chưa tới sao? À, hôm nay trong cung nhất định lại tổ chức yến
tiệc, chắc nó không tới được rồi!”, sau đó lại hỏi tôi: “Có phải đã đi Thái
Bình hành cung rồi không?”
Tôi lắc đầu. “Hai năm nay, Hoàng thượng đều ở lại trong cung,
rất ít khi tới Thái Bình hành cung tiêu khiển.”
“Tuy là ở trong cung nhưng muốn ra ngoài e cũng chẳng dễ dàng
gì.”
Thái phi khẽ gật đầu, cười nói: “Chẳng trách trong ngày này
mà con lại chạy đến đây bầu bạn với một bà già như ta, hóa ra là cô độc một
mình.” Sau đó bà lại an ủi tôi: “Không phải Thanh Nhi không thương con, chỉ là
ở trong cung nó cũng có sự bất đắc dĩ của nó. Vả lại nói thực lòng, ta nghĩ bây
giờ dù đang tham gia yến tiệc nhưng trong lòng nó chắc chỉ có mình con thôi.”
Khóe miệng tôi hơi nhếch lên: “Thái phi không cần khuyên nhủ,
lòng y thế nào con tất nhiên hiểu rõ. Cho dù tạm thời không thể ở bên nhau cũng
đâu phải việc gì nghiêm trọng.”
Thái phi khẽ xoa trán tôi một cái, thở dài than: “Con có thể
hiểu rõ lòng nó như vậy là tốt rồi. Ta với Thanh Nhi mẫu tử đồng tâm, nó đối xử
với con thế nào, ta là người làm mẹ tất nhiên biết rõ. Do đó, trong lòng ta,
con cũng giống như con gái của ta vậy.”
Tôi thầm cảm động, vùi đầu xuống gối Thái phi, khẽ nói:
“Trong lòng con, Thái phi cũng giống như mẹ của con vậy.” Nói xong, hai bờ má
bất giác nóng bừng, cảm thấy hết sức xấu hổ.
Thái phi trìu mến nói: “Con đã coi ta là mẹ, ta cũng không
giấu gì con nữa, con và Thanh Nhi muốn được ở bên nhau, ắt sẽ phải trải qua rất
nhiều gian nan thử thách. Chỉ là nếu lòng các con giống nhau, tất nhiên sẽ
không có việc gì làm khó được. Có câu nói rằng tình cứng hơn vàng, con có biết
không?”
Tôi gật đầu thưa: “Dạ biết!”
Một làn gió nhẹ khẽ thổi qua bờ quá, mát rượi và dịu dàng
giống như bàn tay Thái phi, mang tới cảm giác vô cùng thoải mái.
Thái phi ngẩng đầu nhìn bầu trời đêm, bốn phía đều tĩnh lặng,
loáng thoáng có tiếng chim hỉ thước vỗ cánh bay qua. Giọng nói của Thái phi
vang lên tựa như làn nước mùa xuân mềm mại: “Thằng bé Thanh này rất giống với
ta và phụ hoàng của nó. Trước đây, ta là con gái của hàng tướng Bãi Di, theo
phụ thân vào triều đình Đại Chu, cuộc sống vốn đã khốn khó, về sau cha ta lại
mắc tội, ta liền bị đưa vào tội tịch, phải tới làm nô tỳ trong phủ của Trưởng
công chúa Vinh Đức. Sau này, Hoàng thượng vì muốn đưa ta vào cung, cho ta một
danh phận, để ta có thể ở mãi bên người, bèn bảo ta nhận Tri sự bình chương
Nguyễn Diên Niên Nguyễn đại nhân làm nghĩa phụ. Sau bao phen trắc trở, ta rốt
cuộc đã vào được cung nhưng lại chỉ được ở trong Thái Bình hành cung mà thôi.”
Thái phi dường như đã chìm vào dòng hồi ức, khuôn mặt trắng nõn được ánh trăng
mông lung mờ ảo chiếu lên, lại càng ngợp nét dịu dàng, mềm mại. “Chiêu Hiến
Thái hậu vì bất mãn với xuất thân của ta, do đó không cho phép ta vào Tử Áo
Thành nhận sắc phong. Chiêu Hiến Thái hậu là mẹ cả của tiên đế, sau khi mẹ ruột
của tiên đế là Chiêu Tuệ Thái hậu qua đời, tiên đế vốn là do bà ta chính tay
nuôi nấng trưởng thành. Với tình mẫu tử mười mấy năm như thế, tiên đế tất nhiên
không tiện làm trái ý Chiêu Hiến Thái hậu nhưng đồng thời cũng không nỡ để ta
phải chịu ấm ức, do đó mới cho xây dựng đài Đồng Hoa ở Thái Bình hành cung rồi
đón ta tới cử hành lễ sắc phong.”
Đài Đồng Hoa, đó là nơi cử hành lễ sắc phong cho Thư Quý thái
phi năm xưa, đồng thời cũng là nơi bà và tiên đế công khai đứng trước mặt người
đời, dắt tay nhau cùng tiến cùng lùi, bất chấp mọi sự ngăn cấm. Khi đó, tiên đế
đã đứng trên đài Đồng Hoa, đích thân dùng Trường tương thủ thổi bài Phượng hoàng vu phi để nghênh đón nữ tử
mình yêu. Đối với một nữ tử mà nói, tình ý đậm sâu như thế tất nhiên là một
quãng hồi ức vô cùng đẹp đẽ.
Nhưng đối với tôi, đài Đồng Hoa... Nơi khóe miệng tôi bất
giác gợn lên một nụ cười dịu dàng.
Những bông tịch nhan đêm đó trông mới thuần khiết làm sao.
Mỗi lần thương tâm, đau khổ, trong đầu tôi lại xuất hiện cuộc chuyện trò đêm
đó, tâm trạng bất giác trở nên bình lặng hơn nhiều.
Thái phi thấy tôi mỉm cười, không kìm được hỏi: “Hoàn Nhi,
con đang cười gì vậy?”
Tôi nghe thế thì giật mình tỉnh táo trở lại, cười đáp: “Con
đang nghĩ trước đây mình đã từng nhìn thấy đài Đồng Hoa, do đó mới cười thôi.”
Thái phi nói: “Phải rồi, đài Đồng Hoa cao ba trượng chín
thước, được dựng thành hoàn toàn từ ngọc thạch trắng thượng hạng, vô cùng xa
hoa, rực rỡ. Để dựng được đài Đồng Hoa, vô số người thợ giỏi đã phải bỏ ra rất
nhiều tâm huyết. Tiên đế còn sai người trồng rất nhiều cây đường lê và ngô đồng
xung quanh đài Đồng Hoa, ngô đồng... vốn là loài cây tượng trưng cho tình yêu
vĩnh cửu mà.”
Tôi gật đầu, nói: “Dạ, ngô đồng có thể mời gọi phượng hoàng
tới, quả là một giống cây cao quý tượng trưng cho sự ân ái. Qua việc này có thể
thấy tâm tư của tiên đế với Thái phi quả thực không phải là nhất thời nổi
hứng.”
Thái phi khẽ gật đầu, đường cong mềm mại dưới cằm trông như
vầng trăng non giữa trời cao. “Mỗi năm vào độ xuân hạ, đường lê sẽ nở hoa trắng
như tuyết, tỏa khắp hương thầm. Thỉnh thoảng nó còn nở hoa màu tím, lại càng
hiếm có, cảnh đẹp ấy cứ như khắp trời bay đầy sương mù màu tím, khiến người ta
đắm đuối tâm hồn. Mỗi lần vào dịp như thế, tiên đế sẽ sai các thị nữ giỏi ca
hát đứng dưới gốc ngô đồng, hát bài Đường
lê chi hoa, sau đó cùng ta dạo bước giữa đó, thưởng thức cảnh hoa nở hoa
rơi. Ta vào cung bao nhiêu năm, tiên đế đối đãi tốt với ta như thế từng ấy năm.
Tuy trong vòng một năm, có mấy tháng tiên đế phải về ở tại Tử Áo Thành, hai
chúng ta mỗi người một nơi, hơn nữa còn có sự khó chịu của Thái hậu, sự bất mãn
của Hoàng hậu, sự dị nghị của các phi tần và quan viên trong triều, nhưng tình
ý của tiên đế đối với ta chưa bao giờ thay đổi.”
“Con cũng thường nghe nói, phế hậu của tiên đế khi đó là thân
thích của Thái hậu, trong cung còn có Ngọc Ách phu nhân đắc thế, tiên đế thậm
chí đã vì Thái phi mà có hành động khóa cửa cung để trừng phạt các phi tần.”
“Tiên đế đối xử với ta quả thực rất tốt. Nếu tới ở tại Thái
Bình hành cung, ngài nhất định sẽ không tùy tiện triệu bất cứ phi tần nào khác
tới hầu hạ ngoài ta. Tuy trên cho tới Thái hậu, dưới cho tới triều thần, ai
cũng cố tình gây khó dễ cho ta, nhưng nhờ được tiên đế một lòng bảo vệ, ta
không hề cảm thấy cuộc sống trong cung hồi đó có chút gì là vất vả.”
Nghe bà nói như vậy, trong lòng tôi kỳ thực có chút sợ hãi.
Tiên đế càng chuyên sủng Thư Quý thái phi, kỳ thực lại càng đẩy bà vào cảnh đối
địch với các phi tần khác.
Chiếm trọn mọi sự sủng ái vào mình thực ra cũng ngang với
việc chiếm trọn mọi sự oán hận vào mình! Chẳng trách khi đó trên đài Đồng Hoa,
Huyền Thanh lại khuyên tôi: “Ân sủng của đế vương quá đầy thì cũng như bị hơ
trên lửa nóng, mười phần khổ sở.”
Câu nói này, e rằng cũng là lời cảm khái của Huyền Thanh về
mối tao ngộ mà mẫu phi y từng phải trải qua.
Như thế, tuy ngoài miệng Thư Quý thái phi nói là rất ngọt
ngào nhưng trong lòng hẳn cũng muôn vàn đau khổ.
Nhưng trong lòng bà, có lẽ tình ý của tiên đế mới là điều
quan trọng nhất.
“Về sau, Chiêu Hiến Thái hậu qua đời, ta cũng theo đó mà được
vào ở trong Tử Áo Thành. Tử Áo Thành tuy phồn hoa, náo nhiệt nhưng trong lòng
ta thì còn xa mới so được với sự ung dung, nhàn nhã ở đài Đồng Hoa.” Nói tới
đây, Thư Quý thái phi khẽ buông tiếng thở dài. “Tiếc rằng đương kim Thái hậu
không thích đài Đồng Hoa, cho là nó quá xa hoa, lãng phí, nhiều năm nay ta
không quay trở lại, chắc giờ nó đã trở nên hoang phế rồi!”
Tôi khẽ nở nụ cười, cất lời khuyên giải: “Vậy thì cũng có
sao, bất kể đài Đồng Hoa phồn hoa hay suy bại, trong mắt Thái phi và tiên đế,
nó vẫn mãi là nơi chứng kiến tình ý mặn nồng của hai người năm xưa.”
Thư Quý thái phi cũng mỉm cười. “Đúng thế, trong lòng ta, đài
Đồng Hoa vĩnh viễn là nơi chứng kiến tình ý bao năm của ta và tiên đế.” Rồi bà
ngoảnh đầu nhìn tôi, ánh mắt ngợp nét dịu hiền. “Ta kể lại những việc xưa cũ
thế này, có phải con thấy rất nhạt nhẽo không?”
Tôi cười đáp: “Dạ không, con vốn vẫn thích nghe kể chuyện xưa
mà. Trước đây chỉ là nghe người khác đồn thổi về tình cảm giữa Thái phi và tiên
đế, bây giờ mới được nghe chính miệng Thái phi kể lại, con tất nhiên hết sức
vui mừng.”
Thái phi tươi cười vui vẻ, ngay đến chiếc áo màu xám bạc cũng
như được nhuốm vẻ lóng lánh của ánh trăng, toàn thân đều phát sáng, lại thêm
làn gió đêm thổi tới khiến góc áo khẽ bay lất phất, nhìn bà chẳng khác gì thần
tiên trên trời. Thư Quý thái phi lúc này đã quá bốn mươi tuổi, nhưng dung mạo
bà vẫn rất trẻ trung, chừng như mấy chục năm qua không bị thời gian làm ảnh
hưởng chút nào. Nghĩ tới cảnh bà nắm tay tiên đế, đứng trên đài cao đón gió lúc
mới vào cung thuở nọ, tự đáy lòng tôi bỗng nảy sinh một niềm ngưỡng mộ vô bờ.
Thái phi khẽ nắm lấy bàn tay tôi, nói: “Cũng khá muộn rồi, ở
trong núi lại không giống với nơi khác, nếu con thấy lạnh thì chi bằng chúng ta
vào trong nói chuyện tiếp đi.”
Tôi cười đáp: “Sao lại lạnh được, chỉ là ngồi mãi trên ghế
đá, con thấy hơi khó chịu.”
Tích Vân cười, nói: “Nếu nương tử thấy khó chịu, vậy hãy cùng
Thái phi nhà ta tới bên bậc thêm đằng kia mà ngồi, chỗ đó ta đã quét dọn sạch
sẽ lắm rồi!”
Thái phi mỉm cười nhìn tôi, quay sang trách Tích Vân: “Hoàn
Nhi xuất thân khuê các, đâu có tùy tiện như người Bãi Di chúng ta, e là không
quen đâu.”