Từ Hy Thái Hậu - Chương 5 phần 01

5. LÃO PHẬT

Bà Thái hậu lại lên ngôi, trị vì một lần nữa. Vì
tuổi đã cao nên dáng điệu, tính nết biến cải như không còn nữ tính, bà thản
nhiên ngự trên ngai rồng không cần buông rèm như khi xưa. Bà ngồi trên ngai như
một người đàn ông, đối diện với đình thần, trong một khung cảnh trang nghiêm,
rực rỡ, huy hoàng. Niên tuế đã cao, tính nết đã cởi mở, độ lượng, từ bi, không
khắt khe, nghiệt ngã như hồi còn trẻ. Vì thế, bà cũng cho người cháu (ông vua
bị cầm tù) thỉnh thoảng xuất hiện trước công chúng. Về lễ tiết thu, tháng tám
(xuân thu nhị kì), bà cho phép cháu bà (vua Quang Tự) được làm chủ lễ. Ngày
mùng tám tháng tám, bà cho phép phế đế vào bệ kiến ở long điện. Trước mặt văn
võ bá quan, các thân vương, bà chấp nhận của cháu bà chín lễ (cửu bái), chứng
tỏ cho thần dân trong ngoài biết bà là vị chúa tể của toàn dân.

Bà cho phép cháu bà (vua Quang Tự) có một đội lính
đi kèm để coi chừng, đứng chủ lễ đình Kính Thiên, tạ ơn thiên địa về sự thái
bình và phong đăng hòa cốc. Bà nghĩ để cho hắn coi việc cúng lễ hơn là cai trị
người. Bà cho hành quyết sáu người Hán, can tội phản loạn, bọn này đã xúi giục
vua Quang Tự mưu phản. Bà vô cùng phẫn nộ khi hay tin tên cầm đầu Khang Hữu Vi
đã chạy thoát nhờ có sự ám trợ của người Hồng Mao. Bà cho đem giết hết những
người trong tộc đảng của Khang Hữu Vi. Thân vương Tài, bạn và đồng chí của
Quang Tự bị vợ tố cáo, bà cho bắt và hạ ngục. Người vợ của ông thân vương này
giận chồng ghét bỏ, người đó cũng là cháu gái của bà. Bà loại trừ xong những
phần tử đối nghịch, một công việc nữa cũng không kém phần quan trọng, biện minh
với quốc dân những hoạt động của bà. Bà biết hiện trong nước có hai khuynh
hướng, một khuynh hướng tán đồng, cổ võ chính sách của thiếu đế, canh tân trong
nước, tạo lập một hạm đội chiến thuyền, chỉnh đốn canh cải quân đội, thiết lập
đường hỏa xa rập theo khuôn mẫu các nước Tây phương cho hợp với trào lưu tiến
hóa. Một khuynh hướng thủ cựu, lấy lí thuyết Khổng Mạnh làm tôn chí, bế môn tỏa
cảng, có óc bài ngoại.

Bà Thái hậu cố dung hòa hai khuynh hướng đó. Bằng
những sắc chỉ, những lời phao vu bịa đặt xuyên tạc, do bọn thái giám tung ra
trong dân chúng bằng đường lối truyền khẩu, rỉ tai, vua Quang Tự đã phạm vào
nhiều lỗi lầm rất nguy hại, nếu bà Thái hậu không kịp thời ngăn chặn tổ quốc sẽ
lâm nguy. Ông vua đã âm mưu sát hại bà cô già và thông đồng với ngoại nhân để
ám trợ. Ngoại nhân lợi dụng sự khờ khạo của ông để xâm chiếm toàn thể lãnh thổ.
Hai tội tày trời đó cũng đủ lí do chứng minh, vì non sông vì tiền đồ của quốc
dân, bà Thái hậu lại phải một lần nữa chèo chống con thuyền quốc gia. Những
người bảo thủ, thấm nhuần nho giáo, không thể nào chấp nhận một đường lối bất
chính, bất nhân của thiếu đế đối với một bực trưởng thượng. Bọn người có xu
hướng canh tân cũng không thể tha thứ vị thiếu quân kết liên với người bạch
chủng hay quân giặc người Hán.

Lời phao vu, tuyên truyền này của bà Thái hậu rất
điêu xảo, tinh vi, chỉ trong vài tháng toàn dân chấp nhận bà là một nữ Hoàng đế
chân chính, thậm chí cả những người ngoại quốc cũng muốn giao dịch với một nữ
đế có uy quyền có nghị lực hơn là một thiếu quân ươn hèn.

Lão phật với sự khôn ngoan vượt bậc, sự tế nhị đã
hoàn toàn thành công, đánh đổ tất cả các dư luận bất lợi cho bà. Bà biết bọn
người đàn bà là lợi khí sắc bén, bà dã dùng lợi khí đó để “chiêu dụ” các sứ
thần, quan lại ngoại quốc. Bà cho mời các bà đại sứ, quan lại Tây phương, vào
trong hoàng thành dự yến. Suốt trong đời bà, lần thứ nhất bà được nom tận mắt
bọn người da trắng. Tuy trong lòng bà rất ghét song cũng cho mời bọn này vào
cấm thành yến tiệc. Bà biết nếu bà chinh phục được bọn người đàn bà này, gây
được cảm tình với họ. Bà sẽ chinh phục được bọn đàn ông, chồng của chúng. Bà
chọn ngày sinh nhật của bà, không phải một lễ tiết quan trọng, nhưng là ngày
sinh nhật hàng năm (năm bà sáu mươi tư tuổi), bà mời bảy người đàn bà, vợ của
bảy sứ thần ngoại quốc.

Bà ra chỉ thị cho sửa soạn, xếp đặt đón tiếp. Hoàng
thành trở nên nhộn nhịp, các thể nữ tò mò muốn xem người da trắng thế nào, các
a hoàn bận rộn, lần thứ nhất những người đàn bà ngoại quốc được xâm nhập vào
trong cấm thành. Duy chỉ có bà Thái hậu rất bình thản, bà nghĩ nên cho dò hỏi
xem họ thích những món gì? Bà cho thái giám đến hỏi các tân khách, tôn giáo họ
có được dùng thịt không? Họ ưa dùng trà Trung Hoa, nước xanh pha loãng hay trà
Tích Lan, nước đen và đậm, họ còn thích dùng bánh ngọt rán với mỡ heo tay bằng
dầu thảo mộc. Thực ra bà không cần để ý họ trả lời ý muốn thế nào, bà làm theo
ý bà, tuy nhiên bà theo phép lịch sự xã giao mà hỏi cho có lệ.

Bà không thiếu sót một chi tiết nào. Đến trưa bà cho
một lính kị mã người Hán, quần vàng, áo đỏ đến các sứ quán báo tin, kiệu song
loan đến sau. Một giờ sau, những chiếc kiệu loan đến, mỗi kiệu có năm phu kênh,
có một toán lính kị mã đi hộ tống đến chờ ở sứ quán Hồng Mao. Để cho thật chu
đáo, theo đúng nghi lễ Thái hậu phái một viên quan ở bộ ngoại giao đi kèm với
bốn thông dịch viên, mười tám lính kị mã, sáu chục ngự lâm quân đi hộ tống.

Đến cổng ngoài Di Hòa cung, đoàn người dừng lại, các
tân khách xuống kiệu. Có bảy chiếc kiệu loan, đệm bọc vóc đỏ, sáu thái giám áo
vóc vàng thắt lưng đỏ đã chờ sẵn phía trong cổng.

Đến cổng thứ nhì, các tân khách lại xuống kiệu, được
mời lên đoàn xe lửa ngoại quốc có đầu máy chạy bằng hơi nước kéo đi. Đường
thiết lộ này nguyên của cựu đế Quang Tự cho thiết lập từ mấy năm trước để tiêu
khiển và học hỏi. Đoàn xe đi ngang qua cấm thành đến chính điện. Các tân khách
được các thân vương huyết thống (Princes de sang) tiếp đón, mời dùng trà trước
khi được hướng dẫn tới long điện. Ở đó Hoàng thượng và Hoàng hậu đã chờ sẵn. Bà
Thái hậu, một người ngoại giao đại tài, mưu trí thủ đoạn hôm đó cho phế đế
Quang Tự ngồi bên tay mặt ngai, bà Thái hậu ngồi bên tay trái để cho người
ngoại quốc nhìn thấy một khung cảnh gia đình đầm ấm, trên dưới tôn ti.

Các vị phu nhân các sứ thần đứng trước ngai rồng,
một thông dịch viên ngự tiền văn phòng giới thiệu trước ngai rồng, từng người
theo thứ tự những vị nào đến nhiệm sở lâu ngày ở Bắc Kinh. Cuộc giới thiệu chấm
dứt, thân vương Chinh hướng dẫn lên trình diện trước ngai rồng.

Bà Thái hậu để ý quan sát từng khuôn mặt, bà rất
ngạc nhiên lạ lùng, nhưng không để lộ cảm xúc. Bà ngồi trên ngai, cúi về phía
trước hai tay giơ ra, niềm nở nắm tay từng người, mỗi người bà đeo tặng ở ngón
tay một chiếc nhẫn vàng có gắn hạt trai thật đẹp.

Người nào cũng cám ơn bà Thái hậu, bà gật đầu mỉm
cười. Tiếp xong các tân khách, bà xuống ngai, rời long điện bọn thái giám xếp
thành vòng cung đi sau bà như một tấm rèm.

Bà về tư dinh, bà giơ cánh tay phải ra hiệu, cho
“dẫn độ” “Hoàng thượng” trở về ngục thất.

Bà Thái hậu dùng cơm trưa có các thể nữ sủng ái thị
hầu. Trong khi đó các tân khách ngoại quốc dự yến ở đại sảnh trong cung với các
thể nữ thường, bọn thông dịch viên và vài người thái giám.

Hôm đó bà Thái hậu rất vui vẻ, bà và tất cả mọi
người đều rất lạ và thích nhất màu sắc mắt của mấy người đàn bà ngoại quốc, mắt
màu xám nhạt, vàng hay xanh như mắt mèo rừng. Bà chê họ có vẻ thô kệch, nhưng
khen nước da họ đẹp thật, trắng hồng, mịn màng trừ có người Nhật, nước da bánh
mật. Theo bà nhận xét, người đàn bà Hồng Mao đẹp nhất đám, người Đức quần áo
chải chuốt hơn cả. Bà chê cái mũi cao lênh khênh của người đàn bà Nga La Tư.
Còn người đàn bà Mỹ, bà thấy hao hao giống một vị nữ tu sĩ, nét mặt nghiêm nghị
rắn rỏi. Các thể nữ cười ngặt nghẹo, vỗ tay tán thưởng bà phê bình đúng quá,
chưa bao giờ họ thấy bà vui tính như ngày hôm nay. Ăn cơm xong, bà Thái hậu
thay xiêm y và nữ trang trở lại long điện. Lần này có Hoàng hậu đứng cạnh bà ở
bên tay ngai. Các tân khách trở vào cung điện để bà Thái hậu giới thiệu với cô
cháu dâu. Bà rất thích thú nhận thấy trong khóe mắt của các tân khách ánh lên
sự thán phục. Khen ngợi những xiêm y lộng lẫy và những đồ trang sức của Hoàng
hậu. Hai lần ra mắt tân khách, chưa lần nào bà Thái hậu mặc những xiêm y, đeo
các đồ trang sức đẹp nhất. Mấy người đàn bà ngoại quốc khen ngợi những xiêm y
và đồ trang sức của bà. Bà muốn cho bọn người này ngạc nhiên đến lần thứ ba và
cũng là lần chót bà ra mắt, bà sẽ thay đổi phục sức cực kì lộng lẫy. Bà rất
hoan hỉ, đứng dậy chào hỏi mọi người, bà nắm tay họ đặt lên ngực bà và lên ngực
họ, luôn luôn đọc lên một câu châm ngôn của một hiền triết cổ: “Tứ hải giai
huynh đệ.”

Khi thông dịch viên dịch sang Anh, Pháp, mọi người
trầm trồ khen ngợi câu nói rất hay. Bà mời tân khách coi một vở hát, bà có nhã
ý tự soạn để chào mừng tân khách. Thông dịch viên dịch sang Anh, Pháp ngữ cho
mọi người đều hiểu sự tích vở hát. Một lần nữa, bà lại cáo lui, trở về tư dinh
bà thấy người hơi mệt, bà tắm nước nóng có pha nước bông. Bây giờ bà chọn một
chiếc áo cực kì lộng lẫy, một chiếc áo vóc vàng, thêu đàn chim phụng bằng chỉ
ngũ sắc và kim tuyến. Bà đeo chuỗi hạt trai tuyệt đẹp, trê đầu mười ngón tay có
những chiếc tháp nhỏ bằng vàng bảo vệ ngón tay. Chiếc mũ miện có gắn những viên
ngọc quý ở Miến Điện, bạch ngọc Ấn Độ, hồng ngọc, lam ngọc lóng lánh giữa những
viên kim cương sáng chói ở Phi Châu. Tất cả thể nữ đều công nhận, chưa bao giờ
bà Thái hậu lại đẹp lộng lẫy như lần này. Nước da bà trắng nõn, mịn màng, đôi
môi đỏ chót, hai mắt long lanh, mặc dù niên tuế đã cao, bà vẫn như còn ở trong
tuổi thanh xuân.

Bà trang điểm xong, trở lại đại sảnh, lúc đó các tân
khách đang thưởng thức trà và bánh ngọt. Bà đến như tiên nga giáng trần, ngồi
trong kiệu loan, bọn thái giám khênh đến tận ngai rồng. Tất cả thực khách đứng
dậy nét mặt tươi cười, sự ngưỡng mộ thấy trong các khóe mắt. Bà Thái hậu nhấc
cao chén trà uống một ngụm, lần lượt mời các tân khách lại gần cạnh bà, một tay
bà cầm chén trà, bà lại nhắc câu triết lí cổ nhân: Tứ hải giai huynh đệ. Bà
truyền thái giám đem lại tặng mỗi vị tân khách một món quà kỉ niệm: Một chiếc
quạt, một tấm tranh lụa chính tay bà vẽ, một đồ trang sức bằng ngọc.

Cuộc triều kiến được kết thúc với sự hoan hỉ và lòng
nhiệt thành cảm tạ của tất cả các tân khách.

Mấy hôm sau, bọn thám tử đến tâu với bà, những người
đàn bà ngoại quốc khoe với chồng họ sự tiếp đãi của hoàng gia thật là nồng hậu.
Họ tấm tắc khen ngợi bà. Họ nói một người đàn bà vừa đẹp, vừa có độ lượng, bặt
thiệp không thể nào có tâm địa ác độc, làm hại người khác. Bà Thái hậu cũng cho
họ nhận xét đúng.

Bà đã thành công, gây được thiện cảm với tất cả mọi
người, trong cũng như ngoài, bà để trọng tâm diệt hết phiến loạn và bọn người
chủ trương cải cách, đặt toàn dân dưới một chế độ, một chủ trương, đạt tới mục
tiêu đó, bà củng cố uy danh của bà. Nghĩ đến vấn đề đó, bà thấy sự hiện hữu của
phế đế là một chướng ngại vật, làm cản trở việc thực hiện ý định đó. Phế đế có
bộ mặt buồn buồn, lúc nào cũng có vẻ suy tư, tính ôn hòa dễ bảo, gây được thiện
cảm với nhiều người. Một lần nữa, vì quyền lợi chung của triều đại, của dân
tộc, bà lại ra tay hành động một cách quyết liệt. Tên thái giám Lý Liên Anh ỏn
thót, xúc xiểm:

- Tâu Thái hậu, phế đế còn sống ngày nào, khuynh
hướng trong nước bị phân chia. Tình trạng này kéo dài sẽ có hai khuynh hướng
đối nghịch, người ta sẽ chọn đường lối của Thái hậu hay phế đế. Người Hán, bẩm
sinh có tính ác hiểm, họ thấy trong nước không thuần nhất, có sự chia rẽ phái này,
phái nọ, họ mừng lắm. Bọn chủ mưu hoạt đầu, lúc nào cũng âm mưu trong bóng tối.
Họ tuyên truyền, nhắc nhở dân chúng, người Mãn Thanh cai trị chúng không phải
người Hán. Chỉ có Thái hậu đem lại thanh bình vì uy tính Thái hậu vang lừng
trong dân chúng.

Bà thở dài nói:

- Nếu cháu ta là người có tư cách, có nghị lực, ta
sẵn sàng giao phó trọng trách cho hắn.

- Tâu Thái hậu, phế đế không phải người có uy quyền,
có nghị lực, một người nhu nhược, bất chấp. Ông đã nghe bọn phản loạn người
Hán, không suy xét, hiểu thâm ý của họ. Như thế, mặc nhiên ông đã phá hủy triều
đại mà không biết.

Bà không nói gì, cho hắn nhận xét rất đúng, rất
phải. Tên thái giám đứng chờ tưởng thế nào ba cũng cho chỉ thị để thi hành tức
khắc.

Ngày hôm đó, bà đi bách bộ trước tư dinh, ngắm chiếc
cù lao giữa hồ, mặt hồ đầy sen, cháu bà hiện bị cầm tù ở đó. Không thể gọi nơi
đó là ngục thất, một tòa lâu đài, trang bị đồ đạc rất diễm lệ, đủ tiện nghi,
trong một khung cảnh rất vui tươi. Bà nom thấy cháu bị cầm tù đi chơi trên tù
lao, bọn thái giám đứng ở xa vẫn để ý theo dõi.

Bà nghĩ bọn người có phận sự canh gác nên thay đổi
luôn luôn, không nên để mãi, sợ lâu ngày, phế đế gây cảm tình với họ. Cho đến
giây phút này chưa thấy có triệu chứng gì họ phản trắc. Chiều nào bà Thái hậu
cũng nhận được bản sao tờ báo cáo về người cháu bị cầm tù, nên bà hiểu rõ những
tư tưởng thầm kín của hắn. Có một tên trong bọn thái giám được cắt cử canh gác
phế đế, người đó tên là Hoàng, người này có nhiều điểm đáng ngờ vì tờ báo cáo
hàng ngày hắn gửi, ca tụng tính nết phế đế.

“Hoàng thượng, hàng ngày đọc những sách có giá trị.
Khi nào ngài chán đọc sách, ngài vẽ hay làm thơ.”

Suy nghĩ lời lẽ trong tờ báo cáo, đột nhiên bà thay
đổi ý định, bà nghĩ chưa đến lúc cần phải giết. Bà đã chọn hắn lên ngôi, bà
không muốn chịu trách nhiệm về việc giết hắn. Bà cầu mong cho hắn chết nhưng để
cho “Hoàng thiên” xếp đặt, định đoạt.

Với một giọng lạnh lùng, dứt khoát và như cấm không
được hỏi lại, bà hỏi Lý Liên Anh:

- Từ rày không được nói đến việc viễn du của Hoàng
thượng ở suối vàng. Việc đó sẽ do lòng Trời định đoạt.

Tên thái giám cúi đầu, phụng mệnh.

Thật không ai có thể ngờ tưởng, quân giặc người Hán
nhờ có tên thái giám làm môi giới, trung gian đã liên lạc được phế đế. Một buổi
sáng vào tuần trăng thứ mười, phế đế lợi dụng sự ơ hờ, bất cẩn của bọn người
canh gác, đã trốn thoát, chạy ra rừng thông, đến một bãi ở phía bắc cù lao, ở
đó đã có một chiếc thuyền chực sẵn. Một tên thái giám đã nhìn thấy chiếc vạt áo
ông biến sau rặng cây, bọn người đuổi theo và bắt được ông, lúc ông sắp xuống
thuyền.

- Chúng con xin Thiên tử đừng trốn, nếu Thiên tử
trốn, lão phật sẽ cho chặt đầu chúng con.

Lời van nài của bọn thái giám thật công hiệu, ông
vua nhân từ thấy họ van nài, ông không nỡ, ngập ngừng không xuống thuyền. Người
lái thuyền, một tên giặc người Hán, giục ông xuống thuyền gấp, đừng nghe họ mà
bỏ lỡ đại sự, mặc kệ họ, dù họ có chết cũng không sao. Phế đế nhìn mặt bọn
người, trong số đó có một thằng nhỏ mới lớn lên thằng này rất ngoan, thường
nhật hết lòng hầu hạ ông. Ông nhìn thấy nó mếu khóc, ông không nỡ lòng bỏ nó để
lên thuyền. Ông lắc đầu, người lái thuyền không dám chờ lâu, đành lẽ đánh
thuyền đi, chiếc thuyền mất dạng trong đám sương mù buổi sáng.

Câu chuyện thương tâm đó đến tai bà Thái hậu, bà vô
cùng căm phẫn người cháu (phế đế). Bà hạ lệnh giết hết tất cả những ai (thân
vương, các quan lại) a tòng, ám trợ phế đế, âm mưu phản lọan. Còn phế đế, bà
không cần giết vội vì bà có cách chế ngự rất hữu hiệu. Theo học thuyết Khổng
giáo, người Hàn bài xích thiếu quân vì chủ trương âm mưu chống đối lại với một
bà cô già nua. Chính thiếu quân cũng tự hiểu vì ông là người có lương tâm và đã
được thấm thuần học thuyết Khổng Mạnh.

Nhung Lữ đến xin yết kiến Thái hậu và khẩn cầu Thái
hậu mở lương từ bi:

- Tâu Thái hậu, nếu dân chúng không tán thành lại
cuộc âm mưu chống đối lại Thái hậu, dân chúng cũng không tán thành Thái hậu sát
hại thiếu quân dù thiếu quân chết một cách đột ngột bất đắc kì tử. Tốt hơn hết
là giam giữ thiếu quân lại không để cho làm một lợi khí tiếp xúc với ngoài. Nhưng
bề ngoài vẫn phải có phong độ. Trong mười ngày nữa có sứ thần Nhật Bản và các
thuộc quốc vào triều kiến, Thái hậu nên cho phép thiếu quân đứng thị hầu bên
cạnh ngai. Thái hậu nên tỏ ra khoan dung, đại độ cả với người thứ phi
Ngọc.

Bà giơ cả hai tay lên trời tỏ ý bảo Nhung Lữ im. Bà
không muốn nghe ai nhắc đến tên đó. Giờ đây, không còn là một người vợ nghe
chồng khuyên nhủ mà là bà Hoàng Thái hậu với hai con mắt lạnh lùng. Nhung Lữ
lảng sang nói chuyện khác.

Hiện nay trong nước thái bình song dân tình xao
xuyến. Mối câm thù người bạch chủng nổi lên dữ dội. Trong tỉnh Quảng Châu, dân
chúng giết người tu sĩ Hồng Mao. Sự kiện đó gây khó khăn, lộn xộn cho nhà cầm
quyền. Người Hồng Mao đòi phải bồi thường thỏa đáng và còn yêu sách về đất đai,
đòi đặt thêm tô giới.

Bà Thái hậu đùng đùng lên cơn phẫn nộ. Hai bàn tay
nắm chặt, bà đập lên hai đầu gối, thét lên:

- Lại chuyện mấy thằng tu ngoại quốc. Làm sao chúng
không ở trong nước chúng, đến đây làm gì? Mình có phái thầy tu nước mình đến
nước họ để phá hoại thần của chúng đâu? Đó là kết quả tai hại những trân mình
thua với bọn Tây phương. Họ buộc mình phải kí hòa ước để cho bọn thầy tu, lái
buôn của họ được nhập cảnh vào nước ta.

Bà tuyên bố:

- Ta thề phải trừ khử bọn ác ôn này.

Bà ngồi trầm ngâm suy nghĩ, hai mắt sầm lại, hai
vành môi đỏ cắn chặt. Bà làm như không biết Nhung Lữ đứng đó. Nhung Lữ thấy bà
ngồi yên, hắn quỳ xuống lạy rồi lặng lẽ đi ra. Bà vẫn ngồi yên, đầu cúi, lúc
Nhung Lữ đi ra bà cũng không ngửng mặt lên.

Tháng chạp năm đó, trong tỉnh Hồ Bắc lại có một thầy
tu bị giết. Họ giết rất dã man, kinh rợ, lột hết quần áo, tùng xẻo cắt từng
miếng thịt. Thiên hạ phao đồn bọn thầy tu ngoại quốc là bọn phù thủy, ăn cắp
con nít, khoét mắt, giã xương thành bột luyện thành bùa.

Bà Thái hậu vô cùng phẫn nộ, bà biết, dân chúng sát
hại thầy tu ngoại quốc là một nguy cơ, người ngoại quốc sẽ phản kháng mãnh
liệt, bà đã nhìn thấy bóng dáng chiến tranh xuất hiện.

Đúng thế, các nước kết liên lại chống bà: Nga La Tư,
Anh Cát Lợi, Pháp, Đức... đều tỏ thái độ quyết liệt. Nước Pháp lấy cớ nhiều nhà
truyền giáo bị giết trên lãnh thổ Trung Hoa, yêu sách một tô giới ở Thượng Hải.
Nếu yêu sách đó không được thỏa mãn, sẽ tuyên chiến. Bồ Đào Nha yêu sách những
phần đất đai ở MaCao, nước Bỉ đòi hai tu sĩ bị giết bằng một phần đất ở
Hán Khẩu. Người Nhật yêu sách ở phần đất phì nhiêu nhất ở Phúc Kiến. Tây Ban
Nha cũng tiềm cách trả thù cho bọn tu sĩ bị sát hại. Ý Đại Lợi tỏ ra ương ngạnh
nhất, sứ thần họ yêu sách phải nhượng bộ họ vịnh Sầm Côn trong tỉnh Chiết
Giang, một hải khẩu đẹp nhất của Trung Hoa.

Trước tình thế nguy khốn, các nước Tây phương bu lại
xâu xé, vô cùng tai hại, bà Thái hậu cho họp hết quân thần, các thân vương,
trong một cuộc thiết triều khẩn cấp và đặc biệt. Bà cho triệu hồi khẩn cấp
tướng Lý Hồng Chương, lúc đó đảm trách trùng tu con đê sông Hoàng Hà bị nước
lên to đe dọa.

Hôm thiết triều, trời oi bức, nóng lắm, có một trận
bão cát từ mạn Tây Bắc thổi tới. Trong không khí có lẫn chất cát rất nhỏ, sự hô
hấp rất khó khăn. Các đình thần, các thân vương chờ bà Thái hậu lâm triều, phải
lấy khăn tay che mặt. Bà mặt triều phục rất uy nghiêm, lộng lẫy xuống kiệu
loan, vịn vào cánh tay Lý Liên Anh đi thẳng lên ngai rồng. Dáng điệu bà rất uy
nghiêm, bình tĩnh, các quan phải noi theo. Tất cả mọi người làm lễ, tung hô trước
ngai rồng. Bà nhận thấy ngay Nhung Lữ vắng mặt. Bà hỏi Lý Liên Anh:

- Quân cơ đại thần Nhung Lữ đâu?

- Muôn tâu Thái hậu, ông có nói ông bị đau đầu không
đến triều kiến được. Hạ thần nghĩ chỉ là một cớ để không vào bệ kiến vì quyết
định của Thái hậu cho triệu thỉnh Lý Hồng Chương.

Mấy lời “ám hiểm” của tên thái giám như một mũi tên
cắm vào giữa trái tim bà Thái hậu. Tuy nhiên, bề ngoài bà vẫn bình tĩnh, điềm
đạm, uyển chuyển như thường.

Bà cho gọi các quan lại, các thân vương, từng người
một đến gần ngai cho bà ý kiến từng cá nhân về tình thế biến động, bà chăm chú
để tai nghe lời tâu trình. Viên lão tướng Lý Hồng Chương là người cuối cùng lên
bệ kiến. Ông đi rất nặng nề, chậm chạp, quỳ xuống trước ngai rồng có vẻ khó
khăn. Hai thái giám phải xốc nách đỡ, tuy thế bà không cho phép được ngồi. Hôm
đó, bà bắt buộc mọi người phải tuyệt đối phục tùng. Điều gì bà không chấp
thuận, không ai được nhắc đến.

- Lão tướng, lương đống của triều đình, có ý kiến gì
nói lên trẫm nghe.

Lý Hồng Chương đầu vẫn cúi gâm, thưa:

- Muôn tâu Thái hậu, đó là cả một vấn đề, hạ thần đã
nghiên cứu trong bao nhiêu tháng nay. Chúng ta hiện nay bị quân thù bao vây.
Ngôn ngữ, phong tục tập quán, đường lối sinh hoạt của bọn họ khác hẳn ta. Hạ
thần thiển nghĩ, chúng ta nên tránh cuộc binh đao vì giao tranh với quân địch
có quân số đông khác nào nhảy vào miệng chó sói. Ta nên khôn ngoan, tìm trong
các nước thù địch với ta một nước, ta có thể kết liên làm đồng minh. Chẳng hạn
như Nga La Tư, một nước thuộc Châu Á như ta.

- Kết liên, xây tình hữu nghị với họ, ta phải trả
giá thế nào?

Giọng nói nhỏ nhẹ, lạnh lùng của Thái hậu làm viên
lão tướng sợ quá, run lên. Bà nom thấy hai tay ông, hai bàn tay chắp lại run run. Ông không trả lời, bà cất to giọng,
nói:

- Trẫm trả lời câu hỏi của trẫm đặt ra. Mình phải
trả một cái giá quá cao. Cần gì phải đánh bại tất cả quân thù để rồi làm chư
hầu, nô lệ cho một nước. Ở trên đời này, thử hỏi có nước nào chịu đem tiền bạc,
xương máu cho không một nước khác không? Ta chưa thấy một người nào hào hiệp như
thế. Chúng ta phải tự lực quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi. Tất cả người bạch
chủng, đàn ông, đàn bà, con nít phải được tống xuất ra biển. Ta không nhượng bộ
gì hết. Ta thu lại tất cả những gì thuộc về ta.

Bà đứng lên nói. Mọi người hiện diện lúc đó tưởng
như bà là một tiên nữ giáng phàm, người cao lớn, có phép nhiệm màu. Hai mắt bà
sáng ngớt, hai má ửng hồng, bà dang thẳng hai cánh tay, hai bàn tay xòe ra,
những chiếc tháp nhỏ bằng vàng bảo vệ móng tay nom tựa như móng vuốt. Bà như có
sức mạnh phi thường nhập thể. Cơn phẫn nộ của bà như sấm sét, nhãng quang bà
loang loáng như những tia chớp. Tất cả mọi người phủ phục, trán chạm đất. Bà
nhìn những chiếc lư cúi rạp, lòng tự cao tự đại bốc lên ngùn ngụt, bà say sưa
như một chất men nóng chạy trong huyết quản.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3