Bên Bờ Thiên Mạc - Chương 4 - Phần 1

Chương 4

Tới Xuân Đình,
Trần Quốc Tuấn vào chầu Nhân Tông. Ông thấy vị vua trẻ tuổi ngồi khoanh chân
bằng tròn, ngâm thơ trước một bát nước lã đun sôi bốc khói nghi ngút: “Trước xóm, sau thôn tựa khói lồng, Bóng
chiều man mác, có như không. Theo hồi sáo trúc, trâu về hết, Cò trắng theo đôi,
đáp xuống đồng.”
Từ căn nhà trống trải, những lời thơ ca ngợi cảnh Thiên
Trường êm dịu lan ra mảnh vườn vắng vẻ và không có tiếng vang vọng lại. Trần
Quốc Tuấn giơ tay ra hiệu ngăn Trần Bình Trọng đứng lại. Ông nói nhỏ:

- Quan gia sẽ cứ
ngâm thơ như thế cho đến sáng đấy!

Quốc Tuấn rất hiểu
lòng vị vua trẻ tuổi mà nạn nước đã buộc phải rời kinh thành. Nhân Tông biết
nghe lời những bậc cha chú.

Nhân Tông hiểu
biết sớm trước tuổi. Cũng may trong triều có những người bầy tôi giỏi. Họ đã
từng cầm quân chống giặc trong nạn nước năm Đinh Tị. Họ biết đề phòng giặc ngay
cả khi đất nước thái bình và vẫn thường đem những chuyện xưa tâu Nhân Tông.
Dòng máu Đông y của những người hào kiệt hai mươi bảy năm trước đây đã chảy
mạnh trong người Nhân Tông, làm cứng rắn tâm hồn vị vua trẻ tuổi. Trần Quốc
Tuấn áy náy vì nhà vua đang đói nhưng ông cũng yên lòng khi thấy Nhân Tông ung
dung, sớm quen với những khó khăn mới trong chiến chinh, trong nạn nước... Quốc
Tuấn quay trở ra. Ông bảo Trần Bình Trọng tìm thức ăn dâng nhà vua. Nhưng số
khoai mà quân Thánh dực ăn hồi trưa đã hết. Dân Xuân Đình và những thôn làng
lân cận đi vào chỗ cất giấu lương thực trong bãi lầy để lấy chưa về. Có thể
canh ba đêm nay họ mới về tới làng. Quốc Tuấn chừng biết tính Trần Bình Trọng.
Ông cười bảo vị tướng Thánh dực:

- Đến chúng ta tìm
một chút lương ăn dâng quan gia mà còn khó, huống hồ bọn giặc nước. Bảo Nghĩa
hầu nên mừng chứ không nên bực tức. Có điều phải dặn dân để lương sao cho kín,
địch không thể tìm thấy, còn ta khi cần đến lại đem ra được dễ dàng.

Trần Quốc Tuấn
chống gậy bước vào một căn nhà khác kề bên căn nhà của vị vua trẻ. Nhà vắng
chủ, chỉ có một đứa trẻ lên hai ngồi chơi một mình trong một cái hòm gian to mở
nắp. Đứa bé chắc đã quen chơi tha thẩn một mình nên nó không khóc. Nó lại còn
cười với Trần Quốc Tuấn khi vị Tiết chế già bước lại gần. Quốc Tuấn ngồi xuống
bên cái bếp nhỏ giữa căn nhà. Ông gầy chút lửa để sưởi...

Đêm xuống dần.
Những mẩu nến mang từ kinh thành đi đã được thắp lên trong một vài căn nhà yên
ắng. Tiếng ngâm thơ của vị vua trẻ nhà bên kia vẫn dìu dịu vẳng ra:

... Ngủ dậy vẳng nghe chày đập vải

Chùm hoa mộc trắng đọng trăng xanh.

Mấy câu thơ làm
Trần Bình Trọng bồi hồi. Ông đã từng được nghe Nhân Tông ngâm mấy lần hồi còn ở
Thăng Long. Những lời thơ ca ngợi vẻ đẹp của kinh thành trong đêm trăng gợi nhớ
trong lòng Trần Bình Trọng, một người hết mực yêu quý Thăng Long. Ông thốt
nhiên yêu mến gấp bội nhà thơ trẻ và thấy tất cả vẻ ung dung thư thái của một
con người tin tưởng sắt son vào sự vững bền của đất nước. Trần Bình Trọng nhìn
qua khuôn cửa về phía hướng kinh thành. Khói đã thôi bốc, lửa thôi nhuốm vầng
mây. Thăng Long ở về phía đó. Trần Bình Trọng tự nhủ: “Dân ta như vậy, quân ta
như vậy, quan gia và Quốc công như vậy. Thăng Long sẽ trở lại thành quốc đô.”
Đó là niềm tin sáng chói trong lòng ông tướng Thánh dực và cũng là lời nguyền
chân thành của ông... Trước khi đi ngủ, vị vua trẻ đã ra lệnh cho Trần Bình
Trọng sang hầu bên nhà của Quốc công Tiết chế. Nhân Tông dặn Trần Bình Trọng:

- Bảo Nghĩa hầu
nên nhắc Quốc công Tiết chế nghỉ cho lại sức. Việc nước còn phải lo nhiều đấy!

Trần Bình Trọng
tuân lệnh. Ông sang bên nhà Quốc Tuấn. Căn nhà yên tĩnh lạ thường. Trần Bình
Trọng khoanh tay đứng, ông suy nghĩ sâu xa về câu nói của Nhân Tông. Ông lặng
lẽ ngắm Tiết chế Trần Quốc Tuấn đang bế đứa bé con người chủ nhà. Đứa bé ngọ
nguậy khóc ra rả. Quốc Tuấn khẽ rung đôi tay và nựng nó. Chiếc khóa bạc nhỏ xíu
đeo ở cổ chân đứa bé reo lên những tiếng lanh canh vui tai. Trần Bình Trọng
chợt thấy Quốc Tuấn chăm chú ngắm chiếc khóa bạc. Tiết chế mỉm cười và cất
giọng bình một đoạn văn cổ để ru đứa bé. Trần Bình Trọng kinh ngạc khi nghe
giọng bình văn êm dịu của Tiết chế. Ông nhớ lại trước đây mỗi lần bình văn cổ,
tiếng của Quốc Tuấn bao giờ cũng sang sảng như tiếng đồng... Thế mà lần này...
Tiếng bình văn đều đều êm ái vẫn lan nhẹ ra. Đứa bé nín. Nó mở mắt nhìn người
bế rồi êm tai, thiu thiu ngủ...

Trần Bình Trọng
đắn đo chờ dịp nhắc lại lời dặn của Nhân Tông. Nhưng Quốc Tuấn vẫn đều giọng
bình văn và ông bình đi bình lại có một đoạn văn ấy. Tiếng bình văn phảng phất
vẻ lơ đãng rót mãi vào tai Trần Bình Trọng. Vị tướng Thánh dực ngạc nhiên, chú
ý xem xét. Đột nhiên Trần Bình Trọng hiểu rằng người bình văn đang mải mê suy
nghĩ một việc khác, Trần Bình Trọng lặng ngắm đôi lông mày rậm đang nhíu lại
trên gương mặt Quốc Tuấn. Căn nhà trở nên yên ắng lạ thường và tiếng ngâm thơ
chỉ là nền của một bầu không khí trang nghiêm chứa đựng biết bao tư tưởng lớn
có liên quan tới vận nước.

Vị tướng Thánh dực
băn khoăn về lời căn dặn của Nhân Tông. Từ trước tới nay Trần Bình Trọng chưa
hề trái mệnh vua bao giờ. Nhưng lần đầu tiên, ông cảm thấy mình không thể nhắc
lại lời dặn của nhà vua vào lúc này với Trần Quốc Tuấn được. Tâm trí Quốc công
Tiết chế đang dồn hết vào việc nước. Làm kinh động, phá rối phút yên tĩnh trang
nghiêm quý báu này của Quốc công Tiết chế không phải là tuân mệnh vua mà là một
tội lỗi. Trần Bình Trọng cứ khoanh tay đứng như tượng đá trong góc nhà... Mãi
tới lúc vạc kêu, người chủ nhà mới trở về. Chủ nhà là một người sống bằng nghề
đăng đó. Bề ngoài, ông ta nom chất phác bình thường như trăm nghìn người dân
sống trong các xóm làng. Ông ta lạnh cóng chân tay và lẩy bẩy mãi mới dốc được
ở trong giỏ ra một mớ tôm càng tươi. Quốc Tuấn bảo Trần Bình Trọng chất thêm
củi cho lửa cháy to để sưởi ấm cho chủ nhà. Lửa cao ngọn tỏa hơi ấm làm hồng
hào da dẻ mọi người. Chủ nhà nói với Quốc Tuấn:

- Thưa cụ, nhà
cháu biết quan quân đến làng nên muốn kiếm mớ tôm tươi, món ăn rất quý của vùng
này, mà đi mãi đến bây giờ mới trở về. Thật nhà cháu hổ thẹn quá.

Trần Bình Trọng
hoảng sợ khi thấy người chủ nhà gọi Quốc Tuấn bằng cụ. Nhưng Tiết chế đã đưa
mắt ra hiệu cho Trần Bình Trọng im lặng. Quốc Tuấn nói với người chủ nhà chất
phác:

- Ông đừng nói
vậy. Miễn là quý ở tấm lòng thôi chứ.

Rồi Quốc Tuấn thân
mật nói tiếp:

- Cháu này ban
ngày chơi ngoan thế mà sao đến tối nó không chịu ngủ, cứ khóc ra rả mãi.

- Thưa cụ, tính nó
là cứ phải có cháu nằm cạnh nó mới chịu ngủ. Hôm nay, nó chịu thế này là lần
đầu tiên đấy.

Quốc Tuấn cười đôn
hậu:

- Ra nó nhớ bố nó.

Thế rồi ông ngồi
cạnh bếp lửa xem người chủ nhà loay hoay bắc nồi nấu cháo tôm. Người chủ nhà
nướng một nhánh gừng. Ông ta bẻ một miếng đưa cho Quốc Tuấn:

- Thứ gừng này
già. Nhà cháu để đã quá một năm, dùng nó để trị cảm mạo tốt lắm.

Quốc Tuấn cảm ơn,
nhận mẩu gừng. Người chủ nhà đắn đo rồi khẽ hỏi:

- Nghe nói nhà bên
cạnh có vị tướng to chức lắm phải không cụ?

- À, đấy là ông
chép sử trong Thái sử viện. Nhưng trong số chúng tôi, ông ấy cũng là người cao
chức nhất đấy.

Trần Bình Trọng mở
to mắt nhìn người chủ nhà nhưng ông ta vẫn thản nhiên nói:

- Thế thì cháo tôm
chín phải bưng cho ông ấy một bát mới được. Cháo tôm vùng này nổi tiếng khắp lộ
Khoái đấy cụ ạ.

- Quả là cũng nên
thế đấy.

Trần Quốc Tuấn lại
đưa mắt ra hiệu cho Trần Bình Trọng im lặng. Người chủ nhà chăm chú coi nồi
cháo. Quốc Tuấn sau chốc lát vui vẻ trầm lặng ngồi trước cái nồi đang reo lục
bục trên bếp lửa. Đêm đã khuya lắm rồi. Bên nhà Nhân Tông, tiếng ngâm thơ đã
tắt từ lâu. Làng Xuân Đình xanh đen dưới ánh trăng suông lạnh ngắt. Trong nhà,
Quốc Tuấn lại chau mày và đắm chìm trong suy nghĩ. Sự suy nghĩ của ông mỗi lúc
mỗi căng thẳng. Những nếp nhăn trên trán ông lấm tấm mồ hôi. Mắt ông sáng lên
nhưng chỉ ghim chặt vào một chỗ nào đó trong bếp lửa. Ngắm Tiết chế suy nghĩ,
Trần Bình Trọng cảm thấy tầm to lớn trong sự việc mà Quốc Tuấn đang phải đem
hết tâm trí ra để tính toán. Nghĩ đến lời dặn của Nhân Tông, lại ngắm Quốc Tuấn
suy nghĩ, Trần Bình Trọng thấy tức thở. Ông phải lặng lẽ bước rảo ra ngoài cửa.

Gió đêm về khuya
lạnh làm cho lòng Trần Bình Trọng nhẹ đi rất nhiều. Ông thấy thương Quốc Tuấn
vô vàn. Vận mệnh của toàn đất nước đè trĩu đôi vai vị tướng thống lĩnh toàn
quân. Công việc ấy không thể vì một lẽ gì làm hỏng được... Một lát sau, người
chủ nhà bưng chiếc mâm trên có để nồi cháo và một chồng bát đi ra. Theo sau là
Trần Quốc Tuấn. Vị Tiết chết vẫy Bình Trọng cùng sang nhà Nhân Tông. Nhà vua
hãy còn thức. Nhân Tông đang đọc những tờ biểu của các mặt trận gửi về. Người
chủ nhà bưng mâm đặt trên giường. Ông ta vẫn mộc mạc:

- Vùng cháu có món
cháo tôm cũng khá. Hôm nay lại đơm được một mớ cũng tươi.

Nhân Tông cười:

- Quý hóa quá! Mấy
ông này ngồi cả vào đây cho vui nhé.

Nhân Tông ép cả
Quốc Tuấn, Bình Trọng và chủ nhà cùng ăn. Bữa cháo tôm ăn khuya ngon lành và ấm
cúng lạ thường... Khi mọi người ăn cháo xong, người chủ nhà xin lui. Nhân Tông
bảo Trần Quốc Tuấn:

- Bây giờ Trọng
phụ ban thưởng cho người này chứ!

Nghe thấy hai
tiếng Trọng phụ, người chủ nhà ngơ ngác. Khi đã hiểu ra, ông ta hoảng sợ sụp
xuống lạy nhưng Quốc Tuấn ngăn lại. Vị Tiết chế già tháo ở đai lưng ra một viên
ngọc trai xâu chỉ vàng. Ông trao viên ngọc cho chủ nhà và nói:

- Viên ngọc này
chưa phải để thưởng cho nhà ngươi đâu. Lúc nãy ngắm chiếc khóa bạc của cháu
nhỏ, ta chợt nảy ra một ý mà ta đang suy nghĩ tìm tòi. Ta đã tháo xin chiếc
khóa của cháu. Viên ngọc này là đền chiếc khóa đó thôi.

Quốc Tuấn giơ
chiếc khóa bạc cho mọi người xem. Ông khẽ rung cổ tay. Khóa bạc lanh canh những
tiếng vui tai. Ông nói tiếp:

- Còn tấm lòng của
nhà ngươi thật đáng quý. Ta được phép quan gia ban tước Giả lang tướng cho nhà
ngươi.

Chủ nhà càng hoảng
sợ. Ông ta vội sụp xuống lạy. Trần Bình Trọng cũng nghi hoặc nhìn Trần Quốc
Tuấn nhưng vị tướng già vẫn điềm đạm nói tiếp:

- Quan gia đã cho
ta quyền ban tước. Ta thấy công nhà ngươi thực đáng như vậy nên mới ban thưởng.

Người chủ nhà cúi
lạy, xin lui nhưng vẫn hoảng hốt trước sự việc kì lạ ấy. Quốc Tuấn kính cẩn tâu
vua:

- Công lao người
ấy còn xứng đáng hơn tước Giả lang tướng. Nồi cháo này như mưa gió phải thì với
nhà nông. Hơn nữa, lòng người ấy dành hết cho việc lớn của nước nhà.

Quốc Tuấn ngoảnh
lại bảo Trần Bình Trọng:

- Bây giờ Bảo
Nghĩa hầu hãy canh cửa để ta tâu việc cơ mật lên quan gia.

Trần Bình Trọng
tuân lệnh. Ông cắp kiếm ra đứng trấn ngoài cửa. Ông cảm thấy xúc động trước sự
sáng suốt đầy tình nghĩa của Trần Quốc Tuấn. Ông

nghĩ thầm: Biết người phải biết đến tận đáy lòng người ta. Sự thưởng phạt vì thế mới nghiêm minh được. Sự thưởng phạt nghiêm minh và tình thương quân, thương dân của Quốc công đã đem lại lòng tin phục sâu dày của quân, dân đối với người làm tướng...

Trần Bình Trọng lắng nghe thấy tiếng Nhân Tông ban khen Quốc Tuấn:

- Trọng phụ vẫn dè dặt quá. Ta đã cho Trọng phụ quyền ban tước với thượng vị hầu mà sao Trọng phụ không dùng cho hết quyền.

- Tâu quan gia, lão thần nghĩ rằng đánh xong giặc lúc đó bình công cũng chưa muộn.

Sau đó Trần Bình Trọng nghe thấy Quốc công Tiết chế tâu vua về kế đánh giặc trong thời gian sắp tới. Trần Quốc Tuấn nhận xét rằng thế đất vùng Thiên Mạc rất hiểm. Ông đoán trước giặc Nguyên sẽ lập trại cho quân thủy của chúng ở bến đò Chương Dương, ngay bên kia cửa Hàm Tử. Trại quân thủy này là cổ họng của chúng, là cứ điểm quan trọng, đảm bảo việc đi lại giữa miền đồng bằng với Thăng Long. Nó là tấm bình phong che chở cho quân giặc. Trần Quốc Tuấn cho rằng với cách bày quân của giặc như vậy, quân ta nhất định sẽ đánh một trận lớn trên vùng Thiên Mạc này. Trong trận ấy, bãi lầy Màn Trò, cửa Hàm Tử, dải cát sa bồi và bến Chương Dương sẽ là những chiến trường quyết liệt giữa đôi bên. Tất nhiên, kế hoạch diệt giặc của Quốc công Tiết chế không thu hẹp trong vùng Thiên Mạc như Trần Bình Trọng đã nói hôm trước. Trần Quốc Tuấn bàn rộng trên chiến trường cả nước. Ông nói đến đạo quân lớn của Thoát Hoan và đạo quân phụ của Toa Đô ở Chiêm Thành đang như hai mũi dùi nhăm nhe xuyên vào đất nước ta. Trần Quốc Tuấn nói chậm rãi để Nhân Tông hiểu rõ ý ông:

- Mặt khác, tướng giặc đã vào Thăng Long. Thần rất đau lòng phải ra lệnh rút lui để tạm tránh thế hung hăng ban đầu của giặc. Bởi vì giặc giỏi về quân cưỡi ngựa mà ta hơn hẳn chúng về tài đánh trên sông. Nếu như quân cưỡi ngựa của chúng dùng rất lợi trên vùng đồi núi của lộ Lạng Giang, thì ở vùng đồng bằng này sông ngòi chằng chịt chính là nơi quân thủy của ta có lợi. Hơn nữa, đường vận chuyển gạo, cỏ khô của giặc phải kéo dài mấy trăm dặm từ biên giới tới Thăng Long. Đấy chính là chỗ yếu muôn đời của giặc khi rải quân xâm lược. Lão thần đã sai các tướng đem thuyền chiến chẹn giữ thật chắc từ đảo Vân Đồn tới cửa sông Bạch Đằng. Với tài đánh trên sông của quân ta, giặc không dễ gì vào lọt được tới đất liền. Còn từ Lạng Giang về Thăng Long, thần đã cho các tướng đem dân binh đánh chẹn các đoàn tải lương của giặc suốt dọc đường cái quan. Thần tính, giặc sẽ phải chia quân đóng đồn giữ đường lương. Ba tháng nữa lại đúng vào tiết hè nóng bức, giặc sẽ vừa đói, vừa ốm bệnh, chịu sao nổi. Lúc ấy ta sẽ quyết chiến một trận lớn với chúng.

Nhân Tông nghe Quốc Tuấn tâu, vẫn ngồi im. Nhà vua chờ đợi Quốc công Tiết chế nói hết kế hoạch của mình. Quốc Tuấn biết Nhân Tông còn lo lắng về đạo quân của Toa Đô ở mặt nam. Ông tâu tiếp:

- Mặt Hoan, Diễn, Toa Đô có mười vạn quân, nhưng giặc chỉ mạnh bề ngoài mà thôi. Toa Đô đã phải đánh nhau trên một miền đất xa nước chúng hàng ngàn dặm biển. Chúng lại không quen sóng nước. Đã ốm bệnh, lại bị đánh hao mòn nhiều, gạo cỏ chuyển không đủ, giặc kia ắt nao núng. Mặt ấy, lão thần nghĩ ta cần cử một tướng giỏi, chọn thế hiểm, chẹn giữ cho chắc, khiến Toa Đô tiến không nổi mà đóng lại thì chết đói.

- Trọng phụ đã nghĩ chọn tướng nào chưa?

- Xin quan gia trao quyền đại tướng mặt nam cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải. Thượng tướng quân chính là người đủ tài kìm chặt chân tướng giặc Toa Đô không cho nó vào Hoan, Diễn.

Trần Bình Trọng nghe Trần Quốc Tuấn tâu vua chọn Trần Quang Khải thì rất kinh ngạc. Ông biết rất rõ mối hiềm khích có sẵn từ lâu giữa hai vị tướng tài của triều đình. Lòng dạ thẳng ngay của Trần Quốc Tuấn thật đáng phục! Nhân Tông chừng cũng có ý nghĩ giống như Bình Trọng. Nhà vua im lặng một lát rồi mới đáp:

- Quang Khải mà chặn thì Toa Đô chịu bó giáo thôi.

- Khi ấy, Toa Đô sẽ phải bỏ mặt trận phía nam, xuống thuyền tìm đường về Thăng Long để nương tựa và đạo quân của Thoát Hoan. Lão thần nghĩ, phục binh cho khéo trên sông thì chỉ một trận sẽ đánh tan đạo binh của Toa Đô đói mệt, lang thang trên đường rút lui. Có thể chiến trường sẽ chính là vùng Thiên Mạc này. Thần đã xem xét kĩ thế đất hiểm trở quanh đây. Dùng quân mai phục thật là tốt.

Nghe xong câu nói của Trần Quốc Tuấn, Trần Bình Trọng cảm thấy mọi điều đều rõ ràng cả. Ông càng thấy thế đất vùng Thiên Mạc quan trọng biết bao nhiêu. Ông càng thấy bãi lầy Màn Trò là đất tốt để phục quân chờ một trận quyết chiến. Ông cảm thấy niềm tin chiến thắng của mình càng thêm vững vàng, một niềm tin dựa trên những suy tính thông minh, chắc chắn. Ông lại hiểu được thêm rằng tất cả các trận đánh từ nhỏ cho chí to, tất cả các mệnh lệnh ra quân hoặc rút lui đều là những chi tiết họp lại thành toàn bộ cuộc đánh giặc giữ nước. Tất cả giống như một thế cờ tướng mà quân hai bên đã bày đúng vị trí của nó. Cuộc cờ sẽ diễn ra theo luật lệ và người làm tướng cần biết từ nước đầu đến nước cuối sẽ biến hóa như thế nào.

Trần Quốc Tuấn đã nói xong kế hoạch giữ nước của mình. Nhà vua đột nhiên ngâm một vần thơ sảng khoái:

Cối Kê chuyện cũ ngươi nên nhớ

Hoan, Diễn ta còn chục vạn binh.

Chẳng những Hoan, Diễn ta còn chục vạn quân mà điều đáng mừng lớn chính là cả nước ta đã biết đấu sức lại chống giặc. Trần Bình Trọng chợt nghĩ đến lời Quốc Tuấn thường nói với trăm quân và dân binh: “Cả nước đấu sức lại mà đánh!” Đúng thế, giặc không phải chỉ có chống với mấy chục vạn quân ta, mà chúng còn phải chống đỡ với hàng chục triệu dân ta nữa. Dân ta từ khi mở nước đến nay có bao giờ chịu khoanh tay để cho lũ giặc ngông cuồng giày xéo lên đất nước!

Trong nhà, Trần Quốc Tuấn đang nói kĩ hơn về một vài điều trong bản kế hoạch của ông. Quốc Tuấn nhận định rằng giờ đây giặc sẽ ra sức truy lùng những trụ cột của cuộc kháng chiến, chủ yếu là chúng sẽ đuổi theo dấu thuyền Long phụng. Chúng cho rằng nếu diệt được đầu rồng thì thân rồng sẽ bị diệt theo.

- Vì vậy một vài trận tử chiến sẽ phải xảy ra để cản bước tiến đuổi giặc. Thần đã chọn những bầy tôi trung dũng đảm đương. Trần Quốc Tuấn kể một số tướng đã vinh dự được chọn: Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái và Trần Bình Trọng...

Vị tướng Thánh dực cảm thấy người ấm lên và ông thầm cảm ơn sự chọn lựa của Trần Quốc Tuấn. Đêm đã sang nửa canh tư. Giun dế ăn sương đã thôi kêu ngoài vườn. Tiếng chân của binh sĩ tuần phòng trong làng Xuân Đình giẫm thậm thịch nho nhỏ trên nền đất ẩm...

Trần Bình Trọng chợt giật mình khi Quốc Tuấn gọi ông vào. Ông thấy vua Nhân Tông đã thay mặc một bộ áo chiến bình thường. Nhà vua đứng giữa nhà, trước một đống lửa nhỏ cháy bập bùng. Vẻ mặt vị vua trẻ tuổi đầy tin tưởng. Đôi mắt sáng lên long lanh và một nụ cười thoáng nở trên môi. Trần Quốc Tuấn hỏi:

- Nghe nói Bảo Nghĩa hầu có tới hai người thuộc đường Màn Trò phải không?

- Thưa Quốc công, chính là cha con người lính chăn ngựa của tiểu tướng.

- Có phải thằng bé dẫn ta đi xem thế đất chiều hôm qua chăng?

- Dạ phải.

- Thế thì tốt lắm. Nhưng ta chỉ cần một người dẫn đường thôi. Hiện nay Bảo Nghĩa hầu có bao nhiêu binh sĩ?

- Thưa, trên một ngàn quân bộ, năm trăm quân cưỡi ngựa và mươi chiếc thuyền chiến.

Trần Quốc Tuấn lẩm nhẩm tính rồi nói:

- Bây giờ có hai việc cần làm. Một là phải bảo vệ quan gia về lộ Thiên Trường tránh giặc. Hai là tìm đến quân doanh của Thượng tướng quân Trần Quang Khải để đưa một bản mệnh lệnh rất quan trọng và cũng rất bí mật. Nhưng muốn làm trót lọt hai việc này cần có kế lừa giặc. Ta định dùng nghi binh trên nhiều hướng và ta cũng giao cho Bảo Nghĩa hầu một mệnh lệnh quyết tử đấy.

Trần Bình Trọng chắp hai tay trước ngực:

- Xin Quốc công cứ ra lệnh.

- Bảo Nghĩa hầu sẽ chặn không được cho giặc vào cửa bãi lầy.

- Xin vâng lệnh.

- Hãy khoan. Nhưng Bảo Nghĩa hầu không có đầy đủ số quân Thánh dực này đâu. Ta sẽ lấy đi khoảng một nghìn, hầu hết số ngựa và tất cả những chiếc thuyền chiến dùng vào việc nghi binh đấy.

- Quốc công đã tính toán đủ mọi bề, xin cứ ra lệnh.

Trần Quốc Tuấn nghiêm khắc nhìn Trần Bình Trọng. Ông chăm chú ngắm ánh mắt đầy tin tưởng của ông tướng Thánh dực.

- Đã vậy, việc nghi binh ta giao nốt cho Bảo Nghĩa hầu. Bảo Nghĩa hầu hãy chừa cho ta con đường Màn Trò nhé. Từ trước tới nay chưa ai biết có đường thông qua Màn Trò. Không nghi binh đường ấy mới chính là mưu cao đấy.

- Thưa Quốc công, ta nên chọn người nào dẫn đường đưa quan gia về Thiên Trường?

- Chọn ai cũng tùy ở Bảo Nghĩa hầu. Người ấy phải trung thành, dũng cảm và mưu trí. Bảo Nghĩa hầu nên nghĩ rằng chọn ai đi cũng là trao việc quân vinh dự cho người ấy đấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3