Nhiếp chính Ỷ Lan - Chương 2 phần 2
Ỷ Lan17 ngồi nghiêng người bên án thư, sẽ sàng buông quyển sách
chép tay “Bàn về cách trị nước của các đế vương” của một văn thần đời vua trước
để lại. Người thị nữ thân tín chờ dịp ấy bước lại, giọng nhỏ nhẹ:
[17] Sau tiệc vui thay lễ cưới, Yến chính thức mang tên Ỷ Lan. Từ
đây về sau, chúng tôi dùng tên này để chỉ Yến.
- Tâu hoàng phi! Hoàng phi nên nghỉ ngơi đôi chút, chẳng
nên đọc quá khuya như vậy mà tổn hại đến sức khỏe.
Ỷ Lan vươn vai đứng dậy, vui miệng:
- Ta đâu muốn vậy, chỉ hiềm nghĩa sách lôi cuốn, ta chẳng
muốn rời.
- Sáng qua ngự lệnh truyền cho thiếp phải can gián hoàng
phi quá ham đọc sách. Kho sách của hoàng đế rồi chả mấy chốc chuyển hết về đây.
- Thôi chết. Những sách ta đọc rồi phải gấp chuyển trả lại
cho hoàng đế. Ta vô tâm quá. Mà sao các cung nữ đâu cả?
- Tâu hoàng phi! Họ đang tập bài hát mà hôm qua hoàng phi
đã truyền lại. Dịp khai diễn nhân ngày hội tấn cung của hoàng phi sắp đến rồi
còn gì. Tuy thế, thiếp phải ngăn không để họ hát to sợ phiền đến việc đọc sách
của hoàng phi.
- Ngươi cứ mặc họ. Nhưng việc các cung nữ của ta học lối
hát mới ngươi phải giữ kín mới được. Ta muốn gieo nỗi bất ngờ đối với triều
đình. Thử xem lối hát quan họ của lộ Bắc cùng lối hát dân gian khác có thực hay
không? Nếu lối hát ấy thông đồng bén giọt như lòng ta mong muốn, chắc hoàng đế
và triều thần phải nhìn nhận lại lối hát đang thịnh hành ở triều đình. Thực
tình ta muốn thay đổi nó. Người Đại Việt phải có lối hát riêng của mình.
Nói rồi Ỷ Lan lại vùi đầu vào tập sách bỏ dở. Nhưng Ỷ Lan
không còn tập trung được nữa. Tiếng hát của các cung nữ từ gian cuối cung điện
vẫn vọng đến nghe rõ mồn một. Lối hát đồng nội thân thuộc ấy bao giờ cũng có sức
hấp dẫn, nâng bổng tâm hồn Ỷ Lan, khiến Ỷ Lan bồi hồi xao xuyến. Ỷ Lan đặt cuốn
sách trên kỷ, đứng dậy bước ra hiên, cặp mắt long lanh, xa thẳm. Dưới nắng sớm
kinh thành, mặt hồ Dâm Đàm18 rộng bao la óng ánh như dát bạc. Từ
phía ấy gió pha lẫn nắng lùa vào gian điện, đem theo cái lạnh đầu mùa. Ỷ Lan
rùng mình sẽ đưa tay vén những sợi tóc mai vừa rủ xuống đôi má nóng bừng, lòng
nghĩ về những kỷ niệm sâu sắc hôm nào.
[18] Hồ Tây ngày
nay.
Ỷ Lan chẳng thể nào quên được hôm vua mở tiệc vui, thay
cho lễ cưới. Đến chia vui với Ỷ Lan còn có cả các quan đại thần văn võ, thậm
chí có cả hoàng hậu Thượng Dương nữa. Chính vua đã để mắt trông nom bầy cung nữ
trang hoàng cung điện. Đêm đến, những chiếc đèn lồng tỏa những vòng sáng đỏ rực
là đà trên khắp các cành cây trong khu vườn nội điện. Ỷ Lan không nhớ hết những
điều gì đã xảy ra trong tiệc vui. Nhưng Ỷ Lan sẽ chẳng bao giờ quên được tình
yêu vua dành cho Ỷ Lan đêm ấy. Ấy là lúc sắp mãn tiệc, vua ngồi điềm đạm dưới
ánh đèn lồng, kín đáo nắm tay Ỷ Lan, giọng nồng thắm:
- Tình ta dành cho phi chẳng bao giờ phai nhạt. Ta yêu
quý phi vì phi đã đẹp người lại đẹp nết, còn vì phi là người đàn bà duy nhất có
chí giúp ta trị nước. Được như vậy, chắc ta sẽ làm nên nghiệp lớn, làm rạng rỡ
cho tổ tông, xứng với tiền nhân.
Ỷ Lan xúc động:
- Đội ơn bệ hạ đã không coi thiếp là hạng người chỉ biết
làm vừa lòng bệ hạ, chỉ là hạng đàn bà có nhan sắc.
Thế mà thấm thoát đã hơn một tháng trôi qua - Ỷ Lan vừa
thầm nghĩ – Hơn một tháng trôi qua nhưng Ỷ Lan vẫn chưa dứt những xúc cảm ngây
ngất trước hạnh phúc bất ngờ. Vua đã dành cho Ỷ Lan một cái cung lộng lẫy sang
trọng. Vì yêu quý, còn vì để nhớ đến kỷ niệm ngày vua thấy Ỷ Lan đứng tựa gốc
cây lan trên nương dâu, vua đặt tên cung ấy là cung Ỷ Lan và đặc phong cho Ỷ
Lan là nguyên phi19. Những ngày đầu ở đế đô được sống giữa những lâu
đài, dinh thự mỹ lệ, lại được vua yêu chiều, Ỷ Lan như con chim non lóa mắt trước
ánh nắng chói chang của mặt trời. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng tự loại bỏ những
hào nhoáng bề ngoài để trở về với dạng thật của nó. Ỷ Lan đã trải qua những xao
động của một nguyên phi chiếm được trọn vẹn tình yêu của vua, bỏ qua nhanh nỗi
ngỡ ngàng, háo hức, tự ti trước cuộc sống cực kỳ sung sướng ở hoàng cung để có
ý thức về mình. Khác với các hậu phi, Ỷ Lan không bằng lòng với cuộc sống sung
sướng, nhàn tản, hưởng lạc, ngày xem hoa, đêm thưởng nguyệt, lấy việc trau chuốt
nhan sắc mong chiếm được được tình yêu của vua, mưu lợi cho riêng mình làm mục
đích. Ngược lại Ỷ Lan quan tâm đến hết thảy mọi việc của triều đình, trước hết
là công việc trong nội bộ giới hoàng tộc với ý định giúp vua trị nước, giúp
nghiệp trị bình. Chính vì ôm hoài bão đó, Ỷ Lan đã chú ý chọn trong số cung nữ
của mình những người có giọng hát hay, dạy họ lối hát quan họ, Ỷ Lan suy tính
muốn thay thế được lối hát vay mượn của nước ngoài, các cung nữ của Ỷ Lan không
chỉ có giọng hát tốt được tập luyện thành thục mà còn phải có lời hát thích hợp
ở triều đình. Tất cả những điều ấy đều trông vào Ỷ Lan. Nếu lối hát ấy được mọi
người tán thưởng, Ỷ Lan sẽ có dịp tâu vua xin thay đổi lối hát cũ ở triều.
[19] Đứng đầu các
phi, sau hoàng hậu.
- Tâu hoàng phi! Hoàng phi nghĩ gì mà mấy lần thiếp lên
tiếng hoàng phi cũng không hay?
- Ngươi đấy à? Có việc gì vậy?
- Có người ở Thổ Lỗi đến xin được gặp hoàng phi.
- Có người ở Thổ Lỗi à? - Ỷ Lan vui mừng. - Đàn ông hay đàn bà?
- Tâu hoàng phi! Người đàn ông ấy chắc hoàng phi cũng biết.
- Cho người ta vào.
Được dẫn vào, người đàn ông đã đứng tuổi vội quỳ xuống.
- Tâu lệnh bà! Xin kính chúc lệnh bà muôn phần mạnh khỏe.
- Thôi, ông hãy đứng dậy. Ông là Chánh Bá, ta biết.
Người đàn ông cười nịnh:
- Tâu lệnh bà! Chỉ nội việc lệnh bà còn nhận ra con đã là
một ân huệ lớn rồi. Những tưởng con vốn hiền lành, ít giao du, lệnh bà đâu biết
đến.
Giọng Ỷ Lan xa xôi:
- Có lúc nào ta nguôi nhớ về Thổ Lỗi. Ta nhớ từng nương
dâu, đồi sắn, nhớ từng nét mặt thân thuộc của xóm làng. Vụ vừa rồi quê mình có
được mùa không?
- Tâu lệnh bà! Ơn trời phù hộ, lúa, dâu đều tốt hơn mọi
năm, người người đều no đủ.
- Sao lại ơn trời phù hộ? - Ỷ Lan cởi mở nói. - Thử hỏi các nông phu không đổ mồ
hôi, sôi nước mắt phỏng trời có cho không?
Chánh Bá cười xu phụ:
- Ấy không có lệnh bà chỉ cho, mấy ai đã hiểu được cặn kẽ.
- Ông có được tin về dì ta và em Chinh không?
- Tâu lệnh bà! Cái quân đểu ấy chẳng ai thèm dây.
- Chứng cớ gì mà ông nói dì ta như vậy?
Chánh Bá lúng túng:
- Tâu lệnh bà! Khi trước mụ ta đối xử với lệnh bà không tốt.
- Chuyện ấy qua rồi. Nếu người biết nghĩ lại, để bụng làm
gì? Ông ra thăm ta hay có việc gì vậy?
- Tâu lệnh bà! Con đã mất mấy ngày đêm cân nhắc mới dám cả
gan xin ra mắt lệnh bà. Từ ngày lệnh bà được đức vua muôn bề kính trọng, oai
danh lệnh bà cứ kể là cả nước đều biết. Dân Thổ Lỗi nhờ vậy mà mở mày, mở mặt với
thiên hạ. Ấy thế mà trong làng, họ Vũ ỷ thế đông lại có nhiều chân trong hội đồng
làng, vẫn nghênh ngang không coi ai ra gì, khiến cho họ Lê ta, danh giá vậy mà
phải căm uất. Đã thế chúng nó có lần còn nạt nộ, không cho con cấy mấy mẫu ruộng
công, lấy cớ rằng nhà con đã thừa miếng ăn. Con trộm nghĩ họ Lê mình xưa nay
không phải hạng kém cỏi gì, như lệnh bà đây quyền oai là thế. Lẽ nào nhìn họ
mình bị đè nén mà không căm tức. Nghĩ thế, con sửa chút lễ mọn trước là thăm hỏi
lệnh bà, sau xin lệnh bà lưu tâm cất nhắc chúng con nắm quyền trị vì làng, tổng, để xem họ Vũ kia có biết sợ hay
không? Được như thế con xin dập đầu ngàn lần lạy tạ!
Ỷ Lan hỏi:
- Nghĩa là ông muốn ta tâu với hoàng đế cho ông làm chánh
tổng, chí ít thì cũng là chánh hương hội để lên mặt với họ Vũ chứ gì? Để đáp lại,
ông biếu ta quà cáp, gọi là đỡ cái công khó nhọc của ta nữa phải không. Ông cho
ta quà gì vậy?
- Tâu lệnh bà! - Chánh
Bá hoan hỉ. - Nhà con nghèo chỉ có năm lạng vàng.
- Nhà có năm lạng vàng đem đút lót hẳn không phải là
nghèo.
Hiểu lầm Ỷ Lan chê ít, Chánh Bá hớn hở:
- Rồi ra được lệnh bà giúp cho mà thành, nhờ đó ăn nên
làm ra, không khi nào con dám quên ơn.
Ỷ Lan cười lớn:
- Ông hiểu về ta còn nông cạn lắm.
Chánh Bá lúng túng:
- Tâu lệnh bà! Lệnh bà có lòng thương người, thấy kẻ bị
vùi dập, chẳng nỡ không giúp đỡ.
- Ông có chắc năm lạng vàng của ông sẽ làm chuyển lòng ta
không?
- Tâu lệnh bà! Con chưa hiểu ý lệnh bà.
- Vậy thì nghe đây. - Ỷ Lan nén giận. - Nếu ta thiên vị để
các ngươi chia bè kéo cánh sát hại nhau, thì thử hỏi, xã tắc này sẽ ra sao? Nếu
ta vì tình riêng mà mù quáng, không phân biệt được đâu là lẽ phải, thì ta có
đáng để ngươi trọng kính không? Nếu họ Vũ kia quả có những việc làm mờ ám, ức
lòng người, chẳng cần người tâu bày, ta cũng quyết trị. Song chỉ vì tị hiềm
nhau thì dù người đó là cha mẹ, anh em đi nữa, ta cũng không bao giờ làm trái đạo.
Nếu không nể vì người có tuổi, lại là làng xóm với nhau, ta quyết chẳng tha tội.
Lần sau thì chớ có trách ta.
Chánh Bá tái mặt xin cáo lui.
Khi Chánh Bá đi rồi, Lộc
bước ra tâu:
- Hoàng phi cư xử thật hết
tình hết nghĩa. Cái lão Chánh Bá ấy thiếp biết, nhà nó giàu lắm. May mà hoàng
phi lượng thứ cho.
- Con người ta ai cũng có chỗ yếu. Chẳng nên thấy người
ta hở cơ mà đối xử tàn ác. Để cho người ta hiểu ra lẽ phải mà tu nhân tích đức
thì vẫn hơn.
Như sực nhớ ra điều gì, Ỷ Lan hỏi Lộc:
- Các cung nữ nghỉ tập rồi hay sao mà im ắng thế?
- Tâu hoàng phi! Họ vừa nghỉ uống nước. Thiếp nhận ra có
nhiều giọng tốt và họ tập thật là nhanh. Nhưng thiếp vẫn lo.
- Nhà ngươi lo gì? - Ỷ Lan cắt ngang.
- Lo tối hát ấy không có “liền anh”.
Ỷ Lan bật cười:
- Ta nghĩ rồi, chọn các cung nữ có vóc người to cao đóng
giả trai. Chẳng lẽ trong số ba mươi sáu cung nữ, không chọn lấy được năm bảy
người như thế hay sao?
- Chao ơi. - Lộc kêu lên
thích thú. - Thế thì buổi ra mắt
hoàng triều sẽ ly kỳ lắm đấy.
- Việc cắt cử ấy ta sẽ làm ngay bây giờ.
Dứt lời Ỷ Lan bước vội đến gian điện, mà ở đấy sau lúc im
ắng, tiếng hát lại bắt đầu cất lên.
**
*
Vừa bãi triều, vua Lý Thánh Tông ngự trên chiếc xe nạm ngọc
dành riêng cho mình, trở về tầng lầu thứ hai cung Thúy Hoa để nghỉ ngơi. Các ngự
nữ tíu tít đem hoa quả rồi dâng trà hầu vua. Nhưng trái lệ thường, vua không
dùng ngay. Vua vẫn đi đi lại lại trong gian điện lớn, dáng suy nghĩ.
Một chiêu nghi20 xinh đẹp đã đứng tuổi thấy vậy,
sẽ sàng bước vào lên tiếng:
[20]Chiêu nghi: đứng
đầu các cung tần mỹ nữ.
- Tâu bệ hạ! Bệ hạ có điều gì không vui mà long nhan ưu
tư làm vậy? Thiếp có cần gọi bọn ca nữ, vũ nữ làm vui lòng bệ hạ không?
- Ồ, ái khanh! - Vua hiền từ quay nhìn chiêu nghi nổi tiếng
điềm đạm mà vua vẫn có bụng quý, nói:
- Trẫm đang vui lòng đấy chứ! Buổi thiết triều sáng nay
không có việc gì lớn. Các đại thần văn võ đều hết lời khen ngợi tối hát của các
ca nữ bên cung Ỷ Lan. Chính trẫm cũng chưa hiểu Ỷ Lan đã luyện các ca nữ từ lúc
nào mà hát hay đến vậy. Đối với triều đình thật là mới lạ đáng khen.
- Thiếp nghe nói các ca nữ hát hay vậy mà không ai bằng
được nguyên phi Ỷ Lan. Con người ấy thật táo bạo và khác người quá.
- Trẫm chưa hiểu ý ái khanh?
- Tâu bệ hạ! Thiếp ít thấy ai rộng lượng như thế. Bệ hạ ban
cho nguyên phi tặng vật gì nguyên phi đều đem chia cho các thị nữ. Chưa ai mếch
lòng với nguyên phi. Con người ấy không thuộc dòng tôn thất mà nết na, khiêm tốn
quá.
- Trẫm muốn biết có ai chê trách Ỷ Lan điều gì không?
Người chiêu nghi tủm tỉm cười:
- Về đại sự thì không. Nhưng về tiểu sự thì có đó. Người
ta nói rằng nguyên phi khéo làm vừa lòng bệ hạ nên bệ hạ ở luôn bên ấy, chẳng
thiết gì đến hoàng hậu. Hoàng hậu chẳng yên lòng…
- Chuyện ấy trẫm có biết. Trẫm đã có bao nhiêu chuyện phải
để tâm mà trong nhà chẳng được thuận hòa. Các phi khác thì sao, ái khanh cũng
cho trẫm rõ.
- Ai cũng quí mến nguyên phi.
Đột nhiên ngoài đường có tiếng xe ngựa chạy gấp. Người
chiêu nghi nói với vua:
- Chỉ cần nhìn chiếc xe lớn sơn màu xanh có tám cửa sổ lồng
khung kính, quanh xe cắm những lông chim trĩ kia, không ai không nhận ra xe
hoàng hậu. Thường ngày hoàng hậu đi dạo, gần trưa mới về, hôm nay sao khác lạ vậy?
Vua nhẹ nhàng nói với chiêu nghi:
- Thôi cho ái khanh lui. Mọi việc trong cung, ái khanh đừng
quên tâu trình cho trẫm rõ.
Khi chỉ còn một mình, vua lại suy nghĩ về lời tâu của quần
thần lúc sáng. Người ta khen Ỷ Lan thích lối hát độc đáo tình tứ mà đoan chính ấy
thật dễ hiểu. Hơn ai hết, vua hiểu Ỷ Lan dày công luyện các ca nữ không phải
cho riêng mình hoặc theo ý thích nhất thời mà là có ý thay đổi lối hát lâu nay ở
triều đình. Ỷ Lan là người có năng lực thi hành cải cách đó. Vì vậy, một mặt
nhà vua khuyến khích Ỷ Lan cũng như sẵn lòng ủng hộ những ý kiến táo bạo của Ỷ
Lan, mặt khác nhà vua cũng muốn nhân đó tạo nên sinh khí mới trong triều, thúc
đẩy các triều thần lấy đấy làm gương, lo toan trong công việc. Nhà vua hiểu rõ
muốn xây dựng một triều đình vững mạnh, một quốc gia hùng cường, trước hết phải
lựa chọn, trọng dụng các hiền thần, khuyến khích họ tâu bày ý kiến, tạo điều kiện
cho họ làm việc. Các triều thần còn được vậy, huống hồ Ỷ Lan là người được vua
yêu, vua chưa phải chê trách điều gì, nên vua sẵn lòng giúp đỡ Ỷ Lan. Mười sáu
năm chấp chính vua nổi tiếng về lòng nhân từ và đức tính giản dị. Vua thường lắng
nghe thuộc hạ nói về mình, và ngược lại vua thẳng thắn chê trách hoặc khen thưởng
họ. Vua khen chê không phải để ân thưởng hoặc trừng trị mà là muốn họ hiểu ý
vua và tuân theo lẽ phải. Cùng với thái độ cương trực, quyết đoán, nhà vua có
phong thái tự nhiên, không kiểu cách. Chỉ cần tiếp xúc với nhà vua, các quần thần
dễ nhận ra đằng sau vẻ mặt nghiêm nghị là một tấm lòng độ lượng, thương người.
Nhờ vậy nhà vua đã đào luyện được một loạt đại thần có năng lực theo chí hướng
của mình. Trong số họ nổi nhất là Lý Đạo Thành và Lý Thường Kiệt21.
Nhưng Lý Đạo Thành đã có tuổi. Chỉ có Lý Thường Kiệt là theo kịp chí vua. Ỷ
Lan, vua cũng muốn xếp vào loại giỏi giang đó nhưng chưa tiện trọng dụng. Trong
phép dùng người, vua Lý Thánh Tông rất trọng tài đức của họ. Vua ưa những người
có sáng kiến, tháo vát việc điều khiển triều chính hơn là những kẻ chỉ biết
tuân theo lệnh vua. Chính vì vua thực hiện chính sách thân dân, biết nghe các
triều thần để rồi quyết đoán việc triều đình nên nước Đại Việt thời Lý Thánh
Tông đạt tới sự hùng thịnh về mọi mặt.
[21] Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) quê ở làng An Xá, Thăng
Long, sau chuyển tới phường Thái Hòa, thành Thăng Long. Ông thực tên là Ngô Tuấn.
Lúc thiếu thời, Ngô Tuấn nổi tiếng tinh thông cả văn lẫn võ. Mồ côi cha rồi mẹ
mất sớm, năm 1039 Ngô Tuấn đăng lính rồi đóng chức kỵ mã hiệu úy (võ quan nhỏ,
binh chủng kỵ binh).
Năm hai mươi hai tuổi ông chuyển
sang ngạch thị vệ, sung chức hoàng môn chi hậu, hầu cận vua Lý Thái Tôn. Sớm nhận
ra Ngô Tuấn gồm đủ tài đức, vua Thái Tôn cử cai quản tất cả mọi việc trong cung
đình.
Năm 1054 Lý Thánh Tông lên làm
vua, ông càng được vua trọng dụng. Từ một võ quan cao cấp ông trở thành vị tướng
đầu triều và có nhiều công lớn. Sau chuyến công cán, trấn an quân phiến loạn ở
Thanh Hóa – Nghệ An ông được ban quốc tính đổi tên là Lý Thường Kiệt. Ông là
người từng giúp đỡ vua đánh giặc Chiêm, phá giặc Tống và là tác giả bài hịch đầu
tiên của dân tộc:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên
thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Năm Lý Thường Kiệt 85 tuổi, ông
còn tình nguyện cầm quân đi đánh Lý Giác. Chiêm Thành nhân cơ hội ấy đem binh
xâm lược, vua Lý Nhân Tông (con Ỷ Lan) sai Lý Thường Kiệt mang quân vào Chiêm
Thành, giặc khiếp đảm lui quân. Cảm công đức ấy, vua Nhân Tông sai chế bài hát
để biểu dương công trạng của ông và phong chức Triều quốc thái úy. Ông mất năm
1105 ở Kinh đô, thọ 86 tuổi.
Nhưng sao vua có điều gì bận tâm qua lời tâu bày của các
triều thần sáng nay? Sao thái sư Lý Đạo Thành không một lời khen hoặc chê về lối
hát của các ca nữ cung Ỷ Lan? Sao quan thái sư lại cố tình né tránh không nhận
xét? Phải chăng Lý Đạo Thành vì nể hoàng hậu mà mất sự công bằng trong cách
nhìn nhận việc làm đúng của Ỷ Lan? Từ đấy vua sớm nhận ra mối quan hệ căng thẳng
giữa hoàng hậu và Ỷ Lan có thể dẫn đến những chia rẽ trong nội bộ triều đình.
Vua giật mình vì đã không để tâm nhiều đến việc ấy.
Có tiếng động dưới chân cầu thang cắt đứt mạch suy nghĩ của
vua Lý Thánh Tông. Nhận ra bước chân quen thuộc của hoàng hậu đang đi lên, vua
thoáng mỉm cười chờ đợi.
Vừa trông thấy vua, hoàng hậu Thượng Dương đã làm mặt giận:
- Lâu lắm thiếp mới lại được thấy bệ hạ thanh thản.
Lướt nhìn cách ăn vận chải chuốt, trẻ trung của hoàng hậu,
vua làm như tình cờ hỏi:
- Ái hậu có điều gì bực dọc hãy nói hết cho nguôi cơn giận.
- Lúc sáng xe thiếp qua đền Thái Tổ22, lũ lính
thị vệ biết mà vẫn ngăn lại bắt xuống xe. Nếu bệ hạ không trị tội bất kính của
chúng thì thiếp còn thể diện gì nữa?
[22] Chỉ Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của Triều Lý.
Vua trầm ngâm một lát rồi nói:
- Phép nước phải nghiêm với cả người thân. Chính trẫm đã
ra lệnh bắt bất cứ ai qua đều phải xuống xe. Cho nên không phải trị tội chúng
mà phải khen thưởng mới nghiêm mệnh lệnh. Ái hậu chẳng nên bận lòng vì chuyện cỏn
con ấy.
Hoàng hậu chưa hết giận:
- Vẫn biết ngự lệnh là phải nghiêm, nhưng thiếp là hoàng
hậu sao lũ chúng không nể mặt thiếp? Thiếp biết rồi, nguyên do lũ lính coi thường
thiếp cũng bởi lâu nay thiếp không được bệ hạ sủng ái như trước. Chúng biết bệ
hạ tối ngày ở luôn với nguyên phi Ỷ Lan, nặng lòng mê đắm cái con hát ấy.
Vua nén giận:
- Ái hậu không công bằng rồi. Lòng trẫm đâu nhất bên trọng,
nhất bên khinh? Nguyên phi Ỷ Lan mới nhập cung lại quan tâm đến việc nước, trẫm không thể
không ưu đãi khuyến khích.
Nghe đến đấy hoàng hậu nổi nóng:
- Gà mái không nên gáy, đàn bà không nên làm công việc của
đàn ông. Bệ hạ có thể yêu một người đàn bà nhưng không nên để họ chen vào công
việc của triều đình. Hậu họa sẽ không thể lường được đâu.
Vua Lý Thánh Tông quả quyết:
- Là vua, trẫm phải lắng nghe tâu bày của quần thần.
Nhưng điều nào nên nghe, lẽ nào nên bỏ chẳng lẽ trẫm lại không biết sao?
- Thiếp không nói vậy. Ý thiếp chỉ muốn bệ hạ chớ quá mê
đắm nó mà cả nghe, không phân biệt được vàng thau.
- Ái hậu hãy cho chứng cớ?
- Bệ hạ hỏi thì thiếp phải nói. Cái con bé ấy chẳng bao
giờ kính yêu bệ hạ thật lòng, bệ hạ có thấy mỗi lần gặp bệ hạ nó thường bịt mũi
tỏ ý chê miệng bệ hạ hôi đó sao?
Không thấy vua tỏ ý kinh
ngạc, hoàng hậu tiếp:
- Các lối hát ở triều đình xưa nay vẫn thế can chi phải
thêm lối hát đĩ thõa, quê mùa vào? Thiếp lại nghe nói con bé ấy còn cho hai
cung nữ đi học dệt. Nào là - hoàng hậu bĩu môi - dệt lấy gấm, lụa cung ứng cho
hoàng tộc. Dễ con bé ấy muốn biến cả thiếp thành thợ dệt chắc?
Vua nghiêm mặt:
- Ái hậu lâu nay nói năng không còn giữ lễ gì nữa, trẫm
thật lấy làm lạ. Trẫm sẽ khen thưởng những ai dâng được kế hay dù to, dù nhỏ
làm lợi cho nước. Trẫm không ngăn cấm ái hậu cũng như nguyên phi Ỷ Lan làm việc
đó. À mà lúc nãy ái hậu nói nguyên phi Ỷ Lan bịt mồm, bịt mũi chê trẫm cái gì vậy?
Vốn là người khôn ngoan, nghe vua hỏi, hoàng hậu Thượng
Dương biết mưu mình xui dại Ỷ Lan không thành vội nói lảng:
- Ấy là thiếp nghe đứa thị nữ nói vậy. Việc không có thì
thôi.
Chẳng ngờ vua nổi nóng:
- Ta không cho phép các ngươi làm những việc thấp hèn vu
khống người khác. Ta báo trước, ta sẽ trị tội thật nặng những ai rũ rối hoàng tộc.
Nhận ra cơn giận bất ngờ của vua, hoàng hậu Thượng Dương
sợ hãi xin cáo lui.