Giã từ vũ khí - Chương 20 - 21 - 22

Chương 20

Một buổi chiều chúng tôi đi xem đua ngựa, Ferguson và Crowell Rodgers cùng đi. Rodgers là anh chàng bị thương ở mắt bởi đầu đạn trái phá. Ferguson và Catherine trang điểm sau bữa ăn. Còn tôi và Crowell ngồi ở giường trong phòng đọc các tạp chí đăng tin về những cuộc đua ngựa tuần qua cùng những lời bình luận. Đầu Crowell bị băng nên anh ta không để ý lắm vào những cuộc đua này. Nhưng để giết thì giờ anh ta cứ cầm tờ tạp chí đua ngựa đọc và biết về bước đua của ngựa. Anh ta bảo ngựa chẳng có nghĩa lí gì cả.

Bốn đứa chúng tôi đến San Siro bằng xe ngựa để mui trần. Trời hôm nay thật đẹp. Xe chúng tôi chạy ngang công viên, theo đường xe điện và sau khi ra khỏi thành phố, vào một con đường đầy bụi bặm. Nơi đây có nhiều biệt thự rào song sắt, những khu vườn rậm rạp rộng lớn cùng những hào nước chảy và vườn rau phủ đầy bụi. Trên cánh đồng chúng tôi có thể nhìn thấy nhiều nhà cửa và trang trại trù phú xanh tươi với những mương nước tưới tiêu. Những ngọn núi trồi lên ở phía Bắc. Nhiều xe chạy vào trường đua và những người gác cổng để chúng tôi vào tự nhiên không xét hỏi giấy tờ vì chúng tôi mặc quân phục. Chúng tôi xuống xem mua chương trình rồi đi qua sân cỏ vào trong trường đua. Trên sân cỏ một toán lính đứng dài theo hàng rào. Người ta dang cho ngựa quần dưới những tán cây đàng sau khán đài. Chúng tôi thấy nhiều người quen và sau khi kiếm được ghế ngồi cho Catherine và Ferguson, chúng tôi xem xét đàn ngựa.

Những con ngựa đi vòng, con sau nối đuôi con trước, đầu cúi xuống. Một trong mấy con có lông sắc tím đen, Crowell quả quyết là họ sơn nó. Nó ra đúng lúc chuông rung báo giờ lên yên. Chúng tôi kiểm trên chương trình theo số mà người nài ngựa đeo ỏ trên tay. Người ta ghi trong đó là ngựa ô thiến tên Japalac. Độ đua này dành cho những con ngựa ô từng thắng cuộc với giá hơn một ngàn đồng “lia”. Catherine bảo chắc người ta đã đổi màu lông của nó. Ferguson chịu không biết được. Tôi thì nghĩ con ngựa đó có vẻ khả nghi. Chúng tôi đều đồng ý đánh cá nó và đặt một trăm đồng lia. Trên thể lệ ghi giá tiền, nó là con ngựa duy nhất với giá một ăn ba mươi lăm. Crowell đi mua giấy cá ngựa trong lúc chúng tôi theo dõi các kỵ mã vòng lại rồi cho ngựa chậm rãi đến chỗ xuất phát.

Chúng tôi lên ngồi trên khán đài để theo dõi cuộc đua. Ở San Siro người ta không còn dùng dây để ngăn nữa. Người ta đóng những con ngựa trông có vẻ nhỏ đứng xếp hàng. Đằng xa phía cuối sân đua, người ta khoa chiếc roi ra lệnh khởi hành. Những con ngựa chạy qua trước chúng tôi. Con ngựa ô dẫn đầu và đến chỗ ngoặt nó bỏ cách xa những con khác. Nó tiếp tục sải đều như thế cho đến khi cuộc đua chấm dứt.

- Tuyệt quá phải không? - Catherine bảo - Thế thì chúng ta được cả thảy là ba ngàn đồng lia. Thật là một con ngựa hay.

- Tôi mong nó đừng đổi màu trước khi người ta trả tiền cho mình - Crowell bảo.

- Ông có trúng không? - Tôi hỏi lớn về phía Meyers. Lão ta gật đầu.

- Còn tôi không trúng gì cả - Bà Meyers nói - Còn các con, các con đánh cá con nào?

- Japalac.

- Thế à. Đánh con đó một trúng được ba mươi lăm đấy.

- Chúng tôi thích màu lông của nó.

- Tôi không thích. Trông nó xơ xác quá. Người ta khuyên tôi đừng đánh nó.

- Con ngựa đó không trúng được nhiều - Meyers nói.

- Người ta ghi nó giá một ăn ba mươi lăm - Tôi bảo.

- Đánh nó không trúng nhiều - Vào giờ chót Meyers khuyên - Họ đổ nhiều tiền vào nó đấy.

- Ai?

- Kempton và nhiều người khác. Để rồi các anh thấy. Họ không đổi hai lấy một đâu.

- Thế chúng tôi mất ba ngàn đồng lia à? - Catherine nói - Tôi không thích những cuộc đua ngựa gian lận như thế.

- Chúng tôi trúng được hai trăm đồng lia.

- Không đáng kể. Hai trăm bạc chẳng thay đổi được gì. Tôi tưởng là đã trúng được ba ngàn đồng lia.

- Gian lận chán quá - Ferguson bảo.

- Dĩ nhiên - Catherine nói - Nếu họ không gian lận, mình không bao giờ đánh con ngựa đó cả. Tuy nhiên tôi thích được ba ngàn đồng lia kia.

- Thôi chúng ta xuống uống cái gì đã rồi xem họ trả mình ra sao - Crowell bảo.

Chúng tôi đi qua chỗ họ dán bảng kết quả số ngựa trúng. Chuông rung báo hiệu họ phát tiền ngựa trúng. Con ngựa Japalac được ghi trúng 18,50 đồng lia, thế có nghĩa là tiền trúng không bằng giá vé.

Chúng tôi đến quán giải khát dưới khán đài để uống một li whisky-soda. Chúng tôi gặp đôi vợ chồng người Ý tôi quen và ông Mc Adams, viên phó lãnh sự. Khi chúng tôi trở lại kiếm Catherine và Ferguson thì họ cũng lên theo với chúng tôi. Hai người Ý trông rất nhã nhặn và Mc Adams ở lại tiếp chuyện với Catherine khi chúng tôi quay trở xuống tiếp tục đánh cá nữa. Ông Meyers đang đứng cạnh cửa phòng bán vé cặp.

- Hỏi xem ông ta đánh cá con nào - Tôi bảo Crowell.

- Ông định đánh cá con nào thế, ông Meyers? - Crowell hỏi.

Meyers rút tờ chương trình ra và lấy bút chì chỉ vào số năm.

- Chúng tôi cùng đánh số đó có phiền gì ông không? - Crowell hỏi tiếp.

- Được chứ, đánh đi. Nhưng nhớ đừng có bảo vợ tôi là tôi chỉ cho anh đấy nhé.

- Ông uống gì không? - Tôi hỏi.

- Không, cám ơn. Tôi không hề uống rượu.

Chúng tôi đánh con số năm một trăm đồng lia, rồi chúng tôi trở lại uống thêm một li whisky-soda nữa. Tôi thấy khoan khoái trong người. Chúng tôi gặp hai người Ý khác. Họ uống rượu với chúng tôi xong chúng tôi trở lại chỗ Catherine và Ferguson. Hai người Ý mới này lại càng kiểu cách hơn nữa, họ rất hợp với hai người Ý trước. Ai cũng nôn nao không muốn ngồi một chỗ. Tôi đưa vé cho Catherine:

- Con ngựa nào đây?

- Anh không biết. Ông Meyers chọn đấy.

- Anh không biết cả tên của nó nữa à?

- Không, em tìm trên tờ chương trình xem. Số năm thì phải.

- Anh dễ tin người quá - Nàng bảo - Số năm thắng nhưng không trúng nhiều. Ông Meyers tức lắm.

- Phải bỏ ra hai trăm đồng lia để được hai chục. - Ông ta nói - Mười hai được mười. Nhưng không sao cả. Vợ tôi thua hai chục lia.

- Để em xuống theo anh - Catherine bảo tôi.

Mấy người Ý cùng đứng lên, chúng tôi bước xuống khán đài đi ra sân đua.

- Anh thích nơi này không? - Catherine hỏi.

- Có lẽ thích.

- Cứ cho là vui đi - Nàng nói - Nhưng em, anh yêu ạ, em không thể chịu nổi những chỗ đông người như thế này.

- Chúng ta không gặp mấy ai quen ở đây.

- Vâng, nhưng hai vợ chồng Meyers này, rồi người làm ở ngân hàng với vợ của ông ta này...

- Hắn thường trả phiếu chi của anh - Tôi bảo.

- Vâng, nhưng người khác cũng làm việc đó được vậy chứ. Còn bọn người Ý anh dẫn lạt thật kinh khủng.

- Chúng ta có thể đứng sau hàng rào này để xem cuộc đua.

- Được rồi, nhưng anh phải nghe em đây. Chúng ta đánh con ngựa nào chưa hề được nghe nói đến và ông Meyers cũng không cá nó nữa.

- Cũng được.

Chúng tôi đánh con “Light for me”. Con này về nhất bốn kì trong năm độ đua. Chúng tôi dựa vào hàng rào nhìn những con ngựa đua chạy lóc cóc trước mặt. Xa xa là những rặng núi sừng sững, phía bên kia là những cánh đồng, thành phố Milan chạy dài sau những rặng cây.

- Em cảm thấy khoan khoái lạ - Catherine bảo.

Mấy con ngựa đang trở về. Chúng vượt rào, mồ hôi nhễ nhại, mấy kỵ mã vuốt ve chúng và đến rặng cây thì nhảy xuống.

- Anh có khát không? Chúng ta có thể uống tại đây và xem đua cũng được.

- Để anh đi gọi - Tôi nói.

- Để bồi mang đến cho - Catherine khuyên.

Nàng đưa tay lên gọi người bồi ở quán Pagoda cạnh chuồng ngựa. Chúng tôi ngồi trên một chiếc ghế sắt.

- Anh có thấy hạnh phúc hơn khi chỉ có hai đứa mình?

- Nhất định rồi - Tôi đáp.

- Em cảm thấy rất lạc lõng giữa những người này.

- Ở đây mình thoải mái hơn - Tôi nói.

- Vâng, cuộc đua ngựa này thật thích thú.

- Ừ, tuyệt.

- Anh yêu, em không muốn làm mất cuộc vui của anh. Khi nào anh muốn, em sẽ trở lại.

- Không, chúng ta cứ ngồi yên ở đây uống rồi sẽ đi xuống bờ sông để xem hồi đua ngựa nhảy rào.

- Anh tốt với em quá - Nàng bảo.

Hai đứa ngồi cạnh nhau một lúc rồi vui vẻ gặp lại những người khác. Đó là một ngày đẹp.

Chương 21

Vào đầu tháng Chín, đêm bắt đầu mát. Ngày cũng mát
và trong công viên lá bắt đầu đổi màu. Ở mặt trận, cuộc chiến đấu không thu
được kết quả gì. Chúng tôi không chiếm được San Gabrielle. Những trận đánh ở
cao nguyên Bainsizza đã ngưng và giữa tháng cuộc tấn công San Gabrielle cũng
ngưng nốt. Người ta không thể chiếm được nơi đó. Ettore đã trở lại mặt trận.
Người ta cũng đã chở những con ngựa về La Mã cho nên không còn những cuộc đua
ngựa nữa. Crowell cũng đi La Mã trước khi bị triệu hồi về Mỹ. Ở thành phố có
hai cuộc biểu tình chống chiến tranh và ở Torino có một cuộc bạo động
trầm trọng hơn. Tại câu lạc bộ, một thiếu tá người Anh đã nói với tôi rằng Ý đã
mất một trăm năm chục ngàn người ở cao nguyên Bainsizza và ở San Gabrielle. Ông
ta còn nói ngoài ra ở Carso họ còn mất thêm bốn chục ngàn người nữa. Chúng tôi
cùng uống rượu và nói chuyện. Ông ta bảo “Năm nay thế là các trận đánh đã chấm
dứt ở khu chúng tôi. Dân chúng đã có tham vọng quá lớn”. Ông lại thêm là cuộc
tấn công ở Flanders đã thất bại. Nếu địch tiêu diệt quá nhiều như hồi đầu
thì đến mùa thu sang năm quân đồng minh sẽ kiệt quệ. Ông ta lại bảo là “Chúng
tôi đều kiệt quệ cả, nhưng điều đó không quan trọng, nếu chúng tôi không ngờ
tới. Mà tất cả chúng tôi đều kiệt quệ thật”. Tôi hỏi ông về nước Nga. Ông ta
bảo nước Nga kiệt quệ hoàn toàn, nước Áo và Ý cũng vậy. “Thôi tôi phải đi đây”
- Tôi nói “Tôi phải trở về bệnh viện”. “Thôi chào anh” - Ông ta nói rồi vui vẻ
tiếp “Chúc anh nhiều may mắn”.

Tôi ghé lại tiệm hớt tóc rồi mới về bệnh viện. Chân
tôi đã lành hẳn. Tôi không ngờ chân tôi lành mau như vậy. Ba ngày trước tôi còn
đi khám lại. Tôi cần phải điều trị thêm vài lần nữa. Dài theo lề đường, tôi đi
trên hè phố, cố gắng không tập tễnh. Một ông lão đang ngồi cắt hình dưới cổng
tò vò. Tôi dừng chân đứng ngắm ông. Hai thiếu nữ ngồi làm mẫu, ông ta cắt hình
hai người chung nhau bằng kéo rất nhanh nhẹn, vừa cắt vừa nhìn họ, đầu nghiêng
một bên. Hai cô gái cười khúc khích. Ông ta đưa cho tôi xem hai cái hình bóng
rồi dán lên tờ giấy trắng rồi trao lại cho hai cô gái.

- Đẹp lắm - Ông ta bảo - Bây giờ đến lượt trung úy
chứ?

Hai cô gái vừa đi vừa ngắm hình và cười. Trông họ
rất đáng yêu. Một trong hai cô làm việc ở quán rượu trước cửa bệnh viện.

- Được rồi - Tôi bảo.

- Xin trung úy bỏ mũ ra cho.

- Không, tôi muốn đội mũ.

- Thế thì không được đẹp cho lắm - Ông ta bảo -
Nhưng như thế có vẻ quân nhân hơn - Gương mặt ông rạng rỡ hẳn lên.

Ông cắt miếng giấy đen, tách ra làm đôi rồi dán hình
nghiêng trên tờ bìa và đưa cho tôi.

- Bao nhiêu hả cụ?

- Không có chi cả - Ông khoát tay - Tôi tặng cho
trung úy đấy.

- Xin ông vui lòng nhận cho - Tôi đưa cho ông tiền
lẻ.

- Không, tôi thích cắt hình trung úy. Hãy đem về
tặng cho cô bạn gái của trung úy đi.

- Cám ơn ông nhiều lắm, lần khác vậy.

- Tạm biệt.

Tôi tiếp tục đi về bệnh viện. Tôi nhận được một công
văn và vài bức thư khác. Tôi còn ba tuần nghỉ phép dưỡng bệnh rồi lại phải trở
ra mặt trận. Tôi cẩn thận đọc đi đọc lại bức công văn đó. Phải, đúng thế, giấy
phép nghỉ dưỡng bệnh bắt đầu từ hôm mùng bốn tháng Mười. Khi tôi trị xong vết
thương là ba tuần lễ, đi hai mốt ngày, vậy là tôi được nghỉ đến hai lăm tháng
Mười. Tôi báo là tôi không về bệnh viện, tôi đi đến một nhà hàng hơi xa bệnh
viện một tí, dùng cơm tại đó, đọc thư và báo. Có một bức thư của ông nội tôi
gởi, gồm tin tức gia đình, những lời động viên yêu nước, một ngân phiếu hai
trăm đô la, vài mẩu báo cắt. Một bức thư buồn bã của cha tuyên úy, một bức thư
khác của người bạn phi công giúp việc cho Pháp kể chuyện đã gia nhập với một
bọn hung dữ và một bức thư của Rinaldi hỏi tôi còn định chôn chân ở Milan bao
nhiêu lâu nữa và hỏi thăm tin tức. Anh nhờ tôi mang cho anh mấy cái đĩa hát và
kèm theo đó là một danh sách những đĩa hát anh thích. Tôi uống một chai Chianti
nhỏ trong bữa ăn, sau đó lại uống cà phê và một li cô nhắc. Tôi gấp tờ báo lại,
cho mấy bức thư vào túi, để tiền thù lao và tờ báo ở trên bàn và đi ra. Về đến
phòng riêng ở bệnh viện, tôi thay quần áo ngủ, khoác áo choàng ra bên ngoài.
Tôi thả tấm màn che cửa nhìn ra bao lớn xuống, rồi ngồi trên giường đọc tờ báo
Boston của bà Meyers mang đến cho các cậu con trai yêu quý trong bệnh viện này.
Catherine mãi đến chín giờ mới phải làm việc. Tôi nghe thấy tiếng chân nàng
bước và có lần thấy nàng đi qua hành lang. Nàng đến thăm mấy phòng kia và sau
cùng bước vào phòng tôi.

- Em đến trễ quá anh nhỉ? - Nàng bảo - Hôm nay có
nhiều việc phải làm. Anh có khỏe không?

Tôi kể cho nàng nghe về báo chí và giấy phép.

- Tuyệt quá - Nàng bảo - Thế anh muốn đi đâu nào?

- Không muốn đi đâu cả. Anh chỉ muốn ở lại đây.

- Dại lắm, anh chọn một nơi nào đi, em sẽ đi với
anh.

- Em làm cách nào?

- Không biết. Nhưng thế nào em sẽ tìm được cách.

- Em tài thật.

- Không đâu. Nhưng nếu mình không mất mát gì cả thì
đời mình sẽ không khổ.

- Em muốn nói gì thế?

- Không có gì cả. Em chỉ nghĩ có những trở ngại
không đáng kể trước đây mà mình lại cho là lớn lao.

- Anh nghĩ em khó mà đi được với anh.

- Ồ không đâu anh ạ, nếu cần em chỉ việc xin thôi
việc, nhưng sẽ không đến nỗi thế đâu.

- Chúng ta sẽ đi đâu em?

- Em không cần. Anh muốn đi đâu cũng được. Đến nơi
nào mà chúng ta không quen biết ai cả.

- Chúng ta đi đến đâu cũng được phải không?

- Vâng, bất cứ nơi nào mà anh thích.

Nàng trông có vẻ bồn chồn và bứt rứt.

- Có chuyện gì thế, Catherine?

- Không, không có chuyện gì cả.

- Có, em có chuyện gì.

- Không, không có gì. Thật không có chuyện gì cả mà.

- Anh biết là có. Em yêu, hãy nói cho anh nghe đi.
Em hãy nói cho anh nghe mà.

- Chẳng có chuyện gì cả.

- Nói cho anh nghe đi.

- Em không muốn. Em sợ sẽ làm cho anh mất vui và lo
lắng.

- Không, anh sẽ không lo lắng.

- Thật thế ư? Chuyện này không làm cho em lo lắng
nhưng em e nó sẽ làm cho anh lo.

- Không, điều đó sẽ không làm cho anh lo lắng.

- Em không muốn nói cho anh nghe.

- Có. Nói anh nghe đi.

- Phải nói à?

- Ừ.

- Em sắp có con anh ạ, gần ba tháng rồi. Anh không
lo chứ? Nói cho em biết đi anh. Em van anh đấy. Anh không nên lo lắng về chuyện
đó.

- Có gì đâu.

- Thật ư?

- Thật thế chứ sao?

- Em đã làm đủ mọi cách. Em uống đủ mọi thứ nhưng vô
ích.

- Có gì đâu mà phải lo lắng thế.

- Em không thể không lo được anh ạ. Em không bao giờ
lo về chuyện đó. Anh cũng thế. Anh không nên khổ sở hay lo lắng về chuyện đó
anh nhé.

- Anh chỉ lo cho em mà thôi.

- Đấy, đó chính là điều em không muốn. Hàng ngày
biết bao nhiêu trẻ con ra đời. Ai cũng có thể có con cả. Đó là tự nhiên mà.

- Em đáng yêu quá.

- Không, không, anh đừng quan tâm được việc đó nữa
anh yêu. Em cố làm cho anh không buồn. Em biết em vừa làm cho anh buồn. Nhưng
từ trước đến giờ em vẫn là một thiếu nữ đứng đắn chứ? Anh không bao giờ nghi
ngờ gì về điều đó phải không anh?

- Không.

- Sẽ mãi mãi như vậy. Chỉ có một điều thôi là đừng
lo lắng gì cả. Em thấy rõ là anh lo lắng. Đừng, đừng như thế. Anh muốn uống một
tí rượu không anh yêu? Em biết là khi anh uống rượu, anh sẽ vui vẻ lên ngay.

- Không, anh đang vui và em thì rất đáng yêu.

- Không đâu. Nnưng em sẽ thu xếp mọi việc để đi cùng
với anh khi anh chọn được địa điểm. Vào độ tháng Mười này thật thú vị vô cùng.
Chúng ta sẽ vui vẻ anh ạ, và khi nào anh trở ra mặt trận, mỗi ngày em sẽ viết
thư cho anh.

- Lúc ấy em ở đâu?

- Em chưa biết được. Nhưng có thể ở một nơi danh lam
thắng cảnh nào đó. Em sẽ lo chuyện đó.

Chúng tôi im lặng một lúc lâu không nói gì.
Catherine ngồi trên giường. Tôi nhìn nàng nhưng chúng tôi không đụng vào nhau.
Chúng tôi ngồi cách xa nhau như là có ai bất thình lình bước vào phòng.
Catherine đưa tay nắm lấy tay tôi:

- Anh không giận gì chứ hả anh?

- Không.

- Và anh cũng không cảm thấy bị ràng buộc chứ?

- Có lẽ hơi hơi thôi. Nhưng không phải bị ràng buộc
bởi em.

- Em không muốn nói là anh bị ràng buộc bởi em. Đừng
nói bậy bạ, anh đừng giả vờ như thế. Em chỉ muốn nói là bị ràng buộc một cách
tổng quát mà thôi.

- Người ta luôn luôn cảm thấy bị giam hãm, ràng buộc
đứng về phương diện sinh lý.

Nàng không động đậy, cũng không rút tay lại, nhưng tôi
cảm thấy nàng cách xa tôi quá.

- Tiếng luôn luôn nghe không được êm tai.

- Xin lỗi em.

- Không có gì cả. Nhưng có điều này anh như đã biết,
em đã chưa hề có con cũng như chưa hề yêu ai cho đến bây giờ... Và em đã cố
gắng để trở thành con người mà anh ao ước, thế mà bây giờ anh lại nói “luôn
luôn”.

- Thế em có muốn anh cắt lưỡi đi không? - Tôi hỏi.

- Ồ anh yêu của em! (nàng trở lại từ thế giới xa xôi
mà nàng vừa ở). - Anh đừng quan tâm đến lời em nói.

Chúng tôi lại cảm thấy gần gũi nhau. Mọi buồn bực
đều tan biến.

- Thật ra chúng ta tuy hai mà một. Vậy chúng ta
không nên hiểu lầm nhau.

- Đúng vậy.

- Tuy vậy điều đó vẫn xảy ra. Lắm người yêu nhau rồi
chỉ vì hiểu lầm mà sinh ra cãi cọ rồi chia lìa.

- Chúng ta sẽ không bao giờ cãi cọ với nhau.

- Không, không nên cãi cọ. Bởi vì hai chúng ta là
một và trên thế gian này còn có nhiều người khác nữa.

Nàng đến mở cánh cửa tủ rồi đem lại chai rượu và cái
li.

- Anh uống một tí cô nhắc nhé? Anh ngoan lắm - Nàng
nói.

- Không, anh cảm thấy không muốn uống.

- Một chút thôi.

- Thôi được rồi.

Tôi rót đầy ba phần li rồi uống cạn.

- Anh uống nhiều quá. Em biết rượu mạnh là đồ uống
của người người anh hùng, nhưng cũng không nên quá chén.

- Sau chiến tranh chúng ta sẽ sống ở đâu nhỉ?

- Có lẽ ở nhà mấy ông già bà lão. Ba năm nay em ngây
thơ chờ mong chiến tranh chấm dứt vào ngày lễ Giáng sinh. Nhưng bây giờ em cho
là sẽ không trước khi con chúng ta làm đến chức tổng tư lệnh.

- Không, nó sẽ làm đến đại tướng.

- Nếu đó là chiến tranh một trăm năm, nó sẽ có đủ
thì giờ chiếm được cả hai chức ấy.

- Em uống tí gì nhé?

- Không, anh uống vào thấy thích chứ em uống thì
thấy chóng mặt lắm anh ạ.

- Em có bao giờ uống rượu mạnh không?

- Không anh ạ, em là một người vợ cổ lỗ.

Tôi với tay lấy chai rượu đã để dưới đất và rót thêm
một li nữa.

- Em phải đi thăm các chiến hữu của anh một chút -
Catherine bảo - Anh có thể đọc báo chờ em trở lại.

- Em phải đi thật à?

- Vâng, bây giờ hoặc tí nữa cũng được.

- Vậy thì đi bây giờ đi.

- Tí nữa em sẽ trở lại.

- Anh sẽ đọc xong tờ báo này.

Chương 22

Đêm ấy trời trở lạnh và ngày hôm sau thì mưa. Từ
Ospedale Maggiore về, trời mưa to cho nên khi đến nơi tôi ướt sũng. Mưa đổ nặng
hạt bên ngoài bao lơn phòng tôi và nước mưa theo gió tạt vào cánh cửa kính. Tôi
thay quần áo, uống một it rượu mạnh nhưng không thấy ngon. Ban đêm tôi đau tim,
và sáng đó sau bữa điểm tâm, tôi nôn mửa ra hết.

- Thôi không còn nghi ngờ gì hết - Bác sĩ trưởng bảo
- Này cô, cô hãy nhìn vào tròng trắng mắt hắn xem.

Cô Gage nhìn vào tròng mắt tôi. Họ bắt tôi nhìn vào
trong gương. Tròng mắt tôi biến thành màu vàng, tôi đã mắc bệnh hoàng đản. Tôi
nằm đau mất hai tuần vì thế chúng tôi không cùng nhau đi nghỉ ở đâu cả. Chúng
tôi đã dự định đi Pallenza. Từ Milan đi Stresa dễ dàng nên ở đó có rất nhiều
người quen biết. Ở Pallenza có một ngôi làng rất đẹp và có thể bơi thuyền ra
các hòn đảo của những người chài lưới, đồng thời ở hòn đảo lớn nhất lại có cả
tiệm ăn. Nhưng chúng tôi đã không đi được.

Một hôm tôi đang nằm trên giường vì bệnh hoàng đản
thì cô Van Campen bước vào phòng. Cô mở cửa tủ ra và thấy chai rượu không trong
đó. Tôi đã gởi đi cho ông thường trực rất nhiều chai không và chắc là cô ta
trông thấy cho nên mới lên phòng tôi xem còn chai nào không. Phần nhiều là
những chai Vermouth, Capri, Marala và vài hũ Chianti rỗng, một vài chai cô nhắc.
Ông thường trực đã mang đi những chai lớn, loại chai đựng rượu Vermouth và các
hũ Chianti có chèn rơm chung quanh, ông để lại các chai rượu mạnh. Cô Van
Campen tìm thấy những chai rượu mạnh đó và một chai rượu mùi hình con gấu. Chai
hình con gấu làm cô giận dữ nhất. Cô đưa cái chai ra ngoài ánh sáng. Gấu ngồi
chồm hổm đưa chân lên. Ở đầu gấu có một cái nút và dưới đáy chai còn đóng mấy
tảng thủy tinh. Tôi bật cười to lên.

- Rượu mùi đấy. Rượu ngon nhất từ Nga đưa sang, đóng
trong chai hình con gấu.

- Tất cả những chai này đều là rượu mạnh cả phải
không? - Cô Van Campen hỏi.

- Tôi không thấy gì hết, nhưng có lẽ thế - Tôi đáp.

- Như thế này đã bao lâu rồi?

- Tôi mua và chính tôi đem vào. Tôi thường có các sĩ
quan Ý đến thăm và tôi phải có rượu để mời họ.

- Còn ông không uống chứ? - Cô hỏi.

- Có, tôi có uống chứ.

- Ồ, ông uống rượu à? - Cô nói - Mười một chai rượu
hết sạch và còn cả chai rượu hình con gấu nữa.

- Rượu mùi đấy mà.

- Tôi sẽ cử người đi mua. Ông chỉ có tất cả bấy
nhiêu chai hết phải không?

- Bây giờ thì chỉ có nhiêu đó.

- Tôi thương hại ông mắc phải chứng hoàng đản.
Thương hại ông thật thừa!

- Cám ơn.

- Tôi cho rằng người ta không thể khiển trách ông
không muốn trở lại mặt trận. Nhưng theo tôi nghĩ ông nên tìm cách nào khác hơn
là tạo cho mình chứng hoàng đản bằng cách uống rượu.

- Bằng cách gì?

- Bằng cách uống rượu. Ông nghe tôi nói chứ?

Tôi không nói gì cả.

- Nếu ông không tìm cách nào khác nữa tôi lo rằng
ông sẽ phải trở ra mặt trận khi hết chứng bệnh này. Tôi không tin rằng tự mình
làm mắc chứng bệnh hoàng đản như thế mà ông được nghỉ phép dưỡng bệnh.

- Ồ, thật thế à?

- Vâng, tôi không tin như thế.

- Thế cô đã mắc chứng bệnh hoàng đản bao giờ chưa hả
cô Van Campen?

- Chưa, nhưng tôi đã thấy có nhiều người bị rồi.

- Cô có nhận thấy bệnh nhân thích bệnh ấy như thế
nào không?

- Nhưng tôi cho rằng thế còn hơn là bị ra trận.

- Này cô Van Campen - Tôi nói - Thế có bao giờ cô
thấy người nào tự làm cho mình bất lực bằng cách đá vào bọng đái của mình
không?

Cô Van Campen không ngờ đến câu hỏi hóc búa đó. Hoặc
là cô giả vờ tảng lờ hoặc là cô nên rời khỏi phòng. Nhưng cô chưa muốn đi vội
bởi vì cô đã ghét tôi từ lâu và bây giờ cơ hội đó đã đến.

- Tôi biết nhiều người tự làm cho mình bị thương để
khỏi ra mặt trận.

- Tôi không muốn hỏi cô như thế. Chính tôi tôi cũng
thấy nhiều vết thương cố tình. Tôi chỉ muốn hỏi cô một điều là cô đã thấy người
nào tự ý làm cho mình bất lực bằng cách đá vào bọng đái của mình không. Vì
trong những cảm giác, thứ đó giống bệnh hoàng đản nhất. Và đó là một cảm giác
tôi tin chắc ít có người đàn bà nào biết. Chính vì thế mà tôi hỏi cô là cô đã
mắc bệnh hoàng đản lần nào chưa. Này cô Van Campen, vì...

Cô Campen đã rời khỏi phòng, một lát sau cô Gage đi
vào.

- Anh đã nói gì với cô Campen thế? Cô ta rất giận
dữ.

- Chúng tôi so sánh các cảm giác. Tôi cố gợi hỏi xem
cô ta có bao giờ cảm thấy đau đẻ chưa.

- Anh ngốc. Cô ấy sẽ lột da anh ra cho mà xem.

- Cô ấy đã làm rồi - Tôi nói - Cô ấy đã cắt giấy
phép nghỉ dưỡng bệnh và có lẽ tìm cách đưa tôi ra tòa án quân sự. Như thế thì
hèn thật.

- Cô ấy không bao giờ thích anh - Cô Gage nói - Vì
sao thế?

- Cô ấy bảo tôi tự uống rượu cho mắc chứng hoàng đản
để khỏi phải trở lại mặt trận.

- Ô tưởng gì - Cô Gage nói - Tôi sẵn sàng tin rằng
anh không hề uống một giọt rượu nào cả và mọi người cũng sẽ tin như thế.

- Nhưng cô ấy đã tìm thấy mấy chai rượu không rồi.

- Tôi đã bảo anh cả trăm lần là nên vứt những chai
ấy đi. Thế chúng đâu rồi?

- Trong tủ.

- Thế anh có một cái va li không?

- Không, hãy bỏ chúng vào trong cái túi của tôi.

Cô Gage xếp chai vào túi rồi bảo “Tôi sẽ giao nó cho
ông thường trực”. Nàng tiến ra cửa.

- Khoan đã - Cô Van Campen chặn lại - Tôi muốn chính
tay tôi lấy mấy chai này đi - Ông thường trực đi theo cô ta - Ông hãy mang
những thứ này đi - Cô ta bảo - Tôi muốn đưa cho bác sĩ coi để làm bản báo cáo.

Cô ta khuất dần trong hành lang. Ông thường trực
mang chiếc túi mà ông biết rõ trong đó đựng những gì.

Chẳng có việc gì xảy ra ngoài việc mất giấy phép cả.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3