Bên giòng lịch sử - Sơ lược tiểu sử tác giả

Sơ lược tiểu sử tác giả.

Cao Văn Luận là giáo sư, linh mục Thiên Chúa giáo sinh vào
năm Mậu Thân 1908 ngày 20 tháng 12 tại Hà Tĩnh.

Ông xuất thân trong một gia đình công giáo lâu đời tại Hà
Tĩnh, thuở nhỏ tu học tại Chủng viện Xuân Bích, Hà Nội. Khoảng năm 1938-1939 thụ phong linh
mục, rồi du học tại Pháp về Triết học và Sinh ngữ Đông phương, năm 1942 tốt nghiệp
cử nhân Triết học và trường Sinh ngữ Đông phương Paris vào năm 1945.

Năm 1947 về nước, làm cha xứ tại một họ đạo ở huyện Tuyên
Hóa, tỉnh Quảng Bình, năm 1949 vào Huế dạy Triết học tại trường Quốc học.

Năm 1957 ông cùng một số trí thức miền Trung vận động thành lập
Viện đại học Huế rồi được chính thức giữ chức Viện trưởng Viện đại học Huế từ
năm 1958 đến năm 1964.

Viện đại học Huế là một cơ sở đại học đầu tiên ở miền Trung
trong những năm chiến tranh, nơi học tập của thanh niên hiếu học thuộc các tỉnh
từ Quảng Trị đến Bình Thuận.

Tháng 8 năm 1963, ông bị chế độ Ngô Đình Diệm cách chức Viện
trưởng vì cho rằng ông có cảm tình với sinh viên chống chế độ hồi đó, tuy rằng
ông là người có nhiều liên hệ tình cảm với gia đình họ Ngô.

Sau đảo chính ngày 1/11/1963 ông trở lại giữ chức vụ này một
thời gian ngắn, rồi làm Giáo sư tại đại học Sư phạm Sài Gòn cho đến năm 1975.
Ông mất ngày 20/7/1986 tại Hoa Kỳ.

Tác phẩm: Tâm lí học (1958); Luận lí học và Siêu hình học
(1958); Đạo đức học (1959); Danh từ Triết học (1959); Henri Bergson (1961); Bên
giòng lịch sử (1971 - Hồi kí)…

Nguồn:
http://www.vietgle.vn/beta/Default.aspx?t=1&pid=1495&key=Cao+V%C4%83n+Lu...

***

Đọc sử để nhìn nhận hôm nay.

Luật sư Lê Công Định.

Gửi cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn (09:29 GMT thứ bảy,
2/5/2009).

* Lúc chưa bị bắt giam vì tội tuyên truyền, hoạt động chống
phá chế độ và mưu đồ phản loạn (…) Sau này điều tra bị thêm tội âm mưu lật đổ
chính quyền nhân dân… Định đã bị bắt giam 13/6/2009…

* Ngày 20/1/2010, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử hình sự
sơ thẩm… “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (…) Sau một ngày xét xử
công khai, dân chủ, nghiêm minh đúng pháp luật, hội đồng xét xử đã tuyên phạt
Trần Huỳnh Duy Thức mức án mười sáu năm tù; Nguyễn Tiến Trung bảy năm tù; Lê
Công Định và Lê Thăng Long cùng mức án năm năm tù, quản chế ba năm…

* Chiều 11/5/2010, sau thời gian nghị án khá lâu, tòa phúc thẩm
TAND tối cao tại TPHCM đã bác kháng cáo xin giảm án của bị cáo Lê Công Định (42
tuổi, nguyên Giám đốc công ty Luật TNHH một thành viên Lê Công Định), (…) Kết
thúc phiên tòa, dù bản thân không được giảm án (5 năm), nhưng bị cáo Lê Công Định
vẫn vui vẻ bắt tay chúc mừng bị cáo Lê Thăng Long về mức án mới này…

Theo: www.candonline… wikipedia… vnexpress.net.”

***

Từ khi bắt đầu vào đại học lúc mười bảy tuổi đến nay, tôi vẫn
giữ thói quen đều đặn hàng năm dành khoảng hơn một tháng đọc sách vở và tài liệu
viết về đề tài Việt Nam, quá khứ cũng như hiện tại, chủ yếu nhằm giúp trau dồi
vốn kiến thức hạn hẹp của tôi về lịch sử nước nhà.

Tôi thường chọn thời gian làm công việc nhẹ nhàng, nhưng đầy
hào hứng này vào độ trung tuần tháng ba đến cuối tháng tư mỗi năm. Đó cũng là
khoảng thời gian của một năm thường gợi nhớ trong tôi nhiều biến cố vui buồn lẫn
lộn, vừa hào hùng nhưng cũng vừa bi thương, của dân tộc.“Vai trò Tây Nguyên.”

Năm nay, trong số những sách vở và tài liệu tôi đọc có một
quyển sách đặc biệt mà năm mười tám tuổi tôi đã có dịp xem qua, đó là tập hồi kí
“Bên dòng lịch sử, 1940-1965” của Linh mục Cao Văn Luận, nguyên Viện trưởng Đại
học Huế và Giáo sư đại học Văn khoa Sài Gòn. Hơn hai mươi năm trước tôi đọc quyển
sách mang tính chất sử liệu này chủ yếu với ý định tìm hiểu các diễn biến lịch
sử, mà vì nhiều lí do khác nhau thầy cô “dạy Sử” của tôi ở trường trung học và
cả những nhà “nghiên cứu” Sử học sau 1975 tránh đề cập đến hoặc cố tình diễn giải
sai lệch.

Tuần vừa rồi có dịp mượn lại “Bên dòng lịch sử” từ người bạn
lớn tuổi để tra cứu một số chi tiết cần cho công việc nghiên cứu cá nhân, tôi
xem lại tập sử liệu một cách say mê, bởi lẽ lần đọc này mang đến cho tôi tâm trạng
khác trước, gần như là khám phá mới lạ. Quả thật Linh mục Cao Văn Luận có nhiều
cơ hội tiếp xúc và đối thoại với các nhân vật lịch sử khác nhau của Việt Nam ở
hai bên chiến tuyến trong giai đoạn từ 1940 đến 1965, nhờ vậy thiên hồi kí của
ông đã dẫn dắt người đọc đi qua các biến cố lịch sử trọng đại của đất nước một
cách sinh động và lôi cuốn.

Trong phần kể về cuộc gặp gỡ và trò chuyện lần đầu tiên với cố
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm vào nửa đầu năm 1948 tại Đà Lạt, mà Linh
mục Cao Văn Luận gọi là “câu chuyện bên lò sưởi năm 1948” (xem từ trang 165 (*)
đến 171 của bản in năm 1972), ông có nhắc đến một chi tiết lí thú trong nội
dung câu chuyện mà tôi nghĩ ít nhiều liên quan đến một sự việc nghiêm trọng gần
đây ở nước ta.

Khi được Linh mục Cao Văn Luận hỏi về chính sách của mình đối
với Pháp trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954), ông Ngô Đình Diệm
lúc ấy là nhà cách mạng khả kính tại Việt Nam, đã đề cập đến vấn đề Tây Nguyên
như sau: “... ít người để ý là người Pháp lập ra Hoàng triều Cương thổ, để biến
tất cả vùng cao nguyên Trung và Nam phần thành đất thuộc địa trực tiếp của
Pháp.” Linh mục Cao Văn Luận không khỏi ngạc nhiên vì cụ Ngô Đình Diệm dường
như xem Tây Nguyên là chuyện hệ trọng đối với chủ quyền quốc gia, mà khi ấy dù chưa
cầm quyền ông vẫn trăn trở về vận mệnh đất nước trước ý đồ của thực dân Pháp.

Linh mục Cao Văn Luận tường thuật tiếp:

“Ông Diệm trầm ngâm một lúc. Tôi vẫn im lặng. Những lời ông
nói ra nửa như suy tư, nửa như phân trần với tôi:

- Vùng Cao Nguyên này có một tầm quan trọng lớn về chiến lược
và kinh tế. Về chiến lược, nó nằm ở giữa ba quốc gia Việt-Miên-Lào. Ai chiếm giữ
được Cao Nguyên này có thể gây áp lực được đối với cả ba quốc gia đó. Người
Pháp gọi vùng Cao Nguyên là Hoàng triều Cương thổ chỉ là một lối trá hình trên
thực tế, chủ tâm của họ là biến vùng này thành thuộc địa Pháp. Về mặt kinh tế,
thì vùng Cao Nguyên hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai. Ở đó
chắc chắn có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều khoáng sản chưa được khám phá
và khai thác, nhưng chúng ta cần phải bảo vệ cho Việt Nam. Rồi còn vấn đề thể
diện quốc gia, chủ quyền quốc gia nữa. Không thể bỗng dưng nhường cho Pháp một
vùng đất quan trọng như thế, nằm ngay giữa lãnh thổ quốc gia, người Việt Nam
nào muốn lên lại phải xin thông hành!

Tôi (tức là Linh mục Cao Văn Luận) chợt nhớ đến một cuốn sách
khảo luận về địa dư Đông Pháp (tức là Đông Dương thuộc Pháp), không nhớ rõ tác
giả và tôi đem những ý kiến được nêu lên trong tập sách này trình bày lại với cụ
Diệm:

- Cụ nói đúng. Tôi có đọc một cuốn sách viết đại ý rằng Pháp
muốn ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt Nam về phía tây, muốn để dân tộc
Việt Nam dừng lại ở các miền duyên hải, còn Pháp thì phải giữ vững vùng Cao
Nguyên Trường Sơn, vừa để ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt Nam, vừa
canh phòng phía Lào. Như vậy khi lập Hoàng triều Cương thổ, đặt trực thuộc
Pháp, thì Pháp đã bắt đầu thi hành đúng cái chính sách đó rồi.”

Tiếp theo, tại trang 194 và 195, Linh mục Cao Văn Luận kể rằng
vào năm 1953 khi ông gặp cụ Ngô Đình Diệm lần thứ hai ở Paris, cụ Diệm một lần
nữa nhắc lại vấn đề Hoàng triều Cương thổ với nhiều ưu tư và lo lắng hơn, khiến
mọi người có mặt lúc ấy đều tỏ ý trách cứ cựu hoàng Bảo Đại mải mê ăn chơi mà
không lưu tâm đến bảo vệ chủ quyền quốc gia, đã vậy còn trao hết cho người Pháp
toàn quyền khai thác Tây Nguyên.

Sử học trung thực.

Đọc xong những đoạn đối thoại quan trọng này trong “Bên dòng
lịch sử”, tôi hạ quyển sách xuống với tâm trạng bàng hoàng. Chuyện của hơn sáu
mươi năm trước đây thật chẳng khác lắm so với vấn nạn của ngày hôm nay. Có điều
những nhân vật lịch sử ngày ấy, như cụ Ngô Đình Diệm chẳng hạn, xem chừng rất
quan tâm đến lợi ích, chủ quyền và thể diện của quốc gia. Họ trăn trở về điều
này và xem Tây Nguyên thực sự là vấn đề ưu tiên trong chính sách của các chính
quyền miền Nam thời bấy giờ, nhất là giữa bối cảnh có nhiều kẻ mang dã tâm xâm
lược Việt Nam dù công khai hay ẩn ý.

Thật đáng trân trọng biết bao cách viết sử trung thực, tất
nhiên theo nhãn quan và hiểu biết tối đa của tác giả, trong đó lối diễn đạt và
sử dụng ngôn ngữ chừng mực, thể hiện sự tôn trọng dành cho mọi nhân vật của một
thời đã qua, đặc biệt với cả những người không cùng chính kiến với mình. Chính
vì vậy, đọc các công trình khảo cứu của giới học giả ở miền Nam trước đây, nhất
là trong lĩnh vực Sử học mà tôi yêu thích, kẻ hậu sinh ở lứa tuổi tôi thường cảm
thấy an tâm và có thể đặt phần lớn niềm tin vào những thông tin và kiến thức mà
mình tiếp nhận. Bởi lẽ ít ra các tác giả đó không có gì phải lo sợ khi muốn viết
sự thật và trình bày nhận định thật của mình.

Cái hay của Sử học trung thực là giúp người đời sau hiểu được
các diễn biến lịch sử trong quá khứ, bác bỏ lối đánh giá sai lệch với dụng ý
bôi nhọ những nhân vật lịch sử ở bên kia chiến tuyến. Song điều quan trọng hơn
cả, đọc sử giúp người đời nay có được cơ hội “ôn cố tri tân,” học hỏi điều hay
lẽ phải của đời trước để làm điều hữu ích cho dân tộc hầu lưu tiếng thơm muôn đời.

Tất nhiên, không chỉ có gương tốt, lịch sử còn đặc biệt răn dạy
người đời sau bằng cả gương xấu. Trong lần đọc lại sử sách nước nhà năm nay,
không hiểu vì sao tôi lại quan tâm nhiều đến các nhân vật “thân bại danh liệt”
như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống và Hoàng Cao Khải, rồi tự hỏi không biết ba
mươi năm nữa, nếu còn sống, tôi sẽ biết thêm những cái tên nào tương tự như vậy
trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Bất giác tôi cầu mong điều đó đừng xảy
ra...

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/05/090502_history_lecongdinh....

http://bauxitevn.info/ykien/090504_bbcdocsu.htm

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3