Thế Giới Người Điên - Chương 07 - 08

CÁI BẾP VÀ MỐI
TÌNH QUÊ

Tháng chín năm ngoái, chúng tôi
đi thực hiện bộ phim tài liệu về cuộc đời sông nước ở miền Tây. Khi đến xã
Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, chúng tôi được chính quyền địa phương hướng dẫn đến
nhà bác Hai Đường ở xóm Bàu Dừa, một lão nông tri điền đã có mặt trên vùng đất
này từ khi mới khẩn hoang. Ngôi nhà bác Hai thuộc mẫu nhà truyền thống của vùng
đồng bằng sông Cửu Long, một ngôi nhà ngói ba gian kèm theo một căn chái đâm
nóc xuống sông mà dân gian hay gọi là nhà chữ đinh. Ở nông thôn
ngày nay, nhiều gia đình khá giả xây nhà tường lợp ngói nhưng kiểu cách vẫn là
sự phiên bản từ ngôi nhà lá. Chỉ cần nhìn vào lối kiến trúc ấy thì ta có thể hiểu
ngay chủ nhân của nó là một lão nông tri điền.

Bác Hai Đường năm nay đã ngoài bảy
mươi tuổi, mái tóc trắng một màu mây, gương mặt lúc nào cũng chứa đựng niềm vui
và nụ cười đôn hậu. Gặp chúng tôi, bác hỏi ngay những nhà quay phim lão thành
thời chống Mỹ. Bác nói, nhà bác ngày xưa giống như cái trụ sở của các cơ quan
Văn học Nghệ thuật khu Tây Nam bộ: Từ thông tấn báo chí đến điện ảnh, văn công
cứ đi về suốt ngày đêm, cái bếp lửa nhà bác không bao giờ tắt.

Khi tôi nói yêu cầu của chúng tôi
đến đây là để nhờ bác giúp cho một số cảnh quay, hình ảnh là một ông già tóc bạc
bơi xuồng giăng lưới cá bổi dưới kinh Bàu Dừa, nhưng cá mắc lưới phải thật nhiều
như cái thời vàng son của sông nước. Bác nói được thôi, nhưng phải làm cảnh giả
chớ dưới sông bây giờ làm gì còn cá bổi. Rồi bác bảo thằng Út mang tay lưới ra
cái đìa cá nuôi sau vườn giăng cá đem vô cho mấy anh mày làm đạo cụ.
Thực hiện xong cảnh quay, bác bảo bác Hai gái và con dâu Út gở cá bổi ra chiên
xù và nấu canh chua.

Khi bắt đầu thân thiện như người
nhà, tôi nhào vô làm bếp như một thói quen. Và tôi giật mình nhận ra cái bếp
nhà của bác Hai Đường, một mẫu bếp quen thuộc mà kể từ khi làm dân thị thành đến
giờ tôi không gặp: Cái khung bếp đứng đóng bằng gỗ đước già bóng lộng, mặt bếp
lót gạch tàu. Trên bếp đặt một cái cà ràng và hai cái lò đất nung. Dưới bếp chất
củi dừa thành hàng, thẳng tấp. Từ chỗ bếp nhìn lên mái nhà là một cái giàng
treo lá dừa để dành mồi lửa hoặc để nấu nước pha trà. Trên tấm vách bên phải là
hai hàng chai thủy tinh đựng muối và nước mắm. Tôi thử đếm có trên ba chục
chai, mỗi chai được úp lên một cái phễu bằng giấy tập học trò. Bên vách trái là
một dãy xoong, thau và chảo nhôm. Tất cả được xếp ngay hàng thẳng lối, cái lớn
theo hàng lớn, cái nhỏ theo hàng nhỏ. Dù chúng được nấu bằng củi nhưng không thể
tìm thấy cái xoong nào bị ám khói xung quanh. Tôi thử hỏi bác gái vì sao đã có
điện, có gas rồi mà vẫn còn xài bếp củi. Bác nói nhà có cả nồi điện, bếp gas nhưng
cất trong tủ, năm ngoái có xài mấy tháng nhưng thấy bỏ củi vườn tiếc quá, vả lại
chụm củi quen rồi.

Tôi gọi nhà quay phim Đào Anh
Dũng ra ngoài để gợi ý về cái nhà bếp của bác Hai Đường. Biết rằng những hình ảnh
này sẽ không có trong những thước phim về cuộc đời sông nước của chúng tôi,
nhưng phải quay để dành làm tư liệu, bởi lỡ mai kia mốt nọ khi cần, sẽ chẳng
tìm đâu ra hình ảnh của một cái bếp làng quê đúng nghĩa như thế này.

Lại thêm một sự trùng hợp ngẫu
nhiên mà phong phú. Khi chúng tôi đang thực hiện những cảnh quay về cái bếp và
chảo cá bổi chiên xù thì bác gái sai con dâu Út lấy trái dừa ra nạo để hầm mấy
nải chuối xiêm. Tiền cảnh là nàng dâu và mẹ chồng, người lột chuối, người nạo dừa
trên bộ ván, hậu cảnh là cái bếp lửa bập bùng, một hàng xoong chảo lấp lánh
phía sau.

Thấy chúng tôi làm việc có vẻ say
sưa, quay cận cảnh từng chi tiết trong nhà bếp, bác Hai gái nói: Hồi
xưa,
cũng vì cái bếp mà tao mới được về làm vợ bác Hai mày. Con
dâu Út nhìn bà mẹ chồng rồi cười nói: Bởi vậy cho nên bây giờ má vẫn bắt
con nấu
củi, không cho xài điện, xài gas. Bác gái lại nói
vui: Ráng chịu cực đi con, vài năm nữa má theo ông theo bà rồi
muốn xài cái gì đó thì xài
. Con dâu Út lại nói như mắc cỡ: Nói chơi cho
vui vậy chớ nếu con không giỏi chuyện bếp núc thì còn lâu mới được về đây làm
dâu của má.

Đến lúc trà dư tửu hậu, men rượu
ngây người, bác Hai Đường bắt đầu tâm sự. Bác hỏi tôi có biết cô Năm Dung ngày
xưa công tác ở Hội Phụ nữ tỉnh không, tôi nói có phải cô Dung nhà ở Bạc Liêu,
đã mất cách nay mấy năm. Bác nói đúng rồi, hồi cô Dung mất, bác và bác Hai gái
đứng ra tổ chức đám tang, lo chôn cất chu đáo. Đối với bác, cô Dung là mối tình
đầu mà suốt cuộc đời bác không bao giờ quên được. Tôi chưa từng thấy ông già
nào ở từng tuổi ấy mà kể về mối tình đầu một cách ngậm ngùi như kẻ đang yêu, lại
kể trước mặt người vợ của mình. Thế nhưng bác Hai gái chẳng những không buồn mà
còn kể theo bằng tấm lòng chia sẻ: Cũng tại cái bếp, chớ nếu không thì ổng
với cô Dung thành vợ thành chồng rồi, đâu đến lượt tôi.

Bác Hai Đường kể, ngày xưa bác với
cô Dung yêu nhau say đắm, mối tình kéo dài hơn hai năm trời nhưng cha mẹ bác nhất
quyết không cho cưới. Bà lão nói rằng cô Dung tuy đẹp người đẹp nết nhưng chuyện
bếp núc rất lôi thôi. Bước vào nhà sau lúc nào cũng thấy bụi tro, củi tàn đầy
trên bếp, cái xoong một nơi, cái thau một nẽo, nồi niu dính đầy lọ nghẹ. Cơm thừa
cá cặn cứ để trong xoong trong chảo mặc cho mèo liếm, chó tha. Chén đũa thì tứ
tung, bừa bãi.

Ở nông thôn, không chỉ ngày xưa
mà ngay cả bây giờ, mấy ông già bà cả luôn xem cái bếp là tiêu chuẩn hàng đầu để
làm thước đo công-dung-ngôn-hạnh của người con gái. Bác Hai Đường nói rằng cô
Dung hồi ấy đúng là hơi bê bối trong việc bếp núc, cô hay đi sớm về khuya, suốt
ngày cứ thấy cô trên chiếc xuồng chèo từ sông này qua rạch khác.

Một đêm nọ, cô Dung hẹn bác Hai
Đường đến một ngã ba sông để chia tay, không phải lấy chồng mà cô vào vùng căn
cứ kháng chiến. Lúc bấy giờ, bác Hai mới hiểu ra rằng cô Dung không phải là người
phụ nữ của gia đình. Dù đã muộn nhưng bác vẫn về thanh minh với mẹ cha. Nhưng
bà cụ lại bảo: Con gái mà làm cán bộ lại càng không được, nhà mình là
nông dân, cần phải có con dâu biết lo bếp núc. Cưới con dâu làm cán bộ, lâu lâu
nó xẹt về nhà hỏi bà già chồng “cái địa điểm gạo” ở đâu, làm sao tao chịu nổi.
Một
năm sau, bác Hai bị ép đi cưới vợ, một người vợ có đủ tiêu chuẩn do cha mẹ mình
lựa chọn. Bác không chê vào đâu được, nhưng bác không yêu, bác vẫn còn nhớ cô
Dung. Một hôm, bác đưa vợ về quê thăm cha mẹ. Chèo được một đoạn đường, bác ghé
xuồng lại dưới một bóng cây và nghiêm chỉnh nói: Mấy tháng qua, kể từ
ngày cưới đến nay tôi chưa bao giờ đụng tới người em, em có biết vì sao không?
Vì tôi không yêu em nên tôi muốn giữ cho em còn nguyên vẹn để em lấy người chồng
khác, em đừng trách tôi, hãy tha thứ cho tôi. Tình cảm không thể nào miễn cưỡng.

Người con gái ấy quẹt nước mắt bước
lên bờ đi về nhà cha mẹ ruột. Bác trở về thú thật với cha mẹ mình. Cuối cùng rồi
ông bà cũng bỏ qua mọi chuyện. Chỉ có cô Dung là bác không tìm lại được.

Gần ba năm sau, khi những chuyện
phiền hà đã phôi pha, ông bà cụ mới đi cưới cho bác Hai Đường người vợ khác, một
cô gái cũng đẹp người đẹp nết, chẳng những giỏi dang chuyện bếp núc, may vá,
thêu thùa mà còn là cô thợ cấy nổi tiếng ở xóm Bàu Dừa. Đó chính là bác gái bây
giờ đang ngồi cạnh chúng tôi. Bác kể, trước khi làm đám hỏi, bác trai đã tâm sự
hết mọi chuyện đã qua để bác cùng chia sẻ. Vì vậy mà khi về làm dâu, bác phải
luôn luôn chăm chút cái bếp để vừa ý cha mẹ chồng, vừa phải cố gắng bù đắp lại
những mất mác trong tình cảm của bác trai. Rồi bác nói vui: Nhờ vậy mà ổng
không giữ cho tao còn nguyên để đem xuống xuồng chở về trả cho cha mẹ.

Bác trai cười ngượng ngùng rồi kể
tiếp: Sau đồng khởi, xóm Bàu Dừa được chọn làm vùng căn cứ, cô Dung có trở lại
đôi lần, nhưng bây giờ mọi sự đã đổi thay, ai cũng đã có chồng, có vợ và vợ chồng
cô Dung trở thành em kết nghĩa của vợ chồng bác Hai Đường.

Rồi chồng cô Dung hy sinh, để lại
ba đứa con, một trai hai gái. Sau giải phóng, cô về Bạc Liêu công tác, vừa nuôi
con ăn học. Thỉnh thoảng, vợ chồng bác Hai Đường vượt cả trăm cây số lên thăm,
mang gạo, mang dừa, mang khô bổi lên làm quà.

Tôi kể cho bác Hai nghe rằng hồi
năm 1994, khi tôi làm bộ phim tài liệu Tấm lòng Đất Mũi thì cô Năm
Dung là một nhân chứng của nhiều câu chuyện cảm động về sự hy sinh của người phụ
nữ trong chiến tranh. Tôi có đến nhà cô hai lần để thu hình, ăn hai bữa cơm.
Tôi còn nhớ cái bếp nhà cô cũng sạch đẹp và ngăn nắp giống như cái bếp nhà bác
Hai Đường. Chỉ có khác là cô xài than đước, ba cái lò than lộng trong xô nhôm
trắng bóng.

Một năm sau, tôi được tin
cô năm Dung qua đời vì chứng bệnh ung thư gan, lúc ấy tôi đang ở xa nên không kịp
về để tiễn cô, một người đã tận tình để lại trong bộ phim của tôi những khung
hình vô giá. Bác Hai Đường kể rằng, ngày cô Dung lìa trần, bác và bác Hai gái
đã trực tiếp đứng ra lo ma chay tống táng.

Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện
tình gần năm mươi năm ấy, trong đôi mắt trũng sâu của ông già vẫn còn đọng những
ngấn nước long lanh. Bác Hai gái ngồi cạnh ông, bà buông một câu trong sự ngậm
ngùi: Tội nghiệp mấy đứa nhỏ con cô Dung, cả năm rồi tôi không lên thăm
tụi nó.

Trước lúc chia tay, tôi định hỏi
bác gái rằng, việc bác cất cái nồi điện và cái bếp gas trong tủ để xài bếp củi
có liên quan gì đến câu chuyện tình năm cũ của bác trai không. Nhưng ngẫm đi
nghĩ lại rồi thôi, tôi không dám hỏi.

ĐI LÃNH NHUẬN
BÚT VỚI NHÀ VĂN SƠN NAM

Đúng hẹn để nhận bài cho báo Tết,
tôi gọi điện thoại đến nhà truyền thống quận Gò Vấp xin gặp nhà văn
Sơn Nam. Bên kia đầu dây, ông trả lời ngắn gọn: “Cho hẹn lại sáng mai
nghen, sáng nay mắc ra báo Công an mượn tiền xài, hiện giờ trong túi chỉ còn mấy
chục đồng”.
Tôi nói: “Vậy thì tía ở đó đợi con vào chở tía đi.”

Khi ngồi sau lưng tôi trên chiếc
Honda, ông nói: “Sáng nay có mấy cô ký giả trẻ đến hạch hỏi mấy tiếng đồng
hồ, trả lời muốn khan cổ họng mà chẳng có đồng xu. Nhưng kể ra cũng tội nghiệp
tụi nó, sinh viên từ miền Tây mới ra trường, đang thử việc, không có bài hay
thì chủ báo không ký hợp đồng nên ráng giúp tụi nó.”

Phỏng vấn, kể chuyện là phải trả
tiền, gần như đó là nguyên tắc của ông – một người cả đời chỉ sống bằng nghề viết
– Bởi những tư liệu mà ông có được, ông cũng phải tốn tiền. Ông kể, ngày xưa,
ngay từ khi ông viết Lịch sử khẩn hoang miền Nam, sở dĩ ông có nhiều
tư liệu quý là vì mỗi khi vào thư viện ông đều tặng phong bì cho thủ thư nên họ
rất nhiệt tình. Ông nói cụ Vương Hồng Sển là một người rất sòng phẳng trong
chuyện ấy, mỗi khi đến nhà cụ để đọc và ghi chép tài liệu hoặc nhờ cụ trả lời một
vấn đề gì, trước khi ra về, dù ít hay nhiều cũng phải để lại một cái bao thư.
Lý giải về sự sòng phẳng ấy, ông nói rằng, mình viết bài đăng báo được lãnh nhuận
bút thì không lý do gì bắt người khác phải cung phụng cho mình.

Tôi kể cho ông nghe rằng cách nay
ba ngày, trong một tham luận đọc tại hội nghị những người viết văn trẻ của
thành phố, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín có nói về một nền văn học ăn lương, đại
khái rằng có những người suốt đời được trả lương để làm văn học nhưng chưa hẳn
là có lợi cho văn chương. Nghe xong, ông cười có vẻ tâm đắc lắm: “Cái
thằng đó hay à! Nói vậy là nó loại trừ tôi ra.”

Cả một đời gắn bó với văn chương,
ông đã tự mình làm nên một Sơn Nam cho nền văn học – nói theo nghĩa một nền văn
học ăn lương của Nguyễn Trọng Tín – bây giời, khi ông ngồi sau lưng tôi đi đến
một Tòa báo để mượn tiền xài, tôi chợt ngậm ngùi nhận ra ông thiếu đi nhiều thứ
so với một thường dân: Cả đời không biết chạy xe, dù là xe đạp, tròn năm mươi
năm qua sống trên đất Sài Gòn, ông chỉ biết đi bộ, đi xe buýt, xích lô và xe
honda ôm; không có nơi tiếp khách dù là khách của ông ngày nào cũng có; không
có điện thoại, dù là điện thoại bàn; cho đến bây giờ, ông vẫn viết bằng tay hoặc
chiếc máy chữ mini mà tuổi thọ của nó cũng xấp xỉ tuổi nghề của ông.

Hồi tòa soạn báo Văn nghệ thành
phố còn ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mỗi sáng ông từ nhà tới đó ngồi uống café
trong căn-tin đến chín giờ, đó là khoảng thời gian ông tiếp khách. Hay nói đúng
hơn đó là văn phòng giao dịch của ông để giao và
nhận bài cho các cơ quan báo chí trong nước, và cả nước ngoài. Khi báo Văn nghệ
dời đi cũng là lúc ông bỏ nhà đi lang thang vì chuyện cơm không lành,
canh không ngọt
. Từ đó văn phòng giao dịch của ông dời về
quán café trong khuôn viên nhà truyền thống quận Gò Vấp, gần chục năm nay. Bây
giờ ông đã trở về với mái ấm gia đình, nhưng địa chỉ văn hóa của
ông vẫn còn chỗ cũ. Mỗi sáng, lúc 7 giờ 30, ông lên xe Honda ôm từ Bình Thạnh
ra Gò Vấp cũng giống như người ta đi đến cơ quan. Ở đó có một cô nhân viên thư
viện chuyên làm công việc chữa bản thảo cho những bài viết của ông, bởi do tuổi
cao, mắt mờ, tay rung nên ông hay gõ sai nốt chữ. Ai muốn gặp ông qua điện thoại
thì cứ gọi vào số máy của nhà truyền thống, nhân viên ở đây rất vui vẻ hỏi người
gọi tên gì, ở đâu để chạy ra sân báo cho ông. Ở đây, ngoài những biên tập viên
của các cơ quan báo chí tìm đến ông đặt bài, nhận bài, trả nhuận bút, còn có những
sinh viên báo chí, du lịch, ngữ văn, những nghiên cứu sinh đang làm luận án Tiến
sĩ cũng tìm đến ông như để tra cứu một quyển từ điển sống, một kho địa chí văn hóa
sài Gòn và đồng bằng Nam bộ.

Tôi mạo muội hỏi ông: “Nhà
xuất bản Trẻ mua đứt bản quyền của tía
bao nhiêu?” Ông
nói: “Đây là chuyện tế nhị mà cả hai bên đã cam kết rằng
không ai được nói ra”.
Rồi ông lại cười giòn và tấm tắc khen bài tham
luận của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín mà tôi vừa kể với ông.

Đến Tòa soạn báo Công an, ông có
vẻ thất vọng khi biết anh Trần Tử Văn đi vắng. Ra trước sân, ông trầm ngâm đứng
lặng. Tôi hỏi ông cần khoảng bao nhiêu, ông nói khẽ: “Càng nhiều càng tốt,
mấy đứa nhỏ
đang gặp khó khăn, chứ bản thân tôi thì hề
hấn gì”.
Tôi đang nghĩ đến số nhuận bút bên Thời báo Kinh tế sài Gòn,
nhưng khi nghe ông nói “mấy đứa nhỏ đang gặp khó khăn” thì tôi
biết ngay rằng nhuận bút của một vài bài báo sẽ chẳng có nghĩa lý chi, phận
mình mới chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, cái nhà còn chưa có ở... Nhìn ông già
còm cõi, tem hem, môi rung, mắt mờ, chân yếu trong cơn tuyệt vọng trước nợ áo
cơm giữa chốn phồn hoa đô hội mà tôi muốn rơi nước mắt. Một nhà văn bậc thầy, một
tinh hoa của dân tộc mà thân phận như thế này sao? Lòng tôi xót xa tự vấn.

Trong lúc đầu óc tôi đang bối rối
thì ông già giục đi. Tôi hỏi đi đâu, ông bảo sang Hãng phim Giải phóng. Đi dọc
đường, ông nói rằng ở bên đó ông còn mấy ngàn đô-la nhưng không biết nó đã về tới
bên này chưa hay là còn bên Mỹ. Tôi chở ông đi như sự cầu may.

Nhưng thật bất ngờ, khi vừa dừng
trước cổng thì anh Trần Khải Hoàng, phụ trách tài vụ vừa dắt xe ra, gặp ông,
anh mừng rỡ: “Trời ơi, tía! Vô đây con gửi tiền, con đợi tía mấy ngày
nay!”

Anh Hoàng cho biết, một đạo diễn
người Mỹ gốc Việt đã chuyển thể truyện ngắn “Mùa len trâu” của ông thành phim
truyện nhựa, họ trả nhuận bút cho ông ba ngàn đô-la, tạm thời họ ứng trước cho
ông một ngàn, số còn lại sẽ trả sau khi phim phát hành hai tháng. Anh Hoàng nhờ
tôi chuyển chứng từ cho anh Phạm Sĩ Sáu ở nhà xuất bản Trẻ, bởi về mặt thủ tục,
số tiền này phải trả cho nhà xuất bản Trẻ vì bên ấy đã mua đứt bản quyền của
nhà văn Sơn Nam.

Trên đường đi, ông
Sơn Nam tỏ ra phấn chấn: “Thằng xuất bản Trẻ này chơi ngon, bản
quyền tôi đã bán cho nó rồi, vậy mà số tiền này nó vẫn để cho tôi hưởng trọn,
không lấy tiền cò mặc dù hợp đồng do nó ký.”

Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu cho biết: Mục
tiêu của nhà xuất bản Trẻ trong việc mua bản quyền của ông là để sưu tầm, tập hợp
và hệ thống lại các tác phẩm của một nhà văn lớn, tránh tình trạng xé lẻ, chạy
theo lợi nhuận rồi xuất bản chồng chéo nhau của những người làm sách trên thị
trường. Việc hệ thống lại theo từng chủ đề sẽ tạo nên dấu ấn Sơn Nam và dấu ấn
lịch sử, văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng mua bản
quyền rồi thì hai vấn đề khá phức tạp đặt ra đối với anh – Người chịu trách nhiệm
khai thác để tài và giao dịch quyền tác giả – Thứ nhất, làm cách nào để tìm được
hàng chục tác phẩm của nhà văn đã bị thất lạc, nói một cách nào đó thì mặc dù
nhà văn đã bán bản quyền nhưng trong tay ông không có cuốn sách nào để bán (Chỉ
có hơn mười đầu sách do một độc giả tặng lại cho ông). Cái khó thứ hai là làm
cách nào để cân đối cho nhà văn Sơn Nam mỗi tháng có một khoảng tiền đủ sống
từ nay cho đến cuối đời, khi ông gát bút. Việc mua bản quyền thực chất chỉ
mua quyền xuất bản, còn trên mỗi đầu sách, phải trả nhuận bút
cho tác giả từ bốn đến tám phần trăm. Đó là cách tính toán như một giải pháp
giúp đỡ nhà văn.

Không họ hàng thân thuộc, thậm
chí không phải gốc gác miền nam, nhưng nhà thơ Phạm Sĩ Sáu cực với nhà văn
Sơn Nam còn hơn cực với cha ruột của mình. “Tía ơi tía xài vừa phải
thôi, tiết kiệm lại một chút, lở tháng sau sách ra trể thì làm sao con lo kịp
tiền cho tía
”. Có lần tôi thấy Phạm Sĩ Sáu vừa đưa tiền, vừa nói với Sơn Nam như
vậy. Anh biết tính ông, cũng chẳng phải ăn xài sang trọng gì, chủ yếu là cho tiền,
mua tập vở, quần áo cho trẻ em nghèo trong Gò Vấp. Phạm Sĩ Sáu kể, những lần
cùng đi với ông đến dự tiệc cuối năm ở các Tòa báo, cuối giờ là thấy ông lui
cui gom hết bánh mứt, thịt quay, cơm chiên, chả giò... cho vào bọc xốp để mang
về cho trẻ con nghèo trong xóm.

Khi dừng lại một vỉ hè để uống
café, ông nói: “Tôi còn mấy chuyện hây lắm, nhưng về già mới
viết được
”. Nghe ông nói thế, tôi bật cười. Nhưng rồi tôi bỗng giật mình chợt
nghĩ: Ông có lẩm cẩmrồi chăng? Gần tám mươi tuổi rồi mà ông còn nghĩ “về già mới
viết”.

Tôi nhìn kỹ ông và nhận ra làn da
ông hơi mọng nước, đôi môi rung rẩy nhiều hơn. Nhớ lại hồi sáng tôi phải dìu
ông đi từng bước chậm xuống cầu thang ở báo Công an thành phố.

Lạy trời và lạy trời...!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3