Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 16
BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN
CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 17
Phát triển về thể
chất
Các phần cơ lớn
• Cúi người xuống rồi đứng thẳng lên được;
• Cố gắng để đứng được trên một tấm bảng;
• Thích lôi, đẩy, kéo các đồ vật;
• Thử sức làm các việc mà không sợ nguy hiểm;
• Lên cầu thang với một tay bám vào lan can;
• Không chịu ngồi xe đẩy của trẻ;
• Đứng nghỉ, trùng một bên gối.
Các phần cơ nhỏ
• Xếp hình được 3 - 4 tầng khi chơi trò chơi
xếp hình;
• Thích sử dụng đôi tay;
• Vẫn chưa kết hợp được nhuần nhuyễn giữa
tay và chân;
• Cổ tay vẫn chưa thực sự linh hoạt.
Phát triển về ngôn
ngữ
• Nói bập bẹ một số từ kiểu trẻ con như “cha
cha”, “chá chá”, “ư ư”, “a a”;
• Thích xem sách ảnh;
• Chỉ và nói được tên một vài bộ phận trên
cơ thể;
• Ngoài việc gọi cha mẹ, có thể nói sõi được
khoảng sáu từ khác;
• Cố gắng bắt chước phát âm thành từ được
tốt hơn;
• Khi thể hiện ý muốn, biểu thị bằng lời
nói nhiều hơn biểu thị bằng hành động;
• Hiểu được nhiều từ nhưng vẫn chưa nói được
nhiều, việc hiểu nghĩa của từ còn hạn chế;
• Ghép được hai từ với nhau;
• Hay gào thét hơn.
Phát triển tính cách
và cá tính
• Có thể sẽ sợ tiếng sấm, sét và ánh chớp;
• Chưa thể quyết định khi lựa chọn;
• Cố gắng thể hiện sự tự lập, đồng thời cũng
thích điều khiển người khác;
• Biết được những cái gì là của mình nhiều
hơn;
• Hiểu được bản thân nhiều hơn như có thể
không làm được hoặc làm được việc gì, làm được đến đâu, có thể bướng bỉnh và từ
chối mọi thứ.
Phát triển về mặt
xã hội
• Thu hút sự chú ý;
• Nếu tức giận vì điều gì sẽ đánh cha mẹ
nhưng không đánh những người lớn khác;
• Biết vẫy tay chào tạm biệt;
• Có phản xạ lại các giọng nói biểu cảm khác
nhau của cha mẹ;
• Phản ứng lại sự kích thích về mặt xã hội
của người lạ;
• Thích làm những việc nhỏ trong nhà;
• Thích chơi những trò chơi dùng sức mạnh
với cha trước khi đi ngủ;
• Biểu hiện của sự
thích “nhận” hơn “cho” một cách rõ ràng.
Phát triển về nhận
thức và khả năng của các giác quan
• Quan tâm đến tất cả mọi thứ xung quanh
mình;
• Thích bắt chước hành động của người lớn
như đọc báo, ngồi vắt chân chữ ngũ, làm những việc đơn giản trong nhà... ;
• Dùng ngôn ngữ để bổ trợ cho việc khám phá
những sự vật mới lạ nhiều hơn;
• Thích khám phá những đồ vật mà nghĩ là
bên trong có chứa nhiều thứ như thùng rác, ngăn kéo, tủ đựng đồ...
Trò chơi và đồ chơi
của trẻ
• Biết tìm đồ chơi bị giấu hoặc bị che lấp;
• Thích nghịch các loại hộp hoặc miếng xếp
hình để sáng tạo theo tưởng tượng;
• Thích leo lên thang như thang tre, thang
dây và leo được ba bậc;
• Thích chơi những đồ chơi có hình mắt lưới;
• Thích nghịch nước và cát;
• Bắt đầu thích những đồ chơi dùng để đóng
hoặc đập;
• Chơi với trái bóng và những trò chơi phải
di chuyển cơ thể, sử dụng âm thanh;
• Đã biết tập trung khi chơi;
• Thích chơi kéo và đẩy đồ chơi có bánh xe
hay những hộp lớn;
• Thích chơi trốn tìm;
• Thích chơi đuổi bắt.
Lịch trình hàng ngày
• Cầm được cốc có chứa hơn một nửa cốc nước
để uống, dùng thìa để tự xúc thức ăn nhưng vẫn còn rơi vãi một chút;
• Nếu thức ăn nóng biết thổi cho nguội;
• Nghịch đồ ăn;
• Biết tự cởi giày, tất, và những quần áo
dễ cởi;
• Cố gắng tự đi giày, dép;
• Thích tắm;
• Thích mở vòi nước.
THÁNG THỨ 18
KHÁM PHÁ THẾ GIỚI
BÉ NHỎ
Trẻ 1,5 tuổi đã có thể đi lại thành thạo.
Việc đi giỏi khiến trẻ thấy mình lớn hơn, có thể làm được những gì mà người lớn
làm. Ý nghĩ muốn được tự do, tự chủ là động lực thúc đẩy sự ham hiểu biết ở trẻ.
Trong quá trình leo trèo khám phá những điều thú vị trước mắt, trẻ có thể gặp một
số nguy hiểm. Chính vì vậy, cha mẹ cần chú ý đảm bảo an toàn cho trẻ bằng cách cất
kỹ những đồ vật nguy hiểm đi.
Các phát triển chung
• Không ngồi yên. Trẻ ở độ tuổi này có sự
phát triển các phần cơ lớn và có nhiều hoạt động cần sử dụng đến phần cơ lớn hơn
phần cơ nhỏ. Vì vậy, cha mẹ không nên thắc mắc tại sao trẻ hoạt động luôn chân tay.
Do cơ thể trẻ đang phát triển rất nhanh nên trẻ muốn thử nghiệm những phần cơ lớn
xem có thể làm được những gì, bất kể là việc kéo, đẩy những chiếc hộp to, nặng hay
cố gắng trèo lên những nơi cao như bàn làm việc của cha.
• Bắt đầu biểu hiện rõ nét trong việc thuận
tay trái hay tay phải. Khi cầm nắm bất cứ thứ gì, nếu thuận tay phải trẻ sẽ chỉ
dùng tay phải, còn nếu thuận tay trái thì phần lớn sẽ dùng tay trái. Trẻ cũng đã
bắt đầu phối hợp được hoạt động giữa mắt và tay tốt hơn. Trẻ có thể xếp hình được
hơn 2 lớp, mở sách được khoảng 2 - 3 trang một lần, xoay được nắm đấm cánh cửa và
cố gắng mở vòi nước. Trẻ sẽ phối hợp giữa mắt và tay rất tốt. Còn sự phối hợp giữa
hoạt động của cơ miệng và cơ hàm vẫn chưa được thành thục nên trẻ không thể nhai
nhỏ được thức ăn. Vì vậy thức ăn dành cho trẻ không được dai hoặc khó nhai.
• Ham tìm tòi và ghi nhớ. Trẻ sẽ đi lại mở
cái này, cái kia, lôi hết đồ vật trong tủ quần áo, ngăn kéo, túi xách của bạn ra
và có thể nói được đồ vật của ai để ở đâu. Nếu ai đó đến lấy đồ của mẹ đi trẻ sẽ
làm ầm lên tức thì. Bạn nên để cho trẻ tiếp tục nghịch ngợm nếu việc đó không nguy
hiểm để trẻ có thể phát triển hơn trong việc quan sát, ghi nhớ hình dáng và phân
biệt sự khác nhau của các đồ vật một cách tối đa.
Kỹ thuật giúp trẻ
ghi nhớ
Khuyến khích trẻ chơi trò thả các hình khối
hoặc hình con vật vào hộp và ghép những bức tranh đơn giản (chỉ có khoảng 2 - 3
miếng ghép). Những trò chơi này sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng ghi nhớ, phân biệt
các hình dạng khác nhau, giải quyết vấn đề và phối hợp hoạt động giữa mắt và tay.
• Trẻ độ tuổi này thường hay hỏi. Các mẹ
có thể khó chịu khi trẻ cứ chỉ vào tranh rồi hỏi đi hỏi lại “Đây là cái gì?”. Nếu
bạn không trả lời hoặc chán không muốn trả lời, trẻ sẽ làm ầm lên ngay tức thì.
Bạn nên dùng cách giành quyền hỏi trước để trẻ trả lời và dẫn dắt để kể cho trẻ
nghe những câu chuyện dựa trên hình ảnh đó như “Con gà đâu?”, “Cái gì đây?”, “Đúng
thế! Đây là gà con còn đây là gà mẹ”... Bạn chớ vội chán nản với những câu hỏi của
trẻ, hãy trả lời trẻ và thay phiên nhau hỏi để trẻ tự tin học những từ mới. Trẻ
sẽ nói tốt hơn sau những câu hỏi “Đây là cái gì” đấy các bạn ạ.
Ðừng nên mắng khi
trẻ nói sai
Khi trẻ nói sai, cha mẹ và những người xung
quanh không nên cười hay mắng trẻ mà hãy nên sửa lại cho đúng với thái độ bình thản.
Người lớn cần chú ý lắng nghe cho đến khi trẻ nói xong, không nên thúc giục trẻ
đồng thời hãy sửa hoặc giúp trẻ nói được điều muốn nói. Trẻ phải dựa vào việc nói
lặp đi lặp lại một từ để luyện cách phát âm và sự tự tin. Bởi vậy, cha mẹ phải cho
trẻ thời gian để tập nói, siêng nói chuyện với trẻ, động viên và kích thích cho
trẻ nói và chú ý lắng nghe điều trẻ nói một cách thường xuyên.
• Bắt đầu thích tô vẽ. Khi trẻ được 18 tháng
tuổi, bạn nên mua bút chì hay màu sáp và giấy cho trẻ được vẽ theo ý muốn, đây cũng
là cách giúp trẻ luyện việc dùng tay thường xuyên. Chẳng mấy chốc trẻ sẽ phát triển
khả năng điều khiển cơ tay và vẽ được thành hình.
• Thường sợ những gì mà người lớn sợ, và
dễ dàng bị lừa cho sợ. Lúc này, cha mẹ hãy giúp đỡ trẻ giảm bớt nỗi sợ hãi bằng
cách vỗ về và động viên trẻ. Ngoài ra, bạn cũng nên dạy cho trẻ biết nên sợ một
số điều như sợ ngã cầu thang...
Nếu có một nguyên nhân
nào đó khiến trẻ không tin tưởng vào tình thương yêu của cha mẹ, trẻ dễ dàng sợ
hãi một cách vô lý. Vì thế, cha mẹ nên thường xuyên thể hiện tình yêu thương với
trẻ, động viên, khuyến khích trẻ dám thể hiện và có tính tự chủ trong mọi hoạt động
để trẻ đạt được thành công.
Phát triển về ngôn
ngữ
Các nhà ngôn ngữ học
nói rằng trẻ 18 tháng tuổi (những trẻ bình thường) đã biết sử dụng ngôn ngữ để biểu
thị mong muốn và khả năng của bản thân (về trí tuệ). Trẻ đã nhận biết và hiểu được
nguyên tắc cấu tạo câu, nhưng vẫn cần hiểu thêm các yếu tố thuộc ngôn ngữ và cách
sử dụng để có thể sử dụng trong việc giao tiếp và thể hiện nhu cầu của bản thân.
Các nhà ngôn ngữ học cũng cho rằng môi trường sống sẽ giúp kích thích và là hình
mẫu về ngôn ngữ cơ bản quan trọng cho trẻ em.
• Cha mẹ phải là hình mẫu cho trẻ noi theo.
Hình mẫu đóng vai trò rất quan trọng, tác động nhiều tới việc sử dụng ngôn ngữ của
trẻ. Trẻ nhỏ biết cách tập nói giống như người lớn lần đầu tiên học ngoại ngữ. Khi
trẻ bắt đầu tập nói một từ hay một cụm từ, cha mẹ phải tương tác lại lời nói của
trẻ bằng một câu. Câu này phải là một câu hoàn chỉnh được mở rộng từ lời nói của
trẻ và nhấn mạnh tới suy nghĩ và nhu cầu của trẻ. Ví dụ khi trẻ nói: “Sữa, hết sữa”,
cha hay mẹ có thể nói tiếp: “Đúng rồi, hết sữa vì con đã uống hết”, hay khi trẻ
vừa nói “mở” vừa chỉ về phía hộp bánh thì bạn nên nói: “À, con muốn ăn bánh, muốn
mẹ bóc bánh cho đúng không?”.
• Trẻ sẽ biết đặt câu hỏi cơ bản và câu cầu
khiến trước khi nói được câu tường thuật.
• Trong lúc xem sách ảnh với trẻ, mẹ có thể
hỏi trẻ “Con gà đâu?”, bé sẽ chỉ và nói theo. Đôi khi trẻ sẽ nhìn vào mặt mẹ như
muốn hỏi khi không biết bức tranh đó nói về cái gì. Nhưng nhiều lần cho dù biết
rằng đó là hình ảnh gì nhưng vẫn hỏi mẹ bởi trẻ muốn câu trả lời thật chắc chắn.
Và câu trả lời của mẹ sẽ khẳng định điều mà trẻ biết và trẻ phát âm từ đó có chính
xác hay không.
• Kích thích cho trẻ nói thường xuyên. Đến
độ tuổi này, sự cử động của các cơ quan phát âm là lưỡi, môi và vòm họng của trẻ
đã thành thạo hơn, vì vậy, người mẹ nên kích thích cho trẻ nói thường xuyên bằng
cách cùng trẻ chơi các trò chơi. Trò chơi mà trẻ thích thú nhất đó là vừa chỉ vừa
gọi tên như chỉ và gọi tên các bộ phận của cơ thể, các đồ vật xung quanh... Nhìn
chung, trẻ đã nghe và hiểu được khá nhiều, chỉ có điều trẻ vẫn chưa thể nói ra được
mà thôi. Nhiều khi việc sử dụng từ của trẻ có thể gây ra nhiều nhầm lẫn cho người
lớn, ví dụ trẻ nói “không” nhưng không có ý là từ chối. Cha mẹ phải sửa lại để trẻ
sử dụng cho đúng.
• Lựa chọn kể những câu chuyện ngắn. Việc
kể truyện cổ tích hoặc những câu chuyện dài thường không thu hút được bé con 18
tháng. Chuyện mà trẻ quan tâm phải là chuyện xảy ra ngay lúc này và phải là chuyện
ngắn gọn mà thôi. Trẻ vẫn chưa thích những câu chuyện “Ngày xửa ngày xưa…” nên mẹ
nên lựa chọn những câu chuyện phù hợp với ý thích của trẻ.
• Những bài hát, câu
thơ rất tốt trong việc phát triển ngôn ngữ và thu hút sự chú ý của trẻ. Đôi khi
trẻ sẽ hát theo hoặc nói theo không đúng lắm nhưng thích ngân nga trong cổ họng
và nhảy theo điệu nhạc. Có thể thấy trẻ tỏ ra quan tâm tới giọng của trẻ em như
khi có chương trình quảng cáo có giọng trẻ con trên tivi, trẻ sẽ quay ra xem ngay
tức thì, nhưng nếu đổi sang giọng của người lớn, lập tức trẻ không quan tâm nữa.
Tư duy về biểu tượng
Trẻ 1,5 tuổi có sự phát triển vượt bậc về
ngôn ngữ. Trong khoảng thời gian này, trẻ sẽ hết sức tích cực phát triển ngôn ngữ
của bản thân. Song việc học hỏi của các bé vẫn phải dựa nhiều vào thị giác và xúc
giác như thời gian trước. Nghĩa là trẻ vẫn tiếp nhận thông tin từ những việc làm
của người lớn và vẫn bắt chước cha mẹ, như trông thấy chiếc điện thoại trẻ sẽ biết
rằng “À, chúng ta nói chuyện bằng cái máy này được đấy, trước khi nói phải nhấn
chỗ ô vuông trước” rồi sau đó trẻ sẽ làm động tác nói chuyện điện thoại giống hệt
cha mẹ.
Ngoài ra, trẻ đã biết những đồ dùng trong
gia đình dùng để làm gì, trẻ biết chổi dùng để quét nhà nên sẽ lấy chổi đi quét
khắp nhà; búa dùng để đóng và sẽ lấy đi gõ khắp nơi; nhìn thấy báo thì lấy ra để
đọc, hơn thế còn ngồi vắt chân chữ ngũ. Có người nói rằng nếu muốn biết dáng điệu
của bản thân ra sao, bạn hãy nhìn vào con trẻ, đảm bảo rằng trẻ sẽ phản ánh lại
y hệt hình ảnh của bạn. Điều này còn có nghĩa là trẻ đã phát triển tư duy về biểu
tượng hoặc đã biết thể hiện những ý nghĩ khác nhau ở mức cao hơn.
Về thời gian, trẻ vẫn chưa hiểu khái niệm
“hôm qua”, “hôm nay”, “ngày mai”, “tuần tới” hay “tháng trước” là như thế nào, nhưng
trẻ bắt đầu hiểu được ý nghĩa của từ “bây giờ”, ví dụ: khi mẹ nói với trẻ “Bây giờ
con phải ăn cơm rồi đấy nhé!”, trẻ đã hiểu được như thế có nghĩa là trẻ phải ăn
cơm ngay sau khi mẹ nói xong; hoặc trẻ biết rằng phải chờ khi mẹ nói từ “khoan đã”.
Từ này khó hiểu hơn một chút, việc trẻ sẽ hiểu nhanh tới mức nào có lẽ phụ thuộc
vào việc cha mẹ có rèn cho trẻ biết chờ đợi hay không. Như vậy, thời gian của trẻ
phần lớn chỉ là thời gian của hiện tại hoặc là tương lai rất gần mà thôi, trẻ chưa
có ý niệm gì tương lai xa như người lớn.
Phát triển về mặt
xã hội
Phát triển về mặt xã hội ở thời kỳ ấu thơ
này của trẻ đều chịu ảnh hưởng từ cha mẹ và những người thân thiết. Trẻ chỉ có cảm
giác tốt đẹp về bản thân khi được sự thừa nhận, khen ngợi và tình thương yêu cũng
như sự gần gũi của cha mẹ. Nếu cha mẹ lạnh nhạt với trẻ, chắc chắn trẻ sẽ không
nhiệt tình và cũng lạnh nhạt với người khác giống như vậy.
Trẻ sẽ phát triển mối quan hệ và giao tiếp
với người lớn trước tiên, sau đó mới biết giao tiếp với những trẻ đồng trang lứa.
Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi con gái của bạn không chơi với cậu con
trai nhà hàng xóm. Tuy vậy, trẻ con đã quan tâm tới nhau từ khi còn chưa biết đi,
biết nói. Một số trẻ rất vui khi nhìn thấy trẻ con cùng trang lứa nhưng lại không
thể chơi cùng nhau mà chỉ thích tiến tới túm tóc, chọc tay vào mắt bạn… Hoặc bạn
thử để ý mà xem, nếu trẻ đang làm việc gì hoặc đang chú ý tới điều gì đó mà có trẻ
khác đi qua, trẻ sẽ dừng việc làm của mình lại, ngay lập tức quay ra chú ý đến trẻ
lạ, rồi cả hai sẽ nhìn chằm chằm vào nhau nhưng không bên nào muốn thiết lập mối
quan hệ trước. Nếu được chơi với nhau các bé sẽ giành đồ chơi hoặc cấu véo nhau.
Người lớn phải hướng dẫn trẻ cách chơi với nhau cho hòa hợp, nếu không hòa hợp được
với nhau hãy tách riêng từng trẻ ra trước.
Mặc dù trẻ chưa biết chơi với những bạn cùng
lứa tuổi, nhưng trẻ cũng muốn được ở gần trẻ khác. Nếu trẻ không có anh em, cha
mẹ nên cho trẻ đi chơi với những trẻ khác để trẻ biết rằng những người bạn bé nhỏ
là như thế nào, có tình cảm và sở thích giống như trẻ hay không. Đây là cách tạo
nền tảng cho việc hòa nhập với bạn bè của trẻ về sau.
Phát triển tâm sinh
lý
Trong suốt quá trình phát triển, sự thay
đổi về tính cách cũng như tâm lý của trẻ diễn ra ở từng giai đoạn, từng thời điểm.
Nếu ở trạng thái tốt cả về sức khỏe và tinh thần thì trẻ 1,5 tuổi thường vui vẻ,
hoạt bát, thích thể hiện, thích biểu diễn (như nhảy múa); đôi khi trẻ cũng cảm thấy
không vui nếu bị ngăn cản, bị cấm đoán, đây là chuyện bình thường hay xảy ra đối
với trẻ ở độ tuổi này. Ngoài ra trẻ thường bạo dạn làm cái này, cái khác (nếu càng
bị ngăn cản thì trẻ càng muốn làm), thích tìm hiểu, khám phá bởi có động lực là
sự tò mò. Khi nhìn thấy sự hài hước sẽ bật cười dễ dàng và cười thường xuyên.
Trẻ ở độ tuổi này có nhu cầu được thể hiện
sức mạnh và quyền lực của bản thân, vì vậy, trẻ rất thích kéo, đẩy những đồ vật
to, nặng và chơi những trò chơi quá sức với trẻ như trèo lên cao, cố gắng nhảy từ
trên cao xuống đất; chống lại việc mặc quần áo. Những hành động của trẻ phản ánh
mong muốn tách bản thân ra khỏi cha mẹ, muốn được tự chủ, cần sự tự tin vào bản
thân và muốn được kiểm soát người khác.
Tâm trạng của trẻ sẽ phụ thuộc vào sự cân
bằng giữa sự tự chủ - sự tự do và sự phụ thuộc. Nếu hai điều này không cân bằng
nhau, trẻ sẽ trở nên ngỗ ngược, hay bực dọc và giận dữ. Cụ thể là nếu trẻ muốn tự
làm việc gì đó mà bị cản trở, trẻ rất dễ cáu giận. Trẻ thường muốn tự làm những
việc mà người lớn thường làm cho, muốn mẹ giúp làm nhiều thứ, đồng thời vẫn muốn
nhận được sự giúp đỡ của người lớn, phụ thuộc vào người lớn. Điều này chứng tỏ trẻ
vẫn có nhu cầu được đối xử như trẻ sơ sinh. Như vậy, cha mẹ cần giúp cho trẻ luôn
được ở trong trạng thái cân bằng giữa sự tự do và sự phụ thuộc bằng cách cho trẻ
được trải nghiệm trong việc làm chủ bản thân và có kỷ luật với bản thân.
Luyện cho trẻ biết
làm chủ bản thân
Cha mẹ nên quy định rằng trẻ phải làm gì
trong thời gian nào. Nếu trẻ không được làm thì cha mẹ cũng không được ép buộc một
cách cứng nhắc hoặc trừng phạt thật nặng bởi những cách này chỉ tạo nên sự phản
kháng ở trẻ mà thôi. Điều quan trọng là khi muốn trẻ làm điều gì, bạn nên nói cho
trẻ biết trước để trẻ chuẩn bị tinh thần. Như thế trẻ sẽ không cảm thấy bị ngăn
cản hoặc bị ép buộc.
Nhiều lúc cha mẹ có thể quay như chong chóng
bởi không theo kịp tâm trạng và nhu cầu của trẻ. Trước tiên bạn hãy bình tĩnh, kiềm
chế bản thân, không tỏ ra tức giận với trẻ. Nếu trẻ vẫn tỏ ra bướng bỉnh, hãy bế
trẻ vào lòng, ôm ấp để trẻ bình tĩnh lại rồi cho trẻ đi chơi chỗ khác, sau đó từ
từ giải thích và chỉ ra cách lựa chọn hợp lý cho trẻ: “Con làm như thế không được
đâu, hãy làm thế này thì hơn”. Làm được như vậy nghĩa là bạn đã tìm được cách để
trẻ được thể hiện khả năng, sự tự do nhưng không gây nguy hiểm cho bản thân. Điều
này phụ thuộc vào quan điểm của cha mẹ trong việc đánh giá xem điều gì phù hợp với
tình hình khi đó và phù hợp với khả năng của con mình bởi trẻ còn thiếu kinh nghiệm
để biết được rằng cái gì sẽ xảy ra sau hành động của mình. Chính vì vậy, sự giúp
đỡ thường xuyên của cha mẹ rất quan trọng trong thời gian này.
Để giúp trẻ phát triển những nhận thức tích
cực giữa sự tự do, tự chủ và sự phụ thuộc, cha mẹ phải tạo cơ hội để trẻ tự giúp
đỡ bản thân bằng cách để trẻ tự làm những việc như tự xúc cơm ăn, tự xát xà phòng
vào người khi tắm, thử tự mặc quần áo, lấy báo giúp cha, bê giỏ đựng quần áo bẩn
cho mẹ, và khi trẻ bực tức hoặc cần sự giúp đỡ, bạn hãy nhớ rằng trẻ vẫn còn nhỏ,
hãy lại giúp trẻ, an ủi cho trẻ thấy ấm lòng, tin tưởng rằng bạn mãi là chỗ dựa
của trẻ.
Kỷ luật đối với độ
tuổi nghịch ngợm
Mục đích của việc xây dựng tính kỷ luật cho
trẻ ở độ tuổi này không phải việc làm mất đi sự tự do, mà nhằm mở ra những cách
thức đúng đắn cho trẻ trong việc tự biết kiềm chế bản thân bởi tất cả trẻ em trong
độ tuổi này đều cần tự do để khám phá sự vật bằng cách riêng của mình, song trẻ
lại chưa biết cách kiềm chế bản thân. Nếu chúng ta không tạo cho trẻ tính kỷ luật,
trẻ sẽ thiếu nhận thức về lĩnh vực này và chắc chắn trẻ sẽ gặp phải những vấn đề
trong việc chung sống với người khác trong tương lai. Ngoài ra, kỷ cương nề nếp
hay một số điều cấm kỵ như cấm chạy chơi ngoài đường, cấm chơi ổ cắm điện… là cần
thiết vì sự an toàn của trẻ. Vai trò hết sức cần thiết của những quy tắc hay điều
cấm kỵ đối với trẻ ở độ tuổi này đó là giúp trẻ biết quyết định. Trẻ 1,5 tuổi vẫn
chưa thể phân biệt được nhu cầu tự do, sự không phụ thuộc với sự phụ thuộc. Vì vậy
việc gì cần quyết định hoặc lựa chọn cho đúng có thể sẽ gây khó khăn cho cả trẻ
và chúng ta. Bạn nên quy định rõ ràng giờ nào việc nấy, như khi đến giờ trẻ phải
đi tắm hay ăn cơm, cha mẹ hãy nói “Đến giờ phải đi tắm rồi đấy!”, “Đến giờ phải
ăn cơm rồi đấy!” để trẻ biết rằng ngay lúc đó trẻ phải làm việc gì và không được
làm việc gì. Chúng ta chưa thể dùng cách đưa ra những lựa chọn cho trẻ tự do quyết
định như “Con sẽ ăn cơm hay sẽ chơi?”, “Con sẽ đi ngủ hay đi chơi?” bởi chắc chắn
trẻ sẽ lựa chọn điều mà trẻ thích.
Nhưng cách để giúp trẻ biết tự kiềm chế bản
thân và thừa nhận những quy tắc (là những điều mà cha mẹ thấy tốt cho trẻ), chúng
ta phải khéo léo, không nên ép buộc trẻ một cách cứng nhắc hay bắt phạt thật nặng
bởi những cách này chỉ càng tạo ra sự chống đối ở trẻ mà thôi.
Bạn hãy thử để ý xem,
trẻ thích thể hiện tình yêu thương, thích được người khác thể hiện tình yêu thương
với mình và trẻ cũng sẽ thể hiện tình yêu thương lại bằng cách ôm cha mẹ, người
trông trẻ hoặc người mà trẻ yêu. Do đó, nếu bạn bày tỏ tình yêu thương hoặc sự khen
ngợi với trẻ như “Con giỏi quá! Hãy xem này, đến giờ đi tắm là con đi tắm. Tắm xong
người con thơm lừng, thích quá!”, “Con của mẹ giỏi quá, ăn được nhiều cơm chưa này!
Con sẽ khỏe mạnh và chút nữa sẽ chạy đi chơi đùa thật vui vẻ nhé?”. Bạn hãy xem
kết quả ra sao nhé!
Ngược lại, nếu bạn quát nạt, ép buộc trẻ
kiểu như “Ra ăn cơm đi! Sao mà bướng thế? Ăn không chịu ăn, chỉ thích chơi. Thế
này thì gầy mà chết à?” thì kết quả sẽ hoàn toàn ngược lại.
Bạn đừng quên rằng, trẻ nhỏ cũng có trái
tim. Trẻ biết sự khác biệt trong từng thái độ, lời nói của bạn. Bạn hãy khen trẻ,
khuyến khích trẻ đi. Điều này sẽ mang lại kết quả tốt hơn việc đánh mắng trẻ. Ai
cũng thích được khen ngợi, thích được người khác yêu quý mà.
Điều quan trọng là bạn phải cho trẻ thời
gian chuẩn bị trước khi yêu cầu trẻ làm việc gì, ví dụ như trẻ đang ngồi chơi vui
vẻ, đến giờ ăn hoặc tắm, bạn nên nói với trẻ trước một vài phút để trẻ có thời gian
chuẩn bị, như thế trẻ sẽ không có cảm giác bị ép buộc hay bị phá hỏng tâm trạng
thoải mái.
Ðể trẻ tự giúp bản
thân
Trẻ ở tuổi này đang đối mặt với hai vấn đề,
đó là: muốn được tự chủ, tự giúp đỡ bản thân và muốn được cha mẹ giúp đỡ. Có lúc
trẻ sẽ giận nếu bạn đến giúp đỡ trẻ làm việc gì đó và sẽ có lúc tức giận khi không
làm được việc gì đó mà không có ai giúp. Bản chất sự giận dữ của trẻ là vì trẻ cảm
thấy mình chưa đủ lớn hoặc đủ sức để làm mọi việc để có thể tự giúp đỡ bản thân.
Việc tự giúp đỡ bản thân để chứng tỏ sự tự
do trong thời gian này của trẻ được thể hiện qua những hành động như: tự cầm thìa
xúc cơm ăn, có thể uống nước ở cốc, muốn được tự tắm, cố gắng tự đánh răng… Trẻ
sẽ để ý tới việc ăn mặc, tự cởi hoặc mặc quần áo, nhưng trẻ sẽ có thể cởi quần áo,
tất và giày dễ hơn mặc vào. Cha mẹ hãy giúp đỡ và động viên khi trẻ cố gắng học
cách tự mặc quần áo như vậy. Tốt nhất, bạn nên mua loại quần áo có khóa kéo lớn
hoặc những chiếc cúc lớn để dễ dàng hơn với trẻ. Bạn sẽ thấy trẻ rất tự hào khi
tự làm được những việc này.
Luyện cho trẻ đi
vệ sinh
Các chuyên gia về trẻ
em lưu ý các bậc cha mẹ khi rèn luyện cho trẻ đi vệ sinh là “không nên nóng vội
hoặc ép buộc trẻ”. Các nghiên cứu chứng tỏ rằng việc có thể tự kiểm soát được việc
bài tiết của trẻ phụ thuộc vào sự sẵn sàng của các cơ vòng và phần não bộ điều khiển
các giác quan. Qua đồ thị của kết quả nghiên cứu, các nhà tâm lý học trẻ em cho
biết thời điểm tốt nhất trong việc rèn luyện cho trẻ đi vệ sinh là khi trẻ bắt đầu
để ý tới việc bài tiết, để ý tới chất thải mà mình bài tiết ra và ý thức rằng nước
tiểu và phân thải ra là của mình.
Chuẩn bị sẵn sàng
cho trẻ trong việc luyện tập tự đi vệ sinh
Mặc dù phải hai hoặc ba tháng nữa trẻ mới
có thể tự điều khiển hệ bài tiết của bản thân, nhưng trong tháng này cha mẹ cũng
có thể chuẩn bị sẵn tinh thần cho trẻ khi trẻ có thể biểu hiện qua sắc mặt hay động
tác, hoặc nói được từ ngắn gọn như “tè” hoặc “ị” (trẻ thường tiểu tiện xong mới
nói, nhưng nếu đi đại tiện thì sẽ kịp nói trước).
• Giảm việc đóng bỉm cho trẻ, cho trẻ mặc
những chiếc quần chun dễ cởi để trẻ có thể cởi được kịp thời và bạn cũng thay cho
trẻ nhanh hơn. Việc này sẽ khiến trẻ cảm thấy tự hào vì đã có thể tự giúp đỡ được
bản thân.
• Bạn nên chú ý biểu hiện của trẻ những lúc
trẻ buồn tiểu tiện hay buồn đại tiện để đưa trẻ vào nhà vệ sinh trước đó chút xíu,
nhưng bạn lưu ý nếu bạn ép buộc thì trẻ sẽ nhịn và chống đối lại ngay lập tức.
• Ban ngày trẻ có thể kiểm soát được việc
đi tiểu tốt hơn ban đêm. Để giảm tình trạng trẻ hay tè dầm vào ban đêm, tốt nhất
bạn nên cho trẻ đi vệ sinh sau khi cho trẻ uống nước hay sữa để tạo thành thói quen
cho trẻ.
• Không bao giờ được phạt trẻ. Mỗi lần trẻ
thông báo được cho bạn trước khi trẻ tiểu tiện hoặc đại tiện, hoặc ngay cả khi trẻ
tè ra quần rồi mới bảo, cha mẹ cũng nên khen ngợi và động viên trẻ bởi điều này
chứng tỏ trẻ đã có tinh thần trách nhiệm với bản thân rồi.
Lưu ý quan trọng đối với các bậc cha mẹ trong
việc rèn luyện cho trẻ đi vệ sinh đó là không nên nóng vội ép buộc trẻ. Bạn không
thế thúc giục trẻ được nếu hệ cơ điều khiển việc bài tiết của trẻ chưa sẵn sàng.
Trò chơi và đồ chơi
Trẻ ở độ tuổi này vẫn chưa thích chơi với
các bạn cùng tuổi mà chỉ thích lén nhìn nhau mà thôi. Khi bạn đưa trẻ đi chơi với
một nhóm trẻ khác, trẻ cũng chỉ chơi được chốc lát mà thôi, nếu cha mẹ không để
ý thì sẽ xảy ra cãi cọ giữa trẻ với bạn vì cả hai phía đều không biết phải chia
sẻ đồ chơi cho nhau, hơn nữa còn thích lấy đồ chơi mà người khác đang giữ. Vì vậy,
không thể để cho các trẻ tầm tuổi này tự chơi với nhau, người lớn cần phải phân
xử ngay khi có sự tranh giành xảy ra.
• Vì đã có thể giữ thăng bằng và di chuyển
tương đối tốt rồi nên trẻ thích đi lại và lôi, kéo đồ vật theo. Bởi thế, trong giai
đoạn này, trẻ thích nhất là những loại đồ chơi có thể kéo hoặc đẩy được. Trẻ thích
nhặt nhạnh đồ đạc cho lên xe đẩy, xe kéo rồi lôi đi khắp nhà.
• Mẹ có thể đưa trẻ đi chơi ở công viên nhưng
vẫn phải để mắt liên tục, xem thời gian khi trẻ chơi những trò chơi như cầu trượt
hay đu quay… Dứt khoát bạn không được để trẻ tự chơi một mình.
• Trẻ có thể ném, tung trái bóng mà không
bị ngã nhưng chưa thành thạo trong việc bắt hoặc cầm trái bóng. Mặc dù vậy trẻ vẫn
rất thích chơi trò ném bóng, bắt bóng với cha mẹ hoặc anh chị. Trẻ cũng rất thích
chơi trò ú òa, trò trốn tìm hay đuổi bắt. Nếu cha mẹ nào muốn tập thể dục thì hãy
chơi trò chơi đuổi bắt với trẻ, đảm bảo bé con của bạn sẽ thích thú đến mức hò hét
toáng cả lên, không dễ dàng chịu kết thúc trò chơi mà sẽ chơi cho đến khi bạn thở
phì phò mới thôi.
• Khi chơi trò xếp hình, trẻ xếp được một
lát rồi lại làm tung ra. Đôi khi không xếp được, trẻ sẽ tỏ ra khó chịu, nếu thấy
người lớn xếp được tháp cao, trẻ sẽ vội vàng tiến đến phá hỏng ngay lập tức rồi
bật cười một cách sảng khoái. Đôi khi trẻ còn lấy những miếng xếp hình để xếp thành
hình dài và tưởng tượng đó là đoàn tàu.
• Trẻ trong độ tuổi này đã bắt đầu chơi “giả
vờ” như: nói chuyện điện thoại, cho búp bê ăn cơm, cho em đi ngủ hoặc tắm cho em…
• Khi chơi ở sân chơi, trẻ rất thích nghịch
nước và cát, bạn có thể để trẻ tự ngồi chơi một mình được khá lâu (nhưng bạn phải
ở gần chỗ trẻ chơi). Trẻ thích chơi trò múc nước hay cát vào hộp rồi đổ ra, bạn
nên tìm cho trẻ những đồ để trẻ có thể nghịch cát, nghịch nước như thìa để múc cát,
xô nhựa, chai nước, cốc nhựa…
• Âm nhạc hay các bài hát cũng là sở thích
của trẻ. Khi nghe thấy tiếng nhạc trẻ thường lắc eo, vai, mông theo điệu nhạc và
ngân nga trong cổ. Đôi khi trẻ còn cố gắng hát cho thật giống với bài hát được nghe.
• Trẻ bắt đầu đặc biệt
thích một hay hai món đồ chơi như gấu bông lông mềm hoặc búp bê. Trẻ thích ôm và
ôm ấp, đôi khi còn nghiện chúng, đi đâu cũng mang theo, đặc biệt là lúc đi ngủ.
Trẻ độ tuổi này đang trong giai đoạn muốn được tự chủ, nhưng đồng thời cũng rất
muốn mẹ ở bên cạnh. Nhưng vì mẹ không thường xuyên ở bên cạnh trẻ nên “em gấu” trở
thành vật thay thế. Ngoài ra, các vật như trống, xe kéo, tranh ghép đơn giản, bàn
ghép hình... cũng là những đồ chơi được trẻ yêu thích.