Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Chương 5 - Phần 2

Mái nhà hạnh phúc là khách sạn năm sao

Chúng ta sinh ra một em bé, không những
phải có trách nhiệm nuôi em bé lớn, mà còn có trách nhiệm để cho em được hạnh phúc.

Sau khi chúng tôi chuyển về sống ở Diêm
Đài, mỗi lần về quê Nội Mông Cổ phải chuyển tàu ở Bắc Kinh, thường không kịp đổi
sang ngay chuyến tàu ngày hôm đó, mà phải ở lại Bắc Kinh một đêm. Lần đầu tiên đi
theo lộ trình này về nhà là khi Viên Viên mới năm tuổi, đúng vào dịp trước Tết.

Tôi và ông xã mỗi người dắt một tay
Viên Viên, bàn tay còn lại xách hành lý, ra khỏi nhà ga Bắc Kinh trong dòng người
đông đúc. Tết là thời điểm người đi lại nhiều, đông như kiến. Ra khỏi nhà ga, khó
khăn lắm mới tìm được một chỗ đất trống, đặt hành lý xuống, bàn xem nên nghỉ đêm
ở đâu. Trên quảng trường có rất nhiều người của các nhà nghỉ nhỏ đến quảng cáo,
chào mời khách, chúng tôi không dám tìm họ, sợ bị lừa, cũng sợ phải đi xa, muốn
tìm một nhà nghỉ vừa rẻ lại vừa sạch sẽ, ngày hôm sau đi tàu cũng tiện.

Ngó ra xung quanh, nhà cao tầng dày
đặc, chúng tôi không biết nên thuê ở đâu. Viên Viên sốt sắng hỏi: “Bố mẹ ơi, chúng
ta sẽ nghỉ ở đâu ạ?”.

Trên tàu chúng tôi đã bàn sơ qua vấn
đề nên nghỉ ở đâu. Ở trong khách sạn sang trọng vừa sạch sẽ vừa dễ kiếm thì đắt
quá, tiếc tiền; ở chỗ nào rẻ, thì lại sợ không sạch sẽ; những chỗ giá cả vừa phải,
e rằng mấy ngày nay đều đã kín chỗ, chỗ gần có lẽ sẽ không dễ tìm. Cuối cùng chúng
tôi than thở, nếu như có tiền thì đã không phải băn khoăn như vậy, tìm thẳng đến
khách sạn năm sao mà ở là xong. Mặc dù Viên Viên không tham gia vào cuộc nói chuyện,
nhưng cô bé cũng cảm nhận được nỗi băn khoăn của bố mẹ. Hồi ba tuổi Viên Viên đã
từng ở trong nhà nghỉ nhỏ một lần, không biết tại sao lại cảm thấy không thoải mái,
ngay cả ga trải gường ở đó cũng không dám chạm vào, chúng tôi phải ôm bé, bé mới
chịu ngủ, sau đó mới đặt được bé xuống giường. Chính vì thế câu hỏi của bé lúc này
cũng tỏ rõ vẻ lo lắng, chúng tôi cũng nhận ra được vẻ sốt ruột này.

Ông xã cúi người xuống xách va ly lên,
chỉ vào một khách sạn sang trọng cao tầng ngay trước mặt, nói với giọng khoa trương:
“Đi nào, chúng ta vào ở khách sạn năm sao!”. Viên Viên bất ngờ lắm, thật ạ? Nhìn
thấy vẻ thành khẩn của cô bé, chúng tôi đều cười, vội nói với bé rằng bố đang đùa
đấy, chúng ta vẫn nên tìm một nhà nghỉ rẻ tiền gần đây thôi, ở tạm một đêm là được.
Viên Viên có vẻ hơi buồn.

Kéo va ly và dắt tay cô bé, vừa đi vừa
để ý xem chỗ nào có nhà nghỉ phù hợp. Lúc đi qua khách sạn cao cấp mà ông xã vừa
chỉ ban nãy, nhìn thấy các chú bảo vệ mặc đồng phục chỉnh tề, lịch sự mở cửa xe
cho khách, đưa khách vào sảnh lớn, trông rất phong độ, lịch lãm. Ánh mắt Viên Viên
lộ rõ vẻ ngưỡng mộ. Tôi cười thầm cô nàng, liền vẽ ra một con cá gỗ giúp bé “no
bụng”: Đợi con lớn lên kiếm được nhiều tiền, rồi ta sẽ vào ở khách sạn năm sao nhé.
Điều này khiến Viên Viên rất phấn khởi, lên kế hoạch nói: Lớn lên con sẽ kiếm thật
nhiều thật nhiều tiền, ngày ngày được ở khách sạn năm sao! Tôi và ông xã đều cười,
nói: “Giỏi, có tiền rồi ngày ngày sẽ ở khách sạn năm sao!”.

Đột nhiên Viên Viên sực nhớ ra điều
gì, liền hỏi: “Khách sạn năm sao nhìn như thế nào ạ, có gì bên trong ạ?”.

Tôi nói: “Có giường rất sạch sẽ, ga
trải giường, gối, chăn đều rất sạch, ngủ trên đó rất dễ chịu”.

Điều này khiến Viên Viên có phần bất
ngờ, “Như thế không phải là giống nhà của mình đó sao mẹ, giường của nhà mình vừa
sạch sẽ vừa dễ chịu”. Rõ ràng là câu trả lời này không làm thỏa mãn cô bé.

Tôi nghĩ một lát, nói: “Và còn có nhà
vệ sinh rất sạch sẽ, bồn rửa mặt và bồn tắm đều có thể yên tâm sử dụng, không giống
như nhà nghỉ nhỏ, không dám dùng cả bồn rửa mặt của họ”.

Lời bổ sung của tôi vẫn nằm ngoài sự
dự đoán của Viên Viên, nhưng khiến cô bé có vẻ yên lòng hơn. “Nhà vệ sinh của nhà
mình cũng sạch, có thể yên tâm sử dụng... Còn gì nữa hả mẹ?”.

Tôi lại nghĩ một lát nói: “Có nước nóng
hai mươi tư giờ, lúc nào muốn tắm cũng được”. Viên Viên lại lập tức so sánh, nói:
“Nhà mình cũng có thể muốn tắm là tắm, ngày nào cũng có nước nóng!”.

Tôi cười, đúng vậy, tại sao những gì
khách sạn năm sao có, nhà mình đều có nhỉ! Để mẹ nghĩ thêm nữa xem sao. Lúc này
bố cô bé liền tiếp lời, nói: “Trong phòng của khách sạn năm sao còn có tủ lạnh,
bên trong có đựng bia và đồ uống, thích uống là uống”.

Viên Viên vừa nghe thấy thế, càng kinh
ngạc hơn: “Thế thì cũng giống như nhà mình, nhà mình cũng có tủ lạnh, bên trong
cũng có bia và đồ uống, muốn uống là uống. Tủ lạnh nhà mình còn đựng rất nhiều đồ
ăn ngon nữa... Còn có gì nữa ạ?”.

Chúng tôi nghĩ tiếp, cũng không nghĩ
được ra cái gì mới nữa, liền nói trong khách sạn năm sao có gì, gần như nhà mình
đều có, cũng chỉ thế thôi. Lần này thì Viên Viên đã thực sự thở phào, cô bé than
một câu “Hóa ra nhà mình giống hệt như khách sạn năm sao!”. Tôi và ông xã đều bật
cười. Tôi nói, “Đúng thật, sao trước đây mình không chú ý đến nhỉ, hóa ra nhà mình
giống hệt như khách sạn năm sao”.

Viên Viên tỏ ra vô cùng phấn khởi vì
sự phát hiện bất ngờ này, không còn tỏ vẻ lo lắng và ngưỡng mộ như ban nãy nữa.
Cô bé muốn chứng thực thêm một bước nữa, liền hỏi bố: “Bố ơi, bố bảo nhà mình có
giống với khách sạn năm sao không?”.

Lúc này bố của bé cũng chợt hiểu ra
vấn đề, “Ờ, đúng là giống thật. Hóa ra từ trước tới giờ chúng ta được ở khách sạn
năm sao mà không hề hay biết, may mà con đã phát hiện ra!”.

Hai má đỏ hồng vì lạnh của Viên Viên
rất rạng rỡ, cô bé vô cùng phấn khởi. Lúc này chúng tôi đi đến trước một nhà nghỉ
nhìn bề ngoài trông cũng gọi là tạm ổn, chuẩn bị vào trong xem. Lúc này Viên Viên
đã tỏ ra rất bình thản. Mình ngày ngày được ở trong khách sạn năm sao, hôm nay mới
có dịp được ở nhà nghỉ nhỏ cũng không có gì là ghê gớm. Tôi dùng câu nói ban nãy
trêu cô bé: “Sau này con phải kiếm thật nhiều thật nhiều tiền, là có thể ngày ngày
được ở khách sạn năm sao, không cần phải đến những nơi như thế này nữa”.

Viên Viên nói: “Con không ở khách sạn
năm sao đâu, ngày nào cũng ở nhà thôi”. Tôi hỏi tại sao, cô bé nói: “Nhà mình chính
là khách sạn năm sao, trong nhà còn có bố và mẹ nữa”.

Trẻ em thực sự là thiên thần, lời nói
của em do Thượng đế dạy. Đúng vậy, có sự hào hoa sang trọng nào so được với việc
cả nhà vui vẻ sống bên nhau. Mái nhà có được tình yêu mới được gọi là nhà, một gia
đình sống hạnh phúc bên nhau, đó chính là thiên đường đặt giữa nhân gian!

Học giả nổi tiếng của Đài Loan Phụ Bội
Vinh nói: Nếu con người không có một môi trường gia đình tốt, rất khó có thể sống
một cuộc đời bình thường(1).

(1)
Phụ Bội Vinh, Dùng cái gì để tưới mát cho tâm hồn, NXB Văn hóa quốc tế, tháng 9-2006,
tr.3.

Tất cả các bậc phụ huynh đều đang nỗ
lực tạo ra một cuộc sống tốt đẹp cho con, đều muốn xây dựng mái nhà thành thiên
đường hạnh phúc của con. Nhưng có bao nhiêu người lại dùng sai phương pháp, song
song với việc ra sức mua đồ về nhà, vô tình họ đã phá hỏng bầu không khí trong gia
đình, khiến gia đình động một chút là biến thành đấu trường lợi ích của vợ chồng.
Một cung điện lạnh lẽo không có sức sống. Niềm hạnh phúc đáng lẽ con trẻ phải được
hưởng, không biết đã thất thoát đi bao nhiêu trong những gia đình như vậy.

Tôi có quen một gia đình, cả hai vợ
chồng đều rất khá, người chồng thành đạt trong sự nghiệp, người vợ xinh đẹp giỏi
giang, có một cô con gái lanh lợi đáng yêu. Cuộc sống của họ đáng lẽ phải dễ chịu
như khách sạn năm sao, nhưng họ lại biến nó thành “nhà nghỉ nhỏ”.

Giữa hai vợ chồng họ không có mâu thuẫn
gì lớn lắm, hai vợ chồng rất quan tâm nhau, nhưng trong một số chuyện vặt vãnh lại
không nhường nhịn nhau, thường xuyên cãi nhau, không ai chịu thua ai, luôn cho rằng
đối phương phải nhượng bộ. Trong những năm tháng kinh tế gia đình còn chưa khá giả
lắm, họ thường xuyên cãi nhau về vấn đề kinh tế; đến khi gia đình đã mua được xe
hơi và hai căn hộ, điều kiện vật chất đã khá ổn định, họ lại cãi nhau vì quan điểm
dạy con khác nhau. Tóm lại, trong cuộc sống có mâu thuẫn gì cần phải giải quyết
thì đó chính là nguyên nhân khiến họ cãi nhau. Sau khi cãi nhau thường là chiến
tranh lạnh, một, hai tháng không nói chuyện với nhau. Đã từng nảy ra ý định ly hôn,
nhưng lại không có mâu thuẫn gì quá lớn, cả hai người không muốn chia tay nhau,
cuộc sống cứ trôi qua trong bất hòa như vậy. Hiện giờ, hai người đã bước vào tuổi
trung niên, cuối cùng đã hiểu ra những cuộc tranh cãi trước đây thật vô nghĩa, quan
hệ giữa hai người được cải thiện rõ rệt và đã bắt đầu một cuộc sống mới, nhưng những
ảnh hưởng xấu trong quá trình trưởng thành của con trẻ đã không thể cứu vãn được
nữa.

Phải sống trong một bầu không khí gia
đình như vậy, cô bé lúc nào cũng tỏ ra thấp thỏm, bất an, cô không biết bao giờ
bố mẹ lại cãi nhau, trở nên nhạy cảm, bất luận trong hoàn cảnh nào, chỉ cần có ai
nói to một chút là cô bé lại tỏ ra sợ hãi. Từ nhỏ cô bé đã rất mong một trong hai
bên bố hoặc mẹ đi công tác, như thế gia đình sẽ được yên ổn mấy ngày. Phải sống
giữa các cuộc tranh cãi và chiến tranh lạnh bất tận của bố mẹ, hiện giờ cô bé này
đã vào cấp ba, tính tình u uất, nóng nảy, thành tích học tập không tốt, không tự
tin, khiến bố mẹ vô cùng đau đầu. Hiện giờ điều khiến họ lo lắng nhất là cô bé không
thi được vào đại học, không thể tự lập thì sẽ thế nào. Hiện giờ họ càng ra sức kiếm
tiền, dường như muốn kiếm đủ cho con một nguồn tài sản dùng cả đời cũng không hết.
Nhưng bất luận kiếm được bao nhiêu tiền, mỗi khi nghĩ đến vấn đề của con họ lại
cảm thấy không an toàn, không thỏa mãn.

Đương nhiên trong cuộc sống gia đình
không thể không có xung đột, tục ngữ nói bát đũa còn có lúc xô huống chi vợ chồng,
mối quan hệ gia đình tốt không đồng nghĩa với việc gia đình lúc nào cũng êm ấm.

Tôi và ông xã cũng thường xuyên có mâu
thuẫn, nhưng thông thường chúng tôi đều cố gắng tránh Viên Viên, cố gắng giải quyết
nhanh vấn đề trong phạm vi hai người. Nếu thực sự không tránh nổi, cũng phải cố
gắng kìm chế mình, ít nhất không để cuộc tranh cãi làm con trẻ sợ. Có lúc cũng nhờ
Viên Viên đứng ra làm trọng tài, chúng tôi tin rằng cách nhìn nhận vấn đề của con
trẻ tương đối khách quan. Chúng tôi lắng nghe ý kiến của cô bé một cách rất chân
thành, đứng trên góc độ của con để phát hiện vấn đề của mình. Mặc dù hồi nhỏ cô
bé thường “xử án không công minh”, thường vô tình thiên vị tôi, nhưng điều này ít
nhất giúp bố cô bé ý thức được nguyện vọng của con trẻ, xuất phát từ nguyện vọng
của con, anh cũng chủ động nhận sai. Và tôi cũng thường xuyên nhượng bộ bố Viên
Viên, nếu phát hiện ra anh vô cùng giận dữ, hoặc vì muốn nhanh chóng kết thúc cuộc
chiến, tôi sẽ gạt những “nguyên tắc” và “lý do” của mình sang một bên, chủ động
nhận sai, hòa giải với anh. Cuộc tranh cãi giữa chúng tôi từ trước tới giờ đều là
tốc chiến tốc quyết, không bao giờ để kéo dài đến ngày hôm sau, không để bầu không
khí ức chế bao trùm lên cả gia đình. Hành vi của bố mẹ khiến con trẻ thấy được rằng,
giữa con người với con người có mâu thuẫn là điều bình thường, điều quan trọng là
giải quyết bằng thái độ như thế nào.

Hôn nhân là một mối quan hệ sâu sắc
giữa con người với con người, sự chân thực của nhân tính, tố chất văn hóa, giá trị
quan, khả năng yêu... đều được thể hiện rất rõ trong mối quan hệ này. Nó là cuốn
tự truyện do hai người lớn viết chung, là cuốn sách vỡ lòng để đứa con mà họ yêu
thương nhất cảm nhận hạnh phúc của cuộc sống, cảm nhận cái đẹp của sinh mệnh, nhận
thức được mối quan hệ giữa con người với con người.

Cho dù ly hôn, chỉ cần lý trí và thể
diện, cũng còn tốt hơn việc bắt con trẻ phải chịu đựng những cuộc tranh cãi, giày
vò không biết đâu là điểm dừng. Nhà triết học Erich Fromm nói: “Khi một cuộc hôn
nhân bất hạnh phải đối mặt với nguy cơ tan vỡ, luận cứ cũ kỹ giữa hai bố mẹ là,
họ không thể chia tay, để khỏi phải cướp đi niềm hạnh phúc mà một gia đình trọn
vẹn đem lại cho con trẻ. Tuy nhiên, bất kỳ đề tài nghiên cứu sâu sắc nào cũng cho
rằng, đối với con trẻ, bầu không khí căng thẳng và không vui vẻ trong gia đình còn
có hại hơn cả sự tan vỡ công khai, bởi sự tan vỡ công khai này ít nhất giáo dục
được trẻ rằng, con người có thể dựa vào sự quyết đoán dũng cảm để kết thúc một trạng
thái sống không thể chấp nhận”(2).

(2)
Erich Fromm, Người vì mình, Tôn Y Y dịch, Tam Liên thư điếm, tháng 11-1988, tr.
310.

Bố mẹ thường muốn tích cóp nhiều tiền
hơn cho con, nhưng thực tế bao nhiêu tiền cũng không thể mua được niềm vui cho trẻ.
Hôm nay tài sản mất đi, ngày mai có thể kiếm lại được, nhưng niềm hạnh phúc, cơ
hội giáo dục trong quá trình trưởng thành của trẻ, nếu đã mất đi sẽ mãi mãi không
thể tìm lại được nữa. Cho con trẻ một gia đình hạnh phúc, để chúng được trưởng thành
một cách lành mạnh trên cả hai phương diện sinh lý và tâm lý, trở thành một con
người phát triển hài hòa, đây mới là kho báu dồi dào nhất, suốt đời dùng không hết
mà bố mẹ có thể đem lại cho con.

Nếu nói trạng thái của gia đình cũng
có thể gắn số sao như khách sạn, không có cấp bậc nào cao hơn bầu không khí gia
đình hài hòa, hạnh phúc. Nhà ở có thể nhỏ đi một chút, đồ gia dụng có thể cũ một
chút, đồ điện tử có thể ít một chút, nhưng tình yêu và sự thân mật nhất thiết phải
nhiều - gia đình hạnh phúc chính là khách sạn năm sao.

Tôi muốn trích dẫn một đoạn văn mà nhà
triết học Erich Fromm đã từng nói ở đây, để chia sẻ với các bậc bố mẹ:

Mảnh đất mà Thượng đế hứa sẽ ban tặng
cho Abraham và hậu duệ của ông (mảnh đất thường là sự tượng trưng cho tình yêu của
người mẹ) được miêu tả là “đâu đâu cũng có sữa và mật chảy”. Sữa là sự tượng trưng
trên phương diện thứ nhất của tình yêu, là điều tượng trưng cho sự quan tâm và khẳng
định. Còn mật lại tượng trưng cho sự ngọt ngào của sinh mệnh, niềm hạnh phúc của
cuộc sống và tình yêu đối với sinh mệnh. Hầu hết mọi người mẹ đều có thể cho “sữa”,
nhưng chỉ có một số ít người mẹ có thể cho “mật”. Để có thể cho con mật, một người
mẹ không những buộc phải là một “người mẹ tốt”, mà còn buộc phải là một người mẹ
hạnh phúc - sự ảnh hưởng này của người mẹ đối với con trẻ nói thế nào cũng không
có gì là quá. Tình yêu của người mẹ đối với sinh mệnh giống như sự lo lắng, thấp
thỏm của bà ngấm dần vào con trẻ. Hai thái độ này đều có sự ảnh hưởng sâu sắc đối
với nhân cách của trẻ. Đúng vậy, giữa đám con trẻ - và cả người lớn, người ta có
thể phân biệt ra được những người nào chỉ có được “sữa”, còn người nào đồng thời
có được cả “sữa” và “mật”(3).

(3)
Erich From, Người vì mình, Tôn Y Y dịch, Tam Liên thư điếm tháng 11-1988, tr.270.

Chúng ta sinh ra một em bé, không những
phải có trách nhiệm nuôi em bé lớn, mà còn có trách nhiệm để cho em được hạnh phúc.

Lưu
ý đặc biệt

Mái nhà có được tình yêu mới gọi là
nhà.

Nếu con người không có một môi trường
gia đình tốt, rất khó có thể sống một cuộc đời bình thường.

Hôn nhân là một mối quan hệ sâu sắc
giữa con người với con người, sự chân thực của nhân tính, tố chất văn hóa, giá trị
quan, khả năng yêu... đều được thể hiện rất rõ trong mối quan hệ này. Nó là cuốn
tự truyện do hai người lớn viết chung, là cuốn sách vỡ lòng để đứa con mà họ yêu
thương nhất cảm nhận hạnh phúc của cuộc sống, cảm nhận cái đẹp của sinh mệnh, nhận
thức được mối quan hệ giữa con người với con người.

Cho dù ly hôn, chỉ cần lý trí và thể
diện, cũng còn tốt hơn việc bắt con trẻ phải chịu đựng những cuộc tranh cãi, giày
vò không biết đâu là điểm dừng.

Đối với con trẻ, bầu không khí căng
thẳng và không vui vẻ trong gia đình còn có hại hơn cả sự tan vỡ công khai, bởi
sự tan vỡ công khai này ít nhất giáo dục được trẻ rằng, con người có thể dựa vào
sự quyết đoán dũng cảm để kết thúc một trạng thái sống không thể chấp nhận.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3