Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Chương 5 - Phần 1

Chương 5: Vốn trí tuệ cần phải có ở những người làm bố làm mẹ

Mình không tự nuôi con là không làm tròn
bổn phận

Nếu bố mẹ có thể cảm nhận được tầm quan
trọng của mỗi ngày tháng, mỗi cảnh ngộ trong quá trình trưởng thành của con trẻ,
biết những cảnh ngộ này sẽ có ảnh hưởng lớn đối với con trẻ, thì khả năng và biện
pháp để bố mẹ vừa chăm con vừa đi làm tự nhiên sẽ có.

Muốn làm một việc gì đó sẽ luôn có lý
do, không muốn làm một việc gì đó cũng luôn có cái cớ.

Khi Viên Viên mười lăm tháng tuổi, bố
cô bé xin nghỉ không lương ở cơ quan cũ, về Hạ Môn công tác. Lúc đó tôi vẫn còn
đang đi làm ở đơn vị cũ, một mình nuôi con, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Trong khi lúc đó ông bà hai bên không thể đến giúp.

Bà ngoại của Viên Viên sống ở một huyện
bên cạnh, cách thành phố Tập Ninh thuộc khu tự trị Nội Mông Cổ mà chúng tôi đang
sống hồi đó bảy, tám tiếng đồng hồ xe chạy, hơn nữa lúc đó ông ngoại cô bé đã phải
sinh hoạt tại chỗ, cần có người chăm sóc. Bà nội cô bé còn sống ở một huyện xa hơn,
nhà cũng rất nhiều việc, không thể bỏ đó mà đi. Nhưng khi Viên Viên chưa chào đời
bà nội bé đã nói với chúng tôi rằng, nếu như công việc bận thì đưa con về quê để
bà trông nom. Hiện giờ biết bố Viên Viên chuẩn bị đi công tác xa, bà lại càng sốt
sắng bảo tôi đưa con về quê, nói bà chắc chắn sẽ chăm sóc Viên Viên chu đáo.

Tôi biết mẹ chồng là người vừa sạch
sẽ lại vừa nhanh nhẹn, cũng rất nhân hậu, chắc chắn chăm sóc việc ăn uống ngủ nghỉ
của Viên Viên chu đáo hơn tôi. Nhưng tôi đã từ chối, tôi muốn tự mình chăm con.

Lúc đó chúng tôi đã tìm một bà cụ ở
gần nhà, buổi sáng trước khi đi làm đem con đến gửi, buổi trưa và buổi tối đón con
về nhà, một ngày đưa đi đón về bốn lần. Sau khi ông xã đi Hạ Môn, tôi lại thương
lượng với bà cụ, gửi thêm cho bà ít tiền, buổi trưa không đón con về nữa.

Nhưng không vì thế mà tôi được rảnh
rỗi hơn. Từ khi có con, việc nhà dường như tăng lên gấp ba lần. Trước đây có bố
Viên Viên ở nhà, hai chúng tôi một người làm, một người trông con, mà còn bận bù
đầu, hiện giờ một mình tôi vừa làm vừa phải trông bé, cảm thấy việc nhà giờ lại
bận thêm gấp đôi.

Lúc đó Viên Viên vừa mới biết đi, giai
đoạn trông vất vả nhất, bé chập chà chập chững đi hết góc nọ đến góc kia, không
nghỉ phút nào. Đó cũng là độ tuổi đầy tính hiếu kỳ, cái gì cũng muốn động vào. Mắt
tôi không được rời cô bé nửa phút, đứng làm ở đâu phải tha con đến đó.

Lúc nấu cơm, mang bô xi tè vào bếp,
tìm cách dỗ bé ngồi yên trên đó; lúc lau nhà, vừa phải trêu con ngồi trong xe tập
đi một lát, vừa phải cầm cây lau nhà để lau; lúc giặt quần áo, đầu tiên là phải
đặt bé vào lồng máy giặt, tranh thủ lúc bé còn đang thấy mới lạ trước “môi trường
mới”, tôi vội phải vò quần áo.

Nhưng bé vẫn không chịu nghe theo sự
điều khiển của tôi, thường là lúc tôi đang vội phải nấu cơm, bé liền ôm chặt chân
tôi bắt bế; tôi muốn rửa bát, bé không chịu chơi đồ chơi mẹ đưa, bắt tôi phải kể
chuyện; tôi đang vội muốn ăn cơm rồi đi làm, bé lại làm đổ cơm vào người, phải thay
quần áo mới… Tôi bận từ sáng đến tối không có thời gian nghỉ ngơi, thực sự cảm thấy
phải mọc ra ba đầu sáu tay mới đối phó kịp.

Trước đây tôi không biết làm việc nhà
lắm. Tôi là con út trong nhà, bên trên có hai chị gái và hai anh trai. Từ nhỏ được
nuông chiều chỉ biết rong chơi; sau khi lấy chồng lại gặp được ông xã chăm chỉ,
mọi việc trong nhà gần như đều để ông xã làm. Giờ thì một mình vừa bận trông con
vừa bận việc nhà, lại còn phải đi làm, thực sự là quá mệt. Huyết áp của tôi hạ thấp
xuống mức bác sĩ không thể tưởng tượng, cho rằng tôi phải nằm trên giường nghỉ ngơi,
nhưng tôi vẫn phải làm không thiếu một việc.

Mẹ chồng không yên tâm, lại chuyển lời
đến, bảo tôi đưa con về nhà. Chị cả tôi sống ở thành phố khác cũng muốn trông con
hộ tôi, lúc đó con trai chị đã vào cấp một, công việc của chị không bận lắm và bản
thân chị cũng là người nhanh nhẹn. Tôi biết họ đều rất biết cách chăm sóc con trẻ,
nhưng tôi vẫn quyết định tự mình lo cho con, từ chối mọi ý tốt của họ.

Tôi kiên quyết đòi làm như vậy, chủ
yếu là do có hai suy nghĩ. Một là giáo dục vỡ lòng cho con trẻ. Mẹ chồng không được
đi học, chắc chắn trong vấn đề này bà không thể bằng tôi. Hai là nghĩ đến tình cảm
của con trẻ. Tôi nghĩ đối với một đứa trẻ, bà nội và bác dù thương bé đến đâu, bé
cũng vẫn cần phải ngày ngày được nhìn thấy mẹ, về mặt nhu cầu tình cảm của trẻ,
không ai thay thế được người mẹ.

Xung quanh tôi có không ít người đưa
con về cho ông bà ở quê chăm, một tháng hoặc vài tháng về thăm con một lần. Họ đều
nói con trẻ chưa biết gì, khóc vài ngày là hết nhớ mẹ, quen rồi là ổn. Tôi không
cho rằng sự việc đơn giản như vậy, điều này có thể cảm nhận được qua vẻ hoảng hốt
của Viên Viên khi đột nhiên không nhìn thấy bố đâu.

Mặc dù bé chưa biết nói, nhưng nhìn
nét mặt và một số từ mà thỉnh thoảng bé bập bẹ, tôi có thể cảm nhận được rằng trái
tim nhỏ bé của bé chắc chắn rất buồn vì một thời gian dài không được gặp bố. Nếu
đột nhiên lại không được nhìn thấy mẹ nữa, và bé với bà nội, bác lại không gần gũi
nhau từ trước, thật sự khó có thể tưởng tượng nếu mà như vậy, trái tim nhỏ bé của
con trẻ sẽ đau khổ biết bao. Đồng thời tôi cũng suy nghĩ rằng, nếu hiện giờ dứt
lòng mà gửi con cho bà nội hoặc bác, hai ba năm sau tôi đón bé về, không biết bé
sẽ phải hẫng hụt bao nhiêu thời gian về mặt tình cảm nữa.

Nhà tâm lý học trẻ em của Mỹ Benjamin
Spock cho rằng: “Sau khi chào đời vài tháng, trẻ sẽ bắt đầu yêu quý và tin tưởng
vào một, hai người chăm sóc mình, coi họ là chỗ dựa tin cậy an toàn của mình. Kể
cả em bé mới nửa tuổi, cũng sẽ vì sự ra đi đột ngột của người bố hoặc người mẹ chăm
sóc mình mà mất đi hứng thú đối với con người và sự vật, không muốn cười đùa, không
thiết ăn uống, tinh thần vô cùng buồn bã… Trẻ em sau khi trưởng thành, cách xử thế
trong suốt cuộc đời là lạc quan hay bi quan, cách đối nhân là nhiệt tình hay lạnh
lùng, làm người cả tin hay đa nghi… ở một mức độ rất lớn được quyết định bởi thái
độ của người phụ trách công việc chăm sóc chúng trong hai năm đầu đời”(1).

(1)
Benjamin Spock, Bách khoa toàn thư mới về giáo dục trẻ em, Trác Hồng Bưu dịch, NXB
Xây dựng Trung Quốc, năm 1989, tr.37.

Kể cả những điều lo lắng này đều không
tồn tại, chỉ vì muốn được tận mắt chứng kiến sự trưởng thành từng ngày của con,
tôi cũng muốn tự mình nuôi con. Trong vấn đề này gần như tôi chưa bao giờ do dự
cả.

Một năm sau khi ông xã về Hạ Môn, tôi
cũng làm thủ tục xin nghỉ không lương ở đơn vị, bắt đầu những ngày tháng đi nam
về bắc. Mấy năm liền chúng tôi không ổn định được, công việc rất bận rộn, mệt mỏi;
nhưng chúng tôi luôn luôn để Viên Viên ở bên, không để bé phải xa mình ngày nào.

Không phải cả quá trình chúng tôi cảm
thấy khó khăn, vất vả, mệt mỏi; hoàn toàn ngược lại, thời gian “gian khổ” rất ngắn,
nhanh chóng trôi qua. Trên thực tế con trẻ càng lớn càng nhàn. Dưới sự nuôi dạy,
chăm sóc của bố mẹ, Viên Viên phát triển rất đều trên cả hai phương diện tình cảm
và trí tuệ, cô bé không có điểm xấu nào khiến chúng tôi phải đau đầu, khó giải quyết.
Bao gồm trong mọi mặt ăn uống ngủ nghỉ, chúng tôi đều cảm thấy vừa đơn giản, vừa
thuận lợi.

Con trẻ càng lớn bố mẹ càng cảm thấy
nhàn hơn, thanh thản hơn. Thậm chí tự đáy lòng chúng tôi còn cảm thấy tiếc rằng
- tại sao con gái mình lại lớn nhanh như vậy, vui chơi chưa đủ đã trưởng thành rồi.

Một số người xung quanh nhìn thấy chúng
tôi dường như không bao giờ phải lo lắng gì về chuyện của con, nhưng con lại vừa
học tốt, vừa hiểu biết, cảm thấy chúng tôi làm bố mẹ một cách thanh thản, nhẹ nhàng,
liền ngưỡng mộ chúng tôi số sướng.

Lúc này tôi thường nhớ đến một số phụ
huynh, khi con trẻ còn nhỏ, họ thờ ơ với con biết bao. Có người “một lòng vì công
việc”; có người bận rộn với việc uống rượu tiếp khách; có người suốt ngày say sưa
bên bàn cờ. Thậm chí tôi còn từng được gặp một bà mẹ, chỉ vì ghen tị với việc mẹ
chồng trông con cho chị dâu, mà cũng đưa đứa con đã ba tuổi của mình về cho mẹ chồng
sống ở một huyện khác trông. Những người bố người mẹ như vậy, khi con trẻ còn nhỏ,
họ không quan tâm đến nhu cầu tình cảm và nhu cầu giáo dục của con trẻ, đợi đến
khi con lớn, xuất hiện vấn đề nọ vấn đề kia, mới phàn nàn trách móc con trẻ, than
thở số mình khổ, than thở làm bố mẹ thật không dễ dàng.

Bố mẹ phải vất vả hy sinh chăm sóc con
khi con còn nhỏ, nhưng sự “hy sinh” này là sự “đầu tư” kinh tế nhất thế gian. Nếu
làm ngược chuyện này, khi con còn nhỏ không chú ý, không coi trọng vấn đề giáo dục
con trẻ, đợi đến khi con lớn, không biết sẽ gây ra bao điều rắc rối. Ai có thể lau
sạch được một bức tranh đã vẽ đủ thứ linh tinh.

Năm 2007, tôi có đọc được một câu chuyện
đăng trên tờ báo Thanh niên Bắc Kinh. Một cậu bé người Thượng Hải tên là Trần Vũ,
đang học trong trường đại học thì bỏ học, bỏ nhà ra đi, năm năm trời không có tin
tức gì. Bố mẹ cậu đã nhiều lần đi tìm nhưng không có kết quả, đến giờ vẫn không
biết tung tích cậu ở đâu. Bố mẹ của Trần Vũ đều là trí thức cao cấp, Trần Vũ sinh
năm 1987, sau khi chào đời, bố mẹ cậu đều bận rộn với sự nghiệp riêng của mình,
gửi cậu cho cô ruột nuôi, đến khi Trần Vũ năm tuổi mới đón cậu về nhà. Có thể tưởng
tượng, ngay từ khi còn rất nhỏ con trẻ đã phải rời xa bố mẹ đã là một điều bất thường.
Đến năm năm tuổi - độ tuổi đã hình thành nên tình cảm ổn định, thì cậu lại bị tách
khỏi người cô, đưa cậu vào một môi trường mới lạ lẫm.

Bố mẹ chỉ dựa theo nhu cầu của mình
để điều khiển con trẻ, họ đã bao giờ suy nghĩ rằng đây không phải là một cái cây
hoặc một con vật nhỏ, mà là một người có tình cảm tư tưởng phong phú hay chưa; làm
sao họ có thể nghĩ được rằng, trong quá trình này, sẽ để lại vết thương tâm lý như
thế nào trong lòng con trẻ.

Từ những câu chữ trong bài báo có thể
nhận thấy, trong quá trình sống với bố mẹ sau này, Trần Vũ và họ thiếu sự chia sẻ
về mặt tình cảm, giữa con trai và bố mẹ có một khoảng cách rất lớn - rất nhiều đứa
trẻ do được người khác nuôi dưỡng, sau khi quay về với bố mẹ, đều thể hiện rõ sự
không hòa hợp. Từ việc Trần Vũ kiên quyết bỏ nhà ra đi, thà để mình biến thành “cô
nhi”, có thể đoán được nỗi đau khổ trong lòng em nhiều năm qua. Hiện giờ bố mẹ Trần
Vũ đều đã nghỉ hưu, họ mới ý thức được rằng, có thể họ sẽ vĩnh viễn mất người con
trai này. Đây là câu chuyện khiến người ta đau lòng biết bao.

Nhiều năm nay, phương thức nuôi dưỡng
“theo kiểu Trần Vũ” không được dư luận quan tâm nhiều lắm. Ủy thác con cho một người
đáng tin cậy, còn mình thì chuyên tâm dốc lòng cho công việc, sự chia tách giữa
“sinh” và “dưỡng” này không những không bị phê bình, mà còn trở thành tấm gương
sáng được ca ngợi đối với một số người, đặc biệt là những người đạt được nhiều thành
tựu trong công việc.

Vài năm gần đây, cùng với sự xuất hiện
của thời đại bố mẹ sinh “sau thập kỷ bảy mươi, tám mươi” và hàng loạt người nông
dân đổ về thành phố trong tiến trình đô thị hóa, hiện tượng sinh nhưng không dưỡng
trở thành một trào lưu phổ biến.

Mỗi khi lợi ích của người lớn xung đột
với lợi ích của con trẻ, người lớn luôn là người chủ động trong việc lựa chọn, là
phe mạnh; con trẻ luôn luôn là người bị động trong việc lựa chọn, là phe yếu, chính
vì thế người phải hy sinh và nhượng bộ luôn là con trẻ.

Đẩy trách nhiệm dưỡng dục sang cho người
khác, phương thức dạy dỗ này tác động xấu đến con trẻ như thế nào sẽ không được
thể hiện ra ngay, nhưng con trẻ sẽ không hy sinh và nhượng bộ một cách không phải
trả giá, bất kỳ quá trình trưởng thành không tốt nào đều sẽ để lại dấu vết trong
cuộc đời chúng, trở thành một bệnh trạng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc đời của trẻ
sau này, đồng thời cũng gây ra rất nhiều rắc rối cho gia đình.

Vấn đề “trẻ em sống xa bố mẹ ở nông
thôn”(2) bắt đầu được dư luận quan tâm, bởi thế hệ trẻ em sống xa bố mẹ ở nông thôn
đầu tiên đã trưởng thành, một số vấn đề tồn tại phổ biến trong chúng đã được bộc
lộ, và vấn đề “giao con cho người khác nuôi hộ” ở thành phố lại chưa được dư luận
quan tâm.

(2)
Chỉ những đứa trẻ có bố hoặc mẹ, thậm chỉ cả bố và mẹ ra thành phố làm thuê, còn
mình thì ở lại nông thôn sống với ông bà hoặc những người thân khác (ND).

“Giao con cho người khác nuôi hộ” ở
thành phố không nhất thiết đều là gửi trẻ đến khu vực khác, phần lớn là sống chung
với bố mẹ; chỉ có điều người chăm sóc chúng là ông bà hoặc người giúp việc. Xét
về mặt ý nghĩa không gian là trẻ sống cùng với bố mẹ, ngày ngày có thể gặp hoặc
một tuần gặp một lần. Nhưng thực chất là, do bố mẹ không quan tâm nhiều đến chúng,
chúng có cảnh ngộ giống những trẻ sống xa bố mẹ ở nông thôn. Tình trạng này càng
cần phải được quan tâm, chú ý.

Ba năm trước tôi có tiếp xúc với trường
hợp, một cô bé mười tuổi, tính tình rất kỳ quặc, thành tích học tập không tốt. Một
mặt tỏ ra rất quyến luyến với bố mẹ, rất quan tâm đến thái độ của bố mẹ đối với
cô; mặt khác lại ngày ngày cãi nhau với bố mẹ, xung đột không ngừng, không bao giờ
chịu nghe lời bố mẹ. Bố mẹ cô bé đều rất giỏi giang, đều là người có vị trí quan
trọng trong cơ quan, điều kiện kinh tế gia đình rất khá giả, ngay khi con vừa chào
đời đã thuê một người giúp việc đến nhà để chăm sóc con. Người mẹ sau khi sinh con
ba tháng liền đi làm, giao toàn bộ việc chăm con cho người giúp việc.

Nhìn từ bề ngoài con trẻ luôn sống cùng
bố mẹ, nhưng do bố mẹ công việc bận rộn, hàng ngày đi sớm về khuya, và thường xuyên
đi công tác, con trẻ từ sáng đến tối đều ở với người giúp việc, ngay buổi tối cũng
ngủ cùng người giúp việc, con trẻ sống ở nhà mình, nhưng lại giống như một đứa trẻ
sống cuộc sống “tầm gửi”, thiếu cơ hội chuyện trò, tâm sự với bố mẹ. Cứ như vậy,
con trẻ ngày càng tỏ ra lệ thuộc vào người giúp việc, người giúp việc cũng rất yêu
quý cô bé, tình cảm giữa hai người rất gắn bó. Mỗi lần người giúp việc về quê thăm
nhà, cô bé đều không muốn cho về, còn buồn hơn cả khi mẹ đi công tác. Nhưng khi
cô bé bốn tuổi, bố mẹ cô và người giúp việc đã nảy sinh mâu thuẫn xung quanh vấn
đề trả lương, họ đã kiên quyết cho người giúp việc nghỉ việc và tìm một người giúp
việc khác. Cô bé và người giúp việc mới không hợp nhau, hai bên lục đục với nhau
suốt ngày, bố mẹ cô lại thay người giúp việc khác, vẫn không hợp, đành phải thay
người khác.

Sau vài lần thay đổi người giúp việc,
cô bé cũng đã lớn thêm vài tuổi, cô không còn gây chuyện nữa, nhưng bất luận người
giúp việc nào đến nhà, đều từ chối nói chuyện với người giúp việc. Như thế, thực
tế là cô bé hàng ngày chỉ ở nhà một mình. Bố mẹ cô vẫn bận rộn với công việc, rất
ít khi có thời gian chuyện trò với con. Thỉnh thoảng có dịp, liền hỏi con thi cử
thế nào hoặc đưa con ra ngoài ăn bữa cơm. Mãi cho đến khi nhà trường thông báo với
phụ huynh con họ bỏ học ra ngoài gặp người bạn quen qua mạng, bố mẹ cô bé mới sốt
sắng, lo lắng.

Bà mẹ đưa con đến gặp tôi, nhưng lời
nói của chị không hề tỏ ý gì là kiểm điểm lại mình, chỉ cho rằng bản thân con trẻ
có vấn đề, mong tôi làm “công tác tư tưởng” cho cô bé, chính vì thế trước quan điểm
mà tôi đưa ra là tình trạng của con chị có liên quan đến thái độ nuôi dưỡng của
bố mẹ, chị tỏ ra không đồng tình.

Khi tôi nhắc nhở chị không nên hoàn
toàn giao con trẻ cho người giúp việc, và đồng thời lại coi nhẹ mối quan hệ gắn
bó đã hình thành từ lâu giữa con trẻ và người giúp việc đầu tiên, chị có vẻ không
vui, nói rất nhiều con của các gia đình khác đều do người giúp việc trông coi, có
nhà nào không thay đổi người giúp việc, con người ta cũng không có vấn đề gì. Khi
tôi đề nghị hàng ngày chị nên dành thời gian chuyện trò, chơi đùa, đọc sách cùng
con, chị có phần tức giận, nói tôi công việc bận như thế, làm sao có thời gian cho
nó được, đồng thời nói hồi nhỏ bố mẹ cũng không quản tôi, không phải cũng vẫn trưởng
thành như ai đó sao. Và cuối cùng tôi đề nghị, nếu công việc của chị khiến chị bận
rộn hơn rất nhiều so với người bình thường, thực sự không có thời gian quan tâm
đến con trẻ thì chị nên nghĩ cách để thay đổi công việc đi, trước đây chị quá thờ
ơ với con, hiện giờ buộc phải dùng rất nhiều thời gian và công sức để bù đắp lại,
con trẻ đã mười tuổi rồi, tôi lo ngại nếu tiếp tục để thế vài năm nữa có thể sẽ
không còn cơ hội cải thiện nữa đâu. Câu nói “thay đổi công việc” đã khiến người
mẹ này thực sự tức giận, lúc đó chị đã tỏ rõ thái độ, đồng thời từ đó trở đi không
đếm xỉa gì đến tôi nữa.

Gần đây tôi nghe nói cô bé này bị bố
mẹ đưa đến một ngôi trường “quân sự”. Công việc chính của “ngôi trường” này là tiến
hành “huấn luyện quân sự” đối với học sinh, tức hàng ngày phải hành quân một đoạn
đường rất dài, luyện tập đứng nghiêm theo tác phong quân đội, tập hợp khẩn cấp,
ai không chịu nghe lời sẽ bị đánh. “Nhà trường” thu học phí rất cao, nhưng tuyển
sinh được rất đông học sinh. Rất nhiều em như cô bé này, bố mẹ rất bận, điều kiện
kinh tế gia đình khá giả, con trẻ học hành rất tệ, liền bị đưa đến đây cải tạo.
Tôi còn nghe nói hiệu trưởng của “ngôi trường” này cũng có một cậu con không ra
gì, từ chỗ huấn luyện cậu con trai mà anh này thành lập được “ngôi trường quân sự”
này. Con trai anh không được huấn luyện thành công, vẫn không có gì thay đổi, chỉ
có điều giúp người bố trở thành “hiệu trưởng”, và kiếm được không ít tiền.

Tôi không nén nổi liền than thầm trong
lòng, bỏ tiền mua “giáo dục” là chuyện rất dễ dàng, chỉ có điều không biết cuối
cùng họ sẽ mua được cái gì.

Một vấn đề rất lớn trong giáo dục gia
đình hiện đại là, bố mẹ có thể hy sinh cuộc đời cho con, nhưng lại không chịu hy
sinh thời gian và công sức cho con.

Những người coi sự nghiệp và công việc
nuôi dạy con trẻ là hai vấn đề đối lập với nhau, những người không coi trọng thời
gian và chất lượng ở bên con, những người không lưu tâm để ý đến mọi suy nghĩ, cảm
nhận của trẻ, không phải là do họ không yêu con, mà tự đáy lòng họ không cho rằng
việc gần gũi với con là một chuyện quan trọng. Trong mắt họ, con trẻ chỉ là một
báu vật hoặc một con vật nhỏ, có thể tạm thời gửi gắm ở một người đáng tin cậy,
sau đó có thể lấy về một cách hoàn hảo, không chút sứt mẻ bất cứ lúc nào. Họ không
thấy được rằng trẻ em là một cơ thể sống có tư tưởng, tình cảm, mọi cảnh ngộ trong
quá trình trưởng thành, mọi sự buồn vui đều sẽ để lại dấu ấn sâu sắc trong con trẻ
- chú cún nhỏ bị gửi nuôi ở nhà người khác, nó sẽ tỏ ra không thích nghi vì sự thay
đổi đột ngột của người chăm sóc, con trẻ càng không phải là một chiếc bình sứ hoàn
toàn không có tư tưởng.

Một em bé gọi bạn là bố là mẹ, đó không
phải chuyện có thể ậm ờ đáp lại một câu, nó đòi hỏi bạn phải bỏ ra rất nhiều thời
gian, công sức và trí tuệ. Nếu đã quyết định có con, thì phải có trách nhiệm với
con, coi việc gần gũi với con là một công việc hết sức quan trọng để nghiêm túc
thực hiện.

Không nên tùy tiện đưa con nhỏ về quê,
để ông bà hoặc người thân chăm sóc hộ. Phải cố gắng nghĩ cách để giữ con trẻ ở bên
cạnh mình, tốt nhất là có thể ngày ngày được nhìn thấy con. Nếu có khó khăn, nên
để bố mẹ tự khắc phục, không nên để con trẻ phải đứng ra gánh vác.

Kể cả khi sống cùng với con, cũng cần
chú ý rằng, không nên chỉ đặt công việc và những vấn đề liên quan đến các mối quan
hệ xã giao ở trong đầu, chỉ dành một lượng thời gian và công sức còn thừa rất ít
cho con. Không nên thờ ơ trước những nhu cầu của con, nên nghiêm túc nhìn nhận về
chuyện gần gũi với con, không nên để con của bạn thui thủi trong gian phòng mà bạn
đã dày công trang trí, nhưng lại biến thành “đứa trẻ bị gửi nuôi” về mặt tinh thần.

Nếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan,
buộc phải thường xuyên xa con, cũng nhất thiết phải nghĩ cách để cố gắng giảm bớt
sự hụt hẫng về mặt tình cảm ở trẻ, ví dụ để cho trẻ và ông bà hoặc người chăm sóc
trẻ tạm thời tạo dựng được tình cảm trước, thời gian xa trẻ nên thường xuyên gọi
điện thoại cho trẻ, nói chuyện nhiều với trẻ, định kỳ về thăm trẻ, để trẻ cảm nhận
được rằng bố mẹ rất quan tâm đến trẻ, cố gắng giảm bớt cảm giác hẫng hụt cho trẻ.

Thượng Đế tạo ra con người, để con người
yêu thương con của mình một cách rất tự nhiên, chính là vì để bố mẹ có thể tận tâm
nuôi dưỡng con mình. “Công việc bận” hay bất kỳ nguyên nhân gì khác, đều không nên
trở thành lý do khiến bạn không tận tâm với con trẻ.

Chúng ta nỗ lực làm việc vốn là để gây
dựng một tương lai tươi đẹp hơn, nhưng cuối cùng lại để công tác giáo dục trẻ em
- “tương lai của đất nước” xảy ra nhiều rắc rối, với nước với nhà, ý nghĩa của việc
gây dựng “sự nghiệp” này là gì?

Vai trò của bố mẹ quan trọng biết bao,
nếu nói một cách đơn giản thì nó liên quan đến vận mệnh của một đứa trẻ, nếu nói
trên góc độ vĩ mô thì nó liên quan đến tương lai của toàn dân tộc, chính vì thế
phải làm một cách nghiêm túc, không được lơ là, nếu không chính là phạm lỗi không
làm tròn bổn phận.

Nếu bố mẹ có thể cảm nhận được tầm quan
trọng của mỗi ngày tháng, mỗi cảnh ngộ trong quá trình trưởng thành của con trẻ,
biết những cảnh ngộ này sẽ có ảnh hưởng lớn đối với con trẻ, thì khả năng và biện
pháp để bố mẹ vừa chăm con vừa đi làm tự nhiên sẽ có.

Muốn làm một việc gì đó sẽ luôn có lý
do, không muốn làm một việc gì đó cũng luôn có cái cớ.

Nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc Trì
Lợi nói, “Tôi phát hiện ra rằng từ cổ chí kim, con trẻ đều giống nhau, nhưng phụ
huynh lại có sự thay đổi rất lớn. Hiện nay có quá nhiều bố mẹ chỉ muốn bỏ tiền ra
cho con, nhưng lại không muốn bỏ ra thời gian, công sức và trí tuệ. Thực chất là
bố mẹ đã trở nên ngớ ngẩn, ích kỷ, mù quáng, ngu xuẩn, lười nhác”(3). Câu nói của
bà khá gay gắt, nhưng lại nhằm trúng tim đen.

(3)
Trì Lợi, Đến đây con yêu, NXB Nhà văn, tháng 6-2008, tr.55.

Đừng nên chỉ phê bình các bậc phụ huynh,
tôi cũng muốn nói với thế hệ các cụ già - ông bà nội hoặc ông bà ngoại của đứa trẻ,
có thể cô bác có kinh nghiệm dày dạn trong việc chăm sóc trẻ, có thể cô bác vừa
mới nghỉ hưu, sức khỏe còn rất tốt, có thể con cái các bác hiện giờ rất cần sự giúp
đỡ của các bác, nhưng cho dù thế nào, các bác cũng không cần thiết phải “thầu toàn
bộ” trong chuyện chăm sóc thế hệ cháu của mình.

Cô bác không thể để cho con cô bác cảm
thấy rằng trong nhà có thêm một em bé là có thêm một “con vật nhỏ nuôi trong nhà”,
nhưng lại không cần phải trải qua quá trình nuôi con tỉ mỉ quần cứt tã đái; không
thể để cho họ mặc dù đã làm bố làm mẹ, nhưng về mặt tâm lý vẫn mút núm vú và không
nghĩ được rằng, đối với sinh linh bé nhỏ này, ngoài việc mình phải có trách nhiệm
đảm bảo sự đầy đủ về mặt kinh tế, còn phải có trách nhiệm tạo dựng tình cảm và giáo
dục. Chính vì thế trong chuyện này cô bác nên làm ít đi một chút, đẩy nhiều việc
cho con cái cô bác tự làm, để trong quá trình học làm bố làm mẹ, họ cũng từng bước
trở nên chín chắn. Điều này đều là chuyện hết sức quan trọng, hết sức có ý nghĩa
đối với hai thế hệ của họ.

Lưu
ý đặc biệt

Một vấn đề rất lớn trong giáo dục gia
đình hiện đại là, bố mẹ có thể hy sinh cuộc đời cho con, nhưng lại không chịu hy
sinh thời gian và công sức cho con.

Không nên tùy tiện đưa con nhỏ về quê,
để ông bà hoặc người thân chăm sóc hộ. Phải cố gắng nghĩ cách để giữ con trẻ ở bên
cạnh mình, tốt nhất là có thể ngày ngày được nhìn thấy con. Nếu có khó khăn, nên
để bố mẹ tự khắc phục, không nên để con trẻ phải đứng ra gánh vác.

Kể cả khi sống cùng với con, cũng phải
chú ý rằng, không nên chỉ đặt công việc và những vấn đề liên quan đến các mối quan
hệ xã giao ở trong đầu, đồng thời dành ra lượng thời gian và công sức còn thừa rất
ít cho con. Không nên thờ ơ trước những nhu cầu của con, nên nghiêm túc nhìn nhận
về chuyện gần gũi với con, không nên để con của bạn thui thủi trong gian phòng mà
bạn đã dày công trang trí, nhưng lại biến thành “đứa trẻ bị gửi nuôi” về mặt tinh
thần.

Nếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan,
buộc phải thường xuyên xa con, cũng nhất thiết phải nghĩ cách để cố gắng giảm bớt
sự hụt hẫng về mặt tình cảm ở trẻ, ví dụ để cho trẻ và ông bà hoặc người chăm sóc
trẻ tạm thời tạo dựng được tình cảm trước, thời gian xa trẻ nên thường xuyên gọi
điện thoại cho trẻ, nói chuyện nhiều với trẻ, định kỳ về thăm trẻ, để trẻ cảm nhận
được rằng bố mẹ rất quan tâm đến trẻ, cố gắng giảm bớt cảm giác hẫng hụt cho trẻ.

Đẩy trách nhiệm dưỡng dục sang cho người
khác, phương thức dạy dỗ này tác động xấu đến con trẻ như thế nào sẽ không được
thể hiện ra ngay, nhưng con trẻ sẽ không hy sinh và nhượng bộ một cách không phải
trả giá, bất kỳ quá trình trưởng thành không tốt nào đều sẽ để lại dấu vết trong
cuộc đời chúng, trở thành một bệnh trạng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc đời của trẻ
sau này, đồng thời cũng gây ra rất nhiều rắc rối cho gia đình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3