Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Chương 2 - Phần 3
Những em được gậy thần chạm vào có lực
học tốt
Cấp một, thậm chí là cấp hai, không
có cái gọi là tụt hậu trong việc học, cũng không tồn tại thành tích xuất sắc tuyệt
đối, tất cả đều có thể thay đổi. Sức mạnh thần kỳ khiến tình hình thay đổi chính
là việc đọc sách ngoài giờ học.
Có một cây “gậy thần” rất thần kỳ, em
nào được nó chạm vào sẽ trở nên thông minh hơn, có nhiều tiềm năng hơn trong học
tập. Cây “gậy thần” này là gì? Ai sẽ may mắn được nó chạm vào, đây chắc chắn là
điều mà rất nhiều người muốn biết. Xin hãy tha lỗi cho sự cố làm ra vẻ huyền bí
của tôi, không phải tôi đang nói đến truyện cổ tích, mà là đang đưa ra một phép
ví von, bởi không có cách ví von nào thích hợp hơn nó.
Hãy cho phép tôi nói xa hơn một chút,
nói về câu chuyện có thực của bốn em nhỏ.
Tôi đã từng có cuộc tiếp xúc trong một
thời gian khá dài với các em học sinh lớp năm ở một trường tiểu học, nên biết các
em rất rõ. Trong lớp có bốn em học sinh, tôi thường chia các em làm hai nhóm, sau
đó đặt lại gần nhau để so sánh.
Nói về hai em đầu tiên trước, một cô
bé tên là Hiểu Phi và một cậu bé tên là Tiểu Tráng, hai em nay đều học rất cố gắng,
thành tích học tập ở mức khá xuất sắc, tính cách không huênh hoang cũng không sống
nội tâm, trong giờ học không gây mất trật tự, ở trong lớp là những học sinh vừa
được cô giáo quý nhưng lại dễ bị lãng quên.
Một nhóm khác gồm hai em trai, một em
tên là Bác, một em tên là Thành. Bác là một học sinh rất xuất sắc, môn nào học cũng
giỏi, rất có năng lực, đặc biệt còn rất có chính kiến, em là một trong số rất ít
học sinh gần như không tìm được khuyết điểm nào mà tôi đã từng gặp; còn Thành là
một học sinh vừa có ưu điểm, vừa có khuyết điểm, thường xuyên không làm bài tập
cẩn thận, thành tích học tập bình thường, nhưng rất có khiếu nói năng, lúc nào cũng
tỏ ra lười biếng, nhưng không vi phạm kỷ luật nhiều.
Bốn em nhỏ này khiến tôi phải chú ý
và so sánh là do bắt nguồn từ bài tập làm văn của các em. Hai em đầu tiên, bài văn
của Hiểu Phi và Tiểu Tráng tôi đã đọc, chữ viết mặc dù không quá đẹp nhưng gọn gàng,
nhưng trình độ viết văn rất kém, nội dung nghèo nàn, có nhiều lỗi chính tả, chữ
cũng viết sai khá nhiều, điều này có phần trái ngược với điểm thi tương đối khá
của các em lúc bình thường. Mỗi bài văn của các em đều bị cô giáo yêu cầu sửa đi
sửa lại, các em sửa rất nghiêm túc, chép đi chép lại nhiều lần, nhưng nếu so sánh
bản sửa lần thứ tư với bản sửa lần đầu tiên thì chỉ có thể nhìn thấy dấu vết đã
được sửa, không thấy sự tiến bộ; lật sang bài văn tiếp theo, trình độ vẫn giậm chân
tại chỗ. Xem các vở bài tập khác của hai em, đều có thể cảm nhận sự cố gắng và sự
lực bất tòng tâm của các em trong việc học.
Về cơ bản tôi đã có thể phán đoán được
vấn đề của các em nằm ở đâu.
Tôi đã tìm hai em này để nói chuyện.
Hỏi các em cùng một câu hỏi là: Các cháu có thường xuyên đọc sách ngoài giờ học
không? Thấy tôi hỏi như vậy, Hiểu Phi rất e dè, nói với tôi rằng, cô bé rất muốn
đọc, nhưng bố em không cho phép, sợ ảnh hưởng đến việc học, nên đã cho hết những
cuốn sách mà cô bé có thể đọc vào tủ và khóa lại. Nhà Hiểu Phi có đặt tờ báo tặng
kèm tạp chí Độc giả, cô bé rất thích đọc tạp chí này, nhưng mỗi lần có báo mới,
bố mẹ đều tìm cách giấu đi không cho em xem. Còn Tiểu Tráng thì nói rằng em không
thích đọc sách ngoài giờ học, ngoài mấy cuốn truyện tranh, em không bao giờ đọc
cuốn sách nào khác.
Tôi nghĩ nếu hai em bé này cứ tiếp tục
như vậy thì thật là đáng tiếc, các em biết nghe lời như vậy, lại chịu khó, đáng
lẽ phải xuất sắc hơn trong việc học. Và thế là tôi đã mời bố mẹ của hai em đến để
nói chuyện, mục đích là muốn họ quan tâm đến việc đọc sách ngoài giờ học của con
hơn, thông qua việc đọc sách để giải quyết vấn đề học hành khó khăn của các em.
Bố của Hiểu Phi nói, con bé hàng ngày
chăm chỉ học hành như vậy, thành tích học tập mới chỉ đạt loại khá, nếu như lại
phân tâm đọc các cuốn sách khác, tụt xuống mức trung bình thì sao? Mẹ của Tiểu Tráng
cho rằng để Tiểu Tráng đọc sách lại tăng thêm gánh nặng học hành cho trẻ, một tuần
Tiểu Tráng học thêm sáu buổi và học nhạc một buổi, từ thứ hai đến chủ nhật không
có ngày nào nghỉ, nhà em ở khá xa, mỗi ngày đi xe bus cả đi cả về hết hai tiếng
rưỡi, mỗi ngày Tiểu Tráng chỉ được ngủ sáu tiếng đồng hồ. Chính vì thế mẹ em nói,
không thể tăng thêm gánh nặng cho em nữa.
Tôi nói với hai vị phụ huynh rằng, hiện
giờ hai em này đang học tiểu học, mỗi lần điểm thi cao hơn hay thấp hơn một vài
điểm không quan trọng, hiện tại vấn đề của các em là lực học không tốt, đây mới
là vấn đề lớn, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học sau này của các em.
Không cần phải đi học thêm nhiều như vậy, không nên yêu cầu cao về điểm thi, để
các em được đọc nhiều sách hơn, như thế mới giảm được gánh nặng học hành cho trẻ
một cách căn bản, lực học của các em mới được nâng cao, tương lai mới có được thành
tích học tập tốt thực sự.
Tôi cố gắng nói cho rõ vấn đề, lúc đó
họ cũng bày tỏ sự đồng tình với lời gợi ý của tôi. Nhưng sau đó tôi lại tìm hiểu
qua các em, không có gì thay đổi. Bố của Hiểu Phi cho rằng, do gia đình mình đặt
báo được tặng kèm tạp chí Độc giả, khiến con trẻ không yên tâm học hành, vì thế
đã đổi quà tặng sang sữa. Bản thân Tiểu Tráng không có nguyện vọng đọc sách, mẹ
em cũng không định cho em có nguyện vọng này, chỉ có ý định đăng ký cho em học môn
Taekwondo, lý do là con trẻ học hành cả ngày ít vận động, học lớp này vừa được vận
động lại có thể phòng thân, nhất cử lưỡng tiện, tôi không biết mẹ em sẽ lấy thời
gian ở đâu cho em nữa. Và tôi còn tìm hiểu được rằng, mấy lớp học thêm mà Tiểu Tráng
học, có một lớp là lớp ngữ văn.
Khác hẳn với Hiểu Phi và Tiểu Tráng,
Bác và Thành viết văn rất tốt, gần như cả bài không viết sai chữ nào hoặc đặt câu
sai. Bác viết chữ rất gọn gàng thoáng đãng, trong bài viết luôn có cái nhìn và tài
liệu độc đáo; mặc dù chữ Thành viết không được đẹp, trong bài thỉnh thoảng lại có
chỗ gạch xóa, không sạch sẽ, và các bài văn của em thể hiện trình độ rất khác nhau,
có bài vừa đọc là biết không tập trung viết, đối phó cho qua chuyện, nhưng có mấy
bài xem ra là em dành nhiều công sức ra để viết, qua nét chữ có thể cảm nhận được
cái hay, cái bay bổng của bài văn, khiến người ta phải khen ngợi.
Tôi cũng đã từng nói chuyện riêng với
hai em này, biết được các em đều thích đọc sách ngoài giờ học. Ở nhà Bác có rất
nhiều sách, em đọc rất nhiều, chủ yếu là các tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung
Quốc và nước ngoài, sách lịch sử, sách thuộc lĩnh vực tự nhiên, vượt xa lượng sách
mà ở độ tuổi của em cần phải đọc. Bố mẹ Thành đi làm ăn thường không ở nhà, em sống
với ông bà nội, nhà ông bà nội không có máy vi tính, ti vi cũng rất ít mở, không
có việc gì làm em đành mua rất nhiều sách về đọc. Thành đọc rất nhiều loại sách,
động vật, khoa học viễn tưởng, trinh thám, võ hiệp, tìm được cuốn nào là đọc cuốn
đó.
Hai em này không những làm văn hay,
các vấn đề khác đều ứng phó một cách linh hoạt. Bác là một học sinh giỏi nhưng không
phải là mọt sách, em thích đá bóng, dành rất nhiều thời gian cho việc đá bóng; Thành
mặc dù thành tích học tập không tốt lắm, nhưng theo lời cô giáo chủ nhiệm của em,
em rất thông minh, thành tích học tập hiện giờ của em là do em nhắm mắt mà giành
được, chỉ cần em tập trung học ba ngày là lọt được vào ba bạn có điểm cao nhất lớp.
Tôi rời lớp học này, để lại cho các
em địa chỉ email của mình, hiện giờ tôi vẫn giữ liên lạc với một số em. Hiện giờ
các em đã học lớp chín, chuẩn bị phải thi vào cấp ba. Bác không viết thư cho tôi,
nhưng mẹ em thường xuyên liên lạc với tôi, chúng tôi chưa gặp nhau lần nào, thông
qua mạng Internet trao đổi với nhau các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục con trẻ.
Bác học ở một trường điểm của thành phố, theo lời mẹ em thì hiện tại em vẫn học
rất tốt, vì có thành tích học tập tốt và đá bóng giỏi, em đã được tuyển thẳng vào
trường cấp ba tốt nhất của thành phố. Hiểu Phi vẫn liên lạc với tôi, cấp hai em
học ở một trường bình thường, đội ngũ giáo viên và mọi vấn đề khác đều không tốt.
Nghe nói Tiểu Tráng và Thành cũng học ở trường này, hiện giờ lực học của Hiểu Phi
và Tiểu Tráng chỉ đạt mức trung bình, chắc chắn sẽ không thi vào được trường tốt;
nhưng sau khi lên lớp chín, Thành bắt đầu thấy sốt ruột, em đã hiểu được tầm quan
trọng của việc học, hiện giờ là một trong mấy em đứng đầu của khối, còn được bình
chọn là “Học sinh Ba tốt”. Hiểu Phi còn nói, hiện giờ càng ngày em càng không muốn
học nữa, cảm thấy học thật là khó. Xu thế phát triển trong việc học của mấy em học
sinh này đã rõ ràng.
Chắc chắn bố mẹ của Hiểu Phi và Tiểu
Tráng rất thất vọng vì con em mình, họ đã làm rất nhiều điều cho con, nhưng thành
tích học tập của con lại không lý tưởng, trong thời điểm then chốt, không biết họ
sẽ nghĩ ra cách gì để giúp con, về cơ bản có thể khẳng định rằng, họ càng không
cho con đọc sách ngoài giờ học nữa - từ đó, có thể dự đoán rằng, con em họ không
những rất khó đạt được thành tích cao trong kỳ thi vào cấp ba sắp tới, mà trong
giai đoạn học cấp ba, sẽ không có gì khởi sắc, và trong tương lai, trong suốt cuộc
đời, lực học của các em chỉ bình bình và đầy khó khăn.
Còn Bác và Thành, lực học của các em
đã ổn định, trong cuộc sống học tập sau này, các em sẽ càng chủ động hơn và nắm
vững hơn.
Chuyện của bốn em nhỏ nói đến đây, vấn
đề tôi muốn nói đã rõ ràng rồi.
Cây “gậy thần” là gì, chính là đọc sách
ngoài giờ học. Nó có một ma lực, âm thầm phú cho con trẻ nguồn năng lượng khác nhau
- tất cả những em từ nhỏ đã đọc nhiều sách, trạng thái trí tuệ và lực học của các
em sẽ tốt hơn; tất cả những em từ nhỏ ít đọc sách, lực học thường rất bình thường;
kể cả là tốc độ làm bài tập, thông thường đều chậm hơn rất nhiều so với các em đọc
nhiều sách.
Tại sao đọc sách lại có ảnh hưởng lớn
đến trí tuệ và lực học của con trẻ?
Nhà giáo dục Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky
đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu về việc đọc sách của thanh thiếu niên, ông đã trình
bày nhiều quan điểm rõ ràng về mối quan hệ giữa việc đọc sách và lực học.
Ông nói: “Kinh nghiệm ba mươi năm khiến
tôi tin rằng, sự phát triển về mặt trí tuệ của học sinh được quyết định bởi khả
năng đọc sách tốt”. Từ góc độ tâm lý học ông phân tích rằng, “Thiếu khả năng đọc
sách sẽ gây trở ngại và ức chế sự hình thành của những liên kết rất nhỏ trong não,
khiến chúng không thể bảo đảm một cách thuận lợi mối liên hệ giữa các tế bào thần
kinh. Người nào không giỏi đọc sách, người ấy sẽ không giỏi suy nghĩ”(1). Ông đã
chỉ ra cái hại của việc ít đọc sách, “Tại sao có những học sinh thời thiếu nhi thông
minh, lanh lợi, khả năng lý giải tốt, chăm chỉ ham học hỏi, nhưng đến thời thiếu
niên trí tuệ lại sa sút, thái độ đối với tri thức lạnh nhạt, đầu óc không linh hoạt?
Đó là do chúng không biết đọc sách!”, trong khi “Một số học sinh dành thời gian
không nhiều cho việc làm bài tập ở nhà, nhưng thành tích học tập của chúng lại không
kém. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này không hoàn toàn nằm ở chỗ những học sinh
này có tài năng hơn người. Đó thường là do chúng có khả năng đọc khá tốt. Và khả
năng đọc khá tốt đã thúc đẩy tài năng, trí tuệ phát triển”(2). “Phàm là những học
sinh ngoài sách giáo khoa không đọc sách gì khác, những kiến thức mà chúng nắm bắt
được trên lớp rất hời hợt, đồng thời dồn toàn bộ công sức cho việc làm bài tập ở
nhà. Do gánh nặng bài tập ở nhà quá nặng, chúng không có thời gian đọc sách báo
khoa học, điều này đã tạo nên một vòng tuần hoàn xấu”(3).
Tâm lý học hiện đại đã có rất nhiều
chứng minh và chứng thực cho điều này. Tổng kết lại những lý luận học tập của các
nhà tâm lý học như Jean Piaget(4), Jerome Seymour Bruner(5), David Ausubel(6) có
thể thấy hai điểm then chốt: Một là sự phát triển của tư duy và hệ thống ngôn ngữ
có mối quan hệ mật thiết với nhau, hai là học tập kiến thức mới phải dựa vào vốn
kiến thức đã có từ trước. “Đọc” là một hoạt động lấy ký hiệu ngôn ngữ làm công cụ
trung gian, bao hàm những nội dung phong phú, vượt qua phạm vi của đời sống hiện
thực, khiến cho “hệ thống ngôn ngữ” của người đọc phát triển tốt hơn, đồng thời
có thể khiến cho “nền tảng trí tuệ” của anh ta phong phú hơn, từ đó khiến cho khả
năng tư duy và khả năng học kiến thức mới của anh ta tốt hơn.
(1)
Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch,
NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.202.
(2)
Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch,
NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.203.
(3)
Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch,
NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.84.
(4)
Jean Piaget (1896-1980): Nhà tâm lí học, giáo dục học, triết học và lôgic học người
Thuỵ Sĩ. Một trong những người sáng lập ra môn tâm lí học phát triển, người đề xuất
quan điểm thao tác về trí tuệ và trí học phát sinh. Chuyên nghiên cứu về tâm lí
học tư duy và tâm lí học trẻ em (ND).
(5)
Jerome Seymour Bruner (1915- ): Nhà tâm lý học, giáo dục học người Mỹ (ND).
(6)
David Ausubel (1918-2008): Nhà tâm lý học, giáo dục học người Mỹ (ND).
Lấy một ví dụ hình tượng: Việc xây dựng
năng lực học tập giống như xây nhà, “hệ thống ngôn ngữ” tương đương với công cụ,
“nền tảng trí tuệ” tương đương với nền tảng công trình (trình độ thăm dò nền móng,
trình độ thiết kế công trình, trình độ kỹ thuật của công nhân, trình độ quản lý
thi công… các nội dung vô hình nhưng quan trọng). Có công cụ tốt và nền tảng công
trình hoàn thiện, cả quá trình xây nhà sẽ là một công việc khá nhẹ nhàng, cũng có
thể đảm bảo chất lượng; nếu công cụ và nền tảng đều kém, chất lượng thi công sẽ
như thế nào thì chúng ta đã biết.
Trong giai đoạn học tiểu học, thậm chí
những lớp dưới của cấp hai, chỉ dựa vào trí thông minh là có thể đạt được thành
tích cao, nhưng nếu như không có việc đọc làm bước đệm, càng lên lớp cao càng tỏ
ra lực bất tòng tâm. Điều này giống như những công trình kiến trúc đơn giản không
có yêu cầu lớn đối với công cụ và điều kiện nền tảng, càng là những công trình lớn,
tinh xảo, yêu cầu đối với công cụ và điều kiện nền tảng càng cao.
Tôi đã từng gặp mấy vị phụ huynh rất
buồn khổ, con em họ lúc đầu thành tích học tập rất khá, trẻ cũng rất cố gắng, nhưng
điều khiến họ cảm thấy bất an là, càng ngày trẻ càng không được như ý trong việc
học. Mỗi lúc như vậy, tôi đều hỏi về tình hình đọc sách ngoài giờ học của các em
từ nhỏ đến lớn. Không nằm ngoài dự đoán của tôi, về cơ bản những em này đều không
đọc sách ngoài giờ học. Trái ngược với các em này là nhóm các em khác, hồi nhỏ thành
tích học tập không xuất sắc, nhưng do các em đọc nhiều sách, về sau lại vượt lên
đầu, đến lúc cần phải học thực sự, tiềm lực sẽ phát huy rất mạnh.
Cấp một, thậm chí là cấp hai, không
có cái gọi là tụt hậu trong việc học, cũng không tồn tại thành tích xuất sắc tuyệt
đối, tất cả đều có thể thay đổi. Sức mạnh thần kỳ khiến tình hình thay đổi chính
là việc đọc sách ngoài giờ học. Nó thực sự giống một cây gậy thần, càng ngày càng
chứng tỏ được tác dụng thần kỳ.
Người ta dễ dàng nhìn thấy sự biến đổi
bên ngoài của con trẻ: Một số trẻ càng ngày càng thích học, thành tích càng ngày
càng tốt, sẽ cảm thấy trẻ đã lớn, đã hiểu biết hơn; một số trẻ càng ngày càng không
thích học, thành tích càng ngày càng kém, sẽ cảm thấy tại sao trẻ càng ngày càng
kém hiểu biết, càng ngày càng không tự giác. Người ta rất ít khi nhìn thấy được
nguyên nhân kỹ thuật quan trọng đằng sau vẻ bề ngoài này, đó chính là việc đọc sách
ngoài giờ học.
Trên thực tế, mỗi đứa trẻ đều càng ngày
càng hiểu biết. Khác biệt ở chỗ, những em đọc sách nhiều, lực học tốt, khi các em
có ý thức học một cách chủ động, ngôn ngữ, vốn trí tuệ phong phú đã giúp các em.
Lực học khá tốt của các em sẽ khiến các em chỉ cần cố gắng là đạt được thành tích
cao, thành tích cao này vừa có thể thôi thúc các em học hành một cách chủ động hơn,
tích cực hơn. Còn những em ít đọc sách, sự yếu kém trong nền tảng ngôn ngữ và trí
tuệ khiến lực học của các em kém đi, trước những kiến thức càng ngày càng khó, trước
những cuộc cạnh tranh càng ngày càng gay gắt, các em càng cảm thấy lực bất tòng
tâm, các em càng ngày càng cảm thấy mình đuối sức, càng ngày càng mất tự tin, càng
ngày càng không có hứng thú với việc học. Con người không thể dựa vào nghị lực và
sự nâng đỡ về mặt lý trí một thời gian quá dài, chẳng mấy chốc các em sẽ tỏ ra sa
sút, bắt đầu trốn tránh việc học một cách vô tình hay hữu ý - đó có thể chính là
sự “càng ngày càng thiếu hiểu biết, càng ngày càng không thích học” ở con trẻ mà
phụ huynh cảm nhận được.
Để cho trẻ thông minh và học giỏi, bố
mẹ đều cố gắng hết sức mình, từ lúc mang thai đã bắt đầu ăn cái nọ tẩm bổ cái kia.
Chắc chắn chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sự phát triển ở đại não của trẻ, nhưng
cho dù ăn nhiều thứ tốt đến bao nhiêu, đều chỉ là một phép cộng. Ngoài một số rất
ít trẻ em phi thường, tất cả những em sau khi sinh ra khoẻ mạnh, cuối cùng sự khác
biệt về mặt trí tuệ giữa các em không nằm ở các nhân tố vật lý hay sinh lý này,
mà nằm ở giáo dục vỡ lòng. Phương pháp quan trọng nhất của hoạt động khai sáng trí
tuệ chính là đọc sách, đó là một phép nhân, có thể khiến trí tuệ của trẻ tăng theo
cấp số nhân.
Một số giáo viên và phụ huynh không
coi trọng việc đọc sách ngoài giờ học của trẻ, là do họ luôn lo rằng, chỉ riêng
việc hoàn thành chương trình học ở trường trẻ đã bận lắm rồi, thi đạt điểm cao là
điều quan trọng nhất, việc đọc sách ngoài giờ học vừa lãng phí thời gian vừa ảnh
hưởng đến học hành, không đáng phải làm. Suy nghĩ này giống như việc, tôi đang nóng
lòng đi từ Cáp Nhĩ Tân đến Quảng Châu để tham gia một hội nghị, làm gì có thời gian
đợi chuyến bay sau bốn tiếng đồng hồ nữa, tàu sắp chuyển bánh rồi, tôi buộc phải
đi tàu thôi - dường như là như vậy, thực tế là sai lầm.
Một nắm hạt giống vùi xuống đất, có
hạt nhận được lượng nước thích hợp và nguồn ánh sáng dồi đào, có hạt vừa thiếu nước
vừa không có ánh nắng mặt trời, cuối cùng sẽ khác nhau rất lớn. Đọc sách chính là
nguồn nước và ánh sáng của trí tuệ.
Tôi đoán sẽ có một câu hỏi được đặt
ra, lẽ nào người thường xuyên đọc sách nhất định sẽ học giỏi ư, không đọc sách chắc
chắn sẽ không tốt ư? Đương nhiên là không. Trong quá trình suy nghĩ một vấn đề hoặc
miêu tả một hiện tượng chúng ta không thể tuyệt đối hóa nó.
Nếu tất cả mọi “quy luật” trong văn
hóa hoặc phạm trù xã hội đều giống như các định luật toán học hoặc vật lý phải có
độ chính xác 100% mới được xác nhận là thành lập thì tất cả mọi quy luật xã hội
đều không tồn tại, tất cả mọi cuộc đối thoại đều không thể tiến hành. Thế giới phức
tạp như vậy, mỗi sự việc đều có hàng nghìn mối liên hệ với các sự việc khác, vì
thế cũng không thể nhìn nhận một cách riêng lẻ bất kỳ một hiện tượng gì. Ví dụ kết
luận “Uống trà có thể phòng ngừa bệnh ung thư một cách có hiệu quả” và hiện tượng
“Người thích uống trà cũng vẫn bị bệnh ung thư” không xung đột với nhau, bởi vì
có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ung thư, dùng cái thứ hai để phủ định cái thứ
nhất sẽ không có ý nghĩa.
Tôi không dám nói tất cả những đứa trẻ
thích đọc sách chắc chắn đều học giỏi, nhưng tôi có thể khẳng định rằng, những đứa
trẻ không bao giờ đọc sách ngoài giờ học hoặc rất ít khi đọc sách ngoài giờ học
chắc chắn học sẽ không xuất sắc. Nếu so sánh một nhóm em thích đọc sách với một
nhóm em không thích đọc sách ngoài giờ học, chắc chắn sự khác biệt giữa các em trong
việc học sẽ rất rõ rệt.
Trong trường cấp hai thường có một hiện
tượng gọi là “học lệch”, đây dường như là một sự thách thức đối với mối quan hệ
giữa việc đọc sách và lực học nói đến ở đây. Đặc biệt là một số em trai, thích học
toán, lý, hóa nhưng không có hứng thú với các môn học xã hội như văn, tiếng Anh,
cũng rất ít khi đọc sách, nhưng điểm toán, lý lại thường rất cao. Tôi đã từng gặp
một vị phụ huynh của một em học sinh cấp hai, thậm chí chị còn rất mừng vì chuyện
con chị học toán, vật lý rất giỏi, nhưng không thích học văn, có lẽ là do cảm thấy
như thế chứng tỏ con chị thông minh. Tôi nghĩ, nếu con chị chỉ không thích môn văn,
nhưng lại đọc rất nhiều sách ngoài, chị có thể tự hào, chứng tỏ tiềm lực của con
chị vẫn rất lớn; nhưng nếu con chị rất ít đọc sách, ghét môn văn là do khả năng
học văn kém, thì đó là một chuyện khá phiền phức, e rằng một ngày nào đó các môn
toán, lý sẽ bị ảnh hưởng.
Tôi có quen một thầy giáo dạy toán ở
một trường điểm trong thành phố, thi đại học anh được điểm tối đa môn toán, điểm
tối đa của môn văn là một trăm năm mươi điểm nhưng anh chỉ được chín mươi hai điểm.
Lúc đầu anh rất thích môn toán, muốn làm một nhà toán học, đăng ký dự thi khoa toán
trường Đại học Bắc Kinh, nhưng tổng số điểm không đủ, cuối cùng chỉ vào khoa toán
của một trường đại học bình thường.
Anh nói, qua mấy năm dạy học tôi mới
thực sự cảm nhận được tầm quan trọng của môn văn. Hàng năm, trong số mười em học
sinh có điểm thi đại học cao nhất của trường anh, rất ít em học lệch, về cơ bản
đều giỏi môn tự nhiên, giỏi cả môn xã hội. Anh nói hồi đó không thi được vào khoa
toán của trường Đại học Bắc Kinh anh rất ấm ức, hiện giờ nghĩ lại mới thấy, kể cả
có thi đỗ, rỗng kiến thức môn văn cũng sẽ ảnh hưởng đến việc học chuyên ngành bởi
vì nếu so sánh chiều rộng và độ sâu của tư duy của mình với những người đọc nhiều
sách sẽ thấy rất hạn hẹp.
Vì thế, cho dù con mình là một thiên
tài toán học đặc biệt, bạn cũng nên quan tâm đến việc đọc sách của con. Ví dụ khuyến
khích con đọc vài cuốn sách viết về các nhà toán học, so với việc bắt con giải thêm
hai cuốn sách toán, có thể sẽ tốt hơn cho tài năng toán học của con bạn.
Đương nhiên cũng có hiện tượng học lệch
môn văn, bài tập làm văn làm rất hay, nhưng toán, lý, hóa lại học rất kém. Ví dụ
nhà văn trẻ Hàn Hàn. Việc đọc sách dường như không giúp gì cho điểm thi của họ.
Vấn đề này có thể lý giải như sau: Có
rất nhiều nguyên nhân khiến một người nào đó không thích các môn tự nhiên như toán,
lý: Thầy cô giáo, gia đình, tài năng bẩm sinh, bạn học… đều có thể trở thành nhân
tố ảnh hưởng. Đương nhiên là việc đọc sách không thể thần thông quảng đại đến mức
có thể giải quyết được mọi vấn đề, cứu vãn được mọi nhược điểm. Nhưng một điều có
thể khẳng định là, điểm toán của em đó kém, không phải là do đọc sách gây ra. Những
đứa trẻ như vậy, may mắn là các em thích đọc sách, cho dù có học đại học hay không,
các em đều là người thông minh, đều có thể gặt hái được những thành công tương ứng.
Nhìn nhận như thế, việc đọc sách đối với các em vẫn là một điều may mắn.
Còn những học sinh không bao giờ chịu
đọc sách ngoài giờ học hoặc rất ít khi đọc sách ngoài giờ học, toán, lý, hóa học
kém, những môn xã hội học khá hơn một chút, tình trạng này của các em không gọi
là “học lệch”, thực tế là các môn xã hội các em học cũng không giỏi. Ai gặp được
người nào gần như không đọc sách ngoài giờ học đạt được thành tích xuất sắc trong
các kỳ thi dành cho nhóm ngành xã hội? Những đứa trẻ này lại có sự khác biệt rất
lớn so với trường hợp như Hàn Hàn.
Chính vì thế, cho dù nói trên góc độ
nào, đọc sách đều rất quan trọng. Từ đó có thể thấy, muốn để một đứa trẻ trở nên
thông minh hơn thật đơn giản biết bao, hãy để cho trẻ đọc nhiều sách! Sách vở chính
là một cây gậy thần, sẽ đem lại cho trẻ một ma lực trong việc học tập, có thể giúp
cho trí tuệ của trẻ được phát triển. Những đứa trẻ thích đọc sách, chính là những
đứa trẻ được gậy thần chạm vào, chúng thật may mắn biết bao!
Lưu
ý đặc biệt
Cây “gậy thần” là gì, chính là đọc sách
ngoài giờ học. Nó có một ma lực, âm thầm phú cho con trẻ nguồn năng lượng khác nhau
- tất cả những em từ nhỏ đã đọc nhiều sách, trạng thái trí tuệ và lực học của em
sẽ tốt hơn; phàm là những em từ nhỏ ít đọc sách, lực học thường rất bình thường;
kể cả là tốc độ làm bài tập, thông thường đều chậm hơn rất nhiều so với các em đọc
nhiều sách.
Phàm là những học sinh ngoài sách giáo
khoa không đọc sách gì khác, những kiến thức mà chúng nắm bắt được trên lớp rất
hời hợt, đồng thời dồn toàn bộ công sức cho việc làm bài tập ở nhà. Do gánh nặng
bài tập ở nhà quá nặng, chúng không có thời gian đọc sách báo khoa học, điều này
đã tạo nên một vòng tuần hoàn xấu.
Trong giai đoạn học tiểu học, thậm chí
những lớp dưới của cấp hai, chỉ dựa vào trí thông minh là có thể đạt được thành
tích cao, nhưng nếu như không có việc đọc làm bước đệm, càng lên lớp cao càng tỏ
ra lực bất tòng tâm.
Chắc chắn chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng
đến sự phát triển ở đại não của trẻ, nhưng cho dù ăn nhiều thứ tốt đến bao nhiêu,
đều chỉ là một phép cộng. Ngoài một số rất ít trẻ em phi thường, tất cả những em
sau khi sinh ra khoẻ mạnh, cuối cùng sự khác biệt về mặt trí tuệ giữa các em không
nằm ở các nhân tố vật lý hay sinh lý này, mà nằm ở giáo dục vỡ lòng. Phương pháp
quan trọng nhất của hoạt động khai sáng trí tuệ chính là đọc sách, đó là một phép
nhân, có thể khiến trí tuệ của trẻ tăng theo cấp số nhân.