Hàn Mặc Tử Trong Riêng Tư - Phần VI - Chương 1
PHẦN VI
ĐIỀU CHỈNH LẠI Ý NGHĨA
Viết trong tập Hồi ký Hàn Mặc Tử, anh tôi, xuất bản tháng 03/91, tôi có đi
ngang qua vài nét về việc mất di cảo của Hàn. Việc này có liên quan đến ít
nhiều với ông Quách Tấn, khi ông tuyên bố làm mất hết trong lúc chạy loạn. Vì
vậy ba tháng sau đó khi tập hồi ký được phát hành, ông Tấn và con trai Quách
Giao, lên tiếng giải thích việc mất thơ trong tạp chí Bách Khoa văn học số 6
tháng 6, đồng thời đưa ra nhiều chứng liệu biện minh cho sự cố.
Vì vậy, trước tình hình dư luận bàn tán sôi nổi, tôi vẫn lặng thinh không
có thái độ tranh luận. Tôi tự biết vai vế của tôi chẳng có gì đáng kể trong khi
bạn bè bà con, ông Tấn, đông đảo đang nhận diện tôi qua nhiều lăng kính méo mó
để trở thành quái dị.
Tuy nhiên, dư luận và báo chí trong nước lại có dịp để khai thác sôi nổi
hơn. Ông Quách Tấn, ông Trần Thanh Địch và tôi đều được hỏi ý kiến.
Tôi vốn tôn trọng sự thật, nên bị bắt buộc nói hết sự thật, những gì tôi đã
biết, mà toàn là những chuyện không có gì vui vẻ cho ông Tấn và cho cả tôi nữa,
đối với linh hồn Mẹ tôi.
Hôm nay viết lại tập “Hàn Mặc Tử trong riêng tư” này, tôi lại có ít nhiều
mặc cảm khi bạn bè biết chuyện, cho rằng tôi còn cố chấp với ông Tấn chỉ vì ông
lại xâm phạm những riêng tư của Hàn trong tập Đôi nét về Hàn Mặc Tử được phổ
biến từ ba mươi năm nay, mà tôi có bổn phận đính chính.
Tôi nghĩ ông Tấn đã qua đời, trang sử đời tư của ông tôi đã đóng lại, nhưng
trang sử văn học của ông cần phải chỉnh đốn lại cho đẹp bộ mặt lịch sử văn học
đất nước mà ông đã đóng góp một phần không nhỏ.
Đó là bổn phận chung của tất cả mọi người yêu mến văn học đất nước.
Trong lời nói đầu tập sách, tôi đã nhắc lại, Hàn Mặc Tử rất trung thực,
luôn luôn phản ánh những cảm nghĩ, những gì con tim anh tiết lộ không che giấu
giiếm mục đích anh muốn nói gì, ngay ở đề tài bài thơ.
Trong phạm vi gói ghém bài này, tôi chỉ xin nói đến hai bài thơ quan trọng
và có giá trị hơn hết của anh. Đó là Ave Maria và Ở đây thôn Vỹ Dạ, một bài thơ
có giá trị tôn giáo, một bài có giá trị văn học.
*
1. BÀI AVE MARIA
Bài thơ này Hàn lấy ý trong kinh Kính mừng, một bài kinh mà suốt mấy năm
trường, ngày đêm anh đọc không biết bao nhiêu lần, khi lần tràng hạt Mân Côi.
Cho nên ý nghĩa bài kinh anh đã thuộc nhập tâm, không có thể định nghĩa trái đi
được. Anh nói đây là kinh Kính mừng của riêng anh.
Ave Maria là lời chào mừng Bà Maria, khi sứ thần Gabriel đến báo tin Bà
được Thiên Chúa cho làm mẹ Ngôi Hai ra đời.
Ave là tiếng latin cũng như tiếng Việt là Chào Mừng. Hàn Mặc Tử mở đầu bằng
câu chúc tụng theo cung cách Á Đông:
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Chữ Lộc ở đây có nghĩa là tài lộc ân sủng, nói chung là phước lộc. Song Lộc
định nghĩa theo sách Đẩu số Trung Hoa, là Thiên Lộc và Hóa Lộc (Lộc trời đất)
hiểu theo ân sủng của trời đất.
Chữ Triều là hướng về, chầu về
Chữ Nguyên là nguyên thể, bản thể
Câu chúc tụng này, Hàn muốn nói Ân phước Trời và Đất đổ xuống cho Bà. Câu
mở đầu này rất sát nghĩa: Kính mừng Bà đầy ơn phước đã chứng minh:
Kính mừng Maria đầy ơn phước.
Bài thơ này xuất xứ từ kinh Kính
mừng, không thể cắt nghĩa theo ông Tấn là do Hàn nằm mộng thấy Bà Lê Sơn Thánh
Mẫu mà cảm hứng viết ra bài này. Vì vậy ông bỏ bớt chữ Ave để hiểu rộng qua Bà
Lê Sơn Thánh Mẫu. Mất chữ Ave bài thơ không còn là kinh Kính mừng nữa.
Một nhà văn hiện đại cũng đã hiểu
lầm theo ông Quách Tấn, khi ông dịch câu Song Lộc triều nguyên ra tiếng Pháp
(sách L’experience de l’itindraire spirituel de Hàn Mặc Tử) mượn ý trong mẫu
câu thánh Vịnh (Psaumé).
Comme languit une biche
Après leau vive
Ainsi languit mon âme
Ver Toi mon Dieu
(Đại ý con nai khao khát dòng nước trong)
Song lộc nghĩa đen là hai con nai.
Một đoạn thơ khác, đoạn thơ mà ông Tấn dựa vào để giải thích sự can thiệp
của bà Lê Sơn Thánh Mẫu trong giấc mộng của Hàn.
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run, thần tử thấy long
nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng.
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu
mến
Đây là đoạn thơ quan trọng nhất,
nói rõ hơn tai nạn được xem là phép lạ cứu sống Hàn khi anh bị chìm ngoài biển.
Cũng chính trong đoạn văn này,
ông Tấn rút ra một câu chuyện Hàn kể lại đã mộng thấy bà Lê Sơn Thánh Mẫu lấy
cành dương rảy lên mình anh nước Cam Lồ, khiến anh phát lạnh run trỗi dậy làm
bài thơ này tạ ơn Thánh Mẫu.
Đoạn văn này đã giúp ông Tấn lý
luận vì tinh thần đoàn kết tôn giáo nên bỏ đi chữ Ave, đầu đề bài thơ thay thế
vào đó Thánh nữ đồng trinh Maria (trong dịp ông và Trọng Miên cùng hợp tác biên
tập các bài thơ của Hàn để cho xuất bản tập thơ Hàn Mặc Tử vào năm 1944).
Tôi tưởng nên nhận xét lại từng
câu trong đoạn văn đó để xem Hàn muốn nói gì khi viết câu:
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run, thần tử thấy long
nhan
Hai câu trên đây Hàn nhắc lại
phép lạ đã cứu sống anh ở bờ biển năm xưa. Một thứ ánh sáng chói lạ lùng làm
cho anh ớn lạnh mà ngất đi.
Câu thứ hai được các nhà văn công
giáo định nghĩa là mọi người đều xem Chúa như Vua, cho nên run sợ khi đứng
trước mặt Vua. Anh Bùi Tuân cũng cho là Hàn muốn nói đến quyền uy sáng chói của
Thiên Chúa, không liên quan đến Đức Mẹ. Ý kiến này, theo cố Labisusse cha sở
Quy Nhơn, khi tôi trình bày câu chuyện bờ biển. Cố nói: Đừng nói bậy có tội,
Đức Mẹ nào làm phép lạ được.
Việc này không ai rõ hơn Hàn.
Nhưng anh sợ tội, không dám tuyên xưng vinh quang Đức Mẹ, nhưng chính anh dù là
trong mơ màng, anh vẫn tin đã được tiếp xúc với Đức Mẹ. Chúng tôi cùng suy nghĩ
với nhau về thứ ánh sáng lạ lùng đã làm mờ mắt anh Trí có thể cũng giống như Kinh
thánh kể chuyện ông Môise lên núi Tabor nghe lời Chúa phán, phải che mặt không
dám nhìn thứ ánh sáng đó. Kinh thánh nói: Chúa truyền thông với loài người bằng
lời nói (le verbe) bằng ánh sáng cho đến khi Ngôi Hai ra đời (le verbe fait
clair) ở giữa loài người.
Bởi vậy, cho nên, Hàn cũng chấp
nhận nếu quả thực có phép lạ, thì là Chúa làm, nhưng anh vẫn bứt rứt chưa nói
được sự thật là có Đức Mẹ trong đó.
Mặc đầu rất sợ tội, anh vẫn hé mở
tiết lộ để nói lên vinh quang Đức Mẹ, và cũng làm chứng có sự hiện diện Đức Mẹ
hôm đó. Sự thật này nằm trong câu:
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu
mến
Hai chữ “trìu mến” hình dung được
cử chỉ ôm ấp vào lòng. Chỉ có tình thương giữa Mẹ con mới có sự trìu mến đó. Và
đó là chứng minh sự có mặt Đức Mẹ.
Như trong ảnh tượng Đức Mẹ hằng
cứu giúp mà anh suy niệm những ngày còn ở Huế đi hành hương chiều thứ bảy, như
câu kinh:
Chúa Giê su run sợ khi thấy thánh
giá khổ hình sẽ phải chịu, thì chạy đến ẩn nương trong cánh tay Mẹ, Chúa Giê su
đó là những linh hồn lâm nguy gian nan…
Quả là sự an ủi lớn lao cho anh
khi anh đã hoàn toàn thất vọng với chứng bịnh nan y, chỉ còn trông cậy Mẹ.
Ý nghĩa này anh còn lập lại trong
bài thơ Nguồn thơm:
Toan ngất đi trong cơn khoái lạc
Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng.
Trong đoạn thơ thứ ba, Hàn còn
nhắc lại phép lạ với câu cảm tạ về phép lạ ngoài bờ biển:
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh
vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ
bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới
thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng
lệ
Kinh Kính mừng còn nhắc lại nhiều
lần gián tiếp qua Sứ thần Gabriel qua tràng hạt chuỗi Mân Côi
Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho
Thánh nữ…
… Người có nghe thơ mầu nhiệm ra
đời.
Để ca tụng bằng hoa hương sáng
láng
Bằng tràng hạt, bằng sao mai
chiếu rạng…
… Đây rồi, đây rồi, chuỗi ngọc
vàng kính…
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tơ trăng
rằm
Thơ trong trắng như một khối băng
tâm
Để kết luận, chúng ta có đầy đủ
lý luận để tin bài thơ Thánh nữ Đồng trinh Maria là kinh Kính mừng bằng thơ của
Hàn Mặc Tử.
Điều tôi lấy làm lạ, bài Thánh nữ
Đồng trinh Maria này được mọi người Công giáo hiểu ngầm là kinh ca tụng Đức Mẹ,
cũng có người liên tưởng đến kinh Kính mừng trong một vài câu trùng hợp, hoặc ý
nghĩa gần gũi. Thế nhưng không ai lên tiếng xét lại cho đúng bài với cái tên
Ave Maria.
Từ năm mươi năm nay, các nhà văn
công giáo khi nói đến bài này, cũng đều hiểu ngầm là kinh Kính mừng, và sự mãn
ngang đó.
Nhiều luận án văn chương có đề
cập mấy chữ Ave Maria, nhưng không có ai chính thức thừa nhận là kinh Ave
Maria, kinh Kính mừng riêng của Hàn viết bằng thơ.
*
Đã có một dạo, người công giáo
bày tỏ lòng trông cậy chạy đến kêu xin Đức Mẹ rầm rộ sôi nổi thậm chí một linh
mục nào đó phải thốt lên: Chúa ôi! Người ta đã quên Chúa, chỉ biết có Mẹ thôi.
Một cha xứ khác than thở: Trong
nhà thờ, trong nhà Tạm có Chúa ngự mà ít người đến cầu xin bằng ngoài Hang đá
Đức Mẹ.
Bây giờ Đức Mẹ có chỗ đứng rất
cao trên khắp thế giới, nào là Lộ Đức, Fatima, La Vang, Đức Mẹ ở nơi này Đức Mẹ
ở nơi kia nhưng vẫn chưa chính thức trong bài Ave Maria của Hàn Mặc Tử.
Một người bạn ở hải ngoại, đọc
cuốn sách Hàn Mặc Tử - anh tôi, gửi thơ về hỏi: Bao giờ thì đưa Ave Maria về
trong tập thơ Hàn Mặc Tử xuất bản từ năm 1934 (nhà xuất bản Đông phương và Tân
Việt).
2. ĐÂY THÔN VĨ DẠ
Một bài thơ được nổi tiếng rất
hay, được nhiều người yêu mến, được chọn làm tên một tập thơ có giá trị cao của
nhiều nhà văn tên tuổi trong nước.
Hiện tại bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình văn học cấp ba.
Vì vậy tôi tưởng xin góp ý để
phân tích một vài điểm, mà thời đó có ít nhiều tranh luận.
Có lẽ đây là bài thơ sắc sảo, tế
nhị nhất mà Hàn Mặc Tử, trong một ngày nào đó, trí óc rất minh mẫn, con tim lấy
lại được nhịp độ tình yêu một thời thương nhớ cao nhất của Hàn, mà chỉ còn cách
cái chết không bao xa.
Nguyên thủy bài thơ là: Ở đây
thôn Vĩ Dạ
Chữ Ở trong đầu đề đã tạo được
nhiều nhận xét tranh luận, sau đó không lâu, khi Hàn qua đời. Có nhiều người
nặng óc giáo khoa chê chữ Ở trong đầu đề hơi quê, không nhẹ nhàng văn vẻ. Vì
vậy tự động bỏ chữ Ở cho đầu đề ngắn gọn: Đây thôn Vĩ Dạ nghe văn nghệ hơn.
Tôi nghĩ Hàn có lối viết mộc mạc
đơn sơ như tánh tình bình dị của anh, không phải chải chuốt, đôi khi hơi quê
kệch gồ ghề như trong câu:
Họ đã xa rồi không níu lại
Tình thương chưa đã mến chưa bưa
Chữ “đã” chữ “bưa” nghe sao thô
kệch, còn táo bạo nữa, vậy mà lại hay vì lột được bản chất vừa thô vừa quê của
Anh.
Ở đoạn cuối bài thơ, Hàn còn nhắc
lại một lần nữa như để nhấn mạnh ý nghĩa không gian của bài thơ
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Bạn bè có tranh cãi đôi chút
chung quanh: Ở đây là ở đâu? Ở Huế hay Quy Nhơn (xóa động Gành Ráng nơi Hàn
đang viết bài thơ?)
Có thể là ở Quy Nhơn như Hàn nói.
Nhưng sương khói mờ nhân ảnh phải đặt vào đâu để so sánh. Ai là nhân ảnh?
Hàn có lối diễn tả một vài chữ để
bóng gió cắt nghĩa văn.
Sương khói ở đây tôi nghĩ Hàn
liên tưởng khói trầm hương.
Nhân ảnh có thể là con người thế
tục của anh trong tương quan với con người tu hành là chị Cúc.
Vì vậy “ở đây” có thể hiểu là “ở
đó”, thi sĩ đã thu gần quãng cách không gian lại khi mơ màng nhìn say đắm bóng
người trong ảnh.
Chính bức ảnh 6x9 này đã giúp Hàn
sáng tác bài thơ tuyệt vời Đây thôn Vĩ Dạ. Hình bóng chị Cúc xuất hiện trong
phiến ảnh nhỏ này đã làm sống lại mối tình đầu, thương nhớ lại trở về. Anh
viết:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Anh bỏ vận trắc, thành câu hỏi
như bất chợt, làm người đọc nghĩ đến một sự đợi chờ quá lâu, có đôi phần thương
nhớ pha chút trách yêu. Câu mở đầu đã diễn tả được lòng anh và có lẽ cả chị Cúc
nữa.
Nhưng câu thứ hai thì tạo một ý
niệm có thể làm cho chị Cúc, cô gái nhiều mặc cảm và kiêu sa, đã phải băn khoăn
từ nhiều năm.
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Câu này có vẻ hững hờ như một nét
chấm phá trong bức tranh Vĩ Dạ, tuy rất đẹp cho khung cảnh, nhưng lại lạc lõng
bơ vơ không ăn khớp được với phong độ và tình cảm của người được tặng thơ.
Năm 1985, tôi có về Huế ghé thăm
chị Cúc, cũng nhắc lại bài thơ “Thôn Vỹ” chị Cúc chợt hỏi: Cậu có tìm được một
cây cau nào trong vườn tôi không? Sao anh Trí lại nói đến “hàng cau”?
Tôi hiểu ngay: Thì ra câu này làm
chị Cúc hiểu lầm. Tôi nghĩ khi viết câu này, anh Trí không có một khái niệm rõ
ràng về cây cau, giá trị của nó về lợi tức, thẩm mỹ hay tượng trưng tình cảm,
mà chỉ là một nét chấm phá về cấu trúc thẩm mỹ cũng như bức tranh “con chim sẻ
đậu trên cành trúc” mà Mạc Đĩnh Chi trông thấy bên Tàu khi đi xứ qua đó. Con
chim sẻ quá đẹp nên không ai để ý đến vị thế hèn kém của nó trên cành trúc.
Thôn Vỹ Dạ, đã từ lâu, hình như
chỉ dành riêng cho thế giới quan tham, quan thị, cô chiêu, cậu ấm, thì lại rất
không may phải nằm sát nách với Nam Phổ, một thôn bình dân, đơn giản, sống bằng
nghề trồng cau, chỉ cau và cau. Cau Nam Phổ rất nổi tiếng, hột lớn, mỏng vỏ
dùng vào kỹ nghệ nhuộm lưới rất được miền Bắc ưa chuộng.
Hàng năm, đến mùa cau, trong gia
đình, lớn, bé, trai, gái, đều biết trèo cau, “trảy” cau bán cho kịp mối. Các cô
gái Nam Phổ, cũng nổi tiếng trèo cau rất giỏi. Nhiều cậu trai Huế xuống thường
chòng ghẹo những “nường” má đỏ hây hây vì nắng rám, đẹp một cách mạnh khỏe
nhưng ngổ ngáo chẳng thua gì con trai.
Câu ví: “Con gái Nam Phổ ở lỗ
trèo cau” làm cho người đẹp Nam Phổ rất giận.
Những ngày còn đi học, thường
nghe chuyện các cô gái Nam Phổ hè nhau xúm lại “bóc vỏ” những anh trai nào lớ
ngớ về Nam Phổ buông lời chòng ghẹo. Nhiều anh bị “bóc vỏ” ném vào các bụi dứa
gai thì “đời tàn”, nếu không có cứu viện phải đợi đến tối mới mò ra.
Tiếng tăm Nam Phổ, nghe cũng ngán
thật.
Có lẽ vì vậy, thôn Vỹ Dạ, phải
cẩn thận xét nét, từng câu từng chữ kẻo lại bị người đánh giá thấp đi.
Cố nhiên là những cô gái khuê các
vùng Vỹ Dạ rất sợ cái tiếng “trèo cau” đó. Và cũng không ai chịu trồng cau ở Vỹ
Dạ.
Ai lại đem “hàng cau” về đặt vào
“vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Chị Cúc giận là phải lắm.
Nghe chị nói có vẻ không bằng
lòng, tôi vội vàng giải thích:
Vườn chị đây nè:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Đã có cây trúc thanh cao “tiết
trực tâm hư (ngay thẳng không tơ bợn gì)” nữa thì tuyệt quá rồi!
Chị Cúc bấy giờ mới cười vui vẻ.
Đoạn văn thứ hai mới là đoạn văn
Hàn tâm sự:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
“Gió theo lối gió, mây đường
mây”. Lương giáo không hòa đồng ân tình khó kết hợp. Thân thế anh như đám bắp
bến đò Cồn, hướng về thôn Vỹ Dạ, lặng nhìn dòng nước vô tình trôi. Vậy thì con
thuyền ai cắm sào đợi đó, có chở trăng về cho anh đỡ cô đơn. Vì anh chỉ còn có
trăng.
Đoạn thơ thứ ba mới có một lời
buồn trách:
Ai biết tình ai có đậm đà.
Chữ đậm đà ở đây phản ánh sự lợt
lạt chiếc áo trắng lại còn trắng nữa thì thật không còn tìm đâu được chút màu
sắc hứa hẹn nào.
Lại nữa, trên bức ảnh không ghi
một câu hỏi thăm nào mà anh hằng mơ ước xa xôi. Vậy thì ai biết tình ai có đậm
đà.
Câu thơ này nói lên nỗi mong đợi
từ xa vẫn còn trong mơ hồ.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra.
Hai câu kết ý Hàn nói phải chăng
vì đời sống trầm hương của chị Cúc (sương khói) đã che mờ đi bóng dáng con
người nhân thế của anh.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
Hai câu kết này lấy lại ý thơ
đoạn hai, vì lương giáo không hòa đồng mà đôi bên phải chia cách. Liệu còn nhớ
nhau không?
Ở đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ
tình tứ sâu sắc. Chỉ cần đọc qua cũng đã thấy ý nghĩa của nó: vừa nhớ nhung nhẹ
nhàng, buồn trách xa xôi, không ai phiền luỵ ai, mà sao nghe như day dứt xót
xa. Không ai nặng lời ai, mà nghe hờn tủi từ chiếc áo trắng không lời, từ đám
bắp hiu quạnh cho đến con đò đợi trăng.
Bài thơ tuyệt vời từ ý đến lời
này được chọn làm một tập thơ rất có giá trị của nhiều thi nhân tiếng tăm.
Bài thơ này, ông Quách Tấn giải
thích một cách hờ hững suy diễn theo riêng tư không có cơ sở khiến chị Cúc nghe
được bất bình lắm, nhưng chị lịch sự không muốn nói ra.
Trong một dịp về Huế ghé thăm chị
Cúc nhắc lại những câu chuyện ông Tấn viết về chị trong Đôi nét về Hàn Mặc Tử,
chị nói:
Ông Tấn kể chuyện anh Trí đi Sài
Gòn lập chí để xem người ta còn khinh anh nữa không. Chị nói: Người ta đây ông
Tấn ám chỉ tôi. Vì tôi đã chê anh Trí không xứng môn đăng hộ đối.
Chị Cúc nói: giữa anh Trí và tôi
chưa hề có lời trao đổi chê khen, dù là gián tiếp, chưa hề có thái độ thân sơ,
khinh trọng. Vậy ông Tấn dựa vào đâu mà xét đoán tôi tầm thường như vậy. Dòng
họ tôi sống theo nho phong Phật giáo có bao giờ mặc áo khỏi đầu. Anh Trí cũng
biết vậy. Anh Trí viết trong bài Ở đây thôn Vĩ Dạ cũng đã thông cảm ý đó:
Gió theo lối gió mây đường mây.
Chị Cúc cũng thổ lộ: nếu nói về
chuyện môn đăng thì thật là quá khinh bạc đối với gia đình Hàn Mặc Tử.
“Ông cụ tôi, chị nói (cụ Hoàng
Phùng, thân sinh chị) đã từng là bạn đồng liêu với cụ Tham (cha tôi) khi hai
người còn làm việc tại Tòa sứ Hội An năm 1901. Tôi đọc gia phả cụ tôi có ghi
năm đó bàn giao công việc đối với cụ Tham Nguyễn Văn Toản khi cụ chuyển ngành
qua Thương Chánh. Nói như ông Tấn thì thật sai lầm làm cho tôi hổ thẹn.
Sau này về Huế gặp lại chị Như
Lễ, gặp lại cậu tôi không biết ăn nói ra làm sao!
Chị Cúc cứ băn khoăn: Ông Tấn
ghép tôi vào câu chuyện “đầu Cúc mình Cầm” gì gì đó trong mối tình anh Trí với
chị Mộng Cầm. Tôi không hiểu ông Tấn muốn nói gì. Tôi an ủi chị: Ông thích nói
cho vui vậy thôi, chuyện chi chị phải áy náy. Ngay câu chuyện ông nói Hàn vào
Sài Gòn ghé Nha Trang thăm ông đã là đùa rồi, vì tháng 7/1934, ông Tấn còn đang
ở Đà Lạt, vậy anh Trí thăm ai ở Nha Trang. Thôi bỏ đi, đừng suy nghĩ mà mệt
trí.
Năm 1986, chị Cúc vào Sài Gòn ghé
thăm chị Như Lễ, trông thấy bức ảnh Hàn treo trên vách không khuôn, chị lặng lẽ
đi mua cái khung gỗ mới, tự tay tra ảnh vào khung treo lên. Cả nhà chị Như Lễ
đều xúc động.
Hai năm sau, tôi lại có dịp ra Huế
thăm chị, chị cầm tôi ở lại dùng cơm chay với chị để nói chuyện văn thơ. Chị
cho tôi xem một bài thơ của một thi sĩ ở Huế viết tặng chị và Hàn. Bài thơ rất
hay nhưng giọng văn thật buồn trệ, nghe hoang vắng tiêu sơ. Ngay trong bốn câu
đầu đã có vẻ tang thương rồi.
Thôn Vỹ ai đã hẹn ghé chơi
Mà sao dâu bể vắng tăm người
Vươn xưa cúc nở bâng khuâng mãi
Thềm cũ xuân qua lặng lẽ hoài…
Có lẽ chị cũng linh cảm những gì
không may mắn cho lắm. Những chữ dâu bể, vườn xưa, thềm cũ như nói đến tang
thương. Tôi cảm thấy một nỗi lo lắng không đâu. Nghe chị nói sẽ vào Sài Gòn,
tôi vụt nói: “Thôi chị lớn tuổi rồi, không nên đi xa.” Chị cười buồn: “để đi
chuyến nữa rồi về sẽ nghỉ.” Ra về, cứ vẩn vơ lo lắng cho chị. Bài thơ đó ám ảnh
tôi cho đến Sài Gòn.
Tôi quý trọng chị Cúc và thương
mến chị như chị ruột tôi. Anh Trí yêu chị tha thiết vì là mối tình đầu của Anh.
Nhưng anh xem chị là một người nhân tu thánh thiện, vì thế mà anh kính nhi viễn
chi. Không bao giờ nhắc đến tên chị trong các câu chuyện bông đùa thiếu đứng
đắn.
Cuối năm 1939, nhận được bức ảnh
chị, anh càng thương nhớ chị. Trong bài thơ Đừng cho lòng bay xa, anh ước ao
gặp được hồn phách chị trong vùng trời xa lạ thần tiên như cõi Niết Bàn anh đã
trông thấy những lúc du hành xuất thần.
... Xa lạ đời trăng mọc nước
Huyền Vi
Đây Miên trường, đây Vĩnh Cửu tề
phi
Cao cao vượt với hai hàng bóng
vía
Trời nhật nguyệt cầu vồng bắt tứ
phía
Ôi! Hoàng Hoa, hồn phách đến nơi
đây.
Hương ân tình cho kết lại thành
dây
Mong manh như lời nhớ thương hàng
triệu…
Trên chuyến xe đò về Nha Trang,
tôi không yên tâm, giở ra xem lại hai bài thơ của nhà thơ V.Q. Bài nào khẩu khí
cũng thoáng đoáng đổi thay chia cách.
Ông Quý có họa bài thơ Hoàng Hoa
cảm tác của tôi sau đây, mà chị cho là có hậu.
Áo trắng ngày xưa nay áo nâu
Khen ai khéo chọn cảnh đời sau
Vàng son đoạn tuyệt bồi nhân quả
Dưa muối trường trai diệt khổ đau
Trần tục may rời vòng nghiệp
chướng
Căn cơ ráng giữ mối duyên tu
Buồn vui thế sự, thôi đừng nhắc
Để chút tình thơ đáp nghĩa nhau.
Hai bài thơ ông Quý rất hay, lời
thơ già dặn, ý thơ nhẹ nhàng thanh thoát, nhưng hai câu kết đều mang ý nghĩa
mãn cuộc, thay đổi.
Thương đời áo trắng đổi thành nâu
Hẹn gặp ngày vui lại cõi sau
Giã cảnh phồn hoa thay cảnh tịnh
Tìm niềm thanh thỏa xóa niềm đau
Duyên kia xin thấm nhuần hương
đạo
Nghĩa ấy mong tròn vẹn quả tu
Mãn cuộc luân hồi xuân tái tạo
Áo màu lại trắng mãi trong nhau.
V.Q
Bài thứ hai lại càng buồn trệ hơn
(chép lại tiếp đoạn trên):
Thôn Vỹ ai đã hẹn ghé chơi
Mà sao dâu bể vắng tăm người
Vườn xưa cúc nở bâng khuâng mãi
Thềm cũ xuân qua lặng lẽ hoài
Áo trắng đã pha màu khói nhạt
Tình thơ còn đượm sắc hương trời
Năm mươi lặng lẽ trăng tròn
khuyết
Ai biết ai còn ngóng đợi ai.
V.Q
Cả hai bài thơ đều có một giọng
văn hay nhưng thật buồn.
Tôi thật tình lo sợ khẩu khí hai
bài thơ đó, nhất là chị Cúc đã lớn tuổi. Nhớ lại khi tiễn tôi ra về, từ nhà đến
đường cái lớn, chị trầm ngâm dùi dắng, như không dứt một nỗi suy tư.
Tôi bèn lấy giấy bút họa lại bài
thơ ông V.Q cố tìm những từ có hậu để giảm thiểu ý nghĩa bi quan, nhưng đến
đoạn kết cũng phải lâm vào “viên mãn”.
Từ thuở non Bồng mãi dạo chơi
Thuyền ai đậu bến có mong người
Duyên xưa hương ướp chưa đành
đoạn
Nghĩa cũ trầm xông vẫn ái hoài
Thôn Vỹ thơ bay về nước Nhược
Hoàng Hoa bông trải đến mây trời
Hẹn nhau gặp lại Mùa Viên Mãn
Mới biết ai còn ngóng đợi ai.
Về đến Nha Trang, tôi gởi bài thơ
này ra Huế, nhưng còn dè dặt không nói gởi chị mà nhờ chị chuyển đến ông V.Q
nguyên xướng hai bài thơ tặng chị.
Tôi hiểu tánh chị, không bao giờ
nhận thơ ai tặng mà lời thơ có ít nhiều tình tứ yêu đương. Chị nói, khi anh Trí
viết Bâng Khuâng nhờ anh Hoàng Tùng Ngâm đưa lại, chị cũng không trả lời. Lần
khác, ông Trần Tái Phùng viết mấy câu thơ của anh Trí, nhờ người anh Cả chị
cùng làm một sở, trao cho chị nhờ giải thích:
Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn Cúc ở trong sương
Chị cũng lặng thinh. Quả thật,
chị muốn tâm hồn được trong sáng dành cho cuộc đời tu hành không vẩn đục vì
những tầm thường trần thế.
Bức thư chị viết cho tôi hôm
11/07/88, chị nói: tôi đã trao thơ cậu họa cho ông V.Q. Các bài thơ xướng họa
rất sát nghĩa, hay lắm. Thú thật với cậu, hai mươi năm trước đây, nếu có ai
tặng tôi những bài thơ như thế, chắc chắn tôi không bao giờ nhận. Nhưng nay thì
tôi hoan hỷ nhận tất cả những tình ý chân thành của chung quanh, vì tôi nghĩ
mai đây khi mà:
Gặp nhau lại tâm hồn thanh thản
Còn nghĩ gì ai ngóng đợi ai
Tôi nhận ra đây là một dấu hiệu
kỳ lạ thay đổi của con người luôn luôn kiêu hãnh với Lễ Nghĩa, với Khuôn Thước.
Tôi nghĩ tâm hồn chị bây giờ rất gần gũi với Trời Phật, những tuế toái nhân thế
không còn phiền lụy chị được nữa.
Mấy tháng sau đó, vào Sài Gòn
lòng vẫn bồn chồn không biết chị đã vào chưa.
Bỗng nhiên nghe tin chị bị tai
nạn xe cộ trên con đường chỉ cách nhà tôi có 200 mét. Hốt hoảng tôi và anh
Thanh Địch xuống bệnh viện Chợ Rẫy thăm thì chị đã bị hôn mê từ mười ngày rồi.
Nhìn chị nằm bất động, tôi bùi
ngùi thương cảm. Hóa ra chuyến về Huế vừa rồi, để cho tôi từ biệt chị. Chị mất
sau đó ít lâu. Lễ an táng vô cùng trọng thể, được mọi người thương tiếc tiễn
đưa.
Viết lại mấy dòng này về nữ sĩ
Hoàng Hoa để tưởng nhớ hương hồn chị, một nguời đàn bà chỉ biết lễ nghĩa, khuôn
thước làm lẽ sống cho cuộc đời Đạo đức Tu hành.
****