Ấn tượng sai lầm - Chương 01 - 02 - 03
10/9
Chương 1
TẶNG TARA
Victoria Wentworth ngồi một
mình bên chiếc bàn nơi Công tước Wellington đã từng ngồi ăn tối với mười sáu sĩ
quan chiến trường của ngài vào cái đêm trước ngày ngài lên đường tới Waterloo.
Tướng Harry Wentworth ngồi
bên phải ngài Công tước Thép vào tối hôm đó, và được giao nhiệm vụ chỉ huy cánh
trái trong cuộc đọ sức. Khi kẻ thất trận là Napoleon tháo chạy khỏi chiến địa
để rơi vào một kiếp sống lưu đầy, nhà vua Anh quốc đã tỏ lòng biết ơn đối với
viên tướng bằng cách phong ông làm Bá tước xứ Wentworth, một tước hiệu vốn là
niềm tự hào của cả dòng họ này kể từ năm 1915.
Những ý nghĩ đó lướt qua đầu Victoria khi bà đọc lại
bản báo cáo của Bác sỹ Petrescu, lần này là lần thứ hai. Khi đọc hết trang cuối
cùng, bà thở phào nhẹ nhõm. Một giải pháp cho mọi vấn đề của bà đã được tìm ra,
rất rõ ràng vào lúc mười một giờ đêm.
Cánh cửa phòng ăn mở ra và
Andrews, quản gia, trước kia vốn là một người hầu, một người đã phục vụ qua ba
thế hệ nhà Wentworth, bước vào và thu dọn thìa dĩa.
“Cảm ơn”, Victoria nói, và đợi cho đến khi ông ta đã
bước ra tới cửa, bà mới nói tiếp, “và mọi thứ đã được thu xếp để chuyển bức
tranh ấy đi rồi chứ?” Bà không muốn nhắc đến tên của tác giả bức tranh.
“Vâng, thưa Phu nhân”,
Andrews quay lại nhìn bà chủ của mình rồi trả lời. “Bức tranh ấy sẽ được chuyển
đi trước khi Phu nhân xuống dùng bữa sáng”.
“Và mọi thứ đã được chuẩn bị
chu đáo để đón tiếp Bác sỹ Petrescu rồi chứ?”
“Vâng, thưa Phu nhân”,
Andrews nói. “Theo hẹn, Bác sỹ Petrescu sẽ tới vào lúc gần trưa ngày thứ Tư, và
tôi đã báo cho đầu bếp biết rằng bà ấy sẽ dùng bữa trưa cùng Phu nhân ở nhà
kính”.
“Cảm ơn, Andrews”, Victoria nói. Viên quản
gia cúi chào rồi nhẹ nhàng đóng chiếc cánh cửa sồi nặng nề sau lưng mình lại.
Khi Bác sỹ Petrescu tới Lâu
đài Wentworth thì một trong những món đồ gia truyền quí giá nhất đang trên
đường tới Mỹ, và dù kiệt tác ấy sẽ không bao giờ còn xuất hiện tại lâu đài này
nữa, không ai ngoài những người thân thích có quan hệ huyết thống trực hệ với
bà cần được biết về sự thật này.
Victoria gấp chiếc khăn ăn lại rồi đứng dậy và rời khỏi chiếc
bàn. Bà cầm bản báo cáo của Bác sỹ Petrescu lên rồi rời khỏi phòng ăn và bước
ra đại sảnh. Tiếng gót giày của bà vọng dọc theo hành lang lát đá hoa cương. Bà
dừng lại tại chân cầu thang để ngắm bức tranh chân dung toàn thân khổ lớn của
Catherine, Phu nhân Wentworth, do Gainsborough vẽ. Người phụ nữ trong tranh
trông thật lộng lẫy. Bà ta mặc một chiếc váy dài bằng lụa, đeo một chuỗi hạt
kim cương và những bông hoa tai bằng đá quý. Victoria sờ lên rái tai mình và mỉm cười
trước ý nghĩ rằng kiểu ăn mặc như thế thời đó hẳn bị coi là quá khêu gợi.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tạiwww.gacsach.com- gác nhỏ cho người yêu
sách.]
Victoria nhìn thẳng về phía trước khi bà leo lên cầu thang để
về phòng ngủ của mình trên tầng hai. Bà cảm thấy không đủ sức để nhìn thẳng vào
mắt những vị tổ tiên của mình trong các bức chân dung sống động do các hoạ sỹ
nổi tiếng như Romney, Lawrence, Reynolds, Lely và Kneller vẽ, vì bà hiểu rõ
việc làm của mình là một hành động hạ nhục họ. Victoria thuyết phục mình rằng trước khi đi
ngủ, bà phải viết thư cho em gái để báo cho bà ta biết về quyết định của bà.
Arabella quá thông thái và
nhạy cảm. Giá mà người em sinh đôi thân yêu ấy của bà ra đời trước bà vài phút
chứ không phải sau vài phút, bà ta chắc chắn đã trở thành người thừa kế của khu
đất này, và chắc chắn đã biết giải quyết vấn đề một cách khôn khéo hơn nhiều.
Và tệ hơn là, khi Arabella biết chuyện này, bà ta sẽ không trách cứ, cũng không
la lối, bà ta chỉ mím chặt môi theo cái kiểu đã được thừa kế từ dòng họ.
Victoria đóng cửa phòng ngủ lại, đi qua căn phòng và đặt bản
báo cáo của Bác sỹ Petrescu lên bàn làm việc. Bà tháo búi tóc, và để cho mái
tóc xoã xuống vai. Bà dành vài phút để chải tóc, trước khi bà cởi bộ quần áo
đang mặc trên người ra rồi khoác lên mình một chiếc váy ngủ bằng lụa mà chị hầu
phòng đã đặt ở cuối giường. Cuối cùng, bà xỏ chân vào đôi dép lê đi trong nhà.
Không thể lảng tránh việc này thêm nữa, bà ngồi xuống bên bàn và cầm chiếc bút
máy lên.
LÂU ĐÀI WENTWORTH
Ngày 10 tháng Chín năm 2001
Arabella yêu quý của chị,
Chị đã trì hoãn việc viết
bức thư này quá lâu, bởi chị muốn em sẽ là người cuối cùng phải đón nhận tin
tức không lấy gì làm tốt đẹp này.
Khi người cha thân yêu của
chúng ta qua đời và chị được thừa hưởng gia sản này, phải một thời gian sau chị
mới nắm hết được những khoản nợ nần của cha. Chị e rằng chính sự non nớt của
chị đã làm cho các vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Chị nghĩ giải pháp tốt
nhất để giải quyết là phải đi vay thêm, nhưng chuyện đó càng làm cho mọi chuyện
thêm xấu đi. Rồi đến một lúc chị sợ rằng vì sự ngây thơ của chị mà chúng ta có
thể sẽ phải bán khu đất này. Nhưng chị vui mừng báo cho em biết là cho đến giờ
thì một giải pháp đã được tìm ra.
Thứ Tư này, chị sẽ gặp.
Victoria nghĩ rằng mình nghe thấy tiếng cánh cửa căn phòng ngủ
mở ra. Bà băn khoăn không hiểu sao lại có một người nào đó trong số những kẻ ăn
người ở có thể bước vào phòng bà mà không gõ cửa.
Khi Victoria ngoảnh lại để xem đó là ai, người
đó đã tiến tới sát bên bà.
Victoria ngước nhìn chằm chằm người phụ nữ mà bà chưa hề gặp
này. Cô ta còn trẻ, mảnh mai và lùn hơn cả bà. Cô ta nở một nụ cười ngọt ngào
khiến cô ta trông có vẻ dễ bị tổn thương. Victoria đáp trả lại cô ta cũng bằng một nụ
cười, rồi bà nhận thấy cô ta đang cầm một con dao làm bếp trên tay phải.
“Ai” Victoria vừa lên tiếng thì một bàn tay vươn
ra, túm chặt lấy tóc bà, kéo giật đầu bà ra sau ghế. Victoria cảm thấy cái lưỡi dao sắc lẹm như
lưỡi dao lam đang chạm vào da cổ bà. Chỉ trong tích tắc, lưỡi dao đã cắt đứt cổ
họng bà như thể bà là một con cừu đang bị giết thịt trong lò mổ.
Vài giây trước khi Victoria chết, kẻ sát
nhân cứa đứt tai trái bà.
Jeffrey Archer
Ấn Tượng Sai Lầm
11/9
Chương 2
Anna Petrescu bấm vào cái nút
trên đỉnh chiếc đồng hồ để bàn. Mặt đồng hồ sáng lên hiện rõ con số 5:56. Chỉ
còn 4 phút nữa là nó sẽ đánh thức cô dậy với tin tức buổi sáng. Nhưng hôm nay
thì không. Đầu óc cô đã suy nghĩ mông lung suốt đêm, và cô chỉ ngủ chập chờn
được một lát. Đến lúc phải thức dậy, Anna đã đi đến quyết định sẽ làm gì nếu vị
chủ tịch công ty không nhất trí với những đề xuất của mình. Cô tắt chuông báo
thức, tránh để cho bất kỳ tin tức nào có thể làm mình mất tập trung suy nghĩ,
rồi cô nhảy ra khỏi giường và đi thẳng vào nhà tắm. Anna đứng dưới vòi nước lâu
hơn thường lệ, hy vọng nước lạnh sẽ làm cô hoàn toàn tỉnh táo trở lại. Người
yêu sau cùng của cô - chỉ có Chúa mới nhớ là cô đã chia tay anh ta khi nào -
cho rằng việc cô thường tắm trước khi chạy tập thể dục là một chuyện thật tức
cười.
Sau khi lau khô người, Anna
mặc một chiếc áo phông màu trắng và một chiếc quần soóc thể thao màu xanh. Mặc
dù ông mặt trời vẫn chưa mọc, chẳng cần phải kéo rèm phòng tắm lên, cô cũng
biết rằng hôm nay sẽ lại là một ngày đẹp trời, nắng ấm. Cô kéo khoá chiếc áo
thể thao, chiếc áo ấy vẫn còn một chữ P hiện lên mờ mờ ở những chữ thêu màu
xanh đậm đã bị tháo ra. Anna không muốn cho nhiều người biết chuyện cô đã từng
là một thành viên trong đội thi đấu điền kinh của trường đại học Pennsylvania. Suy cho
cùng thì cũng đã chín năm rồi. Cuối cùng Anna xỏ chân vào đôi giày thể thao
hiệu Nike và cúi xuống buộc chặt dây giày. Chẳng có gì làm cô khó chịu bằng
việc phải dừng lại giữa đường chạy buổi sáng để buộc lại dây giày. Thứ duy nhất
mà cô mang theo trong buổi chạy sáng hôm đó là chiếc chìa khoá cửa trước, được
buộc vào một sợi dây bạc mỏng mà cô đeo trên cổ.
Anna khoá cửa trước của căn
hộ bốn phòng của cô bằng hai lần khoá, bước qua hành lang và nhấn nốt thang
máy. Trong khi chờ đợi cái buồng thang máy cằn nhằn đi lên tầng mười, cô bắt
đầu một loạt các động tác khởi động bằng cách co duỗi chân tay; những động tác
đó kết thúc khi chiếc thang máy xuống đến tầng trệt.
Anna bước ra ngoài sảnh và
mỉm cười với người gác cổng mà cô rất quý. Ông già vội mở chiếc cửa trước để cô
không phải dừng lại đẩy cánh cửa ra.
“Chào Sam”, cô vừa nói vừa đi
nhanh ra khỏi toà nhà Thorton xuống phố East 54 và thẳng tiến tới công viên
Central Park.
Vào tất cả các ngày trong
tuần, cô đều chạy quanh đường chạy Southern Loop
một vòng. Vào các ngày nghỉ cuối tuần, cô chạy lâu hơn một chút trên một đường
chạy dài 6 dặm, khi chuyện muộn vài phút không gây ảnh hưởng gì. Hôm nay thì
có.
Bryce Fenston hôm đó cũng
thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, bởi vì ông ta cũng có một cuộc hẹn. Fenston vừa
tắm vừa lắng nghe bản tin buổi sáng: một kẻ đánh bom liều chết đã cho nổ tung
một quả bom trên mình tại khu Bờ Tây - một chuyện đã trở nên quen thuộc như bản
tin thời tiết, hoặc như bản tin tài chính - không khiến ông ta phải tăng âm lượng.
“Một ngày đẹp trời, nắng ấm,
gió đông nam nhẹ, nhiệt độ cao nhất 77, thấp nhất 65”, giọng cô gái đọc bản tin
thời tiết cất lên khi Fenston bước ra khỏi phòng tắm. Tiếp theo là một giọng
nghiêm trang cho ông ta biết chỉ số Nikkei ở Tokyo đã tăng mười bốn điểm, và
chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm một điểm. Chỉ số FTSE của London vẫn chưa xác định xu hướng. Ông ta
nghĩ rằng cổ phiếu của công ty tài chính Fenston Finance không thể có biến động
mạnh, bởi vì chỉ có hai người khác biết được về việc làm táo bạo này của ông
ta. Fenston hẹn ăn sáng với một trong hai người đó vào lúc 7 giờ, và ông ta sẽ
sa thải người kia vào lúc 8 giờ.
Đến 6:40, Fenston đã tắm và
mặc quần áo xong. Ông ta liếc nhìn mình trong gương; giá mà ông ta cao thêm
được hai insơ và gầy đi một chút. Chẳng có gì mà một thợ may giỏi và một đôi
giày có đế trong do Cuba
sản xuất lại không thể chỉnh sửa được. Ông ta cũng muốn tóc mình mọc lại, nhưng
không phải vào lúc có quá nhiều người đồng hương lưu vong của ông ta ở đây,
những người có thể vẫn còn nhận ra ông ta nếu ông ta để tóc.
Dù cha ông ta từng là một
người lái xe điện ở Bucharest, bất cứ ai mới nhìn qua người đàn ông ăn mặc
chỉnh tề vừa bước ra khỏi toà nhà bằng đá nâu trên phố East 79 và ngồi vào
chiếc xe hơi sang trọng có tài xế riêng của mình đều sẽ nghĩ rằng ông ta sinh
ra trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu, giàu có và quyền quý. Chỉ
những ai nhìn thật kỹ mới phát hiện thấy ông ta đeo một viên kim cương trên tai
trái - một kiểu làm dáng màu mè mà ông ta cho rằng sẽ khiến mình nổi bật so với
những đồng nghiệp bảo thủ của mình. Không ai trong số nhân viên của ông ta dám
nói điều ngược lại.
Fenston ngồi vào ghế sau
chiếc limousine. “Văn phòng”, ông ta ra lệnh cộc lốc trước khi ấn một chiếc nút
trên chỗ để tay. Một tấm kính màu khói được nâng lên, ngăn cách ông ta với tài
xế. Fenston cầm tờ Thời báo New
Yorktrên chiếc ghế bên cạnh lên xem. Ông ta
giở nhanh qua các trang để xem có tít báo nào bắt mắt không. Thị trưởng
Guiliani có vẻ đã thất bại trong âm mưu của mình. Bằng việc cài cắm vợ mình vào
Gracie Mansion, ông ta đã đặt bà ta vào một vị
trí quá thuận lợi để lên tiếng với bất kỳ những ai muốn lắng nghe. Lần này là
với tờThời báo New York.Fenston
đang mải mê với các trang tài chính khi tài xế cho xe chạy vào đường FDR Drive, và ông
ta vừa giở đến trang cáo phó khi chiếc limousine dừng lại bên ngoài toà Tháp
đôi New York.
Sẽ không có ai đưa tin cáo
phó về cái chết duy nhất mà
ông ta quan tâm, nhưng, công bằng mà nói, chưa một ai ở nước Mỹ này biết về cái
chết đó.
“Tôi có một cuộc hẹn tại Phố
Wall vào lúc 8:30”, Fenston nói với người tài xế của mình khi anh ta mở cửa sau
cho ông ta. “Vì vậy đón tôi vào lúc 8:30”. Người tài xế gật đầu, trong khi
Fenston đã sải những bước dài về phía đại sảnh. Cho dù có tới chín mươi chín
chiếc thang máy trong toà nhà này, chỉ có một chiếc duy nhất chạy thẳng lên nhà
hàng trên tầng 107.
Khi Fenston bước ra khỏi
thang máy một phút sau đó - ông ta đã từng nhẩm tính rằng khoảng thời gian ông
ta phải đi thang máy trong cả đời mình cộng dồn lại sẽ là một tuần - chủ nhà
hàng nhận ra vị khách quen thuộc liền cúi đầu chào và đưa ông ta tới một chiếc
bàn trong góc nhìn ra Tượng thần Tự do. Có một lần, khi vừa bước ra khỏi thang
máy và nhìn thấy chiếc bàn quen thuộc của mình đã có người ngồi, ông ta liền
bước lùi trở lại trong thang máy. Từ đó, chiếc bàn ở góc ấy luôn chẳng có ai
được ngồi, đề phòng ông ta bất ngờ xuất hiện.
Fenston chẳng hề ngạc nhiên
khi thấy Karl Leapman đang đợi mình. Leapman chưa bao giờ chậm một phút trong
suốt mười năm ông ta làm việc cho công ty Fenston Finance. Fenston băn khoăn
không hiểu Leapman đã ngồi ở đó bao lâu, chỉ để đảm bảo rằng vị chủ tịch công
ty không thể đến sớm hơn mình. Fenston nhìn xuống con người đã luôn cố chứng tỏ
rằng vì ông chủ của mình, ông ta sẵn sàng nằm xuống mọi cống rãnh nếu cần.
Nhưng Fenston là người duy nhất đem lại công ăn việc làm cho Leapman sau khi
ông ta ra tù. Những luật sư bị khai trừ khỏi luật sư đoàn với một án tù chung
thân vì tội lừa đảo thì rất khó có cơ hội được tin dùng.
Fenston bắt đầu nói, thậm chí
trước khi ngồi xuống. “Bây giờ chúng ta đang tham dự đám rước của Van Gogh”,
ông ta nói nhanh, “sáng nay chúng ta chỉ còn phải thảo luận một chuyện duy
nhất. Làm thế nào để có thể thoát khỏi Anna Petrescu mà không khiến cô ta ngờ
vực?”
Leapman mở một tập hồ sơ
trước mặt mình và mỉm cười.
Chương 3
Những chuyện xảy ra sáng hôm
ấy đều không có trong kế hoạch.
Andrews đã nói với đầu bếp
rằng ông ta sẽ xuống lấy chiếc khay đựng đồ ăn sáng của Wentworth để bê lên cho
bà chủ ngay sau khi bức tranh được chuyển đi. Đầu bếp bị đau đầu, vì vậy người
giúp việc của bà ta, một cô gái không đáng được tin cậy cho lắm, được giao
nhiệm vụ chuẩn bị bữa sáng cho bà chủ. Chiếc xe thùng chống cướp đến muộn 40
phút, và viên tài xế non choẹt không chịu cho xe chạy nếu không được mời cà phê
và bánh quy. Đầu bếp sẽ không bao giờ chịu đựng được những chuyện vớ vẩn như
vậy, nhưng người giúp việc của bà ta đã nhượng bộ. Nửa giờ sau, Andrews thấy
hai người bọn họ đang ngồi tán gẫu với nhau bên bàn ăn trong bếp.
Điều duy nhất khiến Andrews
cảm thấy nhẹ nhõm là bà chủ chưa thức dậy trước khi viên tài xế cho xe chạy.
Ông ta kiểm tra khay thức ăn, gấp lại chiếc khăn ăn và ra khỏi bếp để đưa bữa
sáng lên tầng hai cho bà chủ.
Andrews đỡ khay thức ăn trên
một lòng bàn tay và gõ nhẹ lên cánh cửa trước khi mở nó ra bằng tay còn lại.
Khi trông thấy bà chủ của mình nằm giữa một vũng máu đã đông lại trên sàn, ông
ta há hốc miệng, rồi hét lên, đánh rơi chiếc khay và chạy đến bên cái xác.
Cho dù rõ ràng Phu nhân Victoria đã chết từ
nhiều giờ trước đó, Andrews không muốn gọi điện báo cho cảnh sát trước khi
người thừa kế tiếp theo của lâu đài Wentworth được thông báo về thảm kịch này.
Ông ta nhanh chóng rời khỏi căn phòng, khoá cửa lại và lần đầu tiên chạy xuống
cầu thang thay vì đi thong thả như mọi khi.
Arabella Wentworth đang phục
vụ một vị khách khi Andrews gọi điện tới.
Bà đặt ống nghe xuống rồi xin
lỗi vị khách, với lý do bà có việc gấp phải đi. Bà chuyển nốt báo hiệu Mở sang
Đóng và khoá cửa tiệm đồ cổ nhỏ của mình lại, chỉ vài giây sau khi nghe thấy
Andrews lắp bắp mấy từ khẩn cấp trong điện thoại, không theo cái cách nói năng
quen thuộc của ông ta với bà trong suốt bao năm qua.
Mười lăm phút sau, Arabella
đã đỗ chiếc xe mini của mình trên đám sỏi trước đại sảnh của lâu đài Wentworth.
Andrews đang đứng trên bậc thềm cao nhất chờ bà.
“Tôi rất lấy làm tiếc, thưa
bà chủ”, là tất cả những gì ông ta nói, trước khi dẫn chủ nhân mới của mình vào
nhà và đi lên chiếc cầu thang bằng đá cẩm thạch. Khi thấy Andrews nắm chặt lan
can để cố đứng cho vững, Arabella biết rằng chị mình đã chết.
Arabella thường băn khoăn tự
hỏi không hiểu mình sẽ phản ứng như thế nào trong những trường hợp khủng hoảng.
Bà cảm thấy dường như có phần yên tâm khi phát hiện ra rằng dù bà như muốn khuỵ
xuống khi nhìn thấy xác chị mình, bà đã không bị ngất đi. Tuy nhiên, chuyện đó
vẫn rất khủng khiếp và gây chấn động mạnh đối với bà. Bà đưa tay nắm lấy cột
giường để khỏi bị ngã trước khi quay mặt đi.
Máu phun khắp nơi, từng vệt
đông lại trên thảm, trên tường, bàn làm việc và thậm chí cả trần nhà. Bằng một
nỗ lực phi thường, Arabella buông chiếc cọc giường ra và loạng choạng bước về
phía chiếc máy điện thoại trên chiếc bàn ở đầu giường. Bà đổ sụp xuống giường,
cầm ống nghe lên và quay số 999. Khi nghe câu trả lời “Khẩn cấp, dịch vụ nào?”
bà trả lời, “Cảnh sát”.
Arabella đặt ống nghe xuống.
Bà quyết tâm đi ra cửa mà không ngoảnh lại nhìn xác chị mình. Bà đã thất bại.
Chỉ một cái liếc nhìn, và lần này ánh mắt bà bắt gặp bức thư trên bàn. Bức thư
ấy bắt đầu bằng “Arabella yêu quý của chị”. Bà chộp lấy tờ giấy, và vì không
muốn chia sẻ những suy nghĩ cuối cùng trong đời của chị gái với cảnh sát, bà
nhét bức thư vào túi và loạng choạng bước ra khỏi phòng.