Lửa thiêu rừng hạnh - Chương 03 - Phần 1
Chương 3
NHỮNG NGƯỜI HƯỞNG LỢI
1
Buổi chiều ngày hôm sau, tại tầng sáu phòng làm việc của đội
cảnh sát hình sự cục công an khu Y.
Buổi họp phá án diễn ra trong không khí tĩnh lặng, hơn mười đội
viên mặc thường phục quây xung quanh chiếc bàn dài do đội trưởng Thôi chủ trì.
Sát hai bên mép tường, bên trái đặt chiếc bàn có để năm bộ máy
vi tính, bên phải là chiếc tủ sắt chứa tài liệu và thiết bị chuyên dùng. Trên tường
treo một tấn bản đồ lớn chi tiết toàn thành phố, góc nhà để một bình nước nóng lạnh.
Đội trưởng Thôi thấy mọi người đã đông đủ, liền lên tiếng tuyên
bố lý do cuộc họp: “Chúng ta hiện nay đã bắt đầu điều tra về cái chết của Hồ Quốc
Hào, đề nghị mọi người tích cực phát biểu ý kiến. Căn cứ vào những gì thu thập tại
hiện trường vào ngày hôm qua, có thể sơ bộ nhận định nguyên nhân tử vong là do ‘đuối
nước’. Nhưng hiện đang tồn tại một số nghi ngờ, trước mắt không loại trừ khả năng
đây là vụ án giết người. Vì Hồ Quốc Hào là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến
xã hội, lãnh đạo cục công an chỉ thị tiến hành điều tra, yêu cầu chúng ta nhanh
chóng tìm ra chân tướng sự việc, từ đó đi đến kết luận cuối cùng”.
Thái độ những người có mặt trong cuộc họp rất nghiêm túc.
“Công tác điều tra ban đầu do tôi phụ trách, thành viên chủ yếu
là Đào Lợi và Tiểu Xuyên”.
Đội trưởng Thôi châm một điếu thuốc, rít một hơi dài.
“Trước hết mời bác sĩ pháp y Tiểu Điền nói qua việc khám nghiệm
tử thi”.
Điền Thanh chuyên viên pháp y ngồi bên cạnh Thôi Đại Cân, anh
mặc chiếc áo sơ mi màu xanh, đeo cặp kính cận, khuôn mặt nho nhã trí thức. Điền
Thanh mở cặp hồ sơ màu tro, ngẩng mặt nhìn mọi người.
“Người chết cao một mét sáu mươi tám, đầu hướng vào bờ, nằm sấp
trên cát, thân trên để trần, phía dưới mặc quần bơi nhãn hiệu cá sấu, kiểm tra vùng
ngực thấy có nhiều vết chấm, sắc đỏ thẫm, đầu ngón tay co rút, giác mạc đục, hai
đồng tử giãn ra khoảng 0,5 centimét, kết mạc xung huyết, có thể nhìn thấy điểm xuất
huyết. Ngoài ra khí quản và phổi chứa lượng nước biển lớn, trong mũi có bọt hình
nấm, bọt hình nấm là một loại phản ứng sự sống. Nó là triệu chứng điển hình của
việc đuối nước trước khi chết”.
Tất cả điều tra viên chăm chú lắng nghe.
Điền Thanh đã tốt nghiệp Đại học Y khoa Thượng Hải. Anh làm công
tác pháp y đã được năm năm và có khá nhiều kinh nghiệm.
Anh tiếp tục phân tích kỹ thêm.
“Căn cứ khám nghiệm tử thi có thể sơ bộ khẳng định Hồ Quốc Hào
chết do đuối nước. Thời gian chết khoảng từ hơn mười một giờ tối ngày hai mươi tư
đến một giờ sáng ngày hai mươi lăm. Bên cạnh nguyên nhân chết đuối, khả năng cao
nhất còn do trong lúc đi bơi bệnh tim đột ngột tái phát. Sắc mặt người chết tím
tái, môi thâm đen, móng tay xanh nhạt. Tất cả đều là triệu chứng điển hình của việc
cơ tim tắc nghẽn. Dựa vào điều tra của đội trưởng và mọi người, Hồ Quốc Hào lúc
còn sống có tiền sử bệnh tim, việc này đã được chứng minh. Cho nên có thể giải thích
như sau: Trong khi đi bơi do cơ tim tắc nghẽn dẫn đến đuối nước gây tử vong, lý
giải như vậy hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa toàn thân không phát hiện bất cứ tổn thương
nào, chỉ ở phía dưới ngực trái có một vết xước dài khoảng ba centimét giống như
do vật kim loại sắc tạo nên. Trên thân thể người chết chỉ mặc duy nhất một chiếc
quần bơi, mông bên trái có vết móc xước rất nhỏ, soi dưới kính kiển vi thì thấy
nó còn rất mới. Trên đây là tất cả nội dung khám nghiệm, ngoài ra không phát hiện
thêm điều gì khác thường”.
Đội trưởng Thôi hỏi: “Vết móc đó liệu có phải là do tấm lưới
ngăn cá tạo ra không?”.
“Không phải”. Điền Thanh trả lời: “Tôi đã hỏi trung tâm quản
lí du lịch Tiểu Mai Sa, chất liệu của tấm lưới ngăn cá là loại vật liệu dây dù thông
thường, không phải bằng sắt”.
“Vậy à!”. Đội trưởng Thôi gật đầu.
Viên cảnh sát trẻ Tiểu Xuyên là người phát biểu tiếp theo. Cậu
mặc chiếc áo phông màu trắng đục, vừa cúi thấp đầu đọc biên bản ghi chép vừa phân
tích.
“Trên góc độ kiểm tra hiện trường, nguyên nhân gây ra cái chết
của Hồ Quốc Hào giống như bên pháp y phân tích. Tuy nhiên tôi và Đào Lợi đều đã
đến Đại Mai Sa và Tiểu Mai Sa thẩm vấn những người có liên quan, phát hiện một số
nghi ngờ”.
Cậu tóm tắt sơ lược quá trình diễn ra tại hai địa điểm đó và
nêu lên vài điểm nghi vấn:
Trang phục của Hồ Quốc Hào hiện nằm ở đâu?
“Theo lời khai của nhân viên phục vụ tại khách sạn - nhà hàng
Hào Cảnh. Khi dùng cơm tại phòng ăn Hồ Quốc Hào mặc áo sơ mi cổ bẻ màu quả trám,
quần âu màu trắng. Nếu như ông ta đi bơi từ bãi tắm Đại Mai Sa thì quần áo để ở
đâu? Chắc chắn phải ở một trong hai nơi là phòng nghỉ ở Hào Cảnh hoặc khu thay đồ
trên bãi tắm. Thế nhưng đã kiểm tra kỹ cả hai nơi đó đều không tìm thấy y phục của
ông ta”.
Tiểu Xuyên đưa ánh mắt hoài nghi nhìn mọi người, nói ra phán
đoán của mình.
“Như vậy chỉ có hai khả năng: Thứ nhất, quần áo của ông ta bị
người khác lấy mất. Thứ hai, Hồ Quốc Hào hoàn toàn không tắm biển ở Đại Mai Sa”.
“Điều ấy không hẳn là không có lý, cái xác của ông ta được phát
hiện ở bãi tắm Tiểu Mai Sa, nên có thể lắm chứ”. Một người cảnh sát khác tên Trịnh
Dũng đưa ra nhận xét.
“Giả thuyết đó cũng có khả năng”. Đội trưởng Thôi tỏ vẻ đồng
tình.
Ngồi đối diện với Tiểu Xuyên, nữ cảnh sát Đào Lợi nêu ra ý kiến:
“Điều khiến người ta cảm thấy kỳ lạ là vì sao tại Tiểu Mai Sa cũng không tìm thấy
trang phục của ông ta”.
Ngày hôm nay Đào Lợi mặc chiếc áo cánh mỏng màu hồng và quần
bò trông rất nữ tính nhưng cũng không kém phần rắn rỏi.
“Đúng thế”. Trịnh Dũng tán đồng quan điểm.
“Đây là điều đáng ngờ lớn nhất ở vụ án này”.
Đội trưởng Thôi nói: “Quần áo của Hồ Quốc Hào không thể tự mọc
cánh mà bay được”.
Tất cả mọi người bật cười. Đội trưởng Thôi lại châm một điếu
thuốc nữa nói tiếp: “Ngoài ra, nguyên nhân cái chết của Hồ Quốc Hào cũng có điểm
cần xem xét trên góc độ phân tích tử thi. Tiểu Điền, cậu hãy nói nghi vấn của mình”.
Điền Thanh chỉnh lại cặp kính, rồi phát biểu: “Căn cứ vào công
tác khám nghiệm, chúng tôi phát hiện có hai chi tiết chưa giải thích được”. Anh
nhìn vào bản báo cáo trong cặp tài liệu của mình. “Đầu tiên tôi muốn nói tới loại
thuốc aspirin, khám nghiệm tử thi và chụp động mạch vành lâm sàng (uống hoặc tiêm
thuốc cảm quang để chụp X quang) phát hiện, rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh nghẽn cơ
tim mãn tính bị tắc động mạch vành. Điều này khẳng định rõ việc hình thành tắc động
mạch là do nhân tố nghẽn cơ tim gây ra. Aspirin trước tiên được dùng để điều trị
bệnh cảm, nó cũng có công dụng chẩn trị bệnh phong thấp viêm khớp. Sau này khi lưu
hành rộng rãi đã phát hiện bệnh nhân phong thấp viêm khớp dùng thuốc aspirin trong
thời gian dài giảm hẳn nguy cơ mắc phải bệnh tim. Theo nghiên cứu các nhà khoa học
đã phát hiện ra thuốc aspirin có tác dụng phụ ức chế tiểu cầu. Vì vậy sau này trở
thành loại thuốc thường dùng điều trị bệnh tim mạch. Chúng tôi đã tới bệnh viện
thành phố để kiểm tra bệnh án của Hồ Quốc Hào và phát hiện ông ta đã chụp động mạch
vành, cũng có thể nói như thế này, bệnh tim của ông ta hình thành bởi tắc động mạch.
Điều ấy không còn phải nghi ngờ gì nữa. Song vấn đề là ở chỗ, trong dạ dày Hồ Quốc
Hào có thành phần loại thuốc này, chứng tỏ ông ta thường xuyên dùng aspirin, nhưng
aspirin điều trị rất có hiệu quả chứng ức chế tiểu cầu, vậy vì sao Hồ Quốc Hào lại
bị nghẽn cơ tim đột ngột?”.
...
Buổi họp trở nên yên tĩnh lạ thường.
Đào Lợi lên tiếng phá tan không khí trầm lắng: “Vấn đề đó hiển
nhiên phải có nguyên nhân”.
Dường như cô đã có phát hiện mới, dừng lại mấy giây, quan sát
khắp phòng sau đó cô đưa ra phán đoán của mình: “Tôi nhận thấy tồn tại hai khả năng:
Một là Hồ Quốc Hào trong khi đi bơi vận động nhiều dẫn đến quá mệt, nghẽn cơ tim
đột ngột. Ngoài ra còn khả năng nữa là ông ta gặp phải một điều khủng khiếp”.
“Ồ?”.
Mọi người xôn xao.
“Ví dụ như...”, Đào Lợi đưa tay lên vuốt lại mái tóc lòa xòa
trước mặt, sau đó nói tiếp: “Bị cá mập tấn công”.
“Vậy vết xước ở ngực ông ta là vết răng của loài cá mập nào vậy?”.
Trịnh Dũng điềm nhiên châm chọc.
Mọi người cười ầm cả lên.
“Nghiêm túc, nghiêm túc đi. Đây là cuộc họp phân tích vụ án”.
Đội trưởng Thôi vỗ tay quát lên.
“Đương nhiên”. Nữ cảnh sát Đào Lợi không hề thay đổi sắc mặt
tiếp tục nói “Cũng không thể loại trừ khả năng bị người khác ám hại. Người ám hại
chính là hung thủ! Tôi nói đến đây là hết rồi”.
Cô chăm chú nhìn đội trưởng Thôi, nhẹ nhàng dịch ghế ngồi xuống.
“Ai nói tiếp đây? Tiểu Xuyên, cậu nhận định như thế nào?”. Đội
trưởng Thôi chỉ đích danh.
Tiểu Xuyên lấy tay xoay xoay cốc trà. “Cách phân tích của Đào
Lợi cũng có phần hợp lý. Có ba giả thuyết: Mệt mỏi, cá mập, hung thủ... Song tôi
nghiêng về giả thuyết do hung thủ gây án”.
“Vì sao?”. Đội trưởng Thôi căn vặn.
“Tôi cũng không nói rõ được, chỉ là nghi ngờ thôi”.
“Hoài nghi không được coi là lời kết tội, cần phải có bằng chứng”.
“Trong dịch vị dạ dày Hồ Quốc Hào còn lưu lại lượng thuốc an
thần vượt quá ngưỡng cho phép, đó là một điểm nghi vấn”.
“Tiểu Điền, cậu hãy giải thích qua về vấn đề thuốc an thần đi”.
Đội trưởng Thôi vỗ nhẹ vào vai nhân viên pháp y Điền Thanh.
Điền Thanh đưa mắt nhìn mọi người sau đó giải thích.
“Xét nghiệm dịch vị dạ dày và máu tồn tại lượng thuốc an thần
vượt quá ngưỡng cho phép. Thành phần có chứa chất chlorpromazine, chất này có trong
loại thuốc ngủ có tên ‘đông miên linh’. Trong khoảng hơn mười năm gần đây, đây là
loại thuốc an thần Phenobarbital được sử dụng rộng rãi”. Điền Thanh nói đến tên
loại thuốc, liều lượng sử dụng “Chlorpromazine thuộc loại thuốc an thần mạnh, tác
dụng chủ yếu là ức chế trung khu thần kinh, người trúng độc cấp tính bắt đầu hưng
phấn tạm thời, tiếp theo là thèm ngủ sau đó mất điều khiển, co giật hôn mê, khó
thở, thậm chí gây sốc nặng hoặc ngạt thở do ngất... Trúng độc chlorpomazine nồng
độ thông thường trong mỗi mililít trên năm miligam trở lên, khi nghiêm trọng có
thể làm cho hệ hô hấp, hệ tuần hoàn suy kiệt dẫn đến tử vong. Trong máu của Hồ Quốc
Hào nồng độ chất chlorpromazine mỗi mililít trên bốn phảy hai miligam rõ ràng vượt
quá liều lượng thường dùng. Tuy chưa đến mức trúng độc song có thể làm cho ông ta buồn ngủ, hôn mê”.
Đội trưởng Thôi nói: “Tuy nhiên căn cứ vào thông tin do vợ ông
ta cung cấp Hồ Quốc Hào có thói quen dùng quá liều lượng thuốc an thần, thư ký riêng
của ông ta, A Anh cũng xác thực điều này. Cho nên chỉ dựa vào đó chưa đủ nói lên
điều gì”.
“Vậy cần phải giải phẫu tử thi”. Tiểu Xuyên đề nghị.
Cuộc họp trở nên sôi động.
Đội trưởng Thôi ngay lập tức gạt phắt đi: “Hồ Quốc Hào là một
nhân vật có vị thế lớn ở Thâm Quyến. Cậu muốn giải phẫu là có thể giải phẫu được
chắc?”.
“Anh Thôi, em thấy ý kiến của Tiểu Xuyên cần được xem xét”. Đào
Lợi ủng hộ Tiểu Xuyên.
“Điều ấy tôi đã sớm nghĩ đến rồi”. Thôi Đại Cân thở dài tiếp
lời. “Song vợ Hồ Quốc Hào không đồng ý cho giải phẫu”.
Theo quy định của pháp luật, nếu không có chứng cớ án mạng khi
giải phẫu cần được sự đồng ý của gia quyến”.
“Cô ta không đồng
ý? Nguyên nhân gì đây?”.
“Chu Mỹ Phượng nói:
Ông Hào đã chết rồi, hy vọng ông ấy ra đi một cách toàn thây, không nhẫn tâm để
thi thể bị mổ xẻ. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp tâm lý thông thường”.
“Trừ phi cô ta cũng
cho rằng cái chết của chồng mình là do sơ ý đuối nước”. Tiểu Xuyên chen ngang.
“Nếu nói ‘cho rằng’
chi bằng nói cô ta ‘tin là’...”. Đội trưởng Thôi lẩm nhẩm như tự nói với chính mình.
“Ý của anh là sao?”.
Tiểu Xuyên không hiểu.
“Cậu động não mà nghĩ
xem?”. Đội trưởng Thôi đưa bao thuốc cho mọi người trong phòng họp chẳng mấy chốc
cả căn phòng tràn ngập những làn khói trắng mỏng.
“Anh nói cô ta cứ
thà tin rằng chồng mình ‘chết do sơ ý đuối nước’...”. Tiểu Xuyên phán đoán.
“Đúng, tôi có cảm
giác này”.
Đó là trực giác của
đội trưởng khi anh tiến hành thẩm vấn bà quả phụ Chu Mỹ Phượng. Anh nhận ra khi
cô ta nói câu ‘Ông ấy luôn nói mình mình đồng da sắt’ thái độ như thể phải kìm nén
uất ức bấy lâu nay.
“Vì sao vậy?”.
“Chúng ta cần phân
tích kỹ”. Ánh mắt đội trưởng Thôi sáng long lanh nhìn mọi người.
“Hồ Quốc Hào chết
đi, ai là người được hưởng lợi nhiều nhất?”.
“...”.
Mọi người đưa mắt
nhìn nhau kinh hãi.
“Vợ ông ta”. Có người
kêu lên.
Mọi người trong phòng
họp chợt hiểu ra.
“Đúng, Hồ Quốc Hào
chiếm 54% cổ phần trong tập đoàn Địa Hào Trí Nghiệp, ông ta không có con cái, vợ
trước đã ly hôn, cha mẹ mất sớm vì vậy khi ông ta chết, dưới góc độ pháp luật tất
cả cổ phần đều sẽ thuộc về Chu Mỹ Phượng”.
“Ồ!”.
Tất cả mọi người đều
tán đồng.
“Cho nên, dù Hồ Quốc
Hào chết không phải vì ‘sơ ý đuối nước’ thì lợi ích của cô ta cũng không hề thay
đổi”.
“Nếu như Hồ Quốc Hào
chết không phải do ‘tai nạn’, hoặc nói chính xác hơn là có người ám hại thì Chu
Mỹ Phượng là nghi can số một. Con người thông minh như cô ta đâu dễ đồng ý cho giải
phẫu tử thi”.
Đội trưởng Thôi phân
tích tiếp: “Nếu như đúng là Hồ Quốc Hào chết do sơ ý đuối nước thì cô ta đương nhiên
nhận thấy giải phẫu tử thi hoàn toàn không cần thiết”.
“Ngoài ra còn hai
người nữa được hưởng lợi”. Thôi Đại Cân tiếp tục nói.
Tất cả chăm chú lắng
nghe.
“Một là Châu Chính
Hưng, phó tổng giám đốc Địa Hào Trí Nghiệp”. Anh hắng giọng.
“Ông ta là người thứ
hai có cổ đông lớn nhất trong công ty, theo đám nhân viên phản ánh, nhân vật này
có uy tín, tham vọng lớn, luôn hy vọng được ngồi vào cái ghế của Hồ Quốc Hào. Hơn
nữa hiện nay ông ta đang có khúc mắc với Hồ Quốc Hào trên phương diện kinh doanh.
Kiên quyết phản đối đầu tư vào dự án ‘Điền Đông Bối’”.
Kế tiếp Tiểu Xuyên
nói qua về việc điều tra những nhân vật trong tập đoàn Địa Hào Trí Nghiệp.
Được biết “Điền Đông
Bối” là mảnh đất rộng một trăm sáu mươi mẫu. Trước đây là Viện an dưỡng Diêm Điền
(ruộng muối), chỉ cách bờ biển vài trăm mét. Một mảnh đất phong thủy đắc địa, giá
cả lại rất rẻ song cũng đầy mạo hiểm. Bởi vì giao thông vùng Diêm Điền rất khó khăn,
đây là điểm mà năm nào người dân cũng đưa ra kiến nghị với hội đồng thành phố song
chưa được giải quyết. Vấn đề giao thông không được giải quyết, trực tiếp ảnh hưởng
đến bất động sản bờ đông Thâm Quyến. Diêm Điền và Liên Đường (bờ đê Hoa Sen) chỉ
cách nhau một đoạn đường hầm nhưng trị giá mỗi mét vuông lại chênh lệch gần một
nghìn tệ, Hồ Quốc Hào có ý định biến mảnh đất này trở thành khu biệt thự ven biển
xa hoa.
Mấy ngày trước khi
sự việc xảy ra. Châu Chính Hưng còn tranh luận kịch liệt với Hồ Quốc Hào. Trong
công ty Hồ Quốc Hào là người chuyên quyền, độc đoán, ưa mạo hiểm. Châu Chính Hưng
lại trầm tính, làm việc tương đối thận trọng. Bình thường hai người bọn họ luôn
bằng mặt chứ không bằng lòng. Nhưng lần này có lẽ là do chiến lược kinh doanh cực
kỳ quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn vong của công ty nên mới công khai xung đột như
vậy.
Có người còn nghe
lỏm bọn họ cãi nhau. Châu Chính Hưng nói: “‘Điền Đông Bối’ thoạt nhìn tưởng là miếng
thịt béo, kỳ thực lại là miếng xương ức gà khó gặm nuốt không trôi, bỏ đi thì tiếc”.
“Đừng nói là xương
ức gà, ngay cả chân gà tôi cũng dám gặm! Không có bản lĩnh, bao giờ mới thành công
được”.
“Tôi không tán thành
với việc mạo hiểm sự tồn vong của công ty”.
“Không mạo hiểm làm
sao có được Địa Hào như ngày hôm nay”.
“Dù thế nào tôi cũng
không tán thành việc mua ‘Điền Đông Bối’”. Châu Chính Hưng kiên quyết.
“Được rồi, việc này
sẽ đưa ra HĐQT quyết định”. Hồ Quốc Hào lạnh lùng nói.
Sau khi tranh cãi,
Châu Chính Hưng đóng sập cửa phòng rồi đi ra ngoài, đúng lúc đó giáp mặt trưởng
phòng kinh doanh Hoàng Hồng Lợi, Hoàng Hồng Lợi nhìn thấy khuôn mặt Châu Chính Hưng
tím đen còn giật nẩy cả mình. Vài ngày sau tin tức về cuộc tranh cãi giữa hai người
lan khắp công ty.
Tiểu Xuyên giải thích:
“Dựa trên phân tích tình hình tập đoàn Địa Hào Trí Nghiệp, sau cái chết bất ngờ
của Hồ Quốc Hào, người có khả năng cao nhất nắm giữ ghế tổng giám đốc là Châu Chính
Hưng”.
Đội trưởng Thôi đưa
ra cái tên người thứ ba hưởng lợi: “Hồ Quốc Hào chết đi còn có một người nữa được
hưởng lợi, đó là Hồng Diệc Minh, tổng giám đốc công ty địa ốc Đại Đông, căn cứ vào
thông tin tôi nắm được. Vào tối ngày hai mươi tư, người cuối cùng gặp Hồ Quốc Hào
là ông ta. Một nguyên nhân quan trọng là Đại Đông đang là đối thủ cạnh tranh trực
tiếp dự án ‘Điền Đông Bối’. Theo nhận định của giới đầu tư bất động sản chỉ có hai
công ty với tiềm lực tài chính hùng hậu là Địa Hào và Đại Đông mới có thể thực hiện
dự án lớn này. Hồ Quốc Hào chết đi ‘Điền Đông Bối’ càng có cơ hội rơi vào tay Đại
Đông, việc đó dễ như lấy đồ trong túi”.
Không khí cuộc họp
sôi động hẳn lên.
Buổi phân tích vụ
án sơ bộ kết luận: Nếu như cái chết của Hồ Quốc Hào không phải do ‘tai nạn’, thì
những người đáng nghi nhất là ba người: Thứ nhất là vợ Hồ Quốc Hào, Chu Mỹ Phượng;
thứ hai là phó tổng giám đốc Châu Chính Hưng; thứ ba là đối thủ cạnh tranh, ông
chủ công ty Đại Đông, Hồng Diệc Minh.
Cuối buổi họp đội
trưởng Thôi tổng kết và bố trí từng người triển khai các bước điều tra cụ thể tiếp
theo.
“Để tăng cường công
tác điều tra, tôi sẽ ngay lập tức báo cáo xin chỉ thị cấp trên cho phép giải phẫu
thi hài Hồ Quốc Hào.” Anh đóng quyển sổ ghi chép lại, giao nhiệm vụ. “Tiểu Xuyên
và Tiểu Đào kiểm tra Chu Mỹ Phượng, Châu Chính Hưng, Hồng Diệc Minh làm gì trong
quãng thời gian từ mười một giờ đêm ngày hai mươi tư đến một giờ sáng ngày hai mươi
lăm, xác minh họ có chứng cứ ngoại phạm hay không?”
“Rõ!”. Hai người đồng
thanh đáp.
2
Quán trà - cà phê
Nam Viên Danh Điển có không gian xanh mướt, mặt tiền của quán không được rộng lắm
song bên trong trang trí rất thanh lịch. Nhiếp Phong ngồi trên tầng hai bàn kê sát
cửa sổ, người nữ phục vụ mặc váy ngắn màu lục, buộc tóc đuôi ngựa mang đến cho anh
một cốc nước lọc.
“Xin hỏi anh dùng
gì ạ?”. Giọng nói của cô nhẹ nhàng mến khách.
“Cho tôi một tách
cà phê”.
“Ở đây chúng tôi có
cà phê Lam Sơn rất ngon”.
“Vậy cho tôi loại
đó”.
Nhiếp Phong không
mấy khi uống cà phê song nghe người ta nói cà phê Lam Sơn có thương hiệu nên anh
cũng muốn nếm thử hương vị của nó. Cô phục vụ quay lại mang cho anh một tách cà
phê nóng, tách sứ màu trắng ngọc, mùi thơm thoang thoảng bay lên. Nhiếp Phong mở
lọ đường bên cạnh lấy một viên sau đó cho thêm ít sữa, anh dùng chiếc thìa nhỏ khuấy
nhẹ.
Cô phục vụ đứng bên
cạnh Nhiếp Phong đong đưa ánh mắt nhìn anh, khuôn mặt tròn, mắt một mí, mũi củ tỏi
hình dáng giống hệt “Tiểu bảo mẫu” ở nhà. Nhiếp Phong liếc cô bé rồi khẽ mỉm cười.
“Anh chỉ đi có một
mình thôi sao?”.
“Không, tôi còn có
một người bạn nữa”.
“Là phụ nữ?”.
“Một cảnh sát”.
“À”.
Nhiếp Phong nâng tách
cà phê lên uống một ngụm, hương vị nơi đầu lưỡi thơm nhẹ, hơi chua. Có chút giống
với cà phê tự chọn ở Thiên Phủ Hỉ mà anh đã thưởng thức qua. Cà phê Lam Sơn mang
danh hiệu “Cà phê quý tộc” chẳng qua cũng như vậy cả thôi.
“Có vị chua”. Anh
nói.
“Cà phê Lam Sơn luôn
có một chút vị chua”. Cô gái tóc đuôi ngựa nói, vừa như giải thích vừa như ca tụng
loại cà phê này.
Đúng lúc đó cậu cảnh
sát trẻ Tiểu Xuyên mặc thường phục chạy vội tới, Nhiếp Phong dịch ghế mời cậu ta
ngồi.
“Thật không phải,
chiều nay mở cuộc họp phân tích vụ án nên tôi đến muộn”.
“Không sao tôi cũng
vừa mới đến thôi!”.
“Thưa anh, bạn của
anh dùng gì ạ?”. Cô phục vụ tóc đuôi ngựa cười tươi khẽ hỏi.
“Cũng cho tôi một
tách cà phê đi”. Tiểu Xuyên đáp.
“Anh dùng loại Lam
Sơn hay Thán Thiên?”. Cô gái quay sang hỏi lại.
Tiểu Xuyên mở quyển
thực đơn, đưa mắt lướt qua sau đó chỉ vào loại có giá rẻ nhất: “Cho một cà phê nóng
Danh Điển đi!”.
Khi cô phục vụ rời
khỏi đó, Tiểu Xuyên thật thà hỏi: “Nhà báo Nhiếp đang ở khách sạn nào?”.
“Tôi ở nhà khách cục
xuất bản, nơi đó rẻ hơn so với khách sạn”.
“Nơi đấy cũng không
tồi”.
Tiểu Xuyên đưa mắt
quan sát xung quanh.
Bảng hiệu bắt mắt,
âm nhạc du dương, phục vụ chu đáo, tất cả những cái đó tạo thành thương hiệu danh
tiếng của quán, chỉ cần vén nhẹ rèm cửa bằng sợi đay, qua tấm kính cửa sổ là có
thể quan sát dòng xe đi lại đông đúc trên đường.
“Tôi rất thích nơi
này”. Nhiếp Phong nói.
“Hẹn tôi đến đây chắc
không phải là chỉ để uống cà phê Danh Điển”.
“Cà phê đương nhiên
là chủ đề chính, chủ đề phụ là nếu thuận tiện thì nói cho tôi biết sơ qua tình hình
vụ án Hồ Quốc Hào”.
“Ngày hôm qua tại
tòa nhà Địa Hào tôi đã nhận ra nhà báo Nhiếp rất chú ý tới cái chết của ông Hồ Quốc
Hào”.
“Cứ gọi tôi là Nhiếp
Phong được rồi”. Nhiếp Phong trầm ngâm một lát rồi vào đề luôn.
“Nói như thế này nhé,
có lẽ cũng là theo thói quen nghề nghiệp. Tôi cảm thấy nguyên nhân cái chết của
Hồ Quốc Hào không hề đơn giản... thêm nữa nhân vật trang bìa trong tập san cuối
tháng của báo chúng tôi là Hồ Quốc Hào, bài phỏng vấn do tôi thực hiện. Ông ta mất
đột ngột, tôi buộc phải thông tin rõ cho tập san và mười mấy vạn độc giả biết”.
“Với cái chết của
Hồ Quốc Hào tôi cũng có cảm giác như vậy”. Tiểu Xuyên hơi phấn chấn.
“Nhưng hiện nay vẫn
chưa có manh mối nào cả”.
Nhiếp Phong nhìn Tiểu
Xuyên buột miệng nói: “Cái đẹp nơi nào cũng có, không phải đôi mắt chúng ta không
nhìn thấy cái đẹp mà chỉ là không phát hiện được cái đẹp” manh mối vụ án cũng giống
như vậy”.
“Đó là câu nói nổi
tiếng của Rodin(*).” Tiểu Xuyên tỏ vẻ khâm phục. “Nghe rất có lý”.
“Cậu tốt nghiệp trường
cảnh sát nào vậy?”. Nhiếp Phong hỏi.
(*) Auguste Rodin (1840-1917): Nhà điêu khắc nổi tiếng
người Pháp.
“Trường Đại học cảnh
sát cao cấp Tây Nam. Tôi tốt nghiệp năm ngoái và được điều về Thâm Quyến”.
“Trường cảnh sát cao
cấp Tây Nam?”. Khóe mắt Nhiếp Phong chợt lộ ra tia nhìn ấm áp thân thiết kỳ lạ.
“Anh đã từng đến trường
tôi rồi hả?”.
“Đâu chỉ đã đến”.
Nhiếp Phong bồi hồi “Nơi đó đối với tôi còn rất thân thuộc nữa cơ! Cả thời niên
thiếu của tôi diễn ra ở đó. Lầu quốc tự, bãi tập bắn, phòng luyện thể lực, chẳng
nơi nào không có dấu chân Nhiếp Phong này...”.
“Nói như thế, gia
đình anh ở trong trường?”.
Đúng lúc đó cô phục
vụ tóc đuôi ngựa mang cà phê đến: “Cà phê của anh đây ạ!”.
“Cảm ơn!”. Tiểu Xuyên
ra dấu cho cô gái đặt cà phê xuống, ánh mắt cô gái nhìn Nhiếp Phong không rời.
Cô phục vụ đặt cà
phê xuống, ném cái nhìn lúng liếng về phía Nhiếp Phong rồi mới quay người bước đi.
“Cậu đoán đúng đấy,
sau này tôi thi vào khoa truyền thông Đại học C Tứ Xuyên nên đã rời khỏi nơi đó”.
Nhiếp Phong nói: “Sau khi tốt nghiệp trở thành nhà báo, nhà văn tự do chưa có thành
công gì gọi là đáng kể, thoắt cái đã mười năm trôi qua”.
“Tôi nghĩ ra rồi”.
Tiểu Xuyên thốt lên kinh ngạc, hai mắt sáng rực như nhà thám hiểm phát hiện ra lục
địa mới. “Thảo nào ngay lần gặp đầu tiên tôi đã cảm thấy gương mặt anh có gì rất
quen. Anh có biết... thầy hiệu trưởng Nhiếp Đông Hải không?”.
“Có chứ”. Nhiếp Phong
gật đầu, nói rất từ tốn: “Là một ông già bảo thủ. Bố tôi”.
Tiểu Xuyên đứng bật
dậy, thi lễ theo nghi thức quân nhân. “Chúc hiệu trưởng Nhiếp khỏe!”.
Những vị khách xung
quanh giật mình nhìn họ một cách kỳ lạ.
Nhiếp Phong đưa mắt
sang hai bên bật cười ngượng, “Ngồi xuống đi, tôi không đại diện cho bố tôi được
đâu”.
“Vâng, vâng!”. Tiểu
Xuyên thẹn đỏ mặt ngồi xuống.
“Tôi cần phải làm
rõ một điều: Tôi là tôi, bố tôi là bố tôi. Cậu phải giữ bí mật này cho tôi đấy nhé”.
“Vâng, vâng!”. Tiểu
Xuyên gật đầu lia lịa. Nhiếp Đông Hải hiệu trưởng trường Đại học cảnh sát cao cấp
Tây Nam là một chuyên gia cảnh sát nổi tiếng khắp toàn quốc, ông mang quân hàm cao,
luôn nhận được sự kính trọng ngưỡng mộ của cán bộ trong ngành và tất cả học viên.
Từ giây phút đó, giữa
Nhiếp Phong và Tiểu Xuyên không còn khoảng cách, giữa họ nảy sinh cảm giác đặc biệt
vừa là đồng hương vừa là anh em. Hai người cùng thay đổi cách xưng hô.
“Thế thật là tốt,
anh Nhiếp có gì muốn tìm hiểu xin cứ hỏi em”.
“Mình cũng biết bên
cảnh sát có quy định riêng, những việc bảo mật thì cậu có thể không nhất thiết phải
nói. Mục đích của mình cũng chỉ là tìm ra chân tướng sự việc, đó cũng là nhiệm vụ
của một nhà báo, cho dù nguyên nhân nào đi nữa thì cái chết của Hồ Quốc Hào cũng
rõ ràng rất đột ngột...”.
“Em cũng có nhận định
như vậy”. Tiểu Xuyên phụ họa.
“Bên cậu chắc đã có
cuộc họp phân tích vụ án, đúng không?”. Nhiếp Phong nâng tách lên có ý bảo Tiểu
Xuyên uống cà phê, sau đó tự thưởng thức một ngụm.
“Nếu như Hồ Quốc Hào
chết do ‘bị sát hại’ thì ba người đáng nghi nhất đó là: Châu Chính Hưng, Chu Mỹ
Phượng, Hồng Diệc Minh đúng không?”.
Tiểu Xuyên kinh ngạc,
đặt vội tách cà phê định uống xuống. “Làm sao anh lại biết nhỉ?”.
“Cứ uống đi”. Nhiếp
Phong hướng về phía cậu ta gật đầu giải thích tiếp. “Đó là cách suy luận thông thường,
không quá khó đoán bởi cả ba người Châu, Chu, Hồng đều là những người sẽ được hưởng
lợi nhiều nhất từ cái chết của Hồ Quốc Hào. Châu Chính Hưng, phó tổng giám đốc Địa
Hào Trí Nghiệp là người có cổ phần đứng thứ hai trong tập đoàn. Theo tài liệu của
cơ quan hữu quan, Hồ Quốc Hào chiếm 54% cổ phần, Châu Chính Hưng có 36%, 10% còn
lại thuộc về một số cổ đông khác trong công ty. Địa Hào Trí Nghiệp được thành lập
tại Thâm Quyến. Hồ Quốc Hào bỏ ra số vốn ba phảy sáu triệu tệ, Châu Chính Hưng góp
một miếng đất. Việc kinh doanh ngày càng phất lên, đó là dựa vào tính quyết đoán
và dám nghĩ dám làm của Hồ Quốc Hào, cộng thêm các mối quan hệ và hiểu biết thị
hiếu người dân địa phương của Châu Chính Hưng. Song Châu Chính Hưng vốn là người
cẩn thận lại hiền lành, nên không thể quản được thói hách dịch liều lĩnh của Hồ
Quốc Hào. Và anh ta cũng là người kiên quyết nhất không tán thành chiến lược kinh
doanh đầy mạo hiểm của Hồ Quốc Hào. Do đó hai người nảy sinh nhiều mâu thuẫn, sau
này lại càng không thể hòa hợp được...”.
“Anh Nhiếp làm sao
có thể điều tra cụ thể như thế được?”. Tiểu Xuyên tỏ ra rất khâm phục.
“Chuyện ấy không có
gì khó, trước khi phỏng vấn Hồ Quốc Hào mình đã thu thập rất nhiều thông tin liên
quan đến Địa Hào Trí Nghiệp”. Nhiếp Phong tiếp lời: “Một nhà báo giỏi cần phải có
cái mũi của loài chó săn”.
Viên cảnh sát trẻ
Tiểu Xuyên thầm nghĩ “Là người cảnh sát giỏi cũng cần khả năng đó” song cậu không
nói ra mà chỉ hỏi: “Tại sao anh lại coi Chu Mỹ Phượng là nghi can số hai?”.
“Gì cơ? Mình đâu có
nói Chu Mỹ Phượng là nghi can số hai”. Nhiếp Phong khẽ mỉm cười.
“Đương nhiên khi Hồ
Quốc Hào chết 54% cổ phần đó sẽ rơi vào tay cô ta và cô ta mới là người được hưởng
lợi nhiều nhất. Qua tiết lộ của đám nhân viên trong công ty, Mỹ Phượng kết hôn với
Hồ Quốc Hào sáu năm về trước, cô ta vốn là nhân viên trong một quán karaoke lớn
nhất Thâm Quyến. Giọng hát rất hay, vóc dáng lại cực kỳ xinh đẹp quyến rũ nên rất
nhiều đại gia săn đón song cũng là người biết giữ mình, không để điều tiếng gì.
Sau này kết hôn với Hồ Quốc Hào được ông ta bỏ vốn mở một thẩm mỹ viện giao cho
quản lý. Bình thường cô ta không bao giờ hỏi đến công việc kinh doanh của chồng,
cũng hiếm khi đến công ty, chồng mình rốt cuộc có bao nhiêu tài sản, e là cô ta
cũng không nắm rõ”.
“Ồ, thì ra là như
vậy!”. Tiểu Xuyên trầm tư.
“Về Hồng Diệc Minh,
ông chủ Đại Đông các cậu cũng biết đó là đối thủ cạnh tranh lớn nhất đối với Địa
Hào Trí Nghiệp, hơn nữa ông ta cũng là người cuối cùng tiếp xúc với Hồ Quốc Hào
vào buổi tối ngày hai mươi tư tháng sáu”. Nhiếp Phong tiếp tục phân tích: “Nghi
ngờ ông ta là điều hoàn toàn phù hợp với logic”.
Tiểu Xuyên có chút
không hiểu: “Phù hợp logic?”.
“Đúng”. Nhiếp Phong
trả lời và chỉ ra cho Tiểu Xuyên rõ.
“Mình nghĩ trong bữa
ăn cuối cùng của Hồ Quốc Hào tại Đại Mai Sa, những gì mà bọn họ nói với nhau là
đầu mối vô cùng quan trọng”.
“Rất cảm ơn anh đã
chỉ bảo thêm”.