Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển IX - Chương 158 - 159
158.
Bản án oan khuất[1]
[1] Oan ngục.
Chu sinh
người huyện Dương Cốc (tỉnh Sơn Đông), tuổi trẻ tính hời hợt, ưa đùa cợt. Vì vợ
chết nên tới gặp bà mối, nhân thấy vợ người láng giềng của bà ta xinh đẹp bèn
nói đùa: “Quý hàng xóm đẹp quá, nếu ta cưới được thì hay lắm.” Bà mối cũng đùa
rằng: “Cứ giết chồng người ta đi, thì ta sẽ tính giùm cho.” Sinh cười nói: “Được
thôi.” Hơn tháng sau, chồng người ấy đi đòi nợ bị giết ngoài đồng. Quan huyện
sai bắt chức dịch trong làng, đánh đập tóe máu nhưng rốt lại vẫn không có manh
mối gì. Chỉ có bà mối kể lại chuyện sinh nói đùa, quan vì thế nghi là Chu sinh,
sai bắt tới hỏi thì nhất quyết không nhận. Quan huyện lại ngờ rằng người đàn bà
tư thông với sinh, sai bắt luôn, tra tấn rất tàn khốc, người đàn bà không chịu
nổi bèn nhận bừa. Quan lại tra hỏi Chu, Chu nói: “Đàn bà yếu ớt không chịu đau
nổi nên nhận bừa, có điều đã chết oan còn mang thêm tiếng xấu bất trinh, giả
như quỷ thần vô tri thì ta cũng không nỡ. Thôi để ta khai thật, đúng đấy, ta
muốn giết chồng để lấy người vợ, chuyện này đều do ta làm, nàng ta không biết
gì đâu.”
Hỏi có
chứng cớ gì không, sinh đáp là có chiếc áo vấy máu làm bằng. Quan sai tới nhà
lục soát thì không thấy, lại tra tấn, Chu chết đi sống lại mấy lần bèn nói: “Đây
là vì mẹ ta không nỡ đưa ra để ta phải chết thôi, để ta tự đi lấy.” Quan cho
giải về nhà, sinh nói với mẹ: “Đưa áo con ra thì con phải chết, mà không đưa ra
thì con cũng chết. Đàng nào con cũng chết, thôi mẹ đưa ngay ra đây đi.” Bà mẹ
khóc đi vào phòng, lát sau cầm tấm áo đưa ra. Quan khám nghiệm thấy đúng là có
vết máu, kết án xử chém sinh, bàn đi xét lại nhiều lần không ai nói gì khác,
được hơn một năm thì định ngày hành quyết. Hôm ấy quan huyện vừa mới điểm danh
phạm nhân chợt có một người đi thẳng vào công đường, trợn mắt nhìn quan huyện
mắng lớn: “Ngươi mù mờ như thế làm sao coi việc dân?” Bọn nha dịch mấy mươi
người xúm vào bắt, người ấy gạt tay một cái, cả đám ngã dúi dụi. Quan huyện
khiếp sợ toan chạy, người ấy nói lớn: “Ta là Chu Tướng quân dưới trướng Quan Đế[2] đây! Tên quan ngu xuẩn
kia mà nhúc nhích thì ta giết chết tươi đấy!” Quan huyện run sợ đứng im, người
ấy nói: “Kẻ giết người là Cung Tiêu, chứ họ Chu có dính líu gì tới?” Nói xong
ngã lăn xuống đất ngất đi, lát sau tỉnh lại, mặt không còn chút máu, hỏi tên họ
thì là Cung Tiêu.
[2] Tức Chu Thương, cận tướng của Quan Vũ
nhà Thục Hán, khi Quan Vũ bị Đông Ngô giết thì tự tử chết theo, về sau cũng
được thờ cúng chung với Quan Vũ, là người mặt đen cầm thanh long đao đứng hầu
vẫn thường được vẽ trong các bức tranh Quan Vũ đọc kinh Xuân thu trước nay.
Bắt lấy
tra hỏi thì y nhận hết tội. Té ra Cung vốn là kẻ liều lĩnh, biết là người kia
đi đòi nợ về, cho rằng có mang nhiều tiền trong người bèn giết chết, nhưng
chẳng được đồng nào. Nghe Chu sinh nhận tội bừa, trong lòng ngầm lấy làm may
mắn, nhưng hôm ấy bỗng tự đi vào công đường mà không biết gì cả. Quan huyện hỏi
Chu lấy chiếc áo vấy máu ở đâu ra, Chu cũng không rõ, gọi mẹ Chu lên hỏi, thì
ra là bà cắt cánh tay lấy máu bôi vào, khám tới cánh tay trái của bà thì thấy
có vết dao cắt vào còn chưa lành hẳn. Quan huyện cũng kinh ngạc, sau đó bị hặc
tội vì vụ này, kế bị cách chức giam cầm rồi chết. Hơn năm sau mẹ người đàn bà
muốn gả chồng cho con, nàng cảm nghĩa của Chu, bèn lấy Chu.
Dị Sử thị nói: Xét án là phận
sự hàng đầu của kẻ làm quan, vun bồi âm đức hay vùi lấp lẽ trời đều là ở đó nên
không thể không cẩn thận vậy. Nóng nảy dữ tợn, làm trái đức hòa thì không những
làm việc xét án kéo dài mà còn khiến cho sinh dân thương tổn. Một kẻ đi kiện
thì mấy người bỏ ruộng nương, một vụ xử xong thì mười nhà tan cơ nghiệp, há lại
coi là chuyện nhỏ sao! Ta thường nói kẻ làm quan không nhận xử kiện nhiều tức
là có đức tốt mà không phải chuyện trọng đại thì chẳng cần tra xét, không phải
việc khó khăn thì bất tất lưu tâm. Như có bọn dân quê trên núi trong làng, vì
ngẫu nhiên tranh nhau con vịt con gà mà đi thưa đi kiện, thì chẳng qua chỉ cần
một câu nói của quan trên là đủ thu xếp yên chuyện thôi. Thế mà không chịu chu
toàn cho người ta, đòi cả bên nguyên bên bị tới, lập tức đánh đập tra khảo, tới
nỗi roi hèo gãy hết, như vậy đâu phải là quan huyện thần minh? Vẫn thấy có ông
quan huyện xử kiện vừa phát trát đòi đi thì hầu như đã quên bẵng, mà kẻ sai
dịch đi bắt người túi chưa đầy thì không cho thấy trát quan, kẻ thư lại xếp
lịch xử tiền chưa cầm thì không chịu trình án kiện, che giấu dằng dai, kéo dài
ngày tháng, dân đen chưa kịp ra tới công đường thì xương thịt đã tan nát cả
rồi.
Thế mà kẻ nghiễm nhiên làm cha mẹ dân cứ ngủ kỹ
trên giường như là vô sự, nào biết rằng trong chốn ngục tù nguy ngập có vô số
oan hồn đang thoi thóp dài cổ trông chờ được cứu ra đâu? Nếu đúng kẻ gian ác
bất lương, thật không đáng tiếc, nhưng là người thiện lương vô tội, chịu vậy
sao kham? Huống chi trong những kẻ bị liên can thì thường kẻ gian ác ít, người
lương thiện nhiều, mà người lương thiện lại thường bị hại nhiều gấp bội kẻ gian
ác. Tại sao lại như thế? Vì kẻ gian ác thì khó hành hạ, mà người lương thiện
thì dễ khinh khi vậy. Cho nên sai dịch chửi mắng, thư lại vòi tiền, đều nhằm
vào người lương thiện mà trút lòng tham bạo. Thường dân đen bước vào cửa công
như đi trên lửa đỏ, xử án sớm được một ngày là sống yên sớm được một ngày, nên
có chuyện gì lớn thì nhìn lên công đường thẫn thờ như người chết rồi, chỉ lo
không đủ tiền để lấp đầy túi tham, đành nghĩ muốn yên thân còn phải nhiều ngày
tháng. Như thế thì tuy quan trên không tàn bạo nhưng thật ra cũng có tội ngang
bọn sai dịch thư lại vậy. Thường thấy trong các đơn kiện thì kẻ cần phải đòi
tới chẳng qua chỉ có vài ba người, còn lại đều là dân đen vô tội bị thêu dệt vu
cáo mà thôi. Có khi vì ngày thường hiềm khích nên thành oán thù, có khi là
trong nhà có của nên bị ghen ghét, bên nguyên đối với kẻ bị kiện chính thì mới
ra sức làm sao cho bị khép tội, chứ đối với số còn lại thì chỉ là để trả thù
vặt. Nhưng người bị thưa kiện thì tựa hồ bị ung nhọt trong xương, chịu đủ tội ở
cửa công cũng phải muôn ngàn đau đớn, người ta quỳ cũng quỳ, tựa chim theo lũ,
người ta bước cũng bước, như khỉ bị xiềng. Nhưng xét lại thì quan trên không
hỏi, thư lại không tra, thật ra đều hoàn toàn vô dụng trong việc xét xử, có
điều bấy nhiêu cũng đủ khuynh gia bại sản mà nuôi béo lũ thư lại tham lam, bán
vợ đợ con để thỏa dạ bọn tiểu nhân thù vặt rồi. Rất mong những người làm quan
gặp việc kiện tụng thì xét sơ qua một lượt đã, kẻ cần bắt thì ra lệnh bắt, kẻ
không cần bắt thì thôi. Chẳng qua chỉ rung quản bút, động cổ tay mà đã là bảo
toàn cho ít nhiều gia đình, bồi bổ vào ít nhiều nguyên khí trong thiên hạ rồi.
Người làm chính sự đã không nghĩ tới việc ấy, lại còn chăm chăm dùng gông cùm
đao kiếm, để giết người sao?
159. Phu nhân nhà họ Lưu[1]
[1] Lưu phu nhân.
Liêm sinh
người huyện Chương Đức (tỉnh Hà Nam), lúc trẻ ham học nhưng mồ côi sớm, nhà rất
nghèo. Một hôm đi khỏi nhà, tối về lạc đường vào một thôn nọ, gặp một bà già đi
tới nói: “Liêm công tử đi đâu thế, trời tối lắm rồi.” Sinh đang lo lắng nên
cũng không kịp hỏi là ai, chỉ xin ngủ nhờ. Bà già dẫn sinh đi tới một phủ đệ
lớn, có hai a hoàn cầm đèn lồng đưa một người đàn bà ra, thấy khoảng hơn bốn
mươi tuổi, cử chỉ phong thái ra dáng đại gia. Bà già bước lên thưa: “Liêm công
tử đã tới,” Sinh vội rảo bước tới làm lễ, người đàn bà vui vẻ nói: “Công tử tuấn
tú lắm, đâu phải chỉ là một phú ông.” Lập tức bày tiệc đón tiếp, ngồi bên cạnh
mời mọc rất ân cần, nhưng riêng mình nâng chén không mấy khi uống, cầm đũa
không mấy khi gắp.
Sinh ngại
ngùng áy náy, mấy lần hỏi thăm gia thế, bà cười đáp: “Cứ uống cạn ba chén lớn
ta sẽ nói cho chàng biết.” Sinh uống xong, bà nói: “Chồng ta họ Lưu, làm khách
ở Giang Tả (vùng Giang Tây) gặp tai biến chết rồi. Ta góa bụa sống một mình ở
nơi vắng vẻ này, nhà cửa ngày càng sa sút. Tuy có hai đứa cháu nội nhưng nếu
không phải lũ ăn tàn phá hại thì cũng là hạng bất tài vô dụng. Công tử tuy khác
họ nhưng kiếp trước là ruột thịt, vả lại tính tình thuần hậu cẩn thận nên ta
mới ra mặt gặp gỡ. Cũng chẳng có chuyện gì phiền, chỉ là ta có một ít vàng chôn
giấu, muốn gởi công tử đem đi buôn bán, có lời thì chia, cũng không tới nỗi
chết già không được ai biết.” Liêm từ chối, lấy cớ tuổi còn trẻ lại chỉ là kẻ
học trò khờ khạo, sợ phụ sự ủy thác lớn lao.
Bà nói: “Đọc
sách trước hết là để mưu sinh, công tử lại vốn thông minh, chuyện gì mà không
làm được.” Rồi sai tỳ nữ mang vàng ra giao, tất cả hơn tám trăm lượng, sinh lo
sợ cố từ chối. Bà nói: “Ta cũng biết công tử chưa quen giao thiệp buôn bán,
nhưng cứ thử xem, chắc chắn không thua lỗ đâu.” Sinh lo rằng số vốn lớn như thế
thì một người không đủ sức coi sóc nên bàn họp bạn đi buôn chung. Bà nói: “Không
cần đâu, chỉ cần tìm một người thành thật tháo vát theo giúp công tử là đủ.” Lại
bấm đốt tay tính toán, nói: “Được người họ Ngũ thì rất tốt.” Rồi sai đầy tớ
thắng ngựa chở vàng đưa sinh về, nói: “Đến cuối năm xin chờ làm tiệc tẩy trần.”
Lại ngoảnh lại dặn người đầy tớ rằng: “Con ngựa này thuần, có thể cưỡi được,
vậy tặng luôn cho công tử, khỏi cần dắt về.” Sinh về tới nhà thì đã canh tư
người đầy tớ buộc ngựa rồi chào về. Hôm sau sinh đi khắp nơi tìm người giúp
việc, quả được một người họ Ngũ, bèn trả công hậu để thuê. Ngũ già đời trong
việc đi xa, lại là người ngu tối vụng về song cẩn thận, sinh đưa hết tiền bạc
cho giữ, cùng nhau qua lại buôn bán ở Kinh Tương (vùng Hồ Nam).
Cuối năm
trở về, tính lại thì vốn đã tăng gấp ba lần, sinh cho rằng nhờ sức của Ngũ
nhiều, nên ngoài công xá còn thưởng thêm cho rất hậu, định là không cho chủ
nhân biết. Vừa về tới nơi, người đàn bà đã sai người ra đón, hai người cùng
vào. Thấy trên sảnh đã bày tiệc sẵn, người đàn bà bước ra, hết lời khen ngợi an
ủi. Sinh nộp cả tiền bạc, tính hết sổ sách, nhưng bà không ngó ngàng gì tới.
Giây lát mời vào tiệc, có cả ban hát ca múa nhộn nhịp, Ngũ cũng được mời tiệc
riêng ở nhà ngoài, say khướt mới về. Sinh thì vì chưa có vợ nên ở lại ăn Tết
luôn. Hôm sau lại xin tính toán sổ sách, người đàn bà cười nói: “Sau này không
cần làm thế nữa, ta đã biên chép từ lâu rồi.” Rồi giở sổ cho sinh xem, thấy ghi
chép rất rành mạch, ngay cả khoản thưởng thêm cho Ngũ cũng thấy có trong đó,
sinh kinh ngạc nói: “Phu nhân quả là người thần.” Qua mấy hôm, cho ăn ở rất chu
tất, đãi sinh như con cháu trong nhà. Một hôm bày tiệc trên sảnh, đặt một ghế
chủ một ghế khách dưới thềm cũng bày một bàn, nói với sinh rằng: “Ngày mai là
ngày Tài tinh lâm chiếu, đúng dịp nên lên đường, hôm nay ta bày tiệc tiễn chủ
tớ công tử cho thêm phần khởi sắc.” Ngũ cũng được gọi tới, cho ngồi ở bàn dưới
thềm. Một lát thì ban hát ra diễn, chiêng trống vang tai, người của ban hát
bước lên trình danh sách các vở tuồng. Sinh bảo diễn vở Đào Chu giàu có[2], người đàn bà cười nói: “Đó
là điềm báo trước đấy, chắc công tử sẽ được Tây Thi làm nội trợ.”
[2] Đào Chu giàu có: Đào Chu tức Phạm Lãi,
người thời Xuân Thu, theo giúp Việt Vương Câu Tiễn, sai mỹ nhân là Tây Thi qua
dùng sắc đẹp để quyến rũ Ngô vương Phù Sai, ly gián triều đình, làm rối triều
chính nước Ngô. Sau khi Câu Tiễn diệt Ngu, Phạm Lãi bỏ quan, đưa Tây Thi rời
nước Việt, thay tên đổi họ đi buôn bán khắp nơi, trở thành cự phú, sau cùng ở
lại nước Tề, tự xưng là Đào Chu công.
Tan tiệc
lấy toàn bộ số vàng đưa sinh, nói: “Lần này đi không kể ngày tháng, nếu không
thu được vạn lượng vàng xin đừng về. Ta với công tử nương dựa nhau do phúc
mệnh, tin cậy nhau như gan ruột, đừng nhọc công làm sổ sách làm gì. Việc bán
buôn lời lỗ ở phương xa thế nào tự ta có thể biết được,” sinh vâng dạ lui về.
Rồi lên đường tới đất Hoài Thương (huyện Hoài Ân tỉnh Giang Tô) xin làm thầu
buôn muối, hơn một năm thì vốn đã tăng gấp mấy lần. Nhưng sinh ham học, ngoài
những lúc tính toán buôn bán vẫn không quên sách vở, bạn bè cùng giao du đều là
kẻ văn sĩ. Lại thấy đã có nhiều tiền nên thầm muốn nghỉ buôn bán, dần dần giao
hết công việc cho Ngũ. Sinh chơi thân với Tiết sinh ở huyện Đào Nguyên (tỉnh Hồ
Nam), nhân đi ngang ghé thăm, nhưng cả nhà đều đang ở chỗ khác. Trời đã tối
không sao gọi về, người giữ cổng giữ sinh lại, dọn giường nấu cơm tiếp đãi.
Sinh hỏi kỹ về chủ nhân, thì ra đại để lúc ấy người ta đồn nhảm rằng triều đình
muốn tuyển con gái nhà lương dân làm lễ vật hòa thân để yên biên cương, dân gian
náo động, nghe nói ai trẻ tuổi chưa vợ thì không cần mai mối, cứ đưa con gái
tới tận nhà gả cho, tới nỗi có người trong một đêm cưới luôn được hai vợ.
Tiết cũng
vừa cưới một người vợ con nhà vọng tộc, nhưng sợ xe ngựa rầm rập quan huyện
biết được nên rời về ở trong làng. Gần hết canh một, sinh vừa đi nằm chợt nghe
tiếng mấy người gọi cổng vào nhà, không rõ người giữ cổng nói gì, chỉ nghe một
người hỏi: “Quan nhân đã không có nhà, vậy ai thắp đèn trong kia?” Người giữ
cổng đáp là Liêm công tử, khách từ xa tới. Giây lát người vừa hỏi bước vào, áo
mũ đẹp đẽ, vừa chào xong đã hỏi ngay tên họ quê quán. Sinh đáp xong, người ấy
mừng rỡ nói: “Té ra là đồng hương với ta, vậy nhạc gia là ai thế.” Sinh đáp còn
chưa có vợ, người ấy càng vui mừng, rảo bước ra gọi một thiếu niên cùng vào,
làm lễ chào hỏi rất cung kính rồi nói: “Thưa thật với công tử, bọn ta họ Mộ,
đêm nay tới đây là đưa cô em tới gả cho Tiết quan nhân, gặp tình cảnh thế này
đang không biết làm sao, tiến lui đều khó, lại gặp được công tử há chẳng phải
là số phận ư?”
Sinh vì
chưa biết họ là ai nên còn ngần ngừ chưa dám ưng thuận, Mộ lại mặc kệ lời từ
chối, cứ gọi người đưa cô dâu vào. Phút chốc có hai bà già đưa một cô gái vào
ngồi trên giường, sinh liếc nhìn thấy khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, xinh đẹp
không ai bằng. Sinh mừng rỡ, sửa mũ áo tạ ơn Mộ, lại bảo ngươi giữ cổng dọn
rượu tiếp đãi, cùng nhau trò chuyện rất vui vẻ. Mộ nói: “Tổ tiên bọn ta vốn là
người huyện Chương Đức, dòng họ bên mẹ cũng là thế gia nhưng nay đã sa sút.
Nghe nói ông bà ngoại còn có hai người cháu nội, không rõ tình cảnh ra sao.”
Sinh hỏi họ tên, Mộ đáp: “Ông ngoại bọn ta họ Lưu tên Huy Nhược, nghe nói cư
ngụ cách huyện thành ba mươi dặm về phía bắc.” Sinh nói: “Nhà ta ở phía đông
nam huyện thành, cách nơi ấy khá xa, lại tuổi còn nhỏ nên giao thiệp chưa
nhiều, quen biết cũng ít. Trong huyện có rất nhiều người họ ấy, nhưng nghe nói
phía bắc huyện thành có Lưu Kinh Khanh, cũng là bậc văn sĩ nhưng không rõ có
đúng không, có điều nhà thì nghèo.” Mộ nói: “Mồ mả tổ tiên bọn ta vẫn còn ở huyện
Chương Đức, vẫn muốn đưa quan tài cha mẹ về ở quê cũ nhưng vì chưa lo đủ tiền
bạc nên còn lần lữa. Nay em gái bọn ta được theo công tử về, bọn ta càng quyết
ý về quê.” Sinh nghe thế, khảng khái nhận sẽ thu xếp. Hai người họ Mộ rất vui
mừng, uống vài chén rượu rồi chào về. Sinh bảo người hầu thay đèn đi ngủ, đêm
ấy vợ chồng yêu thương nhau rất đằm thắm.
Hôm sau
Tiết nghe tin vội trở vào thành, xây một dãy nhà riêng cho sinh ở. Sinh trở lại
đất Hoài, tính toán tiền bạc xong, lưu Ngũ ở lại rồi mang hành trang tiền bạc
về lại Đào Nguyên, cùng hai người họ Mộ đưa quan tài cha mẹ và cả hai gia đình
về quê. Về tới nhà, sinh thu xếp đâu đó xong, đem tiền bạc tới chỗ chủ nhân thì
thấy người đầy tớ dắt ngựa trước kia đã đứng đón trên đường đưa vào nhà. Người
đàn bà ra đón, vui vẻ nói: “Đào Chu công đưa được Tây Thi về rồi. Hôm trước là
khách, chứ hôm nay là cháu rể của ta rồi đấy nhé.” Rồi bày tiệc đón mừng, đối
xử càng thêm thân thiết. Sinh khâm phục là có tài biết trước, bèn hỏi phu nhân
cùng mẹ vợ mình có họ hàng xa gần thế nào, bà đáp đừng hỏi, về sau sẽ tự biết
thôi. Rồi chất vàng lên bàn, chia làm năm phần, tự mình lấy hai phần, nói: “Ta
thì chẳng dùng gì tới, chỉ giữ lại để cho cháu đích tôn thôi.” Sinh thấy phần
mình quá nhiều, chối từ không nhận. Bà buồn rầu nói: “Nhà ta sa sút, cây cối
trong sân bị người ta chặt làm củi, cháu nội lại ở xa quá, cửa nẻo ngày càng
tiêu điều, phiền công tử lo giùm.” Sinh vâng dạ, nhưng xin chỉ nhận một nửa số
vàng. Bà ép cầm cả rồi tiễn sinh ra cổng, gạt lệ quay vào. Sinh lấy làm lạ lùng
ngờ vực, ngoảnh lại nhìn tòa phủ đệ thì là ngôi mộ lớn, mới hiểu ra rằng phu
nhân chính là bà ngoại vợ mình. Về tới nhà bèn xuất tiền mua một khoảnh ruộng
quanh mộ, tu bổ dọn dẹp rất đẹp đẽ tươm tất.
Họ Lưu có
hai cháu nội, lớn tức Kinh Khanh còn thứ tên Ngọc Khanh, là kẻ rượu chè cờ bạc
lêu lổng, cả hai đều nghèo. Hai anh em tới nhà sinh tạ ơn, sinh đều tặng cho
rất hậu, từ đó thường qua lại với nhau. Sinh kể đầu đuôi việc mình đi buôn,
Ngọc Khanh nghĩ thầm rằng trong mộ ắt có vàng, đêm tối rủ mấy tên cờ bạc tới
đào mộ tìm, phá vỡ quan tài phơi cả xương cốt ra nhưng không được chút gì, thất
vọng tản đi. Sinh được tin mộ bị phá, báo cho Kinh Khanh, Kinh Khanh tới gặp
sinh rồi cùng đi xem. Vào tới huyệt mộ thì thấy số vàng phu nhân giữ lại trước
đây vẫn chồng chất trên án, Kinh Khanh muốn chia đôi với sinh. Sinh nói: “Phu
nhân giữ số vàng này lại vốn là để chờ dịp cho huynh thôi mà,” Kinh Khanh bèn
chở cả về. Kế báo lên huyện, quan tư lùng bắt rất gấp, sau bắt đước người bán
một chiếc trâm ngọc trong mộ, tra hỏi mới biết Ngọc Khanh là kẻ chủ mưu. Quan
huyện muốn trị tội Ngọc Khanh thật nặng, Kinh Khanh hết sức kêu xin cho mới
được khỏi tội chết. Cả hai nhà cùng ra sức sửa sang trong ngoài ngôi mộ, so ra
còn bền chắc đẹp đẽ hơn lúc trước. Từ đó Liêm Lưu cùng giàu có, duy Ngọc Khanh
vẫn nghèo như cũ. Sinh và Kinh Khanh thường chu cấp cho, song rốt lại vẫn không
đủ cho y cờ bạc. Một đêm có bọn cướp vào nhà sinh trói người khảo của, sinh
chôn vàng cứ một ngàn năm trăm lượng vàng là một vò, bèn chỉ chỗ cho chúng đào,
bọn cướp lấy được hai vò. Lúc ấy chỉ có con ngựa ma trong tàu, chúng bèn thắng
cương vào chở vàng đi, lại bắt sinh theo, ra tới ngoài đồng mới thả cho về.
Người
trong thôn thấy ánh đèn đuốc của bọn cướp còn chưa xa lắm, hò hét đuổi theo,
chúng hoảng hốt bỏ chạy. Mọi người đuổi tới chỗ ngôi mộ thì thấy vàng rơi tung
toé trên đường mà con ngựa thì biến thành tro giấy, mới biết con ngựa cũng là
ma. Đêm ấy nhà sinh chỉ mất có một chiếc vòng vàng mà thôi. Vốn trước đó bọn
cướp bắt vợ sinh, thấy nàng xinh đẹp toan cưỡng hiếp, nhưng có một tên đeo mặt
nạ quát thét bảo thôi, giọng nói giống như Ngọc Khanh. Bọn cướp bèn tha vợ
sinh, chỉ lột chiếc vòng vàng nàng đeo ở tay. Sinh vì vậy ngờ đó là Ngọc Khanh,
nhưng cũng thầm cám ơn y. Sau bọn cướp bán chiếc vòng vàng đánh bạc, bị công
sai bắt được, tra hỏi bè đảng thì quả trong đó có Ngọc Khanh. Quan huyện tức
giận, dùng trọng hình trị tội. Kinh Khanh bàn với sinh định đem nhiều tiền lo
lót để cứu, nhưng chưa kịp làm gì thì Ngọc Khanh đã chết trong ngục, từ đó sinh
vẫn cấp dưỡng cho vợ con y. Về sau sinh thi đỗ Cử nhân, con cháu mấy đời đều
giàu có. Than ôi, tự dạng chữ “tham” ngang sổ chấm phết rất giống chữ “bần”,
hạng người như Ngọc Khanh đủ để làm điều răn vậy.