Việt sử giai thoại (Tập 6) - Chương 61 - 65
61 - TRĂM LẠY HAI VỊ TƯỚNG QUÂN
Sách Đại Nam thực
lục (Tiền biên, quyển 6) đã chép khá nhiều đoạn về hoạt động của quân
đội Đàng Trong tại Gia Định. Hai trong số các vị tướng được nhắc nhở tới nhiều
hơn cả là Mai Vạn Long và Nguyễn Hữu Hào, chỉ tiếc là nhắc tới với nhiều việc
làm không hay. Xin tóm lược sách trên mà kể như sau:
Năm 1679, các tướng Dương
Ngạn Địch (cũng gọi là Dương Nhị) và Hoàng Tiến đem quân đến Mỹ Tho, tổ chức
khai khẩn đất đai vùng này. Năm 1688, Hoàng Tiến nổi loạn, giết chết Dương Ngạn
Địch, và điều ấy khiến cho chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691) rất lo ngại.
Chúa đang bàn kế đối phó thì có chức Đội trưởng là Trương Thiêm Lộc xin tiến cử
Mai Vạn Long cầm quân vào Nam. Bấy giờ, Mai Vạn Long đã ngót sáu chục tuổi, sức
đã yếu, Chúa có ý ngần ngại, nhưng Trương Thiêm Lộc ví Mai Vạn Long cũng chẳng
kém gì Mã Viện của Trung Quốc thuở nào nên Chúa đã chấp thuận. Trương Thiêm Lộc
cố sức tiến cử Mai Vạn Long, chẳng qua cũng chỉ vì Mai Vạn Long là cậu ruột, và
quan trọng hơn, Trương Thiêm Lộc nghe đồn rằng Gia Định là đất giàu có, Mai Vạn
Long mà vào đó thì thế nào Trương Thiêm Lộc cũng được nhờ. Đến nơi, Mai Vạn
Long đã lập mưu và trừ được Hoàng Tiến, nhưng rồi ông lại bị một người đàn bà
tên là Chiêm Rao Luật (cũng viết là Chiêm Dao Luật) mê hoặc, khiến cho quân sĩ
dưới quyền bất bình, bởi Mai Vạn Long chỉ mới làm được một việc trong số nhiều
việc Chúa giao mà đã lo nghỉ ngơi vui thú.
Chúa Nguyễn Phúc Trăn hay
tin, giận lắm, liền sai tướng Nguyễn Hữu Hào (anh của Nguyễn Hữu Cảnh, con của
Nguyễn Hữu Dật) cầm quân vào Nam, nhân danh Chúa, cách chức Mai Vạn Long và làm
nốt những việc còn lại. Nguyễn Hữu Hào vào, lúc đầu ông đã tuyên bố nhiều câu
có vẻ rất kiên quyết thực thi mệnh chúa, nhưng rồi Chiêm Rao Luật tới, nói mấy
lời nỉ non đưa đẩy, Nguyễn Hữu Hào cũng bị ngã quy, chẳng khác gì Mai Vạn Long.
Tin chẳng lành này chẳng mấy chốc đã bay về phủ Chúa.
Sách trên cho hay, chúa
Nguyễn Phúc Trăn tức giận, liền lột hết chức tước và đuổi Nguyễn Hữu Hào về làm
thứ dân.
Mai Vạn Long và Nguyễn Hữu
Hào, thân là tướng cầm quân mà tai thích nghe lời nỉ non, lòng còn mải mê vui
thú, thì trước sau gì cũng thân bại danh liệt.
Khi người phụ nữ có nhan sắc,
lại có tài sử dụng nhan sắc cho những ý đồ mãnh liệt của họ, thì xin hãy liệu
chừng hỡi tất cả nam nhi. Dũng mãnh như Mai Vạn Long tướng quân và Nguyễn Hữu
Hào tướng quân mà còn phải đầu hàng nữa là...
Trăm lạy hai vị tướng quân!
62 - BÁN MỘT DẢI GIANG SƠN LẤY 4000
LẠNG BẠC!
Chép việc của tháng 10 năm
Kỉ Tị (1689), sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính
biên, quyển 34, tờ 23 và 24) có đoạn như sau:
"Thôn Na Oa, châu Lộc
Bình (Lạng Sơn) là nơi đất đai rộng rãi và mầu mỡ, nằm tiếp giáp với châu Tư
Lăng (của Trung Quốc - ND). Thổ tù là Vi Đức Thắng đời đời cư ngụ ở đất này.
Gần đây, vì biên giới phương
Bắc bất ổn, đất đai phần nhiều bị bỏ hoang, nhân cơ hội ấy (Vi) Đức Thắng bèn
xâm chiếm luôn bảy thôn của châu Tư Lăng rồi chiêu tập dân ở biên giới đến lập
thành thôn trại.
Thổ tù châu Tư Lăng là Vi
Vinh Diệu đem việc này tố cáo với quan Tổng đốc Quảng Tây (của nhà Thanh) là
Ngô Hưng Tộ. Vả chăng, (Vi) Vinh Diệu thấy đất Na Oa mầu mỡ nên cũng muốn nhân
đó để lấy hết về cho mình. Việc này, triều đình đã từng cho đưa công văn lên để
cùng khám xét, nhưng suốt cả mấy năm trời vẫn chưa xong.
Sau, triều đình sai Đoàn
Tuấn Khoa cùng với quan Giám sát Ngự sử là Lê Chí Tuân sang phủ Tư Thành (thuộc
Quảng Tây - ND) của nhà Thanh để hội khám. Có viên quan trong quân phủ của nhà
Thanh là Lân Sần hỏi Vi Đức Thắng rằng:
- Bên tả và bên hữu của động núi thì gọi là gì?
(Vi) Đức Thắng không sao trả
lời được, thành ra cuộc hội khám này bất thành. Triều đình đành đình chỉ chức
Bồi tụng của (Đoàn) Tuấn Khoa.
Đến đây, triều đình lại sai
(Đoàn) Tuấn Khoa đi hội khám. Về phía nhà Thanh, nhà Thanh cử viên quan trong
quân phủ của phủ Tư Minh là người họ Trần, cùng với viên quan trong quân phủ
của dinh Quỳ Đạo là người họ Trương (cả hai đều chưa rõ tên). Lúc ấy, (Đoàn) Tuấn
Khoa giấu (Vi) Đức Thắng ở một nơi riêng, không cho hội kiến. Mỗi khi người nhà
Thanh hỏi việc gì, (Vi) Đức Thắng phải giả vờ câm, nhờ phiên dịch trả lời thay.
Tới lúc đi cắm cột mốc phân
chia ranh giới, Vi Vinh Diệu chỉ một ngọn núi cao, trên có con sư tử đá màu
trắng, lấy đó làm chỗ phân chia hai nước. Quan của nhà Thanh được cử đi hội
khám nói:
- Giới mốc ở núi này, tại sao lại tranh xuống
đến đất Na Oa? Có phải ngươi cậy thế là người của thiên triều để xâm chiếm đất
đai An Nam hay không?
Hai bên bèn quyết định lấy
đất Na Oa trả về cho châu Lộc Bình (là một châu thuộc Lạng Sơn của ta - ND).
(Vi) Vinh Diệu tự nghĩ, đã không chiếm được Na Oa thì cũng chẳng tham gì bảy
thôn hoang vu kia, bèn bỏ luôn một thể. (Đoàn) Tuấn Khoa cùng người nhà Thanh
lập mốc đá rồi về.
Về đất bảy thôn mà ta được
nhận, tất cả đều hoang vu, không hề có bóng người, không hề thấy khói bếp, chỉ
có đất Na Oa là rộng rãi, người đông, mối lợi thu được khá lớn. Trịnh Căn khen
về việc này, bèn phục chức Bồi tụng cho (Đoàn) Tuấn Khoa.
Về sau, Thổ ti của châu Tư
Lăng cứ kiện tụng mãi, triều đình phải sai quan Bồi tụng là Nguyễn Đình Hoàn
cùng với quan Đốc trấn Lạng Sơn là Đinh Phụ Ích đi khám xét. Viên thổ tù của
châu Tư Lăng là Vi Thế Hoa đem 4000 lạng bạc đến làm tin, để ở thôn Na Oa, (thổ
tù của Na Oa) là Vi Phúc Kiêm tự ý ưng thuận. (Vi) Thế Hoa bèn đào hào và dựng
ba bia đá ở xã An Khoái, châu Lộc Bình (làm địa giới mới). Từ đấy, đất Na Oa
lại bị nhà Thanh chiếm mất.”
Lời bàn: Vi Đức
Thắng trước đã cho nói mà nói chẳng nên lời, vì thế, sau có bị đóng vai người
câm cũng là chí phải. Cha ông vẫn dạy: biết thì thưa thốt, không
biết thì dựa cột mà nghe đó thôi!
Quan Bồi tụng là Đoàn Tuấn
Khoa bị thua cuộc trong chỗ không ngờ, cho nên mới quyết chí lập công chuộc
tội, kể cũng đáng khen. Chúa Trịnh Căn tái cử ông đi hội khám, thế cũng đáng
cho là hiểu rõ liêu thuộc của mình vậy. Cái kế mà Đoàn Tuấn Khoa thi hành,
chẳng qua cũng chỉ là kế mọn, nhưng biết làm sao hơn được, kẻ tiểu nhân vẫn
thường sợ mẹo vặt hơn sợ sự đường đường chính chính đó thôi.
Tiếc thay, chỉ 4000 lạng bạc
của Vi Thế Hoa mà Vi Phúc Kiêm đã mờ mắt cam lòng đem đất Na Oa mầu mỡ cho nhà
Mãn Thanh. Một dải giang sơn thiêng liêng là vậy mà sao nỡ rẻ rúng đến vậy. Căm
giận thay!
Nhưng, giận riêng Vi Phúc
Kiêm mà được chăng? Trên Vi Phúc Kiêm còn có quan Đốc trấn Lạng Sơn là Đinh Phụ
Ích, trên Đinh Phụ Ích còn có quan Bồi tụng là Nguyễn Đình Hoàn, và trên Nguyễn
Đình Hoàn lại còn có cả Vua lẫn Chúa cùng bá quan văn võ đó thôi.
Gớm thay đồng bạc, kẻ tham
dẫu gần hay xa đều mờ mắt vì nó cả!
63 - CHUYỆN NĂM GIÁP TUẤT (1694) Ở BỘ
LẠI
Tháng 7 năm Giáp Tuất (1694)
một loạt các vị quan lớn của bộ Lại như Tả thị lang là Nguyễn Danh Nho, Hữu thị
lang là Ngô Sách Tuân và Lại Khoa Cấp sự trung là Nguyễn Đình Trụ... cùng đồng
thời bị giáng chức, khiến cho bộ Lại phải một phen lao đao. Xưa bộ Lại là cơ
quan chuyên trách việc tuyển bổ quan viên, quyền uy hơn hẳn nhiều bộ khác, bởi
lẽ này, đây là nơi thường có lắm chuyện chẳng hay, như hối lộ và nhận hối lộ,
quen biết và gởi gắm, nịnh hót và mua chuộc... v.v. Sự kiện tháng 7 năm Giáp
Tuất (1694) có thể coi là một ví dụ tiêu biểu. Sách Khâm định Việt sử
thông giám cương mục (Chính biên, quyển 34, tờ 33 và 34) viết rằng:
"Tả thị lang bộ Lại là
Nguyễn Danh Nho lo việc tuyển bổ quan chức. Có người tố cáo rằng, việc tuyển bổ
này nhũng lạm và bừa bãi, phần nhiều không hợp lệ. Quan Hữu thị lang là Ngô
Sách Tuân thì tư túi, tự ý tuyển bổ hai người học trò của mình. Việc này buộc
phải để triều đình xét xử. Kết quả: (Nguyễn) Danh Nho bị giáng làm Hữu thị lang
Bộ Hình, (Ngô) Sách Tuân làm Tham chính Lạng Sơn. Quan Lại Khoa Cấp sự trung là
Nguyễn Đình Trụ, do không biết đàn hặc và bắt bẻ việc tuyển bổ ấy, nên bị giáng
làm Hiệu thảo. Việc này, có đến hai mươi bốn người bị truy cứu và bị tịch thu
giấy cao thân (đại để cũng như quyết định tuyển bổ in sẵn, đồng ý tuyển bổ ai
thì họ cứ đề tên người đó vào - ND).
Ngô Sách Tuân tố cáo rằng:
Lê Hy khi còn đang làm việc ở bộ Lại cũng tư túi, lén lút làm việc cầu cạnh gởi
gắm cho con là Lê Thuyên và cho học trò là Tô Hinh. Việc này cũng được (Chúa)
giao xuống cho bầy tôi trong triều đình bàn xét, nhưng lời của (Ngô) Sách Tuân
chả có gì làm bằng cớ, cho nên (Ngô) Sách Tuân lại phải giáng làm Đô cấp sự
trung.
Nguyễn Đình Trụ từ khi bị
giáng chức, được rỗi rãi nên dạy bảo, rèn luyện cho học trò có đến cả ngàn
người, nhiều người thành đạt, đỗ đại khoa trước sau đến hơn bảy chục người.”
Lời bàn: Quan lại mà cố ý làm
sai chức trách, tư túi hoặc kéo bè kết đảng là tội không thể tha. Việc họ làm
vừa khiến cho chính sự rối ren và thối nát, lại vừa xúc phạm đến đạo lí và nhân
luân, trên thì hại nước dối vua, dưới thì khiến cho bậc chân tài bị vùi lấp,
rốt cuộc, chỉ có lũ tiểu nhân là đắc chí, đáng khinh thay!
Song, xét xử như triều đình
đương thời, tốt nhất là không nên xét xử. Nguyễn Danh Nho đang là Tả thị
lang bộ Lại (kể như Thứ trưởng thứ nhất của bộ Lại - ND), bị giáng làm Hữu thị
lang bộ Hình (kể như là Thứ trưởng thứ hai của bộ Hình - ND). Bộ Hình là bộ
chuyên trông coi việc xét xử, án kiện và ngục tụng. Chẳng hay quan lớn Nguyễn
Danh Nho sẽ xét xử ra sao?
Ngô Sách Tuân ở triều thì
mang tội tư túi, cho đi làm Tham chính ở Lạng Sơn, được toàn quyền quyết định
mọi việc cả một vùng biên ải, liệu cái tính tắt mắt tư túi của quan lớn Ngô
Sách Tuân có bớt được chăng?
Ra biên ải, Ngô Sách Tuân
lại tố cáo quan trong triều, triều đình xét xử, lại đưa Ngô Sách Tuân về giữ
chức Đô cấp sự trung ở kinh thành, lôi thôi như vậy, liệu phép nước có đủ sức
giúp Ngô Sách Tuân sửa mình được không?
An phận hơn cả là Nguyễn
Đình Trụ. Ông về mở trường dạy học, học trò đông, kẻ đỗ đại khoa cũng nhiều.
Hồi ấy, người ta đi học là để học làm quan. Chẳng hay, thầy Nguyễn Đình Trụ sẽ
giảng giải như thế nào về thành ý và chính tâm, về việc chung thân giữ lòng
cương trực?
64 - DẤU CHẤM HẾT CUỘC ĐỜI CỦA NGÔ
SÁCH TUÂN
Ngô Sách Tuân người xã Tam
Sơn huyện Đông Ngàn (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn
(1676), làm quan thời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn, từng được thăng tới
chức Hữu thị lang bộ Lại. Tháng 7 năm Giáp Tuất (1694), Ngô Sách Tuân bị giáng
làm Đô ngự sử. Tháng 12 năm Bính Tí (1696), Ngô Sách Tuân lại phạm tội, và lần
này thì ông bị giết. Chuyện này được sách Khâm định Việt sử thông giám
cương mục (quyển 34, tờ 39) chép như sau:
"Lúc ấy, (Ngô) Sách
Tuân giữ chức Phó chủ khảo trường thi ở Thanh Hoa. Trước khi đi Thanh Hoa,
(Ngô) Sách Tuân có đến yết kiến quan Tham tụng là Lê Hy. Lê Hy bèn đem hình
dáng giấy đóng quyển thi của các con mình cho (Ngô) Sách Tuân biết. Nhưng, sau
vì thấy quyển thi của các con Lê Hy không được xếp vào hạng trúng cách (Ngô)
Sách Tuân muốn nhân dịp này xóa mối hiềm khích với Lê Hy (tháng 7 năm 1694, Ngô
Sách Tuân tố cáo Lê Hy lén lút làm chuyện gởi gắm con là Lê Thuyên và học trò
là Tô Hinh, nhưng triều đình xét thấy không đủ bằng cớ - ND), bèn lấy quyển thi
của con Lê Hy đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ. Quan Đề điệu
trường thi này là Phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện, có thề với (Ngô) Sách Tuân
là sẽ giấu kín việc này. Nhưng, quan Tham chính Thanh Hoa là Phan Tự Cường phát
giác được, tâu lên. Triều đình giao cho các quan văn võ họp bàn, khép Ngô Sách
Tuân vào tội giảo (nghĩa là bắt phải thắt cổ mà chết - ND), Ngô Hải vì không
biết lòng chính trực nên bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị
phạt, còn (Phan) Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.”
Chép xong chuyện này, các sử
gia thời Nguyễn đã có Lời cẩn án rất sắc sảo như sau:
"Lê Hy làm Tể tướng một
nước, thế mà gởi gắm con mình cho viên quan giữ việc chấm thi và (Ngô) Sách
Tuân xu nịnh với riêng bậc đại thần mà mình nhận lời kí thác, đặt trong phép
nước mà xét thì tội hai người như nhau, vậy mà chỉ mình (Ngô) Sách Tuân bị trị
còn cha con Lê Hy thì không ai xét hỏi gì đến, như thế thì còn gọi là phép nước
làm sao được nữa!
Phan Tự Cường biết hạch tội
(Ngô) Sách Tuân mà không.một lời nào đả động đến Lê Hy, thế thì so với người
nịnh hót Lê Hy cũng chẳng hơn kém nhau bao nhiêu vậy. (Phan) Tự Cường cũng cùng
một loại với (Ngô) Sách Tuân mà thôi.”
Lời bàn: Có mỗi một khoa thi
Hương, kẻ đỗ cao nhất cũng chỉ là Cử nhân, vậy mà hỏng một cách thảm hại lại là
bốn vị Tiến sĩ lừng danh: Lê Hy, Ngô Sách Tuân, Phan Tự Cường và Ngô Hải, nhục
thay!
Chư vị sử gia thời Nguyễn,
sắc sảo thì quả là thật sắc sảo, song, chừng như chư vị chỉ muốn mượn Lời
cẩn án để kí thác chút tâm sự với thời cuộc đó thôi. Tự cổ búa rìu của
phép nước vẫn giáng từ trên xuống, có đâu lại vung từ dưới lên, vung lên như
thế, lỡ bay đầu Tể tướng, bay luôn đầu cả Chúa lẫn Vua, thiên hạ như gà con mất
mẹ, biết nương tựa vào đâu. Vả chăng, vung lên lâu ngày quen tay thành tật, chư
vị ngồi trong kinh thành, nhỡ bị họa lây thì lấy ai mà viết sử?
Kẻ hậu sinh này viết tới
đây, ngẩn ngơ mà tình cờ dừng lại, ngắm mãi cái gì đen đen trong trang sử cũ,
một lúc sau mới chợt nhận ra đó chính là xác Tiến sĩ Ngô Sách Tuân đang treo
lủng lẳng, khô như một nét sổ của trang chữ Hán lạnh lùng. Mạo muội dịch ra
quốc ngữ, lại nhìn kĩ lần nữa, thì chao ơi, cái xác treo lủng lẳng ấy bay vào
trang đánh máy, chẳng khác gì cái dấu chấm than. Hóa ra, dấu chấm hết cuộc đời
của Tiến sĩ Ngô Sách Tuân lại là dấu chấm than!
65 - PHÉP NƯỚC ĐỜI VUA LÊ
HUY TÔNG VÀ CHÚA TRỊNH CĂN
Theo thông lệ, hàng năm,
hoặc giả là vài ba năm, triều đình vua Lê - chúa Trịnh lại tổ chức khảo quan.
Đại đề, đây là một hình thức khảo xét quan lại các cấp để quyết định việc thăng
hoặc giáng cấp của họ. Cũng có năm, việc khảo quan được tiến hành chẳng khác gì
một kì thi, nghĩa là cũng có bài thi viết, có người được triều đình cử làm giám
khảo để chấm hẳn hoi.
Cuộc khảo quan năm Bính Tí
(1696) dưới thời vua Lê Hy Tông (1675 - 1705) và chúa Trịnh Căn (1682 - 1709)
cũng có thể coi là một ví dụ tiêu biểu. Tiếc thay, cuộc khảo quan ngỡ như chặt
chẽ này lại tỏ rõ phép nước lúc ấy bị khinh nhờn quá mức. Sách Khâm
định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 34, tờ 36), khi
chép việc của tháng 8 năm Bính Tí (1696) đã cho biết như sau:
"Giáng chức của Nguyễn
Quan Nho từ Tham tụng xuống hàng Tả thị lang bộ Binh, liền đó lại cho làm chức
Đô ngự sử.
(Nguyễn) Quan Nho là người
giản dị. Bấy giờ, sắp có cuộc khảo quan ở kinh thành và các trấn, chúa Trịnh
Căn triệu (Nguyễn) Quan Nho và Lê Hy vào phủ để nghĩ sẵn đề thi, đồng thời căn
dặn rằng:
- Không được tiết lộ cho ai biết.
(Nguyễn) Quan Nho ngồi nói
chuyện chơi với Đặng Đình Tướng, có vô ý làm lộ một phần đề thi. Quan Thái giám
là Ngô Phan Lân, vốn từ lâu đã không bằng lòng với (Nguyễn) Quan Nho, liền đem
việc này tố cáo. Trịnh Căn giận lắm, bèn biếm chức của (Nguyễn) Quan Nho, nhưng
rồi ngay hôm sau, vì có quan Đô ngự sử là Nguyễn Quý Đức bị giáng chức, Trịnh
Căn cho (Nguyễn) Quan Nho làm Đô ngự sử."
Về chuyện Nguyễn Quý Đức bị
giáng chức, cũng sách trên cho biết như sau:
"Con em của Đô ngự sử
Nguyễn Quý Đức có người nhận của đút lót từ người bị kiện. (Nguyễn) Quý Đức
biết chuyện, đem tang vật trình nạp và tâu bày mọi lẽ, nhưng triều đình xét
thấy (Nguyễn) Quý Đức xử kiện không đúng lẽ, số tang vật đem trình nạp cũng
không đầy đủ, nên giáng (Nguyễn) Quý Đức làm Tả thị lang bộ Binh.”
Chép đến đoạn sử này các tác
giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã hạ bút viết
một lời phê rất nghiêm khắc như sau: "Việc làm của họ Trịnh đều không đáng
bàn luận làm gì.”
Lời bàn: Chư vi sử gia thời
Nguyễn nói không bàn luận, nhưng thực thì đã bàn luận đó thôi.
Nội một chuyện khảo quan
không thôi cũng đủ thấy phép nước thời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn đã bị
coi thường đến cỡ nào rồi. Nặng nhẹ tuy có khác nhau, nhưng lỗi của Nguyễn Quan
Nho và Nguyễn Quý Đức là điều không thể chối cãi, họ bị hặc tội rồi bị giáng
chức là lẽ tất nhiên. Nhưng, lỗi mình mà mình chẳng thấy, lỗi mình mà mình
chẳng nghiêm với mình, thì thử hỏi, được giữ chức Đô ngự sử là chức chuyên hặc
tội người khác, chuyên lo xét xử người khác, quan lớn Nguyễn Quan Nho sẽ làm
sao? Chúa lấy quyền uy nhất thời của Chúa mà xét xử, thăng giáng,... hậu sinh
lấy khí khái của người học sử mà nghiêm phê rằng chính Chúa là người bẻ cong
phép nước đó thôi.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ
tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu
sách.]
Còn như hoạn quan Ngô Phan
Lân, dẫu làm đến chức Thái giám, thì tâm địa nhỏ nhen vẫn cứ là tâm địa nhỏ
nhen.
Chao ơi, vừa mở sử ngó vào
triều vua Lê - chúa Trịnh một chút mà đã thấy ù tai hoa mắt. Chí tệ, thậm chí
tệ!