Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển V - Chương 086 - 087

86. Bạch Liên Giáo

(Bạch Liên Giáo)

Bạch Liên giáo* có Mỗ người tỉnh Sơn Tây, không rõ tên họ,
đại khái là đệ tử của Từ Hồng Nho**, dùng yêu thuật mê hoặc dân chúng, có
nhiều người hâm mộ phép thuật nhận y làm thầy. Có hôm Mỗ đi vắng, đặt một cái
chậu trong sảnh đường, lại lấy một cái chậu khác úp lên, dặn một người học trò
ngồi giữ nhưng không được mở ra nhìn. Mỗ đi rồi, trò mở ra xem thì thấy trong
chậu đựng nước trong, trên mặt nước có một chiếc thuyền kết bằng cỏ đủ cả cánh
buồm bánh lái, lấy làm lạ đưa ngón tay khều, chiếc thuyền nghiêng đi một cái
rồi nổi lại như cũ, bèn úp chậu lại. Kế thầy về hỏi sao dám trái lời ta, trò ra
sức biện bạch là không hề mở ra, thầy nói: “Vừa rồi thuyền đi trên biển suýt bị
lật, còn dám dối ta à?”.

* Bạch Liên giáo: tên một tổ chức
quần chúng mang hình thức tôn giáo xuất hiện ở Trung Quốc cuối thời Nguyên,
liên tục bị giai cấp phong kiến từ Nguyên đến Minh, Thanh đàn áp nhưng vẫn tồn tại
với tôn chỉ chống chính quyền. Tổ chức này có nhiều người dùng võ nghệ, thuốc
men, ảo thuật để tập hợp nhân dân, nên thường bị coi là tà giáo.

**Từ Hồng Nho: xem truyện Bạch
Liên giáo, quyển Thập di.

Lại một đêm thầy đốt đuốc cắm trên sảnh đường, dặn phải giữ đừng để gió
thổi tắt rồi ra đi. Hết canh một thầy vẫn chưa về, trò mệt mỏi lên giường nằm
ngủ, thức giấc thì đuốc đã tắt ngấm vội đứng dậy đốt lên. Kế thầy vào, lại
trách mắng, trò nói: “Con vốn không hề ngủ, làm sao đuốc tắt được?”. Thầy tức
giận nói: “Mới rồi ta phải đi thầm hơn chục dặm, lại còn cãi à?” trò cả sợ.
Những việc làm kỳ lạ như thế rất nhiều, không thể chép ra hết được.

Sau người ái thiếp của Mỗ tư thông với một người học trò, Mỗ biết nhưng
để bụng không nói ra, sai trò đi cho heo ăn. Trò bước vào chuồng heo thì ngã
lăn ra đất biến thành con heo, Mỗ lập tức gọi đồ tể tới giết thịt đem bán,
không ai biết cả. Cha người ấy không thấy con về tới hỏi, Mỗ chối nói là lâu
lắm không thấy tới, người cha quay về tìm kiếm khắp nơi không có tin tức gì. Có
người học trò khác của Mỗ ngầm biết việc đó lén nói cho người cha, người cha
lên báo với quan huyện. Quan huyện sợ Mỗ trốn thoát, không dám đi bắt, bẩm lên
quan trên xin phát một ngàn giáp sĩ kéo tới vây nhà, bắt được cả Mỗ lẫn vợ con
nhốt vào lồng sắt, định giải lên kinh.

Đi ngang núi Thái Hàng, trong núi có một người to lớn bước ra, cao như
cây lớn, mắt như cái tô, miệng như cái chậu, răng dài hơn thước, quân sĩ hoảng
sợ đứng ngây ra không dám đi. Mỗ nói: “Đó là yêu quái, vợ ta có thể đuổi được”,
quân sĩ theo lời cởi trói cho vợ Mỗ. Vợ Mỗ vác giáo xông tới, người to lớn tức
giận vồ lấy nuốt chửng, mọi người càng sợ hãi. Mỗ nói: “Nó đã giết được vợ ta,
thì phải con trai ta ra mới xong”, quân sĩ lại thả con trai Mỗ ra, nhưng cũng
bị nuốt sống như thế. Mọi người nhìn nhau không biết làm sao. Mỗ khóc lóc rồi
giận dữ nói: “Đã giết vợ ta, lại giết con ta làm sao nhịn được? Nhưng không
phải đích thân ta ra thì không xong”. Mọi người quả nhiên lại thả Mỗ ra khỏi
lồng sắt, trao cho thanh đao bảo tới đánh. Người to lớn giận dữ xông tới, tay
không ác đấu một lúc thì vươn tay chụp lấy Mỗ đút vào miệng, rướn cổ ra nuốt
xuống rồi ung dung bỏ đi.

087. Tướng Công Hồ Tứ

(Hồ Tứ Tướng Công)

Trương Hư Nhất ở huyện Lai Vu (tỉnh Sơn Đông) là anh Học sứ Trương Đạo
Nhất, tính hào sảng tự tin. Nghe nói ngôi nhà của người nọ trong huyện bị hồ
chiếm ở, bèn mang danh thiếp tới yết kiến mong được gặp một lần. Nhét danh
thiếp vào khe cửa một lúc thì cánh cổng tự mở, đầy tớ sợ hãi lui lại. Trương
sửa áo kính cẩn bước vào, thấy trong sảnh đường đủ cả bàn ghế nhưng vắng ngắt
không có một ai, bèn vái dài khấn rằng: “Tiểu sinh trai giới tới đây, thượng
tiên đã không nỡ từ chối ngay từ cổng, sao không ban ơn cho thấy mặt?”. Chợt
nghe có tiếng người nói: “Làm phiền ông lặn lội giá lâm, đã nghe tiếng bước
chân rồi, xin mời ngồi xuống dạy dỗ cho”, lập tức thấy hai chiếc ghế di động
tới đối mặt với nhau.

Trương vừa ngồi lập tức có cái khay đỏ sơn đen đựng hai chung trà lơ
lửng tới trước mặt, mỗi bên cầm một chén lên uống, nghe tiếng thổi, tiếng hớp
nước nhưng vẫn không thấy người. Uống trà xong, kế có rượu dọn ra, Trương hỏi
lai lịch, hồ đáp: “Đệ họ Hồ, bày hàng thứ tư, bọn tùy tùng gọi là Tướng công”.
Rồi đó uống rượu trò chuyện, thấy rất hợp nhau. Thấy chả ba ba, khô thịt nai,
rau sống liên tiếp đưa lên, như có rất nhiều người hầu rượu. Trương uống rượu
xong đang muốn uống trà, vừa nghĩ xong đã có trà thơm phức đặt lên bàn, cứ vừa
nghĩ cần món gì thì lập tức món đó đã được mang tới. Trương thích lắm, uống say
mới về. Từ đó cứ ba bốn hôm lại đến thăm Hồ một lần, Hồ cũng thường tới nhà
Trương như qua lại đáp lễ.

Một hôm Trương hỏi: “Có bà đồng ở nam thành vẫn khoe nhà có thần hồ mà
lấy tiền người bệnh, không rõ ông có quen hồ nhà ấy không?”. Hồ đáp: “Mụ ta bịa
đấy, không có hồ thật đâu”. Lát sau Trương đứng dậy đi tiểu, nghe thấy tiếng
nói nhỏ: “Vừa rồi nghe nói tới bà đồng có hồ ở nam thành, chẳng biết ra sao.
Tiểu nhân muốn theo tiên sinh tới xem, xin tiên sinh nói với chủ nhân một câu”.
Trương biết đó là đám hồ nhỏ, bèn gật đầu nói: “Được rồi”. Rồi quay vào chỗ
ngồi nói với Hồ rằng: “Ta muốn mượn hai ba người hầu dưới trướng tới xem thư bà
đồng có hồ, xin ông ra lệnh”. Hồ cứ nói không cần, Trương năn nỉ mấy lần mới
ưng thuận.

Kế Trương ra thì ngựa tự tới như có người nắm cương dắt đi, khi lên ngựa
đi thì dọc đường hồ nói với Trương: “Từ nay tiên sinh đi đường thấy cát nhỏ bắn
lên vạt áo tức là có bọn ta đi theo đấy”. Nói tới đó thì vào thành, tới nhà bà
đồng nọ. Bà đồng thấy Trương tới, tươi cười ra đón, nói: “Sao quý nhân lại bất
ngờ quang lâm?”. Trương hỏi: “Nghe nói ông hồ trong nhà bà linh thiêng lắm phải
không?”. Bà đồng nghiêm sắc mặt đáp: “Người sang cả không nên nói lời khinh
bạc, sao lại nói là ông hồ? E rằng bà chị xinh đẹp nhà ta không vui đâu!”. Chưa
dứt lời thì có nửa viên gạch ném tới trúng tay, bà đồng giật mình nhảy dựng
lên, hoảng sợ hỏi Trương: “Sao quan nhân lại ném gạch vào già?”. Trương cười
nói: “Bà già mù rồi, đó là gạch ngói trên nóc nhà bà lở xuống, định vu oan cho
người ngoài à?”. Bà đồng ngạc nhiên không biết viên gạch từ đâu bay tới, đang
dáo dác ngó quanh lại bị một hòn đá ném trúng đầu ngã lăn ra, kế bị bùn đất cứt
đái ném xuống tới tấp, mặt mày lấm lem như quỷ, chỉ kêu gào xin tha mạng.

Trương xin đám hồ nhỏ tha cho, chúng mới dừng tay. Bà đồng vội vùng dậy
chạy tuốt vào phòng đóng chặt cửa không dám ra nữa. Trương gọi hỏi: “Hồ của
ngươi bằng hồ của ta không?”, bà đồng chỉ rối rít xin lỗi. Trương ngẩng đầu lên
không bảo đừng ném nữa, bà đồng mới dám run rẩy bước ra, Trương cười an ủi vài
câu rồi về. Từ đó Trương đi một mình trên đường mà thấy cát bụi bắn lên áo thì
gọi hồ cùng trò chuyện, lần nào cũng có bên cạnh, nhờ thế chẳng sợ gì sói cọp
trộm cướp. Cứ thế nửa năm, ngày càng thân thiết với đám hồ. Thường hỏi tuổi, cả
bọn đều không nhớ rõ, chỉ nói rằng từng thấy Hoàng Sào* làm phản
nhưng cũng chỉ như vừa hôm qua.

*Hoàng Sào: lãnh tụ nông dân cuối
thời Đường, theo Phương Tiên Chi khởi nghĩa rồi thay Tiên Chi lãnh đạo, từng
đánh chiếm Trường An, xưng hiệu Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Tề, chống nhà
Đường trong thời gian 874-884.

Một đêm đang cùng trò chuyện chợt nghe đầu tường có tiếng hú lớn rất ghê
rợn, Trương lấy làm lạ, Hồ nói: “Đó ắt là anh ruột ta”. Trương hỏi: “Vậy sao
không mời vào chơi?”, Hồ đáp: “Y tệ lắm, chỉ thích trộm cắp gà qué mà ăn, cứ
mặc kệ y là xong”. Trương nói với Hồ: “Giao du thân thiết như hai chúng ta có
thể nói là không ngờ vực gì nhau, thế mà chưa lần nào được thấy mặt ông, nghĩ
thật đáng hận”. Hồ đáp: “Chỉ cần chơi thân với nhau là được rồi, thấy mặt làm
gì?”.

Một hôm Hồ bày tiệc mời Trương, nói xin cáo biệt. Trương hỏi định đi
đâu, Hồ đáp: “Đệ có sản nghiệp ở Thiểm Trung (tỉnh Thiểm Tây), định về lại đó.
Ông vẫn hận việc đối diện không thấy mặt, nay xin nhìn qua người bạn mấy năm
một lần để ngày sau còn nhận ra nhau”. Trương nhìn quanh không thấy gì, Hồ nói:
“Ông cứ vén rèm cửa phòng ngủ ra là thấy đệ”. Trương theo lời vén rèm lên, thấy
có một thiếu niên đẹp trai đang nhìn mình cười, phục sức sang trọng, mày mắt
như vẽ, chớp mắt không thấy đâu nữa. Trương quay người bước ra thì có tiếng
giày lẹp kẹp phía sau, nói: “Hôm nay ông hết hận rồi nhé”. Trương lưu luyến
không nỡ chia tay, Hồ nói: “Tan hợp là có số, băn khoăn làm gì?”. Rồi lấy chén
lớn mời rượu, đến nửa đêm mới sai lấy đèn lồng đưa Trương về.

Sáng ra Trương tới xem, thì chỉ có nhà không vắng ngắt mà thôi. Về sau
tiên sinh Trương Đạo Nhất làm quan Học sứ ở Tây Xuyên (tỉnh Tứ Xuyên), Trương
vẫn nghèo như trước bèn tới thăm em, cũng mong được biếu thật nhiều. Hơn tháng
trở về, được biếu quá ít so với lòng mong mỏi, trên ngựa cứ thở vắn than dài
như vợ chết. Chợt có một thiếu niên cưỡi ngựa Thanh câu từ sau đuổi theo,
Trương nhìn thấy áo đẹp ngựa khỏe, dáng vẻ rất phong nhã, bèn trò chuyện qua
loa.

Thiếu niên thấy Trương có vẻ buồn bã bèn hỏi, Trương cũng thở dài kể lại
nguyên do, thiếu niên cũng tìm lời an ủi. Cùng đi hơn một dặm, tới ngã ba thiếu
niên chắp tay chào nói: “Phía trước có người gởi ông một vật của cố nhân, xin
vui lòng nhận cho”, định hỏi lại thì đã phóng ngựa đi thẳng, Trương cũng chẳng
hiểu là có ý gì. Lại đi hai dặm, gặp một người đầy tớ cầm cái rương nhỏ đón
trước ngựa đưa lên nói: “Tướng công Hồ Tứ kính gởi tiên sinh”, Trương lúc ấy
mới chợt hiểu ra. Bèn đón lấy mở ra xem, thì bên trong toàn bạc nén trắng xóa,
nhìn lại người đầy tớ thì không biết đã đi đâu mất.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3