Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển IV - Chương 073 - 074
73. Tề Thiên Đại Thánh
Hứa Thịnh
người đất Duyện (tỉnh Trực Lệ) theo anh là Thành đi buôn bán tới đất Mân (tỉnh
Phúc Kiến). Còn chưa cất hàng xong thì có người khách nói: “Đại Thánh thiêng
lắm, hãy tới đền cầu khẩn.” Thịnh chưa biết Đại Thánh là thần nào bèn theo anh
tới đó, vào thấy điện gác san sát nối nhau vô cùng tráng lệ đẹp đẽ. Vào điện
cúng bái thấy tượng thần mình người đầu khỉ, té ra là Tề Thiên Đại Thánh Tôn
Ngộ Không, khách khứa đều kính cẩn vái lạy, không ai dám tỏ vẻ khinh nhờn.
Thịnh vốn cương trực, cười thầm người đời ngu muội nên lúc mọi người thắp hương
khấn khứa thì ngầm bỏ ra. Về tới nhà trọ, anh trách Thịnh không kính cẩn, Thịnh
nói: “Tôn Ngộ Không là truyện ngụ ngôn của ông Khưu[1] đặt ra, sao lại tin là có thật như thế? Mà giả như
có thật thì bao nhiêu búa rìu sấm sét em xin chịu cả.”
[1] Ông Khưu: tức Khưu Xử Cơ, người cuối
thời Tống đầu thời Nguyên, đệ tử của Vương Trùng Dương phái Toàn Chân Đạo giáo,
có đạo hiệu là Trường Xuân tử, được Thành Cát Tư Hãn mời qua Mông Cổ, có viết
quyển Trường Xuân chân nhân Tây du ký. Nhân vật Hứa Thịnh trong truyện này lầm
Tây du ký của Khưu Xử Cơ với Tây du ký của Thi Nại Am kể chuyện Huyền Trang
thỉnh kinh.
Chủ quán
trọ nghe gọi tên Đại Thánh thì xua tay tái mặt như sợ Đại Thánh nghe được,
Thịnh thấy thế càng bô bô nói ầm lên, ai nghe thấy cũng bịt tai bỏ chạy. Đến
đêm quả nhiên Thịnh bị bệnh, đầu nhức như búa bổ, có người khuyên tới đền tạ
lỗi nhưng Thịnh không nghe. Không bao lâu thì đầu đỡ đau nhưng đùi lại nhức,
qua đêm thì mọc một cái mụn nhọt lớn, cả chân đều lở lói, không ăn ngủ gì được,
anh tới đền cầu khẩn thay nhưng không hiệu nghiệm. Có người nói thần phạt thì
phải tự mình cầu khẩn, Thịnh rốt lại vẫn không tin, hơn một tháng thì những chỗ
lở lành dần nhưng lại nảy ra một cái mụn nhọt khác đau nhức gấp bội. Thầy thuốc
tới lấy dao cắt bỏ những chỗ thịt thối, máu chảy cả tô nhưng sợ người ta nói bị
thần phạt nên cắn răng không rên rỉ.
Hơn tháng
sau mới bình phục nhưng anh lại mắc bệnh nặng. Thịnh nói: “Thế nào nào? Người
kính thần cũng bị bệnh như vậy, đủ thấy là bệnh của ta chứ không phải do Ngộ
Không.” Anh nghe thế rất bực tức, trách em không đi cầu khấn cho mình. Thịnh nói:
“Anh em như chân tay, trước đây em chân tay lở lói còn không chịu đi cầu khấn,
nay chẳng lẽ chân tay có bệnh mà đổi ý à?” Rồi chỉ rước thầy cắt thuốc chứ
không chịu đi cầu đảo. Anh uống thuốc xong thì lăn ra chết, Thịnh đau đớn uất
ức trong lòng, mua quan tài liệm anh xong tới thẳng đền Đại Thánh chỉ lên tượng
thần kể tội, nói: “Anh ta bị bệnh, nói là do người giận lây khiến ta không sao
bày tỏ được, nếu như ngươi là thần thật cứ làm cho anh ta sống lại, ta sẽ lạy
thờ làm sư phụ không dám nói gì khác, nếu không ta sẽ theo đúng cách ngươi đối
xử với Tam Thanh mà đối xử với ngươi[2], cũng có thể trút hờn cho anh ta nơi chín suối.”
[2] Tây du ký kể Tôn Ngộ Không bảo hộ Tam
Tạng đi lấy kinh tới nước Xa Trì, vua quan nước ấy trọng Đạo khinh Phật, Ngộ
Không cùng Bát Giới, Sa Tăng nửa đêm lẻn vào nơi cúng Tam Thanh (tức Nguyên
Thủy Thiên Tôn, Thái Thượng Lão Quân, Linh Bảo Đạo Quân của Đạo giáo Trung Hoa)
đem tượng Tam Thanh vứt vào nhà xí rồi hóa thành tượng Tam Thanh ăn uống. Đây
nhân vật Hứa Thịnh có ý nói sẽ quăng tượng Tề Thiên Đại Thánh vào nhà xí.
Đến đêm
Thịnh nằm mơ thấy một người tới gọi đi, vào đền Đại Thánh, ngẩng lên thấy Đại
Thánh lộ vẻ giận dữ quát mắng: “Vì ngươi không chịu phục nên ta mới lấy đao của
Bồ Tát xuyên qua chân ngươi, đã không biết tự hối lại còn ăn nói lằng nhằng. Lẽ
ra ta đã tống ngươi xuống ngục, rút lưỡi dưới âm ty, nhưng nghĩ ngươi nhất sinh
ngay thẳng nên mới tạm tha cho. Còn như anh ngươi bệnh thì vì ngươi rước gã
lang băm về làm giảm tuổi thọ, chứ người khác dính líu gì vào đó? Nay mà ta
không tạm thi triển chút ít pháp lực thì bọn ngông cuồng còn chưa chịu im mồm.”
Rồi sai
Thanh y sứ tới xin Diêm Vương, Thanh y sứ nói: “Sau ba ngày thì danh sách ma
quỷ đã báo lên Thiên đình, sợ Diêm Vương khó mà tha được.” Đại Thánh bèn rút
thiết bảng làm bút viết những gì không biết, rồi bảo Thanh y sứ cầm thư tới
Diêm Vương. Hồi lâu Thanh y sứ trở về, Thành cũng theo về, vào quỳ xuống lạy
tạ. Đại Thánh hỏi sao chậm thế, Thanh y sứ bẩm: “Diêm Vương không dám tự
chuyên, cầm lệnh chỉ của Đại Thánh lên báo với Bắc Đẩu[3] vì thế nên về chậm.” Thịnh
rảo bước lên vái lạy tạ ơn, Đại Thánh nói: “Đưa anh ngươi về ngay đi, nếu biết
theo điều thiện thì ta sẽ ban phúc cho,” anh em vừa mừng vừa tủi dắt nhau cùng
về.
[3] Bắc Đẩu: Tây du ký chép trên trời có
hai tòa Nam Tào Bắc Đẩu coi sổ sách ghi việc sống chết của muôn vật, Nam Tào
coi sổ sinh, Bắc Đẩu coi sổ tử.
Thịnh
tỉnh dậy lấy làm lạ, vội tới mở quan tài ra xem thì quả anh đã sống lại bèn đỡ
ra, hết sức cảm tạ pháp lực Đại Thánh. Thịnh từ đó dốc lòng tin tưởng thờ phụng
còn hơn cả người thường. Nhưng vốn liếng của hai anh em vì mắc bệnh đã hao mất
một nửa, anh lại chưa thật khỏe, hai anh em cứ nhìn nhau buồn bã. Một hôm Thịnh
ngẫu nhiên đi dạo ngoài thành, chợt gặp một người áo xám nhìn mình hỏi: “Anh có
chuyện gì lo lắng à?” Thịnh đang buồn rầu không biết nói với ai, bèn kể nhĩmg
chuyện mình gặp. Người áo xám nói: “Có một nơi phong cảnh rất đẹp, cứ tạm tới
ngắm xem cũng đủ giải sầu.” Hỏi ở đâu, người ấy chỉ nói không xa, Thịnh bèn đi
theo.
Ra khỏi
thành khoảng nửa dặm, người áo xám nói: “Ta có thuật mọn, trong khoảnh khắc có
thể tới nơi.” Rồi bảo Thịnh ôm lưng mình, khẽ gật đầu một cái chợt có mây đùn
lên dưới chân, nhảy vọt lên trên không biết là đi bao xa. Thịnh cả sợ nhắm mắt
không dám mở ra, trong khoảnh khắc nghe người ấy nói: “Tới rồi.” Thịnh thấy
thành quách trong vắt đủ màu sắc rực rỡ lạ lùng, kinh ngạc hỏi đây là nơi nào.
Người ấy đáp: “Đây là thiên cung,” rồi rảo bước đi vào, càng đi càng lên cao,
xa xa thấy một ông già, người áo xám mừng rỡ nói: “Gặp được người này thì anh
có phúc lắm,” rồi giơ tay vái chào. Ông già mời vào nhà, pha trà mời khách
nhưng chỉ bưng ra có hai chén chứ không nhìn ngó gì tới Thịnh. Người áo xám nói:
“Đây là đệ tử của ta, đi buôn bán ngàn dặm tới thăm tiên cung, xin ông tặng cho
chút quà.” Ông già sai tiểu đồng lấy ra một mâm đá trắng to bằng trứng chim sẻ,
sáng loáng như băng, bảo Thịnh tự nhặt lấy.
Thịnh
nghĩ cầm về có thể làm tửu lệnh uống rượu, bèn lấy sáu viên, người áo xám cho
rằng quá ít bèn lấy thêm cho sáu viên nữa, đưa cả cho Thịnh bảo cất vào túi rồi
chắp tay nói: “Đủ rồi.” Thịnh từ biệt ông già đi ra, người áo xám lại bảo bám
vào mình rồi bay xuống, chốc lát đã tới mặt đất. Thịnh dập đầu thỉnh giáo tiên
danh, người áo xám cười nói: “Phép thuật đi trên mây vừa rồi gọi là Cân đẩu vân[4] đấy.” Thịnh giật mình hiểu
ra là Đại Thánh, lại cầu xin giúp đỡ. Đại Thánh nói: “Vừa rồi là gặp Tài tinh,
cho ngươi được lãi mười hai phần, còn muốn gì nữa.”
[4] Cân đẩu vân: Tây du ký chép Tôn Ngộ
Không có phép Cân đẩu vân, uốn lưng một cái đã vượt được mười vạn tám ngàn dặm
đường.
Thịnh lạy
tạ, đứng lên nhìn thì Đại Thánh đã biến mất. Thịnh trở về mừng rỡ kể lại với
anh, cởi túi ra nhìn thì đá đã lặn cả vào thắt lưng rồi. Về sau cất hàng trở
về, được lãi rất nhiều, từ đó cứ tới buôn bán ở đất Mân là vào đền khấn vái Đại
Thánh, người khác khẩn cầu có khi không hiệu nghiệm chứ Thịnh khẩn cầu thì điều
gì cũng ứng nghiệm.
Dị Sử thị nói: Ngày xưa có
người sĩ nhân đi ngang chùa, vẽ hình cây đàn tỳ bà lên vách rồi đi, đến khi
quay về thì chùa nổi tiếng linh thiêng, lửa hương không dứt. Chuyện thiên hạ
vốn không cứ phải có thật, người ta cho là thiêng thì thành thiêng thôi. Sao lại
như thế? Vì lòng người hướng về thì vật cũng theo về vậy. Cứng cỏi ngay thẳng
như Thịnh ắt phải được thần linh phù hộ, há cần tới ngọn kim thêu trong lỗ tai,
lông tơ biến hóa, cân đẩu vân lên trời[5] sao? Rốt lại lại bị mê hoặc, cũng là kiến thức không đúng
vậy.
[5] Đều là những phép thuật của nhân vật
Tôn Ngộ Không trong Tây du ký.
74. Thần ếch[1]
[1] Thanh Oa thần.
Vùng
Giang Hán thờ cúng thần ếch rất kính cẩn, trong đền không biết là bao nhiêu
ngàn vạn con ếch, có con to bằng cái lồng. Có ai xúc phạm làm thần giận thì
trong nhà liền có điềm lạ, ếch nhái nhảy cả lên bàn lên giường, thậm chí bám
đầy trên vách không rơi xuống, nhà ấy sẽ gặp tai họa. Người ta sợ hãi cứ cúng
tế cầu khẩn, nếu thần vui lòng thì khỏi. Đất Sở (tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc) có Tiết
Côn Sinh lúc nhỏ thông minh, diện mạo tuấn tú. Năm lên sáu bảy tuổi có bà già
áo xanh tới nhà tự xưng là sứ giả của thần, vào ngồi trò chuyện ngỏ ý thần muốn
gả con gái cho Côn Sinh. Ông Tiết tính chất phác vụng về nghe thế rất không
thích, liền lấy cớ con trai còn nhỏ để từ chối, nhưng tuy cố từ chối vẫn chưa
dám hỏi cưới con gái nhà khác.
Được vài
năm Côn Sinh dần lớn lên, dạm hỏi con gái họ Khương, thần nói với Khương: “Tiết
Côn Sinh là con rể của ta, sao ngươi dám ăn đồ cúng hả?” Khương sợ hãi trả lại
sính lễ, ông Tiết lo lắng trai giới mang lễ vật ra đền khấn khứa, tự nói không
dám kết thông gia với thần. Vừa khấn xong thì thấy cỗ bàn cúng tế đều có giòi
lớn bò ra lúc nhúc cựa quậy, bèn đổ bỏ tạ tội rồi về, trong lòng càng sợ nhưng
cũng chờ để nghe ngóng xem sao.
Một hôm
Côn Sinh đi đường có sứ giả đón báo thần tuyên triệu, cố mời ghé lại, sinh bất
đắc dĩ phải đi theo. Vào tới một phủ đệ cánh cổng sơn son, lầu gác hoa lệ, có
ông già ngồi trên sảnh đường, trông như người bảy tám mươi tuổi. Côn Sinh vào
lạy ra mắt, ông già sai kéo đứng lên, cho ngồi cạnh bàn. Giây lát đám tỳ nữ, vú
già tụ tập lại nhìn ngó dày đặc chung quanh, ông già quay lại nói: “Vào trong
báo là Tiết lang tới.” Mấy người tỳ nữ chạy đi, lát sau có bà già đỡ một nữ
lang ra, khoảng mười sáu mười bảy tuổi, xinh đẹp vô song. Ông già chỉ nàng nói:
“Đây là tiểu nữ tên Thập Nương, ta tự cho rằng có thể sánh đôi với chàng, nhưng
cha chàng lại cho là khác loài nên cự tuyệt, vậy thì do chàng thôi.” Côn Sinh
chăm chú nhìn Thập Nương, trong lòng yêu thích, im lặng không nói gì. Bà già nói:
“Ta đã biết là chàng ưng thuận, xin cứ về trước, sẽ lập tức đưa Thập Nương tới
ngay.” Côn Sinh vâng dạ rồi vội về kể với cha. Cha hốt hoảng không biết làm sao
đành ưng thuận, sai con quay lại tạ ơn thần nhưng Côn Sinh không chịu đi.
Đang lời
qua tiếng lại thì kiệu hoa đã tới ngoài cổng, cả đám tỳ nữ xúm xít đưa Thập
Nương vào. Nàng lên sảnh đường làm lễ, cha mẹ chồng thấy mặt đều vui mừng. Ngay
đêm ấy làm lễ hợp cẩn, cầm sắt rất hòa hợp. Từ đó vợ chồng thần thường giáng lâm
nhà sinh, cứ thấy mặc áo đỏ là có tin vui, mặc áo tràng là có tiền bạc, vì vậy
nhà ngày càng khá giả. Từ khi Côn Sinh cưới Thập Nương thì khắp nhà từ hàng rào
đến cầu xí đều có ếch, mọi người không ai dám chửi bới giẫm đạp, chỉ có Côn
Sinh tuổi trẻ ngông nghênh, vui thì thôi giận thì đạp cho chết chẳng thương xót
gì lắm. Thập Nương tuy hiền lành nhu thuận nhưng hay giận, rất không thích việc
ấy song Côn Sinh không vì có Thập Nương mà kiềm chế. Thập Nương bực tức nói
năng có chỗ xúc phạm, Côn Sinh nổi giận nói: “Ngươi cậy cha mẹ có thể gieo tai
họa cho người ta à? Trượng phu có sợ gì con ếch?” Thập Nương nghe thế giận lắm,
nói: “Từ khi thiếp về đây thì nhà chàng ruộng thêm lúa, buôn thêm lời không
phải là ít, nay cả nhà già trẻ đều được no ấm, lại như chim vọ mọc cánh rồi thì
muốn mổ mắt chim mẹ sao?” Côn Sinh càng tức tối, nói: “Ta đang ngại nhận thêm
những thứ nhơ bẩn, không dám lưu lại cho con cháu, xin cứ chia tay cho sớm,”
rồi đuổi Thập Nương.
Cha mẹ
vừa nghe tin thì Thập Nương đã đi rồi, bèn quát mắng Côn Sinh, sai mau đuổi
theo giữ lại nhưng Côn Sinh căm tức không chịu. Đến đêm mẹ con đều ngã bệnh,
trong người bứt rứt không ăn uống gì được. Ông Tiết sợ hãi tự mang roi tới đền
thần tạ lỗi, thiết tha nài nỉ. Qua ba ngày thì hai người dần dần khỏi bệnh, Thập
Nương tự quay về, vợ chồng lại đầm ấm như trước. Thập Nương hàng ngày cứ trang
điểm xong là ngồi yên, không làm việc nội trợ, những áo quần giày tất của Côn
Sinh đều nhờ mẹ khâu vá. Một hôm mẹ bực tức nói: “Con trai đã có vợ còn làm
phiền mẹ, nhà người ta thì con dâu hầu mẹ chồng, nhà này thì mẹ chồng hầu con
dâu.” Thập Nương nghe thấy tức tối lên thêm nói: “Con buổi sớm tới thăm, buổi
tối tới viếng, đạo thờ mẹ chồng còn gì khác nữa? Còn như việc con kém cỏi, thì
thật không thể tiếc chút tiền thuê mướn mà chuốc khổ vào thân được.” Mẹ không
biết nói sao, hổ thẹn khóc lóc.
Côn Sinh
vào thấy mắt mẹ có ngấn lệ, hỏi biết được chuyện giận dữ mắng Thập Nương, Thập
Nương cứ giữ ý mình không chịu thua. Côn Sinh nói: “Lấy vợ mà không được vui
sướng thì chẳng bằng đừng có, cho dù làm con ếch già giận thì bất quá cũng chỉ
gặp nạn dữ mà chết là cùng,” lại đuổi Thập Nương, Thập Nương ra cửa đi thẳng.
Hôm sau nhà Côn Sinh phát hỏa, lửa lan ra cháy rụi cả mấy gian, bàn ghế giường
tủ đều thành tro. Côn Sinh tức giận tới đền thần quát mắng kể tội, nói: “Nuôi
con gái không thờ phụng được cha mẹ chồng, đã không dạy bảo gì mà lại còn bao
che cái dở của con, thần là phải rất công bằng mà lại dạy người ta sợ vợ à? Vả
lại việc bát đũa va chạm là do ta gây ra, không dính líu gì tới cha mẹ, muốn
đâm chém cưa xẻ gì cứ nhằm vào ta thôi. Còn nếu không thế thì ta cũng đốt đền
của ông để trả thù.” Nói xong vác củi vào chất dưới điện định châm lửa, dân
quanh đó xúm lại năn nỉ mới tức tối bỏ về, cha mẹ nghe được đều sợ tái mặt.
Đến đêm
thần báo mộng cho thôn bên cạnh, sai cất lại nhà cho con rể, sáng ra thì kẻ mua
gỗ người mướn thợ kéo tới làm nhà cho Côn Sinh, từ chối thế nào họ cũng không
chịu thôi, hàng ngày có mấy trăm người gọi nhau trên đường. Không mấy ngày thì
nhà cửa đều xây xong, mọi thứ đồ dùng đều đầy đủ. Vừa dọn dẹp đâu đấy thì Thập
Nương đã tới, lên thềm tạ lỗi với cha mẹ, ăn nói nhỏ nhẹ từ tốn rồi quay qua
Côn Sinh tươi cười cả nhà bèn đổi oán làm vui. Từ đó Thập Nương càng hiền dịu,
suốt hai năm không có chuyện xích mích. Thập Nương rất ghét rắn, Côn Sinh đùa
bắt một con rắn nhỏ bỏ vào hộp bảo nàng mở ra. Thập Nương biến sắc mắng nhiếc,
Côn Sinh cũng đổi cười thành giận tức tối cãi vã, Thập Nương nói: “Lần này thì
không cần phải đuổi, xin vĩnh biệt từ đây,” rồi ra cửa đi. Ông Tiết cả sợ đánh
đòn Côn Sinh rồi tới tạ tội với thần, may mà không bị giáng họa nhưng cũng lặng
ngắt không thấy đáp lại.
Hơn năm
sau Côn Sinh nhớ Thập Nương, vô cùng hối hận, lén tới chỗ thần năn nỉ Thập
Nương nhưng không ai trả lời. Không bao lâu nghe tin thần gả Thập Nương cho họ
Viên, vô cùng thất vọng, cũng dạm hỏi người khác nhưng xem mặt mấy đám đều
không có ai bằng Thập Nương, vì vậy càng thêm nhớ nhung. Tới nhà họ Viên nghe
ngóng thì thấy họ đang quét dọn nhà cửa, sửa sang xe kiệu chuẩn bị đám cưới.
Trong lòng thẹn thùng uất ức không thể tự chủ, bỏ ăn ngã bệnh, cha mẹ hoảng sợ
lo lắng nhưng không biết làm sao. Chợt đang lúc mê man thấy có người vỗ về lay
gọi, nói: “Đại trượng phu mấy lần muốn dứt tình mà như thế này sao?” Mở mắt
nhìn thì là Thập Nương. Côn Sinh mừng quýnh nhảy bật dậy hỏi: “Sao nàng lại tới
đây?” Thập Nương đáp: “Vì gã khinh bạc đối xử với nhau tệ bạc, chỉ nên nghe lời
cha mẹ mà lấy người khác nên từ lâu đã nhận sính lễ của nhà họ Viên, có điều
thiếp nghĩ đi nghĩ lại cũng không nỡ. Đêm nay đã là ngày cưới, cha lại cho rằng
không mặt mũi nào trả lại sính lễ nên đích thân thiếp đem tới trả. Lúc đi cha
thiếp đưa ra cửa nói: ‘Con nhãi ngây không nghe lời ta, sau này có bị nhà họ
Tiết đối xử tàn tệ thì có chết cũng đừng về đây nữa’.”
Côn Sinh
cảm vì tình nghĩa của nàng chảy nước mắt ròng ròng, gia nhân cùng mừng rỡ chạy
đi báo cho ông bà hay. Bà Tiết nghe tin không chờ nàng qua chào, vội tới phòng
con trai nắm tay nàng òa khóc. Từ đó Côn Sinh cũng trở nên đứng đắn không đùa
ác nữa, vợ chồng vì thế càng yêu thương nhau. Thập Nương nói: “Trước đây thiếp
cho rằng chàng là người khinh bạc, chưa chắc đã sống được với nhau đến lúc bạc
đầu nên không dám lưu lại con cái nơi trần thế. Nay chàng đã không có ý khác,
thiếp sẽ sinh con trai.” Không bao lâu vợ chồng thần mặc áo đỏ giáng lâm nhà
sinh, hôm sau Thập Nương lâm bồn, sinh một lần được hai con trai, từ đó hai bên
đi lại không dứt. Dân quanh vùng nếu có ai xúc phạm làm thần giận cứ tới năn nỉ
với Côn Sinh trước, sai đàn bà ăn mặc đẹp đẽ vào phòng vái lạy Thập Nương, nếu
nàng cười thì được thần tha tội. Con cháu họ Tiết rất đông, người ta gọi là nhà
Tiết ếch, nhưng người ở gần không dám gọi thế, chỉ có người ở xa gọi mà thôi.